NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ - Buôn làng buồn

11 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 7701)
NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ - Buôn làng buồn

 

Tôi đã ghé qua một buôn làng đang phiền muộn. Buôn làng này nằm trên rẻo cao của một thị trấn nhỏ. Tất cả gần 100 hộ dân. Điều đặc biệt là họ không mang nỗi buồn theo trong giờ lên rẫy, trong các cuộc hội hè và cả trong giấc ngủ. Chỉ đôi khi có vài đôi mắt trũng sâu không chứa điều gì ở trong đó. Những đôi mắt đen nhánh, đen và to như mắt của trâu rừng. Những đôi mắt tròn xoe cười như nắng khi mặt trời vừa lên. Những nụ cười cũng tròn xoe lấp lánh trắng dưới đôi mắt và làn da đem nhẻm.

tt-09-content-content

Tối nay, câu chuyện của già làng tạm gác lại trong tiếng tù và còn váng vất trên ngọn men. Những hũ rượu đã vơi và những đôi mắt lim dim. Những câu chuyện già làng kể đi kể lại. Những bài hát được hát đi hát lại. Những con người ngồi đấy choàng lên nhau giữa màng đêm những sọc xanh đỏ vàng của những mảnh trang phục thổ cẩm đã thẫm màu. Mùa hè năm nay sông trông buồn rũ rượi, cây cối trong nhà héo úa hết cả. Những bông hoa trắng rã rượi trên vùng núi xứ nhiệt đới này. Hình như tất cả đã hẹn nhau đi xem lễ hội gió mây, ở trên núi ấy. Họ đã đi qua và mắt không nhìn thấy những hạt sương đang xâu chuỗi trên lưới nhện. Họ lướt qua cánh rừng tràm, ở đó nghe nói đang có trận mưa máu.

Một buổi sáng mùa hè trên núi, trong văng vắt.

Đã có rất nhiều tiếng khóc. Họ đang khóc trâu. Một cụ già đang trùm chiếc khăn kín mít gần cả khuôn mặt và một cậu bé đen nhẻm đang dắt trâu đi. Cậu bé có đôi mắt thật đen của núi rừng. Hôm nay cả làng dậy từ sáng sớm để khóc trâu. Con trâu không biết khóc. Đôi mắt của nó lúc nào cũng buồn buồn mơ mơ dại dại giữa núi rừng. Họ thương trâu và tiễn trâu về với giàng. Giàng sẽ cho họ mùa màng bội thu.

Gió sáng sớm lùa trên chóp núi đìu hiu lành lạnh. Tiếng phèng la, tiếng chiêng tiếng trống đã bắt đầu động đậy. Họ chuẩn bị cúng giàng.

Họ cùng quàng tay vào nhau mà đi hứng mưa.

-ọ..ọ…ọ…ọ…tiếng trâu kêu

Họ đi vây tròn. Họ chạy vây tròn. Núi rừng vây tròn. Con trâu đứng ở giữa, ngơ ngác nhìn. Nó không nghe được tiếng người ta hò hét, cả tiếng chiêng tiếng trống đang khuấy sâu vào tận lòng núi. Nó nghe tiếng nứt, núi đang đổ nhào về phía nó. Nó giựt mạnh, sợi dây thừng kéo cái mũi, mũi nó sắp đứt, cái cột đã được người ta đóng bằng bê tông chôn sâu xuống. Những trận mưa lao đang đâm vào nó. Núi đang gần ngã nhào. Những tiếng hò reo đang đâm vào mắt nó. Đùi nó đang bị xả. Tiếp tục mưa lao...bắt đầu một trận mưa máu. Lưng nó đang bị xả. Mưa máu. Người ta hò reo, chiêng trống hò reo, người người đang ngồi trên khán đài bật dậy hò reo. Người ta ngửa cổ uống mưa. Nó thật ngọt. Đám trẻ con cười ngất như đang lên cơn hoang dại của núi rừng. Bốn vó chân trâu đẫm máu. Con trâu đang hứng trận mưa máu. Nó gắng sức chạy vầy quanh. Người vẫn chạy theo vây quanh. Đôi mắt nó gần rớt ra. Nó không còn thấy gì cả. Cả cặp sừng đang bị băm ra. Người ta ngửa cổ hứng máu. Hò reo và cười ngất giữa núi rừng vây quanh.

Và họ đã đi vòng quanh nhau, cùng uống mưa máu. Nó ngọt ngào và lên men rượu máu. Họ tu ừng ực cho đã cơn khát. Họ bảo nhau: “Uống đi”, như người ta uống rượu rắn ấy, những con rắn đang cuộn tròn vào nhau, chúng đang lên men.

-ự..ự…ự…tiếng ngưười vừa nhảy vừa phóng lao

-ự..ự..ự…tiếng trâu đang rên

Phía bên kia, những người khác đã đốt những cụm lửa thật to. Họ chuẩn bị thiêu.

-ọ..ọ…

Con trâu đang thoi thóp chờ giàng đưa về trời. Đôi mắt nó lờ đờ không chịu nhắm nghiền lại. Đôi mắt to và đen thật hiền. Đến khi sắp chết cũng thật hiền. Người ta đang khiêng nó lên.

Cụm lửa bùng lên chờ đợi, bên dãy núi đang nghiêng.

Mặt trời nhuốm đỏ máu. Rừng nhuốm đỏ máu. Một trận mưa máu đã được uống cạn. Con trâu nằm vật xuống giữa một vòng người vẫn đang còn vòng quanh. Trước mắt nó là một thảm cỏ đỏ màu máu. Những ngọn cỏ đang đâm ra từ những lá sách. Chúng mọc băm quanh thân, phủ lên màu bùn đỏ.

Lửa đã bắt đầu, có mấy cái nồi to đặt trên ngọn lửa lớn đang sôi sùng sục. Họ băm nhỏ ruột, gan, lá lách… và từng mảng thịt trâu cho vào đấy. Họ bỏ vào cả những loại lá rừng. Họ đang nấu món tả pín lù. Khói bốc nghi ngút.

Họ ăn xì xoạp, họ tu rượu ừng ực. Những đôi mắt đen tròn xoe nhìn nhau rất hiền tựa mắt trâu. Họ hát và cười vang. Họ gõ chiêng, gõ phèng la và chạy vòng tròn quanh ngọn lửa. Những đôi chân đất, những mái tóc bện rối với sương rừng.

Họ cùng quang vai vào nhau, quàng vai vào núi , chúc tụng nhau. Họ lảo đảo ngả nghiêng. Núi cũng lảo đảo ngả nghiêng. 

***

Ngày hôm sau, họ chuẩn bị tiếp các món ăn chế biến từ cá: cá gói lá rừng vùi tro, cá nướng, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá; các loại côn trùng nhuyễn thể: ếch, nhái, con sùng, mối, con dế, kiến chua, kiến thơm, kiến đỏ, nhộng ong. Trong những buổi hội làng, họ thường chuẩn bị thật nhiều. Phần thịt của con trâu được chia làm rất nhiều món: thịt nướng tươi, nướng khô,nướng bằng ống tre, xào, lạp thịt, và có rất nhiều loại nấm thật lạ. Những bình rượu cũng độc đáo từ hương vị, đó là những bí mật của rễ cây rừng lên men. Họ chuẩn bị cúng giàng. Họ cúng và cầu nguyện. 

Họ kể, ngôi làng này như đang bị ma ám. Nhiều người đã ra đi rất bí ẩn. Sự bí ẩn không thể lý giải được khi mà con ma cứ cướp đi thật bất ngờ. Có một gia đình vừa trải qua những ngày buồn đau tột độ khi 2 người con chết chỉ trong vòng 9 ngày. Mới tháng 2 vừa rồi chứ có xa xôi gì, một gia đình đã lần lượt mất đi đứa con gái hơn 20 tuổi và đứa con trai thua chị hai tuổi. Đứa con gái ốm yếu vì bệnh gan chết thì không nói, đứa con trai đang thật mạnh khỏe lại chết thật đột ngột khi đang cày rẫy. Họ kể về nhiều người đang khỏe mạnh, ngày ngày xuống suối bắt cá, lên nương làm rẫy bỗng đổ bệnh rồi mất, phần lớn dưới tuổi 40. Chỉ còn lại những tấm thân mòn mỏi của người già ở lại. Ngày ngày họ ngồi bệt ở bậu cửa và ngước nhìn một nơi rất xa xăm.

Ai ? ai đã lấy đi những đứa con của họ? Dòng sông ngoài kia vẫn chảy, nhưng mùa hè này thật cạn, nó đang trơ dần lớp đáy màu đỏ úa và vô vàn lớp lá rửa mục. Họ vẫn uống nước ở dòng sông này. Nghe nói phía thượng nguồn con sông đang bị cắt bởi những công trình gì đấy. Người ta chắn đập, người ta làm đường gì đó. Bây giờ không còn một con cá dưới sông. Những con suối cũng đã đục một màu đỏ ối, bị khoét bởi những con đường nhựa dang dở. Người ta phải vào tận rừng sâu mới bắt được những con cá trên nguồn.

Bữa tiệc cúng giàng đến ba ngày.

Mình sông đã nghe tiếng rắc. Chúng đang khô và vặn mình qua những ngọn núi rũ ngọn. 

Họ đã ngưng tiếng phèn la và đã rủ nhau ra về. Còn lại những tán nhà trống hoác, vắng lặng và mùi men rượu chua ủ nồng trên những chiếc chiếu bẩn thỉu. Tôi đi qua một dải gồ ghề, hoang dã bao phủ bởi rừng với những tán tre mọc dày đặc cộng vởi cỏ voi cao ngang thắt lưng. Tôi thấy già làng đang đứng đó một mình khấn vái. Tiếng lầm rầm. Ông ngước mặt lên trời, trước tượng giàng được làm bằng gỗ với những nhát đục đẽo thô sơ. Tôi thấy hai hốc mắt của tượng gỗ như đang nhấp nháy dưới ánh chiều còn sót lại lờ mờ. Một bệ gỗ, trên đấy người ta đặt gà, xôi, cá, thịt, tất cả đều bọc trong những gói lá.

*** 

Tôi đã thấy tất cả mọi thứ trong màu đen bởi mặt trời ở đây lặn sớm vào buổi sáng. Bức tượng kia thật là đối xứng hoàn hảo: đôi mắt, đôi vú, đôi tay, đôi chân trên một cái cọc gỗ. Tôi nhìn thấy những bông hoa ở đây mọc thẳng đứng, những ngọn núi được cắt đồng đều nhau và một dòng sông không bao giờ đổ. Họ bảo, đó là ý nguyện của giàng, giàng muốn thế. Mọi thứ cần phải hoàn hảo trong một trục đối xứng thật cân bằng. Họ dâng lên giàng tất cả, chỉ cầu xin giàng đừng lấy đi sinh mạng những đức con của họ. Nhưng rồi, dòng sông đã cạn khô, những tiếng thở dài và vặn mình. Nghe tiếng “ rắc”. Chúng đang vỡ vụn ra từ đáy sông. Dòng sông đang chảy ngược về trời. Họ khấn nguyện. Họ sẽ băng rừng vượt suối tìm cái để cúng giàng. Những con trâu đang còn nằm đó chờ họ khóc. Họ lại được nếm món tả pín lù đầy mê hoặc trong tiếng cồng chiêng gọi hồn về núi.

 

Con bửa củi 

Nó lần lượt bỏ từng ngày qua vào nằm trong một cái lu, lâu ngày nó lên men ẩm mốc sau vườn nhà. Mẹ hỏi : " có mùi gì lạ thế con? ". Nó không biết : " con cũng nghe có mùi lạ". Kí ức thầm thì vào tai nó : "bạn lấy nó ra dùng trong bữa trưa nay nhé, men đã đượm mùi" . Sáng nay, con bửa củi màu đen bóng loáng vẫn còn nằm gọn trong cái hộp diêm, nó bảo: " mày hết tóc tóc rồi à, đừng có mà giả chết nhé, tao biết tỏng mày giỏi giả vờ". Nhưng con bửa củi cứ nằm đơ cứng, cong oằn, nó cầm con bửa củi lên, khớp cổ đã không còn mềm nữa. Con bửa củi đã chết. Mẹ nó bảo: " bắt được bửa củi là may mắn lắm con ạ, con sẽ được lộc", ngày đó nó có một điểm mười đỏ rói của cô cho môn hình học, nó đang học lớp 4. 

Cô chìa đôi tay trắng ngần mềm oẳn ra để mở hé cánh cửa, ngoài kia có một cây ô môi ngày xưa ba cô mang từ miền Tây về, ba bảo ở trong đó nhiều lắm, ngoài này chưa ai có trồng cây này, bây giờ chưa đến mùa chín trái, nó đang lủng lẳng xanh. Nùi dìu dịu của cỏ cây ngai ngái, cô thấy buồn ngủ. Đã mấy hôm rồi cô chưa rời khỏi căn phòng, mắt cô cứ trao tráo lên trần, cô chờ tin vui từ phía bác sĩ. Bệnh trầm cảm của cô có vẻ khá hơn, sau mười mấy năm cô quay lại về đây, trong ngôi nhà thời bé của cô. Ngoài kia, mảng lời đang lấp ló phơi những sợi nắng mỏng mảnh trên khoảng sân nhỏ. " Nhanh lên...vào đây đi !" - cô nghe tiếng - tiếng của Suyra bạn cô gọi. Đôi chân nó chấp chới, hôm nay nó lại mặc bộ áo quần hoa vàng li ti ấy, bộ áo quần bằng phải phin thô dày mà mẹ nó may từ năm ngoái. Mơ hồ quá, cô thấy mùi hỗn độn ngập ngụa cả căn phòng, cô nhức mắt, ngồi bật dậy, cô tìm một thứ gì đó, một thứ mùi mà cô chẳng nhớ ra. Cô nhớ sực lại cái luận văn đang viết dở, cô lo lắng, ở đây không có internet, cô không mang theo laptop, cô phải viết tay và chỉnh sửa, còn hai tuần nữa cô phải gửi đề cương cho người hướng dẫn. Cô loay hoay với cây viết, nó bị tắc mực, bực bội vô cùng, cô nhìn ra, quả bồ quân vẫn còn xanh. “ Bóc..bóc…” ồ, một con bửa củi, cô nhớ ra, đã lâu cô quên nó, cô cố quên nó khi thấy nó và rất nhiều bửa củi nằm trong cái thẩu rượu của chồng cô, nghe đâu anh ấy phải đặt hàng rất xa và mấy tháng sau mới nhận được nó. Ngày ấy, cô rùng mình khi vừa mở vào nhà, có cái mùi gì thật lạ, mà cô lại thấy quen, mỗi bữa ăn, anh ấy uống một ly, cô có cảm giác rùng mình ớn lạnh chảy dài theo cuống họng. Cô thấy mình không mở miệng ra được. Đêm ấy, cô mơ về cái đốt cổ của con bửa củi bị đơ .

Ngày đi qua rạch ròi với cô trong những tờ lịch được xé đi. Có vẻ hơi lạnh lùng và vô cảm, cuộc sống thật bận rộn, hình như nhiều lúc cô không thở nổi. Hai vợ chồng kẻ xuôi người ngược tất bật đã chừng tám năm nay, họ đồng ý với nhau và khất lần đến lãng quên chuyện có con cái. Riêng cô thì đã hãi sợ cảnh nheo nhóc với lũ trẻ con như những đứa bạn cô. Cô cứ tung tăng, thung dung, ai cũng bảo cô trẻ người quá. Nhất là mẹ cô.

Tiếng càu nhàu vọng lên từ phía nhà bếp: “ Nó lại không ăn uống gì con à, hôm qua tới giờ...” mẹ cô nói với tiếng thở dài. Cô nghe loáng thoáng bước chân xa dần, cô hé cửa nhiều hơn, nhìn ra phía ngõ , cây ô môi đã đâm những nụ li ti hồng. Năm nay thân nó đã sần sùi, mấy lần bão định trốc nhưng nó đã trụ lại rất giỏi. Ba bảo, trái nó màu đen nên gọi là ô, cơm của nó rất dẻo, như thịt nên gọi là môi ( như những miếng môi cơm). Những cái cành nó chằng chịt vào nhau, cô đang đợi mùa hoa và chờ đến đêm, bọn bửa củi trong hốc cây đó sẽ bay vào căn phòng của cô.” Hốc cây ở đó có rắn đấy, con đừng leo lên nhé” – tiếng ba cô dặn, cô nghĩ, chắc trong ấy có rất nhiều rắn, loại rắn độc thích con trùng, chúng đang nằm chờ săn những con bửa củi

“ Ra đây con” – mẹ cô lay dậy lúc trời đã quá chiều, cô vừa chợp mắt. Cô uể oải đi theo mẹ, ra phía sau vườn, chỗ đất trống, cô thấy một cái thau nhôm cũ, đang nghi ngút khói, mẹ bảo: con bước qua về trên cái thau đi, khói này sẽ xua tà sắc nơi con”. Cô nghe mùi thơm của loại cỏ tràm, mùi vàng giấy, mùi gì hăng hắc nữa, nó quyện vào mũi cô. Cô hắt xì liên tục, cô thấy mắt bị nhòe đi, “ tóc..tóc…” cô nghe tiếng âm thanh rất gần bên tai, tiếng con bửa củi, cô đưa tay bắt, nó búng thật nhanh, “ póc” - nó biếng mất, cô hớt hải nhìn xung quanh, chẳng thấy nó đâu. Mẹ cô nói: “ khoan đã con, con chỉ mới bước qua 6 lần, còn 3 lần nữa, tiếp tục đi con…”. Cô không nghe, cô cứ mãi tìm con bửa củi, nó sẽ mang lại cho cô lộc, cô sẽ có con, không như vị bác sĩ kia bảo cô vô sinh vì cô đã uống thuốc tránh thai quá lâu năm, cô bị buồng trứng đa nang, rất khó có con, đó là kết quả khám bác sĩ sau khi cô quyết định có con. Mẹ cô thì bảo, cô bị vướng cõi âm, phải xua, tẩy trần cái màu xám đen ẩn hiện trước trán cô thì cô mới sinh con được. Cô ngoan ngoãn nghe mẹ nói. Đã hơn hai tháng cô ở đây. 

 Năm nay, gió bấc về hơi lành lạnh, cây ô môi đã rụng hết lá, cô bắt đầu thấy từng nụ màu hồng hồng đang nhú dần ra, từ phía trên cao.Cô nhớ vỏ ô môi cứng lắm, cong như một vành trăng lưỡi liềm màu đen, như cái cánh cứng của con bửa củi – cô thầm thì – màu nâu đen chứ, đường gân nó chạy dài từ đầu cho đến cuống trái, Cha cô ngày ấy thường hay dùng chiếc móc sắt để hái. Múi ô môi đen nhánh, tròn tròn như đồng xu, mẹ con cô thường hay ngồi ngoài cái bàn đá kia mà bóc, cơm trái nó trắn nõn, mẹ nấu món chè thật đặc biệt. Năm nay mẹ nói: mấy năm nay không đậu được quả ô môi nào, mẹ không nấu món chè ấy cúng cho ba con. Nó đã quá già, cũng phải, cơ man nào là sâu bọ, côn trùng bay vào ở đấy, cả lũ rắn nữa. Đêm, kéo dài hai bóng đen của hai mẹ con, gần giờ ngọ, mẹ cô lay cô dậy, dắt cô ra trước sân nhà, nơi gần cái cây ô môi, mẹ bảo : “ con đội chín cây nhang này khấn đi nhé, hãy khấn điều con ước nguyện, còn mẹ sẽ đốt mấy hình nộm này”. Cô thấy có nhiều hình nộm lắm, có con nhìn như cô vậy, còn mấy con kia như đám trẻ con, nó nhìn cô hay sao ấy, cô thấy buồn nôn, mẹ bảo : “ hay là con bị gió ? “, thôi con khấn nhanh mà vào nhà đi, để mẹ đốt nó đi. Cô nhìn chúng đang bị cháy dần, cho đến khi những hình nộm cong queo nhưng chiếc xương bằng tre bên trong, nó gãy cổ và rơi sụp xuống. Mộ đống hỗn độn màu đen nghi ngút khói. Cô lảo đảo đi vào nhà, nó làm cô chóng mặt.

Buổi sáng thật muộn, mẹ cô đã từ ngoài cổng bước vào, nhiều thứ ở quê lắm, cô mang máng nhớ loại cá mình thích, cô lại có cảm giác buồn nôn, mẹ bảo, để mẹ nấu canh lá vông với ca diếc cho cô húp ít nước, tại cô ít vận động, lười ăn nên cô bị chứng trào ngược dạ dày. “Sáng nay chồng con có gọi về không mẹ ? ” – cô hỏi, “ có con ạ, nó bảo cũng đang về tận miền biển, nơi có nhiều đầm phá nuôi trồng rau câu để làm hợp đồng thu mua xuất sang Hàn Quốc ”. Cô nói với mẹ, giọng thở dài :“ không biết con có khá lên được không”. “ Sẽ khá hơn con à, rồi con sẽ khỏe, ở với mẹ ít hôm, mẹ chăm, ở thành phố hoài bụi bặm, xe cộ, công việc cứ tù mù, rán ăn chút đi con nhé, xong rồi con đi bộ mà chơi, à, con bé bạn con, Suyra, cả nhà nó có về thăm nhà đấy, nó vừa về hôm qua”. Cô không nhìn mẹ, không biểu hiện gì hơn, cô ngước nhìn cây ô môi, hoa hôm nay đã lớt phớt hồng, “ có vẻ năm nay cây nhiều hoa hơn và chắc đậu nhiều trái mẹ nhỉ ? ” – nàng nói, mắt cứ chăm chú nhìn vào khoảng không.

Chiều nay gió lặng, cô bước lững thững ra vườn sau, những chiếc lu ngày xưa cô hay chơi trò trốn tìm với ba. Nó vẫn còn yên vị đấy, những cái lu bỏ không, cô thò một chân, định ngồi vào, cô muốn trốn, trốn con bửa củi tội nghiệp kia. Nó cứ gõ “ tóc…tóc…” bên tai cô, nhưng bây giờ cô không chui lọt vào được, cô cảm thấy bất lực, năm tháng đã không thuộc về sỡ hữu của cô.Cô rùng mình, tê sống lưng, cổ cô cứng đơ như con bửa củi. Cô cất tiếng gọi: “ Mẹ ơi, cứu con !”

Nguyễn Hoàng Anh Thư

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 8616)
Vào những ngày cuối năm bước vào Tiệm Phở Xe Lửa của ông Toàn bò ở Trung tâm Thương mại Eden gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 7631)
Ông nhìn đôi tay dày dặn kinh nghiệm của mình rồi gục đầu bên xác cây. Ông đã giết nó bằng quá nhiều yêu thương.
18 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 8365)
Bác Cổn, bác Hòa và các bạn Hoàng Hạc thân quý của tôi, năm 2014 đến hôm nay thì đã là năm cũ rồi và năm mới Âm lịch thì còn hơi xa
13 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 9013)
Trong một tháng mà tôi đón nhận ba cái tang của ba người thân. Tôi chỉ muốn khóc. Khóc để tiễn đưa những linh hồn thân thương an nghỉ
03 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 9554)
Thơ Nhạc ơi, trái tim đau đớn triền miên của tôi có còn đủ thanh xuân để lại dệt cho mình một giấc mơ Trăng và Đá
01 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 9226)
Hắn cùng Nguyệt ra xe lấy mấy gói quà. Bao giờ hắn xuống xe cũng ào ngay vô nhà. Chừng nào xong chuyện “khẩn cấp” hắn mới cùng Nguyệt đảo ra xe
20 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 9447)
vậy là đã qua hết một năm với quá nhiều biến cố lớn. không hiểu bằng cách nào mà tôi đã đi qua ngần ấy ngày/ tháng của đời mình.
17 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 8367)
Ông đừng réo máy giục em. Từ nãy tới giờ, ông nháy dễ đã đến bẩy cuộc. Bẩy cuộc trong vòng một giờ đồng hồ.
10 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 8197)
Duy có một người đứng gần đó chỉ tủm tỉm cười. Khách vốn biết nhiều nên cất giọng suy đoán: - Hẳn là anh rồi!/ - Tôi á? Không! Tôi mà Biết Chết Liền!
29 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 9138)
Nhưng ngay lập tức gã lắp bắp lên tiếng xin lỗi. Vì người đó không phải là người gã muốn tìm. Gã cảm thấy bị hụt hẫng, đau đớn như có ai đâm vào trái tim gã
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9178)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11068)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,