Trăng Xưa

13 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 18540)
Trăng Xưa

trangoquenha50x50-content-content

 

 Họa có khùng tôi mới nghĩ rằng những bài thơ ấm ớ như vậy sẽ moi được cho mình một chỗ ngồi trong văn học sử. Thôi, hãy dành chiếc chiếu hoa đó cho những tay chơi lão làng! Vẫn thấy sớm sớm họ tụ tập tự vỗ béo bằng một chầu ở Caravelle, chiều chiều quây nhóm tán dóc ở La Pagode, tối tối đú đởn xả láng với các em bảy chữ tám nghề ở Maxim; rồi nửa đêm về sáng mang bản mặt cá ươn chui về gác trọ, ra cái điều thao thức, trăn trở cho cái “sứ mệnh cao cả giải phóng nhân loại của thi ca”. Còn với tôi, thơ là ... thơ! Thơ, nói cho cùng, cũng chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi nào mà chẳng cần một ít luật chơi? Và luật chơi thì có thể thay đổi tí ti tùy giao ước giữa những tay chơi, phải không ông bạn? Với tôi, hãy...làm dáng chút đã!

 

 Này nhé, tôi, sĩ quan hải quân, trẻ, độc thân, không xấu trai, tốt nghiệp hạng vừa phải ở một quân trường nước ngoài, đang phục vụ trên một chiến hạm đẹp và oai, sau những giờ phút lênh đênh còn hì hục đào bới cho hết các chứng chỉ Luật và Văn còn lại, thử hỏi có cách làm dáng nào gây ấn tượng mạnh hơn?

Tôi chưa say đâu, ông bạn! Mà cũng không lạc đề nữa! Ông bạn vừa hỏi vì sao không bao giờ thấy tôi ra sàn nhảy, phải không? Thì tôi đang trả lời đây! Vậy ta hãy trở lại ... cái thời tôi mới làm thơ.

 

 Tết năm đó, lão chủ bút một tờ báo lính của chúng tôi có sáng kiến (thực ra sáng kiến quái gì, các báo khác người ta đã làm từ hàng tỉ năm ấy!) phỏng vấn lăng nhăng ban biên tập rồi cột vào một bó mà người ta vẫn gọi là mục “xông đất bồ nhà”. Từ tòa soạn lão gởi ra chiến hạm cho tôi một bản tự bạch. Thôi thì tạp lục: Chút tiểu sử? Sáng tác vừa ý nhất? Dự định tương lai? Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất? Ước mơ năm mới ? Cứ như thể người ta phải mở toang tất cả mọi cánh cửa, phơi bày tất cả mọi ngõ ngách con người mình ra để “tìm bạn bốn phương, kết dòng lá thắm” ấy!

 

 Ông bạn biết, sau một phiên trực đầy mật vàng mật xanh của những tay mới tập tành làm quen với biển mùa gió chướng, cái thú duy nhất của tôi là đọc dăm chữ, một bức thư thì tốt hơn (dù bức thư đó tôi đã đọc đến thuộc làu mà không hề nghĩ đến chuyện hồi âm) rồi lơ mơ chìm vào giấc ngủ có chập chờn Sài Gòn nắng, có lung linh con đường Duy Tân cây dài bóng mát, có đôi môi em ngọt lịm chanh đường. Phải ngồi vào bàn viết thì y như tử tội ngồi trên ghế điện. Cáu tiết với trò quỷ của lão, tôi phết nhát gừng. Thích gì nhất? Đọc thư bạn đọc. Ghét gì nhất? Ghét trả lời thư! Vẫn lịch sự chán, phải không ông bạn? Dù gì người ta cũng đã dắt dìu mình từ những bước đầu tiên.

 

 Tờ báo Tết ra lò được hơn tháng thì lão chủ bút lại chuyển ra cho tôi một lố thư riêng. Ồ, ông bạn biết đấy, dù sao tôi cũng có một ít người đọc. Có thư lại cẩn thận kèm hình. Đủ dáng. Đủ kiểu. Họ tự giới thiệu về mình, nói lý do viết thư cho tôi, khen tặng lăng nhăng làm tôi rởn óc như lúc chiến hạm nằm trên đường đi của một cơn bão nhiệt đới. Và họ (làm như tôi là người đầu tiên xuống nước hoặc đang đại diện cho giới hải quân không bằng) mong tôi có thư riêng cho họ về “biển rộng và thú phiêu du, trời xa và buồn vui đời sông nước”. Nghĩa là họ muốn tôi ngồI vài giờ mỗI ngày trên ghế điện! Xấp thư này tôi bỏ lẫn lộn đâu đó với mớ bản thảo công văn và có lẽ người tiếp vụ dọn phòng đã ném xuống biển. Thực ra tôi không buồn ngó đến chúng lần thứ hai.

 

 Nhưng cho đến bây giờ, lúc đang ngồi nói chuyện với ông bạn đây, tôi vẫn còn giữ lại một bức thư duy nhất. Trong ngoài không đề địa chỉ người gửi. Cô gái ấy bảo mình “xấu nhưng không đến đỗi nào, ít học nhưng không dốt lắm”. Nghĩa là nói mà không nói gì cả. Nàng yêu tranh và sưu tập Van Gogh (cắt từ báo, dĩ nhiên!), nghe và yêu Chopin, đọc và cảm ... thơ tôi! Nàng viết: “Ông thích đọc thư nhưng lười viết. Em thì thích viết nhưng không thích nhận thư. Đã thế ta hãy hợp đồng: Em nguyện làm người viết thư không công cho ông đọc...”

 

 Từ đấy hàng tháng tôi vẫn nhận được thư nàng. Có khi đôi ba lá! Tôi phải đọc thêm một ít tạp chí mỹ thuật để xem ông Van Gogh hay ông Chopin nào đó có ăn nhập gì đến thơ tôi không chứ về khoản này thì tôi non quá. Và thơ tôi thì, thú thật, lắm khi nàng gán ghép cho chúng những ý tưởng cao xa mà khi viết tôi không hề nghĩ tới. Chúng tôi giống nhau điều này: gì thì gì, thơ vẫn cứ là... thơ. Vầng trăng diễm tuyệt của nàng vẫn cứ nguyên xi là xứ sở cho mộng mơ bay bổng dù rằng bước chân con người đã đặt lên đó vài năm trước đây, rằng bằng mắt thấy tay sờ đó chỉ là một hành tinh khô lạnh và gương mặt chị Hằng lại chằng chịt rỗ hoa mè.

 

 Nàng đọc và xét thơ bằng cảm tính. Không mồm loa mép giải lý luận dài dòng. Các nhà phê bình văn học vĩ đại của chúng tôi cứ phải hì hục đi làm cái việc quét nhà ra rác. Trường phái? Hoàn cảnh sáng tác? Ý tưởng? Cách dùng từ? Và trăm thiên thứ nữa. Từ này đã xưa: Không ổn! Ý này đã cũ: Không nên! Nếu cứ rập theo các lão thì Liz Taylor không đẹp vì gương mặt hao hao ... nữ hoàng Cleopatre, còn Arnold Schwarzenegger không khỏe vì cơ bắp giông giống... thần Hercules! Nếu cứ rập theo các lão thì Tây Thi, Dương Quý Phi chưa phải mỹ nhân! Các lão còn đang bận rộn với từng nốt ruồi kín, từng mùi lạ từ thân thể các nàng. Các lão mổ xẻ từng sợi tóc đường gân con người ta rồi ra cái điều xót xa, tiếc rẻ cho sự bất toàn của một nhan sắc! Các lão chỉ xứng đáng được chiêm ngưỡng những xác ướp vô thừa nhận trong phòng lạnh bệnh viện. Nhưng hãy tạm quên các lão ấy đi! Ta hãy trở về với chúng tôi, chuyện của tôi và cô bé “không đến đỗi nào”.

 

 Tôi không hề nghĩ rằng ngày nào đó tôi sẽ gặp cô gái. Đời lính đã làm tôi quá quen thuộc với những chia xa, mất mát. Đến độ trái tim hóa xơ. Lại nữa là cái lãng mạn vay mượn được của quý bậc đàn anh: “Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”. Trái lại, những hoan lạc sum vầy, kết thúc đẹp đẽ của những mẩu chuyện đời đều làm tôi xúc động mạnh. Đừng cười, ông bạn, nếu tôi mách nhỏ với ông bạn rằng những kết cuộc có hậu trong các vở cải lương (ví dụ như chàng học trò nghèo cuối cùng đỗ Trạng và cưới công chúa, cô bé nết na rốt cuộc được hoàng tử cứu khỏi tòa lâu đài quỷ và cả hai cùng chia ngôi báu) đều làm mắt tôi rơm rớm. Thời chiến mà! Những cái hậu như vậy vĩnh viễn chỉ là niềm mơ ước.

 

 Vâng, tôi vẫn đọc thư cô gái đều đều mà không hề nghĩ, không hề mong rằng có một ngày sẽ đối diện cùng cô gái ấy ...

 

 0O0

 

 Năm đó bảy mươi ba. Tháng chín. Hằng năm, Hải quân dành một ngày vào tháng này để kỷ niệm húy nhật Thánh tổ. Buổi sáng là phần nghi lễ. Có chào quốc, quân kỳ. Có “câu chuyện dưới cờ”. À, câu chuyện này đại khái giống như bài công dân giáo dục hồi chúng ta học ở bậc tiểu học ấy. Buổi tối tươi mát hơn: champagne, tiếp tân, dạ vũ. Ban nhạc áo trắng chơi tuốt tuột từ những bản Valse nổi tiếng thành Vienna đến những bài twist Sài Gòn rẻ tiền nhất.


Hội quán đêm ấy chật nức. Bọn trẻ chúng tôi chọn một bàn góc tối. Từ đó tôi có thể quan sát và nhận diện được tất cả hoa khôi của buổi dạ vũ này. Cả bọn nhấm nháp rượu mạnh lấy hứng. Tôi chọn đúng mục tiêu và đưa được một tiểu thư con quan lớn ra sàn nhảy khi ban nhạc chơi bài Wine, Women and Song của J. Strauss. Vậy là có một khởi đầu tốt đẹp. Tôi mời nàng ngồi cùng bàn và rất cảnh giác với ông già ba toong bố nàng vừa xoắn theo các mệnh phụ phu nhân, vừa đưa bản mặt cô hồn chăm bẩm về phía chúng tôi. Tôi thích thú với ý nghĩ có lẽ mình đang té ngã vì vừa vấp phải chiếc răng khểnh của nàng. “Vâng, chiến tranh tồi tệ nhưng cuộc đời, nói chung, vẫn đẹp; tình yêu, nói chung vẫn đẹp; tuổi trẻ nữa, nói chung, vẫn đẹp, phải không cô bé? Uống mừng ! Ồ, chuyện ấy hả? Hỏi bố! Ông ấy là một sói biển già dặn đáng kính. Anh chỉ đáng hàng ...con rễ. Uống mừng! Đừng, đừng xuôi mồm nhắc tên anh cho bố biết, ông bày trò thử thách thì nguy. Anh sợ huấn nhục lắm! Nào, nâng ly!” Mỗi lần tiểu thư cười thì tôi cũng cườI thầm cái ý nghĩ mình đã vấp phải một chiếc răng khểnh.

 

 Người thủy thủ tiếp vụ quen biết đến chào và nói nhỏ có người cần gặp. Nụ cười hắn mới thấy ghét sao sao ấy! Làm như tôi và hắn đồng lõa trong một vụ chơi nào đó. À! Lại một cô gái! “Xin lỗi, xin lỗi! Một chút thôi, cô bé”. “Anh có nhiều bạn gái nhỉ?” “À không, không... Có lẽ...” “Không sao!” Mà tôi biết sẽ “không sao” thật: với cô tiểu thư con quan lớn học trường Tây nhỏng nha nhỏng nhảnh này thì chốc nữa ta có thể làm lành bằng đôi câu tán tụng vô tội vạ nào đó.

Tôi và người tiếp vụ luồn lách khó nhọc qua những đôi trai gái đang tay trong tay, mắt trông mắt. Amamai! You're my life, my love. Hold me and never let me go. Trong không khí có mùi nước hoa hạng sang, mùi rượu, mùi thuốc lá, một chút mùi lính tráng. Chút gì nữa giống như mùi rong rêu, mùi muối. Từa tựa mùi xác những vi sinh vật tụ tập trên một vùng biển lớn. Hắn dẫn tôi đến chiếc bàn cuối phòng rồi lỉnh mất. Ở đó, khi mọi người đã kéo nhau ra hết ngoài sàn nhảy, chỉ còn lại một cô gái và cốc nước chanh.

 

 Một khuôn mặt tối. Nghĩa đen lẫn bóng. Ánh đèn tím nhạt chỉ hé cho tôi một chút khóe môi hơi mím, cánh mũi thanh tú phập phồng. Nhưng trong đôi mắt ấy hình như có một thứ ánh sáng riêng. Thứ ánh sáng lấp loáng nhỏ nhoi của đôi vì sao trong khuya mịt mùng bão biển. Đôi vai, đôi cánh tray trần cho tôi một ấn tượng nhẹ nhàng thanh thoát.

 

 “Xin lỗi! Xin em nhắc nếu tôi có quên...”

 “Không! Ông mới gặp em lần đầu...”

 

 Có thể đó là thầm thì tiếng gió lùa qua rặng phi lao. Tôi không rõ. Có thể đó là rì rào lời sóng biển vỗ về bờ cát. Tôi không rõ. Cũng có thể đó là líu lo chim hót ban mai trên hải đảo mù sương. Tôi không rõ lắm.

 

 “Hai năm nay em vẫn thường viết thư cho ông...”

 

 Hình như tự tay tôi kéo ghế ngồi. Hình như có ai đó kéo ghế mời tôi. Tôi không nhớ. Đối mặt với tôi là người con gái hai năm nay vẫn trang trải nỗi lòng với tôi, vừa như nói với chính nàng. Bàn tay gầy, nổi thoáng gân. Những ngón tay dài không sơn móng. Đẹp! Bàn tay đã viết cho tôi gần năm mươi lá thư ấy giờ đang xoay xoay chiếc thìa con.

 

 “Em vẫn thường đọc ông trên báo. Có bài ông đề tặng riêng em. Và em có lý do để gặp ông.”

 

 Đúng đấy, ông bạn! Thỉnh thoảng tôi có bài tặng nàng. Có lẽ chỉ mình tôi và nàng hiểu “gởi một người ở xa” là gởi cho ai. Trong những bài thơ đó, những khi cao hứng, tôi đã gọi nàng là “nguồn cảm hứng vô biên”, là “người thơ hằng cửu”, là “vầng trăng diễm tuyệt của thi ca”. Tóm lại, tất cả những gì cóp nhặt được của thiên hạ tôi đều hào phóng tặng nàng. Còn giờ đây, trước mặt nàng, tôi biến thành một chàng trai ngờ nghệch. Rất ít khi, như lần này, trong cuộc gặp gỡ tay đôi, tôi bị bất ngờ và không nắm phần chủ động. Ý nghĩ này làm tôi thoáng đau khổ. Nhưng tôi đâu phải là hạng người cam phận!

 

 ”Em thấy khung cảnh ở đây có giống chút nào với Dance Hall at Arles của Van Gogh không?”

 

 Cô gái cười nhẹ. Chút ánh sáng riêng trong đôi mắt ấy lung linh.

 

 “Thực ra, ông nghĩ gì về em?”

 

 Ban nhạc chơi bài Sentimental. You're sentimental... Sweeter than a sigh of love... Sweeter than an April morning...Nhưng không, tôi muốn trở về với Van Gogh của nàng.

 

 ”Trông em giống hệt cô gái Nhật bản trong Mousme Sitting in a Cane Chair ông ấy vẽ 85 năm trước”.

 

 Chút ánh sáng nhỏ nhoi trong đôi mắt ấy đột nhiên biến mất. Giống như ánh trời chiều đang hấp hối soi sáng đường chân trời. Khi chiến hạm vừa ngoi lên từ chân con sóng bủa đầu thì ánh trời kia cũng vừa tắt mất. Bóng đêm bất trắc. Có tiếng sóng ầm ầm phía mũi tàu. Có tiếng gió rít qua đài chỉ huy. Đôi vai nàng khẽ rung. Chiếc thìa con gác đầu ngủ vùi trên miệng dĩa. Miếng vỏ chanh xác xơ như đời người khánh kiệt. Màu tím nhạt óng ánh từ chiếc cốc pha lê. Vài cánh hoa rơi trên mặt bàn. Tất cả tạo thành một bức tranh tĩnh vật buồn bã.

 

 Những nốt nhạc ngập ngừng. Ngập ngừng lời nói đầu tiên. Ngập ngừng dòng chữ mở đầu. Letter to Elise! Tôi cũng ngập ngừng. “Có lẽ mình nên nhảy một bản để ghi dấu đêm nay”. Tôi lập lại: “Tôi mời em”. Hình như tôi đang ở trên một con tàu trước giờ bão nổi. Có tiếng gió lùa qua đài chỉ huy. Tôi đứng dậy gỡ nhẹ những ngón tay dài đang bấu vào tấm khăn bàn. Tôi cố tạo một cử chỉ dịu dàng nhưng không thiếu quyết tâm. Có tiếng sóng ầm ầm phía mũi tàu...

 

 Đã hai mươi năm trôi qua. Tôi còn nhớ như in vẻ van lơn cầu khẩn trong đôi mắt nàng vào cái giây phút quái quỉ đó. Đó là đôi mắt chú cá sắp chết cạn trên bờ cát nóng. Nàng nhổm dậy theo chiều kéo cánh tay tôi. Cái dáng nghiêng nghiêng của ngọn tháp Pisa! Và thốt nhiên nàng đổ sụp! Vâng, tôi chưa tìm được hình dung từ nào diễn tả một cách chính xác hơn. Nàng đổ sụp!

 

 Và cả tôi nữa! Các nhà văn thời thượng sẽ mô tả là mặt đất dưới chân tôi hình như sụt lở, tôi như rơi vào một khoảng không đen đặc...Mà thật vậy! Đâu phải chỉ Cali mới có động đất, ông bạn!

 

 Có tiếng loảng xoảng ly tách vỡ. Tôi thảng thốt dán mắt vào phía dưới thân thể nàng. Chiếc váy lệch để lộ phần dưới chân trái ốm tong như cánh tay một đứa trẻ. Và dưới chút nữa, bàn chân cứng đơ. Lưng bàn chân ấy cong lên như một dấu ngoặc đơn vừa đóng lại cho một lời giải thích cần thiết.

 

 0o0

 

 Hai mươi năm đã trôi qua. Sau buổi dạ vũ ấy tôi không còn gặp lại cô gái. Không hề nhận được một bức thư nào nữa. Tôi biết nàng không muốn gặp lại hoặc viết cho tôi. Chiến tranh ngày càng ác liệt, kết thúc bi thảm và số phận đã buộc chúng ta đếm bước lưu vong.

 

 Hai mươi năm, kể làm sao xiết chuyện dâu bể cuộc đời ông bạn hở? Nhưng không bao giờ tôi quên được cô gái và bàn chân tội nghiệp. Tại sao bỗng dưng nàng có ý định gặp tôi? Vì nàng sắp lấy chồng? Sắp vào nhà tu kín? Không phải! Nếu thế nàng chỉ cần viết cho tôi đôi dòng chấm dứt một trò chơi lãng mạn. Nàng cũng có thể tự ý bặt tin, âm thầm xé bỏ cái giao ước một chìều kia để câu chuyện mãi mãi là một nghi vấn nên thơ, lôi cuốn những kẻ tò mò tọc mạch. Không, nàng đã không làm những điều đó. Tôi biết nàng không phải là kẻ độc ác.

 

 Như vậy thì cái logic của sự việc như thế nào? Có lẽ tôi sẽ không bao giờ được biết.

 

 Tôi cũng không quên được sàn nhảy . Nhưng mỗi khi nhìn những đôi trai gái lả lướt bên nhau, tôi không bao giờ tha thứ được sự thô bạo của mình trong đêm dạ vũ ấy. Nói không quá, tôi mang một thứ mặc cảm tội lỗi nào đó. Trong ánh sáng ma quái của vũ trường, cặp mắt cô bé cứ nhìn chằm chằm vào kẻ tội phạm là tôi. Đôi mắt Abel! Tôi biết mình không thể nào khiêu vũ được nữa!

 

 Trong gần hai mươi năm lưu vong này tôi vẫn thường hay đến với sàn nhảy đấy chứ!

 

 Tôi thích đến với những đêm lễ lạc của cộng đồng, các hội đoàn. Thích vì những nét dễ thương và vì cả những điều khó chịu. Ở đó, cuối chương trình bao giờ cũng là phần mà có người tổ chức, vì sợ tiếng thị phi, đã ghi vào giấy mời là “phần tự do”. Đêm nay, chúng tôi lại tổ chức dạ vũ nhân húy nhật Thánh tổ.

 

 Trong những đêm như vậy tôi thường hay ngồi một góc, ngó mông lung và mường tượng ở đâu đó, góc bên kia, có một khuôn mặt tối. Nghĩa đen lẫn bóng. Có chút ánh sáng nhỏ nhoi trong đôi mắt tối. Và bàn chân khập khiễng. Rồi tiếng chiếc nạng gỗ lạo xạo buồn buồn trên lối sỏi. I go alone, on and on... Solo Vado! Đôi vai nhấp nhô lần tiễn biệt. A few stars, no moon, all is dark. Tiếng nhạc từ hội quán năm nào như vọng lại từ một cõi xa xăm. I go alone down the street and every shadow awakens memories within me. Đôi vai nhấp nhô. Nhấp nhô. Và hết...

 

 Không, tôi không thể nào ra sàn nhảy được nữa.

 

 Đến đây, kẻ lắm mồm này đã có thể chấm dứt câu chuyện này được. Đôi chân ông chắc có phần ngứa ngáy? Nhưng thư thả đã, ông bạn! Đêm vui hãy còn dài! Nếu có điều gì phải nói thêm, tôi xin thưa cùng ông bạn: bây giờ, rất ít khi, nhưng tôi vẫn làm thơ. Có người bảo mỗi người Việt là một nhà thơ. Ơn Trời, không phải vậy! Tôi chỉ thấy mỗi người ở đây là một chính khách. Cho nên tôi vẫn phải làm thơ. Thỉnh thoảng tôi vẫn có thơ “tặng một người ở xa”. Tôi muốn nhắn nàng rằng tôi sẽ không phải bỏ công đi tìm một vầng trăng nào khác.

 

 Đối với tôi, cũng như với nàng, vầng trăng kia vẫn y nguyên là vầng trăng huyễn mộng, dù rằng con người đã đặt lên đó những bước chân thô bạo. Thì tại sao em không vẫn mãi là người thơ hằng cửu cho dù có mang phần thân thể tật nguyền?

 

 Các tòa soạn giữ địa chỉ tôi cẩn thận. Mỗi ngày tôi vẫn soát thùng thư với một hy vọng mong manh. Phải, biết đâu một chiều nào đó tôi sẽ nhận được những dòng chữ thân quen mà nét sau chữ u cuối tên tôi được ngoéo tròn như ngón tay trỏ giao ước: “...Đã thế ta hãy hợp đồng: Em nguyện làm người viết thư không công cho ông đọc...”

 

Nguyên Nhi 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 32292)
Trên những ngõ quê rợp bóng tre tháng h
15 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 33115)
Chiều là ngà rũ/ Lá lã ngã rơi/ Đường la cà tố
13 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 32199)
Ta đã đợi em từ hạt bụi/ Ngu ngơ –
10 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 34862)
Tiếng kèn phủ xa khuya phố lặng chìm
09 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 31863)
chủ nhật sớm em đi làm phép bí tích
07 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 33321)
rừng có hỏi mây về chưa hãy đợi
06 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 34736)
Một tình yêu.../ ngẫu nhiên. trong thương nhớ
03 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 34796)
Tôi ước rằng trái đất sẽ ngừng quay
02 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 34457)
Vào chùa học Quán Thế Âm
01 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 34233)
Những trang văn vẫn rầm rì Gió Lửa/ Vẫn rì rầm lời tháng năm chảy trô
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,