VŨ THƯ HIÊN - Một mảnh sao băng

21 Tháng Năm 20192:18 CH(Xem: 4458)
VŨ THƯ HIÊN - Một mảnh sao băng

Người đàn ông gày đến không thể gày hơn, mái tóc tóc bạc bù xù, nụ cười xám khói thuốc, ôm chầm lấy tôi, vỗ đồm độp vào lưng tôi, rồi cất giọng khao khao: 

- Lai đây, Đặng Phúc Lai đây. Cậu được báo trước về mình rồi chứ? Mình đợi cậu, tin chắc thể nào cậu cũng sẽ tới. – anh nhét vào tay tôi một tập giấy - Đây là tài liệu mình mang sang cho cậu.

Đó là Đặng Phúc Lai, người được các bạn trong nước báo cho tôi biết tôi sẽ gặp anh ở Paris. Lai sang đây chữa bệnh, bệnh gì anh em không nói, nhưng chắc là nan y. Tôi ở Nuremberg, cách Paris một đêm nằm tàu, anh sang hôm nào tôi cũng không hay. Tôi vừa từ Nuremberg đi Lyon để dự cuộc gặp mặt các bạn văn quốc tế sống lưu vong ở châu Âu. Tan cuộc, tôi ra thẳng ga đi Paris. Ở Paris, tổ chức Mạng lưới Dân chủ làm buổi tưởng niệm nhà dân chủ Trần Độ. Tháng 11, trời đã hơi lạnh. Anh Bùi Tín đứng bên săn sóc nhắc Lai: đừng cố gắng nói to mà mệt, nói thế nghe được rồi.

- Trông cậu không khác trong ảnh bao nhiêu. Hơi già hơn một chút. Cái ảnh là hay nịnh lắm – Lai nghiêng ngó ngắm tôi, hổn hển – Anh em hỏi thăm cậu. Nhớ lắm.

Anh gọi lên một số tên. Tôi ôm lấy Lai, thấy trong vòng tay mình một thân xác nhẹ bỗng. Thì ra Lai là thế này đây. Lời giới thiệu qua điện thoại viễn liên, vừa phải ngắn gọn, vừa phải bí mật, nên rất sơ sài, chỉ đủ để cho sự tin tưởng lẫn nhau - Lai là "người mình đấy".

Sau này tôi mới biết Lai là một cây viết sắc sảo với những tiểu luận chẳng bao giờ được in, một cựu tù có thâm niên hơn một giáp trong các trại tập trung.

Một tiểu sử không lạ thời xã hội chủ nghĩa. Những cây viết không được in ở Việt Nam không ít. Đám cựu tù thì đông lắm, vô số kể. Cho nên Đặng Phúc Lai cũng chẳng phải người đặc biệt. Nhưng trong cái thời "Giấy rách mất lề/ Tượng Phật khóc, Đức Tin lưu lạc/ Thiện Ác nhập nhằng/ Công lý nổi lênh phênh…" (thơ Nguyễn Duy) được thêm một người còn bàn chuyện thời thế nước non, chuyện độc tài dân chủ, chuyện đấu tranh cho một xã hội xứng đáng với con người là quý. Không phải quý vừa, mà quý lắm.

Cho tới khi tôi được đọc bài viết của Đặng Phúc Lai về Phật học, về Thiền và Vô Niệm. Bài viết của anh mang lại cho tôi nhiều hiểu biết thú vị. Nó không chỉ bổ sung cho kiến thức của tôi vào đúng chỗ tôi thiếu, ở một mặt nào đó nó còn có tính chất khai tâm. Lai có cách viết hơi lạ, với những chữ viết hoa không theo một quy tắc nào, những dấu chấm lửng và những đoạn xuống dòng không giống ai, nhưng trong những bài viết của anh những khái niệm siêu hình mờ mịt trở nên sáng rõ trên nền hơi văn hào sảng, đây đó thỉnh thoảng pha chút hài hước.

Đến lượt Lai phát biểu trong buổi họp mặt nói trên. Cử tọa trong những cuộc họp bao giờ cũng gồm những người rất khác nhau. Phần đông là những người có chân trong các hội đoàn người Việt hải ngoại, họ đến để nghe các diễn giả nói về những vấn đề thời sự nóng hổi, để ủng hộ hoặc đả đảo một cái gì đó. Nhưng kìa, lạ chưa, diễn giả vừa từ trong nước ra kia dường như lại muốn nói về cái khác, không phải chuyện chính trị, là chuyện người ta cần nghe. Lai nói say sưa, không chú ý tới cử tọa ngỡ ngàng. Anh độc thoại. Ai nghe được anh thì nghe. Ai không thích nghe thì thôi. Anh nói bằng những hơi gió chạy qua những dây thanh đới bị hỏng, đã thế lại nhiều từ trừu tượng, ít nhất thì cũng cần phải sắp xếp lại những định nghĩa cho chúng. Nhưng cả hội trường im phăng phắc lắng nghe anh. Tôi không nghĩ rằng bài nói của anh được nhiều người có mặt hiểu hết. Nhưng điều quan trọng nhất mà anh muốn nói đã đến được với họ. Anh nói về một Trần Độ như một sản phẩm khá lạ lùng của một thời tao loạn, nơi con người sống hối hả, không kịp cho những suy nghĩ trầm tư. Trần Độ mà anh biết là một con người bình dị, như tôi như anh, như mọi người, với tất cả những ràng buộc thế tục phàm là con người đều có. Trong con người ấy, có lúc đã lên tới đỉnh cao quyền lực trong chế độ độc tài chỉ có một nét khác người - ấy là sự trung thành với tình yêu tự do, nhờ nó mà con người của cơ chế chính thống đã vượt qua được những giằng xé của ý thức bị nhồi nhét vào đầu nhiều năm, vượt qua được bản năng hám lợi, vượt qua được cả ý thức tự bảo tồn, để rồi sau hết, vượt qua được mọi cái tồi cái xấu của chính mình để trở thành người đấu tranh cho tự do. 

Qua màn sương của những từ triết lý, người ta hiểu điều Đặng Phúc Lai muốn nói: con người muốn xứng đáng là con người trước hết cần phải có cái Tâm trong sáng. Có cái Tâm ấy rồi, con người sẽ biết phân biệt Chính Tà, và sẽ biết ứng xử trong mọi trường hợp nó phải lựa chọn.

Tôi và Lai còn gặp nhau nhiều lần ở nhà anh Bùi Tín, và vài lần trong căn phòng hẹp của tôi ở Paris, nơi chúng tôi phải né tránh nhau như những người lịch sự bậc nhất để kiếm lấy một chỗ ngồi và từ đó phải ngồi yên, không được đi lại, cho tới khi ra về. Ngoài những cuộc gặp gỡ này, phải kể thêm một đêm tâm sự làm cho tôi hiểu Lai thêm. Càng hiểu anh tôi càng quý anh. Để rồi sau này tiếc hùi hụi chuyện trong cõi nhân sinh hữu hạn gặp được nhau quá ít trong khi có thể gặp nhau nhiều hơn.

Lai bị ung thư vòm họng. Anh sang Pháp được là nhờ chính quyền Hà Nội coi thường anh, và nhờ nước Pháp không hẹp hòi với anh. Chị ruột Lai, đã lo cho anh sang Paris chữa bệnh.

Nhưng Paris không có phép lạ. Các bác sĩ chuyên ngành nổi tiếng tiên đoán Lai không còn sống lâu. Mọi người biết chuyện đều giấu Lai sự thật. Biết là thế rồi, với tất cả sự kính trọng đối với y học Pháp và châu Âu, tôi vẫn cứ cứ ngỡ ngàng nhìn Lai. Trong thâm tâm, tôi không tin, tôi hoàn toàn không tin. Trên gương mặt rạng rỡ với đôi mắt tinh anh của Lai không có bóng dáng của thần chết. Lai và tôi là bạn đồng tuế. Năm nay anh và tôi cùng bước vào "đầu 7", theo cách nói mới ở trong nước. Chưa đến tuổi này ở làng tôi những năm xa xưa các cụ đã chuẩn bị cho mình một cỗ hậu sự. Tôi chưa nghĩ tới cái chết.

Lai cũng vậy. Những người khăng khăng không chịu "chuyển hộ khẩu" vào nghĩa địa tù trong những năm dài ở các trại cải tạo đều thế cả - họ không bao giờ nghĩ tới cái chết, hay nói cách khác, họ sẵn sàng gặp cái chết với tâm trạng bình thản. 

Trong những lần gặp gỡ hiếm hoi chúng tôi háo hức nói với nhau về đủ loại đề tài, từ tình hình đất nước cho tới những khái niệm về dân chủ với tư cách hệ thống quản trị xã hội, những hình thái độc tài mà dân tộc có thể sẽ gặp, không trừ thể chế nguỵ dân chủ.

Lai thích thú nói về Mẫn và Tuệ với tư cách hai thành tố của "Nhân" như một điều không cần chứng minh, nhưng lại là điều những chuyên gia thuần lý không có khả năng hiểu. Những nhà chính trị cầm quyền lại càng không. Anh làm rõ thêm ý nghĩa tưởng chừng không cần làm rõ thêm nữa của Nhân trị và Pháp trị. Anh bốc lên khi nói về chữ "Tâm" sẽ cứu rỗi nhân loại, về cõi tâm linh bị bỏ quên, chính nó đã gây ra nhiều thảm hoạ cho loài người. Anh có thể nói hàng giờ về đề tài đó, cho tới khi từ cuống họng anh chỉ còn phát ra hơi gió thay cho tiếng nói. Tôi can anh đừng nói nữa thì anh gạt phắt, còn nói hăng hơn nữa, để chứng tỏ anh vẫn còn nói được.

Lai không kể vì sao anh bị tù. Tôi cũng không hỏi. Ở miền Bắc Việt Nam trong những thập niên cực thịnh của chính quyền xã hội chủ nghĩa chẳng ai buồn hỏi ai câu đó, trừ những kẻ ngớ ngẩn. Người ta đi tù bởi đủ mọi lý do có thật và không có thật mà nhân loại bình thường không bao giờ hiểu được. Đó là thời gian mà những lãnh tụ tự xưng anh minh thành tâm (hay không thành tâm nhỉ?) tin vào nền giáo dục tốt đẹp không gì sánh bằng của những trại giam. Đi qua những trại giam ấy những công dân hư hỏng, cũng lại theo cách đánh giá của họ, sẽ trở thành những công dân tốt. Những công dân tốt này, tôi và Lai đều được được chứng kiến, nếu không nằm lại ở các nghĩa địa tù thì cũng trở về như những kẻ tồi tệ hơn khi bước vào đó, trừ một số ít trở thành bại liệt hoặc mất trí. 

Các lãnh tụ béo tốt và phơi phới niềm tin đã thua Đặng Phúc Lai. Trại giam xã hội chủ nghĩa không bẻ gãy được anh, cũng không hoán cải được anh. Cái duy nhất mà nó làm được là để lại trong anh lối văng tục trong cả những câu chuyện hết sức tử tế của anh với những người mà anh gặp. Cái đó làm nhiều người ngỡ ngàng. Tôi trách anh, anh bảo: "Mình ở cái xã hội xuống cấp thì mình phải xuống cấp theo với nó một chút, không thì cái xã hội đểu cáng ấy sẻ tống mình ra ngoài". Cái gì vậy? Trở về với Khổng Tử: "Thiên hạ đục ta trong làm sao được" chăng? Cái ngôn ngữ vỉa hè lên ngôi tự bao giờ để lây nhiễm vào cả những người như anh? Tôi sai chăng khi khe khắt với nó? Điều tôi thấy được, buồn rầu mà thấy được, khi quan sát một cuộc đàm thoại của Lai với trí thức trẻ từ trong nước ra, là, lạ thay, dùng cái ngôn ngữ quá quắt ấy anh truyền đạt được những tư tưởng của anh cho họ nhiều lần tốt hơn là với cái ngôn ngữ lịch sự nhưng cổ hủ của tôi.

Ai đó sẽ hỏi tôi: " Phải chăng anh này là một tác gia lớn không ai biết, để anh phải viết về anh ta những dòng như thế?" 

Đặng Phúc Lai không phải là một tác gia lớn. Nhưng anh hoàn toàn có thể là như thế. Mà cũng có thể không. Cần phải đọc Lai để biết về anh. Mà anh thì chẳng có gì nhiều cho ta đọc. Không một cuốn sách được in, dù mỏng. Những độc giả bình thường chẳng biết gì về anh. Cho tới khi họ may mắn (hoặc không may mắn) được gặp anh. Cho tới khi được đọc một vài đoản văn của anh luận bàn về những lĩnh vực bị coi thường, bị bỏ quên, như con đường từ Giác, tới Tri, tới Thức, rồi tới Trí (bài "Cùng người bạn Ngẫu nhiên…, vài ba ý Ngẫu nhiên(?)…, sau một lần Ngẫu nhiên"). Trong "Nhân Trần Độ", một bài khác, anh viết về ý nghĩa nhân sinh hơn là về một con người cụ thể. Lai còn viết những đoản văn về Kinh Thủ Lăng Nghiêm, về sự tương đồng giữa bất khả tri luận như một dạng của cái "Tri" mà ta hiểu, hoặc bàn về tính Lưỡng cực và Bất nhất của Osho… Nếu nói tới cái đã được in ra thì chỉ vẻn vẹn có hai bài trên tờ Thế kỷ 21 và Việt Tide ở California. 

Các bạn trong nước gần anh hơn cho tôi biết Lai viết nhiều hơn là chúng ta biết, những bài viết của anh chẳng được mấy người biết đến, trừ những người mà anh trao tận tay, bằng những bản photocopy. Hi vọng rồi sẽ có ai đó sưu tầm những bài viết rải rác đó lại, để chúng ta có dịp suy ngẫm cùng anh, một con người "trải mùi đời gót rỗ kỳ khu", một khối óc chẳng bao giờ ngưng suy nghĩ về ý nghĩa của tồn tại. Những ai đã đọc anh, đọc những lời bộc bạch của anh, đều yêu quý anh. Một tác gia nọ, bị Lai phê phán khá nặng nề trong một bài viết đã giấu biến bài đó đi khi được anh gửi cho đọc trước, không cho ai được ngó tới nó. Lai giận và khinh anh chàng này lắm. Buồn cười là chính anh chàng lại khoe mình là bạn thân nhất của Lai khi Lai qua đời.

Nghĩa là Lai được cả những người không ưa anh, thậm chí ghét anh, lấy làm hãnh diện được xưng là bạn anh.

Tôi không rõ vào những lúc ấy Lai có biết anh không còn sống lâu nữa hay không? Thời gian sống của anh, theo những người biết lời tiên đoán của các bác sĩ, không phải tính bằng năm mà tính bằng tháng, mà rất có thể bằng ngày. Thông minh như anh thì không thể không biết, dù mọi người cố tình giấu anh. Có điều Lai lúc nào cũng lạc quan. Ở anh, lạc quan không mang hình cặp kính màu hồng, mà chứa đựng một niềm tin vững chắc ở con người, ở cuộc đời, chứ không phải vì một cái gì đó của riêng anh. Anh phê phán không nể nang những quan điểm mà anh cho là sai, thậm chí cả với bạn bè, nhưng bao giờ cũng vậy, qua những lời đôi khi lỗ mãng của anh ai cũng thấy trong anh tình yêu bạn nồng hậu. Anh tham gia vào những việc xây dựng cái mà anh cho là tốt không rụt rè, với tất cả niềm tin rằng cái tốt nhất định thắng. Trở về Paris sau chuyến đi Hoa Kỳ, tôi được xem biên bản một cuộc họp bàn về một tờ báo sẽ ra đời, đọc những ý kiến của anh trong cuộc họp đó tôi không thể nào tin rằng một người biết mình sắp rời bỏ thế gian này lại có thể hăng say đến thế trong công việc cho ngày mai.

Đã có lần tôi viết rằng tôi đã chán ngấy cái vai MC nhà đòn. Tôi không muốn viết về cái chết của một người bạn nào nữa. Ở tuổi tôi bạn bè cứ thưa dần.

Tôi buồn mỗi lần phải xóa đi trong sổ tay một địa chỉ chắc chắn chẳng còn bao giờ dùng đến. Tôi có những người bạn đã từng nổi tiếng. Và cả những người chưa từng nổi tiếng. Với những người chưa từng nổi tiếng, sự quên lãng của người đời để lại trong tôi cảm giác bất nhẫn. Không nói gì về họ, chúng ta rơi vào vị thế của kẻ vô ơn. Những người như thế không nhiều lắm, nhưng có, và có không ít đâu, ở quê hương tội nghiệp của chúng ta. Những người như thế đều chung một số phận hẩm hiu, và rồi đây lịch sử đất nước có trách nhiệm phải nhắc tới họ trong khi viết về một giai đoạn đáng xấu hổ.


Đặng Phúc Lai là một mảnh sao băng xẹt ngang bầu trời đen tối. Người xưa tin rằng nếu ai đó kịp nói lên một điều ước trước khi mảnh sao băng tắt ngấm, điều ước ấy sẽ trở thành hiện thực. Không biết Lai có nói lên điều ước nào trong một đêm nhìn lên bầu trời sao trước khi chính anh trở thành một mảnh sao băng không? Nếu anh nói kịp, chắc anh sẽ nói điều anh nói với tôi: "Tôi ước mong chế độ độc tài cộng sản này sớm kết thúc, để cho con cháu chúng ta được sống như mọi người. Không cần vẻ vang gì hết, mẹ kiếp, tổ sư bố nó, chỉ được sống như mọi người là tốt lắm rồi".


Paris, tháng 2.2003


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 20223:46 CH(Xem: 1398)
Lần đầu tiên tôi đọc “Bài thơ của một người yêu nước mình” là khoảng cuối năm 1968, trên tờ Tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
07 Tháng Sáu 20225:37 CH(Xem: 1821)
Từ giã nhạc sĩ Cung Tiến, là một lần nghiêng mình trước một con nguời tài hoa, trầm lặng;
19 Tháng Năm 20224:06 CH(Xem: 1752)
Quá nửa khuya, rạng sáng ngày 7/5/2020, cái tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từ trần lan truyền nhanh trên mạng. Ai nấy đều bàng hoàng: bầu trời âm nhạc VN đã vừa vụt tắt một ngôi sao – Sao Biển!
13 Tháng Năm 20229:12 SA(Xem: 2657)
Tuân Nguyễn tên thật là Nguyễn Tuân sinh tháng 9 năm 1933 ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế
23 Tháng Tư 20223:42 CH(Xem: 3014)
Chúng ta nói về ông lúc này là để nói với chính chúng ta, về sự dấn thân, về lương tâm và lòng quả cảm của một người cầm bút.
26 Tháng Ba 20223:52 CH(Xem: 1867)
Giờ đây, anh đã vĩnh viễn ra đi theo một cách khác, đồng thời cũng là một cách ở lại như một nhà văn tự do, anh đã viết cho mình một kết thúc đẹp.
26 Tháng Hai 202212:50 CH(Xem: 1916)
“Ga Cuối Đường Tàu” của Chú Huy Phương, chưa hẳn đã là ga cuối. Cái ga cuối vẫn mãi là nỗi khắc khoải bến Quê Nhà!
05 Tháng Giêng 20223:53 CH(Xem: 3213)
Nghiêu Đề, Ngọc Dũng, và rồi Đinh Cường. Những con Cá Vàng như lời ví von của một năm nào, rất cũ. Lần lượt đã theo dòng nước trôi, rồi biến mất tăm, và sẽ quên lãng hết, ngay cả trong lòng người.
25 Tháng Mười Hai 20212:42 CH(Xem: 2048)
Tôi hiểu, trong người phụ nữ nhỏ nhắn mà bạn tôi cảm phục mang chiều sâu của cả một nền văn hóa.
23 Tháng Mười Hai 20211:38 CH(Xem: 5929)
Tôi nhớ lại, từ khi tôi là 1 con bé cho đến ngày trưởng thành, mọi biến cố trong đời sống đều có Bác. Vậy mà hôm nay, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra, lại không còn Bác nữa.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8634)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20707)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17923)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31733)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,