ĐẶNG THƠ THƠ - Con Yêu Ai Nhất

15 Tháng Tư 201912:00 SA(Xem: 35687)
 ĐẶNG THƠ THƠ - Con Yêu Ai Nhất

Lời tác giả: Khi anh Phùng Nguyễn đề nghị giới thiệu lại một số truyện ngắn trong tuyển tập Phòng Triển Lãm Mùa Đông nhân dịp ra mắt Cafe Da Màu, tôi quyết định chọn truyện này, một quyết định làm chính tôi ngạc nhiên. Truyện Con Yêu Ai Nhất vào thời điểm này, sau 6 năm, khi văn chương tôi đã biến chuyển khá nhanh về kỹ thuật lẫn phong cách, có thể tưởng như một nốt nhạc lạc điệu. Nhưng với riêng tôi, thật bất ngờ, nó vẫn giữ nguyên mức chấn động mạnh mẽ về cảm xúc khi đọc lại.blank

Tôi vẫn nghe đâu đó có những lời phê bình về loại truyện "bà cháu", hay là sự quanh quẩn với tuổi thơ, không lớn được... và tôi tự hỏi: văn chương có cần sự khoanh vùng các phạm trù, khoanh vùng đối tượng viết hay đề tài viết? Tôi chọn đăng lại truyện này, không phải vì đây là văn chương tuổi thơ, mà ngược lại, đó là cái chết của tuổi thơ. Điều làm tôi đau đớn nhất, là sự khao khát phản kháng hàm chứa trong đó, thật mãnh liệt, và thật bất lực cùng lúc, khi đối mặt với thế giới người lớn, với các khái niệm tình yêu, sự chiếm hữu, sự mất mát và dối trá. Đối mặt với những cái giá phải trả để lớn lên.

Với riêng tôi, Con Yêu Ai Nhất là một vết thương mãi mãi. Cái chết cuối truyện đã từ khước tất cả những khả năng chữa lành. Nhưng nó cũng là một tình yêu không chấm hết, và một lời tưởng niệm muộn màng.


Nó chưa bao giờ nói với cụ là nó yêu cụ nhất.

Mẹ, những lúc chơi với nó, thường hỏi: “Con yêu ai nhất?”, hoặc khác đi một chút:
“Con yêu mẹ hơn hay bố hơn?”

Nó trả lời ngay, rất tự nhiên: “Con yêu mẹ nhất,” không phải nghĩ ngợi gì. Bởi mẹ hay hỏi, nên mỗi bận trả lời nó lại càng thấy yêu mẹ hơn. Mẹ xinh đẹp lắm, hơn tất cả những người đẹp nhất trên ti-vi, người mẹ lúc nào cũng thơm, nhìn mẹ nó vừa ngưỡng mộ vừa hãnh diện. Mẹ lại giỏi nữa, cái gì mẹ cũng biết, vì mẹ đi dạy học mà.

Bố cũng có khi hỏi: “Con có yêu bố không?” Nó bá cổ bố: “Có chứ, nhiều lắm”, và cả hai bố con đều vui vẻ. Nhưng có một lần, bố hỏi thêm: “Con yêu mẹ hơn bố phải không?” làm nó phân vân lắm. Bố lấy tay hất nhẹ mớ tóc nó lòa xòa phủ trán qua một bên, bố vẫn hay sửa tóc nó theo kiểu ấy mỗi lần đi chụp ảnh dán vào học bạ. Nó ngần ngừ không nói. Nó ngủ với mẹ buổi tối, hay chơi với mẹ hơn, nhưng nó cũng yêu bố lắm, tuy không giống như đã yêu mẹ.

Bố cứ sửa mãi tóc trên trán nó, gặng hỏi:

“Con yêu mẹ hơn bố phải không? Nói thật đi, bố không buồn đâu.”

Nó gật đầu, nhìn đi nơi khác, không ôm bố như mọi khi. Bố ôm nó, hôn lên tóc, trầm ngâm. Bố không buồn, thế là nó mừng rồi. Nhưng nó buồn, buồn cho bố, buồn vì không biết nói làm sao cho bố hiểu.

Và nó thấy nhẹ nhõm, vì vẫn được yêu mẹ nhất.

Ban ngày bố mẹ đi dạy, nó ở nhà với cụ, chơi với cụ. Mẹ bảo cụ là mẹ của bà ngoại, nó là chắt của cụ, nhưng cụ bảo: “Nó là con búp bế của cụ đấy!” Nó vẫn bán phở cho cụ ăn, cụ hay vẫy tay gọi: “Cô hàng phở ơi, bán cho tôi một bát nào.” mỗi lần nó cất tiếng rao hàng ầm ĩ. Trưa nó ăn cơm với cụ, những món cụ làm là ngon nhất. Xong cụ và nó nghỉ trưa. Nó nằm sấp, cụ ngồi cạnh vừa xoa lưng vừa phất nhẹ cái quạt giấy, ru khe khẽ cho nó ngủ:

... À ơi, cái bống đi chợ cầu (ơ) kênh,
Con tôm đi trước, củ hành theo (à) sau.
Con cua cọc cạch theo hầu,

Cái chầy rơi xuống... vỡ đầu (à) con (à) cua...”

Trong giờ trưa vắng, giọng ngâm “À, à ơi” với “ơi à” nghe buồn não nuột. Mỗi lần nó ngóc đầu lên định nói thì cụ lại bảo: “Ngủ đi con,” nên chẳng bao giờ cụ biết nó buồn cả. Từ từ mắt nó trĩu xuống, bàn tay cụ vẫn xoa đều trên lưng thật dễ chịu. Tất cả những giấc ngủ trưa đều có gió mát phe phẩy như vậy, theo nhịp với lời ru.

*** 

Cụ còn biết nhiều bài lắm, con mèo trèo cây cau, con gà cục tác lá chanh, con kiến mà kiện củ khoai, mà bài nào cũng hát được theo một điệu, thật là tài. Mẹ gọi nhạc của cụ là ca dao. Nó khoe với mẹ:

“Hôm nay cụ dạy con hát bài mới, mẹ ơi!”

Mẹ cười:

“Bài này có con gì, con cua hay con mèo?”

“Bài này có con cò, bài này là buồn nhất!”

Mẹ lại cười:

“Tại sao con buồn?”

“Tại vì.., tại vì có con cò, nó ngã xuống ao, người ta có thể ăn thịt nó.”

Hình ảnh tưởng tượng làm nó rớm nước mắt, mẹ kéo nó vào lòng:

“Để mẹ nói cụ đừng hát bài này nữa nhé, cho con khỏi buồn nhé!”

Nó lắc đầu:

“Đừng, mẹ đừng nói.”

“Tại sao?”

“Con hết buồn rồi.”

Mẹ lau nước mắt trên má nó:

“Ở nhà con có ngoan với cụ không?”

Nó gật.

“Thế cụ có yêu con không?”

“Có chứ. Con cũng yêu cụ nữa.”

Mẹ bẻ cổ áo cho nó:

“Con yêu cụ bằng ai?”

Nó ngập ngừng, hoang mang lắm vì đây là một câu hỏi mới: Yêu bằng ai?

Có thể “bằng” là “giống”, nhưng nó yêu cụ không giống như nó yêu mẹ, khác với nó yêu bố. Nó chợt nhớ ra cụ vẫn bảo Cụ yêu con nhất, và buột miệng:

“Con cũng yêu cụ nhất!”

Nó nói rất dõng dạc, như những khi làm được điều gì tốt và biết sẽ được khen.

Nhưng lạ chưa, sắc mặt mẹ không vui, giọng mẹ bất chợt đanh lại:

“Thế con yêu cụ hơn mẹ à?”

Nó chột dạ, vậy là nó nói sai rồi, nhưng không biết sai chỗ nào? Nó lo lắng nhìn mẹ, cố chữa:

“Không, con yêu mẹ nhất mà!”

“Con vừa mới nói yêu cụ nhất xong! Đồ nói dối!”

“Con yêu mẹ nhất, với cụ nhất luôn...”

Mặt mẹ sầm xuống, mẹ hẩy nó ra:

“Mẹ đẻ ra con thì con phải yêu mẹ nhất chứ, thứ con bất hiếu nhỉ. Thôi đi đi, mẹ không yêu con nữa.”

Nó lăn vào lòng mẹ:

“Mẹ! Mẹ yêu con đi, con yêu mẹ nhất mà!”

Nó lay lay cánh tay mẹ, ngước nhìn mẹ nằn nì, nhưng mẹ vẫn lạnh lùng không thèm nhìn nó. Chưa bao giờ nó thấy mẹ xa lạ như thế, như một người hoàn toàn khác. Bỗng dưng người nó lạnh toát vì sợ hãi, thì ra mẹ không yêu nó nữa, mẹ muốn đuổi nó đi. Nó không biết phải làm sao, không biết phải trốn đi đâu bây giờ.

Nó có thể chạy vào phòng cụ, ở ngay góc cầu thang, nhưng thế thì cụ sẽ biết chuyện. Nó không muốn cụ biết điều này. Nó nghĩ đến bố: “Ồ, Bố! Đúng rồi, Bố sẽ giúp mình.” Nó mừng như sắp thoát nạn. Thế mà không nghĩ ra, bố sẽ nói cho mẹ biết là nó yêu mẹ hơn bố, và bố không buồn gì hết!

Nó cắm đầu chạy đi tìm bố.

Mẹ gọi giật:

“Con đi đâu thế?”

Nó quay lại e dè, mặt mẹ đã dịu lại, mẹ đang mở rộng tay chờ nó lao vào. Nó vẫn đứng im một chỗ, lưỡng lự, chưa hết sợ. Mẹ kéo nó vào lòng. Hành động âu yếm này làm nó càng thêm buồn tủi, nó òa lên khóc, nước mắt đầm đìa. Mẹ hôn lên đôi má ướt đẫm, nói thì thầm:

“Nín đi con, mẹ yêu con mà. Con là con của mẹ, mẹ yêu con nhất trên đời mà. Đừng khóc nữa, mẹ xin lỗi, đừng khóc nữa!”

***

Mấy hôm sau nó vẫn còn suy nghĩ mãi về câu chuyện đó. Nó vui vì mẹ vẫn yêu nó như cũ, nhưng nó buồn mỗi lần nhìn thấy cụ. Tội cụ nhỉ, nó không thể yêu cụ nhất được rồi. Và nó tự hỏi, có ai yêu cụ nhất không? Mẹ và bố đều nói là yêu nó nhất, mẹ còn bảo vì nó là con mẹ nên mẹ yêu nó nhất trên đời. Bà thì rõ ràng yêu dì út nhất. Cụ không có mẹ - nó chưa bao giờ thấy mẹ của cụ cả - thế là chẳng có ai yêu cụ nhất hết. Đến lúc này, nó mới để ý là ít có người chơi với cụ, thân với cụ. Những lúc không phải chăm nó, cụ ngồi lặng lẽ trong cái buồng bé xíu, xem ti-vi một mình.

Cái ti-vi nhỏ lắm, cụ cứ phải ngồi thật gần, dí mắt sát màn hình, tiếng phát ra oang oang nhưng cụ vẫn phải giỏng tai nghe. Cụ thích cải lương, nó cũng coi cải lương luôn. Nó thích cả Thái Thanh vì cụ thích Thái Thanh nhất: “Cô này hát rõ lời lắm, thế mới là hát. Những người khác hát cụ chịu, nghe chẳng hiểu chúng nó muốn nói cái gì”.

Căn phòng nhỏ, lối đi hẹp cỡ ba viên gạch, chỉ vừa kê cái phản gỗ và mấy cái rương quần áo. Các vật dụng cần thiết cụ để đầu giường, ngay tầm tay với. Một hộp bánh quế đựng đủ các loại dầu gió, cù là, khuynh diệp, bạc hà, mỗi thứ dầu cụ dùng trị mỗi bệnh khác nhau, với cả đồng tiền cạo gió. Một hộp bánh bích qui đựng các loại thuốc nhỏ mắt, ngậm ho, nhỏ mũi, đau bụng. Một hộp kẹo tây đủ màu vui mắt đựng đồ nghề kim chỉ, những mụn vải con con vá áo quần, cùng đủ loại khuy bấm, nút áo. Những khuy áo chẳng cái nào giống cái nào, lâu lâu cụ lại nhặt được một chiếc ở xó nhà, hoặc bể nước giặt đồ, cụ chùi rửa kỹ lưỡng rồi đem cất lại vào hộp kẹo.

Trên nền những đồ vật quen thuộc đó là cụ của nó, mặc áo cánh trắng, đầu vấn khăn nhung sờn, đang cặm cụi vá quần cho nó. Dáng cụ ngồi với cái lưng còng làm nó nghĩ tới một chữ C màu trắng, từ khi nó biết nhớ thì lưng cụ đã như thế rồi.

***

Có một lần nó làm cụ buồn. Đó là sau tết Trung Thu, cụ vẫn còn giữ nhiều bánh còn lại sau hôm phá cỗ trông trăng. Chiều hôm ấy, trước khi bố mẹ đi dạy về, cụ kêu nó vào buồng cho hai miếng bánh nướng thật nhiều trứng, thứ nó vẫn thích nhất. Nó vừa đạp xe vòng vòng quanh sân gạch vừa ăn bánh. Lúc ấy mẹ về, nó vội vàng phóng xe ra cổng đón mẹ. Hai mẹ con ôm chặt nhau, nó hôn mẹ làm vụn bánh dính cả vào mặt mẹ. Chợt mẹ kêu ầm lên:

“Con ăn cái gì thế?”

Nó móc trong túi áo ra mẩu bánh cắn dở, hí hửng:

“Bánh Trung Thu. Có trứng.”

Mẹ cau mặt:

“Cụ cho phải không? Bánh cũ rồi, đừng ăn nữa. Vứt đi.”

Nó ngẩn người nhìn mẹ:

“Còn ăn được mà, mẹ ăn thử đi. Ngon lắm!”

Mẹ quắc mắt:

“Ăn vào đau bụng chết. Cụ hay giữ thức ăn cũ trong buồng lắm. Mà mẹ có để cho con đói bao giờ đâu. Đem vứt ngay đi.”

Nó líu ríu đi theo mẹ vào nhà. Đến cái sọt rác trước cửa buồng cụ, mẹ và nó cùng dừng lại. Nó lo lắng chỉ sợ cụ nhìn thấy, nó định nói mẹ đem vứt ở chỗ khác, nhưng mẹ đã ra lệnh:

“Ném vào đấy!”

Như cái máy, nó quăng miếng bánh vào sọt, rồi chạy vội ra sân như đi trốn.

Nó buồn ghê lắm, không phải vì không được ăn bánh, mà vì mẹ chê bánh của cụ. Nó không tin là bánh đã cũ rồi, và ăn vào sẽ đau bụng chết. Cụ yêu nó nhất, chẳng lẽ cụ lại cho nó ăn bánh để mà chết à.

Cụ vẫy nó vào buồng, trông cụ không vui như mọi khi:

“Sao con lại vứt bánh vào sọt rác?”

Nó ngẩn người Tại sao cụ biết? Nó im lặng, không dám nói thật, vì cụ có thể sẽ giận mẹ nó, mà nó cũng không muốn cụ giận nó.

“Con vẫn thích bánh có nhiều trứng mà, tại sao kỳ này lại vứt bánh đi?”

Nó cúi gầm xuống, lí nhí:

“Mẹ không cho con ăn, mẹ bảo bánh cũ rồi. Có thể làm cho chết.”

Giọng cụ có vẻ giận:

“Thôi được, từ rày cái gì con không ăn thì đem trả lại cho cụ. Đừng có vứt đi, phí của giời. Bao nhiêu người cơm không có mà ăn kia kìa, con vứt thức ăn đi như thế là phải tội đấy!”

Nó liếc nhìn cụ, để ý thấy tròng mắt cụ loang loáng nước, bàn tay cụ run rẩy vịn vào tường khi bước lần về phía cái phản gỗ. Nó kinh hoàng nhận ra cụ đã yếu lắm rồi, có thể bị bịnh nặng không chừng, và cụ có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.

***

Từ hôm đó, nó thấy cụ yếu hẳn đi, lúc nào cũng phải chống gậy. Bà và mẹ không cho cụ nấu chè và nấu những món ăn nó thích nữa. Bây giờ nó nấu cho cụ ăn, món nào nó cũng biết nấu, toàn là những món ngon nhất, mà lại rất rẻ, chỉ có một đồng một món thôi. Cụ mua nhiều lắm, nên ngày nào nó cũng có tiền để ăn hàng đầu ngõ.

Cụ vẫn khâu quần áo cho nó, tỉ mỉ hàng giờ, đắp những mụn vải khâu chồng lên những chỗ rách. Cụ thật khéo tay, vá rất phẳng, rất chắc, khó mà rách lại lần nữa. Nó phục cụ lắm, nhưng mẹ lại không hiểu, không cho là đẹp.

Hôm đó nhà có khách, lúc họ đi về, mẹ kêu nó lại, nhìn chòng chọc bộ đồ nó đang mặc:

“Tại sao lại khâu vá chằng chịt thế này?”

Bộ quần áo ấy vừa mới vá xong buổi trưa, một miếng ở cùi chỏ, một miếng ở đầu gối, hai miếng đắp ở nách. Nó chống chế cho cụ:

“Đẹp chứ..., cụ làm lâu lắm mới xong.”

“Sao con không mặc bộ màu hồng cổ lá sen mẹ mới may?”

Nó ngần ngừ.

“Con không thích à?”

“Có, con thích chứ....”

“Đi thay đi, ai lại mặc quần áo vá bao giờ!”

“Con nghĩ là không mặc được đâu.”

“Tại sao?”, mẹ cao giọng.

Nó đành nói thật:

“Nó bị rách ở đít rồi.”

“Con làm sao mà đến nỗi rách đít, hở?”

Nó cúi đầu, không nói.

“Sao mẹ hỏi mà không trả lời?”

“Con không biết,... tự nhiên nó rách.”

Mẹ thở dài:

“Mang ra đây cho mẹ xem.”

Nó ngập ngừng:

“Cụ đang may lại, nó ở trong phòng cụ.”

Tự nhiên mẹ nổi giận bất ngờ:

“Mẹ không cho con mặc quần áo vá, nghe chưa! Nhất là lúc mẹ có khách, họ cười mình, họ tưởng nhà mình nghèo lắm đến nỗi mẹ không may nổi quần áo mới cho con. Đem vứt hết những cái đồ vá này đi!”

Mặt nó nóng bừng, nó gào lên trong đầu Không!!! Không được vứt đi của cụ! Nước mắt nó trào ra khi thấy mẹ lục lạo mớ quần áo cũ, ném sang một bên những món đồ cụ đã khâu cho nó.

Nó dậm chân tức giận:

“Con yêu cụ nhất! Tại vì cụ vá áo cho con!”

***

Cụ ngã trong phòng tắm mà suốt đêm không ai biết. Sáng ra mẹ thấy cụ nằm sóng soài bên sàn nước, không nói được nữa. Từ lúc đặt cụ lên giường, cụ mê man không biết gì hết.

Nó bôi dầu bạc hà lên mũi, lên trán cụ, bôi hết cả tay chân, như cụ vẫn làm mỗi khi nó trúng gió. Mùi dầu bay sực nức phòng, làm nó chảy nước mắt ràn rụa, có thể vì vậy mà cụ tỉnh dậy, hé mắt nhìn nó. Nó mừng quýnh:

“Cụ ơi! Con đây này!”

“Con đây này, cụ dậy đi!”

Cụ không ngồi dậy được, chỉ thấy môi mấp máy, chắc cụ muốn nói với nó. Không ai hiểu cụ muốn nói gì, nước mắt cụ ứa ra, cụ cứ nhìn nó mãi, chỉ nhìn nó thôi. Nó vỗ vỗ bàn tay khô quắt queo, bảo:

“Cụ có muốn đắp chăn thêm không? Cho đỡ lạnh!”

“Con lấy thuốc cho cụ nhé, con biết nó ở trong hộp bánh bích qui bơ.”

“Con để khăn ướt lên trán cụ nhé, cho đỡ sốt!”

Nói chán rồi nó ngồi nhìn cụ, trông cụ nằm thật kỳ lạ, bất động hơn cả cái giường. Mẹ ghé vào, bảo nó ra ngoài chơi cho cụ nghỉ. Buổi trưa nó ngủ dậy thì người ta đã mang cụ đi rồi.

Nó ghé vào phòng cụ, mọi thứ vẫn y nguyên, nó yên lòng biết cụ không đi lâu được. Quần áo cụ vẫn đầy đủ, thế nào cụ cũng phải về, mấy lọ dầu vẫn để đầu giường, ngày nào mà cụ chẳng phải bôi dầu, thế nào cụ cũng phải về.

***

Mẹ bảo: “Cụ đã lên Niết Bàn, Cụ đang ở với Phật,” để an ủi nó. Những ngày đầu nó khóc lóc thảm thiết, nhất là lúc trời chạng vạng tối, giờ mà cụ vẫn gọi là gà lên chuồng, nó đòi phải có cụ về đút cơm nó mới ăn. Mẹ dỗ nó đủ cách, mua cho nó nhiều đồ chơi mới, mua cả con búp bê thật to tóc vàng. Mẹ không đi dạy nữa, chỉ ở nhà chơi với nó.

Bây giờ thì đỡ rồi, nó không khóc nhiều nữa. Mẹ dặn đừng khóc thì mẹ sẽ may thêm áo mới cho búp bê. Mỗi chiều nó rủ mẹ bày những con búp bê xinh đẹp ra giường, chải tóc, thay quần áo cho chúng.

“Mẹ ơi, con nào đẹp nhất?”

“Mẹ ơi, mẹ thích con nào nhất?”

Mẹ mi lên má nó:

“Mẹ thích con này nhất này!”

“Không, búp bê cơ mà! Không phải con!”

“Con là búp bê của mẹ!”

Cụ cũng từng nói như thế, nó là con búp bế của cụ đấy....

Mẹ bế nó, đặt lên lòng:

“Mẹ yêu con nhất, con biết không, yêu hơn tất cả mọi thứ trên đời. Con có yêu mẹ không?”

Nó nũng nịu gật đầu.

“Con yêu ai nhất?” Mẹ nó vừa hỏi vừa tết lại tóc cho nó.

Con yêu ai nhất? Con yêu ai nhất? Nó hình dung ra cụ thân yêu, cặm cụi vá áo trong căn buồng nhỏ, dáng ngồi còng lưng như một chữ C màu trắng. Nó nhớ đến miếng bánh nướng mà nó đã vứt đi, miếng bánh không bao giờ nó còn được ăn nữa. Câu hỏi làm nó buồn ghê gớm. Nó dấu mặt vào lòng mẹ, cố hết sức để đừng khóc:

“Con yêu mẹ nhất....”



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 6640)
Tiểu Ngục hỏi: Tại sao con cứ mãi nhớ một người như vậy? Con đã uống nước sông Đoạn Hà. Con đã cùng ta chịu thử thách qua bao nhiêu khoảnh khắc của nước trời
16 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 8146)
Ba mê cờ tướng bỏ cơm. Ba ngồi ở nhà bác Mười từ sáng sớm. Trưa con chạy qua mời cơm, bác Mười bảo: “Ba mày đang đem pháo dẹp xe mã người ta, không về được đâu!”
10 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 10622)
Tôi đứng giữa phố Sét tưởng như từ lâu lắm rồi. Con đường vắng tanh, dài hun hút như một giấc mơ không có đoạn kết
03 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 7257)
Đi đến đầu chợ Lò Vôi đã nghe tiếng nhốn nháo rồi tiếng chân người chạy rầm rập.
12 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8608)
Hai tay Hoàng Anh níu lấy tay tôi và đôi mắt to tròn của nàng long lanh nhìn lại tôi, tôi tưởng chừng như chưa bao giờ thấy nàng đẹp và ngọt ngào đến như thế!
09 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 7631)
Bắt đầu từ tuổi đi học đến lúc trưởng thành. Mẹ tôi nhất nhất tuân theo lời giáo huấn của các ngưòi lớn như một sự tùng mệnh
05 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 7440)
Đã gần trưa mà Khệnh vẫn chưa mó mẩn được việc gì, hết đi ra lại đi vào, rồi lại uể oải ngồi phịch xuống cánh phản mố
02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8749)
Rời khỏi quán La Pagode, Hưng chạy xe gắn máy ngang qua đường Trương Định, bất ngờ một chiếc xe Honda vọt tới
26 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 7345)
Nằm gọn trong thung lũng sông Vàng, sau trận lụt từ trên cao nhìn xuống làng Hạ nham nhở, loang lổ như một bức tranh vẽ dở chưa khô mực.
24 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6778)
Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11062)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,