Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định. Chánh quán ông là làng Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên.
Thuở nhỏ, ông theo học Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì lại bỏ đi làm làm Phó kiểm soát sở hỏa xa Đông Dương.
Năm 1941, ông bỏ sở hỏa xa đi học toán tại Hà Nội, rồi bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng viết thơ, viết kịch.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất (tháng 10 năm 1976).
Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Thơ Say (1940), Mây (1943), Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Lửa Từ Bi (1963), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (1970), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1973)...; kịch thơ Trương Chi (1944). (Nguồn: Vườn Thơ)
Thơ ông hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông Phương dù ông lớn lên giữa cao trào Thơ Mới. Theo Tạ Tỵ, thơ Vũ là "tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc".
Bài hát cuồng
Xuân có sang mà hoa không tươi
Ý ngát hoài chăng hề tuổi chớm ba mươi
Nằm say ngõ lạnh
Buồn nghe mưa rơi
Chiều xuống chênh song hề gió lên đầy trời
Ta đợi bóng hoa nào hiện
Ta lắng tin hương nào đến
Duyên kiếp gì đâu hề Ta có chờ Ai
Hương một sớm đã tan hề Hoa đã phai
Đời họ bỏ ta hề riêng gì kẻ ấy
Tình trót lầm trao hề Ta hỡi Ta ơi
Đốt lửa mà lên hề về đâu chẳng vậy
Chới với hư vô hề ném xa hồn Người
A ha -- đập cho nát vụn
Tuôn châu òa bật lên cười
Ta có là Ta chăng hề Ai chứ là Ngươi
Chậu sành tiếng đập ngàn năm cũ
Họa điệu chiều nay xác rã rời
Họa điệu chiều nay lòng rạn vỡ
Bi thương xưa hề đột nhập hồn tan tác rơi
Ta đã say hề men chuếnh choáng
Ta đã mê hề khói chơi vơi
Gửi ý kiến của bạn