Trò Chuyện Trên Mạng Với Nhà Văn Hoàng Chính (Kỳ 2)

23 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 12733)
Trò Chuyện Trên Mạng Với Nhà Văn Hoàng Chính (Kỳ 2)

 

hoangchinhchandung-content-content

 

Kỳ Phong:

 

Tôi chỉ muốn hỏi một câu ngắn nhưng là điều tôi trăn trở thật lâu: tác giả Việt Nam (hải ngoại) tiếp tục viết làm gì khi độc giả ngày càng lơ là chữ nghĩa. Mong nhà văn HC đừng cho tôi câu trả lời đại khái là viết cho riêng ông bởi tôi tin tác giả nào viết ra điều gì cũng muốn có nhiều độc giả. Trân trọng cám ơn.

 

*****

 

Hoàng Chính:

 

Nó đã như thế mày còn lưu luyến nó làm gì nữa! Người mẹ nói với đứa con gái đang bị phụ tình; người thiếu nữ nói với cô bạn thân đang bị tình nhân ruồng bỏ. Người ta đã như thế, mình còn vất vả, gian truân làm chi nữa! Kẻ đang nếm mùi bạc bẽo của nhân gian hỏi chính mình như thế.

 

Nếu đổi chỗ người đàn bà bị phụ tình ấy cho nhà văn, đổi chỗ kẻ tình phụ kia cho độc giả, và chuyển tình yêu giữa hai người thành đam mê văn chương, thì phải thú nhận nhiều lần, nhiều lần lắm, tôi cũng hỏi chính mình câu ấy. Bây giờ người (Việt) mình có còn tha thiết với chữ nghĩa nữa đâu, viết làm chi nữa!

 

Tuy nhiên dù có người đọc hay không, nhà văn vẫn viết. Mỗi người viết có lý do riêng của mình. Ngoài những mộng mơ không tưởng như danh, lợi; viết - tự nó – đem lại niềm vui. Riêng tôi, tôi viết cho một người. Ai thế? Vâng, tôi xin phép được dông dài như thế này.

 

Ở trong hay ngoài nước, dù có ruồng rẫy sách vở đến đâu, vẫn có lúc người ta cần đến chúng. Người nghèo có thể xé sách gói xôi, đem bán ký, người giàu dùng làm đồ trang trí nội thất, hay kê chân giường, chân tủ… Và với những người còn lại chút gì đó trong tâm hồn, sách vở và chữ nghĩa đôi khi đem lại sự cứu rỗi. Tôi tin như thế. Khi thất vọng trước lòng người, tình đời, người ta có thể tự an ủi rằng Xuân Tóc Đỏ, cô Tư Hồng, Chí Phèo… cũng chưa đến nỗi nào. Suốt những đoạn khổ ải của đời sống, tôi có người bạn đồng hành thân thích; người bạn vong niên, lớn hơn tôi tới ba chục tuổi. Anh chàng nông dân xứ Roumanie xa lơ lắc. Anh ta tên là Johann Moritz.

 

Dưới đáy sâu tuyệt vọng, có người nghiến răng nguyền rủa, có người nhắm mắt ước mơ, có người lẩm bẩm cầu kinh, có người nghĩ đến… những nhân vật trong cuốn sách mình đã đọc. Riêng tôi, tôi nghĩ đến Johann Moritz. Anh nông dân Johann Moritz trong Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của Constantin Virgil Gheorghiu. Và trong những khoảnh khắc cùng cực của đời sống, tôi tin Gheorghiu viết Giờ Thứ Hai Mươi Lăm cho chính tôi. Bởi nhiều lần, trong giây phút vô vọng, toan tính từ giã cõi sống này, tôi lại thấy Johann Moritz. Tôi thấy anh bị đày ải qua hàng trăm trại tập trung. Tôi thấy anh bị đọa đày, hành hạ hơn súc vật. Và tôi thấy anh mỉm cười, nụ cười chân chất của một con người đúng nghĩa. Thế là lòng tôi lại bình yên.

 

Gần hai mươi năm trước – giữa thời (tạm cho là) cực thịnh của văn chương Việt Nam hải ngoại - khi tạp chí Chủ Đề của nhà văn Nguyễn Trung Hối đặt câu hỏi, “Nhà văn viết cho ai?” tôi đã giải bày bằng một truyện ngắn. Hôm nay, trong buổi suy tàn của văn chương hải ngoại (khi những nơi nương náu của người viết như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Làng Văn… chỉ còn trong trí tưởng), tôi vẫn tin – như thuở ấy, điều mình đã viết trong truyện ngắn ấy - rằng “...nếu mình viết với cả tấm lòng thì hôm nay, ngày mai, hay cả ngàn năm sau nữa, thế nào cũng có ít là một người ở đâu đó, nói một ngôn ngữ nào đó, đón nhận với cả tấm lòng.”

 

Và thưa anh (chị) Kỳ Phong, tôi không dám trả lời thay cho các tác giả khác, nhưng riêng tôi, cho dù - giả dụ Gheorghiu còn sống và tôi may mắn được thấy bóng ông thấp thoáng giữa đám đông, trong một thư viện nào đó, giữa những cuốn sách thơm mùi giấy mới, và chắc chắn là tôi không đủ can đảm đem cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm lại xin chữ ký của ông - thì tôi vẫn tin mình viết, là viết cho những cõi người xa xôi ấy.

 

Tôi thấy mình và không ít những người viết khác làm công việc vớt trăng đáy nước. Cứ vớt mãi, tôi tin cũng có ngày vớt được một vầng trăng.

 

Câu hỏi của anh / chị thật ngắn nhưng xin cho tôi đáp lại bằng một câu trả lời dông dài; bằng một truyện ngắn. Bởi tất cả những gì tôi muốn tỏ bày gói trọn trong ấy.

 

Trân trọng.

 

 

 

gửi riêng, chốn nào

hoàng chính


Còn... Miệng thì thầm, những ngón tay quơ quào trong không khí. Và con mắt thì láo liên. Con mắt không biết đã học gian xảo từ lúc nào. Những ngón tay vẽ rồng vẽ rắn trong không gian. Người thông minh ắt phải hiểu ra ngay. Nhưng ông già này không hiểu. Hay làm bộ không hiểu. Lại phải thì thào. Bố già còn... Cả bàn tay lại phải vẽ vời nguyệch ngoạc. Còn cái đó không. Cái đó là cái gì. Nị nói chuyện không minh bạch. Cái miệng hôi mùi thuốc rê. Cái miệng tua tủa những râu. Cái mặt đã choắt lại mà cái miệng cứ nhất định để râu. Những sợi râu viền quanh cái cằm nhọn, bên dưới đôi má hóp, vẽ nên chân dung một đạo sĩ đông phương hay một tay cái bang chính hiệu. Ông già đến bực mình. Bao nhiêu buổi chiều bóp bao tử, bó gối chờ cơm, miệng đọc với nhau những câu thơ Đường. Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi dục ẩm tì bà mã thượng thôi tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Đọc cho ông già nghe, rồi ông già chuyển qua tiếng Phổ Thông. Mê lắm. Quên cả cơn nóng bức bừng bừng trong không khí; quên luôn cả cái mùi người đeo dính lấy hai lỗ mũi. Ông già Tầu và những câu thơ Thôi Hộ, Lý Thương Ẩn, hay Vương Hàn... Mã thượng có phải là trên ngựa như thượng mã phong không ông già. Có đứa đã hỏi như vậy. Ông già Tầu cải chính ngay. Mã thượng chữ quốc ngữ (của Tầu đấy) đọc là mà xáng nghĩa là tiếng hối thúc giống như lẹ lên vậy đó chứ hổng phải lên xe xuống ngựa gì hết ráo. Bao nhiêu buổi chiều như thế. Ngồi học thơ người xưa, ngồi học tiếng Phổ Thông, ngôn ngữ của nước láng giềng phương Bắc. Ông già Tầu thông minh uyên bác. Vậy mà hôm nay nghe hỏi cái câu quá trời là đơn giản mà cứ ngớ ra; hai con mắt ngờ nghệch như mắt người dân quê lạc lên thành phố. Đành phải ghé sát cái đầu rối bù. Đành phải để cái mùi hôi mốc xộc lên lỗ mũi. Ruột viết chì đó. Bố già cho mượn chút đi. Ông già trợn mắt. Hai vai xương xẩu co lên. Trông ông già giống con mèo mới thức giấc, đang vươn vai. Hai con mắt láo liên liếc vội những hình người lố nhố xung quanh. Cái giọng khàn nặc mùi thuốc rê thì thào. Tụi nó biết là ở tù à nghe. Cười. Cả hai cùng cười. Ông già khéo diễu. Ngày thứ bao nhiêu không còn nhớ được nữa. Đang ở tù mà còn sợ ở tù nỗi gì.

 

Vậy, mà ông già vẫn sợ.

 

Cái đầu bờm xờm lắc quầy quậy trên cái cổ xương xẩu. Bố già à. Gọi thế nghe Bắc kỳ quá lắm. Đổi qua tiếng mẹ đẻ của ông già cho nó thân tình. Nị sợ cái gì. Đã biết là cổ lai khám lớn kỷ nhân hồi thì còn sợ gì nữa chớ. Ông già mặc quần xà lỏn. Ai trong này cũng mặc quần xà lỏn. Thành ra không có chỗ nào - như cái tay áo - để níu kéo, để kỳ kèo. Nhưng hắn vẫn lì lợm. Trên đời này những đứa lì bao giờ cũng thắng cuộc. Bố già biết không. Bố già cho mượn cây viết chì chút xíu cũng như làm ơn làm phước để lại cho con cháu. Lâu lâu ngộ mới nhờ vả, nị từ chối coi sao được. Một trăm mấy chục ngày không thấy được một chữ, không đọc được một câu. Như cái thời ăn lông ở lỗ.

 

Năn nỉ hoài muốn gẫy lưỡi. Chẳng lẽ trổ mòi đe dọa. Đâu có được. Làm gì cũng phải biết nghĩ trước nghĩ sau. Ông Tầu già mà giận sẽ chẳng còn ai chuyển thơ Đường ra tiếng Phổ Thông cho mà học nữa thì coi như hết một đời. Cô Tô thành ngoại Hàn San tự dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Nị biết chùa Hàn San ở đâu không... bao nhiêu đêm nằm nhắm mắt mơ tưởng Hàn San tự. Như đã từng mơ chùa Một Cột, tưởng chùa Thiên Mụ và nhớ chùa Vĩnh Nghiêm, nơi có một lần anh đưa em đi hái lộc. Đó là lần duy nhất. Của sáu bảy năm mê mải yêu đương. Em bảo bây giờ thì cứ giả nín thở qua sông đi. Ngày rằm mình đi chùa cho bố mẹ em vui, ngày chủ nhật hai đứa đi lễ nhà thờ Đức Bà cho ba má anh yên lòng. Mai mốt lấy nhau xong rồi, mình đi thưa ra chắc cũng chả sao. Chúa với Phật hồi đó linh thiêng, nên em nói gì anh cũng nghe theo hết trơn. Đêm giao thừa. Hai đứa dựa vai nhau bên cội mai già. Xác pháo đỏ những lối đi quanh co trong sân chùa. Kỷ niệm. Trời ơi là kỷ niệm. ở đây. Và cả bên ngoài những chấn song sắt kia, nếu không có kỷ niệm, làm sao mà sống được.

 

Nị cho mượn chút đi mà. Ông già Tầu nhìn mông ra tuốt bức tường cao ở cuối gian phòng. Những vệt giấy dán lam nham còn đó. Người ta cố xé đi cho sạch nhưng cũng vẫn còn. Vài con chữ ghi khẩu hiệu còn sót lại như dỗ dành giấc ngủ bọn tù mỗi đêm, khi cả lũ cùng trở mình nhìn qua phía ấy một lượt. Những con chữ bò loanh quanh trong trí tưởng tượng. Bố già cho mượn chút xíu thôi. Nị viết thư... Ông già gằn giọng. Rủi tụi nó bắt gặp tụi nó bỏ tù ngộ thì sao chớ. Lại bỏ tù. Ở đây ngày thứ một trăm mấy mươi rồi mà ông già cứ nhất định trại tạm giam không phải nhà tù. Cái đó là từ thuyết chính danh của Khổng Tử chứ ngộ có bịa ra hồi nào đâu. Ngộ không phải là tù nhân vì ngộ có làm gì sai trái hồi nào đâu. Nị viết thư mấy ổng bắt được là nị với ngộ sẽ vô tù. Không có. Không có gửi thư. Vậy chớ nị làm gì. Viết cái... điạ chỉ. Phải nói dóc thật nhanh. Phải rồi. Viết cái địa chỉ rồi học mỗi ngày cho thuộc làu làu. Mai mốt được ra ngoài đời. Nhắn dùm một hai người bạn đồng cảnh ngộ, để nhà người ta biết mà đến thăm nuôi. Vậy là làm phước. Vậy thì được. Ông già quay trở lại. Hai con mắt sâu, cái nhìn chọc chòi, áp đảo. Nị hứa nghe. Hứa. Đi chỗ khác chơi, chừng năm phút trở lại ngộ đưa cho. Thì đi chỗ khác chơi vậy. Ông già không muốn ai biết chỗ dấu báu vật. Ông già dễ thương. Muốn ôm lấy ông mà hôn lên cái má hóp thay cho lời cám ơn. Mai mốt được ra ngoài, mỗi người một nơi, mình sẽ kiếm đâu ra người tương đắc để cùng đọc những câu thơ cổ. Ông già ém hơi thuốc lào hút nhờ của thiên hạ thật sâu xuống lục phủ ngũ tạng rồi thở ra làn khói phiêu phiêu. Nắm tay đấm nhẹ lên vai hắn. Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ. Thi sĩ Cao Thích ngày xưa đã viết như vậy khi tiễn bạn nị biết không. Mắc mớ chi phải sợ con đường mình sắp đi qua sẽ không có người tâm đắc.

 

Len lỏi trong đám đông. Những thằng người mốc meo hôi hám. Tiếng chửi thề vang vang. Nóng nực như vậy mà mấy ông nội này vẫn oang oang đủ thứ chuyện. Ê bác sĩ. Cấp này tui nằm mơ thấy con nhỏ em vợ tui hoài, có sao hông vậy. Tiếng cười vang rân. Những thân người gẫy gập, đăm chiêu quanh một bàn cờ tướng có những quân cờ bằng giấy. Những quân cờ viết bằng mảnh ruột bút chì quý giá của ông già Tầu.

 

Năm phút nhắm chừng đã qua. Vạch những thân người nhếch nhác, tìm lối. Ông già Tầu đứng trơ vơ như pho tượng. Ông già Tầu chờ hắn. Ông đã quá quen với sự chờ đợi. Hố mắt sâu, thoáng nhìn tưởng chừng ai đó đã móc đi hai con mắt lạc thần. Bốn con mắt nhìn nhau. Môi nhếch nụ cười cầu tài để được ông già dúi vội cho miếng ruột bút chì ngắn bằng một đốt ngón tay.

 

Len lỏi về cái xó của riêng mình, quên cả một lời cám ơn. Nị nhớ là đã hứa rồi đó nghe. Nhớ mà. Nhớ mà.

 

Nhưng hứa thì hứa vậy thôi.

 

Về tới xó góc của riêng mình, hắn thả cái thân hình còm cõi xuống nền xi măng nhớp nháp. Hai con mắt bâng khuâng nhíu lại dưới một vuông trán đăm chiêu. Hai con mắt dán vào vách tường đá quét vôi vàng ệch, ám những vệt khói đen. Chỗ ấy thỉnh thoảng hắn vẫn ngồi canh cái bếp lửa làm bằng lon sữa ghi-gô thỉnh được từ thế giới bên ngoài. Lửa từ những thanh giấy ni lông cuộn chặt cháy chậm và toả ra đặc nghẹt một vệt khói đen. Vệt đen ấy ám vào vách tường, vẽ lướt thướt một dáng dấp liêu trai. Có nước sôi pha trà, tha hồ ngồi nói nhảm chuyện đời. Mà chuyện đời thì nói hoài không hết.

 

Hắn trịnh trọng chùi sạch một khoảng tường, và mím môi tỉ mỉ thả lên đó những con chữ ngoằn ngoèo bằng mảnh ruột bút chì ông già Tầu cho mượn.

 

Chời ơi nị viết gì lên tường vậy. Ông già Tầu vừa la khẽ vừa chăm chăm nhìn vách tường. Rồi lẩm nhẩm đọc. Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh. Rồi cái cổ gật gù. Hay đó. Cái này nị nghĩ ra hả. Đâu có. Vậy ai nghĩ ra. Nguyễn Tất Nhiên. Y ta viết cho nị hả. Ừ. Phải bạn không. Không. Quen không. Không. Không quen biết làm sao người ta viết cho nị được. Cười. Hắn cười hạnh phúc. Ông già cười, xớt chia niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Có một người không quen, viết cho mình những dòng chữ bùa phép. Hạnh phúc chứ sao không. Làm cách nào nị biết là y ta viết cho nị. Tui đang buồn bố già biết mà. Ừa, rồi sao. Tui đang hết tin Thượng Đế nè. Ừa, rồi sao. Vậy là lúc mình buồn, thần thánh gì cũng chẳng còn linh thiêng nữa, không phải sao. Ừa, rồi sao. Thành ra câu thơ đó Nguyễn Tất Nhiên viết cho tôi đó, bố già ạ. Nị nhận ẩu. Không có ẩu đâu ông già. Hắn vừa nói vừa mân mê cái mụn ghẻ mọng nước ở kẽ ngón tay. Móng tay lâu ngày không được cắt, gãi ghẻ sướng gì đâu. Tối nào nị với ngộ cũng ngồi đọc thơ Đường. Nị với ngộ chu du thiên hạ, nị với ngộ bay theo tiếng chuông chùa Hàn San, nị với ngộ uống rượu bằng chén bồ đào. Nị với ngộ đi tìm hình ảnh hoa đào năm cũ. Nếu không có những thứ đó, tụi mình làm sao mà sống sót cái nóng hừng hực của hơi người, bao tử tụi mình làm sao pha cho loãng được chất cường toan tiết ra đặm đặc. Thành ra ngộ nghĩ Nguyễn Tất Nhiên làm thơ cho ngộ. Nếu nị thích, ông ấy cũng viết cho nị luôn. Rồi mấy ông Lý Thương Ẩn, Thôi Hộ, Liễu Tôn Nguyên, Trần Tử Ngang hay Vương Hàn gì gì đó... khi viết, cũng là viết cho nị, cho ngộ.

 

Chứ cho ai bây giờ.

 

Ông già Tầu gật gù. Nị học bác sĩ mà ăn nói văn hoa, mai mốt ra tù nị viết văn làm thơ được đó. Hắn nhớ lời ông già Tầu. Và hắn thấy cõi sống này còn có biết bao nhiêu điều để viết.

 

Ra khỏi chốn ấy. Hắn mất liên lạc với ông già Tầu. Thời gian mài mòn cái trí nhớ mỏng manh. Tới những câu thơ ông già chuyển qua tiếng Phổ Thông cho hắn, ngày xưa thuộc làu làu, bây giờ đọc lại cũng vấp váp thảm thương.

 

Nhưng hắn biết chắc những người đã đặt bút xuống viết bất cứ một điều gì chân thật, bao giờ cũng là viết cho một người nào đó. Như Nguyễn Tất Nhiên đã gửi vào Khám Lớn cho hắn câu thơ bùa phép; như Thôi Hộ ngàn năm trước đã gửi qua không gian và thời gian biền biệt đến cho hắn và ông già Tầu, một dung nhan mặn mà người con gái có đôi má hoa đào.

 

Và hắn tin, nếu mình viết với cả tấm lòng thì hôm nay, ngày mai, hay cả ngàn năm sau nữa, thế nào cũng có ít là một người ở đâu đó, nói một ngôn ngữ nào đó, đón nhận với cả tấm lòng.

 

Và hắn viết, là viết cho những cõi người xa xôi ấy.

 

 

02/02/2001

 

(Trong tập truyện đêm, từng mảnh…)http://hoangchinh.net

 

* Thư từ, câu hỏi xin gửi về dutule@dutule.com

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17099)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12305)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19035)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9206)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8380)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 660)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1037)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1213)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22504)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14044)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19216)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7930)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8850)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8521)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11100)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30755)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20839)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25548)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22935)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21773)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19826)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18078)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19286)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16949)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16134)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24541)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31991)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34952)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,