SONG THAO - Hoàng

16 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 7239)
SONG THAO - Hoàng

 

Dẫn: Bài viết về Nguyễn Xuân Hoàng sau đây được viết khi được tin Hoàng lâm trọng bệnh. Tháng 4/2014 tôi đã gửi Hoàng đọc bài này, và anh có nhuận sắc một số chi tiết. Ngày 24/4, Hoàng mail cho tôi: "OK. Mày sửa như vậy là tốt lắm".

 nguyenxuanhoang_01-content 

Hoàng và tôi là bạn “mày tao”. Kể cũng lạ. Thường thì bạn kiểu xưng hô “mày tao” với nhau là bạn từ thời còn đi học. Chỉ có những ngày thơ dại đó mới đủ thân tình để gọi nhau một cách sỗ sàng như vậy. Tôi vẫn còn mấy ông bạn thời đó. Ông thì từ hồi học tiểu học, ông thì từ hồi đệ ngũ đệ lục thời trung học. Ông nào ông nấy nay đã đầu bạc, răng long lại mọc thêm một cái chân gỗ hoặc chân sắt. Gặp nhau vẫn cứ “mày tao” khiến cho mấy bà nhăn mặt. Già rồi, ăn nói cho đàng hoàng kẻo tụi trẻ nó cười cho. Mặc, thấy mặt nhau vẫn cứ rổn rảng “mày tao”.

Trường hợp tôi với Hoàng có lẽ là hiếm. Hoàng là người duy nhất không học chung với tôi mà “mày tao”. Không, kể cũng có học chung. Khoảng cuối thập niên 1960, tôi với Hoàng đều cùng học tiếng Đức tại Trung Tâm Văn Hoá Đức Goethe Institut trực thuộc toà Đại Sứ Đức ở Sài Gòn. Cùng đi học nhưng chúng tôi chỉ gặp nhau ở ngoài sân vì không cùng chung lớp. Gặp nhau, cười toe, mỗi đứa một góc sân. Kể ra thì cũng là bạn học đó, nhưng hơi trễ, trước đó chúng tôi đã trót “mày tao” rồi. Hoàng cũng là bạn văn duy nhất mà tôi thoải mái “mày tao”. Không có trường hợp thứ hai.

Chúng tôi gặp và quen nhau vào những năm đầu của thập niên 1960, khi cùng cộng tác với tờ Văn Học của Phan Kim Thịnh, do Dương Kiền làm chủ bút, toà báo đặt tại nhà in của Nguyễn Ngọc Nhạ, em của ông Nguyễn Ngọc Linh, trên đường Lê văn Duyệt. Thường chúng tôi chỉ gặp nhau cuối tuần, ngồi tán dóc với nhau rồi giải tán. Vậy mà tôi với Phan Kim Thịnh, Dương Kiền thì “ông tôi” mà tôi với Hoàng lại “mày tao”. Chẳng hiểu tại sao.Tới bây giờ cũng vẫn chưa hiểu tại sao.

Ngày đó “cậu” Hoàng là một người được đời ưu đãi. Cao ráo, đẹp trai, nhà văn thời thượng lại còn là Giáo Sư Triết trẻ măng của trường trung học nổi tiếng Petrus Ký. Nhìn sang góc nào, cậu cũng vẫn sáng choang. Khỏi nói cậu là típ người hào hoa phong nhã, hoa hoét nở tưng bừng chung quanh. Sau một năm dạy ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa, chắc Bộ Giáo Dục thấy nhốt một chàng nhà giáo như cậu ở tỉnh lẻ quá phí của trời nên đổi cậu về trường Petrus Ký. Gặp tôi, cậu Hoàng vui ra mặt.

Chúng tôi ít nhìn thấy nhau từ sau khi tôi thôi học tiếng Đức. Nói chi gặp nhau. Cho tới khi mất nước. Thời gian đó cậu Hoàng giữ tờ Văn, đường văn nghệ của cậu thênh thang. Cậu bận tíu tít, tôi cũng chẳng rảnh rang chi, cả hai hình như chẳng có ý tìm nhau để “mày tao”.

Hoàng dzọt được vào năm 1985, tôi cũng đi vào năm 1985. Hoàng qua Cali, tôi định cư ở Canada, hai phương trời cách biệt. Tôi bị cuộc sống giữ chân tới năm 1990 mới cầm viết lại. Còn Hoàng làm Tổng thư Ký cho tờ Người Việt của Đỗ Ngọc Yến. Có dễ tới cả mười lăm năm, chúng tôi chỉ nghe tin nhau. Tháng 4 năm 1989, Hoàng qua Montreal ra mắt tạp chí Thế Kỷ 21 mà anh làm chủ bút. Lúc đó Đỗ Quý Toàn còn định cư ở Montreal, là người đứng ra giới thiệu Hoàng với cử toạ. Tôi ngồi ở bên dưới, nhìn bạn mình trên bục cao, cứ ngỡ là chúng tôi chưa cách xa nhau bao lâu. Khi Hoàng nhận ra tôi, anh chạy tới, vỗ vai (hơi mạnh tay), hỏi: “Mày ở đây à?”. Hoàng ký cho tôi cuốn Sa Mạc của anh do nhà Xuân Thu ấn hành trong cùng năm đó. Hoàng dặn tôi viết được gì gửi qua cho anh. Lúc đó cuộc sống khởi đầu lại nơi xứ người còn đang quất tôi tối tăm mặt mũi nên nào có viết được chi. Tôi ừ hử cho qua chuyện.

Có lẽ cũng vì lời dặn tha thiết của Hoàng nên tôi cứ bồn chồn ngứa ngáy bàn tay. Chưa đầy một năm sau, tôi viết lại. Phần vì cái vỗ vai của Hoàng nhưng phần lớn vì bốn câu thơ khích tướng của Luân Hoán, người cũng cùng viết cho Văn Học ở Sài Gòn nhưng cư ngụ ở Đà Nẵng nên ngày đó chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau. Nợ cơm áo, nợ xe nhà / Cong lưng anh trả tà tà sướng chưa? / Nợ văn chương há chịu thua? / Ở đây giấy bút quá thừa, mời anh!

Năm 1992 tôi mới lần đầu tiên qua Cali thăm bạn bè. Tới toà báo Người Việt gặp Nguyễn Xuân Hoàng. Người ra gặp tôi trước ngoài phòng khách lại là Đỗ Ngọc Yến. Lúc đó Hoàng đang bận tối tăm mặt mũi trước giờ in báo, Yến nghe tin tôi tới vội ra gặp. Yến dụ tôi qua Cali làm báo với anh em cho vui, Hoàng ra sau đó, dụ tôi tiếp. Qua thì muốn qua quá nhưng làm sao mà qua khi đã mọc rễ ở Montreal rồi.

Nếu ngày đó tôi xiêu lòng khi nghe lời đường mật của hai ông bạn, chắc Hoàng với tôi sẽ không phải, chẳng được xuân thu nhị kỳ, mà vài niên mới ngó thấy cái bản mặt nhau như bây giờ. Mỗi lần lại hốt hoảng thằng nọ nhìn mặt thằng kia lắc đầu cho cái trò ảo hoá của anh trời già. May mắn là cả Hoàng và tôi chưa đứa nào phải dùng thuốc nhuộm tóc. Qua đầu thế kỷ mới, năm 2000, gặp nhau tại Boston trong dịp ra mắt tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát của Phan Xuân Sinh, tóc hai chàng trai già tuy không còn đen nhánh nhưng trông vẫn được mắt. Vẫn cứ “mày tao” như thuở nào. Vẫn cứ như những người đi trên mây. Sáu chịch mà cứ tưởng như vẫn còn soan.

Thời gian cứ cà rịch cà tang. Hoàng và tôi vẫn cứ ngàn trùng xa cách. Gặp nhau lại phớt lờ anh thời gian, bá vai bá cổ mày mày tao tao. Lạ! Mồm miệng chẳng thấy ngượng nghịu. Răng cỏ vẫn còn nguyên vẹn cả, lấy chi để mà già. Vài năm mới ngồi cạnh nhau mà tưởng như mới gặp nhau ngày hôm trước. Lần gặp sau, ba năm sau đó, coi bộ vẫn còn khí phách. Lần đó, năm 2003, Hoàng qua chơi Montreal, tiện thể ăn cưới con gái tôi. Chàng bảo là tới Montreal mấy lần mà như cóc bỏ đĩa, chẳng biết cóc chi! Luân Hoán và tôi bèn làm hướng dẫn viên cho chàng du khách đi thăm thú hang cùng ngõ hẻm thành phố. Thành phố này cũng hay nhỉ, Hoàng phán. Sau này, Hoàng vẫn ao ước được sang chơi thăm bạn bè lần nữa. Năm nào cũng hứa hẹn.

Lại ba năm sau nữa, năm 2006, tôi qua Cali chơi. Lúc này Hoàng đã định cư ở San Jose làm chủ bút tờ Việt Mercury. Tình cờ sao mà Hoàng cũng lên Little Saigon. Vậy là trùng phùng. Lại mày mày tao tao, làm như không có ba năm xa cách. Bốn năm tiếp theo không thấy mặt nhau. Năm 2010, tôi xuống tận San Jose gặp Hoàng. Tóc chàng bạc trắng như cước. Tôi nhìn mảng tuyết trên đầu Hoàng mà mắt dựng ngược. Sao vậy? Hoàng cười: “Tao nhuộm trắng đấy chứ!”. Cứ tin như vậy đi. Kể từ khi Hoàng nhận viết blog cho đài VOA, chúng tôi thường điện thoại hoặc mail cho nhau. Hoàng than như bọng. Than buồn chán, than không viết được chi. Tới khi Hoàng mail cho tôi “bây giờ tao mới hiểu tại sao người ta có thể tự tử được”, tôi thấy hoảng. Tôi điện thoại qua bơm chút hơi cho bạn. Gặp nhau, Hoàng kéo tôi đi cà phê Starbucks buổi trưa. Buổi tối, Hoàng và Vy đãi vợ chồng tôi ăn ở La Paloma.

Ba năm nữa đã trôi qua, những lần gặp nhau cóc nhẩy tính theo đơn vị vài năm chưa qua con số ba năm tối thiểu, vậy mà Hoàng luôn nhắc tôi qua chơi. Tôi hẹn lần hẹn lữa. Rồi có lúc tôi rủ Hoàng qua Montreal chơi với anh em ở đây. Tao thích lắm nhưng…Bỗng một bữa tôi nhận được mail của Hoàng trách tôi tại sao tới San Jose mà không cho bạn biết. Tôi ngạc nhiên. Tìm hiểu ra mới biết người từ Montreal qua San Jose là Hoàng Xuân Sơn. Hoàng tưởng nhầm là tôi. Hoàng muốn gặp tôi thêm một lần nữa. Tôi cũng muốn qua San Jose gặp Hoàng. Nhưng cuộc sống ít khi thoả thuận với con người. Ba năm nay chúng tôi không gặp nhau.

Lần đi uống cà phê Starbucks chúng tôi gợi lại những ngày xưa cũ, khi cậu Hoàng còn hết sức le lói, Hoàng cười toe. Tôi xúi Hoàng viết hồi ký. Hoàng hứng chí gật đầu. Nhưng anh hùng còn e dè: chưa được đâu! Tôi xúi thêm: cứ viết đi, được tới đâu mail qua cho tao giữ. Tới giờ, quản thủ viên vẫn chưa thấy trang viết nào.

Tháng 6 năm 2013, Hoàng nói trong điện thoại: “Tao đau cột xương sống quá. Chẳng biết nó là cái gì!”. Hoàng nói vị trí, đốt xương thứ mấy nhưng tôi chỉ nghe qua loa. Đau là đau. Đốt nào chẳng vậy. Hỏi giỡn: mày còn nhúc nhích được không? Vẫn lái xe đi uống cà phê được, nếu không, buồn chết!

Cuộc điện đàm sau đó Hoàng cho biết buổi chiều sẽ lên một bệnh viện ở Stanford có nhiều phương tiện hơn. Chẳng biết nó là cái quái gì đây! Cái quái nó tác quái thật. Một bạn đọc trẻ tuổi ở San Jose mail cho tôi: “Bác Hoàng bị cancer xương nặng lắm. Mới phát hiện chừng hai tháng nay mà spread nhanh quá. Hôm qua bác Hoàng vô Stanford rồi bị tóm lại không cho về nữa, mà xuống ký nhanh quá, mất 30 pounds trong một tháng, không còn đủ sức để chữa trị”. Tá hoả tam tinh, tôi ngồi thừ đầu óc trống rỗng. Hoàng ơi, tội cho mày quá! Tao làm chi được cho mày bây giờ!

Hai ngày liền đầu óc tôi khật khừ. Loay hoay tìm tin tức của Hoàng. Mò vào blog Sáng Tạo kiếm thơ Đinh Cường. Chẳng là hồi này ông Đinh Cường làm thơ tả tình tả cảnh liên miên hầu như hàng ngày. Chuyện lớn chuyện bé ông cho leo vào thơ hết. Y như rằng, tôi bắt được chút lòng của ông Đinh Cường.

ôi sóng biển Nha Trang và hàng thùy dương reo
hay những đêm sương mù đàlạt nhớ không hoàng
búng mẩu thuốc tàn nhìn theo đốm lửa
khuôn mặt bạn ngầu như james dean
hoàng ơi hãy tự mình chữa lấy mình
nhưng làm sao nguôi được cơn đau ở đốt xương

...

tôi ở xa nhớ bạn vô cùng đi bộ vòng quanh xóm
nhìn xuống lòng đường bao nhiêu là vết nứt
cũng như chúng ta làm sao mãi còn sung sức
chỉ mong còn trong nhau một tình bạn không rời… 

Hoàng còn nằm trong bệnh viện, điện thoại coi như đồ bỏ, tôi chặc lưỡi thử anh internet coi ra sao. Tôi mail cho Hoàng. Chỉ là cầu âu. Bạn tôi đang chống trả với những cơn đau vật vã. Đâu có rảnh rang chi. “Hoàng ơi, mày về nhà chưa? Tao hỏi để phone nói chuyện với mày.” Vậy mà tôi nhận được hồi âm ngay, gửi từ iPhone của Hoàng. “Hiện còn nằm ở Stanford. Tao sẽ được về với gia đình trong vài ngày còn lại”. Tôi vội vàng mail tiếp chút sức cho bạn. “Hoàng ơi, Bạn bè khắp nơi đều hướng về mày, cầu mong những sự tốt lành nhất cho mày. Tao thương mày quá và cảm thấy chưa bao giờ bất lực như bây giờ. Mày nghĩ tao có thể làm gì cho mày được bây giờ? Mày có nhớ ít ngày trước đây tao có xúi mày viết hồi ký không? Tao thấy cuộc đời này đã đãi ngộ mày khá hậu hĩnh. Nếu có hồi ký của mày sẽ có khối người chảy nước dãi, trong đó có tao! Chỉ còn biết cầu mong cho mày được an bình trong những ngày sắp tới. Luôn nhớ là tụi tao rất thương mày, Hoàng nhé!”. Ngày hôm sau, Hoàng mail lại. “Tạ Trung Sơn ơi, Tao rất lên tinh thần khi đọc thư của mày!!!”. Hoàng thư tiếp ngay sau đó: “Tao đã về nhà hôm qua. Y tá hôm nay đến nhà săn sóc và lo thuốc men. Stanford cho biết chỉ chữa trị khi nào sức khoẻ tốt thôi”.

Nghe tin Hoàng về nhà, tôi phôn liền. Không có ai trả lời. Mail cũng không có hồi âm. Hoàng ơi, bây giờ mày ra sao? Đã có lần tôi nói với Hoàng. Ai cũng phải trả giá cho cái sống dai của mình. Tôi và Hoàng coi như đã vào hạng sống dai. Hoàng đang trả giá. Có điều chàng phải trả giá quá đắt. Có thánh giá nào nhẹ nhàng đâu!

Nỗi buồn được chia cho nhau có lẽ cũng nhẹ bớt chăng? Tôi tìm dựa vào ông Đinh Cường coi có nhẹ được chút nào không.

gắng lên nghe Hoàng, hãy xua tan nỗi lo
nằm im nghe tiếng tim mình còn đập
phổi mình còn thở
hãy nhắm mắt nhớ hàng thuỳ dương xanh
nhớ căn nhà ngói đỏ, nhớ những người thân
nhớ bờ biển ngày nào, tình yêu thời thanh xuân
nha trang,
tôi sẽ về thăm thành phố đó chớ?
tại sao không?
tại sao không, phải không Hoàng? 

Bạn tôi, vốn hừng hực ý chí, xưa cũng như nay, đâu có chịu thua anh chàng sarcoma. Hoàng đang chống trả. Chúng tôi vẫn khi phôn, khi mail, dựa vào cái “mày tao” để tiếp bạn tôi thêm đạn dược. Giữ vững tuyến đầu, nghe Hoàng! 

04/2014 

Viết thêm:

Tuyến đầu đã vỡ. Hoàng đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 10 giờ 30 (giờ San Jose) ngày 13 tháng 9 năm 2014.

13/09/2014

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 6106)
Đang ngồi lừng khừng trên băng ghế gần cổng số 20 chờ giờ lên tàu bỗng một giọng nữ cao the thé qua máy phóng thanh xướng tên hành khách nghe quen quen, hóa ra là mình.
04 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 7033)
(truyện hư cấu, không nhắm vào ai, chỉ nói về sinh mệnh con người….. )
30 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 7518)
Nhà tôi mái bằng, vuông như hai cái hộp kê khít lên nhau, thừa mỗi đoạn đuôi ở tầng một làm công trình phụ. Bà sai thợ sắt dựng ở hai bên ban công một giàn hoa xương cá.
19 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 6478)
Nắng cuối ngày chiếu nốt nhịp điệu hối hả lên nhiều mặt hàng gốm sứ vẫn đang được đưa lên khoang thuyền.
17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 10077)
Đương lui cui luộc nồi khoai dưới bếp, nghe con cháu thưa hỏi đi dìa, dì Năm Chạch hớt hơ hớt hải chạy theo ra bến sông níu áo con Tư.
12 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 7178)
Ngày mai đã là mùa đông. Cả thành phố lại rợp màu sắc sặc sỡ của hàng trăm loại áo khoác người ta khoác lên người để chắn che cái khắc nghiệt của thời tiết.
07 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 5565)
Tiếng súng xa dần thành phố, những đoàn người lê thê lếch thếch di tản ở đầu cuộc chiến bây giờ cũng lần lượt trở về.
06 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 8435)
Gió Nam non thổi lòn qua tổ Ong Đất, dỗ bầy ong ngủ giấc ngủ say. Chợt, Chúa vả cả bầy choàng tỉnh, những tiếng động từ mặt đất nện xuống nghe đinh tai nhức óc.
01 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 5697)
Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ
30 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 6839)
Mở những cánh cửa sổ cho có chút gió đêm ra vào, tôi ngồi một mình trong bóng loang lổ của ánh đèn hắt từ ngõ nhỏ bên ngoài, tưởng mình có thể chìm xuống
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16817)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18833)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9029)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8128)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 453)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 822)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13903)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19090)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8394)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30591)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25369)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22814)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21616)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19674)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19150)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16017)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31812)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34843)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,