Dấu Vết

07 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 21120)
Dấu Vết

 

 nd-09-content-content

 

Cho dù lúc được tin chàng bị giết bởi gã tài xế say rượu ấy tôi đã bất tỉnh mê man. Rồi kêu thét xé trời. Rồi khóc than dậy đất. Cho dù lúc quỳ phục bên chiếc xe thể thao bẹp dúm, như chiếc hộp các tông bị một bàn chân khổng lồ dẫm phải, tôi đã xù tóc gào điên, rồi hớt hãi bỏ chạy loăng quăng hàng dậm trên khoảng xa lộ tối đen, tai ù mụ bởi những chùm còi ma quái. Cho dù trong hàng tháng trời vật vã đau thương, tôi đã không ngớt tiếc thầm sao mình không ngồi cạnh chàng vào buổi chiều định mệnh kia. Để được xẻ chia số phần tàn khốc.

Không, điều kinh khủng nhất chính lại không là cái chết của chàng. Dù con người dấu yêu lạ lùng bí hiểm ấy đã mang đến cho tôi trọn vẹn những điều tôi tơ tưởng. Tất cả những gì mà một đứa con gái có thể ước mơ. Dù ngày tháng tôi có chàng đã bỗng thoắt huy hoàng. Dù đời sống tôi có chàng đã hốt nhiên lộng lẫy.

 

 Mãi cho đến gần đây tôi mới hiểu vì sao chàng, con người mà mỗi dòng viết là một từng trải yêu đương, mỗi lời thơ là một kinh nghiệm ái tình, lại nhút nhát trước tôi như một cậu học trò trung học. Con người được xưng tụng hàng ngày trên mặt báo, con người từng được đưa vào danh sách đề nghị những giải thưởng văn học cao quý nhất ấy, lại ứng xử như một thanh niên mới tập tễnh vào yêu. Thì ra , sau một năm quen biết, với nhau lui tới hầu hết các tiệm ăn, vũ trường, bảo tàng viện, những cuộc triển lãm nghệ thuật, những khu bảo tồn thiên nhiên... chàng vẫn không bạo dạn hơn chút nào. Chàng đứng bên tôi, cao hơn một cái đầu, có lẽ đang nhìn đâu đó trên mái tóc tôi, hai cánh tay thừa thãi, đôi môi run run, lắp bắp: "Tôi... yêu em". Giọng chàng như của người đang chấp chới hụt hơi giữa giòng nước lũ. Bây giờ tôi mới lưu ý đến điều đó. Lúc ấy tôi đâu có thời giờ để bận tâm! Tôi không chần chừ. Dù chỉ một giây. Tôi bá cổ chàng. Và nhìn sâu vào đôi mắt đẹp.

Tháng sau chúng tôi cưới nhau. Tôi về với chàng, bỏ sau lưng một người đàn ông khốn khổ. Anh ta thành công trên lãnh vực thương mãi đến đỗi không hề hiểu rằng những hoa và quà tặng anh ta gởi đến tôi hàng mấy năm liền đã không nói lên được chút gì. Tôi cho rằng anh ta sẽ mau chóng quên tôi. Mãi về sau tôi mới biết mình lầm.

 

 Đám cưới không linh mục dù tôi có đạo. Điều này là sự nhượng bộ lớn lao của tôi và là nguyên do mối bất hòa triền miên sau này giữa tôi và bố mẹ. Không tiệc tùng linh đình, chúng tôi trao nhẫn trong thư viện riêng của chàng, giữa hàng trăm bè bạn của tôi. Chàng không có bạn thân, chỉ được đôi người quen nào đó. Tôi hiểu và yêu chàng hơn. Lúc ấy tôi nghĩ, có tôi, chàng sẽ bớt đi cao ngạo, lạnh lùng. Tôi sẽ là chiếc cầu bắt tự "cõi người thiên hạ vo ve" (chữ của chàng) đến ngôi sao chàng xa xôi bí ẩn.

 

 Khi mọi người đã lướt khướt ra về, chúng tôi còn quấn nhau trong một điệu nhạc câm. "Tóc em đầy hương hoa sứ," chàng đặt môi lên trán tôi. Tôi ngơ ngác. Sao lại có mùi hương hoa sứ ở đây, trời ? Một nhà thơ lớn không thể có một khứu giác tầm thường, một nhầm lẫn tai hại như vậy. Hãy cho rằng sự lệch lạc kia phản ánh những nao nức mãnh liệt nơi chàng trước một tôi nõn nà tinh khiết. Tôi chủ quan chăng? Tôi có lầm không ?

Chúng tôi và tuần trăng mật bay về phương Nam nắng ấm. Chàng đã đặt thuê căn nhà trên một dốc đá, mở cửa ra biển khơi, dựa lưng vào bìa rừng phong cô tịch. Bấy giờ trời đã chớm thu và đôi khi tôi bắt gặp một đôi mắt nai ngơ ngác sau những vòm lá thấp chuyển màu. Buổi sáng chàng hay đánh xe đưa tôi ra một vòng phố núi. Núi mù mây và phố mờ sương. Thung lũng dưới kia ngút mắt hoa vàng. Tôi mua một vài món vặt vãnh, phần lớn là đồ lưu niệm, trong lúc chàng trò chuyện xởi lởi với mấy người bán hàng. Chúng tôi nhặt vội tờ báo ngày rồi nhởn nhơ quay về "Tổ Đại Bàng". Chàng đã đặt tên ngôi nhà trăng mật của chúng tôi như thế. Không mấy khi chàng động đến sách vở, phim ảnh và cây đàn mang theo. Tự thân thể tôi không là một tác phẩm trác tuyệt hay sao, cô bé một thời là diễn viên múa ballet thượng thặng của trường đại học nghệ thuật?

 

 Buổi chiều chúng tôi tay trong tay thả dài trên bãi biển, trông vời những đợt sóng lô xô. Thời tiết hãy còn ấm nhưng không ai đến tắm trên vùng biển lởm chởm đá ghềnh, cắm đầy những tấm bảng cảnh giác nguy cơ cá mập này. Chúng tôi nằm dài trên cát, dưới bóng cây dừa đơn độc, nhìn mặt trời chìm. "Người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng..." Chàng hay thủ thỉ bên tai tôi. Tôi thích cái lối con đại bàng trống phục vùi ở phần dưới thân thể tôi. Man dã. Tôi yêu cái cách chàng giang phủ trên người tôi. Cổ sơ. Tôi chết mệt trong mạch đập rạo rực của biển khơi và nhịp thở dập dồn chàng. Và lần nào tôi cũng được lay thức bằng giọng ca chàng quyến rũ "...And we made love, and only the sea was watching..." Điệp khúc điên mê của một bản tình ca lạ lùng tôi chưa hề nghe biết trong đời. Giờ đây, trong hoài niệm mênh mông, giai điệu thống khoái của bài hát dị thường kia vẫn còn làm tôi rợn từng chân lông, kẽ tóc.

 

 "Anh đang thai nghén một tiểu thuyết về biển cả," chàng mơ màng. Còn tôi im lặng. Tôi thường hay im lặng mỗi khi chàng trình bày một dự định hay diễn đạt một ý tưởng nào đó.

Tôi say sưa uống cạn lời chàng. "Anh không thể nào tin rằng một người có thể viết về biển cả mà không tự phô diễn về hắn," chàng đoan quyết. "Nhiều nhà tâm lý học đánh đồng tình yêu biển cả ở con người với tình mẹ, họ phải xét lại ..." Chàng như thầm thì với cõi trăm năm "Phần lớn đời anh sẽ nằm trong quyển tiểu thuyết ấy. Anh sẽ dùng biển cả làm nền để trang trải tình yêu đôi lứa." Tôi no nê chàng. Đẹp ! Thông thái ! Tôi dựa lưng vào thân dừa, áp tựa đầu chàng vào vùng êm ái nhất thân thể tôi, phủi những hạt cát vàng vương trên sóng mũi thanh tú của chàng, rồi đắm mê nhìn những giọt nắng tàn lấp loáng trên hàm răng trắng nõn.

Trăng mật trong tôi vẫn ngất ngư cho đến ngày kinh khiếp ấy. Ít ra cũng có lần tôi nghĩ vậy. Nghĩa là, cho đến lúc gần đây, tôi vẫn nghĩ khoảng đời tôi có chàng là cả một mùa trăng mật. Chúng tôi trở về thành phố nhộn nhịp này với một thời khoá biểu đầy ắp những buổi tiếp tân, dạ vũ cuối tuần. Chúng tôi xuất hiện trong phòng khách của những gia đình danh giá bậc nhất. Tự tôi phải từ chối nhiều lời mời mọc. Thường chàng chỉ thuận đến trong những trường hợp chẳng đặng đừng hoặc trong một lúc nổi hứng bất chợt nào đó. Tôi yêu và lây nhiễm tánh khí thất thường của chàng. Nó luôn luôn tạo cho tôi những hứng thú bất ngờ muôn màu muôn vẻ, so với những cuộc đời tầm thường tẻ nhạt chung quanh. "Lúc nào anh cũng muốn có nhiều thời gian với em hơn," chàng hay cười nửa miệng. Tôi vẫn yêu nụ cười ấy dù giờ đây tôi có thể hiểu nửa miệng kia che dấu điều gì.

 

 Tôi chìu chàng, cắt ngắn mái tóc óng ả được chắt chiu từng sợi ước sợi mơ suốt thời tôi con gái. "Trông em khoẻ mạnh và cuồng nhiệt hơn," chàng xoa xoa chiếc gáy tôi trắng khoẻ. Tôi mặc những quần áo mà chàng yêu thích. Đơn giản và không thời trang. Thoạt tiên tôi có hơi phiền lòng vì sự chi dụng của chúng tôi về mặt này quá khiêm nhường so với số thu nhập của một nhà văn triệu phú, người mà giá trị mỗi chữ viết đã được tính cụ thể ra đô la, đúng theo cách đánh giá thực dụng trịch thượng của xã hội này. Nhưng dần dà tôi thấm nhiễm những điều tinh tế nhất trong quan niệm thẩm mỹ của chàng. Chàng chỉ thắt cà vạt và khoác chiếc áo vest chiếu lệ trong những buổi lễ nghi trọng thể. Chúng tôi nổi bật trong đám đông se sua lòe loẹt bằng sự dung dị, trẻ trung. Và cả vẻ lãng mạn nữa. Không phải đây là lời tự xét vô duyên đâu. Có cả một bài báo viết về chúng tôi như thế. Tuy nhiên khi chàng bảo "Mỗi khi ăn vận quá tươm tất bảnh bao, anh cảm thấy như mình đã vương vào một tội lỗi khó dung nào đó" thì vấn đề lại chuyển sang một hướng khác. Tôi rơm rớm nước mắt dù đã quá quen với những ý tưởng nghịch đời. Nhưng không phải chàng đáng yêu biết bao trong chiếc quần rộng ống sậm màu và chiếc áo sơ mi nhạt ngắn tay, nói cười thoải mái với mọi người như một sinh viên đang ở trong khuôn viên đại học nào đó sao ? Trái hẳn với chàng lúc loanh quanh hàng giờ bên những kệ sách u trầm.

Thư viện riêng ấy tĩnh mịch như một nhà nguyện nhỏ. Từ ngày có tôi về, người quản thủ, một bà già Mỹ lọm khọm và sạch sẽ đã được giao cho những công việc khác. Tôi thay hoa mỗi sớm, dạo vài khúc nhạc trong lúc chàng làm vài bài tập trong phòng thể dục. Ông thư ký riêng của chàng, người đồng hương, sẽ vào sắp xếp lại chiếc bàn viết rộng mênh mông, bày lên đó trăm thứ tài liệu tham khảo mà chàng đã dặn dò từ chiều hôm trước. Tôi và bè bạn đã thất bại với ý định thay thế người thư ký này bằng những phát kiến kỹ thuật mới nhất. Chàng, cũng giống những nhà văn đầu thế kỷ, chưa hề có một khái niệm sơ đẳng nào về vai trò của những máy điện toán.

 

 Suốt năm năm lứa đôi chứ ít oi gì, mỗi sớm tôi đón chàng vẫn luôn luôn là một xúc động sâu xa. Thư viện trở nên rực rỡ lung linh với chàng tươm tất ngon mắt. Tôi quên rằng đấy cũng là con người tôi mới giã từ mấy tiếng đồng hồ đây thôi, trong châu thân còn ứ no khoái cảm. Chàng của tôi như mới mỗi lúc. Như khác từng ngày. Không đúng sao, nếu hôm nay, từ chiếc bàn viết này, một câu chuyện chưa ai từng nghe sẽ được kể, một ý tưởng chưa ai từng nghĩ sẽ vang xa, những lời thơ đẹp chưa ai viết ra sẽ thênh thang chắp cánh? Và còn quyển tiểu thuyết về biển cả ? Quyển tiểu thuyết về đời chàng mà mỗi một giòng chữ sẽ là một con sóng lô xô. Quyển tiểu thuyết của cuộc tình tôi mà mỗi trang viết sẽ là một đợt sóng thần hùng vĩ. Ôi, hãy nắm bắt điều huyễn tưởng đáng thương này. Để chốc lát đây biết xót xa tội nghiệp giùm tôi.

Không phải sớm nào chàng cũng nhớ hôn tôi. "Ồ, tiếng đàn em mỗi ngày lại thêm tuyệt ! Một tà khúc ... Lý ra bây giờ là buổi tối và chúng ta đang ngồi ăn bên những cây nến nhỏ ..." Chàng cười thật tươi. Thương nụ cười hồng, tôi xốn xang ân hận đã có lần nhận ra chân tướng bất lương của chủ nhân bí kíp đắc-nhân-tâm "Nhưng mới đầu ngày thôi, cưng. Đáng lẽ thì..." Chàng hay trầm ngâm dừng lại sau chùm từ "đáng lẽ thì", "Sao chúng ta không ở đâu đó trên quê nhà hở em? Đáng lẽ thì ..." Giọng nói ấm áp của chàng lúc nào cũng phảng phất thương buồn nuối tiếc "... Một góc thảo cầm viên ... Một góc sân trường đại học ... Tuổi hai mươi ta mới vừa quen ... Đáng lẽ thì..." Bao lần tôi muốn nói với chàng rằng trong những ngôn từ buồn thảm của con người, thống thiết nhất là chùm chữ "đáng lẽ thì..." May mà tôi chưa. Vì bây giờ, tất cả câu chuyện của tôi... đáng lẽ thì ...

Lúc chàng cầm bút tôi mới thấy hết được cái vật vã của một người đang sinh nở. Mới đó mà chàng như già thêm mấy tuổi. Chàng như vừa về từ vạn đại xa xưa. Mấy vệt nhăn cắt ngang trán, chém xuôi cằm. Chàng như bị hút chặt vào một hố đen vũ trụ. Chàng như bị đóng đinh vào một cõi riêng chàng. Từ trong thế giới muộn phiền đó, chàng đánh lên những tín hiệu buốt óc, gởi đi những thông điệp xé lòng. Tôi vẫn nhớ quặn tim vẻ đẹp điêu khắc của gương mặt khổ nghiệt chàng. Nét đẹp dị thường của một ngôi mộ cổ. Tôi ra thơ thẩn với người làm vườn cho đến lúc chiều buông tĩnh mạc...

 

 Rồi tôi lại có với chàng một lúc loanh quanh bên những khóm cây nhiệt đới trong nhà kính. Rồi chúng tôi nô đùa như trẻ thơ trong hồ tắm bán nguyệt cho đến khi người hầu bàn đã thắp xong những ngọn nến và rung chuông báo hiệu giờ ăn. Chàng mệt mỏi. Nhưng hân hoan. "Hạnh phúc biết bao khi một người trang trải được hết những điều hắn hằng ấp ủ trong lòng," chàng nói mãn nguyện khi người thơ ký mang đến những bản đánh máy sạch sẽ để chàng soát lại lần chót. Tối nay ông ta sẽ gởi đến những nơi mà chàng đã cẩn thận ghi chú bên lề. Riêng tôi, điều tôi ấp ủ không cần phải viết ra chữ, nói thành lời. Chàng đã phải đọc biết mỗi phút giây trong ngực trái tôi lửa bỏng: mãi mãi tôi vẫn yêu chàng.

 

 Nhưng vẫn có những bản thảo không được gởi đi. Tự tay chàng sắp xếp chúng trong chiếc tủ gỗ đào hoa tâm nặng nề. Đó là những tập hồi ký dở dang, những truyện dài cần sửa chữa, những tập thơ chưa đạt được sự thoả thuận với nhà xuất bản, tập phiếu ghi những ý tưởng rời... Phải đợi đến nửa năm sau ngày tang tóc ấy tối mới đủ can đảm để mở cánh cửa tủ dày cộm kia. Phải mất hàng tháng trời để đọc và phân loại tất cả những thứ trong ấy. Phần vì di sản văn học chàng quá đồ sộ. Phần vì tôi đã luôn luôn đọc chàng qua màn nước mắt.

Tôi đã bỏ những ngày đầu tiên để ngồi tẩn mẩn bên chiếc phong bì chứa những tài liệu chàng dành cho quyển tiểu thuyết về biển cả. Quyển sách phơi trải đời chàng. Quyển sách chất chứa tình tôi. Tất cả các trang, phiếu còn nguyên dạng phác thảo, những ý tưởng rời. Một chút đây là hồi ức muộn phiền về một vùng biển quê hương. "Biển đã cướp em trong tay anh. Chúng ta đã đánh giá sai lầm sự tráo trở của thiên nhiên tháng ba năm ấy. " Ai, ai đấy ? Những giòng còn lại chỉ cho tôi biết thêm rằng chàng đã đến trại đảo một ngày tháng tư trong tình trạng sức khoẻ ngặt nghèo. Một tàu buôn vớt được chàng. Một mình... Một chút đấy là những hoài cảm mênh mông trên chuyến phà dọc sông Seine. Một chút kia là những xúc động mơ hồ bên chiếc cối xay gió ở một vùng ngoại ô Amsterdam. Mỗi trang viết đều chứa chan một tình yêu đằm thắm. Không sao đâu, anh, nếu với anh một cuộc tình nối tiếp một cuộc tình. Với em, chẳng hề gì đâu, anh, nếu một người mới giúp anh quên lãng một người xa. Và ... biển đây! Nhiều biển quá ! Ô, màu nước ở San Francisco không thể giống sắc nước San Sebastian. Tiếng sóng Monterey khác lạ lùng với tiếng vỗ bờ Maine. Mây bay ở Capris và mây trôi ở Catalina. Ồ, chàng đã chiêm ngưỡng biển từ Mauntak, Majorca. Chàng đã yêu dấu biển từ bờ Mexico đến North Atlantic. Chàng đã yêu, đã yêu... Mỗi vùng biển mặn một cuộc tình nồng. Tôi không hề ghen tức với những phụ nữ đã đi qua đời chàng. Có lẽ tôi phải cám ơn họ đã nhào luyện dùm tôi một trái tim nức tươm thương cảm. Cuối cùng tôi vẫn là người con gái đã cầm giữ tâm hồn chàng. Chàng đã không bảo rằng tôi mới chính là "người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng" đấy sao? Vậy, cuối cùng, chính tôi là người đã tháo gỡ cho chàng những mảnh tình rời phù phiếm. Nhưng tôi ở đâu đây trong quyển tiểu thuyết đời chàng ? Đâu là những quân bài chàng chia cho tôi trong canh bạc cuộc tình tôi đỏ vận? "Tôi quyết định cưới cô ấy ..." Trời ơi, có phải tôi đấy chưa, cô bé hiền lành tội nghiệp, suốt đời chỉ phạm một lỗi lầm duy nhất là đã trót tha thiết yêu chàng?

 

 "Tôi đã quyết định cưới cô ấy ... Anh đã cố gắng biến người thiếu nữ tử tế ấy thành em. Hay chí ít cũng nhào nặn ở cô ta những hình ảnh ở em. Anh sẽ cố gắng nghĩ rằng người thiếu nữ ấy chính là em. Em hỡi, có lúc nào tôi không nghĩ đến em đâu ..." Trời ơi, tôi đấy sao, "người thiếu nữ tử tế" ấy? Câu trả lời sắc nhọn như một tia chớp điếng hồn. Tôi lóng cóng đánh rơi manh giấy. Thực sự chàng không biết chàng đã viết gì sao? Ngọn bút chàng đã đóng cọc vào trái tim tôi vốn dễ bề thương tổn. Chàng đang ở đâu đây phả tử khí vào cuộc đời tôi. Tôi khóc mùi. Tội cho tôi. Tội cho tôi. Thật vô chừng tội nghiệp cho tôi. Tôi đang chết đây trong mạch đập biển xa. Tôi vừa chết đây trong lời hát tình gần... "And we made love, and only the sea was watching." Tôi chết đây. Không, tôi đã chết ngay từ một ngày rơi vào đôi mắt đẹp chàng.

 

 Thấy chưa, tôi đã nhầm lẫn xiết bao khi nghĩ rằng tôi chỉ biền biệt tăm hơi khi chàng trầm mình trong thế giới văn chương kỳ ảo của riêng chàng. Trong đó, chàng là thượng đế, tái tạo cõi nhân gian, hư cấu những cuộc tình. Thực ra, ở thực tại đời thường, trong mắt chàng, tôi cũng mịt mù dấu vết. Tôi như chưa hiện hữu bao giờ. Tôi chỉ là chiếc bóng chập chờn của một người thiếu nữ đáng thương nào đó. Hay người thiếu nữ kia chính là chiếc bóng lớn lao trùm phủ cả đời tôi? Đàng nào thì cũng thế thôi. Đàng nào cũng thê thảm cho tôi, hỡi tôi trái tim vô tội và thân xác hiền lành. Tôi đâu ? Tôi đã ở đâu trong mắt nhìn biển cả ? "Anh only the sea was watching," trời hỡi ! chàng đã cho tôi hiểu rằng tôi có thể yêu người khác như thế nào. Giờ đây chính chàng cũng cho tôi biết tôi yêu tôi đến chừng nào. Nỗi khổ đau tôi bị chìm tăm xóa dấu là to lớn chừng nào.

Có một tên vô lại nào đó viết rằng: "Không nỗi khổ đau nào không thể phôi pha bằng tiền bạc." Mấy tên báo bổ ngưu đầu mã diện ở đây vớ lấy, hớn hở cho vào khung "hoa tư tưởng". Tôi không ngạc nhiên chút nào vì lắm khi chúng còn dám trích đoạn cả những bài viết thổ tả của chính mình, cho lên trang nhất, chạy chỉ đóng khung cẩn thận, giống như người ta vẫn hay trích dẫn sách phúc âm. Lại cả gan in thêm luôn bản mặt thô lậu của mình. Hồi con gái tôi vẫn hay vất những tờ báo loại này vào sọt rác. Từ có chàng tôi đã điềm đạm hơn. Tôi cất giữ những tờ báo kia vào một nơi cẩn thận. Cuối tuần người quản gia sẽ cho vào thùng phế liệu tái sinh. Với giấy tái phẩm này có thể người khác sẽ viết được một cái gì đó hay ho hơn nhiều. Một bài quảng cáo cho một loại thuốc mới đặc trị bệnh phong tình chẳng hạn. Bây giờ bọn chúng không cần sờ sau gáy vì chàng đã đi rồi, chứ chỉ cần một nụ cười khinh bạc của chàng chúng sẽ gầm mặt tháo lui, để rồi sau lưng chàng sẽ gâu mổ chống chế: "Dù sao đau khổ bên một triệu đô la vẫn hơn chịu nỗi khổ đau kia với một tài khoản trống trơn." Nghe được hơn. Dù cũng không kém phần đần độn. Quả tình tôi giàu có ngoài dự tưởng khi các nhà xuất bản trả một giá không ngờ cho những di cảo của chàng. Tôi có thể ung dung một đời vung phá. Của cải có thể hao hụt đi nhưng nỗi khổ đau kia mãi chất chồng, chừng nào tôi còn có thể nhớ được những trang viết ấy. Mà làm sao quên dù tôi đã rải tro đen của chúng trước mộ bia chàng.

Thấy chưa, tôi đã bảo cái cao độ của điều bất hạnh tôi không là cái chết của chàng. Cho dù chiều chiều, như chiều nay hiu hắt mưa xa, tôi vẫn ngồi đây, trước tấm mộ bia cẩm thạch kia, đầm đìa nước mắt, nghe nát nan từ những tiếng sấm vỡ hồn. Cho dù đêm đêm, như đêm nay dự báo bão gần, tôi vẫn lượn lờ mất trí trong những căn phòng mênh mông cô quạnh, săm soi hôn hít từng di vật của chàng. Những mảnh vỡ địa cầu, sau cơn mưa thiên thạch. Có gì khó hiểu đâu nếu tôi nói rằng điều bi đát nhất đã xảy ra ngay hôm gặp mặt đầu tiên, khi tôi rơi vào đôi mắt đẹp của chàng.

Có ai ở đây đã trải một kinh nghiệm lạ lùng như tôi không? Không à ? Hạnh phúc quá ! Không thật à ? Hãy xem chừng ! Đôi khi mình chưa phát hiện ra điều ấy đấy ! Không thật sao? Đúng là tội nghiệp cho tôi.

Và cũng tội cho người đàn ông ngày xưa đã trải hoa và xây quà chung quanh tôi tuổi hồng con gái. Bây giờ anh ta đến thăm tôi thường hơn. Cái góc thứ ba của tam giác tình yêu cổ điển ấy biết điều với tôi hơn. Ân cần hơn. Anh ta thường ngồi lặng lẽ khi tôi tẩn mẩn bên sách vở của chàng. Nhiều khi tôi không nhận thức rõ rệt sự có mặt của anh ta. Tôi chỉ lơ mơ cảm giác bóng một người đàn ông trong thư viện lạnh tanh này. Đôi khi tôi quay lại, định hỏi han một điều gì đó, để bàng hoàng chợt tỉnh rồi bật khóc ngỡ ngàng. Không, không phải là chàng. Đầu tóc anh ta hớt cao, tươm tất. Không sao, có khó gì đâu nếu anh ta bớt săm soi chăm chút cho bản thân mình. Tôi có thể bảo anh ta ăn mặc giản đơn hơn. Nếu anh ta cứ trầm tư thế kia thì quá đẹp... Không sao, mọi sự sẽ ổn cả thôi nếu anh ta chìu tôi mỗi ngày một ít. Mà sao lại không chớ? Tôi đẹp quá! Và lắm tiền ! Không sao đâu, anh ta có thể bắt được giai điệu mê sảng của bài tình ca ấy đấy. .."And only the sea was watching..." Buồn cười thật! Và cũng thê thảm thật đấy chứ, mấy người...

 

Nguyên Nhi


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 22415)
Bỗng một ngày ta không còn là ta
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 19618)
"Mưa Qua Sân Thượng" là một tự truyện được viết bằng những thao thức của tuổi niên thiếu từ buổi trưa 30 tháng 4-1975 đến tháng 4-1979, khi tác giả phải ra đi. Văn Trầm Hương lấp lánh như những vì tinh tú kết thành chuỗi sao đêm.
12 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 21795)
Buổi sáng hoa nở như tình nhỏ/ Tháng mười hai xanh nét bi ca
10 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 23350)
Xa nhà, trăm ngàn thứ để thương để nhớ, mà nhớ nhiều nhất là nhớ … chợ. Hễ cứ nhớ chợ thì, lạ thay, tôi không mấy nhớ hàng quà hàng bánh mà lại ưa để lòng mình vào hàng rau
09 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 20992)
Ca xang mộng huyễn xanh ngất lời/ Sát vai người mà sao chia phôi?!
08 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 21764)
Người mong vẫn nhớ nụ hoa hồng Ước vọng tình xuân tiếng rũ lòng
07 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 18416)
khi cánh cửa ngũ-quan mở ra, ở cùng một thời điểm, trong ta có thể là ồ ạt hoặc trống rỗng; là ra đi hoặc ở lại; là cố chấp hoặc bao dung; là hiện thực hoặc siêu thực. không biết chừng…
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 20777)
Thành phố chiều cuối năm/ những chiếc bus chạy qua vắng khách/ đường mang số - hàng cây trơ cành/ mùa đông vừa đem đi hết lá.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 24099)
cửa mở ra, rỉ rả mưa/ chân như ngần ngại. Đâu rồi nắng mai./ tàn năm, mây âm u trời
02 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 23871)
Vẫn còn góc nhỏ riêng ta/ Dương xỉ xanh/ Lá liễu khô/ Cỏ dại
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16814)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12051)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18831)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8125)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 452)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13900)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8392)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25366)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22812)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21615)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19672)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17964)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19149)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16825)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31809)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34842)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,