NGUYỄN MẠNH HÙNG - “Ông Gió”

31 Tháng Bảy 202112:37 CH(Xem: 3697)
NGUYỄN MẠNH HÙNG - “Ông Gió”
Các bạn thân và trẻ hơn ông thường gọi ông là “ông Như Phong” hay “ông Gió,” rất ít khi chúng tôi gọi ông bằng tên khai sinh của ông, là ông Tiến. Trong cách xưng hô, chúng tôi không gọi Như Phong bằng “anh” mà bằng “ông,” có lẽ bởi vì chúng tôi bắt chước lối nói của ông.

Ông luôn luôn gọi chúng tôi bằng “ông,” cái “ông” bình đẳng và thân mật, chứ không phải khách sáo hay riễu cợt. Như Phong bình đẳng một cách thành thật, ông có cách làm san bằng khoảng cách tuổi tác, khiến chúng tôi thoải mái cư xử với ông như bạn mà không cảm thấy rằng mình “hỗn.” Ông dặn tôi, “ông là bạn vong niên của tôi.” Có lần ông nói với tôi rằng “Chơi với ông và Tráng, tôi học được nhiều.”

NMH
Từ trái sang phải là: Tạ Văn Tài, Đinh Thạch Bích, Trần Như Tráng, Nguyễn Như Cương, Nguyễn Mạnh Hùng, Như Phong, Nguyễn Thượng Hiệp. (Hình: FB Nguyễn Mạnh Hùng)


Dĩ nhiên, ông biết, chúng tôi cũng học của ông rất nhiều. Không những ông là một chuyên viên về đảng Cộng Sản Việt Nam mà còn là một cuốn tự điển sống về những nhân vật chính trị miền Nam lúc bấy giờ. Vợ tôi là bạn học của cháu gái ông, mỗi khi đến nhà chơi thường gọi ông bằng “cậu.” Sau khi chúng tôi lấy nhau, Như Phong hay đến nhà tôi. Có lẽ muốn cho tôi thoải mái, ông bảo vợ tôi, “Bây giờ cô đã lớn và có chồng là bạn tôi, gọi tôi bằng anh được rồi, đừng gọi tôi bằng cậu nữa.” Điều này dĩ nhiên không được vợ tôi nghe theo. Nhưng Như Phong đã cho tôi một bài học về cách xử thế.

Như Phong được nhiều người mến phục, nhưng khác hẳn với các bậc “đàn anh” hay “lãnh tụ” khác, cỡ lớn lẫn cỡ nhỏ, Như Phong không có đàn em. Tôi chưa hề nghe ông nhận ai là đàn em của mình, tất cả đều là bạn của ông, kể cả những người ít tuổi hơn ông và tài cán kém xa ông.

Tôi gặp Như Phong lần đầu tiên khi ông đi cùng với hai người bạn học của tôi, Trần Như Tráng và Tạ Văn Tài, đến mượn cái máy chữ. Hồi còn trẻ, tôi ưa các đồ dùng đẹp. Tôi mang từ Mỹ về cái máy chữ Smith Corona nhỏ xách tay, kiểu mới nhất lúc bấy giờ. Họ đến mượn tôi cái máy ấy. Tôi nghe nói Như Phong viết “Chương trình 26 điểm” của Nội Các Chiến Tranh trên cái máy đó. Về sau, có lần đi cùng xe với Như Phong, thấy biểu ngữ “Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ là chính phủ của người nghèo,” tôi chỉ vào biểu ngữ hỏi đùa: “Chương trình 26 điểm của ông thi hành đến đâu rồi?” Ông trả lời, nửa ngậm ngùi, nửa đùa rỡn: “Nó quên mẹ nó rồi, ông ơi!”

Cuộc gặp gỡ đầu tiên rất ngắn. Lúc ấy, tôi đang có khách. Tôi nói chuyện với các bạn tôi nhiều hơn nói với ông. Như Phong và tôi gần như không nói với nhau, hay đúng hơn chẳng trao đổi với nhau câu nào đáng nhớ. Như Phong lúc ấy đã là một huyền thoại. Người ta gọi Như Phong là “phù thủy chính trị.” Như Phong là Lý Thắng, tác giả Khói Sóng, loại tiểu thuyết lịch sử đăng dài dài mỗi ngày trên báo đã một thời làm say mê cả một thế hệ thanh niên của chúng tôi. Tôi mới ở Mỹ về, tay trắng. Hồi đó hình như có cái “mốt” các “lãnh tụ” đi tìm và thu phục chuyên viên trẻ. Có lẽ Như Phong lấy cớ mượn máy chữ để đến thăm giò thăm cẳng một chuyên viên trẻ mới từ Mỹ về.

Ngay lần đầu, tôi đã thấy một thói quen không bỏ được của Như Phong, ông luôn luôn hành động bí bí mật mật, nửa kín nửa hở. Chỉ mượn cái máy chữ thôi mà, thay vì đậu xe ngay trước cửa nhà tôi, ông đậu xe ở tận ngoài đầu ngõ rồi đi bộ tới, và cũng chẳng thèm cho tôi biết ông mượn máy chữ để làm gì, và tại sao lại là máy chữ của tôi! Cuộc gặp gỡ chẳng gây ra “cú xét” nào trong tôi ấy ai ngờ đã ràng buộc tôi và “ông Gió” thành những người bạn thân trong suốt mấy chục năm từ thuở trẻ đầy nhiệt huyết và kỳ vọng ở quê nhà cho tới ngày tôi buồn bã đứng nhìn ông nhắm mắt, từ giã cõi đời trong một bệnh viện xứ người.

Những gì tôi biết về Như Phong là do chính tôi chứng kiến hay nghe các bạn kể lại, chứ không do Như Phong kể. Ông bảo vệ huyền thoại của ông bằng cách không nói gì về những điều ông làm. Ông chỉ nói khi muốn bào chữa cho sự vô can của ông, nhưng vì ông chỉ bào chữa một cách ỡm ờ cho nên người ta càng tin rằng lời đồn đại về ông là có thật. Có lần tôi trách đùa rằng ông chỉ hay xúi bậy bạ, và đổ tội cho ông là thủ phạm của những xáo trộn chính trị ở Việt Nam. Ông cãi lại, bảo rằng chính “họ” tạo ra “đống rác,” rồi mới hỏi ý kiến của ông.

Ông kể, sau khi Phạm Ngọc Thảo đảo chánh chiếm đài phát thanh Saigon, người ta hẹn ông đến Bưu Điện Sài Gòn. Chỉ vào những bực thềm trước cửa Bưu Điện, Như Phong bảo rằng đó là chỗ ông ngồi bàn với tướng Nguyễn Khánh và Nguyễn Cao Kỳ về những lời tuyên cáo chống lại cuộc đảo chánh của Lâm Văn Phát và Phạm Ngọc Thảo.

Tôi về Việt Nam mùa Xuân năm 1965 khi quân Mỹ đổ bộ xuống Đà Nẵng và chính phủ quân nhân sắp ra đời, nghĩa là sau những năm tháng đảo chánh liên miên lúc huyền thoại về Như Phong được tạo lập, những huyền thoại tôi chỉ được nghe nhưng không chứng kiến.

Sau đó, chính sách của người Mỹ là hậu phương phải được ổn định, không có đảo chánh nữa, để cho quân Mỹ đánh giặc. Trong khung cảnh chính trị ấy, chính quyền dân sự của thủ tướng Phan Huy Quát rút lui, Nội Các Chiến Tranh ra đời, và thế của tướng Nguyễn Cao Kỳ bắt đầu lên như diều gặp gió.

Người ta biết rằng lúc đó tướng Thi mạnh thế hơn tướng Kỳ, ông Kỳ chỉ được chọn làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương sau khi ông Thi từ chối chức vụ này.

Như Phong thân với tất cả những nhân vật chính trong vụ chuyển quyền này: Thủ Tướng Quát, người phải ra đi; tướng Thi, người hùng của “Quân Đoàn Giải Phóng Thủ Đô;” và tướng Kỳ, người lãnh đạo Nội Các Chiến Tranh. Nếu muốn, ông có thể tham chánh một cách dễ dàng. Trong Nội Các Chiến Tranh, có rất nhiều “ủy viên” được coi là “người” của Như Phong. Các bạn thân với Như Phong trước tôi kể rằng lúc ấy ông Kỳ muốn Như Phong làm Bộ trưởng Phủ Thủ Tướng, nhưng Như Phong từ chối. Có người bảo Như Phong “nhát.” Như Phong lấy cớ ông là nhà báo, ông không là chính trị gia nên không bao giờ tham chánh.

Có lần ông nói bâng quơ với tôi, “Cách mạng thường ăn thịt con đẻ của cách mạng, ông ạ!” Có thể Như Phong học sai bài học của cuộc Đại Cách Mạng Pháp năm 1789. Khi người Mỹ đổ 500,000 quân vào Việt Nam và không muốn có xáo trộn chính trị nữa, tiến trình đào thải tự nhiên của cuộc cách mạng chấm dứt. Nhưng thử hỏi năm 1965 có ai biết lịch sử mà không học sai bài học ấy?

Như Phong trưởng thành khi đất nước đi vào một giai đoạn lịch sử sôi động: Đệ Nhị Thế Chiến, Cách mạng tháng Tám, đảng tranh, rồi nội chiến triền miên trong khung cảnh chiến tranh lạnh. Phải đối phó thường xuyên với đe dọa bị bắt hay bị ám sát và nhu cầu bảo mật tạo cho những người hoạt động cách mạng hay chính trị thời ấy cái “tâm lý hội kín.” Như Phong không phải là một biệt lệ. Ông sống, đọc và biết nhiều về sách lược và thủ đoạn chính trị Á đông xưa, nên lối suy luận của ông, đối với những người học ở ngoại quốc về như chúng tôi, bị ảnh hưởng hơi nhiều bởi cái gọi là “lý thuyết âm mưu” (conspiracy theory).

Như Phong say mê những vận động chính trị, và hoạt động này tạo cho ông sinh lực. Mỗi lần có thay đổi nội các hay biến cố chính trị, phảng phất đâu đó đều có bóng dáng Như Phong. Có lần ông phàn nàn bị đau nặng, nhưng rồi ngay sau đó tôi lại thấy ông chạy đôn chạy đáo vì những vận động chính trị. Tôi chọc ông, thì ông cười nói rằng “có lẽ tôi ốm vì thiếu trò chơi.” Không có trò chơi chính trị là...+ “ông Gió” ốm!

Tôi cảm thấy hồi ấy Như Phong thân với đại tá Phạm Văn Liễu và tướng Nguyễn Chánh Thi hơn tướng Nguyễn Cao Kỳ, thân với tướng Nguyễn Cao Kỳ hơn tướng Nguyễn Văn Thiệu, nhưng ông làm việc được với tất cả mọi người. Ông làm quân sư, thầy dùi, giúp bất cứ ai có quyền và phương tiện có thể làm tốt cho đất nước. “Thầy dùi” Như Phong muốn được việc chứ không thích “làm quan.”

Như Phong lớn lên khi đất nước chuyển mình vào một giai đoạn cách mạng và chiến tranh triền miên. Ông tham gia vào những vận động lịch sử, nhưng khác với nhiều người, ông giữ được phẩm giá và khả năng suy luận sáng suốt, tuy có đôi chút lạc quan, cho đến khi chết.

Trong cuốn The Vietnamese Gulag xuất bản năm 1986, Đoàn Văn Toại dành hai trang trong chương “The Declaration of Human Rights” để tả huyền thoại tuyệt thực và thái độ bất khuất của Như Phong ở trong tù mà chính Toại chứng kiến, rồi kết luận rằng “Đối với các tù nhân khác, thái độ dũng cảm của Như Phong là một niềm cảm hứng, nó biểu dương cho sức mạnh của ý chí con người. Những người gặp ông sau đó kể rằng đôi mắt của ông sáng quắc dưới cặp kính dầy cộm và bên trong cái thể xác suy mòn, ý chí của ông vẫn bất khuất như trước.” Trần Dạ Từ, một người bạn tù khác của Như Phong, kể cho tôi nghe chuyện tuyệt thực và bị hành hạ của ông, rồi nhận xét một cách thán phục, “Khi người ta khiêng nó [Như Phong] ra, trông nó như thánh Cam Địa.” Nhân cách và thái độ bất khuất của ông ở trong trại cải tạo là nhân cách của bậc thầy.

Cách xử thế hơn hẳn người thường ấy khiến tôi cảm phục, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi hãnh diện có người bạn như Như Phong, và tôi hãnh diện phía chúng ta có người như Như Phong.

Khi Như Phong bị bắt lại lần thứ hai, tôi đi ăn trưa với bạn học cũ của tôi ở trường Đại học Virginia, Charles Twining, lúc ấy phụ trách vấn đề Đông Dương thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhờ can thiệp. Trong thư gửi cho Twining đề ngày 25 tháng 2, 1991 chính thức nhắc lại lời yêu cầu can thiệp, sau khi tả oán về tài trí của Như Phong, tôi nhấn mạnh “Tiến là bạn thân của tôi và là một trong số hiếm người Việt Nam mà tôi khâm phục. Ông ta đã gần 70 tuổi (tôi hơi phóng đại) và sẽ không chịu thỏa hiệp. Thật là uổng phí nếu ông bị chết trong tù và chúng ta mất cơ hội dùng đến kiến thức chuyên môn của ông.”

Như Phong không bao giờ kể chuyện tù của ông với tôi.

Con người thật của Như Phong và con người huyền thoại của Như Phong chẳng khác nhau bao nhiêu. Vì thế, giờ này, trong cái nhận xét chủ quan của tôi, Như Phong vẫn là “một trong số hiếm người Việt Nam mà tôi khâm phục.”

Như Phong là một nhà báo có tài. Ông biết rộng, quen nhiều. Tôi đã thấy cách cư xử thân tình giữa ông và nhiều lãnh tụ các đảng phái và tôn giáo khác nhau, như Phan Huy Quát, Nguyễn Văn Kiểu, Nguyễn Tiến Hỉ, Phạm Xuân Chiểu, Nguyễn Long Thành Nam, v.v… Như Phong viết nhanh, gọn, và hay. Chữ viết của Như Phong mạnh và đẹp, như những cây trúc nghiêng về phía trước. Ông chỉ sử dụng máy computer trong vài năm gần đây, trước khi mất.

Tôi có kinh nghiệm làm việc lần đầu với ông năm 1966. Hồi đó, cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản mới xảy ra bên Trung Quốc, người ta đang tìm cách ước tính ảnh hưởng của nó đối với tình hình chiến sự và chính trị ở Việt Nam. Như Phong nhận thấy ngay cơ hội thử tài và giới thiệu khả năng các bạn trẻ của ông. Ông soạn dàn bài cho một cuốn sách về cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Trung Quốc, rồi đề nghị mỗi bạn đóng góp một chương. Tôi là người duy nhất nộp bài đúng hạn, và đã được ông giúp cho rất nhiều tài liệu. Về sau, tôi mới biết ông lấy những tài liệu đó của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam do bạn ông, tướng Phạm Xuân Chiểu, làm Đặc ủy trưởng. Cuốn sách không được xuất bản, vì ngoài tôi ra không ai nộp bài cả. Về sau, tôi cho đăng bài của tôi trên tập san Nghiên Cứu Hành Chánh. Bây giờ tôi vẫn còn tiếc việc quyển sách ấy không được ra đời, bởi vì nó có thể đáp ứng đúng lúc nhu cầu hiểu biết về một biến cố quan trọng. Dự án bất thành đó khiến tôi phục sự bén nhậy và sáng kiến của nhà báo Như Phong. Thảm kịch của Như Phong là ông không có người thực hiện sáng kiến của ông.

Một sáng kiến chính trị làm tôi phục tài Như Phong là việc ông giúp tướng Kỳ trong cuộc bầu cử năm 1967. Cuộc bầu cử này dự định không những sẽ đưa ông Kỳ lên làm Tổng Thống mà còn đưa vào Thượng Viện ba liên danh “Ba Cây Dừa,” tạo đa số ủng hộ ông Kỳ thực hiện những thay đổi lớn trong chính trường Việt Nam. Liên danh “Ba Cây Dừa” là liên minh giữa các đảng phái cách mạng, giữa các tôn giáo, giữa các địa phương, và giữa các người hoạt động chính trị với các chuyên viên ở miền Nam Việt Nam. Đây là một liên minh chính trị lớn mà chỉ Như Phong ráp lại được vì ông là người thân với mọi phe phái, được mọi phe phái mến, tin tưởng, và họ biết ông chỉ nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, không thủ lợi cho chính mình. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi chẳng biết nếu dự án ấy của Như Phong thành công thì tình hình miền Nam sẽ biến đổi ra sao. Nhưng vào phút chót, Như Phong không thành công.

Buổi chiều hôm Hội Đồng Tướng Lãnh họp để quyết định chỉ đưa ra một liên danh quân đội, tôi ngồi nói chuyện ở văn phòng báo chí phủ Thủ Tướng với Nguyễn Bích Hoan (giám đốc) và Trần Như Tráng (phó giám đốc). Khi tôi ra về–lúc ấy khoảng 5 giờ 30 chiều-Nguyễn Bích Hoan xoa tay, nói một cách đầy tin tưởng: “Xong rồi!” Nhưng cái “xong rồi” lại xảy ra theo chiều hướng khác hẳn với sự tin tưởng lạc quan của ông Hoan. Sáng hôm sau khi mọi người tỉnh giấc thì ông Kỳ đã nhường cho ông Thiệu làm ứng viên Tổng Thống và nhận đứng chung liên danh với ông Thiệu. Như Phong kể với tôi rằng sau đó phụ tá của ông Thiệu, Nguyễn Văn Hướng (Mười Hướng), hẹn ông ở nhà hàng Thiên Nam, nơi đây ông bàn giao công việc của liên danh Nguyễn Cao Kỳ cho ông Hướng. Ông Kỳ được làm phó Tổng Thống, nhưng cả ba liên danh “Ba Cây Dừa” đều bị loại. Đây là lần thứ hai Như Phong tính sai chính sách của người Mỹ, và đồng thời thái độ của ông Kỳ và ông Thiệu. Như Phong thuộc số rất hiếm người hoạt động chính trị ở Việt Nam không bao giờ hỏi người Mỹ muốn gì trước khi hành động.

Như Phong không bỏ được cái định mệnh của một thầy dùi sau lần thất bại đó, ngay cả sau này khi sống dưới chế độ cộng sản. Trong thời gian giữa lần bị đi tù cải tạo lần thứ nhất và bị bắt giam lần thứ hai, Như Phong viết lá thư đề 21 tháng 6, 1989 “gửi anh H. rất tin cậy,” có lẽ là tên tắt hay bí danh của một cán bộ cộng sản cao cấp, để trả lời vấn kế của ông ta. Lá thư mà Như Phong ghi chú “xin đừng công bố và phổ biến rất hạn chế” ấy là một bài phân tích sâu sắc và có tính cách tiên liệu về tình hình quốc tế và quốc nội của Việt Nam lúc ấy, khó có thể tuởng tượng rằng đó là nhận định của một người mới đi tù về sau nhiều năm bị cô lập với thế giới bên ngoài. Mở đầu lá thư, Như Phong xác định: “... qua mọi biến cố tôi luôn luôn thấy mình là kẻ sống sót. Mỗi lần thoát chết lại tự hỏi mình còn có thể làm gì, phải làm gì? Hình như đã có lần tôi nói với anh: ý nghĩa của sự sống là sự làm việc, nếu không chỉ là sự sống của một sinh vật không phải là người. Đối với tôi, sống là làm việc, đọc, học hỏi, nghĩ và viết. Có bài viết chơi để đếm chữ tính tiền, cũng có những bài viết để cọ sát với người ta nhằm xác định giá trị của mình. Còn viết để giúp ích với cái nghĩa tột đỉnh của nó thì chưa bao giờ. Nay vì chính anh đòi hỏi, vì “ngàn năm một thuở” được viết để giúp ích, vì nhận chân rằng mình chẳng còn lần sống sót nào nữa, tôi cũng liều dốc hết những suy nghĩ dưới đây... Tôi không có gì để mất, cũng không trông được lợi danh gì. Tôi chỉ có một ước vọng là đóng góp trong muôn một.” Đây là một lời rào đón, nhưng cũng là tâm sự của Như Phong. Ông viết thế nào thì sống như vậy. Đối với Như Phong, văn đúng là người.

Tôi khâm phục sức chịu đựng dũng cảm của Như Phong. Ông chết bình tĩnh và dũng cảm như “Cái chết của con chó sói,” bài thơ tiếng Pháp nổi tiếng mà lứa tuổi chúng tôi ai cũng phải học thuộc lòng.

Một ngày trước khi ông mất, tôi đến thăm ông ở bệnh viện. Như Phong nằm đó, da bọc xương, nhưng rất tỉnh táo. Tôi nhìn bình dẫn thuốc vào Như Phong thấy chữ morphine thì chẳng còn hy vọng gì nữa. Bác sĩ nói với tôi rằng phải tiếp morphine cho ông ngủ miên man để khỏi đau, vì khi tỉnh ông sẽ “rất đau đớn, vết thương đè trên ngực, không thở được, và sẽ rất hoảng sợ.” Thế mà Như Phong vẫn thều thào nói chuyện với tôi hơn một tiếng đồng hồ cho đến khi tôi khuyên ông ngủ để khỏi mệt.

Như Phong minh mẫn, tếu, và lạc quan cho đến phút chót. Khi mới thấy tôi, ông nói đùa: “tôi cần viagra ông ạ,” rồi ông bàn với tôi về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ mới đây của phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng. Trước khi tôi về, ông nắm lấy tay tôi, than: “Ông dạy học, đào tạo được bao nhiêu thế hệ sinh viên, còn tôi thì chẳng làm được gì cả.”

Một người có khả năng, tư cách, thiện chí và lòng yêu nước như Như Phong cố gắng suốt đời mà cuối cùng cũng “chẳng làm được gì cả” thì thật là một điều đáng buồn cho đất nước.

Nguyễn Mạnh Hùng

Virginia ngày mưa tuyết, 19/01/2002
(Đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ, Chủ Nhật, 07/10/2016.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Chín 20172:55 CH(Xem: 7073)
Ngay khi vừa đến trước ngôi nhà nhỏ bé của nhạc sĩ Hoàng Giác, dòng nhạc đầu tiên của ca khúc “Ngày Về” đã thánh thót tới run rẩy vang lên trong tôi...
05 Tháng Chín 20173:24 CH(Xem: 5986)
Bây giờ anh đã thanh thản bên kia thế giới. Tôi sẽ chẳng còn được đọc email hay nghe anh nhẹ nhàng than thở mỗi khi cơn đau dằn vặt:
29 Tháng Tám 20179:24 SA(Xem: 5824)
Tạp chí Bách Khoa là một trong vài tờ tạp chí nghiên cứu & sáng tác văn học uy tín nhất ở Saigon
18 Tháng Tám 20172:04 CH(Xem: 7415)
PCT giỏi ngoại ngữ, thông minh. Điều nay ai cũng biết. Sống gần PCT, chúng tôi còn biết thêm, “chàng” có một trí nhớ cực kỳ tốt.
07 Tháng Tám 201711:50 SA(Xem: 4704)
Bài thơ Toàn làm và đọc khi chỉ có ba thằng. Ở đâu ra, người thứ bốn từ trên đồi đi xuống. Có phải đó là cái bóng, cái hồn của những đồi thông, những thác, những hồ... Nghiễm ơi, ông chắc đã gặp nó. Nó nói cái gì mà cứ rì rào mãi.
01 Tháng Tám 20172:35 CH(Xem: 6147)
Trước tiên, mình xin cám ơn các anh chị, các bạn gần xa trong ngoài đã san lòng hỏi thăm và chia sẻ khi hay tin buồn vụt đến
19 Tháng Bảy 201711:47 SA(Xem: 8374)
Tôi biết tiếng hát Quỳnh Giao từ khi tôi vào trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vinh-Long) vào năm 1950. Lú
28 Tháng Sáu 20172:33 CH(Xem: 8137)
Áo trắng, dáng ngồi thẳng, nghiêm trang, nét mặt thanh tú, làn da trong sáng, tóc bín hai con rết thắt nơ trắng.
21 Tháng Sáu 201712:28 CH(Xem: 5377)
khi đứng trước một Nguyễn Mộng Giác đang nằm im lặng trong nhà quàn Peek Family ở Quận Cam, tôi nhận ra chúng tôi đã thân nhau hơn một phần tư thế kỷ trên đất Mỹ.
19 Tháng Sáu 201712:03 CH(Xem: 5241)
Trong nửa thập niên 60, 70 (TK XX), bên cạnh những nhà văn nhà thơ mà tên tuổi của họ đã được khẳng định, còn có đông đảo những người viết trẻ:
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17082)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12292)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19021)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9197)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8363)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 627)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 999)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1189)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22487)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14031)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19195)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7914)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8829)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8511)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11078)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30731)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20824)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25525)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22920)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21747)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19806)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18066)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19264)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16929)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16121)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24522)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31966)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34941)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,