VŨ THƯ HIÊN - Tình yêu nơi đêm trừ tịch

23 Tháng Giêng 202310:45 SA(Xem: 2120)
VŨ THƯ HIÊN - Tình yêu nơi đêm trừ tịch
Tình yêu nơi đêm trừ tịch
——————————
ĐÔI MẮT MÀU ĐÊM

1
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm. Một mình.

Anh đi, suy nghĩ miên man. Những ý nghĩ rối rắm, mung lung, chẳng cái gì ăn nhập với cái gì. Mỗi khi dòng chảy của chúng đột nhiên đứt quãng, khi đầu anh hoàn toàn trống rỗng, anh nghe rõ hơi thở của phì phò nóng hổi nơi môi trên, và, như tiếng bước chân của người khác, tiếng dép của anh đều đều đạp trên mặt đường - soạt, soạt… soạt, soạt…

Cứ thế, không ngừng.

Con đường đá răm luồn lách trong những vạt rừng già, ẩm ướt và tăm tối ngay giữa ban ngày. Nó uốn khúc vắt qua những đồi những núi nhấp nhô và rừng nguyên sinh rậm rạp. Ban đêm, trong những khu rừng ấy sương mù đặc và nặng bốc lên hạ xuống làm thành một thứ mưa không ra mưa. Thỉnh thoảng những giọt vừa kịp đọng của thứ mưa sương ấy lại từ tán lá âm thầm rơi xuống thảm cỏ ướt sũng lá mục.

Anh lính thầm trách mình khờ. Lẽ ra, như người ta, trước khi chiều xuống anh phải tìm một đơn vị bộ đội nào đó, hoặc một trạm thu dung nào đó, để tá túc một đêm. Thời kháng chiến, ở đâu chả tìm được nơi có bộ đội. Người ta sẽ xếp cho anh một chỗ ngủ, và chưa chừng sẽ có một bữa ngon lành sáng hôm sau. Nhưng anh lại cứ nhất quyết đi cơ, mặc những lời gàn quẩy của những người ở trạm giao liên cuối cùng anh vừa rời bỏ.

Chao ôi, chỉ tại anh bốc đồng khoái trá với một ý nghĩ chợt đến - một chuyến đi vào ba mươi Tết, đi xuyên khoảng thời gian mang mốc phân cách, đi từ năm này sang năm khác. Như một thách thức lãng mạn, như một cử chỉ bướng bỉnh. Xét cho cùng, nó là một hành động dở hơi, chẳng có ích gì, kể cả cho chính anh.

Giá phải trả là giờ đây anh sẽ cứ phải đi mãi thế này, suốt đêm, không nghỉ, không ngủ. Cứ thế đi. Anh đã trót đi mất rồi. Thế là sẽ chẳng có một chỗ để ngả lưng, dù chỉ vài giờ, trong đêm lạnh.

Anh bắt đầu ân hận với quyết định gàn dở của mình từ khi bắt gặp cái tĩnh mịch đặc biệt của con đường dằng dặc, khi ánh mặt trời vàng ệch cuối cùng tắt hẳn trên đỉnh núi cao nhất.

Vào lúc này mới đi tìm một chỗ trú chân thì đã quá muộn. Dọc đường anh chỉ gặp, rất thưa thớt, những hàng quán cửa đóng then cài im ỉm hoặc trống huếch trống hoác.

Người lính đã mỏi chân lắm khi leo lên tới đỉnh một con dốc. Trong vòng chục cây số anh vừa đi qua không có lấy một ngôi nhà. Đang thất thểu lê từng bước đổ dốc, anh bỗng thấy trước mặt, trong sương mù trắng đục, một ánh lửa thấp thoáng. Sương mù mỗi lúc một dày đặc, thành thử ánh lửa cứ chập chờn, le lói, khi xa khi gần. Có thể nó ở ngay chân dốc, mà cũng có thể rất xa.

Thôi được, mình sẽ tới đó, sẽ lẳng lặng ngồi xuống hè ngôi nhà nọ, ở đầu hồi, ở chái, ở chỗ nào cũng được, có điều mình phải thật nhẹ nhàng, không làm kinh động chủ nhà, anh tự nhủ. Có nhà là có hơi ấm, là tốt rồi - mình có thể dựa vào vách mà chợp mắt một lúc, chỉ một lúc thôi.

Đêm trừ tịch, chẳng ai muốn đón ai vào nhà mình, người lính biết điều đó lắm. Người trong nhà cũng chẳng tưởng tượng trong đêm cuối cùng của một năm lại có kẻ điên khùng lang thang trên đường, như anh.

Anh là người lính. Là người xông nhà không ai chờ đợi - phúc không, lộc không, thọ cũng không nốt - ai có thể nói chắc điều gì sẽ đến với kẻ ngày mai ra trận?

2
Hoá ra ánh lửa không phải phát ra từ một ngôi nhà nhỏ kiêm quán hàng ở ven đường, như những ngôi nhà anh thường gặp. Nó le lói sâu tít tắp trong rừng, thoáng hiện thoáng mất qua cành lá rậm rịt. Người lính chặc lưỡi, quyết định rẽ vào. Một con đường mòn, rất hẹp, hai bên um tùm lau lách dẫn anh tới ánh lửa ấy. Nhưng anh đi mãi, đi mãi vẫn không thấy nó đâu. Cái trò chơi của lửa đêm anh đã biết, thấy nó đấy, tưởng là rất gần, hoá rất xa.

Cuối cùng rồi anh cũng tới được chỗ ánh lửa. Nó hắt ra từ bên trong một ngôi nhà sàn. Anh không nhìn rõ ngôi nhà, nhưng đã nghe tiếng gió thổi u u trong những miệng bắng nước làm bằng thân vầu. Người ta thường đặt những bắng nước ở ngay dưới chân thang dẫn lên nhà sàn. Những cái bắng rỗng, anh nghĩ. Nếu trong bắng đầy nước, tiếng kêu sẽ không như thế. Không thấy tiếng trâu thở phì phò, tiếng lợn ủn ỉn bên dưới. Yên lặng hoàn toàn.
Như thế này thì còn biết ngả lưng vào đâu cơ chứ? Nhà sàn vốn không hè, không chái. Sương xuống nhiều, bên dưới chỗ nào cũng ướt nhoẹt.

Anh đã thấm mệt. Chẳng biết bây giờ là mấy giờ - anh không có đồng hồ - nhưng chắc đã rất khuya. Người trong nhà, nếu họ có ở đấy, thì đã ngủ say. Ngoài tiếng u u của những bắng nước, anh nghe tiếng kẽo kẹt của cái “xe cọn” già lão đâu đó quay đều đặn, rất gần, và tiếng nước dào dạt đổ xuống máng.

Người lính còn đang phân vân chưa biết tính sao thì ánh lửa trong nhà bỗng lay động, nó di chuyển chầm chậm về phía đầu thang.

- Anh bộ đội hả?

Tiếng một cô gái. Làm sao cô ta có thể nhìn thấy mình trong đêm tối thế này? Làm sao cô ta có thể đoán biết mình là bộ đội chứ không phải một khách bộ hành lạc lối?

- Chào cô - anh đằng hắng rồi lên tiếng - Tôi thấy ánh lửa từ xa…

Anh định nói vì sao anh tới đây, nhưng rồi anh nín lặng. Giải thích thế nào cho cái sự có mặt dớ dẩn này?

- Khuya rồi lố, anh bộ đội à! - cô gái nói bằng giọng vui vẻ - Lên đi, đừng có ngại.

Người lính ngần ngừ một giây rồi xốc ba lô, thận trọng đặt chân lên bậc thang. Những thanh gỗ kêu lên khe khẽ dưới mỗi bước chân.

Cô gái nhấc cao thêm đĩa đèn để soi đường cho anh. Nhưng không có ánh đèn còn hơn, bị loá mắt anh không nhìn thấy gì dưới chân mình.

Khi người lính đã bước hẳn vào trong nhà, cô gái mới đặt đĩa đèn xuống sàn.

Người lính giật mình.

Cô gái mới xinh đẹp làm sao!

Gương mặt trắng, hơi xanh; đôi mắt đen láy mở to, chúng xa nhau một khoảng cách nhiều hơn bình thường; món tóc mai đen nhánh buông lơi xuống má; tất cả những cái đó làm cho vẻ chất phác của cô trở thành hơi man dại, khác người. Anh cảm thấy bàng hoàng trước sắc đẹp ấy. Nó lôi cuốn lạ thường.

Thấy người lính chăm chú nhìn mình, cô gái bẽn lẽn cúi mặt, làm bộ bận khêu bấc.

Anh cũng lúng túng cúi xuống nhìn cái đĩa đèn. Ở quê anh không có thứ dầu cọ đen kịt vừa toả sáng vừa bốc khói ngùn ngụt thế kia. Anh say sưa ngắm cô, dù anh biết cái nhìn của mình thật suồng sã.

- Anh có mệt không, anh bộ đội?

Anh mỉm cười. Thay cho câu trả lời, anh chỉ gật đầu. Anh không nói nên lời. Anh cảm thấy trong lòng một niềm vui khó tả. Cuộc gặp gỡ bất ngờ làm anh bàng hoàng. Mới trước đó ít phút anh còn loay hoay tìm một chỗ nghỉ cho đôi chân mỏi nhừ, anh thực sự không muốn làm phiền chủ nhà, thế mà đùng một cái tình thế bỗng thay đổi, anh bỗng được hưởng cái anh không hề chờ đợi - một sự đón tiếp thật ấm áp, chân tình. Giọng nói hơi líu lo, như tiếng chim, âm sắc đặc biệt của người miền núi, rất hồn nhiên, vui vẻ, chứng tỏ cô cũng mừng thấy anh đến.

- Anh có đói không anh? Hả, anh nói sao? - cô hỏi - Có xôi trong gùi kia, em lấy anh ăn nhé? Đừng làm khách.

- Để anh nghỉ một lát đã. - anh vào giọng với cô, cũng rất thân mật, tự nhiên, như họ từng quen biết - Mọi người trong nhà đi đâu vắng?

- Không có ai đi đâu lố. Em ở một mình thôi.

- Vậy sao?

Người lính nhìn quanh. Trong ánh sáng mờ mờ và luôn lay động của đĩa đèn, anh thấy trong góc nhà chăn đệm vẫn xếp ngay ngắn. Nghĩa là cô gái chưa ngủ. Mà trời thì đã khuya quá rồi.

- Anh có lạnh không?

Nghe hỏi anh mới nhận ra là trong nhà sàn lạnh thật. Cái lạnh bắt đầu ngấm vào da thịt khi thân thể nóng bừng được nghỉ ngơi. Bếp lửa thì tắt ngấm.

- Anh nhóm lửa đi!

Cô gái nhanh nhảu đặt mấy cành khô vào bếp ở giữa nhà cho anh. Người lính lúi húi châm lửa. Một lúc lâu sau lửa mới bén. Củi không nỏ, châm rất khó. Bếp toả khói mù mịt.

- Sao anh không ở nhà đêm nay?

- Anh thích thế. Chẳng ai lại không ở nhà để đi trong đêm như đêm nay. Vì thế anh đi. Cả ngày. Cả đêm.

Cô gái cười tươi. Đôi mắt ướt, đậm màu đêm, loáng lên trong ánh lửa lay động.

- A lúi, anh lạ lắm. Buồn cười nữa.

- Thế à?

- Chứ còn gì. Bây giờ em lấy cơm anh ăn nhá?

- Ừ.

- Rồi em sửa soạn cho anh ngủ. Đi cả ngày chắc anh mệt lắm?

Người lính đau đáu nhìn cô. Anh như bị thôi miên. Anh ngây ngất trước gương mặt chất phác sáng ngời của cô. Sao lại có người đẹp đến thế?!

- Anh hết mệt rồi. - người lính nói - Anh cứ nghĩ rằng anh sẽ phải đi suốt đêm cơ đấy.

- Sao thế?

- Thì anh biết ngủ nhờ ở đâu? Gặp được em thật là may.

Cô gái lấy que cời cho lửa bùng lên.

- Em cũng may. Đêm nay em không phải ở một mình.

Cô đứng lên, với tay lên gùi treo trên cột, lấy nắm cơm nếp đưa cho anh.

- Anh ăn nhạt vậy. Nhà hết sạch thức ăn. Muối cũng không còn một hạt.

- Anh có mang theo muối đây. Anh để lại cho em một ít nhá?

- Rồi anh lấy gì ăn?

Nắm cơm lạnh, có những mảng khô cứng. “Ăn thế này mà chịu được, chán chết - anh nghĩ - Không hiểu sao người ta có thể quen được một thứ cơm nếp để khô như thế?” Nhưng rồi anh cũng ăn hết được nắm cơm ấy, để chiều lòng cô gái hơn vì đói. Trên đường anh đã ăn lương khô mang theo.

- Anh có nhớ nhà không anh? - cô gái bó gối nhìn anh nhặt nốt mấy hạt cơm dính trên bàn tay bỏ vào miệng - Anh cứ đi suốt thế à?

- Nhớ chứ sao không. Việc phải đi thì đi.

- Việc cần lắm à?

- Cần chứ.

- Việc gì cần thế? - cô gái hỏi, rồi bụm miệng, kêu lên - A lúi, không được hỏi thế. Bí mật mà.

Người lính tủm tỉm cười. Anh nhìn cô như người anh lớn nhìn cô em gái bé bỏng, nghịch ngợm.

Cô gái cứ nhìn anh mà cười mãi không thôi. Anh cũng cười, vô nghĩa như cô. Khi cả hai cùng cười vô nghĩa anh thấy mọi vật quanh anh tươi sáng hẳn lên, và trong tâm hồn anh có một trạng thái nhẹ nhõm chưa từng thấy. Anh như bay bổng lên trong một khoảng không kỳ lạ, giống như trong một giấc mơ.

Anh vụt tỉnh khi nghe cô gái nói:

- Em dọn chỗ cho anh ngủ nhé? Anh đi rửa tay chân đi. Nước ở đầu thang ấy.

Nước lạnh làm anh rùng mình. Bầu trời đen kịt. Anh không nhìn thấy nó. Có thể đó là do ngôi nhà nằm dưới những cây cổ thụ mà tán lá của chúng đã che khuất tất cả.

Trong nhà, cô gái đã trải đệm cho anh. Tấm chăn bông đặt ngay ngắn ở bên gối.

Người lính ngồi xuống bên bếp. Lửa thôi cháy, nhưng than hồng rất đượm. Ánh sáng của than làm cho mặt cô gái hồng hẳn lên, đôi mắt càng long lanh.

- Còn em, em nằm đâu?

- Em không ngủ. Em chán ngủ lắm. Em ngủ suốt ấy mà. Ngủ thì có gì thú vị đâu.

- Nhưng ai cũng phải ngủ. Để lấy lại sức chứ.

- Không phải thế đâu. Khi ngủ nhiều, nhiều thật nhiều, người ta sẽ chán. Chán lắm ấy, anh không biết nó chán đến thế nào đâu, anh không biết được.

- Nếu em thức, còn anh ngủ, thì còn ra làm sao?

- Ngủ đi. Anh thức không nên đâu.

Anh đứng lên. Cô gái nhìn anh không rời. Anh cũng nhìn sâu vào mắt cô, đôi mắt như không có lòng trắng, sâu thẳm, như bầu trời trong đêm nay.

Đôi mắt đen ấy cuốn hút anh với một sức mạnh không sao cưỡng nổi. Từng chút một, rất chậm, anh nhích lại gần. Rồi ôm choàng lấy cô, anh thận trọng đặt lên đôi mắt quyến rũ một cái hôn thật nhẹ. Cô không chống lại, để mặc anh muốn làm gì thì làm. Miệng cô hé mở trong một nụ cười ngơ ngác. Chỉ tới khi môi anh chạm vào môi cô, cô mới hơi vùng ra, như sửng sốt, vì không quen, chứ không phải vì không bằng lòng. Anh ôm lấy cô, bế bổng cô lên. Trong tay anh cô gái nhẹ bỗng, như không có trọng lượng. Môi cô mềm và ướt. Anh ngửi thấy hương thảo nguyên trên da mặt cô. Hơi thở của cô như có mùi lạc tiên thoang thoảng, thứ cây mọc ven mọi con đường.

Người lính đặt cô nằm xuống nơi cô dọn cho anh nằm.

Rồi vừa ôm chặt cô bằng một tay anh vừa dùng tay kia tung tấm chăn phủ lên hai người.

- Đừng, anh!

- Tại sao lại đừng? - anh thì thầm, hổn hển.

- Hại cho anh lắm lố. - cô ôm chặt anh, một tay đặt lên ngực anh như muốn đẩy anh ra, nhưng là bàn tay ngập ngừng - Hại đấy! Đừng, anh ơi!

- Không, anh không sợ...

Cô đột nhiên mềm nhũn trong tay anh. Một phút sau, họ quấn chặt lấy nhau không rời. Trong tột cùng hạnh phúc.

3
Người lính tỉnh dậy vì một tia nắng lọt qua cửa sổ chiếu vào mặt. Anh sửng sốt - không phải là ngôi nhà sàn đêm qua, không có người con gái ở bên cạnh.

Anh còn nhớ, rất rõ, với cảm giác hạnh phúc, khi cô vuốt ve anh như dìu anh vào giấc ngủ sâu, thanh bình. Anh nhớ hơi thở đều đặn của cô ở bên anh, ngực cô phập phồng dưới tay anh.

Một người con gái mặc áo blu trắng mừng rỡ kêu lên:

- Đồng chí ấy tỉnh lại rồi!

Mấy người khác, cũng trong áo blu trắng, mũ vải trắng, đang bận bịu ở cuối phòng nghe tiếng kêu của cô vội vã đi tới.

- Đây là đâu? - anh nắm lấy tay cô y tá, hỏi bằng giọng yếu ớt đến nỗi chính anh không nhận ra - Cô ấy đâu?

- Đây là trạm quân y. Đồng chí hỏi ai kia? - cô gái ngạc nhiên nhìn anh - Cô nào?

Anh cũng ngơ ngác nhìn cô:

- Cô gái cho tôi ngủ nhờ ấy. Mà trước hết, xin cô nói cho tôi biết: tại sao tôi lại ở đây?

Một người đứng tuổi, ống nghe đeo trước ngực, ngồi xuống bên anh, vạch mi mắt anh, bắt anh thè lưỡi ra để quan sát, chắc là một bác sĩ. Ông ta điềm đạm nói với y tá:

- Anh ấy chưa tỉnh hẳn đâu. Cô cho thuốc tiếp tục theo đơn.

Cô y tá nhìn anh. Vậy mà cô tưởng anh đã tỉnh.

Theo sau bác sĩ là mấy người trẻ. Họ vây quanh giường anh, chăm chú nghe bác sĩ nói, quan sát anh không rời.

- Trường hợp tiêu biểu của sốt rét ác tính, không có gì lạ - người đứng tuổi giải thích - Các anh nhớ lấy: bệnh nhân dường như tỉnh lại sau những cơn sốt cao và hôn mê, tức là có vẻ tỉnh nhưng lại không nhận ra thực tại, hoặc tiếp nhận thực tại một cách lệch lạc.

- Tức là cơn mê còn kéo dài? Tác động của accès pernicieux lên não bộ, thưa thầy? Liệu nó có để lại di chứng xấu cho hệ thần kinh?

- Không. Không thấy có di chứng xấu cho hoạt động của vỏ não… Ít nhất thì cũng chưa có trường hợp nào như thế được ghi nhận ở những bệnh nhân nặng nhưng sống sót.

- Như ca này, nếu như lúc ấy chúng ta không có Quinoforme? Thì có thể dùng cái gì thay thế, thưa thầy? - một thanh niên hỏi ông ta.

- Mọi thứ thuốc có chứa quinine, liều rất cao - ông ta nói – Chúng ta không có thuốc nào khác. Còn biệt dược có tên May Mắn thì chẳng bao giờ loài người chế tạo được.

- Tức là có những ca nặng chỉ có thể nhờ Trời, thưa thầy?

- Đúng thế.

Bác sĩ rời giường anh để tới những giường khác. Những người học trò líu ríu theo chân ông.

Người lính rụt rè nhắc lại câu hỏi khi cô y tá đỡ anh ngồi dậy để uống thuốc:

- Tôi tỉnh rồi, tôi tỉnh thật rồi mà. Cô làm ơn cho tôi biết đi: tại sao tôi ở đây?

- Anh bị sốt cao, bất tỉnh - cô ta nhỏ nhẹ kể - Họ cáng anh lại đây, may mà họ biết ở đây có trạm quân y…

- Họ là ai? Có phải là một cô gái?

- Không phải - cô y tá lắc đầu - Một người đàn ông, già rồi. Và em trai ông ta.

- Lúc họ cáng tôi đến, cô có đấy không?

Cô y tá nhoẻn cười. Cô khá xinh. Da trắng hồng. Có một cái răng khểnh. Một lúm đồng tiền. Một cô gái rất đồng bằng.

- Lúc ấy em trực. Anh có biết anh mê man bao nhiêu ngày rồi không?

Người lính lắc đầu. Anh không nhớ gì hết sau đêm ấy. Có một màn sương bao phủ những gì vừa xảy ra với anh. Anh láng máng nhớ tới cảm giác đung đưa, tiếng khóc thổn thức của ai đó, hình như của cô gái có đôi mắt đen tuyền. Cái mà anh nhớ rõ là đêm Ba Mươi Tết, trong rừng sâu, trên ngôi nhà sàn.

- Người ta cõng anh tới trưa Mồng Một. Hôm nay Mồng Bốn. Coi như hết Tết. Anh thiệt quá.

- Coi như hết Tết! - anh máy móc nhắc lại - Cô có biết người cõng tôi tới đây là ai không?

Cô y tá lắc đầu.

- Không. Một ông già. Ông ta giao cho trạm cả ba lô của anh. Anh tỉnh rồi, xem có thiếu gì không? Chắc không thiếu gì đâu. Người ở đây thực thà lắm.

Người lính suy nghĩ. Rồi ngần ngừ, anh hỏi tiếp:

- Ông ấy có nói tìm thấy tôi ở đâu không?

Cô y tá gật đầu:

- Có.

- Ở đâu?

- Ông ta nói: con gái ông ta báo cho ông ta biết lúc tảng sáng Mồng Một. Rằng ông phải đến ngay để cứu một anh bộ đội.

- Đến đâu?

- Chỗ con gái ông ấy.

- Con gái ông ấy?

- Phải.

- Cô ấy không đi cùng?

Cô y tá nhoẻn cười.

- Làm sao cô ấy đến được?

- Tại sao lại không đến được?

Cô y tá nhìn anh, ngạc nhiên một thoáng:

- Cô ấy có phải người sống đâu. Ông già tin nhảm. Ông ấy bảo ông ấy tìm được anh đang sốt mê man là nhờ hồn con gái ông ấy về báo mộng.

- Nhưng… - anh chồm về phía cô - Tôi, tôi…

- Gượm, em kể cho mà nghe. Con gái ông ấy chết đã ba tháng rồi. Khi cô ấy chết, bố mẹ cô ấy để cho cô ấy ở một nhà riêng, có chia của hẳn hoi, tức là có chăn chiếu, nồi niêu… đủ cả, như lúc còn sống. Tục lệ của họ thế.

Người lính rùng mình.

- Anh biết không, ở vùng này khi có người chết thì người ta bổ đôi một thân cây, bỏ xác chết vào trong, lấy nhựa trám trét kín, rồi dựng ở góc nhà sàn chia cho người chết...

- Thế ư?

- Nghe nói vậy, chứ mắt em chưa thấy. Khiếp chết đi được.

Người lính vốn không tin chuyện ma quỷ. Nhưng câu chuyện cô y tá kể lại làm cho anh bất giác nhớ đến ngôi nhà sàn. Nó trống tuềnh trống toàng, không có một chút bừa bộn ắt phải có, như ở mọi nhà. Khi lửa bếp sáng lên, anh có thấy một cái gì đó giống như một cây gỗ tròn dựng trong góc tối. Chẳng lẽ tất cả chỉ là một giấc mơ trong cơn sốt?

Anh nhắm mắt lại, hình dung gương mặt cô gái trong đêm, khi đĩa đèn đã tắt, than hồng đã lụi. Trong bóng tối gần như hoàn toàn đôi mắt đen của cô vẫn lấp lánh một cách kỳ lạ. Nhưng đó đôi mắt ấy không phải, và không thể là đôi mắt ác.

Trong đôi mắt ấy, khi cô nhìn anh, chan chứa tình yêu.

4
Người kể lại câu chuyện này cho các bạn tù là một ông già câm. Vóc dáng cao lớn, thẳng thớm, gương mặt hiền hậu, tính tình hoà nhã, ông được mọi tù nhân yêu mến. Đặc biệt là những đứa trẻ. Chúng yêu ông như ông ruột.

Những những người biết ông ngoài đời kể rằng ông đã tham gia hai cuộc chiến tranh dài, đánh “dư trăm trận”, bằng chứng là trên người ông đầy sẹo, dấu vết của những cuộc chiến đã qua. Gần hết cuộc đời ông ở trong quân ngũ. Theo họ kể, ông hoàn toàn vô tội. Ông bị bắt vì rơi vào vị thế nhân chứng cho sự lộng hành của một nhà lãnh đạo quốc gia, khi ông là người bảo vệ ông ta. Nhà lãnh đạo càng về già thì căn bệnh bách hại cuồng trong ông ta càng nặng. Ông ta đích thân ra lệnh bắt người bảo vệ ông để trừ hậu hoạn. Thế là ông trở thành tù không có án. May mà ông đã không ra lệnh thủ tiêu người mà ông còn dành lại một chút cảm tình. Người ta không xử ông, nhưng cũng không thả ông. Với những kẻ bị coi là nguy hại cho an ninh xã hội, người ta có quyền làm như thế. Vợ con ông không bị bắt, nhưng trở thành con tin để buộc ông im lặng.

Sau nhiều năm biệt giam ông trở thành người câm mất trí, lúc khóc lúc cười, xé quần xé áo, nói cách khác là dở điên dở dại. Sau khi yên tâm rằng ông vô hại người ta cho ra ở trại chung.

Câu chuyện trên được viết lại theo lời kể rất vắn tắt của người tù bị coi là mất trí ấy. Tôi thêm vào đấy những chi tiết tưởng tượng dựa trên những gì tôi từng trải qua trên những nẻo đường kháng chiến.

Những câu chuyện hoang đường bao giờ cũng là sản phẩm của một trí tưởng tượng phong phú, hoặc một trí nhớ bệnh hoạn. Ông già câm nằm bên đã kể câu chuyện này cho tôi nghe, bằng giọng thì thầm vào một đêm trừ tịch ở một trại giam giữa rừng núi phía Bắc. Trong những đêm như đêm này, người tù nào cũng không ngủ, người nhớ nhà, người thả hồn về quá khứ. Cũng là lúc những hồi ức trong cuộc đời “ở ngoài kia” được tái hiện trong những truyện kể. Tôi tin nó là chuyện thật. Ông già không bịa.

Theo lời ông kể thì chuyện xảy ra với một người bạn. Tôi đồ rằng nó là chuyện xảy ra với chính ông.

Khi tôi hỏi ông: với tư cách một người duy vật - ông từng là đảng viên cộng sản - ông có tin rằng con người có linh hồn không, thì ông không trả lời.

Đã quen tính ông, tôi không gặng.

Sau đây là câu trả lời của ông vào một lúc khác, khi chỉ có hai chúng tôi với nhau vào một buổi chiều. Chúng tôi ngồi ở một góc vắng trong sân trại. Hoàng hôn tắt dần trên đỉnh núi xa xa.

- Linh hồn? Tôi không nghĩ rằng có, nhưng tôi cũng không dám quả quyết rằng không - ông nói - Nếu linh hồn có thì ở đâu ta cũng có thể gặp nó. Hoặc ít nhất thì cũng thấy được nó khi một số điều kiện được thoả mãn, thí dụ những buổi mưa thâm tối trời, không trăng không sao, hoặc trong những ngôi nhà hoang không người ở, những khúc sông có xoáy nước dữ dội, có nhiều người chết đuối… như ta thường được nghe trong những chuyện ma.

Tôi nói tôi không tin ở sự tồn tại của linh hồn. Người ta chết là hết. Chẳng có gì còn lại sau khi sự sống không còn trong thân xác. Khoa học thực nghiệm không thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là linh hồn.

- Tôi cũng từng thiên về cách anh nghĩ. - ông già nói - Nếu có linh hồn thì thế giới của chúng ta đã tốt hơn nhiều.


- Tại sao?
- Tại vì các linh hồn sẽ không thể chịu được sự chứng kiến những gì mà khi sống chúng đã phải chịu. Chúng sẽ giúp ta loại khỏi đời sống những tên khốn nạn, những tên đê tiện, những con quỷ mang hình người.

- Nhưng còn câu chuyện kia?

- Có thể có nhiều cách giải thích. Rằng đó là hình ảnh được ghi lại từ giấc mơ hỗn độn do cơn sốt rét ác tính gây nên. Chẳng hạn, anh bộ đội ngất đi trên đường vì sốt cao. Cô con gái trên nhà sàn là có thật, trong cơn sốt mê man anh ta chỉ nhớ láng máng về những gì xảy ra. thực hư lẫn lộn…

- Có lý - tôi nói.

Ông im lặng. Tôi nhắc:

- Sau đó có bao giờ anh bộ đội gặp lại người con gái đó không, trong những giấc mơ chẳng hạn?

- Không. Không một lần nào. Nhưng từ sau câu chuyện ấy anh ta thấy có một cái gì đó như là linh tính, rất lạ, nó báo trước cho anh ta những hiểm nguy.

- Nghĩa là bác vẫn tin rằng chuyện xảy ra với anh bộ đội là có thật?

Ông già im lặng hồi lâu.

- Với anh, tôi không dấu - tôi tin.

- Bác tin?

Ông không gật đầu. Nhưng cũng không lắc.

- Linh hồn là một cái gì đó ta không hiểu - ông già nói – Nó chẳng cần chứng tỏ sự hiện hữu của mình với bất kỳ ai. Vì thế nhiều người không bao giờ thấy. Hiếm có người gặp ma. Phần lớn chuyện ma mà ta được nghe là chuyện báo oán. Đó là những linh hồn bị nhục mạ, bị hà hiếp, bị đối xử tàn tệ, quay lại dương thế để thực hiện cuộc trả thù, đòi lẽ công bằng… Là thứ ma có người gặp. Nhưng với anh bộ đội, linh hồn đã hiện ra không phải như vậy.

- Nó giống một cuộc gặp gỡ trong đời thường...

- Và là một cuộc gặp gỡ đẹp chỉ có trong mơ. Linh hồn cô gái trong câu chuyện tôi kể có lẽ là cái đẹp bị mất sớm. Nó lẽ ra phải được tồn tại, cho tình yêu chẳng hạn. Hãy nhìn dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm. Có biết bao nhiêu đứa khốn nạn trong đó? Còn cô gái mà anh bộ đội gặp trong đêm ấy, là ma đấy, nhưng hoàn toàn không thế. Cô ấy chỉ mang lại hạnh phúc.

Tôi gật đầu.

- Cô ấy cho mà chẳng đòi gì cả…

Ông già nói.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Chín 20239:20 SA(Xem: 1280)
Ông kéo tay bà chỉ đàn chim đang khuất dần trong mây “Bà nhìn thấy không... Nhàn trắng lại bay về...”.l
09 Tháng Chín 202310:34 SA(Xem: 1315)
Có người nhìn thấy cô ta leo qua thành cầu, bước theo tay vịn đi lần ra xa.
02 Tháng Chín 202310:14 SA(Xem: 1488)
Sáng nào, nếu trời không mưa, bà Hai cũng vắt cái khăn rằn lên vai, chụp cái nón lá đã tưa vành lên đầu,
26 Tháng Tám 202310:03 SA(Xem: 1514)
Có một chi tiết mà tôi nhớ mãi khi đọc lịch sử. Mỗi khi người Tầu xâm chiếm nước ta họ thường bắt các vương triều của ta giao nộp người tài.
23 Tháng Tám 20235:48 CH(Xem: 1387)
Có những người trai thương gái quan niệm tình yêu một cách kỳ lạ lắm: yêu, nhưng mà đòi hỏi người yêu phải đẹp bất cứ phương diện nào: nói phải đẹp, cười phải đẹp, ăn phải đẹp.
22 Tháng Tám 20235:35 CH(Xem: 1545)
Chỉ một góc trăng thôi, nhợt nhạt soi mái tóc nàng đổ dài xuống lưng, tràn trên đôi cánh tay gầy guộc, hư hao...
22 Tháng Tám 20232:16 CH(Xem: 1423)
Bát không phải tên cụ, Bát chỉ là bậc thứ tám trong cái thang phẩm hàm chín bậc của triều đình.
16 Tháng Tám 20236:00 CH(Xem: 1518)
Cây mọc bờ sông vách núi, là thiên nhiên; cây trong chậu là một tác phẩm nghệ thuật.
09 Tháng Tám 202310:10 SA(Xem: 1549)
Mừng em về nơi an bình, tuy chị xót xa hết sức khi mãi mãi xa em,
02 Tháng Tám 20235:05 CH(Xem: 1869)
Tôi muốn kể chuyện dâu bể của xóm tôi.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11062)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,