KIỆT TẤN - Đưa Vợ Con Về Xứ

26 Tháng Bảy 20213:38 CH(Xem: 3493)
KIỆT TẤN - Đưa Vợ Con Về Xứ
"Một bài thơ cũ" do Lê Hoàng Tuấn Kiệt phụ trách


Hôm nay anh đưa em và con về xứ
thôi em đừng hỏi
đất nước ta thanh bình thiệt sao anh?
vì năm bốn lăm nước ta tuyên bố tự do độc lập
năm năm bốn miền Bắc nhảy hòa bình
năm bảy lăm khắp nước truyền vang thanh bình thống nhất
chúng ta bỏ xứ đi lang thang đã hai chục năm nay
anh làm sao biết được
đất nước ta đã thanh bình thiệt sự?

Em hỏi anh
có phải đất nước ta đã thanh bình thiệt sự?
em hãy nhìn gân đỏ còn nổi trong tròng mắt người tù cải tạo
người lính trẻ khi xưa giờ tóc đã hoa râm
trên cánh tay còn xâm cọp đầu rằn
người đàn bà khô héo còn thương khóc chồng con
mười lăm năm trước chết khát ngoài biển vắng
giờ quay lại khúc biển đây còn nhỏ lệ ròng ròng
cả nhà cô cậu anh và năm con
cũng đã một lần vượt khơi rồi biệt tích
em đừng hỏi
đất nước ta đã thanh bình thiệt sự?

Thôi em đừng hỏi
bà con ta những ai còn ai mất
hai chục năm qua biết bao nhiêu chuyện đổi đời
cuộc bể dâu nào có chừa ai
thư nhận được họa hoằn mỗi năm một cái
em đừng hỏi
nhà má có còn ở đường Trần Công Lại?
con đường đó đã đổi tên tây tên ta tên cách mạng ba hồi bảy hiệp
chỉ còn nhớ trước nhà có gốc me cháy và cái sạp nước
ba và anh Hai chiều chiều ra đó ngồi nhậu rượu đế lai rai
nhắc chuyện đời xưa
thuở cao tằng cố tổ anh làm quan dưới thời còn vua Lê chúa Nguyễn

Thôi con đừng hỏi
“dis-moi papa, est-ce que…?”
con hãy rán nói tiếng cha sanh mẹ đẻ
rủi ba có bí bà con còn hiểu được giải đáp dùm
con đừng hỏi con Bác Năm có về thăm xứ sở
tụi nó bây giờ là Mary là Bob là Elisa
đứa lấy chồng Mỹ
đứa cưới vợ Gia Nã Đại
đứa theo đạo dòng
đứa cạo đầu chừa chóp nhuộm xanh nhuộm đỏ
biết tụi nó còn muốn về xứ làm gì?

Con cũng đừng hỏi
ba dân Tây hay dân Mít
ba sanh đẻ ở Bạc Liêu
có quốc tịch Tây hồi nào không biết
giờ qua Tây hồi tịch lấy thẻ thông hành có chạy cờ tam sắc
đi làm ăn lui tới cũng tiện bề
ông nội nói dòng dõi ta vốn Trung kỳ cộc cạch
đi vào Nam bằng ghe bầu chuột khoét
bà nội nói gốc rễ ta là gốc rặc Nam kỳ
trong bụng ba cũng bán tín hồ nghi
có lẽ ba là dân Giao Chỉ có lai Chàm chút ít

Em đừng hỏi
anh có còn nhớ nơi chôn nhau cắt rún?
anh còn nhớ rõ bún nước lèo cá bống kèo cá chốt
cầu Quay cầu Sắt xóm Mới xóm Làng
Trà Kha Trà Khứa đóng đáy đóng đăng
biển nhãn mênh mông đêm rằm thơm phưng phức
bây giờ nước đốn rạp cây trồng khoai mì xuất khẩu
anh về quê cũ
thiếu mùi nhãn đêm khuya chắc trong dạ cũng ngậm ngùi

Con hỏi ba
biển chỗ này tên gì mà gió rít rợn người?
ba chỉ biết chỗ này cậu Bảy con bị bắn nát ngực
mợ Bảy bị hiếp dâm cả chục lần
xong hải tặc đập đầu
xô xuống biển
đứa con hai tuổi mất mẹ khóc ré
cũng bị ném vào sóng dữ
chìm luôn

Em hỏi anh
về Vĩnh Long muốn thấy gì ở đó
anh muốn thấy lại Cây Đa Cửa Hữu
nhưng có lẽ cái Miểu Bà đã bị đập tiêu
nhường chỗ thờ anh hùng cách mạng
anh muốn đêm trăng thanh gió mát
đi đò qua chơi cù lao An Thành
nhưng không biết tràm mắm dừa có còn um tùm chi chít
hay đã bị chặt đốn tan tành
nhường chỗ nhà nước dựng trại tập trung cải tạo

Con hỏi ba
có phải con sanh đẻ Bình Hòa?
ờ khi xưa địa danh đó Bình Hòa
bây giờ có thể khoác cái tên gì lạ hoắc
cũng như Sài Gòn mang tên thằng đồ tể
hay Miền Nam bị cưỡng bức đùng đùng
mà đường xá xưng danh là Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Em hỏi anh
nơi nào anh muốn đi thăm viếng?
anh thú thiệt muốn đi thăm ruộng dưa gang
chỗ lùm cây đêm trăng cũ anh làm tình với Tuyết
xin em chớ hờn ghen giận dỗi
vì dù sao Tuyết cũng đã chết từ lâu
hồi chưa có chiến tranh Việt Mỹ
chưa có giải phóng
anh xót thương nàng hẩm hiu một kiếp
nhưng nghĩ lại
nàng còn mát thân hơn bà con ta rất nhiều

Con hỏi ba
biển chỗ này tên gì mà sao nước xoáy dữ tợn?
ba chỉ biết
chỗ này bạn ba vượt biển chìm tàu
anh ta lặn xuống moi tìm
Khi vớt được vợ con dẫy tê tê trên tay bồng máu còn trào ra miệng
chỉ một đêm sáng ngày
tóc anh đang đen bỗng trở thành bạc trắng

Em đừng hỏi
không biết chị Năm bây giờ còn ở chỗ cũ?
anh nghe nói
anh Năm đã chết trong trại Sơn La
chị Năm lấy thằng cán bộ răng đen mã tấu
hơn chục năm đẻ con bầy con lũ
gặp chị giờ và các cháu đây
mới biết xưng hô cách nào cho phải lẽ

Em đừng hỏi
về xứ có muốn gặp lại bạn cũ
ờ thì anh cũng muốn gặp lại bạn cùng quân ngũ
sau ngày giải phóng nghe đồn Hai Võ cải danh trốn về làm ruộng Cầu Kè
làm ruộn không khá
hắn đổi nghề hốt thuốc sửa gân
hốt thuốc không khá
hắn đổi nghề cu li vác đá
hắn vác đá sáng vác đá chiều quá sức
điếc hết hai lỗ tai
giờ gặp lại đây
mới biết cách nào đối thoại cùng bằng hữu?
anh cũng muốn thắp nhang ở bia mộ thằng Gia
khi nó tử trận chôn ở nghĩa trang Quân Đội
giờ cốt xương xe ủi đất cào xúc đổ đi
anh mới biết cắm nén nhang cho nó chỗ nào?

Em hỏi anh
có muốn gặp lại thằng Khôn
ờ bạn học chia tay bốn chục năm có lẻ
hồi Giơ Neo nó đi tập kết
anh những tưởng nó nát thây khi xâm nhập Đường Mòn
dè đâu sau ngày giải phóng
ông phó tiến sĩ trở về cưỡng đoạt nhà bạn cũ
anh cũng muốn gặp lại xáng nó bạt tai
nhưng không biết giờ chòm xóm có còn để cho hắn ta sống sót

Em hỏi anh
về xứ mình tính sinh sống kế gì?
hồi nhỏ xíu anh tính theo ông nội học nghề chăn trâu làm ruộng
lớn lên anh tính theo ba làm thợ mộc thợ bào
khi vào trường anh học ngành kỹ thuật
qua xứ người thất nghiệp mấy phen
làm đủ thứ nghề bá láp
giờ về xứ mình tính mở tiệm hàng xén bán gạo muối nước tương
mở thêm quày cho trẻ em mướn sách
nhưng không biết xứ mình có còn chăng trẻ em con nít
và trong nước có còn được bao nhiêu cuốn sách đọc đỡ buồn

Em hỏi anh
về xứ có tính thăm chú Ba Biểu?
ờ chú Ba có vựa mắm nổi tiếng chợ Long Xuyên
Tết nào chú cũng gởi biếu bà con mắm thái ngon đặc biệt
từ ngày đất nước độc lập
vựa mắm nhà nước quản lý
chú Ba đã chết từ lâu
bây giờ em ăn mắm vựa cũ coi chừng bị trúng phong nổi ngứa

Em hỏi anh
về Vĩnh Long có muốn thăm gì nữa
ờ anh cũng muốn thăm bệnh viện châu thành
trước sân có mấy gốc còng già dừa lửa
hồi nhỏ anh thường ra đó hứng mát chiều hè
bây giờ không biết nhà nước có đốn bỏ cây xưa cất thêm xưởng đẻ
hay cho đặt thêm máy móc tân kỳ
trang bị búa kềm cưa đục
khuếch trương nhà máy phá thai
cho nước ta theo kịp đà văn minh xã hội

Con hỏi ba
biển chỗ này tên gì mà mây giăng mù mịt?
ba chỉ biết nôi này hai chục năm trước
chị con bị kiết lỵ
sưng cổ họng
không thuốc men
đêm tắt thở trong cơn sốt dữ
xác quăng xa chìm xuống biển sâu
bây giờ không có đất mồ
không có bia mộ
làm sao ba biết chị con chìm ở chỗ nào

Em hỏi anh
về tới xóm mình muốn thưởng thức món gì đặc biệt?
anh chỉ muốn ra ngồi quán cóc con Sáu Nhỏ
kêu nó đem ra con khô mực nướng
và xị rượu đế cay xè
anh nhậu vô thấy trời đất quay cuồng
hồi tưởng lại nnhững mối tình hai ba chục năm về nước
những Hồng những Hoa những Liên những Trang những Cúc
những người con gái
đã cho anh mượn đôi môi
để uống mật ngọt
cho anh mượn đôi vú
để níu bắt thiên đường
cho anh mượn thân thể
để anh cư ngụ
nhớ tới các em anh sa nước mắt hai hàng
không phải vì tiếc thương nắm nuối
mà bởi không rõ các em giờ xiêu lạc hà phương
kẻ may mắn còn nguyên vẹn hình hài
người kém may chắc đã cụt tay mù mắt

Em hỏi anh
còn nhớ gì nữa?
anh còn nhớ những người gái đĩ
có lẽ bây giờ các em đã trở thành công dân lương thiện
bà mẹ bộ đội anh hùng
hay công nhân kiểu mẫu
khi sống thì lao động vinh quang
khi chết được lên thiên đường của Bác
nhà nước tặng cho cái huy chương có vẽ đầu Lê Nin bằng thiếc
nhân dân vỗ tay nhiệt liệt
đáng ghi ơn vô sổ mạ vàng
tên các em trong sổ bụi đời
kể từ đây rũ sạch

Con hỏi ba
biển chỗ này tên gì mà sóng to quá thể?
ba chỉ biết
ghe dì Nguyệt tới nơi này lương cạn
người tình chết bạn đồng hành xé thịt
dì Nguyệt giấu trái tim dưới lớp áo hai ngày
tim sình thúi bị giựt quăng xuống biển
dì Nguyệt nổi điên
nhảy theo vớt
chết chìm

Thôi em đừng hỏi
khi về xứ làm sao thăm mộ má?
hồi má chết ba chôn cất Gò Vấp
nhà nước quật mồ
ba đem má về vùi thây Thủ Đức
nhà nước phóng đường
ba lại đào xác má dời đi
bây giờ ba đã chết rồi
anh còn biết lấy ai mà dò la tung tích?

Thôi em đừng hỏi nữa
và đừng bẻ ngón tay lắc cắc
ngồi đứng bồn chồn
bề gì mình cũng đã xa nhà hai chục năm nay
giờ về sớm hoặc trễ một ngày thì có gì đâu khác
đất nước ta vẫn sờ sờ ra đó
chuyện tang thương còn nguyên vẹn mất đâu
ta vẫn là con rồng cháu tiên ràng ràng trong sử ký
năm chục cái trứng bay bổng non cao
năm mươi trứng kia chìm sâu biển mặn
còn trứng nào theo vận nước lêu bêu?

Con hỏi ba
cù lao gì trước mặt
ba đoán chừng đó là đảo Phú Quốc
khi xưa ông Bác con kháng chiến Tây nhốt rục xương
tới phiên bác con tắm nước vòi chuồng Cọp
rồi chú con biệt giam hầm đá
tội cả gan chống nhà nước nhân dân
bây giờ trên đảo xông tử khí ngút trời
chắc xương tàn cốt rụi bà con ta còn u hồn không ít

Thôi em đừng hỏi
anh làm bài thơ này tặng ai?
anh biết mình có tật làm thơ vừa dở vừa dài
những người anh muốn đề tặng đã chết rũ từ lâu
thì thôi anh dành bài thơ này tặng cho xứ sở
người ta làm thơ khi lòng mình quá đỗi hân hoan hay khổ đau quá mức
anh viết mấy dòng trên vừa khóc vừa cười
bởi khổ đau
nên anh biết mình còn chút tâm hồn sót lại
em hãy coi như đó là điều đáng kể

Vì em ơi!
sau cái thời buổi khốn kiếp này
khi về với quê hương
anh sợ chúng ta sẽ không còn được nụ cười nào
và cũng chẳng còn được giọt nước mắt nào
để khóc.

Kiệt Tấn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Năm 20221:48 CH(Xem: 2732)
Tạ Ký sinh năm 1928, người làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam,
25 Tháng Tư 202211:49 SA(Xem: 2367)
Trần Phong Giao sinh năm 1932, tại Nam Định. Năm 1954, ông di cư vào Nam.
17 Tháng Tư 20224:50 CH(Xem: 3656)
Ơi rừng xanh kia còn đó hay không?/ Hay cũng biến thành sông, thành suối
31 Tháng Ba 20222:45 CH(Xem: 6454)
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
11 Tháng Ba 20228:23 SA(Xem: 2802)
Thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn/ Tên khai sinh: Nguyễn Văn Hải (1944-2015)/ Nơi sinh: Phan Thiết - Bình Thuận
02 Tháng Ba 202210:12 SA(Xem: 2615)
Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc/ Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
21 Tháng Hai 20225:42 SA(Xem: 2352)
Thành Tôn tên thật là Lê Thành Tôn sinh ngày 09 tháng 9 năm 1943 tại xã Lộc Phước, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
18 Tháng Hai 20228:38 SA(Xem: 2206)
Cao Thoại Châu tên thật là Cao Đình Vưu, sinh năm 1939 tại Giao Thuỷ, Nam Định, di cư vào Nam năm 1954
15 Tháng Hai 202212:11 CH(Xem: 2517)
Thích Tuệ Sỹ, tục danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé - Lào, chánh quán tại Quảng Bình - Việt Nam.
07 Tháng Hai 20229:49 SA(Xem: 2631)
Những nhịp cầu như những lưng còng/ Gánh sức nặng suốt buổi chiều ảm đạm
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11062)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,