Chuyện Chó Chết

16 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 14763)
Chuyện Chó Chết

cocainethisi_2-content-content

 

1.

 

Hai mẹ con ở với bà ngoại. Bốn tuổi bé An đòi nuôi chó, bà ngoại nói:

- Không được. Nó ỉa đái dơ lắm con, rồi lông lá rụng đầy nhà. Hai mẹ con đều suyễn, nhớ không? Hai ba ngày con phải tắm cho nó không thôi nó có ve. Mỗi ngày phải dắt nó đi chơi không thôi nó quạu. Cả nhà mình đi đâu xa phải mang nó đi gởi. Ối, mệt lắm con. Đó là chưa kể đến chuyện nó có gia đình, rồi phải mang đi chích ngừa không thôi nó bị dại hoặc ca-rê.

Câu cuối bà nói với mẹ chứ bé An chưa đủ trí khôn để hiểu những chuyện phức tạp loại đó. Bé nói:

- Con thấy thằng Tí Sún có con Ki-nô, nó dắt chó đi đái ở cột đèn á. Vậy chừng nào bà cho con nuôi?

Bà bực mình:

- Nói hoài không chịu hiểu. Chừng nào bà chết rồi hai mẹ con muốn làm gì làm.

Bé ngây thơ hỏi:

- Chừng nào bà chết?

 

Sáu tuổi bé An học lớp một, đã chập chững biết đọc biết viết từ một năm trước. Khoảng tháng 10 bé viết thư cho ông già Nô-en nhờ mẹ mang ra bưu điện. Mẹ hỏi:

- Sao con viết sớm vậy? Còn hai tháng nữa mới Giáng Sinh mà!

- Bưu điện đi chậm lắm. Con thấy mẹ đợi thư dì Hương quá chừng. Ngày nào mẹ cũng ngóng ông phát thư.

Mẹ cầm bao thư đọc mấy dòng chữ nắn nót:

Thư bé An gửi ông già Nô-en

Địa chỉ Thiên Đàng

Mẹ cười cười, nói:

- Rồi, để mai mẹ đi làm ghé ngang bưu điện gửi liền.

 

Tối 9 giờ bé đi ngủ sau khi làm xong bài tập viết. Mẹ rửa chén, dọn dẹp nhà bếp, đi tắm, quên khuấy cái thư nhét trong quyển sách đang đọc. Một truyện dịch dở ẹc, giấy đen sì nhám xàm, chữ in lu câm, đọc mấy tháng trời chưa hết, nhưng mẹ đã lỡ mua vì thấy báo chí khen hay. Cái thư vì thế nằm chết trong đó.

 

Một tuần trước Giáng Sinh mẹ đi lòng vòng các tiệm bán quần áo, đồ chơi, dụng cụ học sinh tìm chọn cho bé một món quà. Giờ bé đọc giỏi rồi, có lẽ nên tập cho bé thích sách. Đến đây mẹ sực nhớ cái thư nhét trong quyển truyện dịch.

 

Tối đó thư được khui ra.

Kính thưa ông già Nô-en

Con là bé An học lớp 1 trường Nguyễn Thái Sơn con đang ở với mẹ nhà bà ngoại con hay bị suyễn nhưng con rất ngoan con ráng thở khi con bị suyễn ở trường bạn Hồng Anh hay giựt tóc con nhưng con không méc cô hôm qua con để quên cây bút chì trong lớp chắc nó mất rồi mẹ nói con hay quên đồ dí lại bỏ quần áo đồ chơi bừa bãi mẹ không thương con nữa con xin ông già Nô-en thương con cho con một con chó

Ký tên bé An 6 tuổi

 

Mẹ đọc xong cái thư, thở dài.

 

Sáng 25 tháng 12 bé An thức dậy tóc tai chôm bôm mắt mũi kèm nhèm bỗng quơ chân đụng gói quà có cột dây nơ. Đó là một ngày chủ nhật rất đẹp trời. Mẹ đang phơi đồ ngoài hiên sau, bà vẫn ngồi cạnh cửa sổ nhà trước chăm chú nận từng mũi kim. Bà hay may những cặp bợ nhấc nồi bằng cách ráp tinh vi những mẩu vải vụn xin được ở tiệm may quen gần nhà. Đường kim mũi chỉ thật khéo. Ai đến chơi bà tặng cho một cặp. Bé An mở quà thấy quyển truyện Hoàng Tử Bé có chữ ký của ông già Nô-en đề tặng ở trang đầu:

Tặng bé An 6 tuổi.

Con chơi với Hoàng Tử Bé đi, vui lắm.

Ký tên: ông già Nô-en

Kẹp trong sách là một lá thư. Bé mở ra đọc.

Bé An dễ thương của ông già Nô-en,

Ông đã nhận được thư bé gửi, kể chuyện bé bị suyễn nhưng ráng thở, bị bạn Hồng Anh giựt tóc nhưng không méc cô, bị mẹ hết thương vì hay làm mất đồ và bừa bãi... Ông nghe vậy thương bé lắm.

Về việc bé muốn ông cho con chó, bây giờ chưa được. Nuôi chó phải có thì giờ chăm sóc cho nó. Bà ngoại già rồi, còn mẹ thì đi làm cả ngày, bé An cũng phải đi học nữa, ai sẽ lo cho nó đây ? Thôi để từ từ ông tính. Để ông xem có con chó nào thật khôn, biết tự đi tắm, biết chỗ đi tè, biết đi chơi một mình khỏi cần người dắt, biết kiếm ăn khi chủ vắng nhà. Một con chó thật khỏe mạnh không có lông rụng tùm lum làm bé với mẹ phải khò khè.

Trong khi chờ đợi bé An vẫn cứ ngoan nhé. Mẹ giận thì nói vậy chứ mẹ thương bé nhất trên đời.

Ông già Nô-en chúc bé hết suyễn, học giỏi và không bị bạn ăn hiếp nữa. Ông cũng chúc bé một mùa Giáng Sinh thật an lành với mẹ và bà.

Ký tên : Ông già Nô-en.

 

Bé An vừa đọc thư vừa ràn rụa nước mắt lúc nào không hay. Bé chạy xuống cầu thang ra nhà trước mếu máo với bà :

- Bà, ông già Nô-en viết thư cho con nè !

- Đâu đưa bà coi !

Cầm cái thư, bà nheo nheo mắt đưa tờ giấy ra xa, xong chậc lưỡi nói:

- Chèng ơi, chữ ổng đó hả, sao giống chữ bả quá...

Mẹ từ dưới nhà đi lên đứng sau lưng bé An khoát khoát tay làm hiệu với bà. Bà chữa :

- Ổng viết chữ đẹp quá chớ ! Cho bà đọc qua được không ?

- Bà đọc đi. Ông già Nô-en hứa cho con một con chó biết tự săn sóc đó. Bà, mai mốt bà cho nó vô nhà mình nghe bà !

 

Bé An 9 tuổi. Bà qua đời ngày 11 tháng 6. Ngày 14 bé nhắc mẹ, giọng e dè :

- Bà nói khi nào bà chết rồi hai mẹ con muốn làm gì thì làm.

Mẹ nhìn bé An, mặt mũi mẹ nhợt nhạt, hai mí mắt sưng mọng. Trong nhà còn khói nhang nghi ngút, hoa cườm treo dựng kín hai mặt tường, khách khứa đến viếng trao đổi thì thầm làm không khí thêm nặng nề thê thảm. Mẹ đặt ngón tay trỏ lên miệng :

- Suỵt ! Con qua nhà Na chơi đi. Chừng nào khách về hai mẹ con mình nói chuyện.

 

Bé An không thích chơi với Na. Miệng nó thúi vì không chịu đánh răng. Nó lại hay xưng mày tao, chơi nhảy dây đếm ăn gian, chơi đồ hàng khi nào cũng dành làm người bán, chơi gia đình thì đòi làm mẹ, chơi dạy học chỉ muốn làm cô giáo. Học lớp 4 rồi nhưng bé An vẫn còn ngây thơ viết thư cho ông già Nô-en mỗi mùa Giáng Sinh để nhắc ông giữ lời. Năm nào ông cũng hẹn, bảo chưa kiếm được con chó thông minh xuất chúng. Bây giờ bà chết rồi, nó buồn lắm vì rất thương bà; bà lúc nào cũng bênh khi nó bị mẹ la mắng, bà cũng hay giúi cho bánh kẹo. Buồn, nhưng nó bỗng thấy có nhiều hi vọng; hay là nó viết thư cho ông già Nô-en nói ông chỉ cần kiếm cho một con chó khôn vừa vừa thôi. Thay vì qua chơi nhà Na, bé An lặng lẽ lên gác viết thư.

 

Kính thưa ông già Nô-en,

Con là bé An nè. Năm nay con chín tuổi rồi. Con học giỏi, chỉ có môn Toán con bị 6 điểm. Cô Nguyên dữ lắm, đánh con vô xương sườn tại con làm sai, nhưng bị đánh rồi con vẫn làm sai, con không biết tại sao. Con xin hứa sẽ cố gắng học đều các môn.

Ở nhà con cũng ngoan hơn nhiều. Mẹ con đi làm nhưng con tự làm bài nhà và tập đàn không đợi nhắc. Quần áo mẹ phơi khô xong con xếp lại để vô tủ.

Ngoài ra bây giờ trong nhà chỉ còn có hai mẹ con. Lúc khách về hết rồi chắc buồn lắm. Bà con nằm trong hòm màu vàng, đang chờ người ta khiêng đi xa.

Hồi đó bà con nói chừng nào bà chết rồi hai mẹ con muốn làm gì thì làm, vậy năm nay ông có thể mang con chó đến được rồi. Nếu nó ngu quá con sẽ dạy cho nó, như thằng Tí Sún đó. Con Ki-Nô bây giờ biết bắt cả chuột.

Ông không còn gì phải lo vì con thôi không xin một con chó thông minh, bà con cũng không còn ngồi ở cửa để chận không cho nó vô nhà.

Bé An ký tên.

 

Giáng Sinh năm đó ông già Nô-en lại không giữ lời, đến năm tiếp theo thì bé An đã thôi tin ở chuyện thần tiên. Chữ viết của mẹ trong các bức thư viết thay, dù cố gắng làm cho khác đi, vẫn còn phảng phất những nét đá đuôi rất mạnh tay ở những chữ g y, dấu sắc luôn được phết ngược từ dưới lên, nét vuốt không thể lẫn vào ai. Có một bức thư mẹ quên gửi bưu điện nhưng ông già Nô-en vẫn biết tuồn tuột những chuyện bí mật.

 

Ngày bé An biết sự thật động trời là một ngày thê thảm cho hai mẹ con. Cả hai cùng ngồi khóc ai oán, tiếc cho đoạn kết của câu chuyện cổ tích đã được nuôi nhiều năm. Tuy vậy từ lần đó trở đi, mỗi mùa Giáng Sinh bé An vẫn giữ thói quen viết thư cho ông già Nô-en – bây giờ là bà già Nô-en rồi, mặc dù tuổi còn rất trẻ, không mập thù lù và không có râu. Thư nào cũng gồm rõ ràng ba phần : nêu những điểm tích cực làm được trong năm, liệt kê những việc chưa tốt, cuối cùng bày tỏ nguyện vọng. Bé luôn nhận được thư trả lời, và mẹ không còn phải gò chữ thật đẹp, thật đặc biệt để giữ uy tín cho thần tượng đã sụp đổ, tuy vẫn giả mạo chữ ký.

 

Vào cái lúc An ít chờ đợi nhất, Koko xuất hiện.

Nó đến từ gia đình ông bà Lee, phụ huynh của hai trò tên Ka Eun và Sang Eun mà mẹ dạy kèm. Gia đình dọn về nước nhằm lúc họ đang nuôi một con chó ba tháng tuổi, đành phải mang cho vì không muốn tốn thêm phí máy bay. Trời ơi nó dễ thương gì đâu ! Lùn, mập, có lông xù màu cà phê pha nhiều sữa. Cái mõm ngắn ngủn làm mặt coi ngu ngu, nhưng hai con mắt biểu cảm khiến người ta cầm chắc là nó nhiễu sự.

 

Bà Lee mang Koko đến bằng xe Mercedes có tài xế lái. Cùng với Koko là tấm khăn ghiền của nó, một hộp bánh kem mua ở tiệm Brodard và một sổ sức khỏe có dán ảnh đương sự, trong ghi rõ những lần chích ngừa. Ngoài ra bà cũng tặng cô giáo ảnh gia đình chụp hai cô con gái cười rất tươi đứng cạnh bố mẹ, còn Koko đứng ngóc mõm nhìn lên cả nhà, trông rất sum vầy và cảm động. Lúc từ giả ra về để Koko lại, bà Lee rơm rớm nước mắt không biết vì phải chia tay nó hay vì không còn dịp gặp cô giáo. Bà vuốt tóc An dặn dò :

- Koko rất thích ăn bánh ngọt. Phần bánh này để tủ lạnh có thể dành cho nó ăn được một tuần. Bé thương nó dùm Ka Eun và Sang Eun nhé.

 

Bà Lee đi rồi, An nói với mẹ :

- Chết rồi mẹ ơi, nó giàu quá. Nếu bà Lee không nói, con đã xin mẹ cái bánh sô-cô-la rồi. Thấy muốn chảy nước miếng.

- Thật tình mẹ không muốn nhận nó. Mình không đủ giàu để nuôi nó bằng thịt bò bánh kem, nhưng thấy năm nào con cũng viết thư xin ông già Nô-en một món quà « mềm mềm nong nóng » mẹ...chịu không nổi. Với lại, mỗi lần mẹ đến dạy học, nó thường quấn dưới chân thấy thương. Bây giờ nó về nhà mình, con phải bỏ thì giờ chăm sóc nó đó. Nó không phải con chó xuất chúng có thể tự tắm rửa và tự kiếm ăn được đâu.

- Rồi mình cho nó ăn gì ?

- Mình ăn gì nó ăn nấy ; mình sẽ cho nó học tập cải tạo.

 

Chiều đó hai mẹ con ăn cơm với tép rang mặn và canh đậu hũ, Koko chê, nằm buồn hiu. An lo quýnh :

- Mẹ, con sợ nó chết quá.

- Không sao, đói bụng nó sẽ ăn.

Koko nhịn đói qua đến hôm sau thì thua, nó mon men xuống bếp khi mẹ đang xào sả với mắm ruốc thịt băm. Mẹ hỏi ;

- Mày ăn mắm không ? Nhà này nghèo không nuôi chó bằng thịt bò.

An nhăn nhó :

- Mẹ đừng kêu Koko bằng mày, nghe tội nghiệp nó lắm.

 

Chỉ sau một tuần Koko đã thích nghi với thực đơn thuần Việt. Nó thích mắm ruốc, biết đứng trên hai chân vẫy đuôi mỗi khi đòi ăn. Trộn cơm phải trộn thật đều, không thôi nó chỉ lựa thức ăn chừa lại cơm trắng. Ban đêm đã hết khóc ti tỉ nhớ chủ cũ. An đi học rất nôn về để thấy Koko chạy lăn quăn ra mừng chị. Mỗi ngày An dắt Koko ra cột đèn theo địa chỉ tư vấn của Tí Sún. Thỉnh thoảng trong nhà lại có một chiếc giày bị gặm đứt quai, bình nhựa đựng nước bị cắn thủng lỗ, chân ghế bị cạp trầy trụa, nhưng An khen :

- Koko khôn quá, mẹ ! Nó toàn phá đồ cũ.

 

blankSợ nó có ve, mẹ ra chợ chó mua cho nó một cái vòng bằng chất gì deo dẻo, mùi hôi rất khó chịu, ngoài bao bì có ghi vòng cổ trị ve. Koko rất bực cái vòng ; nó lấy chân trước quào ngược lên cổ tìm mọi cách để bứt ra. Mẹ giải thích :

- Chỗ bán vòng họ nói mùi hôi sẽ đuổi hết ve đi. Con đừng ôm nó nhiều rồi bị suyễn. Đừng trộn đồ ăn mặn quá nó rụng lông. Đợi nó lớn chút hai mẹ con mình dắt nó đi chơi. Tạm thời nhốt nó trong nhà không thôi nó kết bạn với mấy em mình đầy ve. Chó đẹp như nó dễ bị bắt cóc.

 

Ki-nô thỉnh thoảng đứng trước của ngó vô kêu ử ử rồi nghếch chân lên xịt dầu thơm ngay chân tường. Koko te te chạy ra hít hít ra chiều thưởng thức. An rầy :

- Koko, đừng chơi với nó. Chị thấy nó đen mà xấu nữa. Nó ăn thịt chuột đó, coi chừng bị lây bệnh dịch hạch.

 

Từ ngày có Koko An thấy vui lắm. Mẹ có bỏ ở nhà một mình cũng không thấy sợ. Chơi với nó An không lo bị ăn hiếp, trái lại còn cảm thấy mình kẻ cả, thường giở giọng chị. Lâu lâu nhìn lên bàn thờ thấy bà ngoại trong ảnh cười cười, không có vẻ gì giận việc hai mẹ con đã chờ cho bà chết để nuôi chó.

 

Một buổi sáng mới ngủ dậy mẹ xuống bếp hốt hoảng thấy Koko nằm xuội lơ, bụng thoi thóp, chiếc vòng cổ đã đứt, chỉ còn nham nhở một đoạn ngắn. Mẹ kêu:

- An ơi xuống coi con Koko nó bị gì rồi, chắc nó nhai chiếc vòng.

Mẹ bồng nó lên, vạch răng, móc họng, lay, lắc. Nhưng có vẻ nó đang yếu từ từ, hai mắt lờ đờ, ánh nhìn không đậu vào đâu. Sau này mẹ kể, thật kinh khủng khi cảm thấy rõ ràng từng khắc nhịp tim nó yếu và chậm dần rồi ngừng. Cơ thể oằn xuống, mềm đi nhưng còn hơi ấm. Mẹ nói, bất lực khi cảm nhận một sự sống đang bị lấy đi ngay trên tay mình là một kinh nghiệm đau đớn và dễ sợ.

 

Mẹ gói Koko vô tấm khăn ghiền quí tộc của nó, cho vào cái giỏ đệm rồi mang ra đầu hẻm, khúc đường còn đất đá lổn ngổn chưa tráng xi-măng. Cùng với một chú trong xóm hai người đào cái hố càn cạn chôn Koko. An không muốn đi theo. Nó ngồi trong nhà vừa khóc mùi mẫn vừa nhìn chiếc giày đứt quai, bình nước thủng lỗ còn máng tòn teng nơi cầu thang, cái ghế có 3 chân sần sùi trong góc bếp. Kể từ nay…, nghĩ đến đây nó òa lên khóc lớn cho bung hết nỗi niềm.

 

 

2.


Mỗi ngày đi học ngang chỗ khoảnh đất chôn Koko, An không thể nhìn thẳng. Mẹ nói có làm dấu để nhớ, nếu An muốn lâu lâu rủ Na và Tí Sún ra thăm. Đã có dạo ba đứa mang bông mười giờ ra cúng hàng tuần, van vái Koko đừng thèm đầu thai làm chó khổ lắm, thế nào cũng bị ve rồi chết vì cái vòng trị ve. Khi chắp tay xá xá, mặt Na trông thành kính, không chằn ăn trăn quấn như những lúc chơi chung. Còn Tí thì đã mọc răng rồi nhưng vì thói quen lúc còn sún, ít khi cười nên khi khấn lầm rầm trông cũng buồn bã ra gì. Gần đây sát hẻm người ta mới mở một quán nhậu. Mấy ông nốc bia vô đầy bụng xong ra đứng đái dọc theo chân tường, đám cỏ lớ ngớ bình thường chẳng mạnh khỏe gì nay bị u-rê liều cao hết ngóc đầu lên nổi. Mẹ cấm không cho cà rà khu vực mất vệ sinh, bảo Koko đi đầu thai rồi giờ chỉ còn xương khô không có hồn vía gì nữa, giống đất cát vậy thôi. An cố tập cho quen với ý nghĩ đó.

 

Vậy nhưng không nguôi ngoai được. Một hôm mẹ có vẻ dứt khoát nói:

- Mình đi mua một con chó.

An chần chừ :

- Con chỉ thương Koko thôi.

- Mẹ mua cho mẹ mà. Nếu con thích, mẹ cho con chơi chung.

 

Gọi là chợ chó nhưng có cả chim chóc, mèo, thỏ, bọ, cá, rùa, trăn, rắn… An mê mẩn. Chỗ này hấp dẫn còn hơn sở thú nơi cọp beo ốm nhom buồn hiu nằm trong chuồng nhìn ra, mặc dân chúng khều chọc bắt phải nhúc nhích; trẻ con quăng vô linh tinh bất cứ cái gì có thể nhưng chỉ được đáp lại bằng ánh mắt thờ ơ, nếu không nói là chán chường lẫn coi thường. Mẹ đang lom khom trước một chuồng chó con. Bốn con na ná nhau nằm chen chúc trong góc ngủ ngon lành, một con còn thức đưa mõm ra ngửi tay mẹ. Nó có lông dài màu trắng đen rũ mềm ôm hai bên sườn trông rất điệu. Trên hai mắt có hai chấm đen, nghe nói chó bốn mắt rất khôn. Ông bán chó rôm rả:

- Lấy con đó đi cô, nó lanh lắm. Cô coi nè!

Nói đến đây ông ta mở cửa chuồng bắt con chó ra, lấy cái muỗng canh vớt từ trong cái nồi gần đấy chất gì sệt sệt, xong tróc lưỡi:

- Lại đây ăn nè, ăn nè…

Con chó lanh thật, nó chạy lýnh quýnh về phía cái muỗng liếm hối hả như sợ mất phần. Mẹ có vẻ bị thuyết phục. Có tiếng thì thầm bên tai, mẹ quay lại. Một ông lạ hoắc:

- Chị đừng mua con đó. Trông nó đẹp nhưng cái đuôi nó cụt như chó bị chặt đuôi. Đuôi chó quan trọng lắm chị. Tưởng tượng chị đi làm về nó chạy ra mừng mà chị không thấy nó vẫy đuôi, mắng nó không thấy đuôi nó cụp xuống biết lỗi. Nhìn nó nằm chơi lâu lâu phất đuôi một cái đuổi ruồi cũng thấy thích.

 

Mẹ nhìn ông người lạ mĩm cười biết ơn. Thấy hai người xì xào bàn tán một hồi rồi cùng bỏ đi, ông bán chó tiu nghỉu quay mặt chỗ khác có vẻ giận. Lang thang cả buổi mẹ mới chọn được một con cũng trắng đen, có xoáy chạy dài theo sống lưng, bốn mắt; còn cái đuôi thì phải công nhận là cực đẹp. Nó lòa xòa như cái quạt phe phẩy hầu vua.

Mẹ nói:

- Mẹ đặt nó tên là Bonnie nghe. Bonnie trong bài tiếng Anh mà con hay hát đó ! Con có thấy nó ngơ ngác y như từ bên kia đại dương theo mình về nhà không ?

Mẹ lái xe gắn máy, máng cái giỏ đệm chỗ tay lái, miệng hát nho nhỏ :

My Bonnie is over the ocean

Oh bring back, bring back my Bonnie to me, to me…

Từ chỗ ngồi ở yên sau An nhìn thấy nó ngoi đầu ra khỏi miệng giỏ ngó xe cộ qua lại, gió thổi làm hai mắt nó nheo nheo, hai lỗ tai mỏng bay bay giống y trong phim hoạt họa.

 

Bonnie về nhà mới, ngó quanh quất rồi đi thẳng đến nằm bên dưới ghế đàn, nơi nó coi là chỗ ưa thích ngay lần chọn đầu tiên. Kể từ hôm đó Bonnie là thính giả trung thành mỗi khi An tập đàn, có điều nó dị ứng với mớ âm cao của giàn phím bên phải, nên nhiều bản nhạc An tập có chêm thêm phần bè giọng tru của fan. Chó của mẹ nhưng An chơi chung, chưa thương bằng Koko vì sầu cũ chưa nguôi.

 

Bonnie ngoan, dễ nuôi, không kén ăn tuy không từ chối thịt bò và bánh kem, không sợ tắm nước lạnh, không phóng uế bậy, biết sũa dữ với những người An không ưa - thậm chí thù dai, và vẫy đuôi niềm nỡ với khách quí, vốn không ai khác hơn là Na và Tí Sún, sau này thỉnh thoảng có thêm bạn học của An ở Minh Khai đến chơi. Nhận định của An:

- Bạn nào xấu tính thì nó mới sũa, tốt thì nó mừng; nó khôn lắm mẹ, biết chọn bạn giùm con.

 

Càng lớn lông Bonnie càng mượt, trên sống lưng gợn cầu kỳ những xoắn trắng đen kéo dài đến tận chóp đuôi. Không phải giống to con nên lúc cao đến khoảng 50 phân thì nó ngừng lớn. Cái mõm ngắn thuở mới nhập hộ khẩu, nay dài ra làm nó trông hơi lưu manh, mắt láu liên gian giảo, hai bên mép lại lỉa chỉa mấy cọng râu bàng bạc. Nó không xấu đi, chỉ trổ mã thành một thiếu nữ đanh đá có nhan sắc, may còn cái đuôi xòe cánh quạt giữ lại chút dịu dàng nữ tính. An hỏi:

- Sao con gái mà có râu mẹ?

 

Mẹ đi làm, An đi học, ngày nghỉ ai cũng có việc phải xong để sẵn sàng cho tuần lễ tiếp theo, nhất là An càng ngày bài vỡ càng nhiều, chưa kể những buổi đi học thêm Toán Lý Hóa và piano ở nhà các thầy cô vì vậy Bonnie luôn khi bị nhốt trong nhà. Không có chuyện dẫn chó ra cột đèn cho ị và tè như Tí Sún đã tư vấn thuở còn Koko, không có thong dong đi dạo công viên hay thậm chí huấn luyện kỷ năng bắt chuột. Nhịp sống hàng ngày của Bonnie đơn điệu, thiếu vận động, thiếu cả bạn để chơi với. Buồn tình, nó hay ngồi xổm ở hàng hiên, đưa mõm ra khe trống của cổng rào ngó ông đi qua bà đi lại, thỉnh thoảng sũa hoảng. Ki-nô của Tí Sún, chứng nào tật nấy, lại ve vãn, tưới nước hoa cám dỗ. An lại có dịp bỏ giọng chị:

- Bonnie à, nhà mình phụ nữ ai cũng đàng hoàng….

 

Sinh nhật 16 mẹ mở cassette bài Sixteen Candles, An nhảy cà tưng theo nhạc, có em Bonnie lắng quắng chạy theo vòng vòng. Chị An đã thành thiếu nữ tuổi trăng tròn, mắt sáng môi tươi, da dẻ mịn màng trắng trẻo, tóc dài, cũng xoắn tự nhiên như lông Bonnie, ngón đàn đã mướt, điểm ghi trong học bạ luôn có kèm lời khen của thầy cô phụ trách bộ môn, đặc biệt văn và ngoại ngữ. Cũng có một chàng ve vãn. Anh này là học trò cũ của mẹ. Sau 6 năm định cư ở Úc, Việt kiều về thăm quê hương, một hôm ghé qua ngôi nhà trong hẻm nhỏ của cô giáo già bỗng thấy con bé 10 tuổi ngày xưa đã lớn sân sẩn, xinh như mộng. Trong 2 tháng lưu lại với gia đình ở khu chợ Vườn Chuối, anh lui tới Phú Nhuận thường xuyên, gần như hằng ngày. Ban đầu Bonnie sũa mùi bơ sữa, mùi dầu thơm, mùi quần áo nồng nặc nước xả Comfort. Chỉ mới đánh hơi thoang thoảng xa xa ngoài ngõ nó đã lồng lộn như bắt cướp khiến An quyết đoán:

- Việt kiều này thuộc loại người xấu, rất nên đề phòng.

Lại còn tỏ ra rành rọt:

- Mẹ đọc báo thì biết.

Chỉ vài hôm sau Bonnie đổi thái độ, chuyển sang niềm nở mừng chào khách quen, hẳn do mê muội phồn vinh giả tạo, không biết khách nựng nịu vuốt ve mình cốt để lấy lòng chủ. Thỉnh thoảng anh có xin phép cô giáo đưa em đi ăn kem. An vừa điệu vừa cảnh giác. Thích được quà nhưng nhận nhiều lại đâm lo.

 

Chiều chủ nhật Việt Kiều mặc quần kaki trắng, áo sơ-mi huyết dụ, cà-vạt sọc xám đỏ đến xin phép đưa em đi ăn tối ở nhà hàng Thanh Niên đường Nguyễn Văn Chiêm, có nhạc nền dương cầm và vĩ cầm. Cổng vừa mở, Bonnie mừng quắn đít chồm lên người khách, thè lưỡi liếm tá lả. Em sững sờ nhìn anh xô ngược Bonnie tàn bạo, hai tay anh phủi lấy phủi để những vết lấm trên cái quần trắng tinh tươm trong khi Bonnie, hình như bị té đau, tẽn tò cụp đuôi chệnh choạng lui vào nhà trong, vừa đi vừa ngoái lại nhìn khách, ánh mắt vừa sợ vừa dỗi vừa hoang mang. An bấu lấy ánh mắt đó. Suốt buổi tối, trong nhạc nền óng ả và đèn vàng lãng mạn, em ít lời, chỉ chăm chú quan sát anh mân mê chỗ áo sơ-mi lụa bị quào sướt bởi móng chân Bonnie. Trên kia Vương Hương đệm piano cho Luân Vũ cưa kéo bài Czardas, dưng không mà nghe bì bõm hụt hơi như bị sặc nước.

 

Việt kiều bay rồi, An thở phào khẳng định, giọng bà cụ non:

- Ai không thương được loài vật không thể yêu được loài người.

Mẹ nói hùa:

- Dám trúng lắm à!

 

Bonnie theo An đến hết cấp ba thì già, quạu quọ, khó chịu. Con nít đi ngang nhà cũng bực, sũa lầu bầu, giọng đã bớt sung. Ai đến nhà cũng nhe răng ra gừ sẵn sàng phập. Đã có lần mẹ phải đền tiền chích ngừa chó dại cho một bà dữ như chằn có đứa con trai phá như quỷ hay thọc tay vô cổng chọc Bonnie. An thường rủa coi chừng có ngày nó đớp cụt tay cho đáng đời. Đáng đời mẹ chứ đời ai, đã bị chửi còn phải nghỉ dạy một buổi đưa thằng nhỏ đi viện Pasteur. Mẹ nói:

- Bonnie già rồi con, một năm của mình bằng 7 năm tuổi của nó.

 

Nhưng Bonnie không chết già. Ở tuổi thất thập cổ lai hi nó bị một tỉ ve bầu không biết từ đâu tấn công. Ban đầu thấy nó gãi thôi là gãi tưởng bị ngứa vì bộ lông dày, lúc vạch ra thấy sỡn tóc gáy! Trên người không có chỗ nào trên da là không có ve, con nào con nấy no nóc máu. Bác Tâm hàng xóm bình luận hẻm sau lưng có chó mới chết, chắc mấy con ve bò sang đây tìm chỗ tạm cư. Nếu quả đúng như vậy, tụi này đạt kỷ lục về tốc độ bò tập thể.

 

Mẹ khám phá ra cứ một phu nhân ve bầu màu cẩm thạch to tròn bằng hạt đậu phộng thì lại có một đức phu quân bé tí bằng con chí mén đen thùi lùi bấu sát gót, cứ vậy mà gia tăng dân số theo cấp số nhân. Tắm xà bông thuốc, cào, móc, nạy… mẹ làm đủ cách trừ việc cho nó đeo cái vòng diệt ve như Koko. Đi dạy thì thôi, về đến nhà là nhào vô lo cho nó trước, nhiều hôm đến khuya hai mẹ con mới xong cơm tối. Máu đâu mà nuôi một tỉ ve chứ! Nó bỏ ăn, ốm nhom, buồn hiu, lại có vẻ thiêm thiếp như sốt. Cái đuôi đẹp nay đã xơ xác giống khúc chồi cùn.

 

Phải mất cả tháng trời Bonnie mới tạm lấy lại sức nhưng lông vẫn lưa thưa hai bên be sườn, kết quả của xà bông, hóa chất, thuốc ghẻ. Mẹ hào phóng cho nó ăn cả thịt bò, thậm chí hầm thịt sườn nấu cháo nhừ đút từng muỗng như nuôi em bé nhưng nó chán ngán nhơi nhả, xương xẩu nổi gồ trên sống lưng nơi trước đây từng có những gợn lông xoắn pha trắng đen kéo dài đến tận đằng đuôi. Thiếu nữ đanh đá có nhan sắc giờ trông y hệt bà già trầu vừa còm nhom vừa hom hem.

 

Đã sạch ve nhưng coi bộ nó yếu lắm, chỉ vài tuần sau thì bị đại nạn, liệt hai chân sau. Chắc con chó hẻm bên kia qua đời vì bệnh ca-rê, trước khi trút hơi cuối cùng đã trăn trối căn dặn lũ ve mang vi trùng bệnh sang gieo rắc hẻm bên này. Tội gì đâu! Để di chuyển, nó ghìm hai chân trước giữ đà rướn rồi trườn người tới kéo lết theo hai cái chân liệt. Thường nó ở yên một chỗ chịu trận; tìm được chỗ kín và tối, nó đút đầu vô đó nằm im ỉm, đuôi xuội lơ kẹp giữa hai chân sau duỗi thẳng ra ngoài. Vẫn là chỗ ưa thích dưới ghế đàn. An ngại tập đàn khi có Bonnie nằm bên dưới nên phải kéo nó ra dời qua gầm bàn. Những lúc như vậy nó rất quạu, gần như hung dữ muốn xực lại chủ, nhưng yếu quá đành tiu nghỉu ư ử chấp nhận.

 

 

3.


Dưới nhà Bonnie khóc ti tỉ suốt đêm trong khi hai mẹ con nằm chung giường trên gác, đang cố dỗ giấc. An trăn qua trở lại, lo nó chết không có ai bên cạnh. Nhớ lần phát giác ra Koko thoi thóp, mẹ cầm nó trên tay nghe nhịp tim nó yếu dần rồi ngưng, người còn ấm. Không quên mẹ đã nói bất lực khi cảm nhận sự sống đang bị lấy đi ngay trên tay mình là một kinh nghiệm đau đớn và dễ sợ. Cầu Trời sẽ không phải có thêm một kinh nghiệm tương tự. An tưởng tượng chẳng thà sáng dậy thấy Bonnie đã lạnh cứng, đầu đút dưới gầm ghế đàn, nửa phần thân sau đưa ra ngoài. Chậc, tội nghiệp quá không biết nó chết lúc mấy giờ. Rồi mẹ sẽ mếu máo kéo nó ra…. Chỉ nghĩ thôi An đã khóc thút thít, thắt thỏm như biết trước sắp mất một đứa em hay một người thân trong gia đình. Đầu hẻm đã được tráng xi-măng, có xác Koko nằm dưới chân tường, nơi các đệ tử lưu linh từ quán nhậu bên cạnh chốc chốc chân nam đá chân xiêu bước sang đứng quay mặt vô tường xả bia bọt trước khi trở lại quán uống tiếp. Trong căn phòng đã tắt đèn tối thui, An ngọ nguậy, thê thiết:

- Rồi chỗ đâu mà chôn Bonnie?

Mẹ bảo:

- Trời ơi, ngủ đi để mai mẹ tính.

- Con hỏi thăm người ta nói bệnh ca-rê không thể chữa được, ăn thua là hồi chó còn nhỏ phải mang đi chích ngừa. Ủa sao mình không chích ngừa nó hả mẹ?

- Hôm mình mua, người bán chó nói đã chích rồi. Chó chợ, có phải quí tộc đi xe Mercedes ăn bánh kem Brodard như Koko đâu mà có sổ sức khỏe. Nó sống với mình 10 năm từ hồi con còn là thiếu nhi đến thành thiếu nữ, lúc nào cũng khỏe mạnh, thấy có bệnh tật gì đâu!

- Vậy bề nào nó cũng chết, con không muốn thấy nó chết mẹ ơi!

- Vậy làm sao?

- Con không muốn thấy nó chết. Rồi mình làm sao? Lòng dạ nào quẳng nó vào một bãi rác công cộng, cũng không thể tìm đâu ra một góc đất trống để chôn….

- Con im một lát cho mẹ tính có được không?

Giọng mẹ chua, bẵng nhưng buồn. Có cảm tưởng như cả hai lần đều do lỗi ở mẹ. Với Koko là cái vòng trị ve, với Bonnie, mẹ đã cả tin lời người bán.

 

Chiều thứ ba An nghỉ học Toán nhà thầy Song Minh, theo mẹ đưa Bonnie đến trạm thú y trên đường Lý Chính Thắng. Bonnie được cho vô cái giỏ đệm cũ, nay đã chật so với ngày bé con nhập hộ khẩu 10 năm trước. Bằng tất cả sức lực còn lại, nó vùng vằng muốn thoát. An leo lên yên sau xe gắn máy, tay ôm cái giỏ có hơi ấm của Bonnie, mẹ lái. Đây là lần thứ nhì Bonnie được đi chung với hai mẹ con. Lần đầu từ phố về nhà, lần này từ nhà ra phố. Nó cục cựa, cố ngoi đầu ra miệng giỏ nghếch mõm ngó dòng xe cộ xẹt qua xẹt lại, hai tai cụp, mắt lờ đờ. Sao lâu nay mình không chở nó đi chơi? Sao mình ít chạy nhảy với nó? Sao mình cấm nó có bạn? Sao mình để tuổi thanh xuân của nó tàn héo trong hẻm nhỏ, chỉ vì nhà mình… phụ nữ ai cũng đàng hoàng? Trong cổ An vướng một cục nghẹn, nó trồi lên hụp xuống như chết đuối trong dòng nước mắt bị nuốt ngược vô ngực.

 

Trạm thú y nhỏ xíu, tối hù. Bước vô cửa thấy liền một bàn gỗ có một cô mặt mũi lạnh lẽo đang ngồi nghiêm trang hí hoáy. Mặt lạnh ngẩng lên hỏi:

- Cần gì?

Mẹ từ tốn:

- Dạ chúng tôi có một con chó bị ca-rê…

- Chỗ này không trị bệnh, không chích ngừa; bị ca-rê thì chờ chết chứ còn non nước gì nữa!

- Dạ thì… nó đang chờ chết, nhưng chúng tôi không muốn chờ; ngoài ra cũng không biết sẽ giải quyết ra sao khi nó…

- Hiểu rồi! Ghi địa chỉ tên họ chủ chó, đóng 12.000 tiền mũi thuốc với tiền công, chờ lát có người mang nó qua bên kia.

Mặt lạnh giơ ngón tay chỉ sang bên phải. Đâu thấy gì. Tường chắn ngang, mặt tường tô vôi vàng vàng, nhiều chỗ tróc vữa. Nghe xa xa tiếng chó ăng ẳng đủ cung bậc, coi bộ đông. Ở đây người ta làm gì mấy con chó? Gửi điều trị, gửi tạm trú trong khi chủ đi vắng, gửi bán giùm, gửi cho không để chờ người đến xin hay chờ mấy tay chủ quán thịt cầy, còn gì nữa? Hai mẹ con ngồi chờ, cái giỏ đệm đặt dưới đất theo thế nằm. Bonnie đang cố gắng dùng hai chân trước yếu ớt cơi miệng giỏ tìm cách thoát thân. Nó đã nghe ra ngôn ngữ đồng loại? Nó đang nhặt tín hiệu qua sóng từ trường, biết trước chung cuộc? Nghe nói con gà con vịt con heo trước khi bị cắt tiết cũng biểu hiện sự kinh hãi do linh tính. An bắt đầu mếu. Cục nghẹn đã trồi lên khỏi cổ, bật ra thành tiếng. Mặt lạnh cao giọng:

- Khóc cái gì? Chó chứ có phải… Xời, đem tới đây mà còn khóc, sao không để nó ở nhà? Kìa, xách con chó đi theo ông đó đó!

 

Ông đó đó có vẻ một tay bặm trợn, mặt ngầu ngầu, mắt lừ lừ. Hai mẹ con líu ríu xách cái giỏ đệm đi theo. Vòng qua một khoảnh sân nhỏ lởm chởm gạch đá, đi ngang một bãi cũi chất cao đến vai, thấy khói vần vũ từ một hốc to trông giống cái lò khổng lồ được tấn sơ sịa bằng những thỏi gạch 4 lỗ - thứ người ta xếp chồng xen kẽ rồi khằn lại để xây tường, sau cùng đến một cửa hẹp.

 

Mặt ngầu nghiêng cái lưng dềnh dàng chen vô trước. Hành lang hẹp tó trơn trợt dẫn đến một khu ẩm ướt, nền tráng xi-măng loang lỗ. Chuồng, chuồng, chuồng, 20 cái xếp hàng dọc mỗi cái bề ngang khoảng 8 tấc, dài một mét, cửa bóp ống khóa Trung Quốc; tất cả tù mù trong ánh sáng nhợt nhạt của duy nhất một ngọn huỳnh quang 6 tấc mắc lòng thòng ở góc nhà. Từ các ô chuồng, chủ hộ gồm đủ mọi chủng loại, kích cỡ, màu lông đang cùng nổi gân cổ trổi lên bản giao hưởng tạp âm làm lạnh xương sống. Mặt ngầu mở cửa một ô trống, ra lệnh:

- Cho vô đó đi!

An tê tái trải lên cái nền nhớp nhúa tấm khăn vuông bằng nỉ màu xanh da trời, rồi mẹ cẩn thận kéo Bonnie ra khỏi giỏ đệm, nhẹ nhàng bế đặt lên đó. Bonnie bị kích động thấy rõ, nó như ráng sức rên to hơn, bụng thóp, ngực phình, hai chân trước quơ quào tuyệt vọng. Chúng nó đang truyền đạt cái gì với nhau qua bản đồng ca? Tại sao Bonnie hốt hoảng ra mặt như thể biết chắc sắp bị bỏ lại? Mặt ngầu lầu bầu, tay lắc lắc ống khóa:

- Xong rồi ra ngoài đi.

Hai mẹ con bấu nhau đứng nhìn Bonnie. Nó nhìn trả. Suốt đời An sẽ không quên. Ánh mắt níu đến sựng, được vài giây bỗng ngời lên. Vào cái lúc bất ngờ nhất, khi hai mẹ con sắp bước giật lùi ra cửa, Bonnie thu hết tàn lực đứng dậy, 4 chân lập cập như gãy khớp, đoạn khuỵu liền xuống, rũ ra trên tấm khăn nỉ. An ôm mặt chạy ra ngoài; giữa mớ tạp âm đinh tai sũa, tru lẫn khặc khặc, em vẫn nhận ra được tiếng kêu ư ử thảm thiết của Bonnie. Nó đã ám em suốt 10 ngày qua, và sẽ còn lâu nữa.

 

Trở lại gian bên, ngồi lại hai cái ghế kê sát tường ngó xéo qua bàn gỗ của mặt lạnh, hai mẹ con chờ. Không biết chờ gì. An khóc đến sưng mắt, đầu nặng, người chùng xuống. Mẹ lựng bựng không muốn về. Mặt lạnh se sẽ liếc, không nghe buông lời nào dấm dẳng, chắc cuối cùng cũng ít nhiều cảm thông nỗi niềm chia ly của người trong cuộc.

 

Lát sau, qua bức tường ngăn hai khu vực bỗng nghe xa xa bật lên một âm mí, cao đến nhói ngực, hực, rồi im. Mặt ngầu vừa tiêm thuốc cho Bonnie. Nó đã lẫm liệt đứng dậy vào phút chót để nhìn vói theo mẹ và An, cô bé mà nó đã lớn cùng. Nó muốn chứng tỏ, với tất cả sĩ diện, rằng nó vẫn còn đủ sức để cùng quay về nhà. Nó không muốn chết trước khi thực sự bị vắt kiệt bởi chứng bệnh quái quỷ. Chỉ là một buổi đi chơi bằng xe gắn máy thôi mà. Nhớ không bé An, mười năm trước…

 

Mẹ cầm cái giỏ không đưa cho An, đứng dậy nói:

- Mình đi về con.

Giọng mẹ như có nhúng nước. Hai mẹ con lừ nhừ chào mặt lạnh ra cổng. Bỗng nghe gọi giật chói lói:

- Chị gì đó ơi, quên nữa, đóng thêm 3.000 tiền cũi.

 

Vậy là người ta sẽ thiêu nó hay nướng trui nó ? Ba ngàn đồng cũi thì chín tới đâu chứ? Hóa ra cái lò gạch có khói vần vũ nhìn thấy lúc nãy là lò thiêu. An nghe trong đầu mình đang lầm rầm hát:

My Bonnie is over the oven

Oh bring back, bring back my Bonnie to me, to me…

Mẹ trở đầu xe, đi ngược đường Lý Chính Thắng để ra Hai Bà Trưng. Xe chạy ngang một bãi rác. Có một bé gái 6, 7 tuổi đang lom khom móc bịch ni-lông. An hỏi:

- Con bỏ cái giỏ lại đây nghe mẹ?

Vừa loay hoay rà xe tắp vào lề, mẹ vừa nói ừ, giọng trầm. An lia cái giỏ. Gió thổi bạt chữ ừ của mẹ theo cái giỏ đệm, nó bay chệch xuống đường. Cô bé chợt nhìn thấy, lắng nhắng chạy ra nhặt. Xe gắn máy thắng két, mặt rằn ri, giọng thổ:

- Đụ mẹ, muốn chết hả?

Cười toe, khoe hàm răng sâu, giọng kim:

- Đụ mẹ, chớ bộ tưởng tui muốn sống hả?

 

 

Trần Thị NgH.

Helsinki, 06.2011

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6808)
Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt.
21 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 5858)
Miệng tôi cố nhẩm đi nhẩm lại, như học bài thuộc lòng hồi nhỏ: anh em như thể tay chân!
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6157)
Lâm cầm tờ vé số trên tay, mắt dán vào khung hình của máy laptop, hồi hộp dò từng con số của kỳ sổ xố Mega tối hôm qua
15 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 8375)
Tôi nhận lời đến giúp việc nhà cho bà Chantal De Bry mỗi ngày. Công việc không vất vả lắm, thu dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, lau sạch bụi bặm và dọn thức ăn ra bàn
14 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6638)
Tôi không phải là Chữ Đồng Tử nên không thể trồi cát lên gặp nàng công chúa Tiên Dong
10 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6589)
dự cảm về sự thay đổi của cuộc đời trong tôi có một mối liên hệ rất rõ nét với tóc.
07 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 7896)
Nếu anh chấp nhận được, tha thứ được thì mình sẽ vô cùng hạnh phúc được sống cùng anh
03 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6908)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ
02 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 7517)
Bây giờ, thật chẳng còn gì để ngạc nhiên nữa. Quỳnh hôm qua là Hương hôm nay
20 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 7079)
Tôi nói với bà: mẹ, nếu con và chồng con không sống nổi với nhau, con sẽ về ở với mẹ đẻ
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17069)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12276)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18999)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14019)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21739)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19798)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,