Làn da kim khánh và những thông điệp ngoài ngôn từ

21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 21062)
Làn da kim khánh và những thông điệp ngoài ngôn từ


22_thieunu_suutaplethiep_content

Làn da tôi sáng trắng. Sáng như làn da làm bằng cát. Làn da của thiếu nữ khô và nhám tựa một trang sách cũ chứa thứ chữ vô hình.[1] Đi tìm những thông điệp ngoài ngôn từ là tìm cách hiểu một thứ chữ vô hình ẩn dưới trang giấy như ẩn sau một làn da. Truyện ngắn Làn da kim khánh của Trần Vũ đăng trên tạp chí Hợp Lưu số 110, đã bắt đầu như vậy — với thứ chữ vô hình. Không ngẫu nhiên, vì đây là một truyện ngắn hàm súc mang chất ẩn dụ cao ở tính đa chủ đề.

 

Có nhiều quan niệm về một truyện ngắn hay. Một truyện ngắn hay cần phải đạt được những tiêu chí gì? Về điều này, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Trần Vũ: “có bốn yếu tố giúp thẩm định một truyện ngắn. Đó là: giọng văn, khí hậu, cấu trúc kỹ-kỹ thuật, tư tưởng. Giọng văn nào khí hậu đó, không cấu trúc truyện sẽ lê thê, không cô đọng; không kỹ thuật truyện sẽ không lạ và thiếu tư tưởng truyện sẽ đời thường. Đạt 2/4 là một truyện ngắn trung bình, 3/4 là một truyện ngắn khá. Đủ bốn yếu tố phải là truyện hay. Hậu hiện đại hay không Hậu hiện đại, Hiện sinh hay không Hiện sinh, Huyền ảo hay không Huyền ảo, bốn tiêu chuẩn trên vẫn trường kì mai phục người viết.[2]

 

Nhìn vào gia tài sáng tác của Trần Vũ, tôi thấy anh có không ít những truyện ngắn hay hội tụ đủ cả bốn tiêu chí nói trên. Là một ngòi bút có trí tưởng tượng phong phú và giàu nội lực, Trần Vũ không ngừng làm mới mình. Theo bước đi của thời gian... Mỗi khi Trần Vũ trình làng một tác phẩm mới, anh vẫn thu hút độc giả bởi sự mới mẻ, biến ảo không lặp lại nhưng vẫn thể hiện sự nhất quán trong cách viết, lối viết; khó lẫn với tác giả nào khác. Đó là tính chất sắc mạnh với họa tiết thẩm mĩ và nhịp văn không chùng.

 

Truyện ngắn Làn da kim khánh là một trường hợp như vậy. Trong số bốn yếu tố: giọng văn, khí hậu, cấu trúc – kĩ thuật và tư tưởng thì đối với truyện ngắn này yếu tố thứ tư nổi bật nhất làm nên thành công của tác phẩm. Xuyên qua lớp vỏ ngôn từ, Làn da kim khánh truyền tải đến độc giả ba thông điệp: vấn đề đồng tính, thông điệp lịch sử, và vấn đề dân chủ.

 

 

1. Vấn đề đồng tính.

 

Tình yêu của những người đồng giới có thể được xem là vùng đất khá mới mẻ chưa được đào xới hết đối với văn chương Việt. Dù không phải là nhà văn tiên phong viết về đề tài này nhưng sáng tác của Trần Vũ đã tạo được dấu ấn đặc biệt qua Làn da kim khánh. Tác phẩm mở ra bằng mối tình của hai thiếu nữ tên Kim và Khánh. Họ cùng sinh ra ở Quy Nhơn — nơi có những bãi cát phơi mình trải dài và những lượn triều vỗ bờ không ngừng mà mỗi khi rút đi để lại những đường vân thật đẹp. Họ có một tuổi thơ thân thiết, gắn bó đến mức như “hai chị em song sinh” hoặc – hơn thế nữa – như cùng chung một thân thể. Nhưng rồi chiến tranh của một quá khứ tàn bạo ập đến đã tách họ ra, xé ra, chặt ra và quẳng họ đi “mỗi nơi một khúc”. Kim ở lại quê nhà, Khánh lưu vong nơi xứ người. Đối với họ, những lời thăm hỏi cho những giây phút gặp gỡ hiếm hoi không đủ để nói hết nỗi nhớ nhung bằng những nụ hôn: “Tôi đặt lên môi Khánh nụ hôn thương mến… Khánh hôn trả tôi say đắm” và khao khát được hòa nhập làm một — nhập lại cùng một thân xác để trở lại làm một thiếu nữ duy nhất.

 

Có thể nói, Trần Vũ tỏ ra là một cây bút khá tinh tế khi miêu tả trường đoạn ân ái của hai nữ nhân vật bằng một thứ ngôn ngữ vừa chất chứa sự dữ dội, chất ngất vừa sâu lắng, đam mê, dịu dàng: “Tôi rùng mình lúc Khánh cắm người nàng vào người tôi. Không phải một sự đau đớn mà một mặt đại dương êm dịu vì chỉ một người đàn bà mới biết ban sự êm dịu. Khánh cắm lên tôi thân thể của nàng để chúng tôi neo vào nhau, cùng phát sáng […] Chúng tôi neo trận hồng thủy vào thân thể mình như neo sóng vào mặt cát khô đã lâu lắm cằn cỗi.

 

Ai đã từng đọc truyện của Trần Vũ và bị mê hoặc bởi lối viết khắc họa của Trần Vũ, không thể không nhớ cách mà anh miêu tả về dục tính trong một số tác phẩm. Dục tính đi liền với bạo lực và thường là sự cưỡng bức, chiếm đoạt và tước đoạt một cách thô bạo của người nam đối với người nữ. Ân ái đồng nghĩa với chiếm hữu: nhìn từ phương diện này, dục tính không còn là sự thăng hoa của tình yêu, của những xúc cảm nhân tính mà đơn thuần chỉ là thỏa mãn sự ham muốn và nỗi khát thèm của thân xác. Phải chiếm cho bằng được thân xác và áp đặt quyền lực của mình lên thân xác đối phương như Nguyễn Huệ đã làm với Ngọc Hân trong Mùa mưa gai sắc hay bắt người khác phái phải hy sinh thân thể như trong Pháo thuyền trên dòng Yang – Tsé

 

Đối chiếu với Làn da kim khánh, độc giả sẽ thấy một cách nhìn và một sự thể hiện hoàn toàn khác về dục tính. Dục tính khởi nguồn từ sự tiếp xúc của làn da, của những va chạm nhạy cảm nhất — những giao tiếp tế bào. Sự giao cảm ấy là tín hiệu không lời nhưng lại đánh thức những thấu hiểu không ngờ: “Chúng tôi vẫn đối diện, gương mặt kề sát, chỉ cần tôi nhích đến một chút nữa, là chúng tôi có thể hoà nhập vào nhau, Khánh hoà vào tôi và tôi nhập vào Khánh. Làn da chúng tôi đã được tạo ra để nối kết với nhau, chỉ cần chúng tôi vươn tay, chúng sẽ bắt lấy đan vào nhau, Khánh sẽ mang làn da cát biển và tôi sẽ được bao phủ bởi làn da khô như gió sa mạc của nơi nàng sinh sống.

 

Từ những thấu hiểu không lời qua sự tiếp xúc của làn da, họ đã giao hoan trong niềm hạnh phúc tận cùng. Dục tính đã bắc một nhịp cầu gắn kết hai tâm hồn của họ lại với nhau và đó cũng là cách để họ chống lại định kiến của xã hội: “Ân ái với một thiếu nữ, ngay cả khi thiếu nữ ấy không còn trẻ, vẫn là ân ái với thành kiến cổ hủ, của những quy trình bất di bất dịch, hay đúng hơn là đang tát vào mặt chúng với những điều chúng cấm cản.

 

Lựa chọn và thể hiện đề tài tình yêu đồng tính trong Làn da kim khánh, Trần Vũ trước hết muốn gửi tới độc giả một thông điệp mang tính xã hội: cần cởi mở, bao dung và có cách nhìn khác về những người đồng tính nữ. Trước đây, xã hội Việt Nam không công nhận những người đồng tính. Dư luận xã hội tạo ra sự kì thị với họ nên họ phải cất dấu và kìm hãm những khát khao thân xác đồng phái của mình, hoặc yêu người đồng phái một cách lén lút, giấu giếm. Với Làn da kim khánh, phải chăng nhà văn muốn khẳng định rằng: sự cảm thông giữa con người với con người trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều vô cùng cần thiết. Bởi đó chính là “lòng tốt để duy trì sự sống” trong cõi nhân gian này.

 

Tuy nhiên chủ đề đồng tính mà nhà văn thể hiện chỉ là thông điệp phụ. Hai thông điệp quan trọng hơn, phải kể đến là thông điệp lịch sử và vấn đề dân chủ.

 

 

2. Thông điệp lịch sử.

 

Nhìn vào quá khứ, thời điểm 1975 được xem là một dấu mốc vô cùng quan trọng đối với lịch sử dân tộc. Bước ngoặt này là sự vinh danh hào quang chiến thắng khi một miền đất nước hoàn toàn được giải phóng. Nhưng mặt trái của vinh quang ấy lại chất chứa không ít những cay đắng. Trần Vũ và rất nhiều những người thuộc thế hệ của anh đã trải nghiệm những đắng cay ấy trong vị thế của những nạn nhân. Tâm trạng bất mãn, bi quan là sự phản ứng tất yếu đối với những biến động đời sống đã in dấu rất sâu trong kí ức của họ. Căn nguyên của tâm trạng ấy là do đâu? Trong truyện ngắn Làn da kim khánh — một cách gián tiếp nhà văn đã trả lời cho câu hỏi: Vì sao lịch sử băm vằm người Việt làm đôi một cách đầy tàn khốc?

 

Dường như câu chuyện về mối tình đồng tính của hai thiếu nữ chỉ là cái cớ để Trần Vũ dẫn dắt độc giả đến với những thông điệp ẩn sâu dưới bề mặt ngôn từ. Chi tiết: họ thân thiết như “hai chị em song sinh”, thậm chí hơn thế nữa như cùng chung một thân thể là cách nói ẩn dụ kín đáo. Nó hé lộ một nỗi đau — một hiện thực đau xót: cùng một người Việt nhưng bị chiến tranh chặt ra làm đôi một cách quá thô bạo thành hai người Việt – người Việt bên Trong và người Việt bên Ngoài. Thời gian và điệu kiện môi sinh khác biệt khiến họ thay đổi nhiều trong suy nghĩ, lối sống... Duy chỉ có làn da của họ vẫn còn lưu trữ quá khứ và ước muốn ráp vào lại làm một — làn da duy nhất của một người Việt duy nhất: “Chúng muốn ráp lại. Chúng muốn so tay, hai cánh tay dài bằng nhau. Chúng lại so các ngón tay, các đốt tay vừa nhau. Từ tay đến vai, không có gì khác. Mặt mũi chúng cũng giống nhau, từ ánh mắt xuống đến cằm, rồi xuống đến lồng ngực chứa cùng một hơi thở.” Thế nhưng đến khi ráp lại, qua hành động ân ái, bằng cách trao những tế bào của mình qua nước miếng và hiểu ngầm là qua trứng thụ tinh ở người đàn bà; họ gặp phản ứng công phạt của sinh học và của cả dị ứng tinh thần.

 

Nhiều hơn một ước muốn chính là ý thức gắn kết, tìm về với cội nguồn quê hương — nơi mà họ vốn thuộc về từ dòng máu lẫn hình hài. Đó hẳn là nỗi niềm thường trực trong tâm can các nhà văn lưu vong nói riêng và tất cả người Việt lưu vong nói chung. Do vậy, tác giả của Làn da kim khánh không chỉ nói lên tâm tình của mình, mà còn nói hộ tâm tình của rất nhiều người. Lịch sử đã có thể khác đi, nỗi đau đớn chia cắt sẽ không tồn tại nếu vị lãnh tụ không đi con đường mà ông đã đi. Con đường xuất dương lại đem về cho đất nước một chủ nghĩa với ý thức hệ chia đôi dân tộc. Điều này được tái hiện qua những ám ảnh hiện hữu rõ nét trong tâm trí của Kim: “Cảnh một người đàn ông nào đó sắp xuống tàu làm phụ bếp diễn ra. Tôi thấy thật rõ, từng nét. Không phải ảo ảnh mà lịch sử sống động trong phòng. Ánh mắt người đàn ông lạnh, vô tình. Sức ích kỷ của đôi mắt thâu đoạt cùng với tiếng bước chân xăm xăm giúp tôi biết người phụ bếp rất tàn nhẫn, sẽ dẫm lên chúng tôi không chút xót thươngNgười đàn ông dừng lại mua vật dụng gì đó, tôi vụt kỳ vọng bước chân ông ta sẽ bị ngăn, bị chận, bị tai nạn, rồi bị đâm ngã [] Tôi ý thức thân phận của gia đình mình có thể được định đoạt trong một tấc gang, quá khứ – hiện tại – tương lai của một con người, của một dân tộc, tất cả đều có thể thay đổi, hoán chuyển trong một tấc gang. Vài ba phút trước hay vài ba phút sau một người đàn ông nào đó không kịp xuống tàu làm bồi bếp và số phận chúng tôi đã khác.” Quả thực, nếu lịch sử không diễn ra như nó đã diễn ra thì hẳn số phận của Kim, của Khánh và biết bao nhiêu người đã khác. Tất cả vẫn là một người Việt Nam duy nhất, giống hệt nhau vì chưa bao giờ bị chia cắt.

 

Sau 1975, biết bao nhiêu gia đình người dân miền Nam Việt Nam đã rơi vào cảnh ly tán mà trường hợp của Khánh là một ví dụ tiêu biểu. Họ bị lùa ra biển, cột chặt sự sống của mình vào những con thuyền mong manh. Sự sống và cái chết đôi khi như chỉ cách nhau một tấc gang. Nếu không may bỏ mạng thê thảm trên biển thì sự sống mà họ giành được cũng không hẳn trọn vẹn. Có thể nói rằng suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc, chưa có bao giờ người Việt lại bỏ đất ra đi nhiều như vậy. Ra đi, mong tìm được đất sống nơi một phương trời khác. Ra đi để sống còn bởi những người vốn được xem là đồng bào lại tìm mọi cách triệt tiêu, không cho họ một con đường sống trên chính quê hương mình. Hoặc nếu ở lại quê hương, họ phải cam chịu, chấp nhận sống trong câm lặng triền miên. Ở lại, trên chính đất nước vẫn có hai người Việt: người Việt chiến thắng và người Việt chiến bại. Sự chia rẽ ấy tựa như một vết thương vô hình nhức buốt không biết bao giờ liền da, nếu không có những cá nhân mang nguyện ước chân thành muốn hàn gắn.

 

Thực tế cho thấy: lịch sử được nhìn dưới nhãn quan của cộng đồng là cái nhìn một chiều, đôi khi rất phiến diện và thiên lệch. Vậy nên mỗi cá nhân đều có quyền diễn dịch lịch sử theo cách của riêng mình trong vị thế của một nạn nhân cụ thể. Trong Làn da kim khánh, qua tâm tình của hai nữ nhân vật chính, lịch sử đã được tái hiện bằng ám ảnh với chất chứa nhiều đau xót. Phải chăng đó cũng là cách nhà văn đi tìm câu trả lời vì sao nhiều thế hệ người Việt như anh lại bị đẩy bật ra khỏi đất nước một cách tàn nhẫn như thế! Hơn cả bị đẩy bật, bị dìm xuống đại dương — để khi đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, họ cảm nhận tận cùng nỗi cay đắng. Nỗi niềm ấy như một di vật mang theo — trở thành nỗi ám ảnh không nguôi trong suốt hành trình sống còn lại của họ.

 

 

3. Thông điệp dân chủ

 

Thông điệp thứ ba của tác phẩm hướng vào lĩnh vực chính trị xã hội. Có một thực tế đã và đang tồn tại trên đất nước này, chính là: khẩu hiệu dân chủ vẫn luôn được quảng bá rộng rãi thực tế vẫn chỉ là những câu khẩu hiệu sáo rỗng. Qua Làn da kim khánh, bằng hư cấu, nhà văn đã tìm cách tiếp cận vấn đề Dân chủ TrongNgoài này.

 

Sự tập nhiễm môi sinh đã khiến những cá nhân như Khánh khi lưu vong hấp thụ nền dân chủ phương Tây. Cụ thể hơn đó là quyền công dân, quyền tự do ngôn luận sinh sống trong từng tế bào của Khánh luôn om sòm cất tiếng đòi hỏi lập ngôn, biểu quyết, đình công, viết hiến chương… Chúng gần như sinh sống độc lập trong mình Khánh mà Khánh phải chấp nhận các yêu sách của chính các tế bào của mình vì chúng là số đông… Còn Kim, sau chiến tranh đã quá quen với cuộc sống chịu đựng trong im lặng, không dám mở miệng, không dám than van… Dường như các tế bào của Kim sợ hãi mọi thứ nên không dám cất tiếng nói — một sự câm nín và “tê liệt kháng thể”. Khi họ ân ái, hai thân thể ráp lại rồi đổi da, đổi tế bào — một sự hoán đổi đã xảy ra. Vô tình Kim trút sang Khánh tế bào của mình và ngược lại. Ngay lập tức, người Khánh im phắt, không một tiếng động làm Khánh như bị chết ngộp. Khánh gào liên tục: “Chúng câm rồi, tế bào của Khánh câm rồi, chúng không nói nữa. Khánh không nghe thấy gì nữa, chúng mất tiếng nói. Im lặng quá! Im vỡ đầu!”. Khánh phát điên vì không chịu được sự im thít của những tế bào của Kim đã chảy sang mình. Còn Kim, như có hàng triệu con mắt tế bào như mắt cát đang nhìn chòng chọc vào cô: đôi mắt chúng long lanh sáng quắc lục lọi các ý nghĩ của cô rồi lập tức “chúng thay nhau phát biểu đòi quyền công dân. Chúng nhắc đạo luật này, hiến pháp kia và cả những công ước mà tôi từng lướt mắt qua một lần…” Chúng cũng khiến Kim phát điên không chịu nổi. Sau cùng, cả hai biết cuộc ráp da của mình thất bại, đành ân ái thêm lần nữa để nhận lại hay để trả lại những gì mình đã trao.

 

Chi tiết hành động ân ái của hai thiếu nữ mang nhiều dụng ý nghệ thuật. Với thông điệp thứ ba của tác phẩm, người đọc có thể hiểu dưới góc độ như sau: người Việt ở ngoài về đem theo những mầm dân chủ muốn truyền cho người trong nước. Nhưng người trong nước cảm thấy dân chủ là một cái gì đó dễ dẫn tới hỗn loạn, khó chấp nhận bởi họ vốn đã quen sống im lặng quá lâu. Vậy nên nỗ lực hàn gắn lịch sử và tiếp nhận dân chủ qua hành động trao nhận khi ân ái của Kim và Khánh thất bại. Thất bại vì còn là một hành động của cá nhân đơn lẻ. Song sự thất bại ấy chỉ là tạm thời. Không phải ngẫu nhiên mà truyện ngắn kết lại bằng một lời khẳng định dự đoán về tương lai: ‘‘Một khi xã hội nhiều người như Kim với Khánh, sẽ hết dị. Rồi sẽ phải hàn gắn vì những người như Khánh là những dòng sông đổ ra biển, biển luân lưu rồi lại quay về; những người như Kim làm đất, đất cần hoa trái biển, cần bến đỗ cho tàu viễn dương; Khánh làm thuyền, Kim làm bến, như vậy sẽ lại có cái chung. Rồi một khi nhiều người nối da, sẽ hết dị.” Câu nói của nhân vật như là dấu hiệu lạc quan mà tác giả Làn da kim khánh muốn gửi cho độc giả: khi nào xã hội có nhiều người muốn hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa đi sự khác biệt trong-ngoài và mong muốn dân chủ thì khi đó Việt Nam mới trở thành một mà không chia đôi tâm thức như bây giờ.

 

Đọc một tác phẩm văn chương đôi khi cũng giống như một người thưởng hoa thích bóc tách từng cánh hoa để tìm thấy nụ nhụy của nó. Mỗi một tầng cánh hoa mở ra, giống như việc tìm thấy một tầng bậc ý nghĩa của văn bản. Ai đã từng đọc Làn da kim khánh với một tâm thế như vậy, hẳn sẽ không bỏ qua ba thông điệp của truyện ngắn này. Và ít nhiều tác phẩm đã chinh phục độc giả bằng những ý tưởng luận đề của nó. Cá nhân tôi, khi đã rời ra khỏi Làn da Kim Khánh hãy còn mênh mang cảnh chia tay của hai thiếu nữ Việt vẫn còn bị phân ly với thao thức của họ: “Phút biệt ly, chúng tôi trao những ngón tay vội vã. Tôi muốn nói mà chỉ kịp bấu vào da nàng vết móng tay tôi buồn bã. Trong thâm tâm tôi biết, Khánh hiểu sự im lặng nội tâm của đất này, nàng hiểu sự im lặng miệt mài của những con người đã mất quyền nơi đây. Tôi muốn nói Còn sự im lặng đáng sợ nữa, là sự im lặng của thép, của xà lim, nhưng Khánh hiểu, nàng thì thầm, và sự im lặng của đất trời thinh không.

 

Thế nào là sự im lặng của đất trời thinh không? Tôi tự hỏi mình thêm một lần nữa. Phải chăng là nỗi đau, sự câm nín, nhẫn nhục hay lòng thành, hay đôi mắt thượng đế chứng kiến, thấu hiểu rồi sẽ giúp đỡ hay trừng phạt? Rồi tôi hiểu đấy là một lối kết mở, bỏ ngỏ, để độc giả tự truy vấn lòng mình.

 

 

Nguyễn Hạnh Nguyên

Hạ Long, tháng 11-2010



[1] Làn da kim khánh bản in trên tạp chí Hợp Lưu số 110 tháng 6 và tháng 7/2010, bản điện tử đầu tiên trên Talawas và trên web site Văn Chương Việt ngày 14 tháng 8, 2010

 

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=13526&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=1516

 

[2] Phỏng vấn Xuân Tân Niên trên tập san Hợp Lưu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 19744)
mấy lần về thăm quê nhà chỉ biết ra ngồi quán cóc/nhìn ngả ba đời ngợp dáng vóc thành đô/nâng ly bia nốc cạn chiều bụi bặm
14 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 19027)
Bình minh hôm qua không còn nữa phải không em?Nắng đã nhạt đi trên màu rưng rức lá/Với hư không, gió bay quanh tìm cõi lạ/Nhớ mùa xưa nên cây bỗng thẹn thùa.
13 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 21031)
Gió không biết nói lời từ biệt/Chỉ đi như kẻ lộn đường/Có khi quên rồi yêu thương/Thổi vào hẻm sâu tìm kiếm
11 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 18858)
Em đi nhặt lấy lá vàng/Tháng Mười se lạnh cây hàng đứng yên/Trời thu gọi nắng muộn về/Dáng đi nhè nhẹ lá vàng bay bay/Chim kể lể chuyện ngày xưa
10 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 18345)
Sáng ngắm Mai Đào nở/Chiều nghe suối thông reo
07 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 20789)
Bật non mầm cây khô/Hạt lệ hồng lúa mới/Nhóm lòng than tro nguội/Hạt lệ giòn reo ng
03 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 22924)
Ngôi nhà nghĩ rằng đêm nay không ai về không tiếng bước chân không hơi thở không nói cười cáu gắt/những chậu cây không ai tưới nước/lá úa dần cùng hoa
27 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 25899)
Màu trời xanh tự thú/Tóc em thờ ơ bay/Ngày em hai mươi tuổi/Anh ngửa đôi bàn tay/Tình yêu hương cỏ may/Ngủ âm thầm trong đất/Lòng anh cũng vậy thôi/Hơn một lần đánh mất
24 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 24130)
Em biết không?/Đôi khi anh rất thèm/Nghe một bài Thánh Ca quen thuộc/Để lòng mình/Thơm lại chút hương xưa/Nhưng thời gian/Đã vô tình lấp khuất
23 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 24330)
Về đây ngó đất ngó trời/Ngó mông hiu quạnh bên đời phù hư/Năm mươi năm một chân như/Vàng hoa tỏa rạng chút u hương nồng
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17067)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12275)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 622)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1185)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22479)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14017)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7904)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21738)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19795)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24514)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,