TRẦN THỊ NGH. - Giếng Cạn Dây Dài

01 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 7951)
TRẦN THỊ NGH. - Giếng Cạn Dây Dài



Khi đề nghị Mikael Blomkvist viết một quyển sách về đại gia đình Vanger, Henrik chỉ lấy đó như một cái cớ để nhân cơ hội này nhờ tay nhà báo đầy khả năng lẫn bản năng truy tìm sự thật về vụ mất tích gần bốn mươi năm trước của cháu gái ông, Hariet Vanger. Tiến trình làm việc buộc ông phải cà kê dê ngỗng một cách chi tiết về từng thành viên của gia đình, mà theo nhận xét của Mikael, ông ta rõ ràng có một sự thù ghét và khinh bỉ vô cùng tận đối với từng người nói riêng và toàn thể dòng họ Vanger nói chung. Ông nói tôi đã bỏ hai mươi lăm, ba mươi năm đầu của đời mình để tha thứ và thông cảm cho họ chỉ vì đó là những kẻ ruột thịt, về sau thì nhận ra rằng máu mủ không thể là nền tảng của lòng yêu thương. Mỗi gia đình đều có một vài bí mật, kiểu bộ xương trong tủ áo như người ta thường nói, nhưng nhà Vanger chúng tôi có cả một nghĩa địa.

Bà Nghênh Phong cũng có những suy nghĩ tương tự về gia đình mình khi đọc Millenium của Stieg Larsson. Lại càng trùng hợp khi chính bà đang nhờ một lão sĩ hết thời chấp bút cho tự truyện của bà.

 

Do vận nước, lão Thì Quán đã thôi không còn ôm ấp ảo mộng được viết ra tác phẩm lớn của đời mình mà xoay qua viết hồi ký cho các tướng giặc về hưu, các phu nhân bấy lâu chôn giấu nỗi niềm thâm cung bí sử, các nhân vật nổi tiếng muốn tô màu thêm cho tên tuổi, những kẻ vô danh muốn đánh trống thổi kèn để gây chú ý đám đông. Trước kia lão cũng có một chút vị trí đáng kể trên văn đàn nhưng do quốc sách thay đổi, lão đã bị trù giập đến lu mờ nghèo đói, rốt cuộc chỉ còn một nhúm chữ đủ để khề khà với bạn nhậu ở các quán cóc, quều quào một vài phóng sự loại ngồi lê đôi mách, trong nhà ngoài phố, người tốt việc tốt, gương hiếu thảo, đôi bạn học tập, điển hình vượt qua số phận. Với cái mớ này lão không cần đến bút hiệu. Cứ mỗi bài lại ghi bừa một tên miễn sao có được vài trăm ngàn nhuận bút nuôi thân. Các quyển hồi ký luôn luôn được ký tên người trong cuộc còn kẻ chấp bút trốn biệt ở hậu trường, không ngoài mục đích vinh danh thân chủ và bảo toàn tính mạng cho bản thân. Thì Quán là một cái tên đã bị quên lãng gần bốn mươi năm, y như vụ án Hariet, tưởng đâu đã vô vọng.

Té ra lão vẫn còn ít nhất một người ái mộ. Bà Nghênh Phong thời thanh xuân vốn là độc giả trung thành của Thì Quán, luôn sôi nổi tìm đọc tất tần tật các tác phẩm ngay từ truyện ngắn đầu tay của nhà văn lúc bấy giờ hãy còn là một cây bút trẻ. Một giọng kể tỉnh táo, đôi khi độc địa mỉa mai, lắm lúc tự trào nhưng thường khiến người đọc suy nghĩ và suy diễn. Thuở ấy bà thích sự nhập nhòa giữa tiểu thuyết và đời phàm được pha trộn như có ma thuật trong các tác phẩm của lão; nó khiến bà tò mò đến nỗi đâm ra đoán già đoán non tỉ lệ phần trăm của hư và thực trong mỗi câu chuyện được viết ra, thuộc lòng cả những câu thâm trầm. Đây chính là điều kiện ắt có và đủ cho quyển tự truyện mà bà đang nhờ lão già sa cơ chấp bút. Chí ít trong con người của lão hẳn phải còn cái chất phù thủy thích hợp cho trận hỏa mù mà bà sắp tung ra cho nhân thế sặc sụa một lần chơi. Quan trọng về phía Thì Quán là lão cần tiền, cần sống ngay ngắn; ngày nào có cái ăn thì cứ ăn, không phải chừa nhín lại chút cơm nguội để hôm sau mang ra nấu cháo cầm hơi.

Thành ý của bà Nghênh Phong là mở cho lão một cánh cửa, đồng thời bóc tách cái tôi, lục lọi nội tạng biết đâu soi sáng được những hốc kẹt tối tăm.

 

Tuần lễ thứ nhất

Họ hẹn nhau trong phòng một khách sạn mini trên đường Nguyễn Văn Thủ, trước đây là Tự Đức, đã từng được coi như một trong những con đường rất đẹp của Sài Gòn. Lần nào từ Bắc Carolina về Việt Nam bà Nghênh Phong cũng lại thuê một phòng ở chỗ này. Biệt thự nhỏ, chỉ có 6 ngăn độc lập dành cho khách, ấm cúng không khí gia đình nhưng vẫn rất riêng tư, giá cả phải chăng, tiếp đãi niềm nở vừa đủ liều lượng, mọi lộ trình đều ngắn trong phạm vi phụ cận. Trước sân có hai cây bông sứ vừa tỏa bóng mát vừa nhả mùi thơm.

Thì Quán nay là một lão nhân lửng chửng giữa lục thập và thất thập. Lục thập kê niên, thất thập kê nguyệt, bát thập kê nhật. Thế nhưng để sống, lão phải tính từng ngày như một cụ già tám mươi, không biết đứt bóng lúc nào. Vớ phải vụ này lão rất hào hứng, tự thẩm định thể chất tuy có hơi suy sụp nhưng tinh thần còn cực tinh nhậy. Không riêng gì mùi mỹ kim, qua người Sài Gòn cùng thế hệ lão đánh hơi thấy cả cái mùi hoàng kim lưu cữu của quá khứ, quãng thời gian lão đã từng sống hiên ngang và lương thiện. Gần bốn mươi năm nay lão vẫn khao khát một lúc nào đó có cơ hội khều khều nó dậy. Chẳng để chi, ngửi ngửi cho đỡ ghiền thôi.

Chuẩn bị cho buổi hẹn, lão mặc cái sơ-mi ca-rô còn tương đối lành lặn sạch sẽ, cẩn thận nhét vạt trước vạt sau vào lưng quần po-ly-ét-te, thắt dây nịt giả da – trông hơi giống cao-bồi vườn nhưng phải công nhận tươm tất và có làm lão trẻ lại vài tuổi.

Bà Nghênh Phong đón lão từ cổng biệt thự. Họ chào hỏi xã giao một lát ở đại sảnh rồi cùng lên lầu. Phòng có ban-công phất phơ mấy bụi sao nhái, một nhánh bông sứ trắng tạt ngang cửa sổ. Bàn nước thấp ken chật giữa hai ghế bành bọc da có tay dựa. Góc sâu bên phải lấp ló cái giường một mét sáu phủ vải hoa. Lão sĩ nhận thấy khách hàng, tuy mới gặp lần đầu, không khác lắm với hình ảnh lão đã tưởng tượng: trên dưới sáu mươi, nhiều bầy nhầy bạc nhạc, mỡ chùng chình ở hông, bụng và cổ, đầy đủ nét đặc trưng của một Việt kiều Mỹ no đủ, nhiều năm xa xứ, chăm chút chưng diện nhưng không đẹp không sang.

Tỏ ra chuyên nghiệp, lão bày ra bàn một máy tính HP-Compaq đời cổ lổ sỉ, một tập giấy A 4, hai cây bút nguyên tử xanh đỏ và một máy ghi âm Sanyo loại nhỏ, đã lắp 2 cục pin mới hiệu Toshiba. Làm như tế nhị, lão se sẽ bấm nút khởi động khi thấy bên A sắp mở lời. Bà Nghênh Phong tằng hắng:

- Theo như hợp đồng được soạn thảo bởi luật sư của tôi là ông Lê Tập mà ông đã đọc và trao đổi nhiều lần qua điện thư, chúng ta có 6 tháng làm việc chung, cũng là thời gian ông dự kiến phải hoàn thành quyển hồi ký, với những diễn biến trong 64 năm, khởi điểm từ 1950 là năm sinh của tôi cho đến nay. Do hợp đồng không ghi rõ chi tiết về thời gian biểu, tôi đề nghị mỗi sáng mình làm việc 3 tiếng trừ thứ bảy và chủ nhật, thì giờ còn lại ông tổng hợp các thông tin do tôi cung cấp và phân thành chương đoạn theo cách ông nắm bắt sự việc. Mỗi cuối tuần tôi sẽ đọc lại những thứ ông bày hàng và đề nghị sửa đổi nếu cần. Ư…có điều, tôi muốn câu chuyện vần vũ một thứ khí hậu đặc trưng nhiệt đới nhưng hơi huyễn, như trong tác phẩm Trên Núi Non Cây Cối Thì Buồn mà ông đã viết hồi đầu thập niên bảy mươi.

Bỏ mạng, bên B tự nhủ. Khí hậu nhiệt đới hơi huyễn miền núi non! Chẳng đặng đừng, lão lụp chụp nói chen:

- Thiết nghĩ hồi ký là một tập hợp những chi tiết thật, có thể xác minh trong trường hợp cần thiết, khi được hoặc bị yêu cầu, chính vì vậy nó khác với tiểu thuyết.

- Tôi không có ý đề nghị ông dựng đứng câu chuyện bằng những thông tin giả. Pha trộn hư thực là biệt tài của ông. Ăn thua là ông phủ cho nó một màn sương, người đọc thông minh sẽ biết cách vén nó ra.

Vụ này khó nhá, tuy nhiên lời ngợi khen của bà Nghênh Phong như một chất kích thích khiến lão bỗng hóa ra tự tin. Nó quật mồ những vinh quang mà lão đã từng được nếm từ các bài phỏng vấn và phê bình văn học hồi hậu bán thế kỷ trước. Lão nhún nhường:

- Tôi không chắc có thể …phả ra hơi nước hoặc làm cho mọi thứ mờ sương ám khói, việc này cũng còn tùy tính chất câu chuyện kể của bà.

- Thì đây, chúng ta làm việc ngay hôm nay. Sau hai tuần, hợp đồng có thể được điều chỉnh hoặc hủy, là do quyết định phía bên A hoặc bên B hoặc cả hai bên cũng chưa biết chừng. Có ghi rõ trong đề mục số 4.

Bên B sửa lại thế ngồi, làm như nghênh chiến, tự vấn hưu chiến lâu ngày chẳng biết bắn giết có run tay. Bên A vào chuyện trôi trơn như đã được chuẩn bị trước:

- Cha tôi tên Trầm Thụ Di, mẹ tôi Ngung Thị Nhơn. Tôi đã bỏ công nhiều năm để tìm kiếm họ hàng có dính líu đến hai bên nội ngoại, tiêu tốn không biết bao nhiêu thì giờ và tiền bạc. Ngoài Trầm Tử Thiêng hầu như ai cũng biết qua các ca khúc nổi tiếng Cơn Mưa Hạ, Mười Năm Yêu Em, Bài Hương Ca Vô Tận…, không thấy có ai khác mang họ Trầm. Đúng ra Trầm Tử Thiêng là bút hiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Lợi, đã tạ thế ở Mỹ năm 2000. Họ Ngung lại càng vô vọng.

Nhưng thôi, chỉ riêng bốn thế hệ ông bà-cha mẹ-con cái-cháu chắt chúng tôi cũng đã làm nên một bề dày đáng kể. Lần ngược lên tôi chỉ biết lờ mờ ông nội Trầm Thụ Chí đất đai sông nước miền Tây cò bay thẳng cánh, có ba bốn đời vợ mà cha tôi là con trai duy nhất của bà nội thứ nhì họ Bùi; khi đứa trẻ là tôi vừa có chút hiểu biết đã thấy bà điên loạn. Ông ngoại tôi là một trong những vị quan cuối cùng đời Bảo Đại tên Ngung Trấn lấy bà ngoại tôi họ Lê. Ngoài ra thì tôi không thực sự rõ hai họ Trầm - Ngung thuộc tộc nào. Kinh hay Thượng, Xiêm La hay Nam Dương, Miên hay Lào, Mường, Mán, Mèo, Nùng hay Lô Lô, bởi ngoại hình trông rất khác với người thuần giống Giao Chỉ. Cũng có khi chính là cặn và bã của một ngàn năm giặc Tàu pha với hai họ Lê, Bùi hoặc Nguyễn, Trần, Đinh, Phạm gì trước đó. Không biết được.

- Vậy bà định bắt đầu từ cụ nội Trầm Thụ Chí cùng cụ ngoại Ngưng Trấn hay cụ thân sinh Trầm Thụ Di?

- Ông có thể đặt câu hỏi ở cuối mỗi buổi làm việc, đừng ngắt lời tôi.

Bên A quắc mắt ngó bên B một khắc, chớp mạnh hai hàng lông mi thưa có quệt sơ sơ vài nhát mascara rồi nguýt ánh nhìn ra cửa sổ, nơi nhánh bông sứ trắng đang lung linh trong nắng sáng.

- Chúng tôi có bốn anh em trai Phú, Sinh, Hỉ, Viễn; bốn chị em gái Ái, Kiêm, Phong, Giang. Trong số này chỉ Nghênh Ái và Nghênh Giang có nước da sáng, còn lại đều đậm người với môi dày hơi thâm, cánh mũi thô bè. Đám con cháu sau này cũng lộn xộn đứa vầy đứa khác, do thời thế đưa đẩy sống rải khắp năm châu, lập gia đình với người bản địa, lai sinh ra một lũ hậu duệ ngày càng khó thể xác định sắc tộc.

Điều đặc biệt là cả bọn chúng tôi không ai giàu có, không có khiếu làm ăn buôn bán, rốt cuộc soát lại chỉ thấy toàn thứ bá vơ ít nhiều tằng tịu với báo chí, văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, giáo dục; khá lắm thì leo lên được nấc thiết kế đồ họa, tạo hình; cao hơn bậc nữa lạc loài vài thằng lưu manh do được sinh ra lớn lên trong một khu vực khác biệt về địa lý, kinh tế, chính trị - rủi ro sao mà chúng nó đều chết trẻ vì nhậu và gái. Ép tới ép lui họa hoằn mới được một đứa tốt nghiệp y khoa nhưng coi bộ con nhỏ này sớm bỏ nghề do mải lui cui đi đánh đàn cho một ban nhạc giựt, thiệt là ứ hự.

Cũng cần nói thêm Trầm Thụ Di thuở sinh thời sống nhờ của thừa kế, không làm gì ngoài làm thơ; Ngung Thị Nhơn, tuy không được đến trường như hầu hết phụ nữ thời đó nhưng được cha là Ngung Trấn dạy cho biết đọc biết viết; ngoài việc làm dâu và tảo tần nuôi tám đứa con, thường nhín chút thì giờ cho đời sống tinh thần. Bà thông làu thơ phú, ca dao, hàng ngày hát ầu ơ ví dầu tình bậu muốn thôi, đọc Hồ Biểu Chánh, Tùng Long, Ôn Như Hầu, về sau còn lấn sang cả truyện dịch của Victor Hugo, Guy de Maupassant, Pearl Buck. Tôi cho rằng thứ gien trội từ hai cụ thân sinh đã tung hoành xuống tận đời chắt.

Còn gien lặn? Ối trời ơi, vì sao mà tiềm tàng trong cái vẻ ngoài nho nhã của nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà thiết kế là ác tính hẳn từ đời ông tằng tổ cứ triền miên róc rách trong huyết quản của từng thành viên trong đại gia đình; mỗi người biến tấu cái ác theo cách riêng, cứ như một dàn giao hưởng với gần trăm nhạc cụ khác nhau. Thoạt nghe khó phân biệt đàn phím, đàn dây, bộ gõ, tiếng sáo hay tiếng kèn. Kẻ thưởng ngoạn bàng quan có thể trầm trồ vỗ tay nhưng người tinh tế sẽ băn khoăn trăn trở tự hỏi vì đâu mà ra nông nỗi.

Nói tới đây bà Nghênh Phong chồm người qua cái bàn thấp, lùa xấp giấy A 4 và hai cây bút nguyên tử xanh đỏ của lão Thì Quán sang một bên, với tay rót thêm nước trà vào tách của mình. Bên A đang xao xác thấy rõ. Bên B tự nhủ ngu si hưởng thái bình, tốt hơn không nên thưa thốt, cứ hãy dựa cột mà nghe. Lão thậm chí không dám nhúc nhích dù rất muốn hí hoáy ghi xuống vài điều thắc mắc để tham vấn cuối buổi. Bà Nghênh Phong tợp hai ngụm trà, trầm ngâm một lát rồi nói tiếp, giọng xa xăm như vọng ra từ một chiếc rương cũ.

- Theo như tôi được nghe kể lại, ông nội tôi phá đời con gái của không biết bao nhiêu thôn nữ trong làng, xong cho tiền bảo mang bụng chửa đi chỗ khác đẻ đái, mưu sinh. Bà nội tôi điên trẻ, có thể vì quá ghen cũng có thể vì lậm rượu, hoặc vì cả hai. Điên thuộc loại ác ôn chứ không chỉ u uất trầm cảm. Thuở còn kinh nguyệt, bà mắc lên đầu một ngọn sào tre băng vệ sinh phụ nữ đã dùng qua – dạo ấy chỉ là miếng vải mùng dệt thưa được gấp nhiều lớp, không phải bông gòn Bạch Tuyết hay…gì gì đâu – rồi cứ vậy mà giương cờ đỏ đi rễu khắp thôn xóm; mệt thì ngồi nhà uống rượu chửi đổng. Cứ vậy cho đến lúc đức lang quân cưỡi hạc qui tiên. Có khác chi lời ông bà ta thường nói, ngày bối rối tối nằm không; cụ nội tôi tạ thế cô độc. Không như Đoàn Chính Thuần trong Thiên Long Bát Bộ được các hồng nhan tri kỷ yêu vì, đến lúc phu thê ái thiếp cùng lâm tử vì một Cô Tô Mộ Dung Phục đầy tham vọng, nằm chết sóng soài vẫn quây quần xiêm y ngũ sắc những Phượng Hoàng, A La, A Tịnh, Bảo Bảo, Hồng Miên. Khi già quá hết cục cựa nổi, Trầm phu nhân ngồi một chỗ gõ nhịp chìa vôi lên miệng ống nhổ bằng đồng ca cẩm chuyện xưa có câu có kệ, miệng nhão nhoẹt cổ trầu.

Tôi tin là tất cả đám đàn bà con gái trong gia đình hưởng quả phần nhiều từ cụ nội: bốn chị em gái chúng tôi đều hôn nhân lợn cợn, người ngoại tình, kẻ tái hôn dăm ba lượt, người góa bụa sớm, kẻ hấp tấp ly dị. Nghe ra có vẻ âm lịch nhưng sang đời tiếp theo cái quả càng thêm đắng chát: một đứa tử nạn xe hơi, một đứa phá thai bỏ chồng vượt biên phải lây lất thân tàn ma dại ở trại tị nạn đến 4 năm, một đứa làm chiến sĩ gái đánh giặc ở Căm-pu-chia bỏ mạng vì sốt rét rừng, một đứa qua đời do ung thư phổi, một đứa xe cán gẫy chân… Tất cả đều ở tuổi xuân thì. Đây là tôi nói về phía nữ thôi. Phía còn lại vừa ăn quả vừa tiếp tục gieo hạt. Bên chi họ ngoại Ngung-Lê không nghe nói có chuyện đàng điếm nhưng thất đức thì các cậu dì người nào cũng ở hàng thượng thừa.

Im lặng một lúc thật lâu, bà Nghênh Phong đột ngột nói:

- Mà thôi, hôm nay như vậy đủ rồi. Vụ này làm đầu óc xây xẩm, lao tâm lao lực nhiều hơn tôi tưởng.

Lão Thì Quán len lén nhìn đồng hồ đeo tay. Chỉ mới hai giờ trôi qua. Ngày đầu tiên, lão đã phải ngốn một lượng thông tin đáng kể qua nét vẽ phác toàn cảnh có phần tán loạn trình tự tôn ti. Vừa đề cập đến hai cụ thân sinh, người kể chuyện liền trở ngược lên hai cụ nội ngoại, xong tuột xuống hàng anh chị em, lộn trở lên hai cụ thân sinh, ngược về hai cụ nội ngoại rồi lại quay xuống hàng anh chị em. Thoáng thấy cái nhíu mày rất nhẹ của bên B, bên A nhắc:

- Tôi nhớ đến đâu nói đến đấy, nhiệm vụ của người chấp bút là phải sắp xếp thông tin theo trật tự vai vế và thời gian.

Trong khi hồi tưởng bà Nghênh Phong có vẻ như đã phải trải nghiệm lại những cảm xúc mãnh liệt khiến lớp phấn trát trên mặt nhíu cả lại, nẻ cả ra. Trong khí trời hầm hì, ngó các cơ mặt tròng trành của bà đủ thấy hụt hơi. Ai đó đã nói gì nhỉ, à, Lauren Bacall, nữ tài tử Hollywood vừa qua đời ngày 12 tháng 8, 2014: “…cả cuộc đời bạn sẽ xuất hiện trên gương mặt bạn, và bạn nên tự hào về nó”. Thế nhưng khách hàng của lão lại cố gắng che giấu cuộc đời mình bên dưới lớp phấn son đã không còn hợp với tuổi tác; trong khi mở lòng toang hoác, bà không ý thức cái lớp bột trắng ấy đang nứt ra. Viết về Lauren Bacall, Patrick Pachero nhận xét khuôn mặt của bà trông như tấm bản đồ của một cuộc sống trọn vẹn – mỗi vết chân chim là dấu hiệu cười vang sau khi nghe một câu đùa tục tĩu, mỗi vết sạm nắng là dấu ấn của một kỳ nghỉ tuyệt vời cùng Humphrey Bogart, mỗi nếp nhăn là bằng chứng của một trải nghiệm phi thường (1). Bản đồ Nghênh Phong có những kênh nước đen, lắng bên dưới cơ man là trầm tích.

Những buổi sáng tiếp theo hai nguời làm việc nghiêm chỉnh theo thời dụng biểu. Cứ cà-phê quán cóc xong lão Thì Quán liền xộc xệch chiếc Cánh Én chạy bay đến Nguyễn Văn Thủ. Lần nào bên B gọi cửa, bên A cũng đã sẵn sàng; tuy nhiên theo như lão thấy, cái bản đồ trên mặt khách hàng mỗi ngày thêm nhợt nhạt bình nguyên, còn cao nguyên thì cứ nhấp nhô chồng chéo, kênh rạch càng lúc càng chằng chịt. Rõ ràng bà Nghênh Phong đã trải qua những đêm mất ngủ, phấn son có phần biếng nhác. Đám sao nhái ngoài ban-công như lả đi vì mấy ngày oi bức, đêm lại ì ào mưa gió trái mùa. Cành sứ trắng tạt ngang cửa sổ cũng đang cùi dần trông y hệt những ngón tay bị rụng mất lóng.

Sau năm ngày họ làm xong phần bốc mộ đời riêng của hai cụ thân sinh, qua đó bên A tỉ tê không ít những thảm kịch giữa Trầm Thụ Di và Ngung Thị Nhơn. Cụ bà, do ngao ngán những cơn say của chồng đã cự tuyệt chăn gối khiến cụ ông nổi dịch, mượn rượu chì chiết mắng nhiếc vu vơ đồ cái thứ đàn bà trắc nết hết làm đĩ cho mấy gã hàng xóm Hai Liêu, Chín Ấn lại mèo mả gà đồng với em rể Sáu Sửu, chớ căn cớ sao mà ngùng ngoằng chuyện vợ chồng? Oan ức bà Nhơn hát:

ầu ơ ví dầu (ớ…)
tưởng giếng sâu (ơ…) tui nối sợi dây dài,
hay đâu giếng cạn (ờ…) tui tiếc hoài sợi dây (ơ… ơ…)

Sau đó bà vùng vằng bỏ đi, trước khi dứt nghĩa tào khang, trớ trêu thay, lại mang bầu đứa con thứ tám sau 10 năm nghỉ đẻ. Sự có mặt của đứa em út tên Nghênh Giang đã làm thay đổi cuộc đời chị Bảy.

gieng



Tuần lễ thứ nhì

Chủ nhật vừa rồi tự cấm túc ngồi nhà, lão Thì Quán đã đúc kết chương một, sắp xếp ngay ngắn các chi tiết đầu cua tai nheo thành một trường đoạn dành cho hai cụ nội Trầm Thụ Chí và Trầm phu nhân, một trường đoạn khác cho hai cụ ngoại Ngung Trấn và Ngung phu nhân; nửa chương còn lại là những cơn ba đào trong đời sống vợ chồng của hai cụ thân sinh. Bỏ qua phần họ hàng hai chi, dự kiến chương trình làm việc tuần thứ nhì sẽ tập trung từng chương cho mỗi người trong hàng anh chị em của bà Nghênh Phong theo thứ tự trên dưới, vì theo lời bên A đây mới là phần cốt lõi của quyển tự truyện.

Thế nhưng khi xem qua bản nháp của năm ngày làm việc, bên A tỏ vẻ bất bình:

- Lộ quá! Sắp xếp đâu ra đấy, cho mờ mịt hơn đi. Đâu rồi cái ma đạo trộn gạo với bông cỏ của nhà văn Thì Quán? Thắp một cây nhang trong lúc viết cho nó nghi ngút lên. Thú thật với ông tôi không phải loại tàn tật chữ nghĩa; mấy chục năm xa xứ đời đưa đẩy sao mà rốt cuộc lại rơi vào con đường sáng tác, tuy tác phẩm có bời rời bạc rạc vẫn được coi là một cây bút hải ngoại tên tuổi. Do chú tâm viết sạch viết đẹp nhằm tạo hình ảnh một người viết nhân ái có lý tưởng và tâm hồn cao thượng, tôi quen nết hạnh đi rồi; không dám chường mặt thật cũng không có khiếu lột truồng nhân vật bằng kỹ xảo điện ảnh một cách …nghệ thuật như bọn đạo diễn có tay nghề, điều khiển điêu luyện ống kính cho cận cảnh một tí chỗ này, làm nhòa một tí chỗ khác, biến hóa khôn lường như Lục Mạch Thần Kiếm (2). Trước đây tôi đã từng ví ngòi bút của ông như một thứ kiếm khí vô ảnh. Chớ bộ ông không luyện Kim Dung sao, không ai tin đâu! Bộ vó giáo chủ cái bang Kiều Phong như ông khó mà lấy vải thưa che mắt người phàm, nói chi đến thánh.

Hơi não nề tiếc công cả tuần cặm cụi làm việc bằng tất cả tim óc, lão sĩ lựng bựng một chặp rồi ấp úng, giọng chân thành:

- Tôi khó thể phủ nhận thiên khiếu kể chuyện chi tiết đầy tiết tấu cùng hình ảnh của bà. Thật là uổng khi biên soạn lại theo cách của tôi.

- Nói vậy thì thôi tôi cần đến ông làm gì? Chỉ việc ngồi một mình lải nhải vô máy ghi âm rồi thuê người đánh máy, bỏ tiền túi ra in thành sách phát không ở cổng vào siêu thị, trạm xe buýt hoặc ga xe lửa. Hồi ký không chỉ là chuyện vạch áo cho người xem lưng hay vạch lá tìm sâu nơi người khác để tôn vinh cái tôi, nó vẫn có thể là một tác phẩm…ư…nghệ thuật. Úi trời, sao tôi ghét hai chữ này quá. Nhưng nè, chớ quên nó là tác phẩm của ông, vì tôi sẽ không ký đồng tác giả, vậy cứ ngang nhiên đổi tên họ nhân vật, cho nắng lên mưa xuống miễn sao cái sự hâm hấp của câu chuyện vẫn được tôn trọng. Nhiệt đới mà, quên sao?

Lão Thì Quán đã phải giấu sự sửng sốt trước hai chi tiết hoàn toàn mới mẻ:

1 - Do bị tường lửa lão lờ quờ không thể cập nhật dễ dàng văn học Việt hải ngoại, không ngờ khách hàng của mình cũng ở trong giới viết lách; lại càng khó biết nếu bà ta không dùng tên thật.

2 - Một điều khoản quan trọng không thấy đề cập trong hợp đồng, cũng không nghe bên A giao trước, đó là lão sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ tác phẩm.

Sơ hở chủ quan bên B hay cố ý bên A muốn đặt lão trước sự việc đã rồi? Vậy sao gọi là hồi ký hay tự truyện? Bán cái hay cúng dường? Có vẻ như bên A bỗng dưng nổi hứng bất tử thay đổi đường lối tác chiến nhường bước cho bên B tác nghiệp do thành ý muốn giúp kẻ sĩ mạt vận phục hồi nhân phẩm, hay vì dè dặt trước những người đọc thông minh mà tìm cách thoát hiểm qua ngõ sau? Dẫu gì lão đã được bật đèn xanh. Trong tinh thần cảnh giác cao độ, lão luôn tâm niệm người kể chuyện không hề “tàn tật chữ nghĩa” như đã tự thú nhận.

Lão Thì Quán bắt đầu tuần lễ thứ nhì trong tâm trạng đầy hoang mang pha lẫn hào hứng, đồng thời luôn giữ tư thế ứng chiến trước những cơn đồng bóng bất chợt của bên A. Trừ phân nửa số tiền đã được tạm ứng, hợp đồng rồi ra có vẻ như đã trở thành một tờ giấy lộn. Vừa lắng nghe lão vừa chỉnh sửa giọng kể trong đầu, biến nó thành câu chuyện của chính mình, lắm lúc phấn chấn tự thêm lửa củi đến phừng phừng cả mặt mũi mà không biết.

Thấy vui trong người, cuối ngày lão đã sì sụp một tô phở Phú Gia xanh um hành trần ở Lý Chính Thắng, rồi phom phom Cánh Én bay về chân cầu Miếu Nổi hút tòn tọt một hơi hai ly nước mía ngọt như đường hóa học của con Hai Mập.

Họ tiêu mất bốn buổi cho chương hai với 26 thành viên của gia đình anh cả Trầm Thụ Phú như đã dự tính. Thứ sáu, bà Nghênh Phong bất thình lình hướng câu chuyện vào chính bản thân, cho rằng những dây mơ rễ má tự chúng sẽ mắc dính vào nhau, thắt gút hay cơi nới tùy theo từng chặng của mạch chuyện. Trừ phần ông bà cha mẹ không thể thiếu dùng làm chương mở đầu cho quyển sách, các anh chị em, hứ, đời ai nấy kể theo góc nhìn của mình, bà chỉ mượn sự có mặt của họ như những mảnh ghép cần thiết cho toàn cảnh bức tranh di truyền, hơi đâu mà phí cả chương cho mỗi nhà.

Gần như đã dần quen cách làm việc khi thăng khi giáng của bên A, bên B ngậm tăm chịu trận. Thời buổi nhiễu nhương, viết về mình có ngày bỏ mạng do lạng quạng chính kiến, nay bất ngờ có kẻ cúng dường thì cứ an nhiên hưởng phước sương đi, nhang đèn tính sau. Lão tự động viên.

Bà Nghênh Phong loanh quanh một hồi với tuổi thơ dữ dội thời chiến, tuổi thanh xuân đầm đìa yêu đương, những cuộc tình lỡ, những chuyến đi xa ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, góa phụ trẻ thọ tang chồng già, lần vượt biển tưởng chẳng thể thấy bờ, những năm cày sâu cuốc bẫm cho sự sống và lẽ sống nơi đất khách…

Giữa lúc bên B đang mơ màng tự hỏi không biết đỉnh điểm câu chuyện nằm ở chỗ nào sau mười ngày làm việc, chợt nghe bên A cao giọng:

- Em Tám ra đời làm thay đổi cuộc đời chị Bảy. Trong lần về trước của tôi nó có đến đây thăm, ngủ lại đêm rồi chết ngay trong cái phòng này, 54 tuổi, chẳng biết nên gọi hưởng thọ hay hưởng dương. Đó là do tôi đưa cho một cái gói rồi xúi mày chết đi. Khám nghiệm tử thi người ta cho biết nó dùng thuốc an thần quá liều. Tôi đã mải miết cả đời để chờ đợi một kết cuộc. Nó ác quá mà. Thực ra chết ở tuổi đó cũng chẳng trẻ trung gì. Hồi cuối thập niên tám mươi tôi đã từng làm giấy tờ bảo lãnh cho nó theo diện chị em; sau mười năm nó được gọi phỏng vấn, liền bán tháo bán đổ của chìm của nổi, xin thôi việc, thu dọn chiến trường chuẩn bị một cuộc sống mới. Đúng lúc ấy tôi phán tao đổi ý. Tưởng đâu nó đã hết đường sống nào ngờ còn thọ thêm đến 15 năm.

Lão Thì Quán có cảm giác như mình vừa ngủ gật, rớt đến mấy nhịp, huốt mất phần lớn câu chuyện. Chắc chắn có một cái lỗ trống hoác, hoặc người kể chuyện đã từ đó chui ra hoặc chính lão đã mắt nhắm mắt mở chui vô. Giờ lấy căn cớ gì ngắt lời:

- Xin bà…

Chợt nhận ra máy ghi âm đã tắc tị tự lúc nào, lão trấn chặt bàn tọa trên ghế bành vận nội công, lấy hết sức bình sinh kích hoạt các vi mạch thần kinh trong nỗ lực phục hồi Vô Ảnh Kiếm Khí, phóng toàn tâm vào chỗ câu chuyện bị đứt. Vô vọng, lão ực một ngụm nước lớn rồi trân mắt nhìn người đối diện đến cứng cả hai mí, đồng tử co lại nhỏ xíu như mắt ma cà rồng trước lúc hút máu con mồi. Cục nghẹn trồi lên họng, vừa giận chính mình lão vừa tự hỏi gien lặn róc rách trong huyết quản bà này là máu ác hay máu điên đây?

Nhìn bộ dạng lão Thì Quán loay hoay giữa lưng chừng hư thực sau giấc Nam Kha, bà Nghênh Phong phá ra cười, rung rinh đến nỗi mấy vạt mỡ chùng chình trên người đổ nhào cả ra. Cuối cơn, bà rút khăn giấy chùi nước mắt nước mũi, xong nâng Bàn Thực Chỉ trỏ vào góc sâu bên phải, nơi lấp ló cái giường một mét sáu phủ vải bông, giọng còn lục bục sau trận ngả nghiêng:

- Mệt hả? Vô đó ngả lưng một chút đi, tôi kể lại từ đầu cho nghe khỏi cần thay pin máy ghi âm. Rõ ràng mỹ kim thì có mà hoàng kim thì hết rồi.

Như nuốt phải Đoạn Trường Tán, lão nghe trong người lảo đảo. Mộng lớn hưng phục Đại Yên rốt cuộc chỉ chập chùng chập choạng u u minh minh trong những cơn điên cuối đời của Mộ Dung Cô Tô. Phần lão, dẫu gì vẫn còn đó cái hợp đồng, tuy rất có nguy cơ bị hủy sau hai tuần nhấp nha nhấp nhổm. Ái da, qua sông tất phải lụy đò, chứ chẳng lẽ xụ mặt bí xị tung chiêu Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng (3) của Dương Quá?

Trần Thị NgH

Sartrouville, tháng 9.2014
_____________

(1) Nguồn: http://soi.today/?p=153807

(2) Lục Mạch Thần Kiếm không phải là một kiếm thuật mà là một loại kiếm khí tu luyện dựa trên cách vận hành tâm pháp yếu chỉ rồi dùng Nhất Dương Chỉ phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm khí này bao gồm:

  • Tiểu tử - Thiếu trạch kiếm (ngón út tay trái)

  • Tả hữu tiểu tử - Thiếu xung kiếm (ngón út tay phải)

  • Tam quy kim mạch – Quan xung kiếm (ngón áp út và ngón đeo nhẫn tay phải)

  • Trung chỉ - Trung xưng kiếm (ngón trỏ tay trái)

  • Bàn thực chỉ - Thương dương kiếm (ngón trỏ tay phải)

  • Mẫu chỉ - Thiếu thương kiếm (ngón cái tay trái)

(3) Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng là loại kiếm pháp kỳ lạ bậc nhất do Dương Quá sáng tạo trong suốt 16 năm chờ đợi Tiếu Long Nữ và chỉ mỗi mình Dương Quá sử dụng được. Muốn sử dụng môn võ này phải mang tâm trạng sầu khổ đau đớn vô vọng. Khi vui vẻ hạnh phúc vô ưu vô tư thì kiếm pháp này mất đi thần hiệu.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 496)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 749)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 609)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
15 Tháng Mười Hai 20234:38 CH(Xem: 825)
Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên,
07 Tháng Mười Hai 202310:08 SA(Xem: 757)
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa.
05 Tháng Mười Hai 20233:20 CH(Xem: 629)
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
28 Tháng Mười Một 20235:09 CH(Xem: 784)
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt.
28 Tháng Mười Một 20233:00 CH(Xem: 979)
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972.
21 Tháng Mười Một 20234:51 CH(Xem: 821)
Rồi một hôm tôi gặp nàng. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang, nói năng dịu dàng.
14 Tháng Mười Một 20238:45 SA(Xem: 1301)
Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12247)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18971)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8319)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 971)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1155)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11052)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19778)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16109)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31943)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,