Trò Chuyện Trên Mạng Với Nhà Văn Hoàng Chính (Kỳ 8)

05 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 11323)
Trò Chuyện Trên Mạng Với Nhà Văn Hoàng Chính (Kỳ 8)



Trish Nguyen:

 

Văn chương của Đông Phương (Việt Nam) khác biệt với Tây Phương (Western in general) như thế nào, hoặc có điểm tương tự ra sao? Cám ơn.



******

 

Hoàng Chính:

 

Sao (nỡ) hỏi làm chi cái câu ngặt nghèo!

 

Bạn Trish Nguyen thân mến. Tôi than thở như thế là thật lòng bởi tôi chỉ đọc được sơ sài tiếng Việt, loáng thoáng tiếng Anh và rất lưa thưa tiếng Pháp, nên văn chương Việt Nam thì đọc được bản gốc còn văn chương nước ngoài dù là Đông phương hay Tây phương nếu không viết bằng Anh ngữ thì đành đọc qua bản dịch; vì vậy tôi phải uống thuốc liều mới dám mạnh miệng trả lời câu hỏi của bạn.

 

Văn chương mênh mông như biển và khó nắm bắt như những con sóng; nhận diện chúng chưa rõ nét thì khó có thể phát biểu và so sánh thứ này với thứ kia một cách tỏ tường.

Thôi thì chúng ta cứ thử liều mạng chuyện trò về văn chương Việt Nam qua những gì tôi may mắn có dịp đọc qua, và nhắm mắt (đưa chân) đưa ra một vài nhận xét nho nhỏ xem sao nhé.

 

Sau khi đọc khá nhiều tác phẩm văn chương tiếng Việt và một số lượng tương đối vừa phải văn chương Tây phương; đặc biệt là văn chương Anh ngữ, tôi có những nhận xét (rất nhỏ nhoi và võ đoán) như thế này:

 

(1) Không gian và thế giới của nhà văn nước ngoài đặc biệt là phương tây rộng hơn không gian và thế giới của nhà văn Việt Nam. Đề tài của nhà văn phương tây thường bao trùm nhiều lãnh vực. Đề tài của người viết Việt Nam thu gọn trong một không gian hạn hẹp nào đó. Điều này (tôi cho là) có thể giải thích phần nào bằng yếu tố lịch sử. Các quốc gia phương tây những thế kỷ trước luôn tìm cách bành trướng ra ngoài lãnh thổ của họ với mục đích khai phá, tìm tòi và chiếm đóng; trong khi tổ tiên chúng ta rút về cái thế bế quan tỏa cảng, thủ thế và cuối cùng là bị chiếm đóng.

 

Kết quả là tầm nhìn chúng ta bị thu hẹp. Dường như ngay cả những nhà văn tên tuổi của Việt Nam mà tôi may mắn có dịp đọc qua cũng ít khi đặt ra (được) những vấn đề lớn; đa số loay hoay trong cái khung của TÌNH YÊU: lứa đôi, gia đình, bằng hữu (đồng đội, đồng chí) và tổ quốc.

 

Lịch sử cho thấy chúng ta luôn bận rộn với chiến tranh, nhưng cái tầm của những tác phẩm tiếng Việt viết về chiến tranh cũng thu hẹp trong không gian của một chế độ, một cuộc đấu tranh. Chúng ta hiếm (hoặc không có được) cái nhìn bao quát (the big picture) trong góc nhìn của tác giả. Văn chương tiếng Việt không bước ra được phía ngoài hàng rào kẽm gai của biên giới địa lý, văn hóa, ý thức hệ. Tác giả Việt Nam luôn ở trong cái thế buộc phải đứng hẳn về bên này hoặc bên kia. Đôi khi có người cho rằng mình vượt lên trên những ràng buộc ấy, thì thực sự họ vẫn vướng víu với phong cách suy nghĩ và viết lách cũ kỹ.

 

Giả dụ người Việt Nam có mặt trong cuộc Thập Tự Chinh ngàn năm trước, hoặc tham gia thế chiến hai, hồi đầu thế kỷ hai mươi; và giả như có tác giả Việt Nam viết về những cuộc chiến ấy thì chúng ta chắc cũng lại loay hoay quanh vai trò người lính lê dương, những buồn phiền tha hương; thương mẹ hiền, nhớ người em gái nhỏ… chứ không có được cái tầm - cả bề sâu lẫn bề rộng - của những tác phẩm hiện đại nước ngoài mà The English Patient là một ví dụ.

 

(2) Tôi cũng thấy văn chương Đông Phương đặc biệt là Việt Nam nghiêng về kể chuyện. Phong cách ngày xưa, trong khu rừng nọ, có người tiều phu kia vân vân và vân vân… bàng bạc trong những tác phẩm tiếng Việt. Ngay cả những tác phẩm được giải thưởng nọ kia, được giới phê bình vinh danh và được công chúng ưa chuộng, cũng rất ít khi thoát khỏi phong cách chuyện kể. Chỉ tinh ý một chút là có thể nhận ra. Người đọc có cảm giác ngồi bên bếp lửa, nhìn ánh lửa bập bùng, nghe một người kể chuyện… đời xưa. Cho dù những điều viết ra kia rất là “đương đại.”

 

Văn chương tiếng Việt của chúng ta hiếm khi làm cho người đọc cảm thấy được như họ đang có mặt ở nơi xảy ra sự việc, và đang tham dự vào niềm vui hay nỗi buồn của nhân vật. Tác giả Việt Nam rất hiếm khi dẫn được người đọc vào thế giới hư cấu. Ngay cả trong những thử nghiệm dùng hình thức siêu văn bản với các mạch nối trên mạng internet để diễn tả một câu chuyện, người đọc có tham gia vào tác phẩm thì cũng chỉ là tham gia việc bấm nút trái con chuột hoặc nút enter của bàn phím để chuyển qua một phân đoạn khác, chứ không thực sự bước vào được không gian câu chuyện. Các tác giả Việt Nam kể (tell) cho nghe nhiều hơn là chỉ (show) cho thấy. Tác giả bảo rằng cô gái ấy buồn rũ rượi thì chúng ta biết cô ấy buồn rũ rượi, còn “rũ rượi” thế nào thì tác giả không (thèm hay không thể) vẽ ra cho người đọc. Có cả ngàn bài thơ, bài văn, bài nhạc viết về mẹ, nhưng hầu như chúng chỉ xoay quanh mẹ như trái chín, mẹ như biển cả, mẹ như thế nọ thế kia… và không ai buồn mô tả cái ngọt của trái chín ấy ra làm sao, cái mênh mông biển cả (rất khuôn sáo) nó như thế nào, cái thế-nọ-thế-kia của bà mẹ này có khác cái thế-kia-thế-nọ của bà mẹ kia không; mọi người đều hùa theo nhau bảo rằng tiếng nói đầu tiên trong đời con thơ là tiếng gọi mẹ mà không hề kiểm chứng có phải vậy hay không (tôi nghĩ trong cách phát âm – nhất là đối với trẻ em tập nói thì - chữ “ba” dễ phát âm hơn chữ “mẹ” nhiều.) Những trang viết khuôn mẫu kiểu ấy luôn được tuyên dương và bây giờ trong thời kỳ bùng nổ thông tin, chúng tràn ngập trên các trang mạng và được ca tụng ầm ĩ là “bài hay, nên đọc” vân vân…

 

Nói chung là người đọc của chúng ta dễ tính và đơn giản. Cái dễ tính và đơn giản ấy khiến người viết trở nên lười biếng và hài lòng với cái tầm thường.

 

Và văn chương của chúng ta trở thành thứ văn chương mặt bằng, chứ không phải văn chương 3D.

 

(3) Văn chương tiếng Việt chúng ta (cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác của Việt Nam) luôn làm “kẻ đến sau”, ngơ ngác trước những cái-mới-đã-cũ. Khi vinh danh những thứ đã mòn nhẵn, chúng ta luôn bước vào con ngõ cực đoan: làm lại điều thiên hạ đã làm nhưng làm quá đi một tí để hy vọng khác người.

 

Chúng ta bị “ám” bởi những tên tuổi lớn; nhất là những tên tuổi nước ngoài. Nhiều tác giả viết tên thánh bổn mạng của mình lên mảnh giấy, rồi dán lên trán hay đeo trên cổ như bùa hộ mạng khi sáng tác. Chúng ta thờ các ông Đốt (Dostoevsky), các ông Kierkegaard, các ông Nietzsche, các ông Hölderlin, các ông Gide, các ông Goethe, các ông Heidegger, các ông Marquez, các ông Sartre, các ông Steiner, các ông Mayakovsky, các ông Bùi Giáng, các ông Phạm Công Thiện các ông vv và vv… như thần linh; chúng ta chọn họ làm thánh bổn mạng. Suy nghĩ, nói năng, viết lách… không ra ngoài bài giáo lý, trang kinh bổn của các đấng ấy. Chẳng khác gì ngày xưa các cụ nhà ta cứ Khổng Tử viết thế này, Mạnh Tử viết thế kia... Dạo trước tôi có ông bạn họa sĩ khá thân, mỗi lần anh mở miệng là có ông-thánh-tác-giả “Bông Hồng Vàng” hiện ra, đứng lù lù bên cạnh. Và những chuyện anh ấy nói không thoát ra được cái vòng phấn mà thánh Paustovsky quy định. Ấy là mới chỉ nói về các vị thánh trong văn chương và triết học, chưa bàn đến các vị thánh có vòng hào quang chính trị quấn quanh đầu.

 

Nói thì nói vậy thôi chứ tôi nghĩ khi nhắc tới những thành phần đóng vai trò tạo dựng nên một nền văn chương, ngoài người viết có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ tới người in (ra tác phẩm) và người đọc. Trong ba “thứ” người ấy thì người viết thiệt thòi nhất bởi anh hoặc chị ta bị gán cho nhiều “sứ mạng” nhất. Và là người đầu tiên chịu hình phạt khi trách nhiệm không hoàn tất. Họ như kẻ lao động chân tay thiếu ăn, được chủ (nô) trao cho một thân cây xù xì và bảo hãy chạm, hãy khắc một pho tượng thật đẹp. Dù tay nghề có khéo nhưng bụng đói tay run, nhiều khi phải bóc luôn vỏ cây ra để nấu chút canh lỏng, ăn cho qua cơn đói; và nếu do một sự may mắn nào đó, bức tượng thành hình, kẻ hưởng lợi lại nằm trong cái nhóm thứ hai kia. Thành ra bắt những anh chàng ốm đói phải đoạt huy chương vàng trong cuộc thi thế vận thì chẳng công bằng chút nào.

 

Chết rồi, nãy giờ ham vui, quên mất câu ngày xưa Mẹ vẫn dặn dò: “Không biết, dựa cột mà nghe!”

 

Bạn Trish Nguyen thân mến. Bầu trời tự ngàn xưa là một vòng tròn. Vòng tròn ấy mầu đỏ hung sớm mai, trắng chói lòa ban trưa và đen thẫm lúc đêm về. Đêm tối, cái vòng ấy lấm tấm sao. Vòng tròn ấy thay mầu ba lần trong một ngày. Ấy là bầu trời của con ếch ngụ cư dưới một đáy giếng. Mặt trời, mặt trăng không bao giờ lân la qua cái vòng tròn miệng giếng. Chỉ có những vì sao lấp lánh lúc đêm về. Con ếch ấy là tôi. Con ếch quả quyết mặt trời, mặt trăng không bao giờ có thật. Con-ếch-tôi cũng là một người viết tiếng Việt và dĩ nhiên nó cũng tầm thường như những con ếch hèn mọn khác. Chuyện trò cho vui vậy thôi, bạn Trish Nguyen đừng vội tin những gì con ếch nói, dù đôi khi trong mớ chiêm bao hỗn độn, con ếch ấy thấy nó (và các bạn bè nó) to lớn như những con bò.

 

Dù sao cũng cám ơn bạn đã đặt câu hỏi tạo điều kiện cho tôi tìm tòi học hỏi thêm; đồng thời cho tôi sống lại cảm giác ngay ngáy lo âu những ngày thơ bé, ham chơi, đua đòi chúng bạn, quên lời mẹ dặn dò.

 

Bây giờ tôi phải đi tìm một cây cột nào thật chắc, dựa vào cho khỏi ngã.

 

Thân mến.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 5139)
Anh có thể kể cho độc giả nghe về những giao tình này không? Em tin rằng sẽ có nhiều giai thoại rất dễ thương mà mọi người đều thích nghe.
03 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 5773)
Riêng cá nhân ông, ông có hưởng ứng hay ủng hộ cách viết cầu kỳ, lập dị của ông Nguyễn Ngu Í?
22 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 4713)
Nếu được xin ông cho biết tương quan hay cái duyên văn giữa ông và học giả Nguyễn Hiến Lê bắt đầu như thế nào?
14 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 4816)
Nhận được lá thơ trả lời của Bác sĩ về việc trước tác thơ văn, và nhất là được đọc bài thơ Mũi Né, mà Bác sĩ viết cách nay đã 43 năm,
05 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 4529)
Theo tôi thì người già cũng có nhiều tật bệnh. Nếu anh viết tiếp “Những tật bệnh thông thường của người già” thì hay biết mấy?
29 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 4658)
"Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” của anh xuất bản từ năm 1972, lúc bấy giờ được phụ huynh, học sinh… làm sách gối đầu giường
22 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 4938)
Tôi vừa nhận được thơ hồi âm của bác sĩ, nên trong bụng tôi mừng quá mạng. Thơ bác sĩ viết cho một bạn đọc nhà quê già mà rất chí tình, đồng cảm,
13 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 4750)
Tôi có nghe loáng thoáng đâu đó, có người kể tôi rằng nhà thơ có một tác phẩm được một tổ chức hay một nhà chùa đề nghị in lại để làm sách ấn tống
05 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 4829)
tôi có được đọc cuốn “Thư gửi người bận rộn” của ông. Với tôi, cuốn sách thật thú vị, dù cá nhân tôi cho đến giờ này may mắn không đến nỗi bận rộn gì lắm…
28 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 5001)
Tại sao? Không chú trọng đức dục, như vậy con người ngày nay có kém tốt hơn con người thời xưa không
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9172)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19179)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7898)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30716)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,