Bữa Tiệc Đêm Giáng Sinh

24 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 18433)
Bữa Tiệc Đêm Giáng Sinh

 

demthanhvocung_content-content

 

 Đi học về, Đương vội vã ghé trường tiểu học gặp bà Hiệu Trưởng theo lời nhắn của cô thư ký. Lúc bước vào văn phòng, anh mới hay bà muốn anh đến nhận quà Giáng Sinh do học sinh và nhà trường tặng. Đương là nhân viên quét dọn chính cho trường tiểu học duy nhất của thành phố. Bà hiệu trưởng biết anh là người Việt tỵ nạn độc thân nên đã gợi ý cho học sinh và thầy cô quyên tiền mua quà tặng anh. Hôm nay Đương không ở lại quét dọn trường học như thường lệ vì học trò sẽ nghỉ Giáng Sinh tới sau tết Tây. Anh dự tính sẽ quét dọn lau chùi các phòng học sau mấy ngày nghỉ lễ. Đương nhận quà và cảm ơn mọi người rồi về thẳng nhà.

 

 Buổi chiều áp Giáng Sinh, thành phố trở lạnh bất ngờ. Đoạn đường về nhà bỗng nhiên dài hơn thường lệ. Thành phố bên bờ vịnh này ít khi có tuyết vào mùa đông, nhưng năm nay tiết trời trở chứng. Sáng nay anh nghe mang máng trên đài tuyết có thể sẽ rơi lác đác tối nay. Chưa bao giờ anh nhìn thấy tuyết tận mắt nên cũng nao nức chờ tuyết rơi. Về đến nhà, không cởi giầy, Đương nằm dài trên ghế sôfa định ngủ cho hết buổi chiều vì chẳng biết đi đâu. Vả lại, cả tuần qua thức khuya học bài thi cuối khóa nên anh đã thấm mệt. Nằm lim rim, Đương chợt nhớ đến Tâm-Hiền, người con gái chàng quen trong trại tỵ nạn. Sau khi rời trại, gia đình nàng định cư ở một thành phố nhỏ bang Nebraska. Năm ngoái nàng gửi anh lá thư dài mấy trang kể truyện tuyết rơi đêm Giáng Sinh. Năm nay có lẽ đã lấy chồng hay có người yêu mới nên Đương không nhận được thư nàng. Tự nhiên anh cảm thấy buồn da diết và thèm khát một người con gái ở bên mình chiều nay.

 

 Năm nay là Giáng Sinh thứ hai của Đương trên miền đất lạ. Vừa vào mùa nghỉ học, Đương chẳng biết làm gì lấp đầy thời giờ rảnh rỗi. Người bạn Việt Nam duy nhất, anh chơi thân trong thành phố, mấy tháng nay ít tới chơi vì đã mua xe mới và có cô bạn da trắng rất chịu chơi nên anh ta bận rộn. Trong lúc trằn trọc chưa ngủ được, anh nghĩ về bữa cơm tối. Đương mường tượng một món ăn đặc biệt nào đó mà không ra. Thành phố chưa có nhà hàng Việt Nam hay tiệm bán thực phẩm Á Châu nên anh chẳng biết phải nấu món gì mình đã ăn hay chưa từng được ăn trong những đêm Giáng Sinh ở quê nhà. Anh định lái xe sang New Orleans, lang thang trong khu French Quarter cho hết đêm Giáng Sinh và sáng mai ghé Café Du Monde ăn bánh bột chiên vàng, uống càfê đen, nhìn mấy người Việt Nam chạy bàn trong quán cho đỡ nhớ nhà. 

 

 Không có ai thân thiết trong thành phố mời anh đến chơi hay rủ đi lễ đêm Giáng Sinh. Vợ chồng người bảo trợ anh mới ly dị và cả hai đã dọn đi xa. Dân số người Việt trong thành phố này vỏn vẹn ba gia đình và năm đàn ông độc thân kể cả Đương. Bốn người độc thân kia là những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa được gửi sang đây học sửa chữa cơ khí cho Không Quân, họ cùng theo học trong căn cứ không quân Kessler ở thành phố Biloxi nên biết nhau. Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam, họ được chuyển sang dạng di dân tỵ nạn, được thuê làm việc trong nhà bếp căn cứ không quân và mướn nhà ở chung. Đương là tên tỵ nạn vô gia đình sống một mình trong thành phố này. Anh cũng là người Việt đầu tiên theo học chữ tại Đại Học Cộng Đồng. Có mấy người Việt ở những thành phố lân cận học chung trường nhưng họ học các ngành như thợ điện, thợ hàn hay sửa xe và có gia đình nên Đương ít có dịp gặp và không chơi thân. Người bạn cùng tuổi, anh chơi thân, ở với cha mẹ và làm thợ sơn cho một hãng sửa xe cũ nên cách sống và lối suy nghĩ của anh ta rất khác Đương, nhưng hai người vẫn lui tới nhau vì cùng cô độc. Lúc anh bạn thợ sơn này còn lái xe cũ, chưa có bồ Mỹ, chiều thứ sáu nào cũng ghé rủ Đương đi chơi. Có khi họ sang New Orleans, lang thang trên đường Bourbon tới sáng, có khi đi xem phim, la cà ở mấy quán rượu, hay đến phòng khiêu vũ rẻ tiền tìm mấy bà Mỹ trắng tuổi hồi xuân, khiêu vũ điệu Country Music cho đến khuya. Dĩ nhiên là những cuộc đi chơi này đều do người bạn sơn xe bao vì Đương chỉ làm đủ để trả tiền thuê nhà, tiền ăn, và tiền xăng đi học dù anh rất giới hạn việc lái xe. Chiều nay buồn quá, anh định một mình lái xe đi đâu đó cho hết đêm. Nằm nghĩ miên man rồi Đương ngủ lúc nào không hay.

 

 Khi Đương giật mình thức dậy, bên ngoài trời đã tối. Nhìn đồng hồ trên tường anh mới biết mình đã ngủ một giấc quá dài. Bây giờ gần mười một giờ khuya. Anh đói bụng nhưng nhà không còn gì ăn ngoài món bún Ý anh nấu dư để trong tủ lạnh. Đương vội vã rửa mặt đi chợ mua thực phẩm cho ngày mai vì các hàng quán sẽ đóng cửa mười hai giờ đêm nay. Khi ra xe anh cảm thấy lạnh buốt và lái xe vội vã đến chợ thực phẩm Winn Dixie gần nhà. Bầu trời xám dầy đặc mây nên không có bóng sao đêm. Hai bên đường nhiều sân nhà rực sáng long lanh đèn màu. Có nhà treo đầy đèn lên những cành cây trước sân làm cả góc đường sáng rực. Anh mở đài trong xe nghe nhạc Giáng Sinh. Đương có cảm tưởng như chỉ còn mình anh đang lái xe trên quãng đường này.

 

 Sân đậu xe ở chợ vắng tanh. Hình như anh là người khách cuối cùng bước vào chợ. Cô chiêu-khách mỉm mười chào và người thu dọn đang vội vã lau nền nhà để về ăn mừng Giáng Sinh với gia đình. Đương ghé lại quầy thịt, hàng chục con gà lôi bọc kín trong bao nhựa được xếp ngăn nắp gần quầy bày đùi heo nướng khói bọc giấy bạc màu vàng lóng lánh. Anh nhìn thấy bảng hạ giá trong quầy thịt bò nên ghé lại xem. Bây giờ anh chợt nghỉ ra món anh thèm ăn chiều nay: Steak. Cả đời ở Việt Nam anh chưa bao giờ được ăn một miếng bí tếch như những bữa ăn anh học trong sách giáo khoa Pháp Văn hay nhìn thấy trên báo chí ngoại quốc ở thư viện. Sáu tháng đầu tiên ở Mỹ, sống nhờ bảo trợ, anh chỉ được ăn rau, cheese, trứng và ngũ cốc vì họ là dân Hippy chính gốc lại ăn chay trường để bảo vệ súc vật. Anh chị bảo trợ Đương học yoga, đọc sách thiền, và là hội viên của hội bảo vệ môi trường. Lúc còn ở với bảo trợ, chiều thứ sáu nào anh chị cũng đưa Đương đi nhà hàng nhưng chưa bao giờ anh dám gọi Steak vì món này là một trong những món đắt nhất trên thực đơn. Cách đây vài tuần, anh phải viết bài luận văn ngắn diễn tả cách làm một việc gì đó cho có thứ tự. Cô giáo sư Anh Văn khuyên anh nên tìm sách dạy nấu ăn để coi cách viết công thức món ăn làm thí dụ. Anh ra tiệm sách tìm cuốn dạy nấu các món chuyên về thịt bò. Bài luận văn Đương viết về món bò hầm vang đỏ, Beef Bourguignon hay Boeuf Bourguignon đã được điểm cao và lời khen của giáo sư. Đây là món thịt bò hầm vang đỏ Burgandy, món ăn dân dã ở miền nam nước Pháp đã được nâng cấp thành món ăn sang trọng. Anh nghĩ món này trời lạnh ăn với bánh mì hay cơm hẳn phải ngon miệng. Nhìn quầy thịt, Đương ngần ngừ không biết nên mua mấy miếng Rib-Eye steak về nướng ăn ngay hay mua thịt Chuck Roast để nấu vang đỏ ăn ngày mai. Các lọai thịt bò đều được hạ giá 50 phần trăm. Cuối cùng anh chọn một vỉ Rib-Eye steak có bốn miếng. Mỗi miếng steak được cắt gọn ghẽ như bàn tay và trên những miếng thịt đỏ tươi có những viền mỡ màu ngà ngà trông ngon mắt. Anh lấy luôn miếng Chuck Roast là loại thịt bò để đút lò hay hầm khoai tây và cà-rốt. Biết chợ sắp đóng cửa, anh đi vội sang quầy rau cỏ, lựa vài cũ cà-rốt, vài củ khoai tây, mấy nhánh cần tây, dăm củ hành đỏ, vài tép tỏi, hai trái cà chua mọng đỏ, và chọn hộp nấm tươi. Khi xếp những mặt hàng thực phẩm vào xe chở hàng chợ, anh chợt nhớ là món bò hầm vang đỏ cần có lá Bay, tiêu xay, bột nấu ăn, và thịt ba-rọi hong khói. Cuối cùng thì Đương đã mua đầy đủ các thứ cần thiết để nấu hai món đặc biệt mừng lễ Giáng Sinh. Đương ghé quầy bán rượu, lấy một hộp 12 chai Lowenbrau, bia Đức, loại bia khá thông dụng ở miền nam nước Mỹ và bình vang Burgundy hiệu Inglenook, thứ vang đỏ bình dân, nhưng dễ uống lại có thể dùng để nấu món thịt bò anh đang tưởng tượng trong đầu. Lúc tính tiền, anh giật mình vì lần đầu tiên đi chợ tốn kém như vậy. Anh tự nhủ, lâu lâu ăn sài hoang phí cũng không sao, vả lại lễ Giáng Sinh không lẽ nấu món bún Ý, Spagetti, với thịt bò bằm, món anh nấu thường xuyên vì vừa rẻ vừa nhanh.

 

 Ra khỏi chợ đúng 12 giờ đêm. Tự nhiên anh nghĩ đến nhà thờ và những bài thánh ca Giáng Sinh đã hát từ thuở bé. Thay vì về nhà anh lái xe băng cây cầu bắc ngang eo vịnh nối thành phố Biloxi và Ocean Springs để đến ngôi giáo đường hình ống nằm đối diện bờ vịnh và khu nhà máy đóng hộp tôm sò nơi anh đã làm việc cả mùa hè năm ngoái. Đây là ngôi giáo đường Công Giáo duy nhất nằm ven bờ vịnh. Trận bão Camille tháng tám năm 1969 đã tàn phá bình địa nhiều nhà và công sở quanh khu giáo đường, nhưng ngôi nhà thờ có kiến trúc dị hợm này vẫn đứng vững. Lúc đến nhà thờ, sân đậu xe chật kín, anh phải cho xe đậu lên lề cỏ.

 

 Bước vào nhà thờ với cảm giác xa lạ khó tả, Đương không tìm chỗ ngồi nhưng cố ý đứng cuối nhà thờ tựa lưng vào tường như những lần anh dự lễ nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt ngày xưa. Người dẫn khách đưa tay ra hiệu còn chỗ ngồi phía trên, anh lắc đầu mỉm cười từ chối. Vị linh mục già đứng trên bục giảng, mặt hớn hở giọng nói hùng hồn trên máy phóng thanh. Ông đã giảng bài này mấy chục Giáng Sinh rồi nên xuôi chảy trơn tru. Dù nghe và hiểu chỗ được chỗ không, Đương vẫn cảm được nỗi hân hoan vui mừng toát ra từ giọng nói và cử chỉ của vị linh mục già. Khi vị linh mục vừa nói xong, anh định bỏ về, nhưng bất chợt bắt gặp ánh mắt và nụ cười của bà cụ từ hàng ghế trước quay xuống nhìn làm anh chợt nhớ đến mẹ mình. Anh nghe được trong trí nhớ lời răn dạy của mẹ về những lần anh trốn lễ chủ nhật hay bỏ lễ ra ngoài chơi với bạn. Đương mỉm cười nghĩ về mẹ và quyết định ở lại tham dự hết thánh lễ.

 

 Nhìn quanh, Đương biết mình là Á Châu duy nhất đến dự thánh lễ nửa đêm. Ai cũng trang phục chỉnh tề đẹp đẽ. Đương chỉ mặc chiếc quần Jean bạc màu mua từ tiệm bán quần áo dành cho người nghèo và áo khoác mỏng vợ chồng bảo trợ cho từ Giáng Sinh năm ngoái. Sự xuất hiện của anh cuối nhà thờ gây chú ý cho một vài người đứng trong những hàng ghế trước mặt anh. Đến nghi thức chúc bình an, cả hàng ghế trước đi xuống chỗ anh đứng, người bắt tay, người hôn lên má để chúc bình an. Chưa bao giờ anh được nhiều người đến ôm như vậy. Trong lòng Đương tự nhiên lâng lâng theo tiếng hát vui tươi rộn rã của ca đoàn. 

 

 Tan lễ, sân đậu xe nhộn lên vì trời lất phất tuyết. Ở thành phố ven vịnh này tuyết rơi đêm Giáng Sinh là điều rất hiếm. Dù tuyết chỉ lất phất vài phút cũng đủ làm cả thành phố xôn xao lên. Khi đưa xe ra khỏi sân nhà thờ, Đương định quay lên hướng thành phố Gulf Port một vòng xem tuyết có rơi nhiều không rồi mới về, nhưng anh đổi ý. Lúc sửa soạn lên cầu về lại Ocean Springs, anh thấy có bóng người đứng vẫy tay bên lề. Đương cho xe chậm lại để đón người quá giang. Anh vẫn làm thế mỗi khi thấy người đưa tay vẫy xin quá giang. Chính anh cũng thường quá giang đi học mỗi ngày lúc chưa có xe hay xe hư. Khi xe ngừng bên đường, anh lên đèn cấp cứu và vươn người sang mở kính cửa xe bên ghế khách ngồi, hỏi vọng ra, “Do you need a ride? Bạn cần quá giang không?” Vừa hỏi anh vừa nhận ra người đối diện là phụ nữ trạc hai mươi. Người con gái không trả lời nhưng hỏi lại.

 “Anh cần có bạn gái đêm nay không?”

 “Không!” Đương trả lời chẳng suy nghĩ, “Nhưng nếu cô cần đưa về nhà, tôi sẵn sàng.”

 “Tôi không muốn về nhà!”

 Vì không thể cho xe đậu bên lề đường lâu sợ cảnh sát làm phiền, Đương nói vội, “Mở cửa vào xe kẻo lạnh.”

 

 Cô gái vội vã mở cửa xe và Đương thấy rõ dung nhan người quá giang. Cô ta mặc áo thun mỏng mầu đỏ hở cổ, để lộ gần hết nửa ngực, quần đùi ngắn cũn bó xát mông và mang đôi giày ống gót cao đen lánh. Cô ta ngồi xo người lại trên ghế như cố dồn hết sức chống lại hơi lạnh của gió từ ngoài vịnh thổi vào. Máy sưởi trong xe anh bị hư nên không thổi ra đủ hơi ấm dù anh mở lên cao độ. Đương thấy ngột ngạt vì mùi nước hoa toát ra từ người khách lạ làm khó thở. 

Bây giờ anh đã biết cô ta làm nghề gì. Đương lái xe lên cầu và nhắc lại, “Cô muốn đi đâu?” Cô gái không trả lời nhưng hỏi lại.

 “Có chỗ nào ăn? Tôi đói qúa!”

 Đương đập bàn tay lên vòng lái cười, “Bộ cô không biết đêm nay là đêm Giáng Sinh? Giờ này làm gì có chỗ ăn khuya.”

 “Nhà anh ở gần?”

 “Gần”

 “Anh có gì cho tôi ăn không?

 “Dĩ nhiên có!”

 Vừa lái xe anh vừa tò mò muốn biết thêm về người con gái này. 

 

Cô ta nói Anh Văn còn vấp váp và cứng giọng như Đương. Anh định hỏi cô ta đến từ đâu nhưng cô đã hỏi anh trước.

 “Anh người Chinese and Japanese?”

 “Cô nghĩ sao?” Đương cười hỏi lại.

 “Tôi nghĩ anh là người Nhật”

 “Không phải.”

 “Người Tàu?”

 “Cũng không phải luôn.”

 “Người Mỹ da đỏ?”

 “Hay quá! Gần đúng rồi!”

 “Chịu thua!” Người con gái bật cười rất tự nhiên.

 “Vietnamese!” Chàng trả lời.

 “Anh là người Việt đầu tiên tôi gặp.”

 “Thế là cô may mắn đấy!”

 “Tôi có đứa bạn kể nó đã ngủ với đàn ông Việt Nam ở gần căn cứ không quân Kessler Air Force Base.”

 “Bạn cô làm nghề gì?”

 “Sinh viên!”

 “Còn cô!”

 “Cũng vậy”

 “Sao lại đứng đường đêm nay?”

 “Cần tiền!’

 “Ai mà không cần tiền!”

 “Đói quá! Mau mau về nhà cho tôi ăn!”

 

 Cũng vừa đến lúc Đương phải tẽ bên phải để vào con đường nhà mình. “Chừng hai phút nữa sẽ đến chỗ tôi ở. Tôi ở Trailer House nên chật chội và bề bộn lắm.”

 “Đừng ngại, anh cho tôi ăn đêm nay là quí hóa lắm! Vả lại có một chỗ riêng để ở là hạnh phúc hơn tôi rồi!”

 “Cô cứ coi mình như người khách quí của tôi đêm nay.”

 Người con gái cười sặc sụa, “Tôi chưa thấy ai khờ như anh! Tôi sẽ ngủ với anh để trả ơn anh. Đừng coi tôi là khách của anh.”

 “Sao cô biết tôi muốn ngủ với cô?”

 “Xin lỗi!” Cô ta hơi khựng lại, “Anh thích người cùng phái? Hay chê tôi?”

 “Cả hai điều đều sai. Nếu tôi muốn tìm gái để ngủ đêm nay, tôi đã không đến nhà thờ dự lễ Giáng Sinh. Lúc tôi đón cô là khi tôi vừa ra khỏi nhà thờ.”

 “Bộ những người đi nhà thờ như anh kiêng ngủ với đàn bà đêm Giáng Sinh?”

 “Không phải thế!”

 Đương sực nhận ra mình chưa biết tên người quá giang. Anh quay sang hỏi, “Mà này! Cô tên gì?”

 “Selena! Tưởng anh không cần biết tên tôi. Còn anh tên gì?”

 “Đương!”

 “Tên khó đọc quá, sao không lấy tên Mỹ như David hay Dave cho người ta dễ đọc dễ nhớ!”

 “Cô nói chuyện ba trợn, nhưng tôi thích cách cô nói chuyện rồi đấy!”

 Người con gái lại phá lên cười, “Anh làm tôi cười quên cả đói.”

 “Đến rồi!” Đương vừa nói vừa cho xe chậm lại, lên đèn báo quẹo trái để vào nhà.

 

 Cái Trailer House nhỏ, loại nhà di động tiền chế, nằm khuất sau hàng thông cao. Lối vào nhà trải đá sỏi trộn đất nên những ngày mưa lớn rất khó đi. Cho xe ngừng máy, chàng mở cốp lấy thực phẩm đi chợ. Người con gái cũng nhanh tay giúp chàng mang thực phẩm vào nhà. 

 

 Đương thuê được căn nhà này trước khi dọn ra khỏi nhà bảo trợ. Trên một chuyến quá giang về học, anh được ông già Bill, học cùng trường rước về. Trên đường đi hai người truyện vãn lan man đến chỗ ở và ông Bill bảo ông ta có một Trailer House cho thuê nằm trong khu vườn nhà ông. Đương đã dọn vào căn nhà tiền chế bằng thiếc màu trắng ngà cũ kỹ, trông giống chiếc hộp hình chữ nhật được đặt trong khu vườn thông cao. Nhà dù nhỏ, nhưng được chia thành ba gian riêng biệt. Từ cửa vào nhà, phía bên phải là phòng khách vừa đủ kê một sofa nhỏ và bàn cafê. Bên trái là phòng bếp, có bếp điện, tủ lạnh nhỏ và chỗ kê bàn ăn đủ cho hai hoặc ba người. Đây cũng là bàn học của anh. Từ nhà bếp đi vào là phòng tắm, đủ chỗ cho một người đứng tắm và vệ sinh. Người to lớn chắc sẽ gặp khó khăn đứng ngồi trong phòng tắm. Qua khỏi phòng tắm là phòng ngủ, đủ kê một giường cho hai người nằm. Đương dọn về đây gần sáu tháng và căn nhà bề bộn sách vở và báo chí từ phòng khách vào tới phòng ngủ.

 

 Đương để vội thực phẩm mới mua trên bàn ăn. Anh hỏi cô gái, “Ăn tạm bánh mì thịt nguội hay bún Ý tôi nấu còn dư, trước khi nấu món khác?”

 “Cho tôi ăn bún Ý hâm nóng, dễ ăn hơn bánh mì thịt nguội.”

 “Ngồi ghế chờ vài phút! Uống bia không?”

 ‘Uống! nhưng đợi thức ăn rồi uống!”

 

 Đương mở tủ lạnh lấy bún còn dư bỏ vào chảo hâm lại. Mùi hành, tỏi, và sốt cà chua bốc mùi thơm làm anh cũng cảm thấy đói bụng. Anh nướng hai lát bánh mì và phết lên một lớp bơ mỏng cho khách ăn với bún Ý do chính tay anh nấu. Chỉ trong vòng năm phút, thức ăn đã hâm nóng. Anh dọn ra bàn mời khách ăn. Selena ăn một cách ngon lành như người đang thưởng thức một món ăn ngon tuyệt vời. Trong chốc lát, cô đã ngốn hết những sợi bún mì màu vàng nấu với thịt bò bằm và sốt cà chua. Sau cùng, cô lấy bánh mì nướng quyẹt sạch sốt cà chua trên đĩa. Đương mở bia cho mình và khách. Người con gái nâng chai lên uống như người khát uống nước lạnh giữa trưa hè. 

 “Cô còn ăn thêm được không?”

 “Được chứ!”

 “Tôi sẽ làm Steak!”

 “Tuyệt vời! Nhưng làm ơn cho tôi đi tắm.”

 “Cứ tự nhiên! Khăn tắm trong tủ kê ngoài phòng tắm.”

 “Anh chờ tôi tắm xong sẽ giúp anh nấu bếp.”

 “Không sao! Bộ cô nghĩ tôi không biết làm Steak?

 “Tôi rất thích làm bếp nên anh chờ tôi nhé.”

 

 Nói rồi Selena đứng lên lấy khăn vào phòng tắm. Đương đứng rửa chén mỉm cười và nghe tiếng nước chảy pha tiếng hát từ phòng tắm vọng ra. Tiếng nước chảy và tiếng hát của Selena làm căn nhà vui hẳn lên. Nàng không hát bằng tiếng Anh, nhưng bằng ngôn ngữ nghe na ná như Tây Ban Nha. Chàng đứng lắng tai nghe đến lúc nàng hát bài “Te Amo Mucho” chàng mới đoán ra nàng là dân Mễ hay đến từ vùng nào đó ở Nam Mỹ.

 

Khi chàng rửa xong chén đĩa và xếp hết thực phẩm vào tủ lạnh, nàng cũng vừa bước ra khỏi phòng tắm. Selena chỉ quấn khăn tắm lên đầu cho khô tóc. Đương hơi lúc túng trước sự xuất hiện khỏa thân của nàng. Không đi giày cao gót, Selena chỉ cao hơn Đương cái chỏm đầu. Thân hình nàng rất gọn gàng đầy đặn. Người con gái đoán được sự lúng túng của chàng, mỉm cuời hỏi, “Anh cho tôi mượn tạm quần áo mặc cho thoải mái.”

 “Được chứ!” Chàng lách người qua nàng vào phòng ngủ lấy chiếc áo thun màu trắng và cái quần đùi cho nàng mặc. Ngoài bộ này ra, chàng cũng không có gì để nàng mặc cho thỏai mái vì Đương không mang quần áo ngủ nên không có bộ đồ ngủ nào. Cô ta lấy áo và quần mặc thật nhanh rồi mở tủ lạnh lấy thực phẩm ra làm bếp. Nhìn qua những thứ chàng mua, Selena bảo, “Anh định nấu món Beef Bourguignon phải không?”

 “Sao biết?”

 “Tôi là con của người đầu bếp nhà hàng Pháp nổi tiếng ở Mexico City mà!”

 “Cô người Mễ?”

 “Một nửa Mễ một nửa Pháp!”

 “Bố Pháp mẹ Mễ?”

 “Đúng thế!”

 “Sao phải đứng đường kiếm tiền?”

 “Nhà hàng bố mẹ tôi bị cướp! Sụp tiệm. Bố tôi bị rối loạn tâm thần sau vụ cướp. Gia đình đông em. Tôi cần tiền đóng tiền học và tiền ăn. Chưa xin được giấy phép đi làm. Sinh viên ngọai quốc mà! 

 

Vả lại, tôi đâu có đi ăn cướp hay lừa gạt ai để lấy tiền? Anh nghĩ tôi là người tội lỗi?”

 “Không phải! Không phải thế đâu!” Chàng nhấn mạnh.

 “Tôi biết anh nghĩ gì, nhưng đừng lo, tôi không kết tội anh. Anh là người ngây thơ khờ khạo nhất trần gian này. Anh có tin là tôi đã từng bị Mục Sư lừa? Trước khi ngủ với tôi, ông ta đã trả giá sòng phẳng, ngủ xong bảo quên mang tiền. Tôi là người đáng khinh hay ông Mục Sư đạo đức kia? Tôi kẹt tiền không đến nhà thờ xin ăn, nhưng tôi dùng những gì Thượng Đế cho tôi để nuôi sống tôi. Còn ông Mục Sư rao giảng lời Chúa để sống lại dùng tiền nhà thờ làm việc mà chính ông ta bảo là tội lỗi. Anh nghĩ sao?”

 “Điều cô nói ngoài sự hiểu biết của tôi. Hãy cứ nghĩ tôi là tên khờ. Thôi! tôi để cô làm Steak! Nghe nhạc Giáng Sinh nhé?”

 “Nghe chứ!”

 “Mà này, cô hát hay lắm!”

 “Cảm ơn, tôi đã từng hát trong ca đoàn nhà thờ Chính Tòa ở Mexico City đấy!”

 “Thảo nào!”

 “Nhà có đàn Guitar không?”

 “Có chứ, tôi để trong phòng ngủ”

 “Tôi sẽ hát cho anh nghe đêm nay. Bây giờ anh mở nhạc lên nghe để tôi ướp thịt! Chúng ta sẽ có bữa ăn ngon miệng trong một tiếng đồng hồ! Anh chờ được không?”

 “Tôi sẽ chờ đến sáng mai cũng được. Bây giờ cũng gần hai giờ sáng rồi.”

 

 Chàng vào phòng ngủ đưa cây đàn và Radio ra phòng khách. Trong nhà không có TV chỉ có cái Radio mẹ bà bảo trợ tặng chàng Giáng Sinh năm ngoái. Chàng mở máy dò kênh nhạc cổ điển quen thuộc. Dàn nhạc giao hưởng đang hòa tấu bài Joy To The World. Tiếng kèn, tiếng trống vang lên theo các nhạc khí khác làm căn nhà bé nhỏ tràn ngập nỗi hân hoan vui mừng. Người con gái đứng trong bếp dùng tay trần thoa muối tiêu và dầu ăn lên các miếng Steak, chân đập xuống nền nhà theo điệu nhạc. Khuôn mặt thon dài, không phấn son của nàng tươi như bông hoa lạ rất dịu dàng. Nàng có vẻ đẹp man khai huyền bí. Nàng như vừa lột xác. Từ cô gái bán thân son phấn lòe loẹt bỗng trở thành thiếu nữ hiền thục trong giây phút. Selena ngước mặt nhìn Đương như một người đã quen nhau lâu rồi.

 “Anh định nướng hết Steak?”

 “Làm luôn bốn miếng. Ăn không hết bỏ tủ đá lo gì!”

 “Phải chờ khoảng nửa tiếng cho gia vị thấm rồi đút lò Steak mới ngon. Tôi cũng nấu luôn cho anh món thịt bò Bourguignon để mai ăn. ”

 “Được lắm! Trong khi chờ, chúng ta ngồi uống bia nghe nhạc Giáng Sinh! Tôi chưa đói.”

 

 Selena cất thịt đã ướp vào tủ lạnh. Sau khi cắt xong khoai, cà-rốt và các thứ linh tinh khác, nàng rửa tay ra ngồi bên cạnh Đương. Hơi ấm trong thân thể nàng toát ra làm Đương rạo rực. Chàng đưa cây Guitar cho Selena. Nàng hắng giọng, lên lại giây đàn vừa hát vừa đệm đàn rất điệu nghệ. Hai mắt nhắm lại, nàng hát thánh ca Mễ Tây Cơ ngọt như mật và êm dịu như hơi thở trẻ thơ. Mặt nàng lúc nghiêm trang lúc hân hoan như ca viên đang đứng hát chung với ca đoàn trong ngày đại lễ. Khi nàng dạo đàn và hát bài Silent Night, Đương hát theo bằng tiếng Việt. Hai người hát say mê. Vừa hát xong bài Silent Night, nàng dựng đàn vào cạnh ghế sofa quay sang ôm Đương rồi gục đầu lên vai chàng khóc nức nở như trẻ thơ.

 

 Đương vuốt tóc Selena nhỏ nhẹ, “Sao lại khóc?”

 “Nhớ nhà quá!” nàng vục mặt lau nuớc mắt trên vai Đương.

 Chàng ôm chặt vai nàng, không nói gì. Vì có nói cũng là thừa trong phút này.

 

 Đương nghe tiếng xe đậu trước sân nhà và đèn xe xuyên qua màn cửa. Có tiếng chân và tiếng nói lao xao bên ngoài rồi cánh cửa ra vào mở tung lúc anh đang lau nước mắt cho Selena. Người bạn thợ sơn buớc vào, chưa kịp chào hỏi đã vội quay lưng bỏ đi khi thấy anh đang lau mặt cho Selena.

 “Đi đâu vội thế? Vào nhà đi.” Anh vẫn ngồi yên để Selena tựa đầu lên vai mình.

 “Thôi tao đi! Mày đang bận!”

 “Đừng! Vào nhà đi, đêm Giáng Sinh! Còn ai bên ngoài không?”

 

 Nói rồi chàng đứng dậy kéo bạn mình vào nhà. Người bạn biết không bỏ đi được nên đưa tay bảo Đương ngồi xuống và gọi vọng ra xe kêu bạn gái của mình vào.

 “Christina! Bạn anh mời em vào chơi!”

 

 Căn nhà chật chội của Đương vang lên tiếng cười nói và đàn ca. Selena và Christina xúm nhau làm bếp. Không đủ ghế ngồi nên cả bốn người ngồi xuống nền nhà vây quanh bàn càfê. Sau khi những chai bia đã cạn, Đương lấy bình Burgandy mua để nấu món bò hầm vang đỏ ra uống. Selena chỉ dùng vài ly cho nồi thịt bò nên bình ruợu còn đầy. Bốn miếng Steak Selena đút lò đã được bốn người thưởng thức say mê. Khi nồi bò hầm vang đỏ vừa chín tới, Selena múc cho mỗi người một tô. Ăn uống no say, bốn người nằm lăn trên sàn nhà. Nhạc Giáng Sinh vẫn rộn ràng từ đài Radio vọng ra. Trời đã gần sáng.

 

 Selena nằm gối đầu lên cánh tay chàng ngủ ngon như trẻ thơ. Đương quay sang hôn nhẹ lên tóc nàng rồi rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chếnh choáng men rượu và mùi da thịt của Selena, anh mơ thấy những vạt sương trắng lãng đãng bay trên mặt hồ buổi sáng ở thành phố cũ. Có tiếng chuông giáo đường ngân nga trong giấc mơ của Đương. Không ngờ đêm giáng sinh thứ hai trên miền đất lạ của Đương lại vui như thế. 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 20248:18 SA(Xem: 225)
dutule.com xin giới thiệu thơ Lê Nguyên Thu
18 Tháng Ba 20248:28 SA(Xem: 581)
Về từ café Cây của Thảo 2016)
14 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 1085)
dutule.com giới thiệu thơ Lương Phan Huy Bảo
10 Tháng Ba 20249:26 SA(Xem: 599)
Mẹ chỉ có thể hôn lên trán con khi con nằm ngủ
05 Tháng Ba 202411:07 SA(Xem: 637)
Mảnh vườn chật nắng nhưng còn thiếu/ Một dáng ai ngồi dưới gốc hoa
02 Tháng Ba 20247:56 SA(Xem: 654)
Chẳng lẽ là phải đến thăm nhau/ Mới hiểu con đường gập ghềnh là thế?
29 Tháng Hai 20249:30 SA(Xem: 676)
đây là trò ảo thuật không cần sân khấu
24 Tháng Hai 20243:51 CH(Xem: 701)
chắc tôi buồn hơn cha buồn đêm cũ
18 Tháng Hai 20245:51 CH(Xem: 881)
Cuối năm chẻ dọc lời thề/ Có đi thì phải chốn về, mới đi
16 Tháng Hai 20242:43 CH(Xem: 983)
U quay mặt vào tường/ vĩnh biệt con.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16808)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12043)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18825)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9020)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8116)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 446)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 815)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1016)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13896)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19083)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7778)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8691)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10934)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30582)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21611)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19667)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17960)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16822)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24369)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31804)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34840)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,