MẠCH NHA - Gaffe

18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 28994)
MẠCH NHA - Gaffe

blankGaffe, tiếng Tây lóng, chỉ chuyện vụng dại. Người Việt sống ở Pháp phát ngôn kiểu ba rọi tiếng ta chen tiếng Tây ưa nói «làm gaffe»: nhỡ dại, oọc-jơ… 

Quốc ca và quốc kỳ 

Tôi qua Pháp năm 25 tuổi, tức hãy còn trẻ người non dạ, khó tránh khỏi đôi lúc xuất phát trước súng lệnh, làm gaffe, tai hại lầm than. 

Hồi 75, tôi mới lên bốn. Cho nên, từ phổ thông cơ sở (cấp 1 / tiểu học) đến hết phổ thông trung học (cấp 2 / trung học đệ nhất cấp) đeo khăn quàng đỏ là chuyện ắt hẳn. Từ mẫu giáo, tôi được bàn tay sắt bọc nhung của nào bà nào mẹ nào dì nào mợ nào thím nào cô dạy dỗ nên ngoan lắm chứ không có con hư tại mẹ cháu hư tại bà như người đời thường đổ hô đâu. Phải ngoan để bố, các bác, các chú, các dượng, các cậu yên tâm học tập tốt, mau về đoàn tụ với gia đình, mẹ tôi lần nào cũng như lần nấy, bắt tôi viết như thế vào thư gửi cho bố trong trại cải tạo. Còn động cơ nào chứa chan tình, lý hơn? Thế nên, không năm nào tôi không đạt danh hiệu chiến sĩ kế hoạch nhỏ, cháu ngoan bác Hồ, học sinh giỏi, đội viên tiên tiến. 

Tuổi thơ hồn nhiên, quàng khăn đỏ, lượm giấy vụn, cài huy hiệu măng non lên áo, hùng hục tập luyện đội hình đội ngũ các thứ hay túm năm tụm ba nhảy dây, đánh đũa gì cũng đều vui như nhau, miễn là có bạn có bè. Bị bắt vào đội, đoàn hay tình nguyện vào đoàn, đội gì cũng rứa, miễn có bạn cùng vào là được, chẳng có ý thức «chính chị chính em» gì ráo. Cái gaffe chính trị nó chỉ xuất hiện khi tôi sang Pháp, về nhà chồng. 

Chồng cho đi ăn phở, hỏi ngon hông, hổng biết nữa, đang yêu hổng có để ý tới đồ ăn, chỉ thấy ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng chuyện gì? Cái tô. Quá cỡ thợ mộc! Cứ ngỡ người bên Tây thực phẩm thừa mứa, ăn uống nhỏ nhẻ giữ hông giữ eo lắm chứ, ai có dè. 

Chồng dẫn đi bát phố, hỏi đẹp không, hổng biết nữa, đi bên chồng mới cưới, đầu óc vướng bận chuyện khác, không bị ngoại cảnh thu hút là mấy, chỉ thấy ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng chuyện gì? Đường phố. Nhiều vàng dẻo quá! Cứ tưởng thành phố được tiếng đẹp nhất thế giới sạch sẽ lắm chứ, ai có dè. 

Chồng rủ vào xi-nê, hỏi phim hay hông, hổng biết nữa, nó nói rào rào, chỗ hiểu chỗ không, chỉ thấy ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng chuyện gì? Anh đó. Tưởng vô rạp xi-nê, có hoàn cảnh thuận lợi thì ướt át lắm chứ… ai có dè. 

Chồng kéo xuống métro, hỏi xịn không, hổng biết nữa, công nhận là cái tàu lửa dưới lòng đất này nó có cho mình cảm giác mới mẻ so với chiếc Honda rùn rùn nắng gió bên nhà thiệt, nhưng cũng lại ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng gì nữa đây? Nghe nói dân Tây ga lăng số một mà sao phụ nữ như em lên xe, chẳng thấy thằng Tây nào đứng dậy nhường chỗ hả anh? Đã vậy, em còn thấy tụi nó khạc nhổ và xả rác ì xèo nơi công cộng kia kìa! Cứ tưởng đất nước văn minh nhất nhì thiên hạ này lịch sự lắm chứ, ai có dè. 

Lạ xứ mà, trăm cái ngỡ ngàng, nhưng cũng chưa có gaffe gì đáng kể, cho tới cái hôm theo chồng đi dự buổi nói chuyện của ông Nguyễn Chí Thiện, một người tù bị chính quyền Hà Nội giam cầm hai mươi mấy năm, vừa được tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp cho hưởng tự do, ra nước ngoài. 

Từ trước giờ họp, không khí đã trang trọng lắm, nét mặt của những người chung quanh làm tôi hồi hộp muốn nín thở vì tôi không chờ đợi đến một nơi có không khí quan trọng đến thế. Khi cử toạ đã ổn định đâu vào đó, người chủ toạ yêu cầu mọi người đứng lên chào cờ. Tưởng gì, cái vụ này thì tôi rành lắm, đứng lên cái một, nghiêm còn lẹ hơn chồng nữa á. 

«Chào cờ!» «Quốc ca!» 

Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…  

Tôi hát vậy đó. Quốc ca đúng là như vậy mà. Hát từ hồi chưa lên mười, thuộc còn hơn ầu ơ ví dầu nữa, đâu có lộn được. Vậy mà sao cái ông bên cạnh hát gì nghe lạ hoắc, nhịp lạ, điệu lạ, lời càng lạ. Mà đâu phải chỉ có ổng hát như vậy. Chồng cũng đang hùng hồn y chang, hàng trên cũng vậy, hàng dưới không khác, cả phòng thống nhất: 

Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi, hi sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên, làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…  

Tan sinh hoạt, chồng hỏi thấy thế nào, ngỡ ngàng chứ còn thế nào! Ngỡ ngàng chuyện gì? Quốc ca. Chồng ờ phải ha, hồi nãy anh nghe em vô «Đoàn quân Việt Nam đi…» mà hết hồn, tính huých cùi chỏ nhắc nhở, nhưng chắc em tự biết mình oọc-jơ nên tắt đài ngay phải không? Thì thấy mình hổng giống ai, chẳng lẽ tiếp tục ong óng cái miệng. Cái bài lúc nãy là bài gì vậy anh? Quốc ca chứ gì! Quốc ca trước 75. Ủa, vậy hả?! Mà anh ơi, sao hồi nãy họ kêu chào cờ mà chẳng thấy cờ đâu? Có chứ sao không, cờ vàng ba sọc đỏ đó. Ủa, vậy hả?! Vậy mà em cứ tưởng cờ nhà chùa, báo hại nãy giờ thắc mắc tại sao sinh hoạt chính trị lại treo cờ giống như là Phật Đản! Tầm bậy, cờ Việt Nam Cộng Hoà đó. 

Câu chuyện trên đem kể thường làm người nghe tức cười. Thì tôi cũng thấy mình đáng bị cười ghê lắm. Cười, nhưng mà tức. Một lần, ăn cơm với nhà văn Trần Vũ, tôi đem chuyện này ra kể, không với ý định làm quà mà chỉ muốn tâm sự vì tôi nghĩ anh Trần Vũ lớn hơn tôi chưa đầy mười tuổi, có thể chia sẻ dễ dàng nỗi hoang mang của tôi. Không ngờ, bị anh vỗ cho một câu: «Thiếu kiến thức!» Ấy là anh dùng ngôn ngữ gián tiếp, chứ nói chuyện kiểu «có sao nói dzậy, người ơi» thì là: Dốt. 

Ức. Hồi 75, tôi mới lên bốn, cha vào trại cải tạo học tập rục xương, mẹ ra chợ trời bán buôn tối mặt tối mũi. Chú bác cô dì vượt biên ráo trọi. Ai quởn đâu mà hát Này Công Dân Ơi cho nghe với vẽ cờ quẻ Ly cho thấy mà chẳng thiếu kiến thức! 

Hoá ra, ở vào thời chúng tôi, chỉ cần hơn thua nhau vài tuổi, người ta có thể biết hoặc không biết nhiều chuyện đáng kể. 

Xà lách xoong và aspirine Ph 8 

Hồi ở bên nhà, tôi theo Anh văn. Bạn bè bảo: «Mày là con cá lội ngược dòng. Học tiếng Anh cho đã, sao không lấy Việt Kiều Mỹ / Anh / Úc… mà lại theo Việt Kiều Pháp?! » Trả lời : «Vì tao đúng là một con cá khoái lội ngược… chơi.» 

Sau ngày lên xe huê, chồng tôi trở về Pháp lo thủ tục bảo lãnh. Trong điện thoại và thư gửi về, anh không ngưng hối thúc tôi việc học tiếng Pháp để chuẩn bị ngày đi. Anh lại còn gửi hẳn đến nhà cho tôi anh Marc, một người bạn Pháp đang sinh sống ở Sàigòn để anh này kèm tôi học cho nhanh. Thế nhưng, phần tham công tiếc việc, tôi nhất định không chịu ngưng hẳn công việc đang làm để giành trọn thời giờ cho việc chuẩn bị theo chàng dìa dinh, phần ỉ i tiếng Anh mình đã có thì lo gì không xong tiếng Pháp, phần gặp ngay cái anh chàng Marc quá yêu Việt Nam nên mỗi lần đến nhà, thay vì dạy tôi học tiếng mẹ đẻ của anh ta thì anh ta lại tranh thủ nói tiếng mẹ đẻ của tôi với tôi. Rút cuộc, ngày cất bước sang Tây, lòng tôi hớn hở bao nhiêu thì tiếng Tây của tôi lơ mơ bấy nhiêu. 

Nhưng tôi đúng là một con nhỏ điếc không sợ súng. Mới sang được hôm trước, hôm sau chân cẳng đã ngứa ngáy đòi đi rong một mình. Chồng cẩn thận: «Không nên. Em ráng ở nhà coi ti vi, đọc sách, chờ anh đi làm về, anh dẫn đi chơi.» Sức mấy mà chịu. «Anh đi làm về thì trời đất tối mịt tối mù mất rồi, không sao đâu, bất quá thì em xổ tiếng Anh, không sợ không biết đường về nhà.» Thế là tôi, rất tự tin, vung vinh đi chơi. Không ngờ dân Tây bảo thủ, cóc thèm nói tiếng nước ngoài cho dù đó có là tiếng quốc tế. Từ Tây già đến Tây trẻ, hỏi những câu đơn giản kiểu «Làm ơn chỉ dùm tôi chỗ bán vé tàu.», anh nào cũng thộn mặt. Tiếng Tây của tôi và tiếng Anh của những người Pháp tôi gặp đem hết ra để đối thoại với nhau cũng giống như ngọng nói chuyện với nghịu. Hỏi đường đi nhà thờ Đức Bà, rút cuộc, tôi đến tháp Eiffel. Hỏi xóm La-Tinh, tôi đến vườn Lục-Xâm-Bảo. Nhưng Trời thương, ta bà thế giới cả ngày, đến tối tôi vẫn mò được về nhà an toàn. 

Sau lần tự lực cánh sinh đầu tiên ấy, tôi hả hê lắm, tiếp tục lang thang các xó xỉnh Paris một mình. Chỉ khổ một nỗi là mỗi khi muốn mua một món gì nhưng không biết cái món ấy nó là giống cái hay giống đực để sử dụng un (tính từ đặt trước danh từ chỉ giống đực) hay une (tính từ đặt trước danh từ chỉ giống cái) cho chính xác, tôi lúng túng lắm. Về sau, tôi nghĩ ra được một cách. Ví dụ, thay vì nói: «Je voudrais une baguette» (Tôi muốn một cái bánh mì) mà không chắc baguette phải dùng un hay une thì tôi nói: «Je voudrais deux baguettes» (Tôi muốn hai cái bánh mì). Như thế chắc ăn, không sợ nhầm lẫn un/une, quê. Chỉ tội chồng nhai bánh mì ná thở. Thành ra, mỗi khi thấy một món nào đó xuất hiện số nhiều trên bàn ăn, chồng tôi vừa ăn vừa nhắc đi nhắc lại cái danh từ ấy nhiều lần cho tôi thuộc. 

Để tránh tình trạng mua hai dù chỉ muốn một đó, tôi vào siêu thị nhiều hơn là đi chợ trời. Vào siêu thị, hàng họ bày sẵn trên kệ, người mua tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, có thể thông qua khâu giao tiếp gây phiền toái cho những người có trở ngại ngôn ngữ. Nhưng rồi tôi lại tự trách mình hèn. Tôi thừa biết chỉ có thể bằng cách xông tới, nói tầm bậy tầm bạ mà trúng tùm lum tùm la thì mới mau giỏi. Hơn nữa, không khí chợ trời làm tôi đỡ nhớ bên nhà, thế nên tôi lại mò ra chợ trời. 

Một lần, tôi muốn mua cải xà lách xoong để trộn dầu dấm ăn với thịt bò xào. Đinh ninh đây là thứ rau đến từ phương Tây, vả lại mấy chữ xa-lach-xoong nghe Tây như vậy thì chắc là do người mình đã mượn cái tên tiếng Tây của nó mà gọi luôn cho tiện, cũng giống như là cà-rốt, cà-phê, ga-ra, ghi-đông… vậy, tôi tiến đến hàng rau, dõng dạc: «Avez-vous des… Xa-lach-xoong?» («Bà có Xa-lach-xoong không?») Bà đầm ngớ ra. Bà bảo tôi tả coi cái rau đó nó ra làm sao vì cha sanh mẹ đẻ tới giờ, bà chưa bao giờ nghe tới một loại rau lạ tai như thế. Tôi bèn vận dụng mười thành công lực tiếng Phú Lang Sa ra mà tả. Bà đầm nghe tả xong đưa cho tôi bó rau cần. Tôi lắc. Bà thả rau cần xuống, giơ lên bó ngò tây. Tôi cũng lắc. Đưa lên thả xuống một hồi thì cả hai cùng chán. Tôi đành mua bó xà lách thường, đem về nhà. Giờ ăn, tôi than với chồng nỗi thất vọng không tìm ra xà lách xoong để anh ăn cho bổ phổi. Anh nghe xong, cười rung đũa. Hỏi sao anh cười dữ vậy, chắc em lại làm gaffe gì rồi phải không? Anh mới dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về rằng:

Lần sau em có muốn mua xà lách xoong thì nhớ tên nó bằng tiếng Pháp là cresson nghe.

Trời ơi, đâu có biết.

Té ra cái chữ xoong tai hại kia là do trại âm son mà ra. Sao người mình không gọi nó là rau Kờ-rét-xoong cho tôi nhờ thế nhỉ? 

Lần khác, tôi bị nhức đầu, ra tiệm thuốc Tây tìm thứ thuốc kinh điển mà hồi ở bên nhà, mỗi lần đau nhức bất cứ cái gì, mẹ tôi cũng đều sai tôi đi phạc-ma-xi mua. Đó là aspirine Ph 8. Lần này thì chắc ăn rồi, thuốc Tây tên Tây trăm phần trăm, tên thuốc thuộc nằm lòng, không chạy đi đằng nào được. Cũng với thái độ «dấn thân», tôi tiến tới quầy thuốc, phát âm rành mạch:

Je voudrais une boỵte d’aspirine PH tám (Tôi muốn mua 1 hộp aspirine PH tám)

Anh dược tá ngẩn tò te. Thấy anh ta trố mắt lên nhìn, tôi chột dạ, lại gaffe rồi, nhưng lạ quá, rõ ràng đây là thuốc tây mà, tôi nói tên nó từ chục năm nay, sao sai được. Tới chừng anh ta hỏi lại: «Ph quoi?» (Ph gì?)

Ph…

Thì tôi mới sực nhận ra mình vừa theo thói quen, ba rọi nửa ta nửa Tây tên thuốc. Vội vàng sửa lại:

Ph huit. (trong tiếng Pháp, huit là số 8) 

A, Ph huit. 

Những cái gaffe về ngôn ngữ ấy, ở xứ người càng lâu thì nói tiếng người càng khá lên, đâm ra bớt chuyện để kể. Có điều, sau mấy năm đi Tây, về thăm nhà, đau thế, tôi lại làm gaffe với chính tiếng mẹ đẻ của mình. 

Hôm ấy, mẹ tôi bảo: «Bây giờ Việt Nam mình cũng nhiều siêu thị lắm. Con đi siêu thị Miền Đông với mẹ chơi cho biết.» Chúng tôi vào siêu thị, đi rảo rảo kiểu cưỡi ngựa xem hoa vì mẹ đi cốt chỉ để cho tôi biết thôi, chứ bà so đo giá cả sao đó, nói đồ mua ngoài chợ rẻ và trên hết là tươi hơn. Khi ngang tủ chưng bán rau quả, nhìn thấy một khay mốp gói những quả cà chua tròn, bé như hòn bi, mẹ tôi ngạc nhiên: «Coi trái gì ngộ ghê không.» Loại cà này ở Pháp thấy nhiều, gọi là tomate cerise (cà chua anh đào) nên tôi không lạ. Nhưng tò mò, tôi đến gần, cầm gói cà lên coi thử người mình gọi nó là cà gì, thì thấy có mấy chữ không dấu in trên ê-ti-két: «Ca Chua Bich Nho». Tôi nghĩ cái tên ai đã nghĩ ra cho loại cà chua này thật là ngộ nghĩnh và hoa mỹ, liên tưởng quả cà tròn tròn nho nhỏ như quả nho rồi thêm chữ Bích vào phía trước. Tuy nhiên, tại sao lại là Bích nhỉ, cà chua này chín đỏ chứ có xanh đâu mà là Bích? Đang còn tư zuy thì mẹ tôi hỏi tới: «Trái gì đó con?» 

Dạ, cà chua.

Ủa, cà chua gì ngộ vậy?

Làm ra cái vẻ ta đây biết tuốt, tôi trả lời chắc nịch:

Cà chua này giống mới, tên nó là cà chua Bích Nho đó mẹ.

Chà, cà chua Bích Nho, tên ngộ quá heng.

Mẹ tôi đang gật gù thì bỗng đâu một cô nhân viên bán hàng đi ngang thò vào sửa sai:

Dạ, hổng phải, bác. Cà chua bịch nhỏ đó. Loại bịch lớn bán hết rồi.

Thế là hai mẹ con tôi phá lên cười. Cười đã đời rồi, mẹ kí đầu tôi, mắng: «Nói tầm bậy tầm bạ hà.» Lần này thì rõ ràng là chẳng trúng tùm lum tùm la nữa. 

Thịt heo và hoa cúc 

Mấy cái gaffe ngôn ngữ tôi làm, tuy nhiều phen ông nói gà bà nói vịt, cười ra nước mắt nhưng đa số không gây hậu quả chết người. Đụng đến gaffe thuộc loại đại cồ là gaffe văn hóa mới ghê. 

Lần ấy, mới qua Pháp đâu được vài tháng, muốn làm món chả giò, đang thả bộ tà tà ra siêu thị tìm mua thịt heo thì tôi phát hiện một hiệu bán thịt ở ngay gần nhà. Bèn bước ngay vào chào hỏi xong yêu cầu bán cho tôi nửa kí lô thịt heo ba rọi. Ông hàng thịt đang cười nói vui vẻ, vừa nghe xong «đơn đặt hàng» của tôi bỗng nghiêm ngay nét mặt, quay đi chỗ khác, xua tay như muốn đuổi tôi đi: «Ở đây không có thứ thịt đóù.» Tôi vừa bực mình vừa thắc mắc. Không có thì thôi, làm gì sửng cồ lên thế. Bỏ đi, tôi càu nhàu, cái tiệm kỳ cục, treo cả đống thịt tảng nào dê nào cừu mà miếng ba rọi dễ ợt vậy không có để bán cho người ta. Tối về, méc chồng. Chồng gãi đầu gãi tai, «Em ơi, nó chưa cho em một lụi đã là may.» «Ủa, gì kỳ vậy, em mua thịt chứ có làm gì đâu?» «Khổ quá, cái tiệm đó là tiệm thịt của mấy người Hồi giáo. Người Hồi giáo không ăn thịt heo vì cho đó là thứ thực phẩm ô uế. Em làm vậy, ổng tưởng em muốn kiếm chuyện đó.» «Mô Phật, biết đâu nè!» Từ ấy, mỗi khi bước vào một hàng thịt, tôi cẩn thận nhìn coi trên bảng hiệu có ghi chữ Ả Rập hay không. 

Mùa thu thứ hai ở Pháp, tôi đến thực tập ở một công ty nhỏ, không quá mười nhân viên. Tôi vừa vào thì có người đồng nghiệp sắp về hưu, mọi người muốn làm bữa tiệc liên hoan tiễn chân. Tôi được giao phần việc dễ nhất là mua hoa để tặng ông. Khi ấy tháng mười một, tiệm hoa nào cũng bày bán đầy hoa cúc đủ loại đủ màu. Đặc biệt cúc đại đóa rất to và tươi làm tôi nhớ không khí Tết bên nhà. Nhớ mẹ tôi thường nói hoa cúc là biểu tượng của hạnh phúc và trường thọ. Nhớ có lần được người bà con đem hoa từ Đà Lạt vào biếu, mẹ tôi rất vui vì hoa này hiếm thấy ở Sàigòn nắng nóng. Thế là tôi chọn một bó đại đóa thật xôm tụ. Thấy cúc đang rộ và rẻ, tôi khuân thêm mấy chậu vừa vàng vừa tím về chưng trong văn phòng hôm ấy cho rôm rả. Khi vị giám đốc nói đít-cua tiễn biệt xong, tôi cầm bó hoa đến trao tặng người ra đi. Ông nhận hoa bằng con mắt nheo nheo, sau đó, ông đảo mắt một vòng khắp phòng, chủ đích nhắm vào mấy chậu cúc, rồi ông cười tủm tỉm nói: «Cảm ơn các bạn tưởng niệm tôi.» Khi ấy, mọi người có vẻ xôn xao, như giật mình nhận ra điều gì đó bất thường. Tôi khều người đồng nghiệp đứng bên cạnh, hỏi nhỏ: «Chuyện gì vậy?» Anh ta đáp : «Sao cô mua toàn hoa để cúng người chết không vậy?» Anh giải thích nhanh cho tôi hiểu tuần lễ đó là tuần lễ Toussaint (Lễ Chư Thánh) nên các nơi bán nhiều hoa cúc. Lễ Toussaint là ngày lễ tưởng niệm người quá cố. Vào ngày lễ này, dân Tây được nghỉ hẳn ở nhà, không phải đi làm. Người sống đi tảo mộ, thường đem hoa cúc, như một truyền thống, để viếng người chết. Tôi nghe xong, tá hỏa tam tinh, vội nói lời xin lỗi và phân trần. Cũng may mọi người biết tôi đến Pháp chưa lâu nên đều rộng lượng cười xòa. 

Cái thân một cảnh hai quê thật khổ. Bây giờ, sống nhiều năm ở xứ này rồi, mỗi lần nhìn hoa cúc, tôi vẫn thấy chúng tươi đẹp nhưng trong lòng cứ nhì nhằng giằng co, không biết nên nghĩ đến sự trường thọ hay nỗi tiếc thương nữa./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 21421)
Dường như ghét mà… dường như thương/ sao chưa hết giận lại đến hờn
28 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 21632)
có quyền năng hơn nhiều nước mắt/ nó ám dụ cái nhìn
26 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 19865)
Những ngày gần đây, với tôi, Nguyễn thị Khánh Minh là nhà thơ nữ có được cho mình một mùa thơ bội thu
25 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 20780)
sửa lại cái nhìn đã mệt/ huống chi chắp vá cả vuông trời/ nửa mùa hè đỏ rực
23 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 18364)
Tôi kỵ tên Mike! Chưa tới đỗi ghét, chỉ kỵ! Phải nói Mike là cái tên khá tốt.
21 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 21652)
Khi chúng tôi ngồi cùng nhau/ uống những ly rượu và hát tiễn một người bạn đi về cõi đất
19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 24386)
có quyền năng hơn nhiều nước mắt/ nó ám dụ cái nhìn
18 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 22633)
Nhẩy qua những dấu phẩy (*)/ Treo ngược hoàng hôn trên sợi lông
17 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 25064)
nó cúi xuống/ cái gục đầu buồn hơn vỏ ốc/ không tiếng u ơ
16 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 24490)
Mèo Con ơi ! Em ở mô xa ngái ?/ Cơn mưa chiều bất chợt nhói lòng anh
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17072)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19004)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9187)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14022)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7907)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8825)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30725)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25520)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22917)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18062)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,