CUNG TÍCH BIỀN - Mùa Xuân có Mơ Bay

12 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 33921)
CUNG TÍCH BIỀN -  Mùa Xuân có Mơ Bay

blankI

Mỗi mùa Đông sắp tàn, trong cái nắng vàng hanh hao đến ứa nước mắt, con người thường hay có những ước mơ đẹp về tương lai.

Mơ mộng là phù phiếm, có đó mất đó. Còn tệ hơn một làn khói thấy. Nhưng mơ mộng cũng là phúc trời cho. Là thần khí, duyên cơ nơi mỗi con người. Có khi sướng rơn người vì mơ ra cái chưa hề tới, không, khó thể xảy ra trong đời thực.

Trong vực thẳm của thực tế, chỗ hiểm nghèo định mệnh, người ta hay mơ thoát. Một nơi, mặt đất luôn rung rinh, bởi động đất bão tố sóng thần lở núi; bầu sinh linh xã hội mịt mù những tối tăm, mất tự do, thiếu công bằng, vắng nụ cười; con người bị tẩy xóa nhân phẩm, bị cường quyền sai khiến trong nhung nhúc bầy đàn - đã triệu phận người đêm đêm luôn giật mình, nỗi hoang mang không rõ thật, nhưng cùng khắp. Những triệu triệu con người luôn mơ (ước) một mùa Xuân của tự do sẽ tới, quanh đây, chốn này. Bao thân phận nhỏ nhoi sẽ thoát khỏi âm u xanh xao, những bế tắt lưu niên đã trở nên ám ảnh siêu hình.

Hồn linh một nắm cỏ bồng, xao xác trong gió nắng, trong âm vang của đêm ngày là mông lung gãy đổ. Là bao la xám màu của suy đồi, lạc nẻo. Có những miền đất bạo tàn mà mỗi con người phải bằng lòng sống héo hon, sống qua ngày trong những thân phận “cũng đành.” Ngó biển xanh để tìm một lối ra khỏi tù ngục. Ngó lên trời cao nghĩ lung mình đang ngồi trên chuyến bay hạnh phúc, trực chỉ tới miền đất Hứa. Như Tản Đà rỗng túi xưa kia, đứng chỗ sân ga nhìn con tàu chuyển bánh, mơ tưởng rằng mình đang ngồi trong chuyến tàu ấy, bon bon chạy về nơi xanh thoáng chân trời. Chao ôi, triệu triệu mơ ước chốn này đã từ lâu hiền lành, đã thu nhỏ lại, cằn cỗi. Như giọt máu sót. Khô đen trên cái xác dĩ vãng. Như bầy ong bị tàn phá tổ, hàng hàng xác đen cháy cánh, nằm bò rải rác, rỉ rả chờ cái chết.

Nào có ai dám mơ tưởng một sớm mai bỗng dưng một đôi cánh mọc ra từ hai bờ vai. Để chính mình bay đi. Đi đâu cũng được, miễn ra khỏi nơi này. Đến đâu cũng được, miễn là không ngột ngạt chốn đây. Ra sao cũng được, cả tử nạn trên từng không. 

Nhưng Mơ Bay, cô ấy sắp bay.
Bằng đôi tay làm cánh.

Mơ Bay có sở năng chịu đựng sự đơn độc, từ khước những giao tiếp, ngồi quán cà phê một mình, không hề dự một lễ tiệc dù đó là đám giỗ ông nội, đám tang của bà dì. Nhưng sau đó cô thường ngồi một mình trên những ngôi mộ thân yêu này, với nỗi nhớ. Ngày Tết nhứt cô không ở nhà cùng cha mẹ đón Xuân; sẽ thoát đi, thoát ra, biến vào một đâu đó, đến một đâu đó, cao nguyên chẳng hạn, bờ biển chẳng hạn. Cô ít khi sử dụng cái gì có máy nổ. Từ nhà đi bộ ra phố thị, ung dung bên cái bị rết đan bằng thổ cẩm; chạng vạng tối về nhà thường không bật đèn, cô ngồi trong bóng mờ một mình; lúc này cô bảo: “Nghe không gian rộng thêm ra, những u uẩn có dịp hòa tan trong mơ hồ.”

Không phải Mơ Bay xa lánh mọi người trong cõi ta bà này vì cô xấu xí, tàn tật. Chẳng méo mồm thâm môi lé mắt đi cà thọt. Chẳng phải mập thùng phuy, chẳng khô đét kiểu gái chậm chồng. Mơ Bay rất đẹp, học giỏi, trưởng thành trong một gia đình nền nếp, giàu gia hạnh.

Mơ Bay còn trẻ. Mộng ước của cô lớn lao, ngoài giới hạn.Thông thường, những ý tưởng lớn lao của tuổi trẻ luôn lồng trong đó cái hoang mơ, hư tưởng. Cô hiểu rằng, với đôi tay có ngày cô sẽ bay như chim. Hoặc mái tóc cô, sẽ là đôi cánh. Tư tưởng sẽ biến cô nhẹ tênh. Ý chí là nhiên liệu. Mơ Bay. Bay ngọt ngào. Anh ạ, vì em có một đôi cánh vô hình. Siêu nhiên là lực đẩy em lên cao.

Mơ Bay giải thích nguồn gốc loài người một cách hài hước, đấy chất u-mặc. Nhất định rằng loài người không là hậu duệ của tinh tinh, khỉ, vượn. Muôn triệu năm trước loài người chính là loài chim. Vì ham rong chơi trên mặt đất, ham suối trong, rừng xanh và thích tắm biển nên sa đà vào kiếp đi bộ. Sáu tỉ con người hiện nay chính là lớp giấy bạc bọc cái viên kẹo tròn tròn bên trong là trái đất. Nô lệ đất. Mơ Bay chìa bàn tay ra, bảo rằng mười ngón tay thon dài, chìa hỉa kia của cô, chính là những sợi cánh của lông chim biến thể theo quy luật thích ứng. Thích ứng với việc tầm phào như cầm bút viết văn, làm thợ mộc, vuốt tóc âu yếm nhau, cầm bỏ lá phiếu chọn người làm cha mình trong mỗi đất nước.

Có thể cô Mơ Bay điên. Nhưng điên thì đã sao. Bấy nay điên cả nước. Điên từ ngón tay bóp cò tới đường đi điên của hòn bom trái đạn. Núi rừng điên, suối nguồn điên, thì đã sao. Điên thập loại chúng sinh. Ở một nơi, bọn làm cách mạng từng là lũ điên, mở đường cho xứ sở vào Cõi Mù. Bọn trí thức cũng rặt điên, chôn cất tư cách của mình trong sâu đường hầm đầu hàng, sợ hãi. Nghệ sĩ hà, cũng điên lung. Bọn người được liệt là danh giá đạo hạnh của thời đại rặt là kẻ bất thường, lắm hành tung trong phù phép hoang dại, gieo trong nhân gian những niềm tin phản đạo. Trong mênh mông một cõi người sống đó, thở đó; sớm tối đi về cánh cửa mở khép, chẳng ai hiểu vì sao địa ngục lại dễ dàng tìm thấy; mà thiên đàng thì lúc ngoẻo củ tỏi trong hòm gỗ, mới nghe loang thoáng bên ngoài, chỗ nhang khói lời cầu chúc an vui thiên đàng.

Người ta đã có thể đưa Mơ Bay vào nhà thương điên, như xưa kia Mai-a đã từng vào. Có những nhà thương điên dành cho những con người cực tài năng, tuyệt minh mẫn.

Có những cánh cửa sắt thay vì nhốt những con vật, mở toang ra nhốt con người. 

II 

Mơ Bay, một ngày, nhất định hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Cô ngồi trong quán nước, sông trôi ngoài kia, bên kia bờ xa hãy còn hàng cây xanh, những mái nhà lấp lánh nắng. Những ghe đò, thuyền máy từ nhánh sông này ra cửa biển bồng bềnh vì cơn gió lớn lúc thủy triều đang lên. Có một con nước lên trong hồn Mơ Bay. Có một dòng thác trắng cô thấy khi nhìn dòng người bâng khuâng trên con đường cuối năm, tàn mùa.

Giọng nói cô ấm áp. Đôi mắt cô biết cười. Nhưng màu tóc đen u ẩn của cô chừng như lạnh lạnh. Như lưu tồn cơn ma đêm của hư hoang. Sao hôm nay Mơ Bay có cái cách của một bà Bóng. Sẽ tan hồn trong tiếng nhạc cà giựt một khí hậu nhang khói chỗ lên đồng. Khí hậu của giao hợp âm dương. Nửa khơi dục của thân hình nữ uốn éo, chìa mông lắc ngực, một nửa kia âm u thần bí từ ngôn ngữ kinh tụng.

Mơ Bay nói. Mơ Bay tâm sự. Tiếng cô nói hình như không đi từ miệng cô tới lỗ tai người nghe trước mặt. Nó lang thang, vòng vo. Như ai nói ở xa kia trong trà trộn đủ thứ tạp âm đời, quanh đây. Tâm sự của cô, như âm vang đi tới từ cái ghế đá, hốc cây, từ viên gạch lót đường. Như đất đai đau, đành cất tiếng. Như hồn oan rỉ rả. Đôi mắt Mơ Bay là khá hoang mị. Chừng như cả tinh lực kia đang chìm trong cái ý tưởng rất hư hoang mà cô diễn bày:

“Em là thiên thần sờ nắm được giấc mơ. Phải dựng mộng dậy. Gắn xương cốt cho mộng. Mỗi cơn mộng phải là một có thực. Như cây trên đồi. Như vật thể hiện ra quanh đây. Mộng phải thấm được nước. Bốc cháy khi gặp lửa. Ta nói thì mộng phải biết nghe. Ta thổ lộ niềm mong ước, mộng phải OK. Anh ạ, ‘Nó,’ cái vô hình hiện ra đó. Giấc mơ ‘Nó’ đang bước tới. ‘Nó’ chào và bắt tay em.”

“Bắt tay được với một Cái-Trống-Rỗng, thì phải đáng rùng mình”
“Chính giấc mơ nó sử dụng em.”
“Cũng như anh, anh nhà văn ạ, anh bị huyền hư sử dụng”
“Rồi anh sẽ vẽ lại giấc mơ của em qua giọt màu có thật.”

Một ngày cận Tết, những mầm hoa đang ủ hương trong búp. Chờ vỡ òa trong nắng đầu xuân. Mơ Bay nói: “Khi những nụ mai tàn, em bay.”

Sao là tàn một mùa nở rộ, em mới bay?

Có một người đàn ông bước chậm rãi lên thang lầu. Bước vào phòng ngủ. Đã quen cái cách của Mơ Bay, ông không bật đèn. Qua ánh sáng đèn đường rọi vào ông thấy một sự bày biện khá lạ lùng. Mền gối chăn mùng giày dép, áo quần đồ trang điểm của Mơ Bay được thu gom vào cái bao tải bự. Ngoài, có hàng chữ : ‘Đồ ve chai.”

Có một là thư dằn trên mặt bàn:

“Anh ạ, em Ra-Khỏi rồi. Hồn ra khỏi. Xác em là ve chai trong bao tải.

“ Hồi đầu em trèo lên ngọn cây sọ khỉ, nhưng cành lá nhiều quá không cất cánh được. Em lên nóc một cao ốc, nhìn thành phố bên dưới như một bãi tha ma trắng, những nhà cao tầng là những ngôi mộ lớn, em lại thôi, cất cách nơi này chăng thơ mộng chút nào.

“Em sẽ lên cao nguyên. Bên vực thẳm giữa hai hẻm núi, em bay. Anh yên chí, em không hề rơi xuống vực sâu. Chính đôi mắt ta nhìn hẻm núi thăm thẳm bên dưới. Sợ hãi kia, thay vì đầu hàng rơi xuống, sẽ giúp em mạnh mẽ bay lên cao.

“Anh sẽ thấy trong trời mùa Xuân này một con chim lạ. Em đấy. Khi một con chim biến ra một con người là số phận khốn nạn. Con người biến được thành con chim là hạnh phúc, là ân sủng của tự do.

Hôn anh.

Em của anh

Mơ Bay” 

III 

Giấc mơ bị bể sọ não. Một cái vô hình bị thương tích. Một cái vô hình đang được chỉnh sửa. Rất mong manh hồi sinh.

Có tiếng máy lạnh ro ro chỗ phòng hậu phẫu. Toàn thân Mơ phủ chăn trắng. Một cái đầu, qua hai vai, được băng bó kỹ lưỡng, chừa ra hai con mắt nhắm. Hai lỗ mũi được chụp một cái gì đấy gọi là cho thở ô-xy. Vùng miệng được chặn một cái gì đấy gọi là để thương tật nhân động kinh không tự cắn đứt lưỡi. Một cái bịch nước gì trong vắt gọi rằng truyền nước biển.

Hình như có gãy cần cổ

Bà mẹ ngồi cạnh giường. Buồn bã than thở khi có một người, mà bà biết có liên hệ tới những điều không tưởng, tới thăm. Bà nói:

“Nhà văn ơi, mong ông tha cho con nhỏ nhà tôi. Nó mơ hoang, mà gặp ông, nhà sáng tác, thì gia đình này rặt màu bị gậy. Hãy cho chúng tôi xa cách với văn chương. Hãy trả Mơ Bay về với cái thực tế dù thô bạo, đầy rẫy đắng cay và buồn phiền này.”

Nhà văn ngồi im lặng. Ông bâng khuâng nhìn vào cái có tứ chi màu trắng, tuồng như là cái thi hài. Thi hài miệng ngậm một cơn mơ không thành. Một cơn Mơ trắng. Trong khí hậu ông đang ngồi hít thở đủ kiểu cho bớt ngột ngạt, trong xã hội đen màu bùn ông đang sống, mới hôm qua, cái thi hài trắng này tràn đầy hy vọng thoát ly. Mơ rằng được cất tiếng hát nơi xa kia, được viễn mộng bắt tay, OK ôm vào lòng. Mơ kia, là hiện thân của thiên thần, là cô đọng của khí thiêng, giờ đây đang hấp hối. Hồn Mơ hòa trong hơi ê-te. Xác Mơ dưới lưỡi dao mổ phạch cái não cái tủy để soi ngắm dưới ánh đèn cấp cứu.

“Anh có thấy đường bay của con hạc vàng kia không? Anh ạ, em sẽ bay thanh thoát. Em nhẹ lướt như mây. Em sẽ tường thuật anh hay khi em nhìn về trái đất dưới kia nhỏ nhoi như một hòn bi xanh (xao). Nếu anh không bắt được đường truyền tín hiệu của em thì anh nên mừng là em đã thoát ra được ngoài vùng “phủ sóng” của cái xã-hội-có-nhãn-hiệu-Người.”

Cha cô Mơ ngồi xa hơn. Mái đầu bạc. Đôi mắt sâu, u uẩn. Có thể cô Mơ là cái thừa kế của một cuộc đời ẩn mật này.

Nhìn con người đang trôi hoang mang giữa hai bờ, bên này Mơ, bên kia là Mơ Bay, người cha nói:

“Anh là nhà văn. Anh có thể vẽ ra thần linh, điều động ma quỷ. Một tay viết tài tình, đa mộng tưởng của anh mà ra. Lần này, mong anh chỉnh lại nhân vật của anh đi, trong đó có con gái tôi. Anh có thể dùng những giọt mực huyền ảo, vẽ lại được những giấc mơ của mình một cách khác kia mà. Đâu cần có Mơ Bay nhà chúng tôi anh mới thực hiện được cuộc đào thoát của anh ra khỏi cái vực thẳm khốn khổ này. Tôi không phê phán rằng anh đúng sai, tốt xấu, chỉ mong cái phúc huệ của nhà tôi.”

Nhà văn từ tốn:

“Đa tạ. Tôi sẽ sửa lại bản thảo. Nhưng nhặt Mơ ra khỏi trang chữ thì tôi còn gì để viết. Bóng tối chính là nền. Âm bản là phản chiếu kỳ ẩn. Đôi khi mồ-hôi-nước-mắt-luống-cày-tiếng-chim-núi-non-suối-nguồn, chúng từ trang viết biến ảo đi ra. Cõi đời, cuộc sống có thật đã biến hình thay dạng qua ngọn bút. Tôi chỉ là phần hồn của Mơ. Đúng ra Mơ là ngọn đèn, tôi ánh sáng. Đèn tắt, chẳng còn tôi.”

Cha cô Mơ tâm sự:

“Nhà văn có thể nhặt ánh sáng từ vô cùng chỗ tối tăm kia mà. Văn chương nghệ thuật hóa biến thực hư cả rồi. Con gái tôi bây giờ không là con của chúng tôi nữa. Anh ạ, nó là nhân vật của anh. Nó là ảo khi chúng tôi đã từng nuôi nó bằng sữa tươi, tình thương và hy vọng.

“Xưa kia, trước khi Mơ ra đời, tôi trói thân trong thân phận chiến bại, đi tù trong sâu núi rừng. Ngày trở về, cũng như anh, thay vì ra đi, chúng ta ở lại xứ sở này. Chúng ta hiểu ra thử thách, đối diện địa ngục mà không đi tìm thiên đường bất cứ nơi đâu. Chúng ta chấp nhận một cuộc sống cũng đành, trong thân phận đã định, vì yêu cánh đồng, nội cỏ này.Vợ tôi mang thai những ngày hoang mang. Mơ Bay ra đời, được ông bà ngoại nuôi dưỡng, Một đứa trẻ ngày ngày chạm mặt với những Nỗi-Già. Ngày ngày, với Mơ, xã hội càng tù túng, lạ lẫm. Cái bất hạnh của Mơ Bay là quá thông minh, giàu mộng tưởng, và dị ứng với chung quanh. Nỗi khốn cùng của tuổi trẻ hôm nay đổi với những ai kháng lại sự đồng lõa, đồng hóa. Tai nạn tới với những ai dừng lại, quay lui trước con roi sắt âm mưu lùa con người về phía bầy đàn.”

Bà mẹ khui một chai nước suối đặt trước mặt nhà văn. Ông ta đã từng bao phen chết hụt vì màu Đỏ trong thế giới Đỏ. Như con mèo bị tưới nước sôi, sợ cả nước lạnh. Bây giờ ông ớn cả màu trắng, ngay cả màu nước suối.

Màu trắng là nơi chứa chấp, ẩn mình của vạn màu sắc. Cũng là nơi chốn lưu đày, để sắc màu tự hủy. Nhà văn tự nhủ:

“Giả dụ dùng một phương tiện chiết lọc tốc độ ánh sáng để chúng, những sắc màu ẩn mình trong màu trắng trở về sơ nguyên, thì giấc Mơ trắng của Mơ Bay sẽ là màu gì? Mơ Bay không thể trả lời. Nhưng thể thái ấy chắc sẽ hiện ra bảy màu cầu vồng.

“Trong những chiều mưa xưa, nắng quái đã lọc màn mưa, hóa ra cái mống cấu vồng nơi chân trời. Thưở nhỏ, chúng ta hay chạy về phía ấy, phía cái hào quang sắc màu trong màn mưa thưa. Thấy nó thật gần, mà chạy mãi chẳng bao giờ bắt gặp. Càng chạy tìm, cái mống, nhịp cầu huyền ảo kia càng lùi xa mãi... Đó chính là cái khoảng cách cố định để ánh sáng đủ thời-không- gian lọc màu đưa vào đôi mắt của chúng ta, khi chúng ta không đủ thần thông thu ngắn khoảng cách để bắt được cấu vồng. Với lịch sử, đó cũng là cái khoảng cách mang tính hố thẳm để xương máu người biết rõ sự thử thách, sự tồn vong của một lý tưởng. Trong cái khoảng cách định mệnh đó bao nhiêu đứa trẻ trốn tìm, bao nhiêu tuổi trẻ hóa thân làm phù du.”

Nhà văn ngồi hơi cúi xuống. Ông hiểu đôi chân mình đang trên mặt đất. Nhưng não thùy đã lìa xa cái nơi cần cắm rễ sinh tồn. Người cha nhìn cái chừng-như-một-thi-hài-trắng, nói với nhà văn:

“Mộng tưởng của nhà văn đấy. Bây giờ nó là hiện thực thương tích kia. Nghệ thuật vẽ ra những định mệnh, tạo ra bao ước vọng. Nhưng nghệ thuật cũng đánh lừa chúng ta. Giờ đây tôi đã rất phân vân. Chúng tôi nên thương Mơ xương thịt gia đình tôi hay nên yêu cô Mơ sáng tạo của nhà văn, một cô Mơ đẹp hơn cả những giấc mộng bình thường. Chúng tôi nên yêu quý Mơ Bay tầm thường trong đời thực, hay trân trọng cô Mơ giàu lý tưởng, yêu tự do, muốn ra khỏi bóng tối, như cô Mơ trong trang viết của anh.”

“Thưa ông, là mong manh bọt nước cả.”

“Nhưng không có cái bao la sóng vỗ trong tâm linh anh làm sao có chút bọt bèo này. Anh đã rất tài tình. Nhưng trong tài tình nó có cái hững hờ, cái ác.”

Có mây mù giăng ngoài xa khung cửa kính bệnh viện. Người cha lại hỏi:

“Anh viết văn bằng gì?”

Nhà văn cẩn trọng và trầm tĩnh. Vì câu hỏi, trong suy nghĩ của nhà văn, nó không gợi ra hình tượng của viết và mực, của máy đánh chữ, hay cái laptop. Không phải là Viết, mà là tra vấn cái Viết Văn. Không là cái phương tiện hành động mà truy tìm cái uyên nguyên, cái ngẫu nghĩ tương phùng giữa mộng và thực. Nên câu trả lời sẽ có khi treo móc vào khoảng trống. Nhà văn nói :

“Bằng thế giới ảo.”

“Vậy hôm nay là ngày mồng tám Tết, có bọn trẻ nhỏ áo mới đùa vui, có cơn mưa Xuân đổ ở xa xa kia ngoài khung cửa kia, có là ảo?”

“Nơi mỗi tâm thức. Có thể đó là cái có thực trong một Xứ Sở luôn Mùa Đông.”

Người cha cười nhẹ, giọng ấm áp:

“Chúng tôi là những con người tầm thường giữa tục lụy, có một lằn mức nhất định khó thể vượt qua. Đó là độ hiểu biết, thẩm thấu tâm hồn cao vượt của những nghệ sĩ. Nhưng nhà văn ạ, băng bó, cứu chữa xong, tôi sẽ mang Mơ của tôi về bằng một chuyến xe có thật. Nó có thể bay bằng đôi cánh ảo của nhà văn, nhưng nó trở về trong sự âu yếm chúng tôi bằng một đôi chân có thật.”

Nhà văn buồn bã đứng dậy đi về phía khung cửa kính ánh nắng. Quả là có thật xa kia một cơn mưa bụi giữa lòng mùa Xuân.

Ông nhắm mắt và thấy Mơ Bay đang bay lơ lửng trong không. Trời vừa nắng vừa mưa, mây liêu trai, và gió cỏ lau. Nàng bay, thơ mộng lãng đãng như giấc mơ nghệ thuật trong thế giới Chagall. Mái tóc nàng tung về sau như một làn khói đẩy nàng lên cao. Tự dưng ông cảm thấy một nỗi nhớ mơ hồ. Một đám khói của tâm linh nhắc nhở.

“Anh ạ, em có một đôi cánh vô hình, một lực siêu nhiên sẽ đưa em Ra Ngoài...” Ông hiểu: “Mơ của tôi vẫn còn Bay.”

Bồ Đề Cốc - 2009

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 21411)
Dường như ghét mà… dường như thương/ sao chưa hết giận lại đến hờn
28 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 21623)
có quyền năng hơn nhiều nước mắt/ nó ám dụ cái nhìn
26 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 19860)
Những ngày gần đây, với tôi, Nguyễn thị Khánh Minh là nhà thơ nữ có được cho mình một mùa thơ bội thu
25 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 20765)
sửa lại cái nhìn đã mệt/ huống chi chắp vá cả vuông trời/ nửa mùa hè đỏ rực
23 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 18351)
Tôi kỵ tên Mike! Chưa tới đỗi ghét, chỉ kỵ! Phải nói Mike là cái tên khá tốt.
21 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 21645)
Khi chúng tôi ngồi cùng nhau/ uống những ly rượu và hát tiễn một người bạn đi về cõi đất
19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 24379)
có quyền năng hơn nhiều nước mắt/ nó ám dụ cái nhìn
18 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 22587)
Nhẩy qua những dấu phẩy (*)/ Treo ngược hoàng hôn trên sợi lông
17 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 25060)
nó cúi xuống/ cái gục đầu buồn hơn vỏ ốc/ không tiếng u ơ
16 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 24483)
Mèo Con ơi ! Em ở mô xa ngái ?/ Cơn mưa chiều bất chợt nhói lòng anh
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17056)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12265)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9177)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8349)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19184)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11067)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,