Trò Chuyện Trên Mạng Với Nhà Văn Hoàng Chính (Kỳ 13)

10 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 11773)
Trò Chuyện Trên Mạng Với Nhà Văn Hoàng Chính (Kỳ 13)

 

hoangchinh-content

 

Câu hỏi của Sen:

Em rất thích hai câu thơ đề từ trong truyện ngắn “Hạt cát sông hằng” của nhà văn: “tội tôi, hạt cát sông hằng/toàn ôm ngực rỗng ho khan giữa đời”.

Không biết hai câu thơ đó có nằm trong một bài thơ hoàn chỉnh hay chỉ đơn giản làm nhiệm vụ đề từ? Và, tại sao lại là hạt cát của sông Hằng mà không phải sông Hồng cho gần gũi hơn?

Hay “hạt cát” đó có liên quan họ hàng gần xa với Tagore?


 


 

 

Hoàng Chính:

 

Bạn thân mến. Hai câu thơ ấy nằm trong bài tội tôi, hạt cát sông hằng. Bài thơ ấy như thế này:

 

tội tôi, hạt cát sông hằng

 

vén lên

gió gọi tôi về

áo đôi tà vướng cái thề hẹn xưa

mở he hé cái đong đưa

diều tôi lộng gió

ai ngờ đứt dây

sợi buồn nắng vướng trên cây

phất phơ giữa chốn đầy đây căng căng

tội tôi

hạt cát sông hằng

toàn ôm ngực rỗng

ho khan giữa đời

 

Ấy là một trong những bài (tạm gọi là) thơ ngắn tôi tình cờ viết được thuở còn ham vui, thích đùa giỡn với những câu lục bát; cái thời chì chiết xong một nhúm ngôn từ, chẳng biết đặt tên như thế nào bèn để nguyên như thế cho đến lúc chẳng đặng đừng, đành lấy một câu trong bài làm tựa.

 

Một buổi chiều nào đó, ở một nơi nào đó, có phố phường dập dìu, có nắng mang mang, có gió điệu đà. Và có một (hay nhiều) người con gái. Hình như thế. Bắt buộc phải là như thế. Gió đồng lõa. Gió gian manh. Dạo ấy tôi chưa đầy ba mươi tuổi. Ba mươi tuổi. Đã đứng ngoài mọi cuộc vui. Gió rủ rê. Gió ỡm ờ. Những cái đong đưa. Những cái thề hẹn. Những cái đầy đầy. Những cái căng căng… đem lại cho đời sống ăm ắp những hẹn hò. Trước những thứ linh thiêng hơ hớ ấy, gã trai trẻ nào mà không ước mơ, không khao khát.

 

Mới ngoài hai mươi phải bỏ xứ mà đi, nên ba mươi tuổi đã thấy mình già nua tội nghiệp. Đành nhờ những câu thơ. Những câu thơ ghi lại giây phút ngậm ngùi đó. Cho riêng mình. Khoảnh khắc ấy chợt nghĩ mình là hạt cát. Nhưng là hạt cát của một dòng sông ít nhiều liên hệ tới kiếp nọ, kiếp kia. Rằng kiếp sau, biết đâu, trong lồng ngực rỗng hôm nay (tức là hôm ấy đấy) sẽ đầy ắp tình yêu.

 

Bạn thân mến, câu hỏi của bạn làm tôi áy náy và thấy mình có lỗi với sông Hồng. Nhưng biết làm sao khi giây phút ấy lại chỉ nghĩ đến sông Hằng; dòng sông lênh láng những điều bí ẩn. Cũng chẳng hiểu vì sao không là sông Hồng, sông Hương, sông Hàn (nơi tuổi thơ tôi mọc nhánh, đâm chồi) hay sông Cửu Long. Chỉ là giây phút ấy những dòng sông quê nhà không trở về trong trí tưởng. Đành gửi những dòng sông thân ái kia một lời tạ lỗi vậy.

 

Khi viết truyện ngắn hạt cát sông hằng, trong tôi còn canh cánh mảnh tâm tư của một kẻ đi tìm những mơ ước không thành. Một dạo, cái văn phòng di dân nhỏ bé nơi tôi làm việc, có một cô sinh viên gốc Ấn Độ đến thực tập. Hầu hết những sinh viên các gốc sắc tộc khác đều có phong cách và lối suy nghĩ giống nhau. Cô gái ấy cũng cùng một khuôn đúc. Chỉ có đuôi con mắt, sống mũi, vóc dáng cô là có hơi hướm đông phương. Phần còn lại là cái lao xao, rộn ràng, vô tư lự của một thiếu nữ da trắng.

 

Với tất cả những người khác phái, ngày xưa cũng như bây giờ, tôi luôn giữ một khoảng cách an toàn. Chúng tôi chẳng có gì với nhau ngoài những câu hello, how are you vô nghĩa. Thế nhưng trong một buổi tiệc tất niên, thấm chút rượu, cô gái da ngăm ấy hiện nguyên hình người nữ trong bài thơ “tội tôi hạt cát sông hằng.” Bạn hiểu tôi nói gì rồi, phải không?

 

Ý tưởng loang ra trong đầu. Tôi về. Viết đứng, viết ngồi. Mải mê trau chuốt chuyện tình chàng thanh niên Việt và cô gái Ấn. Nhân vật bước ra từ tưởng tượng. Và tôi đề từ truyện ngắn ấy bằng hai câu thơ cũ. Lẽ ra còn phải chú thích thêm rằng mọi sự trùng hợp ngoài đời sống là ngoài ý muốn của tác giả, bạn có nghĩ vậy không?

 

 

hạt cát sông hằng

hoàng chính


tội tôi, hạt cát sông hằng
toàn ôm ngực rỗng ho khan giữa đời
hc

“Em cần thâu cuốn băng.” Sarah nhập đề ngắn, gọn, “Anh chỉ cần nói một câu chào thông thường thôi.”

“Tại sao vậy?” Tuân ngơ ngác. “Nói bằng tiếng Việt của anh được không?” Sarah nhăn cặp lông mày ra vẻ đăm chiêu, rồi gật gù, “Ừ, tại sao lại không được nhỉ. Tiếng Việt của anh nghe cứ như ca hát. Nhưng nhớ nói thêm tiếng Anh nữa.”

“Tại sao?”

Sarah ôm cứng lấy Tuân, đẩy hắn về phía chiếc giường nệm trải bằng tấm chăn bông mầu hồng nhạt. “Get serious, man!

Mùi da thịt thoang thoảng, nồng nồng. Giận hay vui, Sarah đều gọi Tuân bằng man. Tuân không biết dịch thế nào ra tiếng Việt để nghe cho được. Thành ra, hắn hiểu nghĩa chữ ấy theo cái nheo mày hay nhếch môi kèm theo của người con gái.

Man + cau mày = coi chừng; liệu hồn!

Man + nhếch khóe môi, vẽ mỏng một nụ cười = Được đó, cứ vậy mà làm.

Sarah đứng sau Tuân. Đôi vú nhọn sau lớp áo mỏng như vải màn miết lên sống lưng, làm hắn nóng ran cả ngườị Không thấy mặt nàng, nhưng hắn cứ đoán là nàng sắp giận. Cho chắc ăn.

Sarah đẩy Tuân ngồi xuống giường rồi bắt hắn đọc đi đọc lại cái câu chào hỏi gì đó bằng tiếng Ấn Độ. Tuân cố uốn lưỡi đọc cho giống nàng. Luyện giọng cho Tuân thật kỹ xong, Sarah đẩy cái cát sét có cuốn băng đang thâu dở dang lại sát miệng hắn, đếm một, hai, ba, rồi bấm nút thâu.

Tuân ngoan ngoãn đọc như con vẹt cái câu dài ngoằng của một lời chào hỏi chí tình bằng thứ ngôn ngữ xa lạ, mà dịch qua tiếng Việt thì nghĩa đại khái là: “Con xin kính chào ba má!”

Sarah bấm máy ngưng, gật gù ra vẻ hài lòng, “Bây giờ anh nói câu gì bằng tiếng Anh hay tiếng Việt cũng được.”

“Khỏi mà!” Tuân nhăn nhó.

“Không thích thì thôi vậy!”

Nghe được hơi hám sự giận dỗi trong giọng nói của người con gái, Tuân đành đọc lại một câu hát Việt Nam cũ kỹ, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Thank you, Man.”

Nhìn Sarah loay hoay gỡ cuốn băng ra khỏi máy, Tuân thắc mắc, “Tại sao phải có câu tiếng Việt? Ba má em cũng đâu có hiểu.”

“Chẳng cần! Em chỉ muốn cho ông bà ấy sáng mắt ra.”

“Tại sao?”

“Ông bà ấy không muốn em lấy chồng nước ngoài.”

“Ô, bảo thủ quá xá!”

Sarah cười, rạng rỡ cả căn phòng lờ mờ tối.

Tuân nằm ngửa người, gối đầu lên hai cánh tay, lơ đãng nhìn cái trần nhà váng vất màng nhện, “Anh tưởng chỉ có người Tầu mới không cho con gái lấy đàn ông dị chủng thôi chứ!”

Sarah bỏ cái cát sét xuống nền nhà, chồm tới, nằm vắt ngang người hắn, “Tại em nói anh là người Việt Nam, thành ra phải bắt anh đọc một câu tiếng Việt để minh xác là thứ thiệt.”

“Nhưng em có lấy anh hồi nào đâu!”

“Anh muốn như thế nào mới là lấy?”

Tuân lặng thinh. Sarah chống tay ngồi dậỵ Nàng bỏ cuốn băng vào chiếc phong bì nằm chơ vơ ở đầu giường, le lưỡi liếm lên vệt keo khô, rồi dán kín lại.

Tuân liếc nhìn địa chỉ ngoài bao thư. Tên con đường ở khu phố nhà giầu.

Bắt gặp ánh mắt hắn, Sarah nhỏ nhẹ, “Bố mẹ em ở khu thượng lưu thành phố, nơi bọn chủ hãng, bọn giám đốc ngân hàng, bọn bác sĩ, luật sư ở...”

Bố mẹ giầu như vậy mà cách đó không đầy nửa giờ đi xe buýt, cô con gái cưng lại ở trọ trong căn phòng chật chội như chiếc hộp đựng vừa đủ một chiếc giường; căn phòng có nhà vệ sinh nhỏ xíu, mỗi lần bước vô phải cúi đầu kẻo đụng trần nhà. Chỗ ở mà có một lần hai đứa đã hung hăng đuổi bắt một con dơi lưu lạc bay xớn xác trong phòng.

“Nghĩ gì vậy?”

“Anh đang nghĩ tới con dơi.”

“Con dơi nào?”

“Nhớ cái lần hai đứa mình đuổi bắt con dơi trong phòng này không?”

Sarah cười, lặng thinh.

“Em cứng đầu không ai bằng. Ở đây riết có ngày bị Dracula hút máu, biến thành ma dơi không chừng.”

Sarah nhìn Tuân, dịu dàng, “Bù lại, em được tự do.”

“Tự do?”

“Chính vì vậy mà em không muốn làm vợ anh, thấy không?”

Tuân lơ đãng nhìn cái trần nhà lồi lõm. Sống trong cái hộp cũ kỹ này, nếu không nhìn nhau thì chỉ còn biết nhìn bốn vách tường và cái trần nhà lở lói. Vôi vữa trên tường, trên trần lâu ngày vỡ ra từng mảng. Thỉnh thoảng những mảnh vỡ lả tả rụng xuống trắng cả căn phòng, để lại những mày ghẻ loang lổ.

“Lát nữa ghé bưu điện, gửi dùm cái này.” Sarah nói, mắt nhìn hắn, chờ đợi.

Thấy hắn ngần ngừ, nàng mạnh dạn tiếp, “Đừng bần tiện. Em đang kẹt tiền, man!

“Thì để anh gửi cho, hai đồng bạc tem là cùng chứ gì.” Tuân nghiêng đầu, chọc ghẹo, “Hay là tụi mình lại giao thư tận tay má em cho chắc ăn. Biết đâu bà nghĩ lại...”

Never!” Sarah nói, môi mím, mắt trợn tròn, tóe lửa, bắn tia nhìn vào vách tường lỗ chỗ vôi vụn mầu xám.

“Ông bà nghĩ lại, chia cho em chút tài sản, anh cũng đỡ khổ.”

Get real, man!” Sarah gằn giọng.

Biết nàng giận, hắn xuống giọng, “Anh không hiểu nổi em, nhưng thôi, đùa chút vậy mà!”

“Em sẽ cho bố mẹ em thấy không có bọn họ, em vẫn ngon lành như thường.”

Nghe cô bạn gằn giọng lúc dùng chữ bọn họ mà tiếng Anh là them để ám chỉ bố mẹ, Tuân áy náy, cố vớt vát, “Thì em cũng học xong đại học rồi đó.”

“Nhưng ông bà ấy chi tiền.”

Hắn im lặng. Cha mẹ xung đột với con cái là chuyện thường ở bên này, có điều hắn chưa thấy ai cứng đầu như con bé Ấn mắt nâu, tóc ngắn, dáng mỏng như giấy, chân dài và ngực nhọn, tròn đầy, săn cứng như hai trái bưởi Thanh Trà này. (Chẳng biết chừng ấy từ ngữ đã đủ diễn tả cô bạn gái của Tuân hay chưa!)

Hai đứa kéo nhau xuống phố. Lá vàng rên xiết dưới gót giầy. Tuân vừa dựa sát vai nàng, vừa thì thầm một điệp khúc quen thuộc của một bản nhạc Việt Nam viết về mùa thu với muôn chiều lá đổ.

“Hát gì vậy?” Sarah thúc khuỷu tay vào cạnh sườn hắn.

Tuân chỉ lặng thinh, mỉm cười. Dịch những lời nhạc tiền chiến ra ngôn ngữ khác cũng chẳng khó khăn gì, nhưng làm sao giữ được cái hồn của thơ.

Nàng bóp những ngón tay hắn, thì thầm, “Anh yêu, nói cho em hay, kể cho em biết, thật chi li, anh đang hát gì thế.”

Giọng nói ngọt ngào, ấm áp của Sarah làm lòng Tuân xao động. Hắn bâng khuâng, “Em nói chuyện cứ như thơ vậy!”

“Thì thơ chứ còn gì nữa.” Nàng hí hửng. “Rabindranath Tagore đấy!”

Trong đời, đây là lần đầu tiên Tuân gặp một người con gái phải bùa của thi ca nặng như thế. Cô bạn gái hắn có thể trích dẫn Tagore một cách suông sẻ và trôi chảy trong bất cứ cảnh đời nào. Hắn vòng cánh tay lên vuốt ve bờ vai thon của người con gái, thay cho một lời khen ngậm đầy xúc động.

Hai người vào nhà bưu điện. Cuốn băng được gửi đi theo lối khẩn cấp, nhận được nội trong ngày, nhưng cước phí đắt gấp ba bốn lần. Who cares! Sarah lẩm bẩm. Nàng xôn xao như người con gái sắp lấy chồng. Đôi mắt rạng ngời một ánh nhìn xa xăm, mơ mộng, “Nhận xong, ông bà ấy thế nào cũng bị shock. Nhưng dù giận thế nào thì ông bà ấy cũng trả lời.”

Đêm hôm ấy, Tuân ngủ lại với cô bạn gái.

Suốt đêm, Sarah bồn chồn, trăn trở như người mất ngủ kinh niên. Nàng hết đi ra đi vào trong căn phòng chật hẹp, ném cái bóng nặng nề thô kệch hắt từ ngọn đèn ngủ đỏ lừ lên vách tường. Những lúc nàng trăn trở, hắn như gã đàn ông không quen đi biển, lật lìa, say sóng. Đứng nhìn ra ngoài khung cửa sổ chán, Sarah lại quay vào nằm xuống trũng mặt nệm, mắt thao láo ngó lên trần nhà. Tuân thiếp đi lúc nào không hay. Rồi đang lúc ngủ say, Tuân giật bắn mình vì Sarah vồ lấy hắn, lắc hung hăng như người ta giũ món đồ ra khỏi túi áo tên ăn trộm.

“Chuyện gì vậy?” Tim đập vỡ tan lồng ngực, mắt nhắm mắt mở, Tuân ngơ ngác hỏi.

Sarah nhìn quanh quất đầu giường, nơi trước đây kê chiếc bàn gỗ cũ, có cái điện thoại mầu kem, bây giờ chỉ còn là khoảng trống trơ trọi.

“Điện thoại reo phải không?” Giọng Sarah thảng thốt.

Tuân cầm lấy cổ tay nàng, “Điện thoại trả công ty rồi...”

Sarah bần thần chớp chớp con mắt đỏ, “Vậy mà em nghe rõ ràng tiếng chuông reo.”

“Sarah nằm mơ đó.”

“Em nghe rõ ràng...” Giọng nói Sarah ươn ướt.

Trong bóng tối nhá nhem, Tuân thấy đôi mắt nàng loang loáng nước. Tuân kéo nàng lại gần, ôm gọn lấy thân thể hâm hấp nóng. Nước mắt Sarah dàn dụa trên má hắn.

“Ngủ đi cưng!” Tuân dỗ dành.

Người con gái sụt sùi, “Cứ tưởng mẹ em gọi lại.”

Tuân vuốt ve cái lưng trần ấm áp.

Sarah kể lể, “Em không ngờ mẹ em lại cứng cỏi đến như vậy.”

Tuân xoa bàn tay trên lớp da mịn màng. Bàn tay ấy dừng lại ở cái mụn ruồi thịt nhỏ như hạt đậu ở ngay phía dưới xương bả vai trái. Cái mụn ấy nhiều lần Tuân đã dục nàng đi bác sĩ cắt bỏ. Nàng cứ ừ hử cho xong.

Đầu mùa thu rồi mà đêm vẫn còn cái oi oi cuối hạ. Bên này có những đêm lạc loài như thế. Cửa sổ mở toang cũng không đón được chút gió nào từ đêm đen đặc quánh. Tàng cây rậm lá ngủ yên bên ngoài khung cửa sổ.

Sarah sịt mũi, cằn nhằn, “Đàn bà Ấn Độ!”

Câu thở than tối nghĩa. Tuân cũng không buồn hỏi cho ra chuyện. Cơn buồn ngủ dán chặt hai mí mắt.

Sarah lẩm bẩm, “...suốt một đời phục tùng chồng mình. Ba em là một thứ tiểu vương quyền lực vô song. Dù qua tới bên này rồi, dù đang sống cuối thế kỷ hai mươi, bà vẫn là người đàn bà phục tùng chồng tới khi nhắm mắt.”

Nàng cứ rì rầm như thế. Đó cũng là cái tật của người con gái. Riết rồi Tuân cũng quen. Hắn nhắm mắt hình dung căn nhà nàng thuê ba trăm năm chục đồng một tháng. Ngôi nhà có vách tường gạch mầu đỏ, khoác lên mình nét cổ xưa của một thời đã qua. Sarah có lần bảo ngôi nhà mang hơi hướm cổ tích. Những người di dân Âu Châu từ thế kỷ mười chín qua đây, xây lên. Truyền lại cho con cháụ Bây giờ căn nhà được chia làm nhiều ngăn cho thuê. Ban ngày, hơi lạnh tỏa ra khắp những vách tường, lan qua mọi hang hốc, những chân tường lởm chởm. Đêm xuống, đôi khi gió lùa qua những cánh cửa lỏng ốc, đu đưa kẽo kẹt, nghe như tiếng thở than chì chiết của linh hồn những người đã khuất. Và tiếng bước chân huỳnh huỵch ở cầu thang khi cặp vợ chồng ở tầng trên đi chơi khuya về.

Vừa mới thiếp đi, cả hai đã lại choàng tỉnh vì tiếng động ở tầng trên. Tiếng chân giường cót két, tiếng rên rỉ, gào thét hụt hơi mà Tuân biết rõ là của người đàn bà tóc vàng xấu tính ở tầng trên; người đàn bà xồ xề mà đôi lần Tuân bắt gặp ở cầu thang.

“Con mụ khốn kiếp, đêm nào cũng rống lên như thế.” Sarah cằn nhằn. Hẳn nàng vẫn chưa chợp mắt đi được phút nào.

Tuân bực bội, “Sao em không đập lên trần nhà cho nó biết?”

“Kỳ lắm. Ồn chút xíu cũng không sao. Có điều...”

“Điều gì?”

“Nó làm em nhớ anh... nhất là có những đêm em chỉ có một mình.” Giọng nói Sarah tẩm chất nhựa buồn phiền, nghe não nùng, u uẩn, “Trời tối, mây đùn mây thành lớp. Người yêu dấu, nỡ lòng nào để em đứng cô đơn ngoài khung cửa! Suốt ngày vất vả mưu sinh cùng người khác, nhưng bây giờ, trong bóng tối quạnh hiu, em chỉ còn hy vọng riêng anh mà thôị”

Sarah vùi mặt vào ngực Tuân, thì thầm, “Thơ Tagore đó, anh biết không?”

Tuân ậm ừ không nói. Cơn buồn ngủ nhận chìm hắn xuống vũng bùn đen tối ám. Cứ thế, nàng rù rì cho đến khi hai người thiếp đi lúc gần sáng.

Thức dậy, họ nồng nhiệt quấn lấy nhau. Rồi lại ngủ vùi như hai con gấu Bắc cực; cho qua hết mùa đông.

Bữa điểm tâm cũng là bữa ăn chiều. Bánh mì, thịt heo muối và trứng gà chiên. Cà phê không bỏ đường. Cơn lười biếng, như hồn ma, ám căn phòng.

Buổi chiều xuống chậm, Sarah ngồi bên khung cửa sổ, nhìn vào khối mầu pha xanh, vàng, nâu, đỏ rậm rạp của cây phong sau nhà. Căn phòng trọ ở trên lầu và hướng ra vườn, nơi có hai con sóc lông xù, mầu xám vẫn thường tỉ mẩn nhặt nhạnh hạt mầm rụng xuống từ những cành cây mầu nâu thẫm. Buổi chiều vướng vất nắng trên khóm lá la đà trong tầm với.

Hai tay khoanh tròn, nâng cao khuôn ngực. Vai tròn, nhô cao. Mắt mở lớn, lấp lánh một khoảng trời thu hẹp lấp ló sau những tàng câỵ Sarah nổi lên, đặm nét và đầy quyến rũ trên bức tranh phong cảnh cũ kỹ.

“Lạnh, phải không?” Thấy cô bạn co ro, Tuân gợi chuyện.

“Cũng khá!”

Nói xong, Sarah lại nhìn đăm đăm vào bệt mầu pha quạnh quẽ của mùa thu trên lá. Sarah hôm nay khác với Sarah của mọi ngày: trầm ngâm, xa vắng. Hiếm thấy!

“Lại sắp hết tuần nữa rồi!” Sarah lẩm bẩm.

Tuân bước tới, dựa vào khung cửa sổ chữ nhật, nhìn sâu vào khóm lá, tìm kiếm con sóc quen thuộc. Khối mầu sắc nhập nhòe. Lá vàng, lá xanh, lá đỏ đan chéo, chồng lấp lên nhau, đu đưa trong gió nhẹ.

“Đời sống! phải không Tuân?” Giọng Sarah xa vắng.

Tuân lơ đãng nhìn những chiếc lá đang đổi qua chất mầu vàng úa, “Ừ, làm sao khác hơn được.”

Khung cửa sổ sần sùi như thể đang bị mối mọt xông nát. Mỗi đứa đứng một bên. Khoảng không gian ở giữa chùng xuống, cô đọng như mật.

Tuân xoay qua người con gái, ngập ngừng như ngượng ngập, bối rối. Có cái gì đó nhùng nhằng trong lồng ngực. Một câu khó nói ra hay một nỗi niềm không có người chia xẻ.

“Em nhất định đi à?”

Cuối cùng câu nói ấy cũng phải bật ra.

“Dĩ nhiên!”

Tuân như vòng bánh xe đang có sẵn đà lăn, “Tính kỹ chưa?”

“Em quyết định rồi.”

“Hồi nào vậy?”

“Vài tháng nay.” Sarah trả lời, mắt vẫn nhìn miết vào khoả ng xanh xanh vàng vàng của lá.

“Từ lúc mình mới quen?”

Sarah lặng lẽ gật đầu.

Tuân loay hoay một hồi với cái câu cần nói, “Mình vẫn yêu nhau mà, phải không?”

Sarah quay lại. Đôi mắt mầu nâu trải rộng tia nhìn khoan dung của những người đàn bà xứ Phật. Bị Sarah sửa hoài về sự kiện tôn giáo chính của quê hương nàng là Ấn Độ giáo, Tuân vẫn không thể không nghĩ ngay tới đạo Phật mỗi khi nhắc tới xứ sở nàng. Có phải vì đôi mắt Sarah chứa đựng cả một cõi Niết Bàn mê hoặc.

Cặp môi nhỏ mở hé, rồi góc mép khẽ nhếch lên một nụ cười. Nụ cười lan từ đôi môi qua ánh mắt như những vòng tròn gợn sóng loang trên mặt hồ. Rồi hàm răng mở ra khoe chiếc lưỡi mầu hồng. Và tiếng cười vỡ ra, rộn rã.

Bỗng dưng nàng nhào tới, hai cánh tay rời khuôn ngực đầy, tung lên như mẻ lưới quấn lấy Tuân, siết chặt, “Ơi, cưng. Tội nghiệp anh quá!”

Mái tóc ngắn mài miết lên mặt Tuân. Mùi trầm hương thơm tho, nồng nàn mà trang trọng. Poor man, poor man! Câu thì thào thổi nóng vành tai. Miệng nói tội nghiệp mà chân lúc nào cũng xăm xoi tính bỏ người ta mà đi. Tuân nghe cơn buồn ẩm ướt lan qua hồn mình như vết mực loang trên tờ giấy thấm.

Hai đứa quấn lấy nhau như hai hình tượng chạm trổ tinh vi trên những vách tường đền đài Ấn giáo bên xứ sở nàng. Ngực căng, thơm nồng nàn mùi quế. Bàn tay Sarah nắm lấy tóc Tuân, chà xát xào xạc. Thói quen khác nữa đó nơi nàng, mà hắn sẽ nhớ, lúc không còn ở bên nhau. Từ lúc yêu điên mê người con gái xứ Phật, Tuân đâm ra ghiền mùi khét của tóc. Cái mùi nồng nồng làm xốn xang hai cánh mũi lúc ban đầu, riết rồi quen, rồi nhớ. Và những sợi tóc khô lạnh tỏa ra thứ hương mê hoặc sau khi được chà xát trong cơn điên mê bão tố.

Suốt một tiếng đồng hồ sau đó, hai đứa mê mê, tỉnh tỉnh ngay trên nền nhà lót tấm thảm mầu huyết. Tuân bay lượn qua những đỉnh cao phủ đầy tuyết trắng của ngọn Hy Mã Lạp Sơn, rồi rơi xuống lênh đênh giữa những con sóng àn Ấn Độ dương, trôi bồng bềnh như chiếc lá trên cuồng lưu dạt dào sông Hằng, sông Ấn đục ngầu, lềnh bềnh rác rưởị Dòng sông chen chúc những hình người tắm gội để cầu mong cứu rỗi. Tâm trí cuống cuồng lật vội những trang kinh Tình Dục Kama Sutra nhịp nhàng, mê muội.

Khi đã quá no đầy với hạnh phúc, đầu óc không còn xó xỉnh nào để cảm nhận nỗi đau của cuộc đời, Sarah bóp vai Tuân bằng những ngón tay có móng dài, chuốt nhọn, “Mình vẫn yêu nhau, thấy không?”

Câu nói kéo Tuân về với thực tại, với căn phòng thuê mùi hôi mốc, cánh cửa rên rỉ lúc gió lùa, những người láng giềng tiệc tùng ca hát đến quá nửa đêm mỗi cuối tuần.

Nhưng chuyện ra đi của Sarah cứ ám lấy đầu óc Tuân như hồn ma, bóng quế.

Hắn ôm ghì lấy vai nàng, “Đừng đi!”

Tiếng chân bước lên cầu thang, tiếng mở khóa lạch cạch làm hai đứa vội rời nhau.

Tuân nhìn cái nắm cửa xoay xoay, đưa mắt hỏi người yêu, “Ai vậy?”

Nàng chồm dậy, vói tay, lấy chiếc áo choàng bông hoa lòe loẹt, vắt trên thành ghế, khoác vội lên người, “Ai biết!”

Cánh cửa mở ra cùng lúc với tiếng nói chuyện lao xao. Hai ba khuôn mặt ngơ ngáo bên ngoài khung cửa hẹp.

“Hello, xin lỗi. Tôi tưởng không có ai ở nhà. Tôi có điện thoại nhưng không được, đường dây bị cắt rồi...” Giọng nói tíu tít của người đàn bà có khuôn mặt hiền lành, trắng trẻo, nhưng thân hình to lớn dềnh dàng, như những tay hề độn người cho căng thường khệ nệ đi chọc cười trẻ con trong những hội chợ.

Mười ngón tay mũm mĩm xoắn vào nhau, cái miệng nhỏ như bị buộc thắt lại, người đàn bà ngượng ngập, “Tôi cho ông bà này coi nhà trước khi mướn. Xin lỗi!”

Sarah nhún vai, “Không sao!” rồi cầm tay Tuân kéo qua một bên nhường lối đi cho khách.

“Em báo dọn nhà rồi sao?” Tuân cau có.

Nàng gật đầu tự tin.

“Chừng nào dọn ra?”

“Khoảng giữa tháng.”

“Sao không chờ đến cuối tháng?” Tuân cố vớt vát những giây phút còn nhau, dài thêm được chút nào hay chút ấy.

Sarah thúc khuỷu tay vào cạnh sườn hắn, “Forget it!

Nàng đẩy hắn ngồi xuống chiếc ghế gỗ đứng trơ trọi bên cạnh chiếc bàn ăn đầy vết nứt xám đen trên mặt. Người đàn bà mập mạp, chắc là quản lý, đang chỉ cho cặp vợ chồng trẻ (hay nhân tình?) xem phòng ngủ của Sarah.

Bỗng dưng Tuân thấy nỗi tiếc nuối nao nao trong lòng. Tưởng chừng chút ấm êm cuối cùng sắp bị lấy đi bởi cuộc đời khô hạn.

“Đi kiếm gì uống!” Sarah rủ bằng một mệnh lệnh.

Tuân gật đầu, dửng dưng.

“Chờ em thay đồ.”

Sarah vừa thay đồ vừa trang điểm không đầy năm phút. Đó là một trong những điều Tuân thích về nàng.

Lúc từ phòng tắm bước ra, nàng tươm tất như con búp bê bày trong cửa tiệm, với áo thun trắng bó căng khuôn ngực và váy đen mềm phủ ngang đầu gối.

“Thấy em được không?”

“Không giống con cháu thi hào Tagore chút nào hết!”

Nàng nhướng đôi mi, “Tại sao?”

“Tại cái áo hở rốn...”

“Gì nữa?”

“Và cái trán không có chấm son.”

“Nghiêm trang lại coi, man.” Sarah nhăn nhó. Cái cau mày không khỏi làm lòng Tuân xốn xang.

Nàng lập lại câu hỏi quen thuộc, “How do I look?

Great!” Hắn quăng vội cho nàng câu trả lời công thức, để được yên thân.

Sarah vui vẻ nắm lấy tay hắn, vùn vụt lôi ra cửa. Trước khi bước xuống những bậc cầu thang, nàng ngoái lại dặn người quản lý đang nói chuyện tiền thuê nhà và điện, nước với khách, “Nhớ đóng cửa giùm tôi.”

Tuân vừa bước theo nàng vừa vội vã gài cho xong những cúc áo sơ mi.

“Em không sợ mất đồ sao?”

“Có gì đâu mà mất.”

Hai đứa ngồi trong quán. Hết nhìn nhau lại nhìn hai ly cà phê Tây Ban Nha pha đặm như nước mầu kho cá ở Việt Nam. Hôm nay Sarah ít nóị Nàng không còn là cô gái mới ra đời, vừa tốt nghiệp đại học, đang xông xáo tìm việc làm; nàng không còn là người con gái đầy hăm hở, bước đi vùn vụt trên đường đời, bất kể những chông gai, phiền muộn. Mọi khi nàng tíu tít như con chim hay hót; hôm nay, nàng đắm chìm trong suy tư.

Tuân ngồi yên ngắm người yêu. Khuôn mặt trái soan nhỏ nhắn này, rồi sẽ không còn được nâng niu bằng hai bàn tay trang trọng, để dán lên đó từng nụ hôn, từng vuốt ve nồng nàn, mê đắm. Tuân hình dung một chấm son đỏ trên trán người con gái. Hắn chưa bao giờ thấy nàng chấm vệt son ấy. Hắn cũng chưa bao giờ hỏi nàng ý nghĩa của chấm son trên trán người phụ nữ Ấn Độ. Bây giờ nàng sắp bỏ hắn mà đi rồi.

Sarah chống hai bàn tay dưới cằm. Những ngón tay thuôn không sơn mầu xanh đỏ. Đó cũng là điểm Tuân yêu thích nơi nàng. Chiếc áo thun kín đáo ôm gọn ghẽ chiếc cổ thon và gồ cao đôi vú căng đầy.

“Nói gì đi, Sarah.” Tuân gợi chuyện.

Sarah khuấy chiếc muỗm bạc vào ly cà phê rồi gõ lạch cạch trên mép ly. Nụ cười gắn hờ trên bờ môi.

Uống cạn ly cà phê, hai đứa dắt díu nhau đi dài theo con phố. Đầu mùa thu. Nắng mạ vàng trên những mái nhà óng ả. Lá phong rụng nâu, vàng con phố. Gió hiu hắt thổi luồn qua vai áo, lạnh gai người. Hai đứa đi sát vào nhau. Phố đông, nhưng Tuân thấy như người đi lạc. Hắn nghĩ tới những ngày sắp tới. Sarah đi xa. Còn lại một mình trong thành phố quen tên xứ người. Buồn chết được!

“Hạt cát sông Hằng.” Sarah thì thầm.

What?

Sarah quay qua nhìn Tuân bằng đôi con mắt long lanh, “Em là Hạt cát sông Hằng.”

“Lại Tagore nữa phải không?”

“Không. Câu này của em.”

“Cát đâu có chân mà lúc nào cũng đòi đi!” Tuân bóp nhẹ vai nàng như buông dấu chấm câu cho lời trách móc.

Người con gái chúm môi, hôn lên má hắn, “Em là hạt cát sông Hằng. Em trôi theo dòng đời, em làm một chút phù sa đắp lên bờ anh, vậy đủ rồi. Em thèm được tự do như hạt cát. Em yêu anh nhưng em không muốn bị đóng thành vôi, vữa, xi măng, chết một đời trong cấu trúc tòa lâu đài. Cát trong những cung điện nguy nga đã chết. Chỉ có những hạt cát dưới lòng sông là còn sống mãi. Em là người đàn bà Ấn Độ; em là hạt cát sông Hằng. Em yêu anh nhưng em còn yêu cuộc sống này, Tuân ơi...”

Tuân ủ rũ nhìn phố phường. Chiều thứ sáu, xe cộ qua lại nườm nượp. Lúc dừng lại ở ngã tư chờ đèn xanh, một chiếc xe thể thao mầu đen chạy qua trước mặt hai đứa. Qua khung kiếng xe hạ thấp, Tuân thấy những khuôn mặt da vàng của người đồng chủng. Đám thanh niên bóp còi ầm ĩ. Ba bốn cái đầu tóc đen lố nhố quay lại. Bảy tám con mắt thô lỗ xăm xoi. Xe chạy qua rồi, những cái đầu còn ngoái lại. Tiếng cười thô nhám hắt vào không gian lộng gió.

Tuân đã quá quen với thói xấu kỳ cục ấy, nhưng Sarah thì vẫn thường cằn nhằn với hắn về nỗi bực bội vì bị làm phiền bởi những người Việt Nam thiếu lịch sự. Hôm nay, Tuân không nghe nàng nói gì. Có lẽ tâm trí nàng còn ở đâu đó tận bên bờ sông Hằng. Hắn nghĩ đến bố mẹ nàng; vợ chồng ông thương gia giầu có trong thành phố mà hắn chưa hề biết mặt. Biết đâu, sau khi nghe cuốn băng của con gái thâu riêng cho mình, ông bà sẽ mở rộng cõi lòng. Sarah thôi nghĩ đến chuyện đi xa. Và hai đứa vẫn còn có nhau.

“Thôi về, Tuân ơi!”

Nàng nắm tay hắn suốt đường về. Bàn tay nhỏ nhắn mềm mại, truyền qua cho hắn làn hơi ấm áp và nồng nàn của cuộc sống. Hơi ấm trong lòng bàn tay, pha với cái lạnh gai gai của gió bên ngoài, làm lòng hắn nao nao.

“Đi đâu mà vội thế.” Hắn vừa thở vừa rán bước theo nàng cho kịp. Sarah đi bơi, tập thể dục thường xuyên để giữ thân hình đẹp, thành ra nàng dai sức.

Vừa về đến nhà, Sarah nhào tới, mở thùng thư.

“Có thư anh à.” Giọng nàng chan hòa niềm vui. Nhưng niềm vui ấy tắt ngúm ngay như que diêm mới bật bị giọt nước mưa rớt trúng.

Tuân nhìn cái bao thư có cuốn băng nàng gửi cho bố mẹ mà chính hắn đã đem lại bưu điện nhờ cân ký.

Mặt Sarah nhão ra, chảy xệ với nỗi buồn. Tuân nhìn con dấu bưu điện đỏ lòe loẹt ngoài bao thư: Không có người nhận. Trả lại người gửi!

Những ngón tay Sarah run run, cầm không vững cái bao thư mầu vàng sậm. Giọng nàng nghẹn ngào, “Biết vậy em không đề tên người gửi. Đã mở ra thì thế nào ba má em cũng phải nghe xem băng gì...”

Tuân ngạc nhiên nghe nàng dùng những chữ mom and dad chứ không còn dùng they như vẫn thường dùng nữa...

Không biết phải nói thế nào để an ủi người yêu, Tuân ngập ngừng, “Sao không viết thư cho đơn giản?”

“Em muốn có cuốn băng thâu lại giọng nói của ba mẹ.”

Lại mom and dad. Những chữ làm lòng Tuân xốn xang. Sarah vẫn rưng rưng, “Nếu ba má em trả lời thì dù có đi đâu, em cũng mang theo được giọng nói của ba má. Bây giờ thì hết. Em chỉ còn nghe được giọng nói tồi tệ của chính mình.”

Tuân cố quệt chút khôi hài lên giọng nói, “Có giọng anh trong đó nữa chi!”

Nụ cười Sarah méo mó, gượng gạọ Những giọt nước mắt lăn dài xuống cằm. “Biết vậy em đâu có nán lại thêm cả tuần lễ làm gì.” Những ngón tay yếu đuối bóp lấy bàn tay Tuân, “Chút xíu nữa làm ơn đi với em lên nhà ga xe lửa. Tiền để dành bao lâu nay chắc cũng đủ cho một chuyến đi xa...”

Tuân hoảng hốt, “Bỏ nửa tháng tiền nhà sao?”

“Em không thể ở lại thêm một ngày nào nữa.”

“Nhưng mà em tính đi đâu?”

“Em cũng không biết nữa. Toronto, Montréal, Halifax ở phía đông; cũng có thể Vancouver, Victoria ở phía tây... Không chừng em lên tận Yukon sống với những thổ dân Esquimo. Trời đất mênh mông, mà em chỉ như hạt cát của sông Hằng... Em yêu anh, nhưng mà...” Sarah ngần ngừ nhìn sâu vào mắt Tuân. Tuân chới với chìm xuống mặt hồ nước mầu nâu như mầu mắt con sóc nhỏ vẫn thấy sau vườn.

Đôi mắt người con gái phủ một vệt nước mỏng, long lanh. “Em yêu anh, nhưng mà...” Sarah sụt sùi. “Em không muốn thành xi măng, vôi vữa nhàm chán. Em thích làm phù sa. Hãy cứ để em là hạt cát sông Hằng...”

Chắc lại thơ Tagore. Ý nghĩ thoáng qua trong trí Tuân, rồi tan biến như sợi khói mỏng. Thơ ai thì cũng vậy thôi. Hắn biết tính Sarah. Đã nói là sẽ làm; cho đến nơi đến chốn.

Nàng nhét cái bao thư có cuốn băng vào túi áo Tuân, “Lúc nào không có gì làm, mở băng này nghe em nói cũng được rồi. Phải không Tuân...”

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 6383)
Hiển nhiên là Thần Chết đang chĩa họng súng bắn tỉa vào tôi (đã gần 80 tuổi). Nhưng tôi bảo ông ta: Khoan cho mình ít năm. Mình còn một số việc phải làm. Mong là ông ta chấp nhận lời đề nghị của tôi
01 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 4447)
Xin ông vui lòng cho biết, một ngày sống của ông ở Pháp diễn ra như thế nào?
28 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 5090)
Là một nhà văn trải qua quá nhiều hoạn nạn như ông, ông có tin số mệnh không thưa ông Vũ Thư Hiên?
24 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 5233)
Thưa ông Vũ Thư Hiên, nếu hoàn cảnh thay đổi đủ để ông có quyết định trở về quê hương thì việc gì ông sẽ làm đầu tiên khi đặt chân xuống Hà Nội, thưa ông?
22 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 4860)
Ông có thể kể sơ về đoạn đường ông ra nước ngoài không?
17 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 4683)
Khi ông ra nước ngoài, ông có gặp những người nhìn ông bằng con mắt nghi kỵ không?. Trong trường hợp có, ông nghĩ gì? Có buồn không? Và ông xử sự thế nào?
14 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 5958)
Người ta nói: trong sự thành công của một người đàn ông bao giờ cũng có một người đàn bà ở đàng sau. Trong trường hợp ông người đó là ai (xin lỗi vì tò mò).
03 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 4139)
Với kinh nghiệm viết văn của ông thì kỹ thuật chiếm bao nhiêu phần trăm vào sự thành bại của một truyện ngắn cũng như truyện dàỉ.
27 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 5659)
sự thật trong văn chương và sự thật trong đời thường có phải là một?
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 5374)
Thưa ông, ông có thói quen lập sẵn một cái tạm gọi là dàn bài cho một sáng tác dù ngắn hay dài của ông không?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 611)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,