LÂM CHƯƠNG - Con Sâu Đỏ

23 Tháng Mười Hai 202111:23 SA(Xem: 3607)
LÂM CHƯƠNG - Con Sâu Đỏ
(Một bài viết cũ. Một chuyện thiếu nhi dành cho người lớn, đọc mua vui trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành theo chiến thuật du kích rình mò đánh lén).

Gốc gác gia đình cậu Hai Say là nhà nông, nhưng cậu ít khi ngó ngàng đến ruộng nương. Mùa màng cấy gặt, cậu giao hết cho vợ trông nom. Còn cậu, cứ tà tà đi tán dóc, coi đời như chốn rong chơi. Đầu thôn cuối xóm, ai cậu cũng quen. Ra đường, gặp nhau chào hỏi mệt nghỉ. Chào mãi đâm nhàm, chỉ cần nhìn mặt nhếch mép mỉm cười là đủ.

Có một thời cậu theo cách mạng vô bưng biền. Công cuộc trường kỳ kháng chiến cần nhiều hy sinh gian khổ, không hợp với tính ưa hưởng nhàn của cậu. Cậu bỏ về, mang theo căn bệnh sốt rừng. Da cậu tái nhợt như tàu lá chuối non. Thầy thuốc Nam bảo, cậu ăn uống nhiều vật thực mang tính âm hàn nên sinh ra dị chứng, phải xổ độc để tống khứ nhiễm khí rừng thiêng. Cậu uống bao nhiêu thang thuốc Nam, vẫn không xổ hết chất độc. Mợ Hai, vợ cậu phải bán một bồ lúa, đưa cậu ra tỉnh thành trị bệnh. Bác sĩ nói, cậu bị sốt rét kinh niên. Nếu để lâu, con vi trùng xâm nhập vào gan thì bỏ mạng. Sau một thời gian dùng thuốc Tây, cậu khỏi bệnh. Và từ đó, cậu lấy chữ nhàn làm gốc.

Cái tên của cậu làm tôi thắc mắc. Cậu là Hai Say hay Hay Say? Cách phát âm của người miền Nam, không phân biệt giữa Hai với Hay. Và Say có phải là tên thật của cậu, hay người ta thấy cậu thường có hơi rượu, rồi gán cho cậu cái biệt danh Say? Tôi không dám hỏi về điều này. Mà có hỏi, cũng chưa chắc cậu trả lời thật. Bởi xưa nay, cậu vẫn hay thêu rồng vẽ rắn. Chuyện thật như đùa, chuyện đùa như thật. Biết đâu mà lường.

Trước cửa nhà tôi có con đường đất. Cậu Hai Say thường đi trên đường này, mỗi ngày. Cậu ghé vào nhà này, nói năm ba chuyện trên trời dưới đất. Tạt vào nhà kia, tiên đoán thời tiết nắng mưa. Không bao giờ nghe cậu đặt vấn đề làm ăn sinh kế. Cậu nói, cậu là ông tiên ở trên trời bị đọa xuống trần gian, và ngâm nga:

Có chồng say như trong chay ngoài bội
Ngó vô nhà như hội Tầm Dương
Có chồng ghiền như ông tiên nho nhỏ
Ngó vô nhà đèn đỏ đèn xanh.

Đã là tiên thì đâu cần phải làm gì. Cậu rong chơi, chờ ngày mãn kiếp về trời.

Nhà tôi là nơi cậu thường vào nghỉ chân sau một chuyến đi rảo quanh làng, hoặc lừng khừng sau khi lai rai vài ba sợi đế. Cậu đến nhà tôi, người lớn không cần phải bận tâm đón tiếp. Quen thân quá, hóa lờn. Không ai vô công rồi nghề để ngồi nghe cậu nói chuyện Nam Tào Bắc Đẩu. Cậu cũng không cần làm khách, cứ nằm tự nhiên trên cái võng giữa nhà, đưa qua đưa lại, miệng phì phà điếu thuốc.

Anh chị em tôi rất thích cậu Hai Say. Cậu có cả một kho tàng chuyện lạ, kể hoài không hết. Muốn nghe cậu kể chuyện, chúng tôi phải thay phiên đưa võng cho cậu lấy hứng. Đưa võng cũng phải có nghệ thuật. Cậu nói, đưa mạnh quá làm nôn ruột, đưa nhẹ quá dễ buồn ngủ. Thế thì phải đưa thử, đến lúc nào cậu bảo được là giữ nhịp võng ấy mà đưa hoài. Mỗi khi cậu chấm dứt một câu chuyện kể, phải biết ý cậu, đưa mạnh hơn để tán dương và phụ họa cho tiếng cười phơi phới lên cao. Không phải lúc nào cậu cũng chịu đưa võng. Những khi trời nóng nực, phải quạt cho cậu mát. Quạt mạnh quá, cậu nói ngộp thở. Nhẹ quá, cậu bảo không mát. Phải quạt vừa vừa, đều đặn. Cậu nằm phanh áo, bày ngực và bụng. Quạt từ trên mặt, quạt dài xuống bụng. Cái quạt làm bằng mo cau, tôi còn nhỏ phải cầm hai tay quạt mới xuể.

Những chuyện kể của cậu Hai Say, mấy mươi năm qua rồi, tôi không nhớ hết. Sau đây là một trong vài chuyện, tôi còn nhớ được:

Thời cậu còn theo kháng chiến làm cách mạng. Cậu đã đi rất nhiều nơi, từ chốn bưng biền cho đến miền rừng sâu núi thẳm. Một hôm cậu ngang qua một vùng núi non hiểm trở, bỗng nghe tiếng động ầm ầm dữ dội như tiếng của Thần Rừng Thần Núi giao tranh. Cậu hoảng hồn, mau chân chạy tránh xa nơi hung hiểm. Năm sau, cậu có dịp hộ tống Bác Hồ ngang qua vùng ấy nữa. Cậu thấy xác hai con vật khổng lồ, con rít chúa và con mảng xà vương nằm chết. Xác đã rữa mục rồi. Bấy giờ, cậu mới hiểu ra rằng tiếng động ầm ầm mà cậu nghe năm ngoái là do hai con vật đánh nhau. Cái đuôi của chúng vùng vẫy làm gãy đổ cây cối cả một vùng rừng rộng lớn.

Mảng xà vương chết, còn lại bộ da trải dài như con đường lát gạch. Bác Hồ là người thông minh, có nhiều sáng kiến lạ. Bác bảo, mỗi người cắt vài miếng da mảng xà để làm dép râu. Và Bác đã mang đôi dép này đi suốt “Đường Kách Mệnh.” Đôi dép râu bằng da mảng xà, bền chắc vô cùng. Khi Bác lên làm chủ tịch nước, người ta đưa đôi dép râu này vào trưng bày trong viện bảo tàng. Các nhà khoa học lừng danh của Liên Xô có đến chiêm ngưỡng. Họ dùng phương pháp khoa học tối tân để phân chất, nhưng vẫn không khám phá ra dép của Bác làm bằng nguyên liệu gì. Đó một bí mật mà nhà nước ta giấu kín, không công bố cho bất cứ nước nào biết, dù là nước anh em xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Tất cả những gì liên quan đến Bác, đều được truyền miệng một cách hư hư thực thực như huyền thoại. Để từ đó, người ta nhìn thấy Bác là một vĩ nhân.

Con rít chúa chết, còn lại cái vỏ. Vỏ rít có nhiều đốt, nối lại như một đường ống dài. Lúc ấy, trời bỗng đổ mưa to. Bác Hồ bảo mọi người chui vào cái vỏ rít mà trú mưa. Mưa to thế mà không ai bị ướt.

Bác Hồ nói: “Lấy cái vỏ rít này dùng làm địa đạo hoặc nóc hầm trú ẩn, có thể chống được bom đạn.”

Đấy lại là một sáng kiến độc đáo nữa. Có người rút nhật ký ra ghi chép lời Bác.

Anh tôi hỏi: “Ghi chép làm gì?”

Cậu nói: “Để sau này Bác dùng làm tài liệu, viết ký sự “Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện,” dưới cái tên giả T. Lan hay Trần Dân Tiên gì đó.”

Cậu tiếc rằng, ở giữa vùng rừng núi xa xôi, không thể khiêng vài cái đốt của vỏ rít chúa về xóm làng.

Anh tôi lại hỏi: “Khiêng về làm gì?”

Cậu nói: “Để bán cho người ta làm mui xe bò. Mỗi đốt làm được một cái mui xe, rất chắc. Xài cả đời cũng không hư.”

Chị tôi hỏi: “Cậu từng phục vụ cho Bác Hồ. Cậu thấy Bác ra sao?”

Cậu tấm tắc khen: “Ồ, đẹp lắm. Trông Bác có cái dáng vẻ tiên phong đạo cốt, dưới càm phơ phất một chòm râu.”

Tôi phấn khởi, hát bài hát được cách mạng dạy cho trẻ em miền quê lúc ấy: “Mong Bác Hồ cho chúng cháu xin, đôi sợi râu làm dây thân ái.” Và hỏi,

“Sao cậu không xin Bác một sợi râu?”

“Dễ gì? Bác chỉ có một chòm râu mà trẻ em cả nước đứa nào cũng muốn xin một sợi. Lấy đâu cho đủ?” Ngừng một lúc, cậu lại nói. “Dù thế, nhưng cậu cũng tìm cách để có được một sợi râu của Bác.”

“Khi Bác ngủ, cậu lén nhổ râu bác hả?”

“Không. Nhổ râu Bác cũng giống như vuốt cái vảy ngược dưới cổ con rồng.”

“Vuốt cái vảy ngược của rồng thì sao?”

“Thì chết chứ sao? Tương truyền, rồng là một linh vật chúa tể của muôn loài. Vảy rồng mọc xuôi về phía sau, nhưng dưới cổ có một cái vảy mọc ngược về phía trước. Ai chạm phải cái vảy ngược, nó giết liền. Người có chân mạng đế vương, thường được ví với rồng. Vì thế, mỗi sợi râu của Bác được coi như một sợi râu rồng. Người đời thường gọi là long tu. Nhổ long tu của Bác, chẳng khác nào chạm cái vảy ngược của rồng.”

“Nguy hiểm như vậy, làm sao cậu lấy được long tu Bác?” Anh tôi hỏi.

Cậu giải thích: “Mỗi buổi sáng, cậu có bổn phận bưng thau nước vào cho Bác rửa mặt. Khi xong, cậu đem đi đổ. Trước khi đổ, cậu quan sát thật kỹ, những mong có được một may mắn. Và cậu đã may mắn thật, trong thau nước rửa có một sợi râu rụng của Bác. Cậu giữ lại sợi râu quý này làm kỷ niệm.”

“Cho tụi cháu xem thử đi.” Chị tôi háo hức.

Cậu nạt: “Ngồi yên! Nghe cậu kể. Người ta nói cọp chết để da, nhưng không ai nói cọp chết để râu. Vì mỗi lần hạ được một con cọp, việc đầu tiên phải làm là đốt ngay bộ râu.”

“Sao thế?”

“Nếu kẻ ác lấy được sợi râu cọp, họ sẽ dùng vào việc giết người.”

Anh tôi thắc mắc: “Râu cọp mà có thể giết người được sao?”

Cậu Hai Say nói: “Họ nhét râu cọp vào mụt măng. Cháu biết măng là gì không?”

Chị tôi nhanh miệng: “Măng là mầm non của tre trúc mới nhú lên khỏi mặt đất.”

“Đúng rồi. Nhét sợi râu cọp vào mụt măng. Lâu ngày, sợi râu sẽ hóa thành con sâu màu đen. Cứt của con sâu này là một thứ thuốc độc ghê gớm. Chỉ cần cho vài viên cứt sâu nhỏ bằng đầu cọng tăm vào lu nước. Ai uống phải nước này, sẽ ngả ra chết liền.”

Chúng tôi rút cổ le lưỡi: “Ghê quá!”

“Im! Bình tĩnh, nghe cậu kể tiếp. Râu Bác Hồ như râu rồng. Cậu tự hỏi, nếu đem nhét vào mụt măng, nó sẽ hóa ra con gì? Vì tò mò, cậu đã làm thử.”

"Cháu nghĩ nó sẽ hóa ra một con rồng nhỏ." Chị tôi đoán.

“Không. Chẳng phải rồng mà là một con sâu đỏ lòm, cháu ạ.”

“Thế, cậu làm gì với con sâu ấy?”

“Chẳng làm gì cả. Thấy con vật lạ thì nuôi chơi vậy thôi. Cậu nhốt nó trong một chiếc hộp nhỏ, đi đâu cũng mang theo bên mình. Nhưng nó không chịu ăn, lừ đừ gần chết. Cậu không biết làm sao để có thể nuôi nó lâu dài. Có lần, cậu vô ý làm đứt tay, một giọt máu tươi rớt vào trong hộp. Nghe mùi tanh của máu, nó như được hồi sinh và hút sạch giọt máu. Thế là cậu khám phá ra con sâu đỏ này chỉ có thể nuôi bằng máu.”

“Cậu làm sao đủ máu mà nuôi nó hoài?” Anh tôi hỏi.

“Phải có cách chứ. Đâu thể trích máu của cậu mãi được. Đi với Bác lâu ngày, cậu cũng khôn ra. Nghĩa là tận dụng mọi thứ chung quanh mà không hề làm tổn hại đến mình. Cậu bắt con đỉa hút no máu con trâu. Xong, cậu cho con đỉa vào hộp. Con sâu đỏ hút lại máu từ con đỉa. Đỉa là loài sống rất dai, cho nên có câu “sống dai như đỉa.” Thế mà sau khi bị con sâu đỏ hút máu, con đỉa chết luôn. Điều này cho cậu biết rằng, con sâu đỏ là một độc vật ghê gớm nhất trên đời.”

Chị tôi hỏi: “Sao không giết nó đi, nuôi chi một con vật gớm ghiếc?”

“Cậu đã nói, thấy con vật lạ thì nuôi chơi. Mãi sau, có người biết được, tố giác chuyện này lên Bác Hồ. Bác ra lệnh tịch thu con sâu đỏ. Cậu giao nạp con sâu, nhưng vẫn còn sợ bị khép tội ăn cắp long tu Bác Hồ nên trốn về, không theo cách mạng nữa.”

“Rồi Bác Hồ giết nó hay nuôi?”

“Nếu giết nó thì đỡ khổ cho dân lành rồi. Bác nuôi mới chết người chứ!”

“Không lẽ Bác nuôi nó bằng chính máu của Bác?”

“Bác đâu có dại? Máu của nhân dân thiếu chi!”

“Nhưng Bác nuôi nó làm gì?”

“Làm gì, ai biết? Mọi hành vi của Bác đều được giữ bí mật. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, tiêu diệt thành phần trí phú địa hào, thanh trừng văn nghệ sĩ bất mãn, có hàng vạn người bỗng ngả lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Cậu nghi họ bị đầu độc bằng cứt của con sâu đỏ này.”

Sau mỗi chuyện kể của cậu Hai Say, thường là những tiếng cười vui thích thú. Nhưng sau chuyện này, cậu không cười. Và chúng tôi thì sợ.

Mấy chục năm qua rồi, ấn tượng về con sâu đỏ vẫn còn đậm nét trong tôi.

Mùa Xuân năm Ất Mão (Tháng Tư năm 1975), theo lệnh đầu hàng, tôi buông súng, quay về làng cũ. Cậu Hai Say bây giờ đã già lắm rồi.

Cậu bảo: “Hãy chạy đi.”

Tôi hỏi: “Sao cậu không chạy?”

“Với số tuổi đời của tao, bỏ thây không tiếc.”

“Cậu thường hay nói chơi. Không biết lần này cậu nói chơi hay nói thật. Nhưng đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, không ở lại mà hưởng thái bình, còn chạy đi đâu?” Tôi phân trần.

Cậu ngước mặt lên trời, than: “Người ngu mắc nạn, thường hay đổ thừa cho thiên mệnh.”

Rồi mười năm sau nữa. Tôi ra khỏi tù, áo rách xác ve trở về chốn cũ. Nghe nói, cậu Hai Say được cách mạng mời tham dự tiệc mừng Đại Thắng Mùa Xuân. Và, cậu đã chết ngay sau khi rời bàn tiệc. Tôi chợt nghĩ đến con sâu đỏ. Chẳng biết cái chết của cậu, có liên quan gì với cứt của loài độc vật này hay không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Chín 20239:20 SA(Xem: 1292)
Ông kéo tay bà chỉ đàn chim đang khuất dần trong mây “Bà nhìn thấy không... Nhàn trắng lại bay về...”.l
09 Tháng Chín 202310:34 SA(Xem: 1333)
Có người nhìn thấy cô ta leo qua thành cầu, bước theo tay vịn đi lần ra xa.
02 Tháng Chín 202310:14 SA(Xem: 1505)
Sáng nào, nếu trời không mưa, bà Hai cũng vắt cái khăn rằn lên vai, chụp cái nón lá đã tưa vành lên đầu,
26 Tháng Tám 202310:03 SA(Xem: 1532)
Có một chi tiết mà tôi nhớ mãi khi đọc lịch sử. Mỗi khi người Tầu xâm chiếm nước ta họ thường bắt các vương triều của ta giao nộp người tài.
23 Tháng Tám 20235:48 CH(Xem: 1407)
Có những người trai thương gái quan niệm tình yêu một cách kỳ lạ lắm: yêu, nhưng mà đòi hỏi người yêu phải đẹp bất cứ phương diện nào: nói phải đẹp, cười phải đẹp, ăn phải đẹp.
22 Tháng Tám 20235:35 CH(Xem: 1564)
Chỉ một góc trăng thôi, nhợt nhạt soi mái tóc nàng đổ dài xuống lưng, tràn trên đôi cánh tay gầy guộc, hư hao...
22 Tháng Tám 20232:16 CH(Xem: 1443)
Bát không phải tên cụ, Bát chỉ là bậc thứ tám trong cái thang phẩm hàm chín bậc của triều đình.
16 Tháng Tám 20236:00 CH(Xem: 1541)
Cây mọc bờ sông vách núi, là thiên nhiên; cây trong chậu là một tác phẩm nghệ thuật.
09 Tháng Tám 202310:10 SA(Xem: 1568)
Mừng em về nơi an bình, tuy chị xót xa hết sức khi mãi mãi xa em,
02 Tháng Tám 20235:05 CH(Xem: 1892)
Tôi muốn kể chuyện dâu bể của xóm tôi.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19000)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9182)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19190)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21740)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,