PHẠM CHU SA - Trần Phong Giao: nặng tình với văn chương và những người viết trẻ

22 Tháng Mười Hai 20224:53 CH(Xem: 1004)
PHẠM CHU SA - Trần Phong Giao: nặng tình với văn chương và những người viết trẻ

Vài năm trước, Nguyễn Lệ Uyên gọi điện nói Trần Hoài Thư - chủ biên “Thư quán Bản thảo” ở Mỹ đang làm số đặc biệt về nhà văn - dịch giả Trần Phong Giao. Uyên biết tôi khá thân với anh Giao - nhất là từ sau 1975, bảo hãy viết một bài về anh Giao cho “Thư quán Bản thảo”. Uyên báo hơi muộn, đúng thời điểm tôi đang về Trung thăm mẹ bệnh, không có thời gian và tâm trí để viết. Đành lỗi hẹn. Nay lại có vài bạn văn trước kia đã từng có thơ văn đăng trên tạp chí Văn thời Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, đọc những hồi ức “Chuyện làng Văn” tôi post trên Facebook, đề nghị tôi viết về vị cố dịch giả - thư ký tòa soạn một tạp chí văn học để lại nhiều dấu ấn - và nhất là với những cây bút trẻ - từ hơn nửa thế kỷ trước.... Tôi xin ghi lại vài kỷ niệm khó quên về một thời khốn khó sau ngày 30 tháng Tư 75 với anh Trần Phong Giao.

Khi tôi về tuần báo Tuổi Ngọc thì nhà văn - dịch giả Trần Phong Giao - thư ký tòa soạn tạp chí Văn cùng địa chỉ, vừa rời đi được vài tháng. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng được chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng mời về làm thư ký tòa soạn thay ông Giao. Ban đầu Nguyễn Xuân Hoàng không muốn nhận vì ngại Trần Phong Giao buồn. Anh biết chuyện xích mích giữa “Bố già” Vượng và ông Giao. Anh trao đổi với Trần Phong Giao, ông Giao bảo cậu cứ về Văn đi. Tuy vậy khi về làm thư ký tòa soạn Văn, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn đang là giáo sư triết của trường Petrus Ký và còn dạy thêm ở vài trường tư thục nữa, nên anh không thể dành toàn thời gian cho Văn. Cụ chủ nhiệm Vượng phải cầu cứu “nhà văn rong chơi” Mai Thảo về cầm chịch đọc chọn bài vở - như một chủ bút nhưng không đề tên trên Manchette. Đàm Gia Tuấn - nguyên phụ tá thư ký tòa soạn Trần Phong Giao vẫn còn ngồi lại Văn thêm một thời gian, nhưng công việc anh chỉ là sửa morrase. Tôi, một người mới chân ướt chân ráo vào làm công tác tòa soạn, hàng ngày gặp anh Tuấn - một người ngồi tòa soạn nhiều năm sắp ra đi bỗng thân nhau. Đàm Gia Tuấn khá rảnh. Anh in tặng tôi bộ tranh “Thập mục ngưu đồ” (mười bức tranh chăn trâu của Thiền tông) rất đẹp. Anh bảo, mình “chăn trâu” đã chán. Hôm anh thu dọn đồ đạc chào từ biệt mọi người ở Văn tình cờ tôi có mặt. Anh không chào tôi mà rủ tôi về nhà anh chơi. Nhà anh ở cạnh hồ bơi Chi Lăng trên đường Lam Sơn, Gia Định. Trên đường về, anh Tuấn ghé nhà ông Trần Phong Giao đưa xấp thư cộng tác viên và độc giả gửi ông vẫn tiếp tục đến tòa soạn Văn. Ông Giao ở trong con hẻm nhỏ cuối đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu. Anh Tuấn rủ tôi vô, nhưng tôi ngại bảo thôi tôi đứng ngoài chờ. Vì biết ông Giao vốn khó tính, mình lại không muốn làm khách không mời gây phiền gia chủ.

Căn nhà ấy sau này tôi thường đến thăm. Nhà nhỏ nhưng lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng, tinh tươm như tính cách chủ nhà. Đập vào mắt khách mới đến lần đầu là cái tủ sách quý có cửa kính lưu giữ những tác phẩm quan trọng và sách các tác giả tặng, trên tường là mấy bức tranh sơn dầu của các danh họa tặng chủ nhân: Tôi nhớ hình như tranh của Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng... Đặc biệt chị Giao là một phụ nữ hiền thục đúng nghĩa, đẹp người đẹp nết, lúc nào cũng mỉm cười, ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn với những thân hữu của chồng - kể cả khách mới đến lần đầu chị chưa biết. Căn nhà này cũng là địa chỉ tòa soạn tạp chí Giao Điểm và nhà xuất bản Giao Điểm mà Trần Phong Giao lập ra sau khi rời Văn. Rất tiếc tạp chí Giao Điểm chỉ sống được mấy số. Còn nhà xuất bản cũng chỉ hoạt động cầm chừng vài năm, in năm ba tác phẩm của thân hữu…

Sau khi Giao Điểm đình bản, Trần Phong Giao hợp tác với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làm tờ Chính Văn. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Chính Văn cùng chung số phận với Giao Điểm. Anh chuyển sang làm quản thủ thư viện Đại học Cửu Long đến 30.4.75.

Đầu năm 1975, Trần Phong Giao giữ mục “Giải đáp thắc mắc văn học” cho tờ Thời Tập của Viên Linh. Mới được mấy số thì đến 30 tháng Tư!

Sau biến cố 30 tháng Tư, gương mặt Trần Phong Giao vốn đã khó đăm đăm, giờ lại thêm rầu rĩ. Bấy giờ anh mới ngoài bốn mươi nhưng nhìn anh và nghe anh nói chuyện như người sáu mươi. Thời gian tôi bán thuốc tây chui ở đường Nguyễn Thông (1980 – 1982), thường chiều cuối tuần tôi chạy qua nhà rủ anh đến cái quán nhỏ trên đường Nguyễn Văn Mai gần nhà anh, lai rai rượu thuốc Cây Lý, nhâm nhi món đặc sản của quán mà anh Giao rất đắc ý là chim mỏ nhát rô ti ăn với xà lách xon chấm hắc xì dầu. Quán khá đông khách nhưng không biết lý do gì một thời gian sau lại dẹp. Tôi rất nhớ cái hương vị độc đáo này. Đi nhậu nhiều quán nhưng không thấy nơi nào có món này!

Ngồi lai rai với Trần Phong Giao, anh hay nhắc đến những bạn viết trẻ những năm cuối 1960 đầu 1970. Anh nhớ như in từ chuyện riêng tư đến chuyện văn chương của những cây bút trẻ có thơ, truyện từng đăng trên Văn. Anh nhắc tới Y Uyên - một cây bút tài năng chết trận khi còn quá trẻ. Anh nói, nghe tin Nguyễn Lệ Uyên bỏ dạy ở Gò Công, dắt vợ về quê Phú Yên cậu có liên lạc với nó không. Tôi nói cũng nghe loáng thoáng vậy thôi chứ không liên lạc được. Anh hỏi tôi về Kinh Dương Vương - tức họa sĩ Rừng, vì biết tôi rất thân với Rừng và có thời gian thuê nhà chung ở Ban Mê Thuột. Tôi nói anh Khanh (Nguyễn Tuấn Khanh - tên thật của Kinh Dương Vương) lao công đào binh mới phục hồi đầu năm 1975, bị hạ hai cấp - từ trung úy trước khi đào ngũ xuống còn chuẩn úy, nhưng vẫn bị đi học tập cải tạo tập trung dài ngày. Vì Ban Mê Thuột thuộc quân khu 5 - ở đó cấp chuẩn úy được coi là sĩ quan phải đi học tập lâu dài (trong khi ở Sài Gòn chuẩn úy chỉ học tập tại chỗ 5 ngày thôi). Trong cái rủi có cái may, nhờ đi học tập gần 5 năm nên sau này Kinh Dương Vương được đi HO đưa cả gia đình sang Mỹ định cư.

Thời gian này, như nhiều người Sài Gòn khác - nhất là anh em văn nghệ sĩ, gia đình Trần Phong Giao gặp không ít khó khăn. Con trai cả của anh bị đi bộ đội đưa sang đánh nhau bên Campuchia, anh lo lắm. Hai cháu sau - một gái một trai còn đi học. Thỉnh thoảng ghé thăm thấy anh nhăn nhó, nhưng chị thì lúc nào cũng mỉm cười - dẫu có khi nhà hết gạo! Tuy vậy anh Giao lúc nào cũng quan tâm đến những thân hữu gặp khó khăn hay bệnh tật, đau yếu. Có lần anh nói “Nguyễn Đình Toàn bán báo ở cái sạp nhỏ bên Thị Nghè, trông thảm lắm. Lũy gầy rộc và xanh xao và hình như ho lao hay sao ấy. Cậu coi có thuốc bổ phổi gì gửi cho lũy một ít”. Tôi mường tượng một nhà văn tài hoa nổi tiếng, từng đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc - giải thưởng Tổng Thống năm 1974 với tiểu thuyết “Áo mơ phai”- ốm yếu xanh xao ngồi bán báo ở cái sạp nhỏ bên vỉa hè mà xót xa! Mấy hôm sau tôi ghé nhà anh Giao gửi một chai thuốc bổ Multiviatamin và hộp thuốc ngừa lao phổi Salbutamol nhờ anh Giao chuyển anh Toàn. Trước 1975, thỉnh thoảng tôi gặp anh Toàn ở tòa soạn Văn khi anh ghé đưa bài, rồi ngồi trò chuyện với Mai Thảo hay Nguyễn Xuân Hoàng. Bấy giờ tuy anh vẫn gầy nhưng rất nhanh nhẹn. Không biết anh Toàn còn nhớ tôi không, nên tôi không đến gặp trực tiếp, sợ anh ấy ngại...

Trần Phong Giao là người rất cẩn trọng từng câu từng chữ. Anh kể, khi biên tập, gặp một từ khó hay ngờ ngợ, anh gọi điện thoại hỏi các bậc tiền bối uyên bác. Thường thì anh gọi hỏi cụ Lãng Nhân - Phùng Tất Đắc, tác giả “Chuyện làng Nho” hay nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ…Là một nhà văn - dịch giả vốn rất kỹ tính, Trần Phong Giao sáng tác khá khiêm tốn. Chỉ có tập truyện “ Ngồi lại bên cầu” và tiểu thuyết “Nửa đêm thức giấc”. Mảng dịch thuật thì khá hơn, nhưng số dịch phẩm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trần Phong Giao chủ yếu dịch hai nhà văn hiện sinh người Pháp là Albert Camus, giải Nobel 1957 và Jean Paul Sartre, giải Nobel 1964 ( nhưng Sartre từ chối). Sách Trần Phong Giao dịch gồm: “Lưu đày và quê nhà” và “Sứ mệnh văn nghệ” của A. Camus; “Guồng máy” và “Không một nấm mồ” của Jean Paul Sartre. Riêng cuốn “Sự đã rồi” của Sartre, anh dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng. Còn vài dịch phẩm khác như: “Con chim trốn tuyết” - một truyện cực kỳ thơ mộng của Paul Gallico, Trần Phong Giao dịch chung với Hoàng Ưng; “Kinh nghiệm đời văn” của Erskine Caldwell, anh dịch chung với Nhã Điển… Tuy anh là thư ký tòa soạn toàn quyền chọn đăng bài vở nhưng anh rất ít khi dịch hay viết đăng trên Văn. Tôi học được ở anh đức tính khiêm tốn và tế nhị này khi tôi làm thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc là ít viết ký tên mình đăng trên báo nhà! Anh chỉ viết tin sinh hoạt văn nghệ và viết điểm sách, giới thiệu sách trên Văn với tên Thư Trung, Mõ Làng Văn. Dù rất kỹ tính trong giao tiếp và rất nghiêm túc với văn chương nhưng Trần Phong Giao với bút hiệu Mõ Làng Văn cũng có lúc gây bão với vụ đụng độ Nguyên Sa - một scandal lớn trong giới văn học cuối những năm sáu mươi! Và một scandal khác khi Trần Phong Giao “đụng” tới mấy nhà văn nữ gốc Huế…

Trong một bài viết, Du Tử Lê gọi Trần Phong Giao là “người gác cổng văn học” thiết nghĩ không ngoa. Từ khi làm thư ký tòa soạn tờ Tin Văn (1960 - 1963), Trần Phong Giao đã nổi tiếng khó tính. Một số bạn văn lớn tuổi bảo, năm đó ông Giao mới tên dưới ba mươi, nhưng mặt đã khó đăm đăm như ông cụ non. Cuối năm 1963 sau đảo chánh Ngô Đình Diệm, ông Giao chuyển sang hợp tác với ông chủ nhà in Nguyễn Đình Vượng thành lập bán nguyệt san Văn. Số đầu phát hành tháng 1/1964. Trần Phong Giao đã dồn tâm huyết tạo dựng tờ tạp chí văn học uy tín. Sau đó Văn phát hành thêm các phụ san Văn Uyển, Tân Văn thành một “thế lực” văn chương đáng nể. Tờ Văn in thơ văn và phê bình văn học, còn hai ấn bản phụ Văn Uyển và Tân Văn mỗi kỳ in tác phẩm của một tác giả. Từ 1965, chiến tranh lan rộng cả miền Nam rất ác liệt, giao thông khó khăn, nhiều tờ báo văn học nghệ thuật tên tuổi lớn như Sáng Tạo (bộ mới), Nghệ Thuật… cũng không sống nổi phải đình bản, thì Văn không những vẫn đứng vững mà còn ấn hành thêm các ấn phẩm phụ. Phải nói Trần Phong Giao là một người tổ chức và điều hành tạp chí văn học nghệ thuật số một bấy giờ, người trong giới làm báo chí văn học nghệ thuật ai cũng nể vì. Không những thế Trần Phong Giao còn có con mắt tinh đời, nhìn ra những tài năng văn học tiềm tàng ở những cây bút trẻ. Anh viết thư riêng động viên, khuyến khích một số cây bút trẻ có triển vọng. Anh quan tâm tới đời riêng và hoàn cảnh sống của họ. Anh sẵn sàng giúp đỡ những cộng tác viên của Văn khi gặp khó khăn. Nhất là những nhà văn, nhà thơ trẻ bị động viên nhập ngũ. Nếu bạn nào bị đẩy đi ra vùng tuyến đầu, Trần Phong Giao tìm cách tiếp cận các quan chức quân sự có thế lực để nhờ thuyên chuyển các bạn này về tuyến sau ít nguy hiểm hơn. Anh em nhà văn, nhà thơ trước kia đã từng cộng tác với Văn thời anh Giao phụ trách, mỗi khi có dịp ngồi với nhau bao giờ cũng nhắc tới Trần Phong Giao với sự quý trọng và cả lòng biết ơn một nhà văn - dịch giả - nhà báo tâm huyết với văn chương và hết lòng với văn hữu…

Tôi quen thân với Trần Phong Giao là qua nhà thơ - nhà giáo Hạc Thành Hoa. Mỗi lần Hạc Thành Hoa từ Sa Đéc lên Sài Gòn, anh đều ghé thăm anh Giao.Thời gian Trần Phong Giao làm tờ Giao Điểm và nhà xuất bản cùng tên, tôi có đi cùng Hạc Thành Hoa đến thăm anh khi Giao Điểm in tập thơ thứ hai - “Một mình như cánh lá” của anh Hoa năm 1973. Tập thơ đầu “Trong nỗi buồn vàng” của Hạc Thành Hoa do cơ sở Văn ấn hành năm 1971 cũng do một tay anh Giao xúc tiến khi anh còn trông coi tờ Văn. Mối giao tình giữa Trần Phong Giao và Hạc Thành Hoa là tình nghĩa sâu đậm giữa hai người cực kỳ trân trọng văn chương.

Xin kể một chuyện nhỏ về tình nghĩa sâu đậm giữa hai người: Mùa hè năm 1977, một chiều anh Trần Phong Giao đạp xe từ Tân Định xuống nhà tôi ở gần chợ Tân Bình. Trời đã xẩm tối, anh ngồi trên xe đạp trước cổng nhà, gọi tôi ra đưa cho tôi hai con cá lóc. Tôi hỏi cá đâu anh có mà cho? Anh nói, Hạc Thành Hoa nó tát đìa dưới Sa Đéc mang lên cho tôi năm con. Tôi chia chú hai con. Tội nghiệp Thai (Nguyễn Đường Thai - tên thật của Hạc Thành Hoa) quần áo còn dính đầy bùn mà đón xe mang lên cho tôi rồi vội quay về ngay sợ hết xe! Cầm hai con cá tôi rưng rưng nghĩ về cái tình Hạc Thành Hoa đối với người bạn văn đàn anh Trần Phong Giao: Đón mấy lần xe, đi một trăm mấy chục cây số lên tặng ông anh vài con cá! Và cả cái tình anh Giao đối với tôi. Tôi chỉ biết nắm chặt tay anh. Trước khi quay xe về anh bảo, nói với thiếm tôi về kẻo tối, không vô chào thiếm. Anh còn cẩn thận dặn, bảo thiếm cái mình cá thì kho, còn cái đầu nấu canh chua cho hai cháu ăn. Vợ tôi vốn rất quý anh Giao nghe tôi nhắc lại lời anh dặn, bà ấy rất cảm động.
Năm 1982 tôi hùn vốn với 3 người bạn dược sĩ mới đi học tập cải tạo về, cùng anh bạn giáo sư - dịch giả Lê Khắc Cầm mở một nhà thuốc tây trên đường Đồng Khánh (tức Trần Hưng Đạo B) quận 5. Ba anh bạn đều là trung úy dược sĩ học tập về, đã lăn lộn chợ trời vài năm. Còn dịch giả Lê Khắc Cầm nổi tiếng với dịch phẩm “Chúa đã khước từ” in trước 1975, đã bỏ dạy đại học Huế, vô Sài Gòn đi bán thuốc tây chợ trời một thời gian trước khi hùn vốn cùng tôi mở nhà thuốc. Thời gian này tôi hay gặp anh Giao. Thường thì vào chiều cuối tuần tôi chạy ra Tân Định rủ anh qua quán không tên đường Nguyễn Văn Mai, gần nhà anh cho tiện. Lúc này thu nhập của tôi tạm ổn, biết anh Giao chỉ thích uống rượu, nên thỉnh thoảng trước khi gặp anh tôi ghé chợ Tân Định lấy chai Camus hay Brandy. Nhưng thường thì rượu Cây Lý của quán. Lúc này mỗi khi ngồi với nhau chỉ nghe anh nói chuyện bạn bè văn nghệ đi học tập về, người đạp xích lô, người chạy chợ trời kiếm tiền mua gạo. Trong khi anh cũng không khá gì hơn… Anh có người bạn tên Trạch, dân làm ngân hàng, người Bắc 54 lịch lãm, ăn nói từ tốn. Thỉnh thoảng anh Trạch mang một chai Martell đến, rủ ra cái quán quen anh trên đường Trần Quang Khải. Ba người cưa hết chai, thấy gương mặt anh Giao thư giãn, nhắc chuyện xưa bạn cũ, rồi có khi cũng pha trò vui vẻ hẳn…

Sau thời kỳ đổi mới, năm 1988 tôi cầm bút trở lại, viết bài cộng tác lai rai với vài tờ báo: Tuần tin Thanh Niên (tiền thân báo Thanh Niên ), Thông tin Công Nghệ và Thương Mại… Rồi hợp tác với nhà xuất bản Trẻ làm tập san “Du lịch Vòng quanh Thế giới”, mời anh Trần Phong Giao và anh Hoàng Hải Thủy dịch và viết bài (các anh đề bút hiệu khác). Riêng anh Trần Phong Giao còn viết một số bài cho nguyệt san Sông Phố (do tôi hợp tác với Hội Văn nghệ Đồng Nai thực hiện). Cả hai ấn phẩm kể trên từ lỗ đến lỗ, tôi chỉ gồng mình cầm cự được năm bảy số! Anh Giao bảo, chắc moa hết thời rồi, cộng tác với tờ nào tờ ấy chết yểu! Rồi anh dịch mấy cuốn sách viết về thế giới loài vật ký tên con gái là Phong Lan cho tôi in, nhưng phát hành cũng rất èo uột, một phần vì tôi chọn sai nhà phát hành yếu kém. Năm 1990, tôi chuyển sang hợp tác với nhà xuất bản Trẻ làm tập san Tuổi Hồng - dành cho lứa tuổi mới lớn như tuần báo Tuổi Ngọc trước kia. Cộng tác thường xuyên có nhà văn lão thành Võ Hồng, cùng các cây bút của báo Tuổi Hoa trước 1975 là nữ sĩ Minh Quân, Hoàng Đăng Cấp, Trinh Chí… Anh Trần Phong Giao chỉ cộng tác vài số đầu. Anh nói, moa không hợp với báo tuổi mới lớn…

Năm 1992 anh Giao tròn sáu mươi. Tôi mời anh đến một quán rượu quen trên đường Ngô Thời Nhiệm. Có thêm một bạn văn thân thiết với anh và tôi là nhà phê bình Huỳnh Phan Anh. Nhà anh trên đường Võ Văn Tần đi bộ qua cũng tiện. Ba người chúng tôi cưa hết chai Remy Martin XO của một người bạn tặng tôi. Anh Giao đọc bài thơ “Mộ hoài độc ẩm”, tôi còn nhớ mấy câu: “…Ly này uống nữa thì say / Trốn tà huân cánh én bay về nhà / Một mình ta uống cùng ta / Mộ hoài độc ẩm xót xa phận mình…” Huỳnh Phan Anh cà khịa: “Uống ba thằng chứ có độc ẩm đâu, bạn già”!

Ít lâu sau tôi chuyển qua báo Thanh Niên, để Tuổi Hồng lại cho một bạn nhà thơ trông nom thực hiện, nhưng thật đáng tiếc chỉ một thời gian ngắn sau thì tờ “tập san của tuổi mới lớn” Tuổi Hồng đình bản.

Hình như khoảng cuối năm này khu nhà anh Giao trong con hẻm nhỏ bị hỏa hoạn - trong đó có nhà anh mà tôi không hay biết. Công việc mới lu bu quá, mãi mấy tháng sau tôi đến thăm anh mới biết. Nhưng bất ngờ nhất là thấy một căn nhà mới xây khang trang hơn nhà xưa, con hẻm trước nhà anh cũng được mở rộng. Ngay cửa chính, anh Giao gắn cái biển bằng đồng ghi tên những bà con và thân hữu đóng góp dựng căn nhà mới. Trong cái xui có cái may: Căn nhà cũ anh thuê từ trước 1975, sau ngày thống nhất chính quyền mới tiếp quản của chủ cũ rồi cho người đang ở tiếp tục thuê và trả tiền thuê cho công ty quản lý nhà. Nhưng sau khi nhà cháy, chính quyền quyết định cấp nền nhà cho những người có nhà bị cháy. Anh Trần Phong Giao được cấp giấy phép xây dựng nhà mới trên nền nhà cũ và đứng tên chủ quyền. Nhưng rồi anh chị cho thuê căn nhà mới, đi thuê căn hộ nhỏ ở chung cư Cửu Long - cũng trên đường Hai Bà Trưng - lấy tiền chênh lệch chi tiêu. Tôi đến thăm anh ở căn hộ mới thuê, anh cười bảo: Mấy chục năm trời mới có được cái nhà của mình, nhưng phải cho thuê để đi thuê nhà ở. Chắc cái số moa chỉ ở nhà thuê. Sau đó ít lâu, nghe tin anh bán căn nhà mới xây, dời về miệt Phú Lâm - quận 6 ở với con gái, nhưng tôi không liên lạc được. Và hầu như bạn bè cũ cũng ít ai liên lạc được với anh. Anh mất tôi cũng không hay biết. Chỉ khi tình cờ gặp chị Giao trong đám cưới con Hạc Thành Hoa, tôi mới biết anh mất đã mấy năm. Chị nói: “Dời nhà về quận 6, anh mất liên lạc bạn bè. Anh bị trầm cảm, suốt ngày giam mình trong phòng không giao tiếp với ai - trừ một vài người thân thiết như chú Thai” (Hạc Thành Hoa - NV). Chị Giao cho biết, anh mất tháng Tư 2005 do ung thư đại tràng, thọ 73 tuổi. Rất buồn và thương tiếc anh Trần Phong Giao, một nhà văn - dịch giả nặng tình với văn chương và những người viết trẻ.

P.C.S
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tư 202411:21 SA(Xem: 227)
Một hồi chuông tan với nhang tàn, thỉnh Chú một đoạn ghé bến Hư Không với Thầy, rồi về đoàn tụ cùng Nam Long, với Sài Gòn thương nhớ!
25 Tháng Ba 202411:34 SA(Xem: 249)
Thái Thanh hát bên Phật Di Đà những lời kinh trong suốt, vô ngôn.
14 Tháng Ba 20245:55 CH(Xem: 342)
Hôm nay là ngày mở cửa mả của anh (31/01 (2024) mà em vẫn chưa thực sự tin là anh đã đi xa.
29 Tháng Hai 20248:09 SA(Xem: 314)
Thơ Phan Xuân Sinh không có những mộng mơ vì đời không cho anh có thời giờ mộng mơ. Anh rất thực tế nên thơ của anh rất đời, rất hào sảng.
18 Tháng Hai 20244:13 CH(Xem: 568)
Ngược lại Mai Thảo chưa ghét bỏ ai bao giờ. Anh chửi, như một thói quen, một cách mắng yêu, chỉ trong bàn nhậu.
08 Tháng Hai 202410:14 SA(Xem: 561)
Rất nhiều nhạc sĩ tài danh đều bắt đầu bằng tự học, không qua trường lớp đào tạo, và Phạm Đình Chương cũng không ngoại lệ.
25 Tháng Giêng 20249:11 SA(Xem: 846)
Tôi thả những cánh hoa nghệ thuật bay theo chiều gió, chẳng biết có cánh nào rơi vào bàn tay thân ái của kẻ sĩ?
11 Tháng Giêng 20249:16 SA(Xem: 579)
Có lẽ tôi hiểu ra “ga Suối Vằn” ở đâu rồi./ Đó không chỉ là một địa danh hư cấu, mà chính xác hơn: một địa chỉ để tìm đến văn chương.
28 Tháng Mười Hai 202310:56 SA(Xem: 515)
Người ta thường gọi Dương Bích Liên là họa sĩ của Hà Nội.
21 Tháng Mười Hai 20231:37 CH(Xem: 541)
Chàng vẽ đẹp, tranh chàng mượt mà, màu sắc êm dịu, đường nét mềm mại, ánh sáng mạnh, bố cục lạ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17066)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12274)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18997)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9180)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8359)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 994)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1183)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22478)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14015)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,