Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm. Tôi đọc được sự nhát gừng lẫn hơi thở đứt quãng, kiểu như đang nói thì đột nhiên muốn dừng lại. Không hẳn là ngập ngừng mà như bước hụt hơi, không muốn đi đến cùng nữa. Từ chữ đầu cho đến chữ cuối mệt nhọc kéo rê dễ cả ngàn cây số. Kể cả tên tôi, Khải cũng gọi bằng sự mệt nhọc. Tôi nín thinh đoán đợi. Nếu khó khăn đến vậy sao Khải không chọn nhắn tin nhỉ. Muốn gì cứ gõ thành chữ, gửi phát, thấy không hợp lý nữa thì thu hồi. Facebook hay Zalo đều có thể thực hiện lệnh thu hồi tin nhắn như nhau. Chẳng phải lấn cấn gì cả. Kể cả khi tin nhắn gửi đi đã được đọc, thu hồi tin nhắn cũng như thu hồi chút tình cảm bị lỗi. Chẳng sao cả. Không ai muốn đọc sự đã rồi trong lời yêu mệt nhọc. Tôi cũng thế. Cảm giác như vừa ăn xong mù tạt. Vừa bị động vừa tủi.
Khải đã chọn nói để bắt đầu (hay là Khải cao tay, đánh đòn tâm lý, phụ nữ yêu bằng tai). Thôi kệ. Tôi vẫn cứ thích nghe Khải nói. Hùng hồn và nhiều lý lẽ. Nhất là lúc tranh luận chuyên môn, tôi nhìn vào mắt Khải đoán sự rành rọt, xương quai hàm bạnh ra khi hăng tiết cãi cho hết ý, đôi bàn tay nắm chặt vì xúc động hay nhắm mắt lặng yên khi rơi vào trạng thái bị kích động mạnh. Khải trong tôi là thế, ít có sự lưng chừng. Bây giờ tôi không nhìn thấy Khải, hình ảnh Khải trước mặt là do tôi tưởng tượng. Là một Khải khác. Sự dấn thân đâu mất. Điện thoại được áp chặt vào tai, mắt nhắm hờ, không gian tĩnh đến mức nếu tôi có ngọ ngoạy ở bên này thì sự chuyển động không khí chỗ tôi cũng có thể truyền ngay sang Khải. Tôi chưa giấu Khải được điều gì to tát cả. Có lần Khải bảo, chỉ cần nghe hơi thở thôi, anh cũng đoán được tâm trạng em. Tôi vẫn nghĩ là Khải chém gió cho vui. Nhưng hầu hết là Khải trúng.
Những buồn vui không đầu không cuối, nó thuộc vào cảm giác, tôi chưa thể gọi tên thì Khải đã đọc được rồi.
Nhưng tôi vừa thở. Một hơi thở ngắn vì đã được nén chặt lại. Khải đã không đọc được gì. Tôi an tâm với thế giới của tôi hiện tại, có hơi lộn xộn và lúng túng chút xíu nhưng không sợ bị Khải bắt bóng. Đám nắng lích rích xung quanh chỗ tôi ngồi. Tháng mười cả gió. Là gió heo may. Cái lạnh dễ mà ướp đông luôn cả nắng, hanh hao rõ ràng như có thể cầm được. Tôi áp tay lên má. Nóng bừng. Cũng nhờ là đang ở bên kia máy, Khải chẳng thể nghiêng nghiêng ánh mắt nhìn xoáy vào tôi. “Sao thế, xấu hổ hả”. Là tôi tưởng tượng ra thế. Tôi vẫn đang một mình. Chỉ có sự im lặng đông cứng. Tôi sợ Khải thấy tôi im lặng lâu quá mà bỏ cuộc nên giật mình, nói như cướp lời.
- Anh, anh đã chuẩn bị đi ăn chưa.
Khải phá lên cười. Tiếng cười khô như gió hanh. Vội vã.
- Chuẩn bị, chuẩn bị… anh xuống căn tin nhé. Em cũng ăn ngon nhé.
Tôi đáp lời Khải. Vô thức. Tiếng dạ nhỏ, thật nhỏ. Nhưng chắc là Khải đã nghe được. Là tôi đoán thế trong sự im lặng rộng rãi. Gió to quá. Lại thổi ngược. Luống cuống. Tôi lại sợ Khải chưa nghe thấy gì nên định nói thêm. Lần này sẽ dạ to hơn, rõ hơn, có khí thế hơn nhưng điện thoại đã rung những tiếng tút đều.
Tôi đợi một khác lạ nào đó từ Khải, chút lúng túng chẳng hạn. Thì ra là Khải lỡ lời. Sản phẩm lỗi bị thu hồi tắp lự. Nói hay viết thì cũng thế thôi. Khải không biết tôi đang như thế nào cả. Chỉ nắng gió biết tôi vừa ngoảnh lại phía sau. Bữa ấy nắng nhiều. Gió cũng nhiều. Không có Khải. Từng chữ một rơi như lá khô, tôi muốn gom hết lại. Gió mỗi lúc một mạnh, hất buốt lạnh vào tôi. Thôi vậy... Tôi chậc lưỡi, rỗng không trước gió. Riêng điều này tôi chắc chắn Khải không thể đoán ra.
Chuyện cũ. Lại nhỏ. Cả tôi và Khải chẳng bao giờ nhắc đến nữa. Tôi cũng không còn chống tay tưởng tượng tâm trạng Khải vào lúc đó nữa. Mặc dù, trong vô thức, khi vấp những bụm gió ngược, tiếng của Khải vẫn len vào, lóc cóc từng chữ, một chốc một lát rồi ráo hoảnh rời đi. Đã có lúc tôi thắc mắc, sao hôm đó Khải không thể tha thiết với tôi hơn.
Thì thôi. Tôi lặng im bước qua từng vụn gió khô khốc. Đôi lúc tưởng dễ. Kể cả lúc như không nhấc nổi mình khỏi thực tại, chỉ muốn buông trôi tự do, Khải chìa tờ công lệnh trước mặt. “Chuẩn bị đi nhé”. Thì đi. Không kiên cường thì diễn yếu đuối cho ai xem bây giờ. “Bộ em không biết mệt hả, chạy phăm phăm. Nào, đỡ hộ cái chân máy đi. Trời ạ, trên đó có tình địch hả, phải xử lý ngay và luôn hả”. Đã mệt thì chớ, còn kiếm chuyện bày trò. Tôi tựa vào cây dẻ nhìn Khải leo dốc. Cái điệu bộ muốn bỏ cuộc là đây. Nó đáng thương hơn đáng giận. “Có lên nổi không”. Tôi muốn hét toáng lên, hoặc giễu cợt, hoặc làm cả một cuộc ồn ào để Khải biết rằng tôi không còn là tôi nữa sau cái phút bốc đồng của Khải. Nhưng tôi chỉ biết lặng im, ngắm nghía sự mệt nhọc của Khải. Nếu không vì mấy cơn gió, tôi đã nắm tay kéo Khải lên bằng tất cả sự thân tình có được. Ít nhất là để Khải đỡ phải mệt nhọc một mình. Mồ hôi rịn trán, bết vào tóc, Khải vịn chặt vào cây gậy, thở dốc. “Đã thế thì đừng cố”. Tôi càm ràm. “Mấy em thực tập chắc xong bài thu hoạch rồi hướng dẫn mới lên được đến nơi”. “Ôi, tôi mệt, cô không nói thương được nửa lời thì im lặng, không cần phải móc máy nhau như thế. Còn không mau đỡ cái chân máy đi. Tôi cho cả người lẫn máy xuôi xuống dốc luôn bây giờ.”
Cái kiểu quát tháo, dọa dẫm của Khải, ráo hoảnh và vô tội. Chẳng có tí mệt nhọc nào. Thế thì làm sao Khải hiểu được tôi lúc ngược gió ngược dốc một mình ra sao. Tôi bắt đầu hoài nghi về những đoán định của Khải. Đàn ông đàn ang, sắp chạm đầu bốn rồi còn lông bông. Một ít từng trải làm vốn. Chiếc máy tính mòn vẹt phím đồng hành cùng với lỉnh kỉnh máy ảnh, máy ghi âm và các loại dây nhợ. Chỉ cần chừng ấy, Khải có thể biến mất khỏi thế giới loài người chừng một tháng hoặc hơn thế. Sự quyết liệt hay đam mê chỉ phát tác lúc làm nghề, còn lại chả được tích sự gì với đời. Tôi coi là vặt vãnh nhưng với các cô vừa chân ướt chân ráo rời trường đại học, hăm hở vào đời là cả một trời đam mê. Đã thế Khải còn chăm chỉ thả thính, tiện tay là cứ năm bảy lượt hình mỗi ngày. Nghề báo nay đây mai đó, dính phải cô nào cũng vật vã một thời gian mới thoát ra được. Yêu đương cứ như tra tấn vậy mà kết thúc cũng nhẹ hều. “Xong rồi. Chiều ra quán bà Mập, làm chén”. Tôi tò mò về khuôn mặt của kẻ thất tình. Chắc lần này sẽ khác. Nhưng rồi lần nào cũng là hình dạng cũ mèm ấy. Sự ương ngạnh, bướng bỉnh, quyết liệt, lì lợm đổ ập xuống đầy bi thương, ai oán. Tôi lạnh lùng nhìn Khải ngửa cổ dốc sạch từng chén rượu. “Đừng thế nữa, có hay ho gì đâu”. Khải phá lên cười, mặt đỏ gay gắt, xương quai hàm bạnh lên. “Quen rồi, không sao đâu, cô nương.”
- Lần sau đừng gọi nữa.
- Chuyện nhỏ như con thỏ ấy mà. Yêu đương thành chuyện phiếm, hẹn hò như trang sức, có cũng được, không có thì ngày vẫn hai bốn tiếng trôi qua như thường. Miễn là… À mà thôi, đang còn cô ngồi đây uống rượu cùng thì tôi còn yêu đương mệt nghỉ.
Ươn hèn. Nhạt toẹt. Tôi ấm ức uống cạn ly rượu. Cũng có thể lắm, là tôi, trong vai trò giúp sức tích cực đã để cho Khải cái quyền tự bóc mẽ mình.
Tôi đỡ chân máy. Cái chân máy nhẹ hều, có vậy mà cũng đưa ra làm mình làm mẩy được. Đàn ông đàn ang… Tôi dấm dẳng. Tôi biết Khải thong dong cười sau lưng.
Chưa có đường cho xe lên núi, chúng tôi men theo đường mòn. “Đi thực tế phải thế. Chứ cơm bưng nước rót, khách sạn nhà hàng đón lõng thì ngồi nhà Google cũng đầy thứ để viết.” Lúc nghe Khải đề xuất điểm đến, đề xuất đề tài tôi đã muốn bỏ cuộc. Nhưng Khải quyết liệt quá. Thì đi. Có dễ gì đâu. Các em thực tập trẻ trung năng động. Nụ cười luôn thường trực, lại rực rỡ. Khải ác với tôi quá. Tôi thấy mình hụt hơi đuổi theo những nụ cười.
- Có xuống chợ không, chị Miên. Chợ phiên đấy, một tháng một lần.
- Thôi em ơi, chị có tuổi rồi, để chị nghỉ.