TRẦN T. DIỆU TÂM - Còn Lại Với Đời

10 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 13005)
TRẦN T. DIỆU TÂM - Còn Lại Với Đời

 senxanh-content

 

(Tác giả ghi lại cảm nghĩ sau một tai nạn xe hơi tháng 8/2000 )

 

Chiếc xe chúng tôi đang chạy về hướng Ermenonville, trên con đường đến tham dự một lễ cưới tại nhà thờ thuộc tu viện Chaalis. Con đường trải nhựa màu nâu đỏ khác thường.

 

Bỗng nhiên, tôi cảm thấy tối sầm lại, mất hết cảm giác, rơi vào một khoảng trống không. Sau đó một khoảng bao lâu tôi không biết, mở mắt ra thấy trời còn chiếu ánh nắng vàng rực. Tôi thấy nhà tôi bên cạnh, anh ấy ngả đầu sang một bên. Tôi hỏi trong hơi thở thều thào "Tại sao anh không tiếp tục lái, hay anh mệt hả? " Tôi không hiểu rằng có thật tôi đã nói được những lời như thế với nhà tôi không, hay chỉ là ý tưởng mới thoáng hiện ra trong đầu. Hình như nhà tôi trả lời " Ừ anh mệt ". Tôi trôi nổi trong một trạng thái bồng bềnh, nửa ý thức nửa vô thức. Với phản ứng thật nhanh chóng của một cơ thể bắt đầu hồi sinh, tôi nhìn xung quanh. Chiếc xe hơi của chúng tôi phía sau bị bẹp dúm như một cái hộp giấy do bàn tay ai bóp lại. Tôi biết tại nạn vừa xảy ra tức thời.

 

Đầu tôi bắt đầu nhức buốt, hình như có máu chảy xuống vai. Nghĩ đến máu, tôi lại mê thiếp vì sợ hãi.

 

Tôi nghe thấy rất mơ hồ, tiếng nói tiếng ồn ào tiếng còi của xe cứu thương. Tôi cố gắng mở mắt ra. Cảnh tượng trước mắt diễn ra giống y hệt cảnh tượng tôi thường thấy trên con đường đi làm hằng ngày. Một tai nạn xe hơi, có người bị thương nặng. Nhưng trước đây tai nạn ấy xảy ra cho người khác, nay thì xảy ra với mình.

 

Tuy toàn thân tôi đau đớn ê ẩm và nhức buốt, nhưng đây là một sự kiện lạ nên tôi ghi nhận hết tất cả mọi chi tiết. Tôi đang đóng vai chính của mẫu chuyện ngắn này. Nhà tôi mở cửa xe bước xuống, ngơ ngác như một người đang ở trong bóng tối lâu năm, vừa chợt thấy ánh sáng. Anh ấy cũng như tôi đã qua một cơn mê thiếp vì bị cú sốc quá nặng.

 

Nhà tôi không bị việc gì. Nhưng tôi bị thương trầm trọng. Cả thân thể tôi như dán chặt vào chiếc ghế xe, không thể nào cựa quậy. Hai ba người cấp cứu cố đỡ tôi đem ra khỏi xe. Nhưng chiếc cửa xe đã bị kẹt. Họ đang cưa cánh cửa xe. Khi cửa xe mở ra, hai người cứu thương nâng tôi dậy nói " Bà hãy nằm yên ". Cái lưng tôi hình như đã gãy nát. Trên xe cấp cứu, bác sĩ đang chuyền nước biển vào tay tôi, vì máu ra nhiều quá. Ông nói " Bà hãy mở mắt ra ". Vì nếu tôi cứ nhắm mắt, sợ rằng tôi sẽ mê vào cơn mê bất tận, không thể nào tỉnh dậy được. Cây cối hai bên đường vùn vụt chạy ngược chiều. Mình đi đâu đây? Mình có thể chết trước khi vào bệnh viện chăng? Tuy tự hỏi thế nhưng tôi bình tĩnh.

 

Đối đầu với cái chết, người ta không thấy sợ nữa. Nếu chết, thì tôi đã chết từ lúc nãy rồi. Nhờ suy nghĩ được như thế nên tôi yên tâm. Xe vào đến bệnh viện Senlis, các y tá đã túc trực sẵn sàng đẩy tôi vào phòng " urgence "( sau này tôi nghe kể lại có một bác sĩ làm việc tại đây đi làm về gặp thấy tai nạn, đã gọi điện thoại ngay cho bệnh viện báo tin và nhờ chuẩn bị cứu cấp). Các y tá nhẹ nhàng cởi bỏ hết áo quần tôi đang mặc.

 

Bộ áo đầm tôi mới mua ở hiệu "Un jour ailleurs ". Bộ áo màu pastel mà tôi đã đi lui đi tới mấy lần trước khi quyết định mua. Màu sắc nhã nhặn vừa ý, nhưng lại không vừa với túi tiền vì hơi đắt. Tôi yêu qúy biết bao nhiêu bộ áo mới này. Nhưng giờ đây, chiếc áo đã ướt đẫm máu từ đầu chảy ra. Chiếc nịt ngực trắng đăng ten, chiếc júp bó sát người, đôi vớ mỏnh manh, tất cả mọi thứ bị cởi bỏ. Các món nữ trang trên người cũng lần lượt tháo ra. Những thứ mà mới hồi chiều, tôi đứng trước gương cẩn thận trang hoàng cho thân thể. Bây giờ, cái lớp vỏ ấy đối với tôi đúng là những thứ vô nghĩa nhất. Vô nghĩa trước cái chết.

 

Mùi nước hoa Christian Dior từ tấm áo để bên cạnh chen lẫn mùi máu còn tươi nồng lặng lẽ thấm vào mũi tôi. Tôi chảy nước mắt, không hiểu tại sao mình khóc nhanh thế. Điều gì làm xúc cảm? Phải chăng là tính chất vô thường phù ảo tôi vừa kịp nhận ra. Cái tính chất tôi thường nghe rất nhiều, nói rất nhiều, nhưng giờ đây mới thấu hiểu.

 

Cách đây chỉ có mấy gìờ đồng hồ, tôi sang trọng, tôi lịch sự, nhờ ở cách ăn mặc điểm trang. Sau khi cởi bỏ hết mọi thứ ấy ra, tôi còn lại gì. Một thân thể trần truồng bẹp dúm của con người rất mong manh yếu đuối trước định mệnh.

 

Cô y tá cố gắng hỏi han cho tôi quên đi phần nào đau đớn :" Bà đi đâu mà ăn mặc đẹp thế? "Tôi trả lời nhẹ nhàng qua hơi thở: " Chúng tôi đi ăn đám cưới, chứ không phải đi nhà thương ". Nếu biết vào bệnh viện như thế này thì việc gì tôi phải mất công loay hoay cả buổi chiều sửa soạn tươm tất.

 

Un jour ailleurs ! Một ngày ở một nơi khác. Đúng thế. Một ngày không như mọi ngày, và nơi khác là nơi nào?

 

Sau khi chụp hình thân thể, mấy tấm phim được treo lên giá ánh sáng. Kết quả cho thấy: Xương vai gãy làm ba khúc, nhô lên nhô xuống. Xương sườn phía sau, một hai ba bốn... đều gãy. Tôi không dám nghe, tôi không dám tin. Tôi bất động như một xác chết, chỉ còn cái đầu. Nhưng máu còn chảy, cô y tá thấy da đầu bị rách, khâu mấy mũi kim. Hỏi tôi có đau không, tôi lắc đầu. Tôi chẳng hề sợ sệt trong phút giây này.

 

Đau đớn về thể xác thấm gì với nỗi đau tinh thần. Phút giây này, một mình tôi chống chọi với khắc nghiệt của định mệnh. Nó bắt tôi phải nhẫn nhục, thần phục quyền lực nó. Vì thế tôi phải tỏ ra mình rất vững tinh thần, không hề bối rối trước nguy nan nào. Tôi chưa hề chết, tôi còn sống. Còn sống, tôi cần phải vượt qua mọi trở ngại. Tôi nằm chờ đưa vào phòng mỗ. Banh da xẻ thịt. Tôi chờ đợi người ta chụp thuốc mê một cách bình tĩnh. Nhưng chờ mãi tôi sốt ruột hỏi y tá tôi có phải bị mỗ không. Nhưng cô y tá trả lời: Bác sĩ nói không cần mỗ. Và họ bắt đầu bó thân thể tôi bằng một cái đai cứng ở vai và ngực. Mỗi lúc tôi mỗi thấy đau hơn trước. Có lẽ sau khi thấy mọi chuyện đã bắt đầu ổn định, bớt nguy hiểm, ý chí tôi nghỉ ngơi không căng ra đẻ đương đầu với sợ hãi. Cho nên cơn đau có cơ hội tấn công dữ dội. Trong lúc nằm chờ đợi bác sĩ làm hồ sơ bệnh lý, và để được theo dõi sức khỏe trước khi cho về phòng, tôi lan man nghĩ ngợi cho bớt đau.

 

Trên giá ánh sáng, mấy tấm phim vẫn còn treo. Thân tôi chỉ là bộ xương ốm yếu, trơ trọi, chiếc rời, chiếc gãy. Bộ xương khẳng khiu vô hồn. Bộ xương chẳng định nghĩa được điều gì về tôi, về một người đàn bà đã sống trên năm mươi năm với đời. Khổ đau và hạnh phúc.

 

Thế đấy! "Nhà văn nữ DT " cái tên người, những người lạ thường gọi tôi. Bây giờ lại càng xa lạ hơn nữa. Tôi chỉ là những chiếc xương vô tình được ghép lại với nhau, lỏng lẻo. Chẳng còn nỗi bí ẩn nào của một đời người, với tiêng tôi. Tôi không còn một chút giá trị nào qua ánh sáng X . Đừng đòi hỏi gì nữa nhé, tôi ơi ! Tiền bạc, tình yêu, danh vọng. Bộ xương này không hề có nhu cầu ấy. Nó biết nó sẽ trở về với đất. Tôi nuốt ực xuống. Không còn nước miếng để trôi xuống trong tôi niềm tuyệt vọng thăm thẳm. Hãy nhìn cho rõ mọi chi tiết tấm phim con người mình. Để thôi cao ngạo, thôi mơ tưởng. Vì ta chỉ là những chiếc xương sườn, đã vỡ.

 

Tôi hướng mắt lên trần nhà lợp bằng thứ kiếng mờ, nghe tiếng mưa rơi lộp độp. Cô y tá nói: "Mưa lớn quá." Tôi tự hỏi không biết mấy giờ rồi, tiệc cưới bên ngoài chắc đến hồi rộn rã tiếng cười, tiếng chúc tụng. Tại sao trời mưa lớn thế này. Mới buổi chiều nắng đang tươi, vàng ấm rực rỡ. Nắng ấm đến độ tôi đã phải tháo sợi dây nịt trên ghế xe hơi vì nóng. Nhưng sau đó tôi cẩn thận gài lại. Nếu không, với tai nạn này, tôi bị bể sọ đầu vào tấm kính xe phía trước.

 

Mọi chuyên xảy ra thật lạ lùng. Sống và chết, sinh và tử chỉ cách nhau một tích tắc đồng hồ. Nhanh hơn tốc độ âm thanh và ánh sáng. Sẽ có những người tham dự tiệc cưới hôm nay, tuần sau đi đưa tang mình nếu mình chết. Tôi thích thú vì ý nghĩ này.

 

Bầu nước trợ lực nhỏ từng giọt đều đặn thánh thót vào cánh tay. Những giọt nước bé nhỏ di động, còn tôi bất động nằm lặng một mình nơi này. Người ta chờ những phản ứng khác có thể xảy ra trên cơ thể tôi. Bác sĩ và ý tá trở vào hỏi han đôi ba câu, họ yên tâm khi thấy tôi trả lời sáng suốt, đôi khi còn tỏ ý khôi hài.

 

Người ta đưa tôi về phòng, chiếc giường được đẩy đi nhẹ nhàng nhanh chóng qua các hành lang bệnh viện. Các cô y tá tóc vàng mắt xanh xinh đẹp, hình như chúng ta, mọi người đang đóng phim. Một cảnh trong phim "Les choses de la vie ". Chuyện đời. Một phim Pháp tôi xem đã mấy chục năm nay, hồi còn ở Việt Nam. Mới đây, xem lại với các tài tử Mỹ đóng. Cuốn phim với đề tài cũ không mới lạ gì, nhưng gây một cảm nhận sâu đậm với người xem là tôi vì cái chết bất ngờ của nhân vật chính trong một tai nạn xe hơi. Cuốn phim nhắc tôi rằng chết là xóa bỏ mọi vấn đề tình cảm với người sống. Sống là mở ra, chết là đóng lại.

 

Trong lúc này, tôi nghe một giọng nói tiếng Việt rất lớn, giọng của nhà tôi. Có lẽ anh kể với mọi người về tai nạn xảy ra. Nhưng với ai, với các bạn bè đến thăm chăng. Tôi tưởng chừng mình đã lìa khỏi xác, bạn bè đến thăm viếng an ủi nhà tôi. Tôi không còn phân biệt nổi trạng thái nào tôi đang sống. Nhưng đồng thời tôi biết tôi đi vào một cảnh giới khác rồi, trong đó tôi phải sống một mình không thể chia xẻ cùng ai sự bất hạnh này. Tuy nhiên tôi mừng cho nhà tôi, không bị thương tích nào. Tôi yên tâm. Anh là một người đàn ông có tinh thần lạc quan, tin tưởng vào đời sống, nhờ thế thường gặp may mắn.

 

Sau khi vào nằm yên trong căn phòng rộng, tôi chợt mở mắt. Thấy nhà tôi đứng cạnh, tôi hỏi hồi nãy anh nói với những ai mà ồn ào thế. Anh ngạc nhiên trả lời: Nãy giờ anh nằm trong máy chiếu scanner để xem cái đầu có bị gì không, làm sao anh có thể nói chuyện với ai. Có lẽ trong lúc nửa mê nửa tỉnh, tôi thấy cần thiết có bóng dáng một người thân bên cạnh. Bóng dáng của người chồng.

 

Tôi không bao giờ muốn sống một mình, và cũng không thể sống một mình. Nhưng mọi lúc mọi ngày tôi vẫn hằng nói: chỉ mong ở một nơi không có bóng người. Vì luật đời sống đôi khi làm cho tôi mệt mỏi, nghẹt thở.

 

Nằm bất động trên chiếc giường nệm trắng phau, mỗi cử động là cả toàn bộ cơ thể tôi chống cự mãnh liệt. Cả thân xác này không còn phục tùng tuân lệnh trí óc nữa. Đành phải nằm im đưa mắt nhìn vào khoảng trống bức tường bệnh viện, khoảng trống thật mênh mông.

 

Anh chị M vào thăm đem vào một bó hoa tươi màu trắng thật đẹp. Bó hoa ngày cưới con gái anh chị. Tôi nói vì mình mà tiệc cưới hôm qua mất vui. Chị cho biết bạn bè đều lo lắng khi biết tin chúng tôi bị tai nạn. Có người thấy tôi máu chảy nhiều trên đầu sợ không qua khỏi. Cô y tá biết chuyện tôi đi ăn cưới gặp tai nạn, cô cười nói: "Vậy là raté một bữa tiệc vui " Tôi nhớ lại chữ raté tiếng Pháp, bắt gặp chữ này trong một truyện ngắn ở tạp chí Sáng Tạo vào năm tôi mười tám tuổi. Một con chữ ám ảnh tôi không ngừng. Raté là không có may mắn hay khả năng để thành công, với tôi có nghĩa là định mệnh. Ai trong chúng ta cũng đều muốn đến sân ga đúng giờ để bắt kịp chuyến xe đời. Chỉ vì một lý do rất nhỏ nhặt, rất tình cờ đã làm hụt đi tất cả. Nếu chiều hôm qua, chúng tôi lái xe sớm hơn hay chậm hơn một chút thì chắc chắn không xảy ra tai nạn, chúng tôi sẽ có mặt trong buổi riệc cưới. Mọi chuyện đều vui vẻ. Nhưng vì đề phòng sợ kẹt xe dọc đường vào chiều thứ sáu, nên đẵ khởi hành sớm, xa lộ thong thả. Thế nhưng định mệnh chơi nghịch, bày trò để thử thách tôi. Làm sao tôi có thể cãi lời ông ta?

 

Tiệc cưới vẫn được diễn ra một cách tốt đẹp, cô dâu chú rể là những người hạnh phúc nhất của giây phút ấy. Hình ảnh đẹp nhất của đời người là hình ảnh đám cưới của đôi người yêu nhau. Dù tôi có nằm đau đớn trên giường, dù trời đỗ mưa lớn vào tối hôm qua, mọi việc bên ngoài tôi vẫn xảy ra đúng như chương trình dự định. Mọi chuyện vẫn an nhiên như chưa hề có tai nạn tôi xảy ra. Nếu tôi chết thì hoa vẫn nở, anh vẫn sống, chị vẫn cười, một gìờ đồng hồ có sáu mươi phút, một phút có sáu mươi giây. Tôi chỉ là một người trong sáu tỷ người của địa cầu này. Tôi chỉ là mấy cái xương sườn vỡ, sẽ tiêu đi khi cho vào lò thiêu ở nghĩa địa Père Lachaise. Có nghĩa gì một chữ " tôi ".

 

Qua hôm sau, bạn bè biết tin kéo đến hỏi thăm, nhà tôi thay tôi trả lời. Cả hai chúng tôi đều không biết gì về tai nạn đã xảy đến như thế nào, vì cả hai đều bị đưa vào cơn hôn mê bất tỉnh. Chiếc xe cam nhông đâm từ phía sau. Riêng tôi, cảm thấy như mình vừa trải qua cái chết, nay sống dậy. Đối với nhiều người khác, tai nạn thật kinh hoàng. Tôi còn sống được là may. Cái may mắn lớn nhất cho tôi, đó là tiếp cận với cái chết. Từ sự nhận thức về điều bí ẩn này, tôi tìm thấy những giá trị khác có thật và không có thật trên đời tôi sống lại.

 

Đến đêm, tôi mới thật sự sống với tai nạn. Ban đêm tôi chỉ có một mình chịu đựng đau đớn. Dù được uống mỗi ngày rất nhiều viên thuốc chống đau, cơn đau không vì thế mà giảm bớt khi tôi thức giấc. Với chất morphine trong thuốc, tôi mê đi trong cõi chết giả tạo. Nhiều lúc phải chống lại với công lực của thuốc, vì sợ rằng khi thiếp đi, tôi không còn muốn tỉnh lại nữa. Giữa đêm tối, ánh đèn điện bên ngoài hắt vào qua cửa sổ lạnh lẽo và ma quái. Tôi chỉ sợ mình chết trong đêm tối như thế này, không một lời từ giã với chồng con, không được dặn dò một lời cuối nào. Tôi thở rất yếu, có lẽ buồng phổi bị xẹp rồi chăng, nếu có việc gì xảy ra, tôi bấm nút điện cấp cứu. Liệu rằng y tá có đến kịp chăng? Khi tôi ngừng thở là chết, là hết. Đối diện với sự chết trong bóng đêm một mình là điều tôi chưa hề tưởng thấy bao giờ, nhưng giờ đây đang xảy ra. Một triệu chứng bất ngờ nào đó mà bác sĩ chưa tìm thấy, sẽ chổi dậy trong đêm tối, bóp tôi nghẹt thở. Bình nước trợ lực nhỏ đều từng giọt thời gian. Tôi xin ánh nắng ban mai đến sớm hơn, cho tôi được thấy mình có thể sống thêm một ngày nữa. Ôi đời sống, ôi một ngày, quý biết là bao!

 

Bệnh viện Senlis nơi này là bệnh viện lớn thành lập từ năm 1925, được phát triển thành bệnh viện toàn khoa. Bác sĩ và y tá làm việc rất tận tâm chu đáo, luôn luôn nụ cười trên môi. Tôi không phải lo chuyện quà cáp hay" phong thư " như hồi ở Việt Nam Cộng Sản. Trước khi nằm trên giường bệnh, phải xã giao với người săn sóc mình. Tôi nhớ một lần, con tôi suýt chết vì bị sốt xuất huyết nặng, không kịp xã giao với y tá, nó phải nằm chờ suốt từ chiều cho đến sáng hôm sau mới được cấp cứu. Máu sắp bị đông cứng, may nhờ có một bác sĩ tận tâm, tôi nghe ông mắng cô y tá về việc chậm trễ này. Suốt buổi tối ấy nằm chờ y tá gọi con vào phòng cứu cấp, tôi nghe những tiếng khóc thảm thiết của các bà mẹ có con chết. Họ bó con trong những manh chiếu cuốn lại.

 

Các cô y tá nơi đây có lẽ ít gặp bệnh nhân người Á Đông, họ hỏi tôi có hiểu tiếng Pháp không. Tôi gật đầu, họ vui vẻ thấy tôi biết nói tiếng nước họ. Tôi được đối xử như một bệnh nhân đồng chủng. Thế mà ở quê hương tôi, người Cộng Sản xem chúng tôi là người dị chủng.

 

Buổi chiều hôm sau, một bác sĩ và đoàn sinh viên thực tập vào xem xét khám nghiệm trường hợp tai nạn của tôi. Ông bác sĩ đưa các tấm phim chụp lên cao giảng giải. Tôi theo dõi lắng nghe chăm chú vào bộ xương người như mới được khai quật từ thế giới cổ đại nào đó, bộ xương của tiến kiếp tôi. Ông ấn mạnh ở phần bụng trên bụng dưới, hỏi tôi có đau không. Luôn luôn tôi lắc đầu. Nhưng ông không tin tưởng vào những cái lắc đầu " non " của tôi. Tôi phải cần được dò tìm qua máy siêu âm bộ phận gan, vì đây là cơ quan nằm sát bên cạnh những cái sườn gãy. Tôi không ngờ cơ thể mình lại sinh ra những chuyện nhiêu khê đến như vậy. Cái này liên hệ đến cái kia.

 

Tôi phải nằm trên cái bàn lạnh trong căn phòng rộng, không tiếng động, chỉ có tôi với chuyên viên siêu âm. Suốt một gìờ, chiếc máy di chuyển trên người lần mò tìm dấu vết. Bác sĩ nghi ngờ một điều gì đó ở bộ phận gan và bụng. Với một cú sốc quá mạnh như thế của tai nạn, gan phổi có thể bị thương tích là chuyện dễ xảy ra.

 

Người chuyên viên cố gắng dùng mọi khả năng chuyên môn của mình để bắt gặp, tôi thì trái lại mong cho ông ta không tìm ra thêm vết thương. Kẻ này mong tìm ra sự thật, kẻ kia mong chối bỏ sự thật. Cả hai đều im lặng trong suốt hơn một gìờ đồng hồ. Ông ta có vẻ mặt cứng cỏi, không hề nói tiếng nào với bệnh nhân. Như một anh công an đang vào nhà tôi lục xét tài liệu phản động theo lời chỉ điểm của một ai đó. Tôi rất hồi hộp theo dõi nét mặt của hắn ta, và cảm thấy thù nghịch. Tại sao hắn ta lục soát lâu đến thế, nếu có thì đã thấy tìm ra ngay mà. Trên màn ảnh nhỏ của chiếc máy, căn nhà cơ thể tôi hiện lên rõ ràng. Hy vọng hắn không thấy gì. Vừa bị trần truồng trong hơi lạnh vừa bị đe dọa mình có thể là tội nhân, thật là một thử thách cực hình. Sau đó, tôi được thoát. Ông ta cho biết không tìm thấy dấu tích. Tôi thở phào nhẹ nhõm, mình được vô tội. Nhưng sau này, bác sĩ vẫn còn nghi ngờ lá gan tôi có vẻ " phản động " trên tấm phim, nên có ghi chú xin tiếp tục theo dõi điều tra!

 

Nằm trên gìường bệnh, mới hiểu ra sống một mình không phải là chuyện của con người bình thường. Tôi mong có sự hiện diện của người khác trong lúc này. Để cùng tôi chống lại sự ác là cơn đau đớn đang hoành hành trong cơ thể. Để quyết tâm tiêu hủy nỗi ám ảnh của bệnh tật, tôi nghĩ đến lòng tốt của những người chăm sóc, những an ủi hỏi han của bạn bè thăm viếng. Hy vọng lòng thương yêu quý mến của người khác sẽ che chở cho tội tai qua nạn khỏi. Vì ai cũng chúc tôi chóng khỏi đau sớm lành lặn trở về nhà. Tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của J.P.Sartre: " L'enfer c'est les autres ". Đó là cái nhìn bi quan tiêu cực. Chính người khác là một phần sự hiện hữu của mình. Không có les autres mình trở nên vô nghĩa.

 

Một bài thơ hay không có độc giả, bài thơ không lên tiếng nói. Đó là bài thơ câm. Phải có người khác nhìn tôi đang sống, thì tôi mới thấy tôi sống thực sự. Người khác thấy tôi khỏe mạnh , tôi mới thực sự khỏe mạnh. Tôi ở trong người khác chứ tôi không ở với một mình tôi. Chính lúc này, dù tay chân bất động như một xác chết dán chặt vào nệm, tôi bình tĩnh nghĩ đến ngày mai tôi ra khỏi nơi này, gặp lại bè, làm việc như trước. Sự tin tưởng giúp cơ thể tôi bớt đau.

 

Thế nhưng những lúc ngồi viết một mình, cảm giác cô đơn chợt đến, là lúc một ý tưởng tuyệt vời hiện ra giữa cái tôi với cuộc nhân thế này. Cái cảm nhận "một mình, mình biết, một mình, mình hay" là cảm giác trống vắng độc đáo của cô đơn, đưa tới trạng thái tâm hồn vừa tê dại vừa đau thương. Một trạng thái ao ước được tự hủy diệt, để lao mình vào cái không gian vắng vẻ ấy. Cô đơn từ bỏ hiện tại, vì không thể nhập cuộc với hiện tại. Là tiếng kêu cứu trong cõi sa mạc không người. Cô đơn vì thiếu tình thương, thiếu hy vọng.

 

Không, tôi vẫn yêu lấy đời sống này, vẫn muốn nhập cuộc. Dù có thế nào chăng nữa.

 

Tôi được chuyển về một bệnh viện gần nhà để gia đình dễ bề thăm viếng. Bác sĩ tiếp tục theo dõi hồ sơ, Bộ xương tiền sử tôi nằm yên đúng vị trí, chờ chúng nối lại tình thương yêu. Nhưng những gì ở phía dưới lồng ngực vẫn là điều đáng lo ngại. Ông cho biết nếu không có gì xẩy ra thêm, tôi sẽ được xuất viện vào ngày mốt. Thật còn gì sung suớng hơn được về nhà của mình. Còn hai ngày nữa nằm trong thế giới cách biệt như một linh hồn chưa chịu rời bỏ thể xác. Đêm đến vẫn là những ám ảnh, vì không ngủ được. Lâu nay tôi từng nhờ đến ánh sáng ban ngày để làm việc, để thấy xung quanh mình, nhưng tôi không hề biết ơn nó. Bây gìờ mới hiểu giá trị của ánh nắng. Đêm trong bệnh viện, những tiếng rên la của bệnh nhân già yếu bên cạnh phòng làm tăng thêm sự đau đớn cửa cơ thể. Tiếng rên: "Au secours, au secours, hãy đem tôi ra khỏi cơn đau ". Các khớp xương như muốn gãy lìa theo tiếng kêu cứu ấy. Nhìn qua phía cửa, ban mai chưa thức dậy. Nhìn đồng hồ, mới 4 gìờ sáng. Tôi chập chờn trong tiếng gà gáy sáng ngày xưa ở quê nhà.

 

Không khí nơi bệnh viện Paris này thật khác xa với bệnh viện ở ngọai ô Senlis. Chỉ cách nhau 57 cây số đường dài, đây là đô thị. Các cô y tá đi ra đi vào làm phận sự nói chữ bonjour mà không đủ thì giờ nhìn người đối diện. Họ làm việc như những người máy, tình cảm trên nét mặt không hề hiện ra. Con người bị đô thị hóa, đã mất đi bản tính đơn sơ giản dị giàu cảm xúc của thiên nhiên.

 

Tôi nhớ lại tiểu thuyết ngày xưa "Gương vỡ lại lành" của bà T.L. Thực tế tôi chưa hề thấy bao giờ, tấm gương vỡ ra có dán khít lại, cũng sẽ cho thấy một mặt người méo mó biến dạng, không còn hoàn hảo như trước. Nay tôi "xương vỡ lại lành" như lời bác sĩ nói, tôi không tin hẳn. Đã có vết nứt rồi. Liệu rồi thân thể tôi có bị tật nguyền nào, đi đứng có được bình thường như mọi người khác hay không. Phải chống nạn hay ngồi xe lăn? Nhưng nếu không hy vọng, không tin mọi điều tốt đẹp sẽ xảy đến với mình, thì làm sao tôi có thể sống nổi cuộc đời này?

 

Tôi trở lại nhà như một thương phế binh chiến đấu nơi sa trường. Tôi đã chiến thắng với cái chết. Như người đi xa nhà một thời gian lâu lắm, tôi bồi hồi nhìn lại căn nhà với đồ đạc thân yêu của mình. Như thế là tôi được trả về với đời sống thực sự rồi, không còn những đêm thẳm thẳm bệnh viện. Tôi thuộc về thế giới của người đang sống.

 

Các con tôi ở xa gọi về " Mẹ nghỉ ngơi, đừng lo lắng gì cả, chúng con luôn ở cạnh mẹ ". Cô con gái nói "chúng con muốn về thăm mẹ ngay ". Con tôi sợ rằng nếu chậm về, sẽ không còn gặp mặt mẹ nữa. Tôi ứa nước mắt, trả lời "mẹ không thể chết được". Nói thế chứ tôi đã biết rằng sống rất khó mà chết thì quá dễ. Con tôi lo lắng chu đáo việc nhà, cậu út quý tử biết làm món ăn cho mẹ trước khi đi học. Khuấy một dĩa bột khoai tây, đổ một quả trứng gà là xong. Cô chị làm cầu kỳ hơn. Lấy sâm nấu với cà rốt rau đậu và xương để làm món xúp cho mẹ.

 

Sự lo sợ tàn tật dần dần thành một sự thật. Tôi không thể nào tự ngồi dậy hay nằm xuống một mình. Nhà tôi hoặc con tôi phải đỡ tôi. Nằm trên giường mãi thế này sao, không có thứ thuốc nào làm cho xương cốt liền lại với nhau tức thời. Chỉ có thời gian, phải ba tháng nằm yên như dự liệu. Chiếc xương vai, chiếc xương đòn gánh gãy làm ba đoạn, mong sao chóng lành để tôi còn lo gánh vác chuyện đời.

 

Những người quen biết tin gọi điện thoại hỏi thăm, tôi xin gửi cho tôi sách đọc, xâu chuỗi lần hạt. Tôi cần đến những thức ăn bổ dưỡng tinh thần trí óc. Thể xác đã bại liệt, tinh thần phải vững vàng để chổi dậy. Sách nào cũng đọc, mong tìm trong ấy lý do để hy vọng về đời sống vốn nhiều bất trắc. Và những cuốn sách về tôn giáo lại có khả năng giúp tôi tỉnh táo. Mỗi ngày tôi cầm tràng hạt của chị bạn gửi tới như tìm một điểm tựa. Ánh nắng Đức Tin đem lại hơi ấm cho cơ thể, vì hy vọng là bếp than hồng. Trời mùa hè tháng tám, ai cũng kêu nóng, nhưng riêng tôi phải đắp chăn suốt đêm lẫn ngày, có khi lạnh run. Chỉ những lúc đọc kinh hay đọc sách đạo, cơ thể tôi bớt lạnh, ít bị ho. Chuỗi tràng hạt chị bạn mua tại Lourdes, có thể đem cho người cầm một ân huệ nào đó chăng. Tôn giáo luôn luôn là kẻ cấp cứu sau cùng khi mọi phương thuốc chữa bệnh đều vô hiệu. Khi con người không còn tin ở chính mình nữa. Chỉ có tôn giáo mới giải quyết những vấn nạn của đời sống con người. Tuy tôi chưa là kẻ tuyệt vọng, nhưng tôi yếu đuối, mong manh dễ vỡ, người khác cũng như tôi. Dễ vỡ mong manh yếu đuối.Tôi biết tựa vào ai để có can đảm bước trên chiếc cầu khỉ lắt leo trong hành trình biến động đầy bất ngờ không báo trước? Tôn giáo ở trong trời đất, hay nói cách khác ở ngay trong tâm mình. Nhìn lên thấy Trời, nhìn xuống thấy Đất. Có Trời Đất bao la che chở tôi, mong sao tôi được hạnh phúc vui vẻ. Có gì đâu phải lo lắng thở than. Một ngọn cỏ bên vệ đường, có thể bị dẫm nát với chân người, mà vẫn tươi xanh. Tôi cảm thấy mình bất xứng với ngọn cỏ ấy.

 

Vì lòng nghi hoặc về đời sống, trước đây tôi luôn bi quan nghĩ ngợi. Nhưng khi nằm trên giường bệnh, tâm trí tôi tĩnh lại, hồi hướng sự sống đã qua, ngay với cái chết đã cận kề, thì không gì làm tôi có thể lo sợ nữa. Chết tôi không sợ, thì tôi sợ gì khác nữa đâu. Mọi chuyện sẽ tự nó ổn định, vì tôi có Trời ở trên và Đất ở dưới che chở định đoạt. Tôi tin tưởng vào một Đấng Thiêng Liêng, an ủi tôi trong mọi nguy nan như lúc này đây. Đấng ấy, tưởng chừng như vô hình, nhưng thật sự là hữu hình. Lòng tin tưởng này mong theo tôi cho đến cuối đời, để bắt tay với cõi chết, nói được lời Bonjour la mort một cách dịu dàng.

 

 

 

Năm 2000, người ta lo sợ những biến cố trọng đại có thể xảy ra cho nhân loại. Biến cố sẽ không xảy ra cho toàn thể, nhưng cho cá thể. Trong biến động cá thể, mỗi người sẽ tìm kiếm một giải đáp cho riêng mình để tồn tại. Có lời giải đáp hay không là do chính thiện tâm của mình. Không ai khác.

 

Từ suy nghĩ ấy, tôi thấy mình mạnh hơn lên. Tôi nhớ có một bài báo của một linh mục trẻ, viết "Thiên Chúa không có quyền năng, Thiên Chúa chỉ là tình yêu". Một suy nghĩ mới, Thượng đế không phải là người gia ân đầy quyền lực, nhưng Ông ban phát tình yêu. Nhờ tình yêu tuyệt diệu ấy, mọi chuyện ổn định, vì mọi điều trước mắt sẽ mang một ý nghĩa mới. Tôi là người đàn bà như muôn vạn người đàn bà của thế gian này, luôn luôn khao khát tình yêu. Nhưng con người vốn là một bản thể giới hạn, không thể đáp ứng với tuyệt đối tính của tình yêu muốn có. Cho nên những mẫu tình của đời này là những mảnh vỡ rướm máu. Tình yêu đòi hỏi tuyệt đối, nhưng con người đáp trả tương đối.

 

Mỗi sáng mỗi trưa mỗi chiều mỗi tối, tôi bất động nhìn ra phía bên ngòai. Mãng trời xám có mây bay, con sông Seine chảy ánh bạc lấp lánh, những chòm cây đang thay áo mùa Thu. Mọi thứ vạn vật di động biến thái trong luật cố định của thiên nhiên. Vào một buổi sáng, tôi chợt nhìn thấy nơi chậu cây đầy lá úa, nở ra hai nụ hoa lan màu trắng tinh khiết. Bất ngờ, đẹp như một lời tỏ tình. Như hy vọng, như một niềm tin.

 

Trần Thị Diệu Tâm


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 502)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 752)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 612)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
15 Tháng Mười Hai 20234:38 CH(Xem: 826)
Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên,
07 Tháng Mười Hai 202310:08 SA(Xem: 758)
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa.
05 Tháng Mười Hai 20233:20 CH(Xem: 634)
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
28 Tháng Mười Một 20235:09 CH(Xem: 786)
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt.
28 Tháng Mười Một 20233:00 CH(Xem: 986)
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972.
21 Tháng Mười Một 20234:51 CH(Xem: 823)
Rồi một hôm tôi gặp nàng. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang, nói năng dịu dàng.
14 Tháng Mười Một 20238:45 SA(Xem: 1310)
Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21729)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,