PHẠM THỊ NGỌC LIÊN - Hầm Rượu

02 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8904)
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN - Hầm Rượu

Nguyệt.

Khách sạn gần như ngủ say khi tôi trở về. Ở sảnh, chỉ còn một người tiếp tân đang chăm chú chơi trò đố chữ trên tờ báo trải rộng trước mặt. Café bar gần đó đã tắt hẳn đèn.

Người tiếp tân ngửng đầu lên nhìn tôi, cười máy móc: “Phòng 702 phải không? Miss Candy?” Tôi đáp: “Số phòng thì đúng, nhưng tôi không phải là Miss Candy. Anh đừng hùa theo hôn phu của tôi để đùa như thế nữa. Tôi tên Nguyệt. Anh có thể gọi là Miss Moon. OK?” Anh ta nhún vai: “OK, không thành vấn đề. Tôi xin lỗi, Miss Moon”. Tôi mỉm cười: “Được rồi? Hôn phu của tôi về phòng chưa?” Anh ta lắc đầu: “Chưa. Chìa khóa của cô đây”.

Bước vào thang máy, tôi nhìn đồng hồ tay. Bây giờ là hai giờ sáng. Sao Minh vẫn chưa về? Cơn giận tưởng đã bốc hơi theo những ly rượu ngoài quán bar lại quay về, âm ỉ trong lồng ngực. Có lẽ Minh cũng la cà ở một quán bar nào đó và không thèm trở về khách sạn. Anh muốn chứng tỏ cho tôi thấy “quyền lực đàn ông” của anh sao? Anh quên rằng “quyền lực đàn bà” của tôi cũng mạnh không kém sao? Để xem ai sẽ thắng ai cho biết!

Nằm trong bồn tắm nước nóng tỏa hương tinh dầu bạc hà bát ngát, thần kinh tôi dịu dần. Tôi chẳng thèm nghĩ tới Minh nữa. Cùng lắm là không kết hôn chứ gì. Với tay cầm chiếc điện thoại, tôi bấm nút tắt và đặt nó trên kệ đựng xà phòng. Những ly rượu trong quán bar lúc nãy vẫn còn tác dụng. Cảm giác lơ mơ bay bổng chiếm hữu, đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm.

Thình lình, một tiếng chuông điện thoại vang lên khiến tôi giật mình bừng tỉnh. Trong vô thức, tôi vẫn nhớ mình đã tắt nó rồi mà. Nhưng kìa, màn hình của nó vẫn phát ra ánh sáng xanh quen thuộc và một lần nữa, hồi chuông báo có tin nhắn lại vang lên. Nghĩ là Minh gọi, tôi ngồi hẳn dậy, bước ra khỏi làn nước đã trở lạnh từ lúc nào rồi với chiếc khăn tắm quấn quanh người. Cầm điện thoại lên, tôi nhìn vào dòng chữ hiện trên màn hình: “Cô có muốn uống rượu nữa không? Hãy gọi. Tôi chờ”.

Ai vậy? Màn hình hiển thị một dãy con số lạ lùng. Tất nhiên là lạ. Vì tôi không quen bất cứ ai trong thành phố này, ở đất nước này cả. Chúng tôi đã đến đây với ý định làm lành. Tôi và Minh. Những cuộc cãi vã vụn vặt trong suốt mấy tháng trước đã làm tình yêu của chúng tôi bị sứt mẻ khá nhiều. Hôn nhân vì thế cũng bị đe dọa có thể sẽ không thành. Để “khắc phục vấn đề và hiểu nhau hơn”, Minh đã rủ tôi cùng du ngoạn đến một đất nước xa lạ. Anh bảo: “Mình đi Venice nhé. Đó là một thiên đường nơi trần thế. Anh tin chúng ta sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn”. Thế nhưng, chỉ vừa đến nơi này không đầy hai bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi đã lại cãi nhau. Minh đùng đùng bỏ ra khỏi phòng sau khi ném lại câu: “Em ăn tối một mình đi, anh cần ra ngoài hít thở một chút không khí trong lành”. Kiểu nói năng của anh khiến tôi tức sôi lên. Hóa ra ở lại với tôi, anh ta sẽ bị nhiễm độc sao? Tôi hét lên: “Anh giỏi thì kiếm chỗ khác ở luôn đi, đừng về đây nữa”. Minh nhún vai rồi gõ gót giầy, đi thẳng.

Không gian yên lặng khi còn một mình trong phòng không giúp tôi dịu đi cơn giận. Làm lành là thế này ư? Tôi đứng nhìn chiếc bàn còn nguyên những đĩa thức ăn và chai rượu ngâm trong xô đá, tức điên người. Buổi tối lãng mạn mà chúng tôi muốn có đã biến mất. Tôi nắm lấy cổ chai rượu, bật nút. Anh muốn tôi ăn uống một mình chứ gì? Tôi sẽ ăn. Việc gì phải bỏ phí một đống tiền như thế này chứ?

Champagne vàng óng, sủi tăm trong chiếc ly chân cao. Chai rượu mà người chủ khách sạn đã gửi tặng với lời chúc “happy” khi Minh bảo chúng tôi đến hưởng tuần trăng mật, giờ cạn dần với chỉ mình tôi. Cầm ly rượu cuối cùng, tôi mở cửa ban công và quay vào lôi chiếc ghế bành ra. Bồng bềnh vì rượu, tôi ngồi dựa vào lòng ghế, nhìn mặt trăng trên cao tỏa ánh sáng dịu nhẹ xuống dòng kênh vòng vèo phía dưới và chợt nghĩ: Sao mình không ra ngoài nhỉ? Anh ta đi được thì mình cũng đi được. Sao lại phải ở trong phòng chờ đợi chứ? Để lát nữa anh ta về cãi nhau tiếp à? Đủ rồi. Mình sẽ đi.

Ban đêm khá lạnh. Tôi quấn chặt chiếc khăn quàng cổ, đi lững thững ra ngoài tiền sảnh. Người tiếp tân im lặng nhận chìa khóa phòng từ tay tôi, bỏ vào hộc. Tôi hỏi: “Gần đây có quán rượu nào không, làm ơn chỉ cho tôi với”. Anh ta tươi cười đưa cho tôi một tấm bản đồ và chỉ vào một cái tên quán. Paradise à? Tôi mỉm cười cảm ơn và bước ra khỏi cửa.

Quán cách khách sạn hai cây cầu, ở một vòng cung sát bờ sông, bàn đặt ngoài trời và trong nhà. Vẫn còn khá nhiều du khách ngồi bên trong, có lẽ vì bên ngoài khá lạnh. Gió từ dòng kênh thổi lùa hun hút khiến tôi rùng mình. Định bước vào bên trong nhưng nhìn những chiếc bàn trống bên ngoài, tôi lại chặc lưỡi ngồi xuống. Uống rượu vào sẽ ấm, sợ gì chứ? Ngước mắt nhìn người phục vụ đang bước đến, tôi gọi: “Cho một Tequila”.

Một giọng nói từ phía sau đột ngột nổi lên khiến tôi hơi giật mình: “Tôi đề nghị cô uống Sangrita. Thứ đó ngon hơn nhiều”. Quay mặt lại, tôi nhìn thấy một người đàn ông mái tóc nâu vàng như mật ong đang mỉm cười. Ông ta ngồi ở chiếc bàn trong góc khuất và có lẽ đã ở đó khá lâu vì tôi nhìn thấy ba, bốn chiếc ly không trước mặt. Thấy tôi quay lại nhìn, ông ta đứng dậy, bước sang: “Cho phép tôi được mời cô một ly Sangrita nhé”. Tôi bảo: “Nhưng tôi không quen ông”. Ông ta nhún vai: “Thì sau ly rượu đó, chúng ta sẽ quen. Tôi là Jean Paul. Cô tên gì? Để tôi đoán nhé. Có lẽ cô tên Moon phải không?” Tôi hơi đờ người ra một giây: “Sao? Ông biết tên tôi à?”. Ông ta nhướn mày: “Ồ không. Tôi chỉ đoán thôi. Vì gương mặt cô sáng như trăng ấy. Té ra cô tên Moon thật à? Tuyệt quá. Tôi phải tự thưởng cho mình một ly mới được”. Kiểu trò chuyện của ông ta thật tự nhiên và gần gũi khiến tôi bớt hẳn căng thẳng. Tôi mỉm cười: “Ông muốn mời tôi uống Sangrita cũng được, nhưng phải ngồi chung bàn với tôi một lúc”. Jean Paul cười: “Tốt quá. Tôi sẽ ngồi đến khi nào cô đuổi tôi đi”.

Đúng như ông ta bảo, Sangrita ngon tuyệt, nóng bỏng với mùi thơm thơm của nước cam, một chút vị ngọt của sirô lựu và chất cay xé lưỡi của bột ớt. Thấy tôi uống cạn ly rượu, Jean Paul cười: “Mê rồi phải không? Tôi sẽ gọi cho cô thêm một ly nữa”.

Những ly champagne ở khách sạn vốn đã làm tôi bồng bềnh, cộng thêm Sangrita cháy bỏng khiến tôi càng chao đảo hơn. Mặt trăng trên cao thả ánh sáng vằng vặc xuống dòng kênh tạo nên một khung cảnh huyền ảo tuyệt vời. Những chiếc Gondola cuối cùng đang im lìm lướt qua với từng cặp ngồi dựa vào nhau trông thật lãng mạn. Nó khiến tôi nhớ tới lý do mình ở Venice và thấy buồn vô cùng. Vì sao tôi không thể chiều lòng Minh một chút và chấp nhận những thiếu sót của anh để chuyến đi làm lành có kết quả tốt? Vì sao Minh không chịu nhún mình trước thái độ cứng đầu của tôi? Dẫu sao tôi cũng là đàn bà và đàn bà luôn cần được chiều chuộng dù có những yêu cầu thật kỳ quặc.

Nghĩ đến Minh, tôi uống cạn một hơi ly Sangrita thứ ba và cầm điện thoại lên xem. Màn hình im lìm, không tin nhắn, không một cuộc gọi. Tim tôi nhói đau và tôi vẫy người phục vụ: “Thêm một ly nữa”. Nhưng Jean Paul đã cản lại: “Sangrita uống nhiều quá sẽ mất ngon. Tôi thấy cô uống như thế cũng nhiều rồi. Cô có chuyện gì buồn lắm sao?” Chỉ cần một câu khơi gợi đó, tôi đã tuôn ra tất cả nỗi bực dọc, u uẩn của mình cho Jean Paul nghe. Và nước mắt tôi nhỏ xuống ly rượu cạn trước mặt. Jean Paul dịu dàng: “Khách sạn cô ở có gần đây không? Tôi sẽ đưa cô về. Có lẽ anh ấy đang sốt ruột chờ cô đấy. Đừng buồn nữa”.

Không hiểu sao, người đàn ông mới quen gieo cho tôi một cảm giác hết sức tin cậy. Thế là tôi ngoan ngoãn đứng lên, tựa vào tay Jean Paul để chập choạng ra về. Đã khuya lắm rồi. Dòng kênh trước mặt không còn chiếc Gondola nào nữa và những con đường nho nhỏ của Venice cũng chỉ còn rải rác bóng người. Những cơn gió lồng lộng thổi lùa trên đường phố khiến tôi rét run và bớt hẳn cảm giác lảo đảo vì rượu. Còn một đoạn đường nữa là đến khách sạn. Tôi ngừng lại và bảo Jean Paul: “Ông đưa tôi về tới đây là được rồi. Cảm ơn ông rất nhiều”. Ông ta bảo: “Tạm biệt cô, Moon. Chúng ta sẽ gặp lại”. Và ông ta cúi người hôn nhẹ trên trán tôi trước khi quay lưng đi.

Phải chăng tin nhắn đó là của Jean Paul? Nhưng làm sao ông ta biết được số máy của tôi chứ? Tôi bấm vào con số hiển thị, gọi lại. Đúng là Jean Paul. Giọng ông dịu dàng: “Cô vẫn chưa ngủ sao? Anh ấy chưa về phải không?” Tôi hỏi: “Sao ông có số máy của tôi?” Ông đáp, vẫn dịu dàng: “Chuyện đó không quan trọng. Tôi sẽ chờ cô ở đúng chỗ chúng ta chia tay lúc nãy. Nếu cô còn thích uống rượu, tôi sẽ đưa cô đến một chỗ rất đặc biệt để uống”.

Vậy là tôi đi. Người trực tiếp tân nhận chìa khóa từ tay tôi, mắt hơi liếc lên chiếc đồng hồ treo tường. Tôi nhìn theo. Đã ba giờ sáng. Có lẽ anh ta đang tự hỏi tôi sẽ đi đâu vào giờ cả Venice đã ngủ? Tôi cười và bảo anh ta: “Đừng lo. Tôi biết còn vài quán rượu mở cửa tới sáng đấy”. Anh ta cũng mỉm cười: “Tôi sẽ nói với hôn phu cô như thế nhé?” Tôi nhún vai: “Ok, không việc gì”, và bước thẳng ra ngoài cửa.

 

Minh.

Ba giờ rưỡi sáng, tôi trở về khách sạn. Người trực tiếp tân đưa chìa khóa cho tôi, ánh mắt kỳ lạ khiến tôi bật hỏi: “Có việc gì thế?”. Anh ta trả lời ngay: “Vợ chưa cưới của ông. Cô ấy vừa mới đi khỏi khoảng vài chục phút”. Bần thần cầm chiếc chìa khóa trong tay, tôi tự hỏi: “Nguyệt đi đâu lúc khuya khoắt thế này? Cô ấy đi tìm mình sao?” Như đoán biết ý nghĩ của tôi, người tiếp tân nói tiếp: “Tôi nghe cô ấy nói là đi uống rượu”. Uống rượu? Giờ này, chỉ còn rất ít quán rượu ở Venice mở cửa mà cả Nguyệt và tôi đều không biết chỗ. Đi tìm cô ấy cho đến sáng chưa chắc đã thấy. Vì thế, tôi đành mang nỗi bứt rứt của mình vào thang máy, bấm nút lên phòng.

Trong phòng, bàn tiệc còn bừa bộn. Chai champagne cạn tới đáy nằm ngả nghiêng trong xô đá đã tan thành nước. Một chiếc ghế bành đặt ngoài ban công. Có lẽ Nguyệt đã ngồi ở đó uống rượu và chờ tôi.

Căn phòng lạnh lẽo với chiếc giường chăn gối phẳng phiu. Lẽ ra chúng tôi sẽ có một đêm ngọt ngào và lãng mạn trên chiếc giường đó, không phải mỗi người một nơi như thế này. Khi đùng đùng bỏ ra khỏi phòng, tôi nghĩ mình sẽ đi đâu đó một chút thôi rồi quay về, làm lành với Nguyệt. Chịu thua đàn bà một chút cũng chẳng sao. Thế nhưng, khi đi lang thang qua vài con đường, nhìn những cặp tay trong tay nói cười vui vẻ, cơn tức của tôi lại nổi lên. Vì sao Nguyệt luôn chứng tỏ sự mạnh mẽ không cần thiết của cô ấy trong mỗi lần tranh luận? Vì sao cô ấy luôn độc đoán trong mọi suy nghĩ và hành động? Dù khởi đầu chỉ là một lý do rất nhỏ, cô ấy luôn xé ra to bằng những phân tích, lý luận chồng chéo, khiến tôi điên đầu. Kết thúc luôn là một trận cãi nhau nảy lửa. Chẳng hạn như lúc chiều.

Khi đi dạo qua quảng trường San Marco, Nguyệt vui thích trước hàng đàn bồ câu thong dong bay, đậu trên nền gạch mát lạnh. Do chính quyền ở Venice đã cấm cho chim bồ câu ăn nên không còn ai bán thóc ở quảng trường nữa. Nguyệt mua một chiếc bánh ngọt rồi đi đến giữa bầy chim, ngồi thụp xuống, lén lút bẻ bánh cho chúng xúm lại ăn và ra dấu bảo tôi chụp ảnh. Không hiểu máy ảnh bị hóc cái gì mà ống kính mãi không mở ra được. Lũ chim ăn hết bánh lại đủng đỉnh bay sang chỗ người khác. Nguyệt luyến tiếc nhìn theo lũ chim, hỏi tôi: “Máy bị làm sao vậy anh?” và khi tôi phát giác ra là máy hết pin thì cô nổi cáu: “Anh thật là đoảng. Có mỗi việc sạc pin mà cũng quên”. Tôi cười xòa, dỗ dành: “Mình còn ở đây cả tuần mà em. Mai mình lại ra đây uống cà phê. Anh hứa sẽ sạc pin đầy đủ, cả pin “sơ cua” nữa để em tha hồ chụp ảnh”. Dù cô vẫn còn vùng vằng nhưng cũng im lặng theo chiều tay tôi kéo vào một quán cà phê. Tưởng như thế là xong. Ai ngờ đến lúc về phòng khách sạn, cô nổi cáu trở lại vì một lý do rất nhỏ: tôi tắm quá lâu và làm nền phòng tắm ướt nhẹp. Tôi đùa: “Em bớt khó tính một chút đi. Phòng tắm là để tắm chứ có phải để ngủ đâu mà cần khô?”. Cô quát lên: “Anh nói chuyện gàn dở lắm. Anh quên là em chưa tắm à? Chỉ anh được dùng phòng tắm khô ráo, sạch sẽ, còn em phải chịu phòng ướt và nhớp nháp sao?” Rồi cô nhắc lại chuyện quên sạc pin lúc chiều và vô số những lỗi nhỏ mà tôi mắc phải từ xa xưa lắm. Cô bảo: “Anh vô tâm vậy sao mình cưới nhau được? Để em lúc nào cũng phải đi theo anh dọn à?” Bao nhiêu vui vẻ trong lòng tôi tan biến hết. Cô có quyền gì mà mắng mỏ, chỉ trích tôi như thế chứ? Không gian trong phòng càng lúc càng ngột ngạt. Cục tức của tôi đã tràn lên ngang ngực. Biết rằng chỉ cần nghe cô ca cẩm thêm vài câu nữa là mình sẽ hét lên, tôi với tay lấy chiếc áo khoác và bảo: “Em ăn tối một mình đi. Anh cần ra ngoài một chút để hít thở không khí trong lành”. Thế là cô hét lên: “Anh đi được thì đi luôn đi, đừng về nữa…”

Không gian giá lạnh bên ngoài khiến tôi trấn tĩnh được một chút, nhưng khi thấy các đôi ấm áp bên nhau, nghĩ lại giây phút cãi vã với Nguyệt, tôi cảm thấy buồn và chẳng muốn về phòng ngay. Tôi cứ đi bách bộ theo con đường ngoằn ngoèo bên ngoài khách sạn và ngừng chân ở một quán rượu nhỏ có cách bài trí thật giản dị. Ngồi lặng lẽ một mình ở quầy, tôi uống hết ly rượu này đến ly rượu khác khiến người bar tender để ý. Rót đầy vào một chiếc ly chân cao thứ rượu gì trong vắt và đẩy đến trước mặt tôi, anh ta nói: “Tôi đoán ông bạn đang có chuyện buồn phải không? Nhưng Venice không phải là nơi ấp ủ nỗi buồn. Ông bạn hãy uống ly rượu này rồi sẽ thấy hưng phấn, vui vẻ hơn”. Đôi mắt đen nhánh của anh ta nhìn tôi chứa đầy sự an ủi. Thế là tôi nâng ly rượu, uống một hơi cạn sạch.

Lombard – tên anh chàng bar tender – nói chuyện cực kỳ duyên dáng. Tự rót cho mình một ly, anh ta đối ẩm cùng tôi khá lâu. “Ô. Đàn bà. Đó là nguyên nhân nỗi buồn của đàn ông chúng ta. Hãy uống đi để nỗi buồn ấy mau tan biến”. Lombard nói như vậy. Cách anh ta trò chuyện khiến tôi nguôi ngoai. Tôi nghĩ: Vì sao mình phải về khách sạn sớm để chuốc thêm nỗi buồn vào người? Mình sẽ về khi Nguyệt đã ngủ, như vậy tốt hơn”. Nghĩ như vậy, tôi ngồi nói chuyện với Lombard cho đến lúc quán đóng cửa. Anh ta vỗ vai tôi, bảo: “Lúc nào buồn lại đến đây nữa nhé, nhưng tôi chắc ông bạn sẽ không phải làm như thế đâu. Đàn bà dễ giận nhưng cũng dễ dỗ. Có lẽ giờ này cô ấy đang sốt ruột chờ ông bạn ở khách sạn đấy”. Nỗi buồn bực của tôi đã tan đi sau những ly rượu nên khi nghe Lombard nói thế, tôi cảm thấy mình thật tệ khi bỏ đi quá lâu, để lại Nguyệt một mình trong căn phòng khách sạn. Cầm điện thoại lên, tôi định gọi cho Nguyệt, xin lỗi cô và báo rằng mình sẽ về. Thế nhưng, nghĩ đến lúc cô hét lên trong điện thoại, tôi lại thôi. Tôi sẽ nói lời xin lỗi khi giáp mặt cô ấy vậy.

Không ngờ Nguyệt đã bỏ đi ra ngoài uống rượu sau khi uống cạn chai champagne ở trong phòng. Cô ấy có lẽ đã giận và buồn lắm. Tôi bấm điện thoại gọi cho cô. Tiếng chuông điện thoại nghe thật xa vắng như đang ở một thế giới khác.

Trong suốt hai giờ còn lại của đêm, tôi đã không hề nhắm mắt một phút. Từ nỗi ân hận, tôi trở nên lo lắng khi cầm điện thoại của Nguyệt trong tay. Cô ấy đi đâu trong thành phố xa lạ này? Khi yêu Nguyệt, tôi biết cô là người gan góc, khá nam tính, làm việc gì cũng suy nghĩ kỹ càng. Cô từng xách vali đi du lịch, công tác một mình ở nhiều nước và việc cô đi uống rượu ngoài quán bar cũng không có gì là lạ. Nhưng đó là ban ngày, hoặc vào lúc đầu đêm, khi thành phố còn khá an toàn với rất nhiều người qua lại. Đằng này, cô rời khỏi khách sạn lúc ba giờ sáng, giờ mà ngay cả đàn ông cũng ngần ngại khi phải ra ngoài vì lý do bất trắc. Cô biết rõ điều ấy mà vẫn đi?

Những suy nghĩ rối rắm trong đầu khiến lòng tôi như lửa đốt. Tôi cứ đi quanh quẩn hết trong phòng lại ra ngoài ban công. Gọi cho anh đi. Gọi cho anh đi. Tôi liên tục cầu khẩn. Nếu Nguyệt gặp điều gì không may, tôi cũng không thể sống nổi với sự hối hận của mình.

Sáu giờ sáng. Nguyệt vẫn chưa về. Tôi quyết định đi tìm cô và thay quần áo, xuống sảnh để gửi lại chìa khóa. Người trực tiếp tân đêm qua chuẩn bị thay ca. Tôi hỏi: “Xin lỗi anh. Đêm qua vợ chưa cưới của tôi có nói là đi uống rượu phải không? Ở Venice này, những quán rượu nào mở suốt đêm vậy?”. Anh ta lắc đầu, đáp: “Tôi không thể biết hết được đâu. Có lẽ ông nên đến hỏi ở văn phòng thành phố. À mà tôi nhớ ra rồi. Cô ấy đi hai lần. Lần đầu cô ấy hỏi tôi nên đi đâu và tôi chỉ cho cô ấy tới quán Paradise. Lần thứ hai thì cô ấy chỉ nói đi uống rượu”. Tôi vừa mừng vừa giận: “Vậy mà đêm qua anh không nói cho tôi biết điều này”. Anh ta nhún vai: “Sorry. Lúc đó tôi không nhớ ra”.

Paradise vẫn chưa mở cửa khi tôi đến. Nếu đúng như tôi biết thì các quán rượu hơn nửa khuya mới đóng cửa thì gần trưa hôm sau mới mở cửa lại. Tôi sẽ phải chờ gần bốn tiếng đồng hồ nữa. Vì thế, tôi lại trở ngược về khách sạn với mong ước nhìn thấy Nguyệt ngủ trong phòng. Thế nhưng, trong ô giữ chìa khóa tại bàn tiếp tân, chìa khóa phòng của chúng tôi vẫn treo ở đó.

Tôi cầm tờ bản đồ Venice, dặn người trực tiếp tân: “Tôi ở phòng 702. Chừng nào vợ tôi về đến, anh gọi ngay cho tôi theo số điện thoại này nhé”. Và tôi bước ra đường, bắt đầu hành trình tìm kiếm của mình.

Đầu tiên, tôi đến tòa thị chính. Tôi cần phải biết có bao nhiêu quán rượu mở cửa cho đến sáng.

 

Nguyệt.

Đó là một ngôi nhà cổ với những bậc thang bằng đá mát lạnh. Vòm cổng có giàn hoa tigone buông rủ và trong sân có những bức tượng mỹ nữ đội đèn. Jean Paul đứng đợi tôi ở khúc quanh gần khách sạn và khi tôi đi tới, ông ta mỉm cười, nói ngay: “Chúng ta sẽ đến một nơi yên tĩnh nhất thành phố để uống rượu. Cô sẽ phải biết ơn tôi”. Tôi hỏi: “Vì sao ông có số điện thoại của tôi?” Ông ta đáp: “Điều đó có quan trọng lắm không?” Rồi ông cười xòa: “Dễ thôi. Khi cô đi toilet, tôi đã cầm điện thoại của cô và gọi cho mình. Sau đó thì tôi xóa cuộc gọi để cô không biết được tôi vừa làm gì”. “Vì sao ông làm như vậy?”. “Có lẽ vì tôi không chỉ muốn gặp cô một lần, một cách tình cờ. Tôi muốn gặp lại cô”. “Ông biết là tôi có hôn phu rồi mà”. “Phải. Và tôi cũng biết hai người giận nhau, anh ta đã bỏ cô lại một mình trong khách sạn. Tôi muốn biết cô có ổn không?” Tôi lẩm bẩm: “Không ổn một chút nào”. Jean Paul hơi mỉm cười: “Lúc cô gọi lại, tôi đã biết rồi. Nếu cô và hôn phu đã làm lành, chắc chắn cô không gọi lại cho tôi. Vì thế, tôi đã mời cô đi uống rượu tiếp. Tôi không thích hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp phải buồn bã một mình trong phòng”.

Nói gì thì nói, cảm giác bực dọc của tôi đã biến mất từ khi gặp lại Jean Paul. Giọng nói và dáng vẻ lịch lãm của ông ta khiến tôi nảy sinh một thứ tình cảm nhẹ nhàng và tin cậy, không chút đề phòng. Tôi nói: “Mình đi thôi chứ? Tôi hơi lạnh”. Tôi lạnh thật. Càng về khuya, gió từ những dòng kênh thổi càng mạnh, càng hun hút. Chiếc áo khoác của tôi không đủ ngăn những cái rùng mình liên tiếp. Jean Paul đưa cho tôi một chiếc khăn quàng dày ông cầm trên tay mà nãy giờ nói chuyện, tôi không để ý: “Quàng chiếc khăn này vào đi. Tôi đã chuẩn bị cho cô rồi”.

Con đường ngoằn ngoèo, đi qua khá nhiều chiếc cầu nho nhỏ và ngừng lại ở một ngõ cụt có hai cánh cổng bằng đá đóng im ỉm của hai căn nhà cổ kính. Không có quán rượu nào ở đây cả. Trước ánh mắt dò hỏi của tôi, Jean Paul mỉm cười, nghiêng mình: “Chào mừng cô đến tệ xá của tôi”.

Thốt nhiên, tôi bước lùi một bước. Tôi nhận lời đi uống rượu với Jean Paul vì nghĩ sẽ đến một quán rượu khác, nơi có một số người thích vui chơi xuyên đêm. Ở đó, mức độ an toàn của tôi khá tương đối. Tôi không hề nghĩ Jean Paul sẽ đưa tôi về nhà ông ta. Câu dặn dò trong sách hướng dẫn khi đi du lịch hiện ra thật rõ ràng trong trí tôi: Không nên đến nhà hoặc chỗ vắng người với kẻ xa lạ. Tôi bước lùi thêm một bước, kín đáo liếc nhìn xung quanh và khá tuyệt vọng. Ngõ cụt vắng tanh, không một bóng người.

Có vẻ như Jean Paul hiểu rõ những gì tôi đang suy nghĩ trong đầu. Ông ta mỉm cười, dịu dàng: “Nếu cô không muốn vào, tôi sẽ đưa cô về lại khách sạn vậy”. Đột nhiên, tính bướng bỉnh của tôi chợt nổi lên. Vào thì vào, sợ gì chứ? Tôi nói: “Không sao. Ông mở cửa đi”.

Jean Paul bước đến một cánh cổng, giật chuông. Cổng mở ra ngay như có người luôn chầu chực bên cạnh. Một phụ nữ cao gầy trong bộ y phục quản gia xuất hiện. Trông thấy Jean Paul và tôi, bà ta bước lùi một bước, sững sờ nhìn. Jean Paul chau mày phật ý: “Chị làm sao thế? Gặp ma à?” Ông ta giới thiệu: “Đây là Maria, chị họ của tôi. Còn đây là cô Moon, một người bạn tôi mới quen”.

Maria lại cúi chào một lần nữa và bước sang một bên, đóng cổng lại. Tuyệt nhiên, bà ta chẳng thốt ra một lời nào, kể cả lúc đi sau Jean Paul và tôi trên những bậc thang bằng đá cẩm thạch để bước vào gian phòng khách rộng thênh thang. Tôi suýt kêu lên vì thích thú khi nhìn thấy hai bên tường phủ kín tranh vẽ. Nói đúng hơn, đó là hai bức vẽ trên tường lớn nhất mà tôi được thấy. Một bức vẽ vườn địa đàng với Adam, Eva cầm trái táo và con rắn trên cây. Bức kia vẽ cảnh Chúa Jesus và mười hai tông đồ trong bữa tiệc cuối cùng. Cả hai bức vẽ đều sống động một cách tuyệt hảo.

Vừa bước vào đây, Jean Paul lập tức quay lại nhìn bà Maria. Bà ta gật đầu nhẹ và vỗ tay hai tiếng. Giống như trong các bộ phim cổ xưa, cánh cửa từ cuối phòng mở ra và ba người hầu xuất hiện. Trên tay mỗi người đều bưng một khay to. Họ đặt tất cả lên chiếc bàn dài gần đó và lặng lẽ lui ra. Jean Paul nghiêng người nói với tôi: “Chúng ta nên ăn một chút gì đó trước khi uống rượu nhé. Tôi nghĩ cô đã đói lắm rồi”.

Khác với vẻ giản dị, nồng ấm khi ngồi uống rượu ở quán Paradise, từ lúc về nhà, Jean Paul có tác phong của một nhà quý tộc: điềm tĩnh và kiểu cách. Ông ta gắp thức ăn và trò chuyện với vẻ mặt khá nghiêm trang. Có lẽ ông làm thế để tôi bớt cảm giác băn khoăn, sợ hãi khi vào nhà một người đàn ông xa lạ vào lúc đêm khuya chăng? Tôi vừa ăn vừa nghĩ thầm trong bụng. Jean Paul ăn rất ít. Hình như ông chỉ nhấm nháp cho có lệ. Sau đó, ông bỏ dao nĩa xuống và dựa vào lưng ghế, ông nhìn tôi.

Hơi ngượng trước cái nhìn của ông, tôi cũng ngừng ăn và bất thình lình che miệng ngáp. Jean Paul mỉm cười hỏi: “Cô buồn ngủ à? Tôi sẽ không để cho cô ngủ đâu vì chúng ta chỉ mới bước vào phút mở đầu tiệc rượu thôi mà. Cô no chưa? Chúng ta đi nhé?” Đi đâu? Tôi nhướn mày hỏi và ông ta đứng dậy, đi vòng qua ghế, đưa tay nắm lấy tay tôi. Nhẹ nhàng, ông kéo tôi đứng dậy theo và bước về phía bức tranh vườn địa đàng. Trước con mắt ngạc nhiên của tôi, ông đưa tay ấn nhẹ vào đầu con rắn. Tôi mỉm cười thích thú khi nhìn thấy bức tranh từ từ tách ra, để lộ một cánh cửa chìm. Jean Paul cũng mỉm cười: “Đây mới là chỗ đặc biệt mà tôi muốn đưa cô đến”.

Đó là những bậc thang ngoằn ngoèo, càng lúc càng xuống thấp. Không gian càng lúc càng giá lạnh và đôi khi tôi tưởng như mình nghe được tiếng sóng vỗ nhè nhẹ sau những bức tường. Ông ta đưa mình đi đâu đây? Tôi tự hỏi. Cảm giác của tôi lúc bấy giờ vừa sợ vừa bất cần. Nếu ông ta muốn hại mình thì đã hại rồi, không lịch sự tiếp đón như thế này. Cố trấn tĩnh mình như thế, tôi cứ im lặng bước theo Jean Paul.

Bậc thang cuối cùng dẫn đến một cánh cửa gỗ hình vòng cung. Jean Paul đưa tay vào túi quần, lấy chìa khóa mở cửa. Ông nói mà không quay lại nhìn tôi: “Đây là thế giới của riêng tôi, không ai được phép bước chân vào. Cô là người đầu tiên ngoại lệ”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?” Jean Paul đáp: “Lát nữa cô sẽ biết”. Tôi khẽ nhún vai. Dẫu gì thì tôi cũng đã ở đây.

Cánh cửa gỗ mở ra trước mắt tôi một khung cảnh lạ lùng khiến tôi suýt kêu lên một tiếng. Có lẽ tôi đang ở trong một căn phòng dưới đáy Địa Trung Hải hay ít nhất là dưới đáy một con kênh của Venice bởi làn nước bập bềnh bao phủ chung quanh vách tường trước mặt. Căn phòng không rộng lắm nhưng được làm bằng kính hoặc một chất liệu nào trong suốt khiến tôi có thể nhìn thấy sự vật bên ngoài. Tôi thấy dựa vào chiếc vách đó, có những thùng gỗ lớn xếp chồng lên nhau, được ràng buộc bằng những sợi thừng cũng bằng vỏ cây chắc chắn, nằm im dưới đáy nước. Sống lưng tôi lạnh buốt. Có thể nào mình sẽ nằm trong một cái thùng tương tự như vậy sau khi bước vào đây không? Tim tôi đau nhói và chân tôi như tê cứng khi Jean Paul bước vào phòng và quay đầu lại, nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ: “Vào đi, Moon”.

 

Minh.

Ở tòa thị chính, sau khi phân trần đủ điều, cuối cùng tôi cũng được người phụ trách thống kê các khách sạn và lữ hành ở Venice trao cho một xấp danh sách có khoảng vài trăm tên quán rượu. Ông ta bảo: “Anh sẽ chỉ mất công và không thể làm nổi cuộc tìm kiếm của mình nếu không có cảnh sát giúp sức”.

Tôi cảm ơn ông ta và bước ra khỏi tòa thị chính với tâm trạng hết sức rối ren. Đứng ở bậc thềm, tôi gọi điện về khách sạn. Người trực tiếp tân trả lời: “Phòng 702 chưa có ai về”. Nhìn đồng hồ tay, tôi thấy đã hơn chín giờ rưỡi sáng. Ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Nguyệt chưa về khách sạn, cũng không gọi điện cho tôi. Chắc chắn cô đã gặp chuyện gì bất trắc rồi. Cô chưa bao giờ có hành động kỳ lạ như từ đêm qua tới giờ cả. Dù giận tôi đến cỡ nào, cô cũng sẽ có thái độ rõ ràng. Nghĩ đến việc Nguyệt có thể bị bắt cóc, tệ hơn nữa là bị cướp hoặc giết, tôi bủn rủn cả tay chân. Thế nhưng, tôi vẫn cố trấn tĩnh để suy xét xem mình nên làm gì trước khi đi báo cảnh sát.Khi tôi quay trở lại, quán Paradise đã mở cửa. Người chủ quán và mấy anh phục vụ có vẻ e dè khi tôi bảo tới đây tìm người, nhưng khi tôi mở ví ra cho họ xem tấm ảnh Nguyệt và tôi chụp chung, một người đã “Ah” lên một tiếng. Ông ta bảo: “Tôi nhớ cô này. Tối qua cô ấy ngồi ở chiếc bàn ngoài bờ kênh…” Tôi vội hỏi: “Cô ấy ngồi lâu không? Và ngồi một mình hay ngồi với ai, anh biết không?” Ông ta ngập ngừng nhìn tôi rồi đáp: “Cô ấy ngồi với một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Đúng ra là mỗi người ngồi riêng một bàn nhưng sau đó họ lại ngồi chung. Họ ngồi cũng khá lâu nhưng ra về trước khi quán đóng cửa”. Tôi hỏi: “Ông nhớ đúng chứ? Có thật là người trong tấm ảnh này đã ngồi ở đây với một người đàn ông?” Ông ta có vẻ phật ý: “Tôi không nhớ sai bao giờ. Họ đều uống Sangrita, mỗi người uống ba, bốn ly. Làm sao tôi quên được? Chính tôi phục vụ họ mà”.

Cuộc trò chuyện đã hé lộ cho tôi một chút tin tức của Nguyệt. Thế nhưng, có thể tin này không có ích bởi cả quán rượu lẫn khách sạn đều xác nhận rằng Nguyệt trở về khách sạn lúc gần hai giờ sáng. Người trực tiếp tân đêm qua đã nói Nguyệt đi uống rượu hai lần và lần thứ hai chỉ trước khi tôi về khách sạn nửa tiếng. Nghĩa là cô đã ở trong phòng khoảng một giờ đồng hồ…

Tôi tự nguyền rủa mình. Giá như đêm qua tôi đừng quá tự ái trước những lời trách móc của Nguyệt và đừng bỏ đi. Lẽ ra tôi phải nhớ chuyến đi này để hàn gắn mọi rạn nứt giữa tôi và Nguyệt. Lẽ ra tôi nên quay về khách sạn ngay, không để Nguyệt phải cô độc trong phòng. Lẽ ra tôi không nên sa đà nói chuyện với Lombard đến quên cả giờ giấc như thế… Nhưng dù có nguyền rủa mình như thế nào nữa, tôi vẫn không thoát ra được sự thật là Nguyệt đang mất tích hoặc có thể còn tệ hơn – bị cướp và bị giết.

Người sĩ quan cảnh sát cầm tấm ảnh chụp tôi và Nguyệt trong tay, nhìn thật kỹ rồi ngước lên bảo: “Theo đúng quy định thì chỉ sau hai mươi tư tiếng, anh mới nên khai báo người mất tích. Có thể cô ấy đi chơi và uống rượu say, ngủ ở đâu đó rồi. Anh hãy chờ hết ngày hôm nay xem”. Tôi cố gắng nài nỉ: “Không được đâu. Tôi hiểu tính vợ tôi. Cô ấy không bao giờ đi uống rượu qua đêm, nhất là ở một nơi chốn xa lạ, không có người quen như chỗ này. Bây giờ đã giữa trưa, nếu đúng như ông nói là cô ấy say và ngủ ở đâu đó thì cũng đã dậy và về khách sạn rồi. Chí ít, cô cũng phải gọi điện thoại cho tôi chứ? Đằng này, cô ấy biến mất tăm, như thể bay lên trời hay chìm xuống biển vậy. Các ông hãy giúp tôi với. Chúng tôi sắp cưới nhau và đây là tuần trăng mật của chúng tôi…”

Người cảnh sát nhìn tôi, tỏ vẻ thông cảm: “Thôi được rồi. Chúng tôi sẽ cho in ảnh và thông báo tìm kiếm vợ của anh. Giờ thì anh hãy kể lại cho tôi nghe một lần nữa về những gì anh tìm hiểu được ở quán rượu Paradise và ở khách sạn. Sau đó, anh cứ về nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ thông báo nếu có tin gì mới”…

Bốn tiếng đồng hồ sau, vào lúc ba giờ chiều – Nguyệt đã mất tích mười hai tiếng đồng hồ – đồn cảnh sát gọi tôi đến. Người phục vụ ở quán Paradise đã ngồi ở đó từ lúc nào. Ông ta đang chăm chú vạch từng nét vào tấm giấy gì đó đặt trên bàn. Người sĩ quan cảnh sát mời tôi ngồi và bảo: “Ông Pedro đang giúp chúng tôi vẽ lại chân dung người đàn ông ngồi uống rượu lần thứ nhất trong đêm qua với vợ của anh. Có thể người đó chẳng liên quan gì đến việc vợ anh mất tích nhưng chúng tôi sẽ lần ra từng manh mối từ người này”.

Tôi ghé mắt nhìn vào bức chân dung của “kẻ tình nghi” trong tay Pedro. Nó vẫn chưa ra hình thù gì rõ nét. Ông ta ngước mắt nhìn tôi rồi nhún vai phân trần: “Xin lỗi. Tôi chỉ có thể vẽ được như thế mà thôi”.

 

Nguyệt.

Ông ta nói: “Vào đi, Moon” và tôi nhấc từng bước chân tê dại qua cánh cửa gỗ. Một cảm giác buốt lạnh đến tận xương lập tức bao trùm lên người khiến tôi hắt hơi và rùng mình liên tiếp. Tôi kêu lên: “Lạnh quá, tôi không chịu nổi. Đây là chỗ nào vậy?” Jean Paul lấy ra từ sau cánh cửa hai chiếc áo lông dày cộm. Ông ta đưa cho tôi một chiếc: “Cô mặc vào đi”. Trong khi mặc vào người chiếc áo lông to sụ ấy, Jean Paul đáp: “Có một số thứ cần phải bảo quản dưới 0 độ C nên căn phòng này được thiết kế như một nơi trữ lạnh. Nhưng cô sẽ ấm lại ngay khi uống rượu, đừng lo”.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau, lọt thỏm trong lòng hai chiếc ghế bành. Dù vẫn còn lạnh và có cảm giác bồn chồn, lo sợ, tôi vẫn đưa mắt quan sát quanh phòng. Nơi chốn riêng tư của Jean Paul không giống như những phòng ngủ bình thường. Nó giống một phòng sách hơn vì hai dãy kệ xếp đầy sách kê sát cánh cửa gỗ. Ngoài hai chiếc ghế bành và chiếc bàn tròn nhỏ, thấp, nơi chúng tôi đang ngồi, ở một góc phòng có một thứ gì đó, tôi không gọi tên được. Nó có thể là rương đựng đồ đẹp nhất, to nhất mà tôi có thể thấy với từng nét chạm trổ tinh tế chung quanh. Bên cạnh chiếc rương đó là một chiếc bàn phấn của phụ nữ. Trên mặt bàn xếp đầy son phấn, nước hoa. Tôi nhìn chiếc bàn phấn đó với bao suy nghĩ rối rắm trong đầu. Như hiểu được tôi đang nghĩ gì, Jean Paul lên tiếng: “Đó là bàn trang điểm của vợ tôi. Cô ấy mất lâu rồi, tôi giữ lại nó để làm kỷ niệm”.

Tôi ậm ự trong miệng, không nói một lời nào. Jean Paul nghiêng người qua, bảo: “Tôi đã nói cô là người đầu tiên ngoại lệ khi bước vào căn phòng này. Lý do vì sao thì cô sẽ được biết sau khi ta uống chai rượu đầu tiên”. Ông ta đứng dậy, lại phía kệ sách, lấy ra hai cái ly chân cao và trở lại chỗ ngồi. Trước mắt tôi, ông ta đưa tay vặn tay nắm của chiếc ghế ông đang ngồi và tôi suýt kêu lên khi thấy mặt sàn phía trước sụp xuống một lỗ hổng to bằng chiếc nong tằm. Từ đó, chỉ trong vài giây sau, trồi lên một chiếc lồng nhỏ, nước nhỏ xuống sàn tí tách. Trong lồng, chứa một chai rượu giống như whisky. Nỗi ngạc nhiên bất ngờ làm tôi tê điếng cả người, không thốt nên lời. Jean Paul cúi xuống lấy chai rượu ra khỏi lồng, xoay tay nắm chiếc ghế một lần nữa. Chiếc lồng tuột xuống lỗ hổng và mặt sàn lại bằng phẳng như cũ, chỉ để lại một vũng nước nhỏ. Jean Paul lấy giẻ lau thật nhanh mặt sàn, trước ánh mắt đầy dò hỏi của tôi, ông ta bảo: “Một trong những cách bảo quản rượu, làm cho nó có mùi vị và nồng độ ngon hơn là ngâm dưới đáy nước. Tôi sẽ mời cô thứ rượu ngon nhất thế gian này”.

Jean Paul nói không khoa trương. Hớp rượu đầu tiên lạnh như một lưỡi gươm đá đi xuyên cuống họng rồi ấm dần lên và cháy bỏng trong dạ dày. Hớp thứ hai, thứ ba, rượu đã như miếng thạch mát lạnh tan trong miệng và tràn ra trong từng mạch máu cơ thể. Tôi nhắm mắt, uống cạn ly rượu, tận hưởng cảm giác chưa bao giờ có trong người – một cảm giác vừa vui sướng vừa nghẹn ngào muốn khóc.

Chúng tôi ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, uống rượu trong im lặng. Thật ra, tôi đã nhổm người lên sau khi uống ly thứ hai, định hỏi Jean Paul một câu gì đó, nhưng ông ta đã đưa một ngón tay lên miệng rồi chỉ vào ly rượu, nhắm mắt lại. Tôi ngoan ngoãn làm theo ý ông. Chưa bao giờ tôi được uống rượu trong khung cảnh kỳ lạ như thế này thì cứ tận hưởng thôi.

Đột ngột, Jean Paul cất tiếng khiến tôi hơi giật mình: “Chai này uống như thế đủ rồi. Ta sẽ uống chai kế tiếp”. Tôi hỏi: “Vì sao phải uống chai khác trong khi chai này vẫn còn nhiều rượu?” Ông ta mỉm cười: “Mỗi chai rượu ướp dưới đáy nước như thế này chỉ tỏa mùi vị đặc biệt của nó trong vòng mười lăm phút đầu tiên. Sau đó, chất lượng rượu giảm đi một nửa. Vì chúng ta chỉ có hai người nên không thể uống hết chai trong thời gian ngắn ngủi ấy. Ta sẽ để chai rượu này sang một bên để uống một loại rượu khác”.

Các thao tác lại lặp lại. Chai rượu thứ hai được mở ra trong ánh mắt ngưỡng mộ của tôi. Jean Paul mỉm cười hỏi: “Cô vui phải không? Cô không hối hận vì đã theo tôi về đây uống rượu chứ?” Tôi cười: “Cho đến giờ phút này thì không”. Nói xong câu đó, tôi hơi giật mình nghĩ đến Minh. Bây giờ là mấy giờ rồi vậy? Minh đã về khách sạn chưa? Anh sẽ bực dọc hay lo lắng khi không thấy tôi ở đó? Tôi thò tay vào túi áo, định lấy điện thoại ra gọi Minh thì phát giác mình đã không đem theo. Tôi hỏi Jean Paul: “Bây giờ là mấy giờ rồi?” Ông ta nheo mắt đáp: “Tôi không để đồng hồ trong phòng này. Chắc cũng gần sáng rồi. Cô muốn về sao?”

Nhiều ý nghĩ lộn xộn trong đầu tôi. Đằng nào mình cũng đi cả đêm rồi, có ngồi thêm một lát nữa cũng thế thôi. Dù sao, mình cũng muốn cho Minh biết anh ấy sai lầm khi bỏ mình lại trong phòng…” Ngước mặt lên nhìn Jean Paul, tôi nói: “Không hề gì. Ta cứ uống đến khi nào ông thấy chán sự có mặt của tôi”.

 

Minh.

Ba giờ chiều. Nguyệt rời khỏi khách sạn chỉ mười hai tiếng đồng hồ nhưng tôi tin chắc cô ấy đã mất tích. Theo yêu cầu của tôi, cơ quan cảnh sát đã cho in ảnh của Nguyệt và dán ở những nơi công cộng với thông báo tìm kiếm. Ở khách sạn, người ta nhìn tôi bằng những cặp mắt thông cảm lẫn thương xót. Suốt từ sáng tới giờ, tôi lang thang gần hết những con đường gần khách sạn, vào rất nhiều quán rượu để mong rằng mình sẽ tìm được ít nhiều tin tức về cô. Nhưng tất cả chỉ là con số không. Hai chân tôi mỏi rã rời. Miệng tôi khô đắng và cơ thể mệt lả vì bụng đói. Người cảnh sát đi cùng khuyên tôi: “Anh nên về khách sạn ăn uống và nghỉ ngơi. Đi tìm như thế này cần phải có sức”. Anh ta nói có lý. Tôi không thể để mình gục ngã trước khi tìm thấy Nguyệt được.

Ăn xong, tôi lên phòng. Căn phòng trống vắng, thiếu Nguyệt như thiếu hẳn sinh khí. Tôi uể oải thay quần áo, vào phòng tắm, mở vòi nước cho chảy vào trong bồn. Thường mọi khi, tôi chỉ tắm dưới vòi sen và đó là lý do vì sao phòng tắm luôn luôn ướt khiến Nguyệt bực bội. Tôi vừa đứng pha nước, vừa ước rằng Nguyệt thình lình xuất hiện ở phía sau để tôi có cơ hội xin lỗi và bảo rằng mình đang pha nước cho cô tắm. Tôi nhớ mùi lavender thoang thoảng mỗi khi cô bước ra khỏi phòng tắm và đưa mắt tìm chai tinh dầu để pha vào bồn nước. Đó là lúc tôi nhìn thấy điện thoại của Nguyệt. Cô để nó trên nắp lavabo, dưới chiếc khăn tắm vẫn còn ẩm ướt. Có lẽ cô lau người xong, bỏ chiếc khăn phủ trên điện thoại mà không biết, sau đó quên luôn. Cầm chiếc điện thoại trên tay, tim tôi nhói đau. Vật còn đây mà người đi đâu vậy? Trong vô thức, tôi bật nắp điện thoại lên và ngơ ngẩn bấm vào nhiều phím. Bất ngờ, tôi nhìn thấy trên màn hình điện thoại hiện ra một dòng số lạ ở phần resend. Đồng hồ điện thoại ghi cuộc gọi lúc 2 giờ 45 phút đêm hôm qua. Sống lưng tôi lạnh buốt. Ai đó ở Venice đã gọi Nguyệt và mười lăm phút sau cô rời khỏi khách sạn lần thứ hai.

Giọng người sĩ quan cảnh sát khá sốt sắng khi tôi gọi điện bảo rằng mình có thêm một manh mối về Nguyệt: “Sao? Anh nói có dấu vết mới của cô ấy à? Được rồi. Hãy ra đồn gặp tôi. Đừng làm gì trước khi tôi đến nhé”.

Trước mặt tôi, ông ta bảo người cảnh sát trực ban liên lạc với bưu điện để tìm hiểu ai là chủ nhân số điện thoại hiển thị trên máy. Một lúc sau, người này ra dấu cho ông ta đến gần, nhìn vào máy vi tính. Tôi có linh cảm không tốt về chuyện này. Đúng như vậy. Người sĩ quan cảnh sát đi vòng qua chiếc bàn, đến bên cạnh tôi, lắc đầu: “Con số này không thuộc về ai cả. Nó là số điện thoại dùng một lần rồi vứt đi”…

 

Nguyệt.

Tôi không còn nhớ mình đã uống bao nhiêu ly rượu, thưởng thức bao nhiêu chai rượu nữa. Cảm giác bềnh bồng chiếm hữu, tay chân tôi như có hàng vạn, hàng triệu con kiến bò lui khiến tôi bật cười. Tôi cố gắng cầm chiếc ly trong tay đưa lên môi nhưng không nổi. Nó tuột ra và rơi xuống chiếc áo lông tôi mặc. Có lẽ rượu đã làm ướt áo rồi nhưng tôi không có cảm giác gì cả. Mơ hồ trong vô thức, tôi nghe giọng nói của Jean Paul: “Cô còn đủ tỉnh táo chứ? Tôi đã hứa sẽ cho cô biết lý do vì sao cô là người ngoại lệ được bước vào phòng này. Mở mắt ra nào”. Tôi trả lời, ngạc nhiên vì âm thanh yếu ớt thoát qua kẽ môi: “Mắt tôi vẫn mở mà”. Jean Paul dịu dàng: “Tốt. Hãy nhìn thẳng về phía trước mặt đi”. Tôi nhìn và hơi giật mình, nếu đó đúng là cảm giác giật mình mà tôi còn đủ sức nhận biết. Phía bức vách trước mặt, khi chúng tôi ngồi uống rượu, vốn phủ một chiếc rèm nhung. Giờ, nó đã được vẹt ra, để lộ một bức tranh vườn cây tuyệt đẹp. Trong tranh, người đàn ông đang nửa nằm, nửa ngồi dưới một cội cây tùng là Jean Paul. Người phụ nữ với chiếc váy dài màu hoa lý nằm dựa vào lòng Jean Paul với vẻ trễ tràng đáng yêu là… tôi.

Tôi không kêu lên được tiếng nào, mắt nhìn sững vào bức tranh. Ông ta đã đứng dậy và đến bên cạnh tôi từ lúc nào. Nâng cằm tôi lên, ông ta bảo: “Chào mừng em về nhà, Moon. Em đi lâu quá. Lần này anh sẽ không để em rời xa anh nữa”.

 

Minh.

Tám giờ rưỡi tối. Người sĩ quan cảnh sát khuyên tôi trở về khách sạn và giao điện thoại của Nguyệt cho ông ta: “Sáng mai chúng tôi vẫn tiếp tục truy tìm”. Vầng trán ông nhăn lại và tôi nhìn thấy điều băn khoăn, khó xử tiềm ẩn trong mắt ông. Tôi bật thốt: “Tôi không tin đây là số điện thoại dùng một lần. Có phải nó thuộc về người nào đó ông biết mà không dám đụng tới không? Nếu ông không giúp tôi, tôi sẽ phải nhờ đến tổng lãnh sự quán của chúng tôi can thiệp…” Nhìn thấy vẻ ngần ngừ trong mắt ông, tôi nói tiếp: “Tôi xin ông đấy. Có lẽ ông cũng có gia đình, có vợ con. Ông hiểu việc mất người thân là thế nào. Xin hãy giúp tôi. Chúng tôi còn chưa kịp làm lễ cưới nữa. Tôi không thể mất cô ấy được”.

Ông ta thở dài đứng dậy, vỗ vai rồi kéo tôi bước ra khỏi đồn cảnh sát: “Ra ngoài đi. Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp”. Chúng tôi đi bách bộ một đoạn và đứng lại dưới chân một chiếc cầu nhỏ, ông ta bảo: “Anh thông minh lắm. Số máy đó có chủ nhưng đụng vào người ấy là cả một việc khó khăn. Có lẽ chúng ta phải tính đến con đường khác”.

9 giờ 15 tối. Chúng tôi đứng trước một quán rượu đêm của Venice – một cái quán mà khi bước vào tôi đã rùng mình vì không khí ngầu đục, dữ dội của nó. Hầu như những tay anh chị giang hồ trong các bộ phim về mafia tôi đã xem đều có mặt ở đây. Những hình xăm vằn vện khiến tôi hoa cả mắt. Họ lừ lừ nhìn tôi và người sĩ quan cảnh sát bước đến quầy bar. Người phục vụ bar – một anh chàng lực lưỡng, cơ bắp với hình xăm hai con đại bàng trên hai bả vai, hất hàm hỏi người sĩ quan cảnh sát: “Mateo. Ngọn gió nào đưa ông đến đây? Không phải để bắt người nào trong bọn tôi chứ?” Ông ta đáp: “Không. Tôi muốn gặp Baricco, ông chủ của các anh”.

 

Nguyệt.

Một cảm giác tê cóng lan tỏa từ chân lên đến ngực khiến tôi muốn kêu lên nhưng không được. Hình như quai hàm và các cơ mặt tôi cũng tê cứng, chỉ còn đôi mắt là có thể động đậy, liếc qua liếc lại. Điều đó làm tôi kinh hoảng khi nhận thức ra mình không còn ngồi ở chiếc ghế bành nữa. Tôi đang nằm trên một lớp nệm dày trong một chiếc giường kỳ lạ – giường có nắp đậy. Mắt tôi nhìn sững vào cái nắp đậy có lót nhung đen đó và chợt liên tưởng đến chiếc rương trạm trổ rất đẹp, đặt ở góc phòng. Phải chăng tôi đang nằm trong chiếc rương này? Jean Paul muốn gì ở tôi? Ông ta đâu rồi?

Như để trả lời những suy nghĩ của tôi, Jean Paul đột ngột xuất hiện bên cạnh. Tay cầm chiếc lược, ông ta chậm rãi chải đầu cho tôi. Vừa chải, ông ta vừa thì thầm: “Em sẽ không đau lắm đâu. Anh đã chích cho em một liều thuốc ngủ. Nó sẽ ngấm từ từ trong hai mươi tư giờ tới và em sẽ ngủ một giấc vĩnh viễn bên cạnh anh. Chúng ta sẽ không bao giờ lìa xa nữa, Moon ạ”.

Nước mắt tôi tuôn ra ràn rụa. Tôi đưa ánh mắt thống thiết nhìn Jean Paul, miệng cố gắng thốt ra một lời nài nỉ, xin ông ta đừng hại mình. Nhưng lưỡi tôi cũng đã cứng lại. Jean Paul lấy khăn lau nước mắt cho tôi: “Đừng khóc nữa Moon. Em đã về nhà, có gì phải buồn chứ”. Tôi muốn gào lên: “Ông lầm rồi. Đây không phải là nhà tôi. Tôi cũng không phải là Moon của ông. Tôi là Nguyệt. Hãy thả tôi ra”.

Một luồng khí lạnh xộc thẳng từ chân lên đầu khiến tôi bất tỉnh.

 

Minh.

Mateo dặn tôi: “Khi gặp Baricco, anh cứ ngồi im, để yên cho tôi nói, nghe chưa?” Người phục vụ dẫn chúng tôi vào một căn phòng phía sau quầy bar. “Vào đó chờ đi”, anh ta nói cộc lốc rồi quay lưng bước ra ngoài. Năm phút sau, Baricco xuất hiện. Đó là một người đàn ông đẹp trai, thanh lịch nhất mà tôi có thể thấy từ trước tới giờ. Trong bộ vest cắt khéo, ôm sát thân hình, anh ta giống như một người mẫu, một diễn viên điện ảnh. Trong đầu tôi bật ra ý nghĩ: trùm mafia mà lịch lãm thế này, ai mà ngờ nổi? Nhưng ý nghĩ của tôi bị tắt ngang ngay khi Baricco cất giọng – một giọng nói lạnh lẽo, đáng sợ khiến tôi rùng mình. Kéo ghế ngồi đối diện chúng tôi, anh ta hỏi: “Anh cần gì ở tôi, Mateo?”

Mateo đằng hắng liên tục. Anh có vẻ khó khăn lắm mới thốt ra được câu nói: “Chúng tôi có vấn đề với ngài J. Tôi nghĩ chỉ có anh mới can thiệp được và đành phải đến đây”. Baricco đốt một điếu xì gà và hất hàm mời: “Hút đi rồi nói cho tôi biết đó là chuyện gì…”

Một giờ sáng. Các con đường của Venice đã thưa thớt bóng người. Những chiếc Gondola cuối cùng im lặng lướt trên các dòng kênh trong lúc chúng tôi đi như những con mèo trên đường phố. Sau khi nghe Mateo kể chuyện, Baricco yêu cầu tôi đưa ảnh Nguyệt cho anh ta xem. Cầm tấm ảnh trong tay, anh ta hơi nhíu mày một chút và giụi tắt điếu xì gà, anh ta xem lại tấm ảnh một lần nữa, kỹ hơn. Mười phút im lặng trôi qua, tôi nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch và hơi thở cố kềm nén của Mateo. Thế rồi, đột ngột Baricco xô ghế đứng dậy, bấm điện thoại. Anh ta xưng tên và nói một tràng tiếng Ý. Đầu dây bên kia nói điều gì đó khiến Baricco cau mặt. Anh ta nói thêm vài câu tiếng Ý nữa và gác máy. Quay sang Mateo và tôi, anh ta bảo: “Được. Tôi sẽ gọi vài người đi theo các anh”.

Chúng tôi có sáu người. Baricco, Mateo, tôi và ba anh chàng lực lưỡng, đàn em của Baricco. Tôi và Mateo đi phía sau Baricco và đàn em một quãng vì anh ta muốn vậy. Trong lòng tôi, hàng trăm câu hỏi cứ muốn buột ra khỏi miệng. Có lẽ Mateo biết điều ấy nên ông ta chau mày nhìn tôi và lắc đầu, đưa tay lên miệng. Tôi đành giữ im lặng để theo sau.

Đến cuối một ngõ cụt thanh vắng, Baricco khẽ hất đầu. Tôi rợn cả người khi thấy ba kẻ lực lưỡng đi theo anh ta nhanh nhẹn chia ra làm ba phía, đứng canh một cánh cổng bằng đá có giàn hoa tigone buông rủ. Baricco tiến sát đến bên cổng, khẽ huýt sáo miệng. Cánh cổng mở ra ngay như có người đang chờ đợi và một người đàn bà cao gầy xuất hiện. Bà ta thì thào: “Giê Su Ma, lạy Chúa tôi, em đã đến rồi. Chị sốt ruột quá”. Baricco cũng thì thào: “Ông ấy đâu?” Người đàn bà đáp: “Dưới căn phòng đó. Cả cô gái nữa. Họ xuống từ đêm qua và không hề bước ra ngoài”.

 

Mateo.

Chúng tôi, sáu người đàn ông đi như chạy lên các bậc thang bằng đá lạnh buốt sau lưng bà Maria. Đây là lần đầu tiên tôi được bước vào lãnh địa của ngài J. Cả thành phố Venice đều kính cẩn gọi ông ta như thế để tỏ lòng kính trọng và biết ơn ba thế hệ gia đình ông đã đóng góp phần lớn tiền của để xây dựng nên một Venice thiên đường. Với công lao đó, ngài J. được xem là người bất khả xâm phạm dưới bất cứ hình thức nào.

Số điện thoại đó là của ngài J. Ông ấy có liên quan tới việc cô gái mất tích không? Theo quy định, chúng tôi không được phép làm phiền ngài J. về một điều mình chưa dám chắc chắn. Nhưng vẻ mặt đau khổ của chồng cô ta khiến tôi không chịu nổi. Bất chợt tôi nhớ đến Baricco. Anh ta là trùm của thế giới ngầm ở Venice nhưng lại là anh vợ của ngài J. Như một giao ước ngầm giữa cảnh sát và mafia, Baricco cũng là một người bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, mặc dù là trùm của thế giới ngầm, Baricco luôn tỏ ra mình là một quý ông. Có thể anh ta sẽ giúp được chúng tôi trong việc này.

Baricco đã nhíu mày khi thấy ảnh của Nguyệt. Trông cô chẳng khác gì em gái anh ta – vợ của ngài J. Một sự giống nhau đáng kinh ngạc. Lúc cầm tấm ảnh Nguyệt và Minh chụp chung, tôi đã ngờ ngợ như từng gặp cô gái này nhiều lần nhưng mãi không nhớ ra. Tôi chỉ giật mình khi nghe Baricco hỏi Maria qua điện thoại: “Tối qua, có một cô gái giống hệt Catherina về nhà chung với J. không?”

Chúng tôi đi theo bà Maria xuống căn phòng dưới đáy nước, nơi ngài J. không cho phép ai – kể cả người chị họ là Maria – được vào. Vừa đi, Maria vừa nói ríu rít, chữ nọ nuốt chữ kia. Bà ta bảo đã giật mình khi mở cổng và nhìn thấy Nguyệt: “Giê Su Ma, tôi tưởng là Catherina hiện hồn về nhưng J. đã trừng mắt khiến tôi câm miệng. J. đưa cô ta xuống đây từ lúc đó và không trở lên nữa. Tôi không dám làm phiền J. nhưng tôi biết có gì đó không bình thường…”.

Căn phòng khóa kín từ bên trong. Baricco ra hiệu cho chúng tôi lùi lại một bước rồi lên tiếng gọi: “Justavio, mở cửa cho anh. Baricco đây”.

Bên trong im phăng phắc. Từ phía sau tôi, Minh nôn nóng muốn bước lên nhưng một vệ sĩ của anh ta đã đưa tay chận lại. Baricco gọi tiếp: “Justavio. Mở cửa đi. Ta cần nói chuyện”.

Vẫn không có tiếng trả lời. Khoảng thời gian chờ đợi dài như một thế kỷ. Sau một cái hất hàm của Baricco, tên vệ sĩ đứng sau lưng anh ta tiến ra phía trước. Trong nháy mắt, cánh cửa bật mở và cả bảy người chúng tôi rụt cổ lại vì hơi lạnh tràn ra từ bên trong. Minh bất chấp nguy hiểm, nhảy vào trong phòng ngay và kêu to: “Nguyệt. Em đâu rồi? Anh là Minh đây”.

Chúng tôi theo chân Minh, bước vào giữa phòng. Không có ai trong đây cả. Chỉ có những chai rượu uống dở và hai chiếc ly trên bàn.

Baricco nhìn thấy chiếc rương khổng lồ trước nhất. Anh ta tiến về góc phòng và sai hai vệ sĩ mở nắp chiếc rương lên. Cả bảy người chúng tôi trợn tròn mắt, chết sững. Bên trong, ngài J. đang nằm bên cạnh cô gái mất tích. Cả hai đều có gương mặt trắng bệch như những thây ma…

 

Nguyệt.

Chúng tôi đã làm lễ cưới ngay tại nhà thờ thánh Mark, dưới sự chủ trì của Baricco. Anh ta bảo rằng cái biến cố không thể nào quên trong đời chúng tôi cần phải có một kết thúc đẹp trong tay Chúa Trời. Thật là một hành động khác người của “quý ông mafia”.

Jean Paul – hay Justavio – đã rời khỏi Venice trên một chuyên cơ riêng để đến Mỹ trị bệnh. Ngoài việc phát giác ra tôi và ông hầu như sắp chết do ngấm thuốc ngủ, Baricco còn tìm thấy bộ xương gần như mủn nát của Catherina ở… dưới lưng tôi. Ngài J. đã giữ xác vợ trong rương rất nhiều năm, cho đến khi không gian băng giá của căn phòng cũng không ngăn được sự phân hủy. Đó là lúc tâm thần ngài J. bất định và ngài kết luận là Catherina đã bỏ đi vì giận dỗi chồng.

Tôi là người tình cờ mang gương mặt giống hệt Catherina và ngài J. quyết định đưa tôi về thay thế vị trí vợ ngài trong chiếc rương. Ngài cũng muốn đi cùng vợ sang thế giới bên kia để họ không còn xa nhau nữa.

Tôi có nên căm giận Jean Paul vì đã đưa mình đến chỗ chết không? Nghe Baricco kể chuyện và nhìn gương mặt cố giấu kín nỗi đau đớn của anh ta, tôi chỉ thấy lòng buồn muốn khóc. Tình yêu có sức mạnh khủng khiếp như vậy sao?

Jean Paul tỉnh dậy trước tôi trong bệnh viện. Có lẽ sau khi đặt tôi vào rương và trèo lên nằm bênh cạnh, ông mới tự chích thuốc ngủ cho mình nên thuốc ngấm chưa lâu. Tuy tỉnh trước nhưng ông không thoát ra khỏi thế giới mộng ảo mà ông tự tạo. Vì thế, ông đã la hét, vùng vẫy, gọi tên tôi ầm ĩ suốt một dãy hành lang. Bác sĩ và y tá phải chích cho ông liều thuốc an thần cực mạnh dành cho những người rối loạn thần kinh, ông mới nằm im.

Baricco ngỏ lời xin lỗi chúng tôi thay cho ngài J. và bảo muốn tổ chức cho chúng tôi một lễ cưới để đền bù. Lời đề nghị của ông ta khiến tôi bật khóc. Tôi nhìn gương mặt râu ria hốc hác của Minh và thấy lòng tràn đầy tình yêu, tràn đầy ân hận. Nếu tôi không quá quắt, không chứng tỏ cái tôi của mình một cách thiếu suy nghĩ như những ngày vừa qua, tôi đã không rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm như thế này.

Minh chặn lời xin lỗi của tôi bằng một nụ hôn: “Đừng em. Chính anh mới là người có lỗi khi bỏ em lại một mình trong khách sạn đêm đó. Anh rất ân hận. May mà em được an toàn. Nếu không, chắc anh cũng khó lòng sống nổi”.

Đám cưới của chúng tôi là một đám cưới ấn tượng nhất trên đời – theo tôi nghĩ – do có cả cảnh sát lẫn mafia tham dự. Baricco còn mời cả những du khách có mặt tại quảng trường San Marco lúc ấy vào thánh đường dự lễ. Những ánh đèn flash máy ảnh đua nhau nháy trong những tiếng thì thầm thán phục. Khi chúng tôi bước ra khỏi thánh đường, một trận mưa hoa như trút xuống từ những tháp chuông cao ngất và lũ bồ câu bay lượn nhịp nhàng trong làn mưa nhiều màu sắc đó khiến tôi càng thêm ngây ngất.

Đứng giữa khoảng trời biển bao la xanh thẳm, tôi thầm nghĩ liệu mình và Minh có trở lại Venice lần nào nữa không sau biến cố này? Và Jean Paul nữa? Bao giờ thì ông có thể lành bệnh và quay về ngôi nhà chất chứa cả tình yêu khủng khiếp của ông?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 5957)
Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ
30 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 7136)
Mở những cánh cửa sổ cho có chút gió đêm ra vào, tôi ngồi một mình trong bóng loang lổ của ánh đèn hắt từ ngõ nhỏ bên ngoài, tưởng mình có thể chìm xuống
29 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 5604)
Mộc Lan Vân Khôi muốn lưu luyến đêm cuối cùng bên nhau của cả nhóm, đề nghị tôi trả phòng cùng về nhà bà con của Mộc Lan.
23 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 12821)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
16 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 6700)
Dạo gần đây tay chân tôi đã cử động được, dù chưa thể linh hoạt như trước nhưng ít ra với những động tác đơn giản như cầm đũa, rót nước tôi vẫn có thể tự làm.
13 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 7322)
Ngồi trong góc bàn cạnh cửa sổ, vân vê chiếc ống hút trong tay, Cindy dùng ngón tay trỏ để bịt một đầu ống hút, đong từng giọt nước ngọt được giữ trong đầu kia của ống nhựa và đưa lên miệng.
07 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 7101)
Cái Điểm là một trong những đứa cứ ám tôi thế. Thật ra nó là chị họ của tôi. Nhưng trong khi bố nó là bác Huyền chưa nhận con thì cả làng vẫn chỉ coi nó là con hoang
02 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 8558)
...chị nói, ở cái thời đại này đời người sẽ không còn dài như trước nữa, nên dành thời gian cho những màn hình vừa phải thôi, để mắt còn nhìn tận mặt những thứ xung quanh: nhìn cây cỏ, phố phường, nhìn bạn bè, và nhìn mẹ.
30 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 8407)
Trăng mười bảy còn treo lơ lững đàng Tây thì, mặt trời đàng Đông đã vội nhú lên màu đỏ ối!
26 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6400)
Tôi ngạc nhiên khi thấy một thầy tu đang đứng nói chuyện với cô y tá trước cổng bệnh viện.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17026)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12246)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18970)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8316)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 599)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 969)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1151)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19170)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7884)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8803)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8494)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11049)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30703)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20811)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25499)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22899)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21720)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19774)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18047)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19243)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16916)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16108)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31940)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34928)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,