Nghe nhạc Việt Nam, nói chung, hẳn có lúc chúng ta phải giật mình vì hình như nhạc của chúng ta quá buồn. Một nhà phê bình âm nhạc có nhận xét rằng: "Âm nhạc ở đâu dễ nghe, đời sống ở đó dễ sống." Không biết có phải vì đời sống của chúng ta khó sống, nên đã tạo ra một nền âm nhạc như thế?
Không phải chúng ta không có nhạc vui. Nhưng cái vui, cái trong sáng của nhạc Hoàng Quý mới chỉ là cái vui, cái hớn hở của một buổi họp đoàn hướng đạo.
Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát, Hùng Lân cũng có những bài hát vui. Nhưng đằng sau cái vui của nhạc Dưong Thiệu Tước, Hùng Lân hay Nguyễn Xuân Khoát vẫn lẩn khuất một chút buồn.
Phải chờ đến Phạm Đình Chương, chúng ta mới được nghe, được hát những ca khúc thật sự vui tươi, thật sự khỏe mạnh.
Nhac Phạm Đình Chương bát ngát sức trai, nồng nàn hương sắc của núi rừng đồng nội. Căn cứ vào những ca khúc đầu tiên của ông "Leo Rừng", "Được Mùa", "Tiếng Dân Chài" hay "Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng", người ta cảm nhận một sức sống rạt rào, nao nức. Cái nao nức của một cuộc lên đường, một bước vào đời có gian lao vất vả nhưng cũng phơi phới tin yêu. Có một vẻ gì đó giống như một thách thức hào hứng.
Nhạc như thế, lòng người như thế, tuổi xuân như thế, phải được hát lên không phải chỉ bằng một người, một giọng mà phải bằng nhiều người, nhiều giọng. Có lẽ điều này cũng giải thích vì sao Phạm Đình Chương đã xuất hiện cùng một lúc với ban hợp ca Thăng Long. Rừng núi, sông biển, ruộng đồng đều được nhắc tới trong nhạc Phạm Đình Chương. Nói như vậy cũng không chính xác. Phải nói rằng, những cảnh sắc ấy, những thực thể ấy, chính là một phần nhạc của ông, một phần tâm hồn ông.
Có bao nhiêu người đã viết về rừng núi, nhưng ca khúc "Sáng Rừng" của Phạm Đình Chương vẫn cứ bừng bừng một nét riêng biệt. Cái âm u không bí hiểm, cái hoang dã không đe dọa. Mà ở đó là thơ. Ở đó là cuộc lễ linh thiêng của con người tiếp nhận tặng phẩm của Thượng Đế. Đó là sự chan hòa giữa thiên nhiên và con người. Tiếng chim hót như thế người ta chỉ có thể nghe thấy trong một sáng rừng. Và rừng là ân sủng của Thượng Đế ban cho. Rừng là của ta. Có lẽ không còn hình thức tiếp nhận nào hơn là hình thức tiếp nhận bằng âm nhạc trong một cuộc lễ như thế. Hay nói như Tagore: "Chỉ với tư cách là ca sĩ tôi mới nhận ra sự hiện diện của Người".
Nói về tình yêu đất nước trong nhạc của chúng ta có rất nhiều. Nhưng sừng sững như núi non có lẽ không có tác phẩm nào vượt qua bộ "Hòn Vọng Phu" của Lê Thương, "Con Đường Cái Quan" của Phạm Duy và "Hội Trùng Dương" của Phạm Đình Chương. Ôi! Chúng ta chỉ nguyện làm sao có được tấm lòng yêu thương đất nước, yêu thương nhau mãi mãi như thế.
Vết thương nào rồi cũng lành. Sự xa cách nào rồi cũng có ngày nối lại. Núi non sông biển là vĩnh cửu. Có nhạc của Lê Thương, còn nhạc của Phạm Duy và với nhạc của Phạm Đình Chương, rồi những con sông vẫn cứ chảy xuôi một niềm thương, sẽ đưa chúng ta về một biển, dù có phải hòa chung một dòng nước mắt.
Những lúc Phạm Đình Chương trở về với cái riêng của mình, ông cũng để lại cho đời những tình khúc tuyệt vời, dù đó không phải là những bài ca hạnh phúc. Tình ca của chúng ta rất nhiều. Nhưng có vẻ như người ta nói về "tình" nhiều hơn là "tình" nói. Phạm Đình Chương đã bước qua được sự cách biệt này. Chỉ khi người ta thực sự yêu, mới có được cái tiếng nói thiết tha, cái giọng nồng nàn đến thế.
Phổ nhạc thơ, Phạm Đình Chương cũng tỏ ra là một nhạc sĩ cao tay lắm. Song nghe nhạc ông, người ta vẫn cứ thấy những ca khúc do chính ông viết lời ca nó thật hơn, đằm thắm hơn. Tuy nhiên "Khi Cuộc Tình Đã Chết" thơ Du Tử Lê, Phạm Đình Chương phổ nhạc, vẫn cứ là một trong những tình khúc đạt nhất của ông và của chung những tình khúc Việt Nam nữa.
Nếu chúng ta, ai có dịp nghe Phạm Đình Chương hát một lần, trong một quán rượu về khuya, hát một mình với ly rượu trong tay và bằng cái giọng một nửa tưởng chừng bị cháy vì khói thuốc, nửa kia được dập tắt bằng rượu mới thấy được hết cái hay của giọng hát Phạm Đình Chương. Ông không chỉ là nhạc sĩ, ông còn là một ca sĩ nữa.
Chúng ta đã nghĩ đến việc cám ơn các nhạc sĩ, tại sao chúng ta lại không nghĩ chuyện công khai cảm ơn các ca sĩ. Không gì buồn bằng một bản tình ca không được hát. Cũng không gì buồn bằng một bản tình ca bị hát sai. Vậy thì, được nghe một giọng hát trình bày hết những gì chứa dấu trong một bản nhạc, phải chăng cũng là một điều hạnh phúc? Ấy là chưa kể, cùng một ca khúc, mỗi ca sĩ có thể có một cách hát khác nhau, và bằng cách ấy, vẫn mở cho người nghe những cánh cửa tưởng tượng kỳ lạ, vừa có khả năng đưa người ta trở về một quá khứ nào đó, lại vừa dường như làm giàu thêm hiện tại, vẽ ra và kể lại những thế giới kỳ ảo, chỉ khi yêu hay đã ra khỏi tình, người ta mới biết, mới nhận ra được.
Nguyễn Đình Toàn
Không phải chúng ta không có nhạc vui. Nhưng cái vui, cái trong sáng của nhạc Hoàng Quý mới chỉ là cái vui, cái hớn hở của một buổi họp đoàn hướng đạo.
Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát, Hùng Lân cũng có những bài hát vui. Nhưng đằng sau cái vui của nhạc Dưong Thiệu Tước, Hùng Lân hay Nguyễn Xuân Khoát vẫn lẩn khuất một chút buồn.
Phải chờ đến Phạm Đình Chương, chúng ta mới được nghe, được hát những ca khúc thật sự vui tươi, thật sự khỏe mạnh.
Nhac Phạm Đình Chương bát ngát sức trai, nồng nàn hương sắc của núi rừng đồng nội. Căn cứ vào những ca khúc đầu tiên của ông "Leo Rừng", "Được Mùa", "Tiếng Dân Chài" hay "Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng", người ta cảm nhận một sức sống rạt rào, nao nức. Cái nao nức của một cuộc lên đường, một bước vào đời có gian lao vất vả nhưng cũng phơi phới tin yêu. Có một vẻ gì đó giống như một thách thức hào hứng.
Nhạc như thế, lòng người như thế, tuổi xuân như thế, phải được hát lên không phải chỉ bằng một người, một giọng mà phải bằng nhiều người, nhiều giọng. Có lẽ điều này cũng giải thích vì sao Phạm Đình Chương đã xuất hiện cùng một lúc với ban hợp ca Thăng Long. Rừng núi, sông biển, ruộng đồng đều được nhắc tới trong nhạc Phạm Đình Chương. Nói như vậy cũng không chính xác. Phải nói rằng, những cảnh sắc ấy, những thực thể ấy, chính là một phần nhạc của ông, một phần tâm hồn ông.
Có bao nhiêu người đã viết về rừng núi, nhưng ca khúc "Sáng Rừng" của Phạm Đình Chương vẫn cứ bừng bừng một nét riêng biệt. Cái âm u không bí hiểm, cái hoang dã không đe dọa. Mà ở đó là thơ. Ở đó là cuộc lễ linh thiêng của con người tiếp nhận tặng phẩm của Thượng Đế. Đó là sự chan hòa giữa thiên nhiên và con người. Tiếng chim hót như thế người ta chỉ có thể nghe thấy trong một sáng rừng. Và rừng là ân sủng của Thượng Đế ban cho. Rừng là của ta. Có lẽ không còn hình thức tiếp nhận nào hơn là hình thức tiếp nhận bằng âm nhạc trong một cuộc lễ như thế. Hay nói như Tagore: "Chỉ với tư cách là ca sĩ tôi mới nhận ra sự hiện diện của Người".
Nói về tình yêu đất nước trong nhạc của chúng ta có rất nhiều. Nhưng sừng sững như núi non có lẽ không có tác phẩm nào vượt qua bộ "Hòn Vọng Phu" của Lê Thương, "Con Đường Cái Quan" của Phạm Duy và "Hội Trùng Dương" của Phạm Đình Chương. Ôi! Chúng ta chỉ nguyện làm sao có được tấm lòng yêu thương đất nước, yêu thương nhau mãi mãi như thế.
Vết thương nào rồi cũng lành. Sự xa cách nào rồi cũng có ngày nối lại. Núi non sông biển là vĩnh cửu. Có nhạc của Lê Thương, còn nhạc của Phạm Duy và với nhạc của Phạm Đình Chương, rồi những con sông vẫn cứ chảy xuôi một niềm thương, sẽ đưa chúng ta về một biển, dù có phải hòa chung một dòng nước mắt.
Những lúc Phạm Đình Chương trở về với cái riêng của mình, ông cũng để lại cho đời những tình khúc tuyệt vời, dù đó không phải là những bài ca hạnh phúc. Tình ca của chúng ta rất nhiều. Nhưng có vẻ như người ta nói về "tình" nhiều hơn là "tình" nói. Phạm Đình Chương đã bước qua được sự cách biệt này. Chỉ khi người ta thực sự yêu, mới có được cái tiếng nói thiết tha, cái giọng nồng nàn đến thế.
Phổ nhạc thơ, Phạm Đình Chương cũng tỏ ra là một nhạc sĩ cao tay lắm. Song nghe nhạc ông, người ta vẫn cứ thấy những ca khúc do chính ông viết lời ca nó thật hơn, đằm thắm hơn. Tuy nhiên "Khi Cuộc Tình Đã Chết" thơ Du Tử Lê, Phạm Đình Chương phổ nhạc, vẫn cứ là một trong những tình khúc đạt nhất của ông và của chung những tình khúc Việt Nam nữa.
Nếu chúng ta, ai có dịp nghe Phạm Đình Chương hát một lần, trong một quán rượu về khuya, hát một mình với ly rượu trong tay và bằng cái giọng một nửa tưởng chừng bị cháy vì khói thuốc, nửa kia được dập tắt bằng rượu mới thấy được hết cái hay của giọng hát Phạm Đình Chương. Ông không chỉ là nhạc sĩ, ông còn là một ca sĩ nữa.
Chúng ta đã nghĩ đến việc cám ơn các nhạc sĩ, tại sao chúng ta lại không nghĩ chuyện công khai cảm ơn các ca sĩ. Không gì buồn bằng một bản tình ca không được hát. Cũng không gì buồn bằng một bản tình ca bị hát sai. Vậy thì, được nghe một giọng hát trình bày hết những gì chứa dấu trong một bản nhạc, phải chăng cũng là một điều hạnh phúc? Ấy là chưa kể, cùng một ca khúc, mỗi ca sĩ có thể có một cách hát khác nhau, và bằng cách ấy, vẫn mở cho người nghe những cánh cửa tưởng tượng kỳ lạ, vừa có khả năng đưa người ta trở về một quá khứ nào đó, lại vừa dường như làm giàu thêm hiện tại, vẽ ra và kể lại những thế giới kỳ ảo, chỉ khi yêu hay đã ra khỏi tình, người ta mới biết, mới nhận ra được.
Nguyễn Đình Toàn
(VĂN NGHỆ Magazine số 3-2000)
Gửi ý kiến của bạn