Căn Cước Tháng Tư

01 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 18736)
Căn Cước Tháng Tư

 

 duythanh-cuatuyen-content-content

 

Một

 

Cho đến ngày hôm nay, trên khắp nước Mỹ này, chỉ mình tôi biết hắn là ai. Dĩ nhiên là không kể các thành viên trong cái gia đình đầy nghi vấn của hắn.

 

Mười năm trước, một buổi chiều tháng tư bão sấm như thế này, tôi bồn chồn chờ đợi một người không phải là hắn. Lộ trình và lai lịch người đến đã được Hội Thiện Nguyện thông báo trước. Phái đoàn đón tiếp không được hùng hậu cho lắm vì hôm đó là ngày thứ hai. Tôi cố ý lảng xa ông Chủ Tịch Cộng Đồng dù rất kính trọng ông. Ông là gia trưởng một tập thể mà hầu hết là những người quen biết hoặc là cấp dưới ông thời chiến tranh. “Trời đất thế này mà Papa chịu khó quá! Không ai trong Ban Chấp Hành thế Papa một bận à? Có lẽ hết nhiệm kỳ này thì Papa cũng nên nghỉ ngơi thôi!” Một người nào đó hỏi. “Ậy, cái nhiệm vụ và nghĩa vụ mình nó buộc vậy. Còn chuyện nghỉ ngơi thì qua chưa tính. Bọn trẻ bên này lập trường còn non nớt lắm, chưa thay thế bọn mình được. Không khéo chúng lại đi chệch đường.”

 

Chỉ một loáng, mây kéo về đen kịt. Rõ ràng trời đất nước Mỹ đón tiếp hắn không thiện cảm. Mưa đá rơi thưa. Gió giật đung đưa những ngọn đèn cao áp. Trong phòng đợi, khách đi bứt rứt. Nhịn thuốc, tôi bực mình tìm một bar rượu. Bảng điện nhấp nháy những chuyến bay đến muộn, trong có chuyến của hắn . “Không phiền thì anh ngồi với chúng tôi!” “Chào, ... Vâng!” Kể ra thì cũng quen biết: thỉnh thoảng tôi có đến phòng mạch của người đàn ông. Tuy ông ta có vẻ tận tâm nhưng được cái không cần phải gọi lấy hẹn. “Cuối tuần, rảnh, mời anh buổi tôi ra mắt tập thơ đầu tay?” Người vợ, nghe nói là nữ sĩ. “Vâng, tôi không thích gin. Whisky khá hơn.” “Sao không thấy anh tham gia xướng họa?” “Vâng, hễ đầu xuân thì chứng allergy lại hành hạ tôi. Ô, tôi chỉ nghe nói thôi. Roma? Thật không dễ được bệ kiến Đức Giáo Hoàng!”

 

Cuối cùng thì máy bay cũng xuống. Từ trong hành lang hình ống, người ta tuôn ra, tay xách vai mang, nhão nhừ nhưng hớn hở sau chuyến bay xốc. Hắn khá khắc khổ trong bộ vest nhàu, chắc may hơi vội. Líu ríu theo hắn là người đàn bà mệt mỏi và hai đứa trẻ lơ ngơ. Hắn lúng túng trước cảnh đón tiếp vồ vập. Tôi còn ngóng một đỗi nữa: hắn không phải là người tôi đợi. Nhưng sự thật là vậy, gia đình hắn là những người cuối cùng rời máy bay. Không, sau gia đình hắn là những cô tiếp viên tẩm nước hoa hăng hắc mùi dùng trong nhà quàn. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng bắt tay hắn và chúc mừng gia đình hắn “đã đến bến bờ tự do”. Hắn xưng tên, nói rõ cấp bậc và đơn vị phục vụ trong thời chiến. Mấy bận tôi định la toáng lên, hét to lên để mọi người nghe biết. Nhưng hình như có điều gì đó ngăn tôi lại.

 

Hắn lần lượt nắm tay từng người. Nói đúng ra là nhiều người đến bắt tay hắn. Người đàn bà theo sau hắn gật gật đầu và lí nhí nói cảm ơn. Tôi ngượng ngùng chìa tay cho hắn. Có điều gì đó không ổn khiến tôi ngầm nổi giận. Nhưng chắc mọi người chung quanh chỉ thấy ở tôi sự lạnh nhạt khó hiểu. Mặc, quan trọng nhất là điều thất vọng thảm hại trong

 

tôi. Tôi nghẹn cổ mấy lần mới nói được với hắn rằng đừng lo lắng chi cả, mọi điều cần thiết cho hắn đã được chuẩn bị chu đáo. Rằng chốc nữa đây, với tư cách là người bạn, tôi sẽ đưa hắn và gia đình về căn hộ trong apartment mà tôi đã mướn cho hắn từ tháng trước. Tôi bảo hắn vất bó hoa lúc nãy người thiếu nữ nào đó tặng, ôm mãi lố bịch lắm! Hắn ngoan ngoãn, không tỏ chút ngạc nhiên, lớ xớ ném bó hoa vào thùng xe. Hành lý gia đình hắn nhiều quá! Tôi nghĩ có lẽ hắn mang theo cả cơ nghiệp!

 

 

Hai

 

Và, cũng trên xứ Mỹ này, cho đến tận ngày hôm nay, chỉ mình tôi biết hắn không phải là ai. Ngay cả hắn, cùng lắm thì hắn cũng chỉ tưởng tượng ra được một chút xíu cảnh đời một người có thời là đối phương của hắn.

 

Tính ra đúng ba mươi năm, kể từ hôm chia tay người bạn thiết ấy trên bến tàu cho đến ngày lóng ngóng ở phi trường tưởng là để đón anh ấy. Thời gian. Nhưng tôi nghĩ anh đã chẳng thay đổi gì nhiều đến đỗi tôi lạ mặt. Và nếu tôi có nhắc đến cái chuyện bên mạn tàu khuya ấy thì, theo thói thường, chắc anh cũng chỉ nhếch môi. Rồi sau đó là một tràng cười u uất. Nhiều năm ở biển, tôi từng thấy biển sôi lạ lùng như thế.

 

“Chuyện nhanh quá!” “Gió! Không có rượu!” “Ừ, câu lạc bộ đóng cửa.” “Gió! Thường thì giờ này con nhỏ đợi tao gọi. Đường dây bị cắt buổi sáng.” “Nhảm! Đồ chó đẻ! ” “Muộn quá! Gió. Lá thư này ra biển tao sẽ gửi.”

 

Trên kệ sách một căn nhà khu cư xá, chúng tôi tìm được nửa chai whisky. Chủ nhân đã biến đi đâu vội vã. Những cánh cửa tủ mở toang. Từ những tuần trước, khu cư xá thưa dần. Chẳng ai thắc mắc về những người vừa vắng mặt. Ai mà không có thân nhân để thu xếp? Anh đá chiếc nón sắt lăn lông lốc xuống hố nước. Nhiều hố nước do tràng pháo rót vào căn cứ biển đêm qua. Mấy vỏ đạn đồng vương vãi trên đám cỏ khô, hắt lấp lóe ánh đèn từ bến tàu. Người lính gác loe đốm thuốc trên chòi canh.

 

“Mẹ! Chắc nó không còn chỗ để về.” “Nhưng mày đi chứ? Đi! Không ở lại được đâu!” “Nhảm! Chắc ông già tao tối nay lại ngủ ở nhiệm sở. Công chức thâm niên. Gương mẫu. Tao theo ông già xuống tàu vào Nam lúc năm sáu tuổi gì đó. Nhảm!” “Gió! Ừ, nhảm thật! Cứ trời trở lạnh là mấy mảnh pháo li ti trên đầu tao lại cục cựa. Nhảm thật chứ!” “Cũng thời gian ở tàu sông, tao biết thế nào là cảm giác của một con mồi bị rình rập thường xuyên. Mẹ, không gì nhảm cho bằng trên tàu chiến nhung nhúc đàn bà con nít.” “Ăn tí gì chứ?” “Ừ, tao khoái đồ hộp với nhạc phản thùng.” “Gió! Đi chứ?” “Mẹ, hai đứa có nửa chai! Không đủ để tao bắn vào đầu.”

 

Một vài tiếng súng lẻ loi từ vòng rào tiền đồn. Lạ, mọi sự đều thầm thì. Cả tiếng súng. Mọi người đều rụt rè. Ai cũng dè chừng. Hình như người ta sợ đánh động cơn mộng du của nhau. Những chiếc tàu nằm bến chỉ thắp đèn mũi và lái. Gió còn từ hướng biển. Chốc chốc một hải đĩnh lại nổ máy rời bến. Không xa, qua một đỗi sông, một con lạch giữa hai bờ cát ngầm thôi. Biển.

 

“Cứ đi, tất phải tới một nơi nào đó!” “Để cây đàn lại! Không thể mang theo một thanh âm.” “Nhưng phải mang theo một cái gì chứ?” “Mày không được đàn anh huấn nhục cẩn thận! Đừng giở trò hốt theo nắm đất. Không ai rõ mày bằng tao. Nước biển thì múc ở đâu cũng vậy.” “Thôi, không thể muộn!” “Nhảm! Thằng chó nào bắn hỏa châu thế hả!”

 

Thỉnh thoảng cánh cửa sắt nặng nề mạn tàu hé ra một loáng ánh sáng bệnh viện rồi đóng sập lại. Một người thủy thủ xớ rớ sau cầu tàu. Ai cũng bận nhìn bản thân mình. Tôi nắm tay để kéo bạn lên. Người anh nặng chình chịch. Anh cũng nắm tay tôi. Lắc lắc, rồi buông ra. Tôi hốt hoảng.

 

“Lên! Khùng!” “Chỉ cần mày nghĩ rằng sẽ không ai gắn cho mày Hải dũng Bội tinh!” “Lên! Đừng có mà điên! Tụi nó sẽ bắn vỡ đầu mày!” “Xem chừng bay cái áo gió! Tao không thể giúp gì cho mày nữa rồi.” “Điên! Tụi nó sẽ cắt cổ lột da mày!’ “Đàng nào thì cũng xong. Sòng phẳng. Tao chơi sòng phẳng. Còn mày, biết mày có công bằng với đứa em gái tao?”

 

Anh cúi xuống tháo sợi dây thừng cột phía mũi. Đầu sợi dây rơi xuống mặt nước đen. Không một âm vọng.

 

 

Ba

 

“Tôi biết anh không phải là người trong hồ sơ. Ngoại trừ hình và dấu tay!” “Tôi không hiểu. “

 

Mặt hắn trắng bệch. Người đàn bà líu quíu đánh rơi ly nước ngọt. Hai đứa trẻ lấm lét. Phản ứng của người đàn bà và hai đứa bé khiến tôi nhận ra mình thô bỉ. Điều đó khiến tôi căm ghét hắn thậm tệ.

 

“Anh phải hiểu! Anh ấy bây giờ thế nào?” “Anh hỏi ai? Không nên làm vợ con tôi sợ.” “Đừng lo, tôi không làm việc cho FBI, không là nhân viên Sở Di Trú. Hãy cho tôi biết người anh mạo danh ấy bây giờ ra sao.”

 

Cặp mắt hắn cho tôi biết tôi là một thứ Thần Chết và cũng có thể là một Thiên thần Hộ mạng. Người đàn bà và hai đứa bé đã lui vội vào trong. Buổi chiều chui qua cửa kính, rót xuống gương mặt khốn nạn của hắn những đốm vàng.

 

“Nhưng tại sao…” “Anh ấy là bạn chiến đấu của tôi. Bạn thiết! Anh tưởng tôi chuẩn bị mọi chuyện chu đáo để đón tiếp bản mặt anh đấy à? Anh ấy bây giờ ra sao?” “Tôi không biết chi cả. Người ta bảo tôi yên tâm vì người đàn ông đó đã chết trong trại.”

 

Bất chợt hắn ôm mặt khóc rưng rức. Hình như phía phòng trong, mấy đứa bé xô ngã vật gì đó. Hoặc người đàn bà lại vừa đánh vỡ vật gì đó. Tôi đóng sầm cánh cửa sau lưng. Tôi cảm thấy tức ngực, khó thở. Công ty bảo hiểm đã trả không ít tiền cho các bác sĩ để tôi có được những lời khuyên giống hệt nhau.

 

 

Bốn

 

Có những tối tôi nằm ngủ lơ mơ trên bãi cát. Con chim đêm nào kêu hãi hùng trong một hốc đá. Sao lấm chấm trên những nhánh cây xương xẩu nhô trên ghềnh. Người thủy thủ và cánh buồm trắng băng qua Ngân hà. Giấc mơ chinh phục những điều không thể. Triều lên. Giấc mơ sụp đổ với tiếng nước xô lạnh gan bàn chân.

 

“Con bé, tao tưởng chỉ khá ngu. Đến lúc phải lòng mày thì tao biết nó ngu đậm!” “Tao chỉ muốn đi xa. Tao không cần đi đến. Tao là một tên hải tặc hiền lành.” “Con bé hay ngồi thờ thẫn trên gác riêng. Nó bảo với mẹ tao là nó nhìn gió. Nó muốn là gió.” “Con gái đứa nào mà chẳng muốn làm gió.” “Nó muốn là gió.” “Con gái đứa nào mà chẳng là gió.”

 

Đôi khi tôi cố sắp đặt lớp lang những giấc mơ. Tôi cắt biển thành những mảnh nhỏ, xáo trộn chúng lộn xộn rồi cố gắng xếp chúng lại vị trí cũ. Thuở nhỏ tôi từng tham dự những trò chơi ráp hình như thế. Và lần nào cũng chịu thua. Tôi không biết đặt những đứa con gái tử tế vào chỗ nào cho khớp. Tôi hoài nghi về sự có mặt của những đứa con gái tử tế.

 

“Nhảm! Con bé ngu thật. Chỉ có mẹ tao là hiểu nó. Trước, bà là một cô đầu nổi tiếng. Một trong những cô đầu của thế hệ lụi tàn. Có lẽ vì thế mà bà ở lại với bố tao.” “Chịu! Tao không chơi được trò ráp hình.”

 

 

Năm

 

“Nhưng các anh tìm, không, anh mua hồ sơ này từ đâu? Ít ra anh cũng gặp ai đó trong gia đình anh ta phải không? Giả như em gái anh ta chẳng hạn!” “Chính vợ chồng cô ấy thỏa thuận giá cả với chúng tôi. Cô ấy cần qua cơn ngặt và tôi thì cần thoát khỏi nước.”

 

Hắn ngồi bất động, cam chịu. Hắn không thể già hơn được nữa. Người đàn bà ngồi xuống bên hắn, đúng là một thây trôi vừa được vớt lên từ biển. Tôi bất nhẫn và thoáng bực bội vì lòng thương hại đó.

 

“Tại sao anh lại cần ra đi?” “Tôi vượt Trường Sơn trong chiến tranh. Phục viên, tôi ngớ ngẩn dính vào một vụ lem nhem công quỹ. Tôi là con vật tế thần trong cái bộ lạc sơ khai đó. Họ đồng ý dàn xếp cho tôi mất tích. Rồi trút hết mọi chuyện lên đầu tôi. Thế là xong. Tôi không muốn biến mất cách khác!” “Vì sao họ không xài cách khác đó? Nhân đạo chăng?”

 

“Không thể được! Một cái chết sẽ nói được nhiều điều. Người chết còn có thể nói. Kẻ phản bội thì không.” “Lạ lùng là tôi và anh lại gặp nhau nơi này. Trong một tình huống như thế này. Hồi ấy. Bên này. Bên kia. Không cách nào khác.” “Thật, không khác được. Anh có riêng một lý do nào không?” “Tôi đi theo những ngọn sóng. Tôi đi theo những nhánh rong trôi. Tôi đi theo gió.”

 

Tôi ngạc nhiên vì thái độ từ bỏ ưu thế của mình.

 

 

Sáu

 

Tháng tư ngột ngạt gió lào. Những thành phố tháng tư trũng nét âu lo thì cũng phơi phới buông thả. Phía sau những phòng tuyến mới là những người tử thủ và những kẻ đào ngũ. Người ta có thể lang chạ thân xác mà vẫn đoan chính trong những bài thơ. Đó là điều kỳ diệu của tư tưởng. Chúng tôi uống rượu với phần lương khô đi biển.

 

“Tao không chịu được thành phố. Mẹ, cứ như một trại giam.” “Thuở nhỏ có nhiều ngày tao đuổi theo những con còng trên bãi. Buổi chiều lựa cá trên những thuyền về. Tao tự hỏi tại sao những chiếc thuyền kia lại phải trở về. Tao không thích thế. Lúc nào tao cũng muốn đi xa. Thật xa. Không trở lại. Không cần biết đi đâu.” “Tao vẫn nghĩ mày còn có thể làm một việc gì đó khá hơn là làm thơ. Tao, tao chỉ muốn rời thành phố ấy. Nhưng tao không đi xa được. Tao muốn thỉnh thoảng trở về. Đôi khi, vừa quay lưng đi tao lại muốn quay về.” “Gió. Tao nhớ mùi biển.”

 

Thỉnh thoảng vài viên đạn pháo từ miệt rừng ngập mặn rót vào căn cứ biển. Những con tàu xuôi nam, ghé đôi ngày, nhổ neo và không thấy quay lại. Từ rất xa xưa, những câu chuyện truyền kỳ sống động trước hết được loan truyền từ những người thủy thủ trầm tư trong tửu quán.

 

“Người ta sống với điều quái đản này và chết vì một điều kỳ cục khác. Mọi việc hình như chẳng có gì liên hệ nhau.” “Tao không chơi trọn được trò ráp hình.” “Nhưng mày, trước hết, phải tự xếp mình ở vị trí nào đó chứ?” “Tao luôn luôn nằm trong số những mảnh thừa còn lại.”

 

 

Bảy

 

Tháng tư cỏ cây vỡ bùng nhựa sống và tôi bắt đầu lao đao vì chứng dị ứng phấn hoa. Hắn thì vô sự. Phải vài năm nữa kia, hắn mới thấm đòn. Thường thì bao giờ đất cũng dành cho người mới một thời gian yên ả.

 

“Tôi đi theo chủ nghĩa. Chúng tôi được chỉ ra một mục tiêu, một hướng đến. Chúng tôi không có sự chọn lựa. Và không có nhu cầu chọn lựa. Anh cần đi xa, tôi cần đi đến. Mục tiêu anh là chân trời. Mục tiêu tôi là hải đảo. Anh cần đi xa, tôi cần đi đến.” “Tôi vốn ngây thơ với những điều anh vừa nói.” “Chúng tôi thèm được như các anh. Bây giờ chúng tôi khao khát được ngây thơ. Chúng tôi không có gì đáng giá để đổi lại sự trong trắng mà các anh đã có. Vả, không thể được. Chúng tôi bị cưỡng hiếp lúc còn thơ.” “Vậy là. các anh đã đến?”

 

“Các anh là thi sĩ. Chúng tôi là chiến sĩ. Các anh đổ máu để làm thơ. Để cho. Chúng tôi đổ máu để giành giật. Để chiếm. Dân tộc ta phải là một dân tộc vĩ đại, nếu. Nếu các anh chỉ làm thơ. Và chúng tôi chỉ cầm súng. Thật quái quỷ, tôi không hiểu nổi các anh!” ‘Tôi không thể nói thay người khác. Tôi không muốn bị mắng. Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy những cánh buồm và bờ đảo xa. Tôi đi hoài không bao giờ tới. Tôi đi về phía chân trời.” “Vậy mà các anh bị buộc phải cầm súng, trong khi chúng tôi bị buộc phải làm thơ. Chúng tôi sở hữu thân xác đàn bà. Nhưng các anh cầm giữ trái tim họ.”

 

Thật kinh hãi nếu đây là lời tự thú nghiêm chỉnh của hắn.

 

“Tôi đi theo gió.” “Cái lãng mạn quả nhiên không giúp các anh chiến thắng. Nhưng chúng làm các anh khuây khỏa.” 

 

 

Tám

 

Tôi ghét tháng tư. Ở đó mùa này mặt biển chỉ gợn nhăn nhưng ở đây một trận mưa đá tình cờ hủy diệt tất cả những bông hoa đang độ mãn khai. Tôi chán bản mặt của hắn và quyết định gọi hắn một lần.

 

“Anh có thể giúp tôi việc này không?” Tôi hỏi và biết chắc chắn rằng mình sẽ được thỏa mãn. “Sẵn sàng! Anh thừa biết điều ấy!” Suốt tuần, chưa bao giờ tôi nghe giọng hắn sôi nổi như thế. “Không có gì khó khăn đâu. Anh hãy đi đến một nơi nào khác mà sống!” “Thực ra thì tôi đã có nghĩ đến điều đó và đã có chuẩn bị.” “Một nơi nào đó không ai biết. Và đừng cho tôi biết.” “Tôi sẽ không làm phiền anh.” “Xóa hẳn trong đầu cái lý lịch của anh ấy đi. Cái lý lịch mà có lẽ anh đã đọc làu làu trước nhân viên phỏng vấn Sở Di trú. Trả lại cho anh ấy cái của anh ấy. Dù bây giờ anh ấy không còn cần đến nó. Dù người thủy thủ ấy đã đi xa, đến một nơi không ai cần lý lịch. Một ngày nào đó anh sẽ thay tên đổi họ. Vậy là xong.”

 

Tôi cảm thấy bằng lòng với tôi. Hắn đã ăn cắp của tôi một tuần lễ. Tôi không có đức tính của một người làm việc thiện nguyện. Tôi đã chạy trốn cái buồn chán sướt mướt này để ôm đồm cái bực bội dấm dẳng khác. Đã đủ!

 

“Anh thật sự bỏ qua cho tôi chứ?” “Những nhân vật của tôi không bao giờ có tên. Tôi không chơi được trò ráp hình. Lúc nào tôi cũng có thừa hoặc thiếu vài mảnh.” “Cám ơn. Anh còn nói gì với tôi nữa không?” “Hãy nghĩ như tôi và anh chưa hề gặp mặt. Tôi không nhớ những gì anh nói đâu. Còn anh, hãy quên lời tôi đi. Chuyện nhảm ấy mà!”

 

Nguyên Nhi

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20249:04 SA(Xem: 1221)
em/ người đàn ông có đôi lần dừng lại/ để ký thác một ngày một giờ/ không phải nói, tạm biệt/ biết không?
04 Tháng Hai 202410:03 SA(Xem: 1340)
một hôm nào bỗng nhớ/ mơ hồ tiếng hát xưa
31 Tháng Giêng 20249:58 SA(Xem: 1013)
Trăng mười bốn, buông lơi bãi vắng/ Ngày hè trôi trong tiếng ve ngân
27 Tháng Giêng 20249:56 SA(Xem: 1288)
đi về giữa chốn mênh mang/ hỏi thăm một nụ hoa vàng rưng rưng
24 Tháng Giêng 20249:51 SA(Xem: 1013)
Giao mùa trời đất chuyển/ Hoa trái thuận theo thiên./ Tạ ơn dãi đất liền./ Việt Nam mùa tiếp nối.
21 Tháng Giêng 20249:45 SA(Xem: 1106)
Nhớ lần đầu gặp anh/ Lúc em vừa năm tuổi
18 Tháng Giêng 202410:15 SA(Xem: 1143)
Kể từ đận đó nó về/ Em đem bóp vụn câu thề tuổi thơ
15 Tháng Giêng 20245:19 CH(Xem: 1007)
khuya mong manh thiếu phụ/ giọt trăng tắt lịm trong mưa
10 Tháng Giêng 20245:16 CH(Xem: 1040)
ê mùa xuân đừng khiêu khích tao.
06 Tháng Giêng 20245:07 CH(Xem: 1356)
Anh hứa nhé siết mình em thôi nhé/ Chạm cánh tay thơm riết róng vĩnh hằng
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17042)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12261)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18991)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8344)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8816)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25515)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31957)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,