TRẦN THỊ NGH.- Leo Xuống Tầng Trệt

03 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 12164)
TRẦN THỊ NGH.- Leo Xuống Tầng Trệt

 

leo_xuongcau-content-content

 

Sáng thức dậy 6 giờ theo thói quen, việc đầu tiên là mở cửa phòng để bước qua nhà vệ sinh sát bên vách. Cứng ngắc. Ở một mình trong cơ ngơi 270 mét vuông - nhà hộp bốn tầng gồm một phòng khách ăn thông nhà bếp, ba trong bốn phòng ngủ bỏ trống, hai nhà tắm, hai sân thượng cái trước cái sau um tùm cây xanh - đêm nào tôi cũng kiểm tra kỹ các cửa nẻo từ trên xuống dưới cho thật an tâm trước khi đi ngủ. Động tác nhuần nhuyễn sau khi vào phòng: kéo hai chốt ngang, ấn nút bấm, loại tay nắm bên ngoài không mở được nếu không có chìa. Luôn luôn tự nhắc nhở: bọn trộm đạo muốn vơ vét thứ gì trong nhà thì cứ, sinh mạng vẫn an toàn nếu vẫn ở yên trong phòng có hai lần chốt và một ổ bấm. Vậy nhưng sáng nay cái tay nắm kẹt cứng ngắc.

 

Trong phòng không có điện thoại, cũng may còn cái Nokia nhưng sắp hết pin. Lắc, cạy, khựi đủ cách ổ khóa vẫn trơ trơ. Lừng khừng một lát, tôi gọi Bình. Máy tắt, chỉ nghe ò í e. Giờ này còn quá sớm, hoặc hắn chưa dậy hoặc dậy rồi nhưng chưa mở máy vì còn lu bu chuẩn bị đưa vợ đi làm con đi học. Cứ khoảng 10 phút tôi lại gọi một lần, vừa gọi vừa sợ hết pin vì trong phòng không có cục sạc. Vẫn ò í e. Ân hận trước đây khi sửa nhà thay vì cho xây cái toa-lét ngay trong phòng ngủ, lại cho nó nằm rời, ken giữa hai phòng để tiết kiệm. Sau này mới thấy bất lợi, nhất là khi có khách ở chơi, cả chủ lẫn khách phải dùng chung nhà vệ sinh và nhà tắm gây lấn cấn cho cả hai phía. Còn hiện giờ thì bất lợi quá. Đã hơn một tiếng loay hoay. Oái oăm là khi muốn phó thác những trục trặc loại này, không có ai để có thể nghĩ tới ngoài Bình. Hắn là tài xế xe ôm lĩnh lương tháng, đúng giờ, lương thiện, hết lòng, khéo tay, không nhiều chuyện. Ngồi ở yên sau dưới gió nhưng không nghe phất ngược mùi thiếu vệ sinh. Chưa bao giờ hắn nề hà việc chi kể cả bưng bê vật nặng, chỉnh sửa điện nước, lâu lâu thậm chí xử giùm xác chuột chết. Tuyển lắm mới được một tay đa năng, lại đáng tin cậy. Hắn giống như Thần Đèn, cứ cọ vào Nokia là hiện ra hỏi cô chủ cần chi. Sáng nay cọ tới cọ lui, đèn vẫn tắt ngúm.

 

Ngó quanh quất tìm cách giải quyết cái tồn tại trong bụng, tôi lui cui tìm bao nhựa cho vào thùng rác nhỏ lôi ra từ gầm bàn trang điểm rồi bọc cái bao ngược quanh miệng thùng. Cái khó ló cái khôn. Nghĩ, sao trong cơn hoảng loạn vẫn còn có thể sáng tạo ra cái bô, công nhận minh mẩn. Tự nghe róc rách. Tưởng tượng sẽ còn kẹt lâu, di động hết pin, phòng ngủ nằm lọt tuốt phía sau của lầu 3, cửa sổ ngó xuống dãy nhà ọp ẹp khuất xa bên dưới, không có ban-công để trèo ra, không có nước để uống hay để tắm táp đánh răng rửa mặt, không có thức ăn, thùng rác nhỏ sẽ bội thu. Nhà thường ít khách vãng lai. Rồi sẽ cầm cự được bao lâu cho đến khi hàng xóm đánh hơi mùi phân hủy?

 

8 giờ tôi gọi lại lần nữa. May quá. Thần Đèn hớt hơ hớt hãi hỏi theo quán tính:

- Sáng nay đi đâu cô?

Tôi tường thuật nhanh, xong bảo hắn tìm ngay một thợ khóa.

- Nghe đây, cổng có bóp ống khóa, cửa vào nhà khóa bên trong còn cắm chìa trong ổ, thêm một cục Solex tổ bà chảng phía trên nữa nghe! Cửa sổ phòng khách cài hai chốt phía trong, nếu cần cứ việc khoét cửa kính cưa khung sắt. Lên lầu 3 phòng ngủ phía sau, tay nắm loại bấm cái kịt đã bị kẹt cứng. Sẽ tuồn chìa ra qua khe hở bên dưới cửa để thợ mở từ bên ngoài. Càng sớm càng tốt.

Thần Đèn dạ, dạ, em lo liền. Bất quá hắn huốt mất vài cuốc xe sáng, sẽ bắt đền sau.

 

Không biết ông thần làm gì suốt mấy tiếng đồng hồ tiếp theo đó. Tôi thắt tha thắt thỏm vớ mớ tạp chí cũ đọc nhồi. Đầu óc phân tán không trụ được dòng nào, rốt cuộc chỉ lướt mắt xoèn xoẹt qua các trang có hình gái đẹp, sốt ruột ngắm các em ẹo qua ẹo lại mắt xanh mỏ đỏ móng tím than. Có cố gắng đọc một truyện ngắn trong tuần san Thanh Niên nhưng chữ không hút. Thầm nhủ, hay là bây giờ mình đánh một giấc, tỉnh dậy sẽ thấy cửa nẻo toang hoác, đất trời thông thống, đời vui phơi phới. Nhưng hai mắt đã no sau một đêm thẳng thớm thật khó tự ru. Chưa bao giờ các tờ báo được đọc kỹ đến thế. Cứ mỗi tháng hồn nhiên trả hơn 300 ngàn tiền báo các loại được ném sớm vào sân trước, thay vì xem báo mạng, đơn giản chỉ để có cảm giác lật sột soạt trong khi uống cà-phê buổi sáng, thường khi trượt qua các tựa lớn tựa nhỏ, bỏ trang thể thao kinh tế, đậu một chút ở trang văn hóa văn nghệ, đọc kỹ tin tức thế giới trang cuối tuy chẳng mấy quan tâm đến chính trị; chẳng hiểu ra làm sao, chắc có khuynh hướng sính ngoại. 10 giờ sáng hôm nay chưa có cà-phê, cũng chưa duyệt tin. May mà còn trữ báo cũ ngay trong phòng ngủ. Đọc nhưng không mấy tí hiểu.

 

10.30 Thần Đèn gọi di động báo đã có mặt ở hàng hiên, ống khóa cổng đã được cưa, đang tiến quân vào cửa sổ để tìm cách đột nhập thay vì phá cửa chính, nhiêu khê quá. Tôi thở cái khì bảo:

- Ô-kê. Leo trèo sao đừng đạp nát cái mớ cây đang xanh rì đó nghe.

Nói xong mới thấy mình tiểu nhân.

Từ trong phòng ngủ lọt thỏm phía sau chót vót phía trên thật khó nghe được động tĩnh từ sân trước. Tôi nhấp nhổm đi tới đi lui trong căn phòng 12 mét vuông, thỉnh thoảng táy máy nhích cái ghế cho ngay chỉnh xấp báo cho gọn. Giải quyết tồn tại 3 lần, màu hổ phách đã mấp mé miệng thùng rác dung tích giới hạn. Miệng lưỡi nhàn nhạt đăng đắng, tóc tai ngó trong gương thấy bù xù như trái chôm chôm, quần áo ngủ nhàu nhượi trộn mùi chăn mền ủ đêm coi cũ sì. Thảm.

 

Lâu lắm, rồi nghe tiếng Thần Đèn sang sảng:

- Tao nói mầy thò tay vô lỗ khoét bật hai cái chốt, không thôi cưa đại một ô cửa sắt đi rồi tháo vít bưng nguyên cái khung ra.

- Thì tui đang hươi cái cưa lên nè ông nội!

Vậy là bọn họ đã xử một phần mặt kính cửa sổ, thảo nào nghe oang oang. Vụ này hao ghê, chẳng những của cải mà còn thì giờ, chưa kể thần kinh bị hủy hoại.

 

11.30 họ lên đến cửa ngục. Cha thợ khóa ra lệnh, giọng vừa mái vừa mũi:

- Luồn cái chìa khóa ra đi bà nội.

Đề huề. Ông nội có, bà nội cũng có. Tôi răm rắp.

Lục đục lạch cạch một hồi Thần Đèn tuyệt vọng nói lùng bùng qua cánh cửa gỗ:

- Tiêu rồi cô! Mở khóa bằng chìa cũng không được. Bó tay!

Tôi ngán ngẫm nói vọng ra:

- Vậy đục cái tay nắm bỏ luôn đi cho rồi!

Nghe cha thợ khóa cười khẩy khinh miệt:

- Dễ ợt!

 

Cửa mở. Thần Đèn xòe miệng cười phấn chấn, phân trần:

- Tại thằng này nó đi nhậu sớm quá cô. Phải đợi mút chỉ cà na.

Cha thợ khóa, qua giọng ngầu ngầu tưởng già, hóa ra non choẹt. Nó kêu mình bằng bà nội là phải rồi, nhưng ông nội hơi bị oan. Tội nghiệp ông nội hết lòng vì bà nội. Tôi hỏi cho có hỏi:

- Sao vô nhà được hay quá ta!

Thợ khóa, hơi thở nồng nực mùi đế, nách áo ướt đánh quầng:

- Hay chớ sao không! Nghề mà!

 

Trả tiền, đưa Thần Đèn và thợ khóa ra về, tôi quay trở vô khinh khỉnh khép hờ mấy cánh cửa. Hừ, từ nay sẽ không khóa. Ống khóa cổng đã bị cưa, cửa sổ mất một vuông sắt, tay nắm cửa phòng bị đục bỏ còn chừa một lỗ tròn đường kính 4 phân. Ghé mắt qua lỗ trống từ ngoài sẽ thấy tuồn tuột bên trong có người nằm chàng hảng, hớ hênh ngủ. Rồi sẽ phải vời một tay thợ mộc, một tay thợ hàn, một tay cắt kiếng. Vậy cho đáng đời. Rất nên học tập Nguyễn Công Trứ

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch

Người quân tử ăn chẳng cầu no

Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho

Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ

 

Tôi bước hai nấc chặp một trở lên tầng ba, đứng ngay cửa ngục ngó chăm bẳm một lát, thở phào kết luận, đánh răng rửa mặt lúc 11.40, bỏ cà-phê, không đi chợ, không sột soạt lật các trang báo, thừ người ngồi nhìn bao quát. Nhà này 1 cổng, 8 cửa lớn, 8 cửa sổ, 2 cửa toa-lét, 10 lỗ khóa 10 chìa, 9 ống khóa 9 chìa, 14 chốt cài ngang từ bên trong. Trong nhà có gì đâu mà phòng thủ còn hơn cơ dinh thủ tướng. Thật giống một gã to xác, đồ sộ nhưng thiểu năng. Từ trên xuống dưới toàn bình chậu bằng đất nung xuất thân từ Bình Dương, Thủ Dầu Một, không có cái nào thuộc đời Khang Hy. Tranh ảnh tự nguệch ngoạc treo cho sạch tường. Bàn ghế gỗ, mây tre cói lá còn sót lại từ đời Ngô Đình Diệm. Hiện đại lắm chỉ có cái lò vi-ba mua bằng tiền bán 2 cái xe đạp từ cuối thế kỷ trước. Giá trị hơn hết là cái piano Moutrie đầu bạc răng long 300 kí, nặng hơn cái quan tài có người nằm bên trong, hẳn phải đến 4 - 5 người khiêng. Vậy thì từ nay, hừ, khóa chi nữa!

 

000

 

Người yêu tôi là Khánh. Kiểu bà ơi cháu rất yêu bà, đi đâu bà cũng mua quà về cho. Không đến nỗi như thế nhưng cũng không khác chi mấy. Vụ này kéo dài 5 năm, ít hoan ca lắm sầu khúc. Do khập khiễng so le về âm vực và tiết điệu, chúng tôi chia tay. Đêm cuối Khánh cải biên bài Ngậm Ngùi * thành Nguội Ngầm ngồi ôm ghi-ta hát mùi mẫn. Tôi phục vụ cà-ry gà. Sau bữa ăn Khánh mở công-tắc chiếc Dream II gài số 1 phóng ra đầu hẻm. Rầm! Tôi không biết gì. Lúc ấy sâu trong hẻm, căn cuối, tôi đang lúi húi chồng mớ chén dĩa dơ bê qua bồn rửa, gom đồ ăn thừa ém vô các hộp nhựa cất tủ lạnh, quét vụn bánh mì trên sàn nhà, đi tắm, mặc đồ thùng thình rồi vô giường nằm. Tưởng sẽ thao thức, nhưng không, tôi lịm chỉ sau một lát lây nhây với hình ảnh Khánh xé ổ bánh mì móc ruột bỏ vỏ chấm chèm nhẹp nước cà-ry vàng khè đưa vào mồm, chảy nhễu ở khóe. Cũng nhớ cái lưỡi Khánh đưa qua đưa lại lừa xương gà qua kẽ răng. Nghe trong người đau rêm đâu đó nhưng chưa thấy nhói lên.

 

Sáng hôm sau, không muốn nhơi lại tình cũ, tôi xách giỏ đi chợ, gặp bà bán thuốc lá lẻ trực nhật ngay đầu hẻm níu lại tường thuật sôi nổi, tỏ ra biết chuyện:

- Cậu gì cháu cô hay tới chơi đó, tối quá đâm đầu vô xe cồng-ten-nơ ngay đây nè! Ngó coi, còn thấy rải cát trên vũng máu kìa!

Nói đến đây bà ta ngưng, nhìn tôi trân trân một khắc như thăm dò rồi tiếp, giọng thảng thốt:

- Bộ cô không hay biết gì hết hả? Trời ơi, tui ngồi đây thấy rõ ràng ổng nhào ra không ngó trước ngó sau, y như tự tử.

Giọng nam khàn của ông xe ôm đang đứng gần:

- Tui đậu xe đây chớ đâu! Tay này quyết chết mà! Đâu có phải nửa đêm vắng vẻ, mới 9 giờ tối, còn nườm nượp. Cháu cô hả?

Tôi đứng ngây, mãi mới mở miệng ra được:

- Vậy hả? Nó có sao không?

Bà bán thuốc chưng hửng:

- Có sao không? Nguyên cái đầu nằm dưới bánh xe mà hỏi có sao không! Bầy nhầy như tàu hũ non. Tui thấy ớn quá nên lật đật dọn tủ thuốc đẩy về sớm. Bỏ cơm luôn! Không nghĩ đến chuyện chạy vô báo cho người nhà là cô chứ ai. Cơ mà lúc đó đâu có nhớ.

Ông xe ôm nhíu mày hỏi gặng bà bán thuốc:

- Cháu bả thiệt hả?

 

Tay chân bủn rủn tôi định quay trở vô nhưng không hiểu sao lại quẹo phải, đi tiếp. Ở chợ nhỏ cách hẻm 10 phút đi bộ, rõ ràng người ta vẫn mua bán ỏm tỏi như ngày thường. Tôi đứng như trời trồng giữa chợ, có cảm tưởng đang xem ti-vi bị mất tiếng, hai tai ù điếc, óc đặc cứng. Không biết bao lâu, rồi tôi sụm xuống ngay chỗ chồm hổm của bà bán rau thơm hành ngò chanh ớt, nói càn:

- Bán một ngàn kinh giới đi!

Nghe giọng bà ta như tít tắp phía xa:

- Một ngàn bán không được. Mua đại hai ngàn đi!

Tôi hỏi:

- Hả?

 

Bỏ bó kinh giới ốm nhom vô giỏ, tôi tiếp tục đi lớ ngớ tự hỏi tại sao mua kinh giới? Định nấu bún măng hay bún riêu? Chi vậy? Cà-ry còn ém trong hai hộp nhựa, bánh mì cũng còn. Thôi đi về cho rồi. Xách tòn teng cái giỏ trong lỏn chỏn 2000 đồng kinh giới, tôi đột nhiên bước tất tả như vừa sực nhớ ra chuyện gì quan trọng.

 

Khoảng chiều chiều mấy cọng rau có vẻ như oặt oặt. Thử ngắt một lá đưa lên mũi ngửi. Thơm. Mùi này khiến thèm ăn cái chi nong nóng long lỏng, nêm tí ớt với mắm tôm; trời phải mưa mưa nữa mới phê. Ngồi nhìn mấy cái lá héo từ lúc đi chợ về đến 2 giờ chiều không biết chán, trong đầu ồm ồm ong ong hai chữ kinh giới. Kinh giới. Kinh giới. Mãi đến chạng vạng mới chợt hiểu ra là, trời đất, Khánh đã mất dạng. Giờ có muốn tìm cũng không biết làm sao. Trong suốt 5 năm dây dưa, chỉ có Khánh mò tới, ở chơi khuya, có khi ngủ lại. Tuyệt nhiên tôi không hỏi chi về nhà cửa, gia đình, công việc. Cứ thích để y nguyên vậy, do muốn khoá kín mối quan hệ, nhất quyết không chừa chút kẽ hở nào cho bất cứ thứ gì có thể lách vô. Ngoài ra, đã có ngay từ đầu những cánh cửa đóng, ở cả hai phía. Tôi không có tư cách chi chường mặt ra ở cái tang lễ không biết đang cử hành ở đâu.

 

Mười năm qua tôi vẫn giữ bó rau khô gói trong giấy báo. Tưởng sẽ quên nhưng vẫn cứ quanh quẩn với cái mùi ngai ngái của cỏ chết. Bán nhà, dọn đi nơi khác tôi vẫn tha nó theo. Trong cái cơ ngơi to xác nhưng thiểu năng, nó được nhốt ở kẹt tủ chung với quần áo trong phòng ngủ.

 

Dạo này tôi đang cố gắng yêu mến một lão sĩ. Mặt mũi quắc thước, râu tóc bạc phơ, tiên phong đạo cốt, nói năng nho nhã. Thật rành rành một bậc văn nhân. Đại khái thì cũng quấn quýt, với những bữa cơm lành canh ngọt, tuy mỗi người đều ghìm lại phần mình, trong chừng mực tình bạn. Tình bạn cái con khỉ mốc. Làm gì có thứ đó giữa đàn ông và đàn bà. Làm bộ thôi. Phía địch không biết sao chứ phe ta chốc chốc lại bồi hồi do lão có bộ ria mép tỉa rất khéo chụp trên đôi môi hơi dày, nhúc nhích khi nói cười làm nhớ ông già. Lão khiến tôi thèm có lại tình phụ tử, dẫu gì đã mất 27 năm rồi.

 

Với Khánh 10 năm trước, hay với lão sĩ bây giờ tôi không hề muốn tục hóa mối quan hệ bằng một cú điện thoại hốt hoảng lúc sáng sớm như đã làm với Thần Đèn. Rất nên giữ chút mơ màng, không có cái giống, không để dính líu đến hệ tiêu hóa hay bài tiết. Chẳng lẽ cọ vào Nokia chỉ để nói, a-lô đang đau bụng, bị tiêu chảy, thôi nghỉ ầu ơ ví dầu vài ngày. Hệ hô hấp cũng không nên, nhất là những lúc hổn hển khò khè vì suyễn. Hệ tuần hoàn thì được. Thí dụ, a-lô adrenaline đang trồi lên, tim rớt nhịp, máu dồn nhồi vì xúc động mạnh. Tệ nạn xã hội càng nên tránh. Chẳng lẽ a-lô, vừa mới bị bọn giật dọc tước mất cái bóp trong có chứng minh nhân dân, sáu trăm ngàn đồng, sổ ghi địa chỉ và cái đồng hồ đeo tay hiệu Ted Lapidus của học trò mới tặng. Hay than thở, a-lô vừa bị mấy bà bán hàng ngoài chợ Bến Thành lừa bán đồ giả. Thành ra, chẳng lẽ 6 giờ sáng cọ vào Nokia chỉ để nói a-lô đang kẹt khóa, bị bí trong phòng ngủ, chưa đánh răng, phải tè trong bao nhựa.

 

000

 

Không biết ngủ được bao lâu tự nhiên giật mình đánh thót. Ngó đồng hồ dạ quang thấy hai giờ kém năm. Lò dò kiếm công-tắc bật nghe đánh tách nhưng vẫn tối om. Cúp điện. Rị mọ lần đến cửa phòng khom người nhìn qua cái lỗ tròn đường kính 4 phân, chỗ tay nắm đã bị đục bỏ một tháng trước, thấy nhá nhem ánh sáng không biết từ đâu tạt qua miếng kính che giếng trời, rớt xuống mấy nấc cuối của cầu thang dẫn lên sân thượng. Bỗng cửa bị xô mở đập vô mặt. Chưa kịp sảng hồn đã nghe gầm giọng đàn ông, dây thanh quản bị ép, đẩy âm từ mũi xuống bụng:

- Không được la!

Không định la nhưng nghe hắn nói vậy tôi bèn máy móc đưa cả hai tay bụm lên miệng, mắt mở thao láo nhưng chỉ thấy dềnh dàng cái bóng khá quen. Không phải Khánh, không phải lão sĩ. Cha thợ khóa chứ ai. Tóc đinh 3 phân dựng đứng cao nghều nghều, mùi mồ hôi dưới quầng nách hôm nọ thật khó quên. Không thấy mặt nghe giọng cũng nhớ. Mái, mũi, hỗn. Từ bữa được giải cứu tôi hạ quyết tâm không thèm khóa cửa năm lần bảy lượt mỗi đêm trước khi đi ngủ, cũng chưa vời được tay thợ mộc, tay thợ sắt hay tay thợ cắt kiếng. Cả tháng nay không thấy trộm đạo, chủ nhà có vẻ hả hê, thiếu điều muốn ngâm nga trọn bài Hàn Nho Phong Vị Phú của Nguyễn Công Trứ.

……………………………………………

Dù ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền

Cũng bất qua thủ tài chi lỗ

Hắn xô tôi ngồi xuống mép giường, tay phải lóe ánh kim. Chà, có vũ khí. Giờ chẳng lẽ chụp đèn thần Nokia cọ cọ gọi lão sĩ, a-lô a-lô đang bị cướp. Lão có tới được cũng sẽ nho nhã đàm đạo ôn tồn với khóa tặc, a hèm, nếu anh không phản đối, xin phép anh cho tôi liên lạc với cảnh sát để trình bày vấn đề hầu tìm ra hướng giải quyết hợp lý cho cả đôi bên… Gọi Thần Đèn cũng không kịp.

Khóa tặc sủa:

- Khỏi nói nhiều! Mở tủ!

Khôn ghê! Biết tỏng phòng này có tủ, ba phòng kia nhếch nhác trống hoác. Tôi đứng dậy thành thạo đi về phía tủ đứng, mở rộng hai cánh. Thấy mớ quần áo này chắc hắn nhợn. Hai ngăn bốn chồng cao sát trần. Một chồng sơ-mi thuở còn may áo ở tiệm Saigon 3 trên đường Lê Văn Sỹ, giờ đi ngang thấy bày bán linh kiện điện tử, lạ hoắc. Một chồng áo cá sấu hàng nhái, cổ bẻ tay ngắn có túi bên trái thuở hãng dệt Thành Công đang hồi hưng thịnh. Một chồng áo thun sát nách đủ màu mua ở chợ nhỏ 20.000 đồng một cái. Một chồng quần tây tích lũy từ dạo có xếp li nổi rộng lùng thùng ở hông cho đến xếp li chìm túm ống 18 phân. Đồ mình mình biết chứ nó đâu có thấy, tối thui mà. Nó cúp cầu dao chứ gì nữa, chắc học lóm từ mấy phi vụ trong phim hành động Hollywood. Nhưng nếu khứu giác bén nhậy, bảo đảm nó nghe ra mùi kinh giới trộn với mùi vải vóc từ quá khứ. Tôi nói:

- Đó, toàn quần áo cũ.

- Đừng câu giờ. Tiền bạc nữ trang để đâu?

Mắc cười quá! Đâu có làm ăn buôn bán gì đâu mà có tiền, chỉ đi lang bang dạy kèm từng nhà vài giờ mỗi ngày. Cuối tuần lèo tèo dạy đàn tứng từng tưng. Nữ trang thì không đeo nên không có. Ngứa. Bị dị ứng kim loại, đặc biệt quí kim. Có cái đồng hồ dây da hơi tốt tốt thì bị giựt ngang giựt dọc rồi. Nhưng tỉ tê làm chi với bọn này, nó không tin đâu. Nhiều người bị tra khảo cho đến chết chỉ vì vài chục ngàn bạc lẻ. Tôi nói:

- Không có.

Hắn hết giữ kẽ, quát:

- Lì hả?

Xong giơ tay tát một cái xiểng niểng, làm té ngồi xuống mép giường. Tôi xoa xoa mặt, lưỡi nghe mặn mặn. Rì rầm như kể chuyện, tôi cố giữ giọng nhà giáo ưu tú đọat danh hiệu Viên Phấn Vàng năm năm liền:

- Sẵn dao đâm vài nhát cho rồi đi. Tưởng bà nội ham sống lắm sao? Ngó cái nhà coi, muốn lấy gì thì lấy. Tiền thì đầu tháng học trò mới đóng, bữa nay mới 25 tây. Còn hơn 400 ngàn trong cái bóp nhỏ để dưới bếp đó. Khiêng cái piano đi đi, mang bán rẻ cũng được tệ lắm vài trăm đô.

 

Giờ đã quen mắt với bóng tối, tôi thấy hắn đứng im, mắt cụp xuống ra chiều suy nghĩ. Đột nhập vô nhà người ta dễ ợt là nghề của thợ khóa, nhưng ăn cướp thì chắc chưa thạo, mới ra lò gặp phải chủ nhà liều mạng cùi. Cưỡng hiếp thì nó không thèm bà nội đâu. Nhưng sao nó để yên cho mình lải nhải, lạ! Thấy ngon ăn, tôi mặc cả:

- Một tuần nữa tới đây đi. Lãnh lương bao nhiêu đưa hết cho. Bà nội biết rõ địa chỉ điện thoại, nhớ luôn tên. Hải, đúng chưa? Lại là chỗ quen biết với thằng Bình xe ôm chứ ai. Còn giữ danh thiếp đó nhưng không thèm báo công an đâu. Thông cảm mà. Chắc túng quẫn làm càn thôi, trông người đâu có xấu.

Tự nhiên hắn ngồi thụp xuống như né đường đạn bay, hai tay ôm đầu đinh:

- Thấy bà nội ở một mình tui sinh lòng tà. Nói thiệt là cảnh nhà hơi nghiệt. Vợ tui sắp đẻ con so, còn tui thì mắc bịnh nhậu lại còn đánh bài.

Tôi chậc lưỡi:

- Trời, nghèo vậy không lo làm ăn! Đi ăn cướp trụ được bao lâu, lỡ tay mang tội giết người bị cùm mục xương có khi tử hình, ở nhà ai nuôi vợ con? Còn cha mẹ già không?

Hắn khịt mũi, lấy tay quẹt ngang. Tôi được thể làm tới:

- Bật cầu dao lên đi. Xuống dưới bà nội vét còn bao nhiêu đưa hết cho. Đầu tháng có rảnh ghé chơi, mình chia nhau xài.

Mới mấy phút trước hứa sẽ nộp hết, bây giờ định chia hai. Nhưng khóa tặc đang trong cơn bối rối không quan tâm đến chi tiết của cuộc thương thuyết.

 

Cũng không ngờ là hắn đứng dậy, thất thểu ra khỏi phòng buông bước nặng trịch xuống từng nấc thang. Tôi đi theo sau, ngực còn đánh trống trận. A-lô a-lô, adrenaline đang trồi lên, tim rớt nhịp, máu dồn nhồi vì xúc động mạnh. Chuyện này sáng mai kể lại chắc chắn hàng xóm không ai tin. Ai mà tin hắn im ỉm xòe tay nhận đành đoạn 400 ngàn rồi đi ra đường hoàng bằng cửa chính sau khi đã đột nhập bằng cửa sổ.

 

Trong tuần lễ cuối của tháng tư, mối quan hệ với lão sĩ lợt lạt thấy rõ. Hẳn lão đã ngộ ra rằng tôi đang quấn quýt với lão như trẻ mồ côi cha khát tình phụ tử. Tuy tuổi tác không đủ tạo khoảng cách thế hệ, bên cạnh lão tôi thấy mình chẳng khác chi một đứa nhỏ 10 tuổi. Với Khánh tôi đã thèm biết mấy được thể hiện tình mẹ bao la. Với tay thợ khóa, có nguy cơ tôi thành quản giáo đưa lối dẫn đường cho hắn cải tà qui chánh. Quái dị là từ cái đêm 25, tôi có vẻ ngong ngóng ngày đầu tháng. Hắn sẽ trở lại cho tôi nộp tiền lương hay không thì tôi vẫn có thể sống với câu chuyện này ít nhất là mười năm nữa, như đã ôm bó rau kinh giới để quanh quẩn với Khánh. Người ta có thể mất đi những hình ảnh, nhưng mùi cỏ chết hay mùi hôi nách thì vẫn còn đó nỗi buồn.

 

Trần Thị NgH

Sceaux, 05.2012

 

* Ngậm Ngùi nhạc Phạm Duy, thơ Huy Cận.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 274)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 342)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 345)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 550)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 548)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 401)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 821)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 679)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 818)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 734)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19001)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9184)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19190)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21740)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,