SÂM THƯƠNG - Kỷ niệm thời xa vắng

12 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8610)
SÂM THƯƠNG - Kỷ niệm thời xa vắng


Năm đó, tôi đang học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường Quốc Học, Huế, chỉ còn mấy tháng nữa chúng tôi chuẩn bị thi Tú tài phần1. Lớp chúng tôi ở dãy lầu phía bên trái từ ngoài cổng trường vào, phòng áp chót. Nếu đi theo ngã cầu thang từ hội trường lên thì phòng đầu tiên là lớp đệ nhị B10, lớp của chúng tôi là phòng thứ hai, đệ nhị B9 Đứng ở cửa sổ lớp tôi nhìn qua bên kia đường Nguyễn Trường Tộ là trường Đồng Khánh, một trong những trường nữ, nổi tiếng bởi nhiều cô gái xinh đẹp của đất Thần kinh.

Hôm đó, vào giờ Toán đại số, hai giờ đầu của buổi chiều thứ tư thì phải. Huế về mùa này trời rất nóng nực, thỉnh thoảng mới có gió, nhưng lại là những cơn gió nồm từ Lào thổi qua, rất khó chịu, mồ hôi rịn ướt cả áo. Thỉnh thoảng, lại có tiếng ve sầu kêu rả rích từ những hàng cây phượng vĩ trong sân trường vẳng lại.

Thầy dạy toán của chúng tôi hồi ấy còn rất trẻ, người dong dong cao, có dáng vẻ của một nghệ sĩ hơn là một giáo sư toán, điều đó được thể hiện trong ánh mắt, trong nụ cười và mái tóc bồng bềnh trước trán của thầy. Thầy mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm trước, hơn chúng tôi khoảng 4, 5 tuổi. Có thể nói chúng tôi là lớp học sinh đầu tiên trong sự nghiệp giáo dục của thầy.

Thường ngày, thầy rất đúng giờ, thầy đã quy định từ đầu khóa học không một ai được phép đến trễ sau khi thầy đã bước vào lớp. Học sinh nào đến sau thì buộc phải trở ra, đợi giờ môn học khác mới có thể vào. Nhưng không hiểu sao hôm nay đã năm phút trôi qua, hình như chúng tôi đều đã có mặt đầy đủ, cũng không có ai đến trễ mà thầy vẫn chưa đến.

Đám học sinh chúng tôi, vẫn còn rất trẻ, phá phách và nghịch ngợm… Bất cứ giờ nào, của ai, nếu vì một lý do nào đó thầy không đến lớp thì chúng tôi giống như đàn ong vỡ tổ. Chúng tôi reo hò, vui mừng vì được nghỉ học và đi lang thang, đạp xe qua các ngã đường, chủ yếu là lượn tới lượn lui trước đường Lê Lợi, nhìn ngắm những người đẹp của trường Đồng Khánh. Nhưng nguyên tắc là phải được thông báo cho phép nghỉ hay không đã, nhưng hiện chưa được thông báo, chúng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi, ít ra cũng phải 10 phút thầy không đến thì, anh bạn trưởng lớp của chúng tôi sẽ xuống văn phòng xin ý kiến thầy Giám học, rồi mới thông báo

Thời khắc chậm chạp trôi qua. Trường lớp của chúng tôi vừa bước ra chưa đầy hai phút thì thầy xuất hiện ở đầu hành lang, mặt nghiêm lạnh bước vào. Một chút hụt hẫng, tiếc rẻ, chúng tôi cùng đứng dậy chào thầy. Mặt thầy vẫn không đổi sắc, đưa tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Sau đó, thầy quay mặt lên bảng, viết dàn bài trước khi giảng theo thói quen.

Lớp chúng tôi có khoảng 60 học sinh, tôi ngồi ở vị trí thứ hai bên trái, hàng ghế thứ hai kể từ trên xuống, ngoài cùng là một bạn, đến tôi, tiếp theo là hai bạn khác. Ngang với bàn tôi phía bên phải, gồm có bốn bạn, cả bốn đều học giỏi, nhưng lại hiếu động, có phần quậy phá. Tôi không nhớ hết tên các bạn, vì đã nhiều năm tháng không gặp lại nhau, hơn nữa, tuổi đời của tôi ngày càng chồng chất nên không còn nhớ hết tên các bạn.

Lúc đó, Thầy đang cặm cụi viết lên bảng thì bỗng có tiếng kêu cót két của ai đó cố tình lắc lắc chiếc ghế gãy mộng vang lên từ hàng ghế thứ hai, tức cùng ngang với hàng ghế của tôi, phía bên phải. Nghe tiếng động, thầy quay lại, tiếng cót két im bặt. Thầy quay lên bảng tiếp tục viết thì tiếng cót két lại vang lên. Đến lần thứ ba thì hình như thầy không kiềm chế được nữa trước sự nghịch phá của một bạn nào đó. Thầy quay phắt lại, mặt đỏ bừng, gần như hét lên:

 - Đồ mất dạy! Thiếu giáo dục…

Cả lớp chúng tôi im phăng phắc vì chưa từng thấy thầy phản ứng như vậy. Tôi cũng im lặng như các bạn khác trong lớp, không có thái độ gì, nhưng tự nhiên tôi lại cảm thấy mặt mình đỏ và nóng bừng lên một sự phẫn nộ không biết từ đâu choáng ngợp trong tôi.

Sau ít phút, tôi cảm giác như thầy chợt tỉnh, nhận ra sự nóng giận bất ngờ của mình, thầy quay lại, cố gắng nói thật nhẹ, nhưng không giãm đi sự nghiêm khắc:

- Tôi hỏi các em: ai đã có hành vi quậy phá vừa rồi?

Bình thường tôi rất ít nói, lại càng ít nói hơn trong giờ toán, vì tôi vốn rất dốt toán. Hình học không gian còn tạm tạm, chứ như môn Đại số học thì tôi dốt hết chỗ nói. Các bạn đã từng học chung với tôi ai cũng biết điều đó. Chính môn toán học đã gây khó khăn cho bản thân tôi trong kỳ thi Tú tài 1 năm đó, tôi bị đánh trượt, không có tên trong danh sách kết quả kỳ 1, phải đợi đến kỳ hai tôi mới đậu, mà phải đậu vớt, nên năm sau tôi đã xin chuyển qua ban C, ban Văn chương và sinh ngữ mà tôi tương đối có khả năng.

 Nghe thầy hỏi, tôi bất ngờ đưa tay lên, đứng bật dậy:

 - Thưa thầy, con…!

Như lượng đoán tiếng động vang lên lúc nảy không phát xuất từ phía hàng ghế phía tôi, hơn nữa bình thường có lẽ thầy cũng biết tôi không có bản lĩnh quậy phá theo cách đó. Cho nên khi nghe lời tự thú nhận của tôi, thầy giận dữ nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi:

 - Em lấy danh dự gia đình em thề là em đã có hành động nghịch phá vừa rồi.

Không biết một động lực nào đó vô hình thúc đẫy, chính tôi cũng không lý giải được. Tôi trả lời thầy với giọng lý sự, chưa từng có nơi tôi:

 - Thưa thầy, con chơi thì con chịu trách nhiệm, chứ sao lại đưa danh dự gia đình con vào đây?

Thầy ngẫn người lặng im một hồi lâu, có lẽ thầy không ngờ câu nói đó lại được thốt ra từ cửa miệng tôi. Thầy quay người lại, hướng về phía tôi, giọng quả quyết:

 - Em lấy sách vở và bước ra khỏi lớp. Tôi chỉ cho phép em khi nào ba mẹ em đến đây, tôi mới cho phép em vào lớp trở lại.

Lời phán của thầy vừa lọt vào tai tôi, thì người tôi như vừa từ cung trăng rớt xuống, tôi hoàn toàn không có chút ý thức về sự có mặt của tôi trong hiện tại. Tôi xách cặp, cúi gầm mặt bước ra khỏi lớp, trước những ánh mắt bất ngờ của bạn bè tôi. 

Đi dọc theo hành lang, bước xuống các bậc cấp của cầu thang, mà hai chân tôi như muốn nhũn ra, quỵ xuống. Chưa bao giờ tôi rơi vào tâm trạng tuyệt vọng như thế. Tôi phải đối diện với một thực tế mà tôi không thể hình dung ra được. Câu hỏi đầu tiên chợt nảy sinh trong đầu tôi, là tôi phải nói thế nào với mẹ tôi đây? Tôi làm sao dám nhìn vào đôi mắt của mẹ tôi và yêu cầu mẹ đến trường xin thầy cho tôi được vào lớp? Tôi là một đứa con như thế nào? Gia đình tôi nghèo, mẹ tôi phải bương chải, chạy ngược chạy xuôi không chỉ để kiếm cái ăn cái mặc, mà còn cố gắng nuôi anh em chúng tôi học hành tới nơi tới chốn và mong muốn chúng tôi trở thành một con người hữu dụng trong xã hội. Tôi nghĩ chắc mẹ tôi sẽ vô cùng thất vọng và đau khổ bởi một đứa con như tôi, vì tôi không biết chia sẻ gánh nặng của mẹ, không sống xứng đáng với lòng tin, niềm hy vọng của mẹ, để mẹ tôi có được chút an ủi vượt qua những khó khăn, cay nghiệt của cuộc đời. Có lẽ nỗi thất vọng, mất lòng tin đó nơi mẹ tôi mới chính là nỗi sợ hãi và đớn đau thật sự trong lòng tôi. Tôi thầm trách tôi nông nổi, háo thắng. Tôi chợt nhớ đến bà nội tôi khi tôi còn ở Bến Ngự cùng với bà. Bà tôi sống theo nếp truyền thống tổ tiên, trong vườn, bà đã xây sẳn một huyệt mộ từ nhiều năm trước khi tôi chưa sinh ra, chuẩn bị cho ngày bà lìa cõi đời, dù bà chưa hề có dấu hiệu chi là sắp phải bước sang thế giới bên kia. Khi tôi còn nhỏ dại, bà vẫn thường nói với tôi rằng: “Bà sống là để chuẩn bị chết, chỉ cầu mong sống thế nào để trước giờ hấp hối bà không phải hối tiếc vì đã làm cho ai đó phải đau khổ và hối hận vì mình…”. Sau này lớn lên tôi bắt đầu hiểu và coi câu nói của bà đó như là bài học đầu tiên bà dành cho tôi giữa chợ đời đầy những biến động và phức tạp…Thật ra, tôi cũng không hiểu tại sao tôi phản ứng với thầy như vậy. Tôi muốn chứng tỏ trước thầy và trước bạn bè cùng lớp với tôi điều gì? Tôi thành thật nói ra rằng, tôi không muốn để thể hiện đức tính anh hùng hay gì gì giữa những người bạn cùng lớp với tôi? Tại sao tôi nhảy vào một việc chẳng chút liên quan đến tôi, để nhận cái hậu quả như hôm nay. Kiểm điểm lại, tôi vẫn thấy rất mơ hồ về hành động của mình. Có lẽ, tôi đang đi giữa cơn mộng du, không một chút ý thức.

Tự trong thâm tâm, tôi biết tôi không hề sợ bất cứ một hình phạt nào giáng xuống người tôi. Tôi lại càng không sợ bị đòn, vì mẹ tôi chưa từng sử dụng hình phạt đó đối với tôi. Cái mà tôi run sợ nhất, khủng khiếp nhất ấy chính là việc tôi đánh mất lòng tin của mẹ tôi đối với tôi. Tôi thật sự sợ hãi khi phải nhìn thấy ánh mắt buồn tủi tuyệt vọng của mẹ tôi khi biết được sự thật về thái độ của con trai mình, đứa con trai yêu quý của bà, mà từ lâu nay bà vẫn nghĩ là một đứa con ngoan hiền chăm học, dù không xuất sắc lắm, lại có thể bị thầy đuổi ra khỏi lớp. Đúng là tận thế đối với mẹ tôi. Hơn ai hết tôi biết mẹ tôi sẽ đau đớn, phẫn nộ đến mức nào. Tưởng tượng đến khuôn mặt mẹ tôi trong phút giây đó, tôi chỉ muốn mặt đất dưới chân tôi nứt ra, nhận chìm tôi xuống. Tôi buông cặp sách, ngồi bệt xuống thảm cỏ, cạnh bờ sông Hương trước trường ôm mặt khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc.

Cả một tương lai u ám vây lấy tôi, lòng tin trong mẹ tôi đối với tôi đã bị chính tôi tước đoạt, đánh cắp một cách không thương tiếc .Ngày thi cũng không còn xa. Nếu thi không đậu, tôi không thể tiếp tục đến trường, sẽ bị gọi vào lính và chỉ còn con đường khoác áo nhà binh,cầm súng lao vào cuộc chiến, mà đó đâu phải con đường mà mẹ tôi mơ ước, chọn lựa cho tôi. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn thường nói với anh em tôi:

- Dù khổ cực đến mấy mẹ cũng chấp nhận, miễn sao các con học hành tới nơi tới chốn, thoát khỏi cảnh ngu dốt, để mai sau có khả năng đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Nghĩ đến lời mẹ, tôi càng thấy tôi là một đứa con bất hiếu, hoàn toàn không xứng đáng với lòng tin của mẹ, không đáng sống trên cõi đời này nữa.

Sau đó, không biết làm gì hơn, tôi lấy xe, đạp lang thang, mà không biết mình đi đâu… Nhưng cũng còn may, vẫn tỉnh táo để về tới nhà đúng giờ, nhưng không đàng hoàng như mọi ngày, mà trở về với tâm trạng của một tên trộm, cử chỉ lén lút, sợ mấy đứa em tôi bắt gặp, nhất là mẹ tôi.

Suốt đêm hôm đó, tôi trằn trọc thao thức không ngủ, tôi vật lộn với ý nghĩ nói hay không nói thật với mẹ tôi và tôi cứ phải chập chờn với bao nhiêu giấc mơ quái đản, khủng khiếp…

Tôi không có ý định nói dối mẹ tôi, nhưng tôi thú nhận là tôi đã không đủ can đảm nói ra điều đó với mẹ tôi. Những ngày sau đó, sáng chiều tôi đều mặc áo quần tề chỉnh, đạp xe ra khỏi nhà đúng giờ, với cặp sách đầy đủ để mẹ tôi cứ tưởng con trai bà vẫn đến trường bình thường như mọi ngày. Nói là đi đến trường, nhưng thật ra tôi vẫn quanh quẩn đâu đó vì không được phép vào lớp. Mấy đứa bạn thân trong lớp, vẫn tìm gặp tôi, an ủi, khuyến khích tôi, nhưng tụi nó cũng không biết làm gì để giúp tôi vượt qua tai nạn.

***

Ngày cuối tuần, tôi vẫn chưa được phép vào lớp, tôi buồn nản, đạp xe lang thang qua các ngã đường, mà không hình dung mình đã đi những đâu, gặp những ai. Tôi né tránh những con đường quen thuộc có những người quen qua lại, sợ họ tình cờ bắt gặp và vô tình mách lại với mẹ tôi. Tôi cũng không đủ can đảm một lần đến thăm Hoàng Anh, người bạn gái mà tôi mới quen từ mùa hè rồi. Tôi biết nói gì với nàng, lý giải thế nào về hành động của tôi để nàng hiểu tôi hơn? Tôi cứ đạp xe lang thang, mà lòng không chủ định. Hết ngày này sang ngày khác, với tâm trạng rã rời, buồn nản.

Chiều hôm đó, tôi bất ngờ ngừng xe lại. Tôi ngạc nhiên không biết cái gì xui khiến đã đẩy đưa tôi đến đây. Vì đây là nhà người dì tôi, em họ của mẹ tôi. Dù ở vai dì, nhưng dì chỉ hơn tôi một tuổi, xinh đẹp, đôi mắt luôn ẩn hiện một nụ cười tinh nghịch, đáng yêu. Có lẽ vì đôi mắt đó mà dì có nhiều chàng trai đeo đuổi dì. Nhưng có lẽ dì chưa thật sự yêu thương ai vì còn phải lo học hành. Dì học cùng trường với tôi, trên tôi một lớp. Ngoài tình thân gia đình, chúng tôi thương quý nhau, vì ngày còn nhỏ, những khi cần phải đi xa bán buôn, mẹ tôi thường gửi tôi và các em tôi nhờ nhà dì chăm sóc, nên chúng tôi rất thân nhau. Thỉnh thoảng, dì cũng hay có tính muốn tỏ ra vai trên của tôi. Điều đó đôi khi làm tôi khó chịu, nhưng tôi lại cảm thấy dì xinh đẹp và đáng yêu hơn.

Tôi đang lưỡng lự định quay xe trở lại, thì đã có tiếng dì từ trong nhà vọng ra:

 - Trân, mi đi đâu giờ này? Vào đây.

Một ý nghĩ chợt đến. Tôi dẫn xe vào cổng. Một chút hổ thẹn khi nghĩ tới ý định không mấy trong sáng nẩy sinh trong đầu, nhưng nó làm cho tôi có phần nhẹ nhõm. Tôi nhớ ra, dì tôi là bạn thân của cô người yêu của Thầy dạy Toán lớp tôi.

 - Chiều nay có giờ học không mà đi đâu tới đây?

Tôi ngồi xuống ghế đối diện, lúng túng nhìn dì:

 - Bộ con lên thăm dì không được hả?

 - Sao lại có chuyện động trời đó vậy? Thường ngày mi có thèm lên đây thăm tao đâu.

 - Con đâu đến nỗi tệ hại như dì nghĩ!

 - Vậy tao phải nghĩ về mi như thế nào mới đúng đây?

 Tôi bậm môi nhìn dì:

- Thôi đừng nhắc đến chuyện đó nữa được không dì? Con đang có ý định nhờ dì chuyện này, liệu dì có bằng lòng giúp con không?

Dì tôi mở tròn đôi mắt bồ câu nhìn tôi:

 - Việc chi, mà ấp a ấp úng vậy?

Cuối cùng tôi đành phải kể hết hoàn cảnh hiện tại của tôi cho dì nghe. Dì nghe mà đôi mắt cứ tròn xoe ngạc nhiên nhìn tôi, tưởng như tôi đang kể chuyện giả tưởng không tin tôi là nhân vật chính của câu chuyện.

Sau khi nghe xong, dì hỏi:

 - Chuyện ni, tao làm răng có thể giúp mi được đây?

Tôi ngước nhìn dì cầu cứu:

 - Dì không giúp thì ai giúp con đây!

Dì nhìn tôi lắc đầu:

 - Nhưng tao đâu có biết cách nào?

Tôi đắn đo một chút rồi nói thẳng ý của mình:

 - Con biết cô Thanh Thanh. là bạn thân của dì mà cô ấy con nghe nói là người yêu của thầy dạy Toán lớp con, dì nói với cô Thanh Thanh giúp con một tiếng.

Dì tôi lại kinh ngạc nhìn tôi khi nghe tôi đưa ra giải pháp.

 - Mi cũng ghê hí! Nhờ tao nói chuyện nầy với Thanh Thanh hả?

Rồi dì nhìn thẳng vào mắt tôi tủm tỉm cười:

 - Không lẽ tao tay không bắt giặc cho mi? Phải có điều kiện chớ.

Tôi mừng rỡ gật đầu:

 - Thì dì đòi gì con cũng chịu, miễn dì đừng nói với mẹ con là được.

Dì làm ra vẻ suy nghĩ, lại vừa cười vừa nói.

- Tao không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần mi chịu hai xuất, mỗi xuất hai vé ciné Châu Tinh hay Tân Tân gì cũng được.

- Gì dữ vậy? Dì bắt bí con hả?

- Tao con gái, không lẽ đi ciné một mình mà coi được sao? Tao định rũ Thanh Thanh cùng đi. Nếu mi nói vậy, thì mi nhờ người khác đi!

Bất đắc dĩ, tôi đưa ngón tay ra nghéo:

 - Thôi được, con đồng ý.

Dì tôi cũng đưa ngón tay ra trước mặt tôi nghéo lại, và nhìn tôi mỉm cười.

Trên đoạn đường đạp xe về nhà, nhớ lại lời đề nghị với dì, lòng tôi bỗng cảm thấy hoang mang và thật sự thấy hổ thẹn, mấy lần muốn quay xe trở lại nhà dì, yêu cầu dì hủy bỏ lời đề nghị vừa rồi, nhưng thú thật tôi yếu đuối, hơn nữa trong lòng tôi vẩn còn ám ảnh việc mẹ tôi đau khổ thất vọng vì tôi, tôi đã không đủ can đãm quay trở lại mà đi thẳng về nhà với tâm trạng phức tạp, hy vọng và chờ đợi, hổ thẹn và ray rứt... Tôi không biết cái gì đã dẫn dắt tôi đến đoạn đường này? Đây là đoạn đường đến nhà Hoàng Anh, cô bạn gái mà tôi tình cờ gặp gỡ trong một lần đến Thư viện tìm tài liệu cho một bài báo tôi dự định viết cho một tạp chí, trong khi cô gái cũng đến để tìm tài liệu cho một bài thuyết trình ở trường. Và từ đó chúng tôi thường xuyên gặp nhau.

Con đường này và ngôi nhà này đã hơn cả tuần nay tôi không đặt chân đến vì chuyện tôi bị đuổi ra khỏi lớp. Thật ra, tôi chưa có ý định gặp lại Hoàng Anh trong tâm trạng bất ổn hiện tại, tôi quay xe trở lại, bất ngờ cánh cửa tầng trên mở ra, tôi vừa kịp nhìn thấy Hoàng Anh đang đứng trước khung cửa, đầu ngẩng cao, tóc buộc xoắn lại rất khéo, lấp lánh với dãi lụa đỏ... Tôi muốn dừng lại để được nhìn sâu vào ánh mắt to đen và diệu vợi của nàng, được nghe giọng nói trầm ấm của nàng, nhưng kịp nghĩ lại, tôi cúi người phóng xe đi tiếp... chợt có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ họng... 

***
Đến sáng thứ ba, đúng một tuần sau kể từ hôm bị đuổi ra khỏi lớp, một đứa bạn cùng lớp gặp tôi khi tôi đang đạp xe lang thang trên đường Lê Lợi . Đến lúc đó, tôi cũng chưa biết sẽ đi đâu và số phận của tôi như thế nào sau buổi nói chuyện với dì tôi. Hắn vỗ vai tôi và nói với tôi:

- Thầy Toán nhắn mi, cho phép mi đi học lại đó.

 Tôi ngạc nhin nhìn hắn, như không dám tin điều nó nói. Tôi buột miệng hỏi lại:

 - Có thật thầy cho phép tao vào lớp học lại không?

Hắn cười:

 - Tao nói dối mi làm chi. Vào học đi, cả lớp đều mong mi đi học.

Tôi mừng rỡ đến muốn khóc, ít ra, tôi cũng không phải đối mặt với ánh mắt đau khổ, thất vọng của mẹ tôi khi nghe tôi bị đuổi học. Nhưng mặt khác, trong tôi vừa nẩy sinh một nỗi hổ thẹn, sự thất vọng về chính mình khi nhớ lại những đề nghị của tôi với dì tôi. Tôi mừng vì được thầy tha thứ, nhưng điều đó đã làm tôi đau đớn… Sự kính trọng đối với thầy trong lòng tôi thật sự bị đổ vỡ, sút giảm, nói đúng hơn là bị đánh mất, nếu như việc tôi được vào học được sự tác động của cô bạn của dì tôi. Hình ảnh của thầy trong tôi không còn thiêng liêng như trước đây, đã bị tổn thương mà e rằng tôi không hy vọng tìm thấy lại. Tôi hối hận vì thầm trách tại sao tôi lại chính là thủ phạm, kẻ bày mưu tính kế để làm hoen ố hình ảnh của thầy, đẩy thầy vào ngỏ bí không có cách thế chọn lựa nào khác. Đồng thời tôi tự bào chữa: thầy cũng là một con người, hơn nữa thầy còn trẻ,mà đã là con người thì có cả tính tốt lẫn tính xấu cũng là điều bình thường. Nhưng trong suy nghĩ, trong mơ ước của tôi, ít ra về phương diện này thầy là thần tượng của chúng tôi, thầy không thể có khiếm khuyết, không thể sai phạm về mặt đạo đức như những người khác. Do đó, tôi có cảm giác hụt hẫng, thất vọng, thầy không còn là hình ảnh người thầy mà tôi đã lý tưởng về thầy. Một ý nghĩ khác chợt đến, phản bác ý nghĩ ban đầu của tôi: giả như Thầy có nghe lời người yêu của thầy mà cho tôi vào lớp trở lại thì đó có gì sai trái? Tôi cũng thấy có lý, nhưng sao tôi vẫn thấy bị tổn thương, hình ảnh Thầy còn lợn cợn trong tôi một cái gì đó mà tôi khó thể chấp nhận.

Cũng may, suốt ngày hôm đó không có giờ Toán của thầy, nên tôi không phải đối diện với thầy. Nhưng trong tôi không khỏi cảm thấy sợ hãi, đau đớn vì từ đây đến hết năm học, sao tôi tránh khỏi việc phải gặp lại thầy. Tôi không biết trong những lần gặp gỡ đó tôi phải nghĩ về thầy thế nào? Thái độ của tôi ra sao? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong đầu tôi, và tôi nôn nóng muốn tìm lời giải đáp.

***

Buổi chiều, sau khi nghe tiếng chuông bãi học, tôi thoát nhanh ra khỏi lớp, lặng lẽ đẩy xe ra trước cổng, đạp một mạch thẳng tới nhà dì.

Chưa kịp dựng xe, tôi đã lên tiếng hỏi khi nhìn thấy dì từ bên trong bước ra.

Tôi hấp tấp như người bị hụt hơi:

- Dì, dì có gặp cô T.T. chưa?

Dì tôi nhìn tôi gật đầu:

 - Tao mới gặp nó sáng nay ở trường.

 - Dì nói với cô ấy thế nào?

Đôi mắt của dì mở rộng, nụ cười dịu hiền của dì cúi xuống. Mặt dì không có vẻ gì là đùa cợt cả:

 - Xin lỗi mi, tao cũng chưa biết nói với nó thế nào. Khi nghe câu chuyện mi kể, tao chỉ định phá mi chơi cho bỏ ghét cái tật lanh chanh của mi. Bây giờ, nghĩ lại thấy mi cũng tội, nhưng không biết cách nào giúp mi đây.

Nghe chưa hết câu, tôi không nói, chạy tới ôm lấy dì, hôn lên trán dì. Và không giấu nỗi mừng vui, tôi lắp bắp:

 - Cám ơn dì! Cám ơn dì…. Dì không cần nói gì nữa hết. Xong rồi.

Rồi tôi buông dì tôi ra, lật đật quay đầu xe, phóc lên yên, đạp ra cổng:

 - Con về đây. Tuần sau con đãi dì một chầu ciné, dì muốn mời thêm bạn dì mấy người cũng được

 Dì ngơ ngác nhìn theo tôi nhăn nhó:

 - Cái thằng này, chắc nó khùng rồi. Tao không hiểu gì hết.

Tôi quay lại ở hàng rào, nói ngược lại:

- Dì chẳng cần phải hiểu làm gì cho mệt! Cứ coi như con khùng…

Trên con đường trở về, tự nhiên tôi cảm thấy tâm hồn tôi thanh thoát nhẹ nhàng như được chấp cánh.. Con đường tôi đang đi qua, có vẻ như rộng thêm ra, cây cỏ như reo vui, và chim chóc bất ngờ cất tiếng hót vang. Nỗi băn khoăn lo lắng trĩu nặng trong lòng tôi trong suốt cả tuần nay như có bàn tay nhiệm mầu nào đó cởi bỏ.

Tôi chạy bay về nhà, ném xe vào một góc, tới trước mặt mẹ tôi, ôm chặt lấy mẹ trong vòng tay không nói lời nào và nước mắt không ngớt trào ra vì xúc động.

Mẹ tôi ngước nhìn tôi hơi có vẻ bất ngờ, mẹ hất tay tôi ra và nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Chuyện gì vậy con?

Tôi nhìn mẹ lắc đầu:

- Không, đâu có chuyện gì. Con thấy nhớ mẹ, thương mẹ nên muốn ôm mẹ như ngày còn bé mỗi khi cảm thấy nhớ mẹ, thương mẹ con lại chạy về nhà để được mẹ ôm vào lòng....

Mẹ tôi bật cười nhìn tôi, trách yêu:

- Cái thằng này, bữa nay khùng rồi chắc, mày đâu có còn nhỏ. 

***

Buổi chiều sau đó, giờ Toán của Thầy, cũng vào giờ đầu của buổi chiều. Trời cũng rất nóng nực, thỉnh thoảng mới có gió, những cơn gió nồm từ biên giới Lào thổi đến, lại có cả tiếng ve sầu kêu rả rich từ hàng cây trong sân trường vẳng lại, nhưng tôi không hề có cảm giác nóng nực, ngược lại tôi cảm thấy dễ chịu như những ngày đầu Xuân. Tôi không biết các bạn tôi nghĩ gì, nhưng tôi thì rất mong muốn được gặp lại thầy, được nhìn thấy thầy quen thuộc trên bục giảng như mọi ngày

Mấy phút sau, thầy bước vào lớp, thầy vẫn có thói quen nhìn xuống cả lớp mỉm cười:

 - Chào các em.

Rồi thay vì quay lên bảng bắt đầu cho bài học mới như mọi ngày, thầy bước xuống khỏi bục giảng, đi thẳng về phía tôi. Đặt tay lên vai tôi, giọng thầy nhỏ và ấm:

- Thầy biết em đã đau khổ như thế nào khi không dám yêu cầu ba mẹ em đến xin lỗi thầy. Thầy hiểu, vì thầy cũng đã từng rơi vào trường hợp của em. Hơn nữa người phạm lỗi đã nhận lỗi với thầy rồi. Nhớ cố gắng học thật giỏi. Thầy đặt niềm tin vào em. Và mong em đừng bao giờ đánh mất niềm tin đó trong lòng mọi người, cũng như những người đã thương yêu em.

Tôi đứng dậy, nhìn thầy không nói được lời nào. Nước mắt tôi chảy tràn trên má, niềm hạnh phúc chợt đến, tôi đã tìm thấy lại nguyên vẹn hình ảnh của thầy cũng như lòng kính trọng đối với thầy trong tôi sau cơn bão tố, một cơn bão đã đi qua trong lòng tôi, đi qua trong đời tôi tưởng chừng như nhận chìm tôi dưới vũng sâu của nỗi đau. Nếu như bị đánh mất niềm tin thì làm sao tôi có thể sống được đây? Tôi không hình dung cuộc đời tôi thế nào trong tình huống đó. Nhưng rất may, mọi sự đã không diễn ra như vậy. Tôi nói lí nhí:

- Em chân thành xin lỗi thầy và cũng rất biết ơn thầy đã cho em lại nguyên hình ảnh của thầy trong em!

Giữa lúc đó, những tiếng vỗ tay vang lên làm tôi chợt tỉnh. Tôi đưa tay quệt hai hàng nước mắt quay nhìn các bạn tôi mỉm cười.

Sau giờ học, tôi lấy xe đạp trở về, bất ngờ qua khỏi Ga, nơi tôi vẫn hẹn gặp nhau với Hoàng Anh mỗi khi đi học về. Hoàng Anh đứng đó chờ tôi với nụ cười e ấp, rồi cả hai chúng tôi tiếp tục đạp xe song song bên nhau, qua khỏi cầu Lòn, đi thẳng lên Phường Đúc đến một vùng đất trống, cạnh bờ sông Hương, nhìn qua bên kia là làng Phú Xuân.

Khi cả hai đã ngồi xuống trên thảm cỏ, Hoàng Anh nhìn tôi:

- Nghe nói Trân có chuyện phải lo lắng?

Tôi cảm động vì sự quan tâm của Hoàng Anh, tôi nhìn thẳng vào ánh mắt nàng.

- Không có chuyện gì đâu?

Hoàng Anh lắc đầu:

- Không có chuyện gì mà cả tuần Hoàng Anh không thấy tăm dạng Trân đâu hết. May mà Hoàng Anh có công chuyện chứ không Hoàng Anh giận lắm đó! Hoàng Anh có nghe một người quen trong lớp của Trân cho biết Trân bị thầy đuổi khỏi lớp!

Tôi ngước lên nhìn Hoàng Anh có phần xấu hổ và xúc động đưa tay nắm nhẹ bàn tay búp măng của Hoàng Anh.

- Cũng tại Trân nông nổi, thiếu suy nghĩ. May mà thầy đã tha thứ cho Trân vào học lại rồi Hoàng Anh mỉm cười thật tươi, nắm tay tôi lắc đầu:

- Trong chuyện này, Hoàng Anh có cách nhìn khác.

Tôi thắc mắc

 - Cách nhìn khác là sao Hoàng Anh?

Hoàng Anh nhìn thẳng vào tôi, chậm rãi:

- Hoàng Anh cho rằng thầy cũng hơi quá với Trân khi buộc Trân phải ra khỏi lớp và yêu cầu ba mẹ Trân tới gặp thầy, thầy mới cho vào lớp. Theo Hoàng Anh, thầy cũng có lỗi vì nóng nảy, thốt ra những lời có phần nặng nề chớ bộ! Mặc dù thái độ quậy phá của bạn nào đó làm thầy bực tức.

- Cám ơn Hoàng Anh đã chia sẻ. Trân nghĩ, sau này Hoàng Anh phải theo ngành Luật mới đúng!

Hoàng Anh cười có vẻ tinh nghịch:

- Trân nịnh Hoàng Anh đó há? Hoàng Anh con gái mà! Lâu lâu được nịnh dù đúng hay sai cũng thú vị. Nhưng nói thật, trong chuyện này Hoàng Anh lại thích phản ứng của Trân, nếu là Trân, trong hoàn cảnh đó Hoàng Anh mong muốn sẽ làm như Trân!.

Tôi lắc đầu:

- Tại sao? Sẽ rơi vào hoàn cảnh rắc rối, chứ tốt đẹp gì.

Hoàng Anh vẻ ương ngạnh:

- Hoàng Anh thích đức tính trung thực của Trân.

Rồi Hoàng Anh nhìn khoảng trời trước mặt, bâng quơ:

- Chỉ sợ càng ngày người ta càng ít trung thực, mà một xã hội thiếu trung thực và thiếu tình yêu thì đó là địa ngục, chứ không phải xã hội loài người.

Hoàng Anh nghiêng đầu vào vai Trân vẻ trầm ngâm. Những tia nắng cuối cùng đã bắt đầu tắt dần…

- Nghĩ gì vậy Hoàng Anh?

Hoàng Anh giật mình quay lại, nhìn Trân bằng ánh mắt lặng lẽ, và nói với Trân bằng nét mặt ít biểu cảm, ánh mắt tựa hồ như đang nhìn lên bầu trời, xuyên thấu qua người Trân:

- Hoàng Anh mơ về một thế giới, mà trong đó, con người biết yêu thương con người…

- Liệu thế giới mà Hoàng Anh mơ ước có thật không?

Hoàng Anh nheo mắt nhìn vào mãng mây tím ở chân trời đang tan dần :

- Có lẽ Hoàng Anh thà sống trong thế giới… ước mơ để tưởng mình hạnh phúc, còn hơn phải sống trong thực tại khổ đau.

Tôi ngạc nhiên và hơi có chút âu lo:

-Điều gì đã khiến Hoàng Anh bi quan như vậy?

Hoàng Anh nhăn mặt lắc đầu:

-Hoàng Anh không biết, và cũng không lý giải được tại sao?

Tôi bặm môi nhìn thẳng vào đôi mắt của Hoàng Anh bằng tất cả yêu thương xúc động:

-Hoàng Anh này, Trân nghĩ những gì mình không đủ sức gánh vác được thì sẽ không dám lo toan, nhưng Trân sẽ nguyện cùng Hoàng Anh đi bất cứ đâu trên cõi đời này.

Hai tay Hoàng Anh níu lấy tay tôi và đôi mắt to tròn của nàng long lanh nhìn lại tôi, tôi tưởng chừng như chưa bao giờ thấy nàng đẹp và ngọt ngào đến như thế!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 507)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 755)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 613)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
15 Tháng Mười Hai 20234:38 CH(Xem: 826)
Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên,
07 Tháng Mười Hai 202310:08 SA(Xem: 758)
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa.
05 Tháng Mười Hai 20233:20 CH(Xem: 636)
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
28 Tháng Mười Một 20235:09 CH(Xem: 790)
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt.
28 Tháng Mười Một 20233:00 CH(Xem: 991)
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972.
21 Tháng Mười Một 20234:51 CH(Xem: 829)
Rồi một hôm tôi gặp nàng. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang, nói năng dịu dàng.
14 Tháng Mười Một 20238:45 SA(Xem: 1310)
Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9171)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7897)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30715)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,