TRU SA - Công Tắc

26 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 6346)
TRU SA - Công Tắc

 “Có trục trặc gì đấy!” – Tôi nghĩ thế. Lần thứ năm trong buổi sáng tôi mở máy tính. Màn hình xanh lè, rồi tụt thẳng vào màu đen. Chẳng phải do dây điện, giắc cắm hay, chỉ là không mở được máy. Ngày hôm qua máy vẫn chạy. Giờ thì hỏng rồi. Tôi nhớ rằng mình không tải phần mềm lạ nào về máy. Khi ngồi máy, Avast(1) không có tín hiệu cảnh báo. Mọi thư mục đều ổn. Những trang Wed hoàn toàn vô hại. Ổ C và D chưa quá đầy để nghĩ rằng máy quá tải. Công việc không khẩn trương nhưng tôi cần sửa lại cái máy.

 Thằng nhóc chưa về. Mẹ tôi đã gọi nhưng nó không bắt máy. Năm giờ chiều. Còn sớm để ăn cơm chiều. Mẹ nhắc tôi gọi nó về. Tôi ậm ừ, rồi quên khuấy mất. Tôi nghĩ về cái máy tính của mình. Lúc này tôi ước đấy là Laptop thì thuận tiện biết bao. Chỉ cần gập máy lại, nhét vào cặp, rồi mang đi.

 Tôi mở tivi. Cú Knock Out(2) ngoạn mục. Con Godzila đang tàn phá thành phố. Hai bóng trắng múa kiếm trong rừng trúc. Đường chuyền phản lưới nhà. Bão vào miền Nam. Một xác chết không đầu mới tìm thấy…Mẹ bảo tôi bật đĩa. Tôi gật đầu và tìm đĩa. Trong tủ có đủ loại đĩa. Toàn phim lẻ, phim bộ, chầu văn và đĩa trắng. Nhiều đĩa có vỏ, nhiều đĩa không. Nhiều đĩa có mác tem, nhiều đĩa không. Một lúc tìm kiếm, tôi nhét tạm một đĩa vào máy. Nhạc rộ lên từ khúc mở đầu. Chẳng phải đĩa nhạc, đấy là đĩa phim dài tập. Tập thứ một trăm.

 Tôi không xem phim. Mẹ cũng không xem nhưng nhắc tôi đừng tắt.

 Thằng nhóc điện lại và xin khất bữa cơm chiều. Nó đánh bài với lũ bạn và được tiền. Trong cuộc gọi, nó hứa hẹn sẽ mua cho mẹ một cái váy. Bữa cơm chỉ tôi với mẹ ăn. Bà mở các kênh. Mấy câu hỏi về công việc, bạn gái hay quan hệ xã hội…Mẹ vẫn hỏi tôi. Luôn thế, tôi nói “Bình thường.” Bà gật đầu và quả quyết đấy là chữ tốt lành nhất. Từng bát cơm cứ thế vơi. Tôi xin thêm, rồi mẹ xới. Bà cũng tự xới cho mình. Đầu đĩa vẫn chạy nhưng tôi đã chuyển khỏi video. Kênh VTV1. Mẹ bảo tôi chuyển kênh. Tôi bấm nút. Mẹ chưa nhắc dừng. Tôi tiếp tục bấm. Từng kênh trôi vọt khi vừa dò đến. Đảo hết một trăm kênh, tôi bật trở lại kênh một. Rồi tôi đảo một vòng nữa, theo đúng ý mẹ.

 Bữa chiều, tôi ăn những năm bát. Lúc mẹ dọn mâm, tôi có nhìn qua. Canh rau muống, cà pháo, thịt thăn và trứng kho. Đấy là thực đơn của bữa chiều.

 Tôi mở điện thoại và truy cập vào mạng. Facebook(3) có thêm sự kiện, lời mời kết bạn và nhiều tin nhắn từ cửa sổ chat. Tôi vào một lúc rồi thoát ra. Vào trang tin tức, đọc vài dòng tóm lược, sau đấy tôi cũng thoát. Phím tự động khóa máy.

 Một trang sách tôi cũng không buồn mở ra. Mai đã thứ bẩy. Tôi chỉ phải làm nửa ngày. Ngày Chủ Nhật thừa thãi, cần đi đâu đấy. Thằng nhóc không đi cùng tôi bao giờ. Nó đã lớn. Nó có bạn của mình, tôi cũng thế. Vào đại học, thằng nhóc ít khi dùng bữa ở nhà. Nó xin mẹ vào kí túc xá. Cái trường thổ tả của nó ở ngay đây. Cách nhà hơn hai cây số. Một chuyến xe Bus là đến. Quản lí kí túc sẽ không ưu tiên thằng nhóc. Tôi chẳng can vì thằng nhóc lớn rồi. Mẹ đồng ý. Để vào trót lọt, thằng nhóc cần tiền để lót chỗ. Mẹ không ứng. Nó tìm đến tôi. Ba trăm nghìn, chỉ như thế. Tôi chi ngay, và thằng nhóc nói sẽ trả tôi sớm. Theo lời nó thì tiền kí túc nó tự lo. Chỉ học phí là cần đến mẹ và tôi. Mỗi tuần nó vẫn về. Lúc tối khuya. Tôi không thấy nó và nó cũng quên béng việc phải gõ cửa để chào tôi. Sau một giấc ngủ, sáng hôm sau nó đi học. Tôi ít khi gặp thằng nhóc nhưng mọi hoạt động của nó tôi vẫn tường tận. Nó có Facebook, và đã thêm tôi vào danh sách.

 Cái tủ phòng tôi không có mấy sách báo. Những tạp chí đã cũ tôi không muốn đọc lại. Cái máy tính mở được vài giây thì tắt ngóm. Tin nhắn gửi đi đều bị trả lại. Máy báo hết tiền. Chà, thế là sắp hết tháng.

*

 Bốn mươi chỗ ngồi đã kín hết. Tầng trên đang tu sửa. Tôi sẽ phải đợi thêm một lúc. Người chủ quán lấy ghế bảo tôi ngồi đấy đợi. Rồi sẽ có máy. Mấy người này chẳng yên một lúc nào. Chỉ quả bóng va cột dọc, chỉ một nhát chém trượt, bị bắn lén, bị sa bẫy vì bất cẩn, người cùng đội chợt quit…Là lại làm ầm cả lên. Đập bàn, đập ghế, chửi thề và làm dịu lại bằng cách gọi thuốc lá, nước ngọt. Một con bé đang khóc thút thít sau một dòng chat trên Facebook. Một ai kia mở hàng chục thư mục, rồi bỏ đấy để đi vào trò chơi. Tôi thấy một người đang viết một dòng tâm sự dài trên tường nhà(4) mình. Sau đấy hắn thoát nick và đăng nhập lại bằng một cái tên khác. Đúp chuột vào một cái tên, hắn đi thẳng vào trang cá nhân. Một dòng tâm sự dài. Người này viết comment, rồi thoát nick. Hắn gõ một cái tên, rồi đăng nhập…Tiếng khóc phía kia làm tôi phân tâm. Chưa kịp nhìn xem điều gì thì chủ quán đã vỗ vai tôi và chỉ vào một máy trống vừa thanh toán tiền.

 Tôi nhận máy, rồi mở Chrome. Tôi vào Facebook trước tiên.

 Số người này, đều lạ cả. Họ ngồi ở một chốn lạ hoắc và bắt chuyện với tôi. Chẳng lí do gì tôi lại phải từ chối lời kết bạn, cũng như gõ vài dòng hồi đáp lại lời chào của họ. Thằng nhóc đang online. Tôi nhận được một sự kiện từ nó. Danh sách sự kiện đã rất nhiều rồi. Chẳng thứ nào can hệ đến tôi. Và, tôi đã không mở. Tôi biết thế. Một sự kiện, gì gì đấy từ thằng nhóc. Lúc tôi mở dòng chat thì nó thoát nick. Một lúc lâu, thằng nhóc lại online. Rồi lại thoát. Hẳn là đường dây mạng chỗ thằng nhóc đang trục trặc. Bởi vì tôi nhận thêm nhiều tin nhắn khác nên đã quên mất thằng nhóc. Mấy lời gạ gẫm theo lối mẹ mìn. Rồi một dòng viết kì quặc của một con nhóc quàng khăn đỏ. Gọi một chai nước khoáng, tôi đi vào các trang giải trí khác.

 Dường như một ai đấy đang gọi tôi. Không phải ở điện thoại vì nếu thế tôi sẽ gọi lại và biết đấy là ai. Lúc tôi mở gmail thì nhận được lá thư ngắn này. Một cái tên chẳng mấy quen thuộc. Trong thư là một lời mời uống café vào Chủ Nhật tuần này. Có địa chỉ quán, giờ giấc là buổi chiều. Tôi đánh “đồng ý” vào phần trả lời rồi chuyển tiếp. Thư không gửi được vì một lỗi gì đó. Do mail hoặc do mạng. Tôi thoát mail. 

 Trời đã tối hơn. Tôi hơi buồn ngủ. Nhìn quanh quán thấy còn vài người. Người ngủ gục xuống bàn phím. Người đang bồi bổ cơ thể bằng một bát mỳ nóng. Số khác thì như tôi, vẫn lướt Wed. Tôi đảo vài trang mạng, rồi trả máy. Chưa về thẳng nhà. Tôi phóng xe qua các ngã tư. Rồi bước vào một quán KFC. Có vài người tôi quen ở đây. Chúng tôi xếp ngồi chung, rồi gọi món. Toán chúng tôi đều ăn Hambuger, một suất gà đùi với khoai tây chiên. Trước khi dùng bữa, thì một người rút điện thoại và chụp lại hình. Ít phút nữa, cô nàng sẽ đưa bức hình này lên Facebook. Tôi không đếm xem nhóm tôi có bao nhiêu người. Tính cả tôi là hơn ba, không tính tôi cũng là hơn ba…Tôi còn nhớ tên họ, và họ còn thuộc tên tôi, thế là đủ. Tôi ngấu nghiến nhai cái đùi gà. Suốt bữa tôi chẳng ngóc đầu dậy để nói chuyện. Tôi vẫn nghe thấy tiếng bấm máy. Có người vừa ăn vừa đeo tai nghe. Người năng nổ nhất nhóm thì đang lia cái địện thoại hòng chụp cho đầy thư mục.

*

 Máy tính của tôi bị hỏng ổ cứng, Ram quá cũ, nhiều thư mục lạ trữ virus. Theo lời khuyên của thợ sửa máy thì tôi cần thay mới hết. Rồi cài lại Win. Ngoài cửa, một cặp nam nữ vào. Họ hỏi về loa và bàn phím. Một thợ sửa máy khác đang giới thiệu khách về dịch vụ bảo hành. Người ngồi ghế bên cạnh ghé miệng, hỏi khẽ tôi rằng đã xong chưa. Cũng đã nửa tiếng ngồi đây. Tôi nhìn ra, thấy người thợ sửa máy đang nhìn tôi. Anh chàng nói lại về ổ cứng, Ram, thư mục có virus. Tôi nghĩ. Rồi tôi quyết. Theo đúng như lời thợ sửa máy, tôi thay hết. Tôi có yêu cầu được cài đặt IDM, Media và một phần mềm diệt Virus đảm bảo nhất. Anh chàng gật đầu, rồi hẹn ngày đến lấy máy. Tôi ghi tên, thanh toán tiền và ra về.

 Qua con phố này, rẽ vào cái hẻm nhỏ, đi hết sẽ ra đường cái. Nhìn sang trái sẽ thấy trường đại học X. Thằng nhóc học trong đấy. Kí túc xá đặt liền với khoa thằng nhóc. Tôi từng đến đấy một lần. Chỉ một lần. Không có thằng nhóc. Trường rộng với nhiều công trình, còn kí túc thì nằm biệt lập trong một khu riêng. Tường ngói nhìn đổ nát, ngoài sân lúc nào cũng nườm nượp người. Các sinh viên phơi hết áo quần ngoài cửa sổ. Nhìn ở xa cái ký túc giống một túp lều bằng vải. Tôi không biết thằng nhóc ở tầng mấy. Hẳn nó chẳng được phép chọn. Suất vào của nó là nhỡ nhàng, và gần như vớt. Có thể một phòng chật, hẹp với nhiều chuột gián. Xúi quẩy hơn, cửa sổ hướng ra vệ sinh công cộng, cùng tầng với khóa thanh nhạc, sát vách với một phòng thường xuyên cờ bạc hay phải vào một phòng từng có người chết…Vì là thứ Bảy, lại chiều rồi nên trường vắng teo. Sinh viên về hết quê, hoặc không thì cũng đi làm thêm. Thằng nhóc ở một mình chăng? Tôi quẹo xe, rồi lại nổ máy. Thế là tôi lại quên mất. Thằng nhóc nói sẽ tự trả tiền sinh hoạt ở kí túc. Chẳng khó để nghĩ giờ nó đang chật vật với một công việc kiếm thêm.

 Tôi ghé vào một tiệm Net. Lần này tôi gặp lũ bạn mình. Chúng ngồi từ sáng. Vài đứa đã về vì mệt. Sau mấy câu chào hỏi, tôi ngồi vào máy. Một trận game đang đợi tôi. Bọn tôi chia đội rồi đấu với nhau. Thuốc lá phì phèo. Một tên may mắn ngồi được máy có loa nên bật nhạc.

 “Mở Ozawa(5) đi, có loa ngoài thì nghe thật hăng tiết, rồi bọn mày sẽ thọc tay vào quần mà nắn vào cái của khỉ.”

 “Chó chết, chỉ mày thôi, tao cược là mày sẽ phọt sớm nhất.”

 “Mày mất bao nhiêu lâu để đánh gục con bồ mày…”

 Chẳng ai đáp, và cả bọn cười. Hệt như bạn bè mình, tôi cũng cười. Một ai đấy đã ném cái chai nước ngọt vào tường. Chai hết nước, chỉ có tiếng nổ của thủy tinh. Bon tôi nhìn ra, rồi lại xôn xao vào câu chuyện của mình. Đến cái chai vỡ tung cũng chẳng khiến chúng điền đạm đi một lúc. Mấy thứ quái quỷ vẫn chui vào đầu tôi. Tôi nói sẽ chơi trận sau. Kẻ ừ, kẻ nài tôi ở lại, một đứa vì lý do tôi rút khỏi đội, đã rút theo và đi vào trò khác. Gác một chân lên bàn, rồi nhổ phì điếu thuốc, chúng đã ra hết khỏi đội. Facebook ở kia và tôi lại thấy các thông báo. Tôi chỉ xem lướt. Kích chuột vào một trang cá nhân bất kì rồi ngó nghiêng và thoát ra vì quá lạ lẫm. Và thế quái nào tôi lại kết bạn với những kẻ bên kia máy tính. Trong một sự kiện theo nhóm, tôi thấy thằng nhóc. Nó mời tôi uống rượu ở một quán X, rồi một vé xem phim mời qua mạng, lễ hội Cosplay, một điểm uống café X…Trong ảnh, thằng nhóc chụp cùng nhóm bạn mình. Một lũ choai choai, sàn tuổi nó. Giờ thì cái vé mời tôi không muốn kích chuột để nhận nữa. Đã một lần tôi cùng thằng nhóc uống rượu. Chỉ hai người. Tôi và thằng nhóc. Tôi có lý do để phải vạ vật trong cơn say. Còn thằng nhóc, thì chỉ là muốn ngồi cùng ông anh quý hóa. Như nó giao hẹn, rằng sẽ cười vào mặt nếu tôi bật khóc. Nó trữ sẵn cái cười đểu giả rồi. Lúc tôi khóc, và nó khóc theo. Cái nụ cười khỉ đột của nó chẳng chịu chường ra. Nhìn xuống cột online, tôi lại bắt gặp nó. Tôi mở cửa sổ chat. Chào một tiếng, hay chèn một hình ảnh ngồ ngộ để gửi đi nhỉ?

 Ông chủ quán bước xuống và hỏi về tiếng động lạ. “Tiếng chai vỡ phải không?” Bọn tôi gõ bàn phím bôm bốp. Đứa gật đứa lắc. Rồi ông ta nhìn miểng chai, ngáp dài. “Tiếng chai vỡ phải không?” – Vẫn câu đấy. – “Vỡ thì thôi”. Ông ta đi lên gác. Ông ta bước hụt. Vì kịp bám vào thành cầu thang nên không ngã. Tôi thoát mạng, nhìn ngó màn hình rồi mở một games. Đăng nhập tài khoản, tôi thoát khi màn chơi chưa chọn bàn. Tôi nói thèm thuốc. Một đứa ném cả bao cho tôi. “Thế còn lửa.” – Tôi nói nhỏ. Không đứa nào còn lửa. Tôi bỏ thuốc.

 Không thấy ông chủ xuống. Cũng chẳng ai xuống coi quán. Máy chủ bỏ trống. Khách đến tự mở máy và lúc thanh toán thì sẽ phải gọi to từ dưới nhà.

 Có ai định quỵt không. Tôi chịu. Nhưng tôi sẽ không quỵt. Chắc chắn thế.

 Phòng thằng nhóc chẳng có gì. Giường, tủ, bàn ghế thì còn. Áo quần, cặp, giày và những cuốn tiểu thuyết trinh thám đã đi cùng nó vào cái phòng kí túc. Những bữa cơm nhà chẳng mấy khi quá ồn ào, để khi thiếu thằng nhóc bỗng quạnh quẽ. Tôi ăn rất nhanh. Một bữa, dù thịt cá ê hề thì tôi cũng chỉ mất mười phút để ăn. Sau đấy tôi cất bát, chúc mẹ ngon miệng rồi về phòng. Mẹ ăn chậm hơn. Bà thường bật tivi khi ăn cơm. Một tập phim truyền hình, tin tức trong nước, quốc tế…Theo bà hết bữa cơm. Có lúc mẹ tôi mở đĩa. Tôi chẳng lấy làm phiền nếu tiếng tivi có vang đến phòng mình. Máy tính luôn bật. Chỉ cần mở loa cá nhân của máy tính, thế là không gian lại là của tôi. Thằng nhóc chẳng bao giờ rời cái máy Mp3 nhỏ bằng bàn tay. Nó giắt cái máy trong túi và mở vào mọi lúc rảnh. Lúc ăn nó tháo một bên tai ra. Nó ăn cũng rất nhanh, tuy nhiên vẫn sau tôi. Ở phòng thì nó vẫn cắm vào tai cái dây nghe để nghiến ngấu các bản nhạc Rock được vặn hết âm lượng. Tôi không nghe Rock. Và tôi kệ xác nó.

 Sau bữa cơm, mẹ có hỏi tôi về thằng nhóc. Tôi đáp “Nó vẫn bình thường mẹ ạ.” Rồi mẹ hỏi về một ngày thứ Bẩy của tôi. “Bình thường.” – Tôi đáp lời mẹ như mọi lần đáp lời mẹ, như thế. Mẹ tôi chỉ gật, rồi với đại một tờ báo dưới bàn ăn. Tôi cũng thấy bà thở khẽ. Lúc vào mạng bằng điện thoại, tôi thấy có thư và tin nhắn. Ở cả Faceboook và Gmail. Tôi chưa mở hết thư vì nhiều quá. Một cái tên mà tôi chưa từng thêm vào danh sách đã gửi tin nhắn.

 “Chiều. Ở quán cũ.”

 Cái tin chỉ thế. Thư trên mail cũng có vài ba bức như vậy. Gửi từ lâu, hoặc vài ngày gần đây. Đều là tên lạ. Avatar không có ảnh. Đấy đều là những cái nick mới lập chăng? Hoặc có thể lắm nếu kẻ bên kia ngại phải để lộ mặt mình. Chúng đều nhắn tin hẹn tôi bằng những dòng cụt ngủn. Tôi gõ gọn một chứ “Ok” rồi gửi đi. Không thấy tin nhắn lại dù rằng một trong số những cái tên đấy đang online. Như mọi ngày, tôi chỉ đảo vài lần quanh trang chủ rồi thoát đi. Vì nhàn rỗi, trong khi mọi công việc tôi đã hoàn thành hết. Lúc này, tôi nhớ đến một tên bạn của mình. Chuyện đã lâu. Tên hắn tôi không nhớ nữa. Khuôn mặt thì còn mang máng. Một tên có mái tóc nhuộm vàng nửa đầu. Môi hơi chề. Mắt to. Cơ thể hắn khá vam vỡ. Hắn là chân sút có hạng của lớp - Nếu tôi nhớ không nhầm - Dù chân hắn ngắn. Tôi và hắn học chung cấp ba. Vào quãng giữa hoặc cuối lớp 11 thì gia đình hắn gặp chuyện. Ông nội hắn qua đời. Một cơn bạo bệnh bất chợt do tuổi già. Hắn ta có vắng mặt một buổi. Bọn chúng tôi, những kẻ được gọi là chiến hữu của hắn có đi. Vì là người mạnh mẽ nên mắt hắn chẳng nhuốm lệ. Nó chỉ quầng đen, nhìn mệt mỏi hơn mọi ngày. Hẳn hắn đã thức trắng một đêm. Mẹ hắn đã khóc hết phần của hắn. Còn hắn đứng đấy, im lìm bên cánh cửa để tiếp khách. Gặp bọn tôi, hắn cười. Nụ cười làm miệng hắn như mếu. Mặt hắn cũng mếu thế. Tiết thứ ba chúng tôi phải về trường. Cô chủ nhiệm đã gọi, hỏi han và giục phải về lớp. Bài kiểm tra Tiếng Anh giữa kì là lý do không thể trễ nải. Cuối buổi, tôi dự định sẽ tạt qua nhà hắn. Không ai tán thành và tất cả chỉ tay về quán Net trong hẻm. Cuộc chơi mỗi khi tan học đâu vì một người không thể đến mà bỏ. Chỉ là thiếu một tay súng cừ và bọn tôi phải chia lại đội. Tôi không nhớ được mỗi đứa chúng tôi đã đốt bao nhiêu hương trong tang phòng ông nội hắn. Mỗi đứa một cây, đứa hai, đứa ba hay một đứa đại diện nhóm để thắp chính xác ba cây…Mấy của khỉ này đã mục rỗng theo bụi thời gian rồi. Tôi quên rồi. Ông hắn chết. Điều này tôi nhớ. Xong tốt nghiệp thì bọn chúng tôi rã đám. Điều này nữa, tôi cũng nhớ…

 Tôi có thể nhìn thấy. Từ ngay đây, sau ô cửa sổ của xe Bus. Người bên ngoài đang đi từng bước rất thận trọng. Người đi xe, người đi bộ, người ngồi trong quán. Điện thoại được mở và họ đang tập trung trí lực vào những thông tin trong đấy. Một cuộc gặp gỡ kia rồi. Ở đấy có những chiếc điện thoại, Laptop và một cái Radio đời cũ, vì ai đấy muốn khoe nên mang đến. Xe đi chậm quá, giờ thì kẹt một chỗ vì đèn đỏ. Tôi xin xuống dù chưa phải bến. Người lái xe không đáp và ấn công tắc mở cửa. Khi tôi xuống, vài người khác cũng đòi xuống, nhưng là ở điểm dừng sau. Họ ấn vào công tắc báo đỗ, và đợi sẵn ở cửa sau.

 Sau đó, tôi vào một tiệm Net gần con đường này. Quán rất đông. Chỉ còn một máy cho vị khách may mắn là tôi.

*

 Cuộc gọi thứ hai trong ngày và chỉ có tiếng hồi đáp của bản nhạc chờ. Một bản Rock, hẳn rồi, vì thằng nhóc nghiền dòng nhạc này. Khúc hát kéo dài đôi phút rồi tịt ngóm vào mấy tiếng tút tút. Thằng nhóc không cầm máy. Không nghe máy được vì đang đi đường, quên ở phòng hoặc mải cưỡi trên bụng một cô em. Nhiều lúc nó có cầm máy và trả lời tôi ở mấy phút cuối cùng, khi nhạc chờ sắp hết. Tôi quá chú tâm vào bản nhạc và quên mất nó. Chỉ tiếng Alô. Thằng nhóc có Alô vài tiếng nữa, vì tôi chưa đáp nên nó gác máy. Lúc đấy tôi cũng quên việc gọi lại. Thực ra cũng chẳng có gì để nói với nó cả. Nếu đáp, thì tôi cũng chỉ Alô như nó đã nói khi bắt máy. Lần gọi này chỉ có nhạc chờ. Một bản Rock khác. Tôi giữ máy một lúc, rồi tắt…

 Sau mấy dòng chat thì người con gái bên kia đã chịu tôi. Cô nàng muốn gặp, và nếu buổi đi chơi đủ hào hứng, chúng tôi sẽ có một đêm với nhau. Tôi chẳng chối gì. Sau khi hẹn hò thế thì tôi mở thư điện tử. Mấy yêu cầu từ một hội nhóm mà tôi đã tham gia. Thư nhiều, chẳng có một bức hữu dụng. Tôi vẫn nhìn thấy những lá thư cũ hơn mời tôi đi café hoặc quán Bar. Đấy có thể là ai? Dường như tôi chưa một lần quen biết với chủ của mail này. Ở cuối thư không đề tên, cũng chẳng có thông tin nào để tôi thấy đấy là người quen. Trên Facebook báo có người nhắn tin. Tôi vào lại games. Tất cả đám bạn hữu cùng chơi đều thoát hết. Tôi nhận được các dòng chat chỉ trích và chửi thề. Tôi không giận. Lỗi của tôi. Tôi ra ngoài quá lâu trong khi chỉ một vài giây là nhân vật tôi khiển sẽ sống lại. Hẳn trong khi thiếu tôi, họ đã bị địch truy sát và vùng vẫy trong vô vọng. Chẳng thể gửi họ một tiếng xin lỗi vì tất cả đã ra ngoài hết. Thoát games, thoát nhạc, tôi nghĩ ngợi xem mình sẽ làm gì tiếp theo. Tôi chưa định về ngay. Chẳng có gì ở nhà cả. Mẹ thì vẫn trong bếp thôi. Bà sẽ cần đến tôi khi làm xong bữa chiều. Thằng nhóc chẳng ở nhà đâu. Tôi không thấy nó trên Facebook. Gọi một cú để biết nó chỗ nào. Tôi phủi ngay ý nghĩ đấy. Thằng nhóc đã lớn.

 Một tiếng “Bốp…” Quán Net nhốn nháo. Người ngó nghiêng, người đứng dậy, người xô ghế ra để xem. Một con bé bị đánh bằng mũ bảo hiểm. Chẳng ai can vì đấy là mẹ nó. Nhiều tiếng ồn nhưng tôi cũng đoán được việc bà ta bổ mũ bảo hiểm vào con mình. Chỉ là trốn học thêm. Con bé kia chẳng chống trả. Không kêu. Nó bám lấy máy mình. Nó gõ bàn phím thật nhanh, và bằng cả mười ngón. Một cú bổ nữa. Con bé vẫn ngồi đấy. Bà mẹ kéo mạnh tới mức áo con bé rách toạc. Mười ngón tay bấu chặt vào bàn phím. Vất vả một hồi, bà mẹ hộ pháp cũng lôi được con bé ra khỏi quán. Hai mươi nghìn đồng. Đấy là số tiền máy chủ tính ra và bà mẹ phải trả.

 Quán thôi nhốn nháo từ lâu rồi. Có khi họ chỉ ngoái cổ vài giây rồi quay về chỗ mình. Tiếng tôi nghe sau đấy chỉ là tiếng gõ bàn phím, cười đùa, quát tháo nhau trong một trận games. Tôi chưa bị ai bổ mũ bảo hiểm vào đầu bao giờ. Một lần tôi bị ngã xe, đầu đập xuống đường. Cái mũ bảo hiểm đã cứu tôi. Mũ màu xanh, cái mũ đập xuống đầu con bé cũng màu xanh nhưng có viền đen. Tôi thắc mắc nó đau đến đâu khi bị bổ như thế, và bởi mẹ mình. Cái máy nó ngồi đã đổi chủ. Còn chục người đang chen chúc, chờ máy. Tôi chẳng muốn ngó cổ ra phía đấy nữa. Chuyện thường nhật thôi mà.

 Mạng xã hội. Một trang giải trí. Ảnh hài, tin giật gân, truyện chế, trò chơi trực tuyến. Tôi không vào được vì cần phải đăng nhập. Tôi chưa phải thành viên. Bây giờ, tôi đăng kí.

 Những ô cửa nhấp nháy, báo tôi biết có người muốn trò chuyện. Tôi có quà từ một cái tên lạ trong danh sách bạn bè. Sự kiện. Lại những sự kiện. Mấy cái đồng hồ chảy mềm nhũn như miếng giấy, treo, vò hay dán đều được cả.

 Ra khỏi quán, tôi mở máy điện thoại. Không gọi ai cả, tôi truy cập mạng. “Quái quỷ.” – Tôi nói nhỏ - “Rời chưa đến một phút…” Tôi đánh mắt nhìn. Ngoài đây, nhiều người cũng đang mở máy. Như tôi, họ mở khóa điện thoại. Hoặc khác tôi, họ không vào mạng. Ở kia đường, một nhóm người đang tụ tập. Hình như họ không nói gì với nhau. Tiếng vang đến tai tôi chỉ là từ laptop, Ipad, còi xin đường của xe máy, nhạc từ một cửa hàng băng đĩa gần đấy…

*

 Chẳng sai được. Tiếng rè, bị ngắt nửa chừng, hình méo rồi tắc một chỗ là triệu chứng của sự hỏng hóc. Tôi thoạt nghĩ vấn đề do mấy cái đĩa quá cũ hoặc bị xước. Tôi thay đĩa mới hơn. Đĩa nào cũng chỉ một trạng thái vậy. Không phải đĩa. Vấn đề ở cái máy. Kể ra thì, đầu đĩa này mua đã lâu và từng rơi xuống đất mấy lần.

 “Thế nào rồi.” – Mẹ hỏi từ bếp. Tôi nói rằng nó đã hỏng và cần phải vứt đi. Mẹ không nói thêm gì. Chỉ là không được xem đĩa. Chỉ thế. Số đĩa mẹ mua thế là xếp xó. Tôi dọn số đĩa mình lôi ra và nói sẽ mua cho mẹ bộ đầu hiện đại hơn. “Chưa phải bây giờ”- Tôi nói luôn – “Những sẽ có.” Nhà tôi bắt truyền hình cáp. Không thiếu kênh chỉ chiếu phim. Chỉ là sẽ khó khăn với mẹ vì nhiều phim không thuyết minh hay lồng tiếng. Đọc Sub cũng đã khó với mẹ. Bà thường ra ngoài. Có khi quá nửa tập mới xem tiếp. Lúc này đây, tôi nhớ đến cái váy mà thằng nhóc hứa rằng sẽ mua tặng mẹ. Tôi hỏi mẹ. Bà nói chưa thấy cái váy nào và chuyện cái váy đã qua mấy tháng rồi. Nhà tôi không dùng lịch giấy. Cái đồng hồ điện tử treo tường cũng có hệ thống ngày giờ. Ngày hai ba tháng năm. Lùi ba ngày thì vừa khớp ngày thằng nhóc dọn vào kí túc xá. Nó chào tôi qua điện thoại vì giờ đấy tôi vẫn ở cơ quan. Những năm, sáu cú điện. Tôi không nghe vì đang trong giờ hành chính. Nó nhắn tin, và tôi nhận được. Cái tin nhắn đấy tôi không lục lại được. Mấy bữa trước, điện thoại báo hộp thư đến của tôi đã đầy, và không thể lưu thêm tin nhắn. Tôi đã xóa đi toàn bộ tin nhắn cũ bằng một lần bấm. Hẳn tin nhắn của thằng nhóc cũng bị tẩy theo. Tôi không còn nhớ lời cuối, trước khi nó rời vào kí túc. Không dài, cũng chẳng quá ngắn. Một lời chào thôi. Chỉ thế. “Nó còn đây mà.” – Cách nhà mấy dãy phố dài.

 Tuần trước nó có về nhà. Lúc trời xẩm tối. Ngày hôm đấy tôi làm việc quá nhiều. Về đến nhà thì chỉ muốn ngủ. Nhưng tôi đã thấy đôi giày của nó ngoài cửa. Cửa phòng thằng nhóc để hé. Không thấy đèn, cũng không nghe thấy tiếng nó. Mọi thứ hữu ích nó đã dọn vào kí túc xá. Chỉ còn giường tủ, kệ sách, cái tivi bị cháy chưa kịp thanh lý, những vật dụng quá cồng kềnh để có thể mang đi…Tôi không hiểu nó làm gì trong phòng mình nữa. Có thể nó đang dùng laptop. Hoặc như mọi lần, nó nghe Rock qua chiếc Mp3 bỏ túi. Max volum và tai nó tuột hẳn vào nhạc.

 Thằng nhóc gầy đi phải không? Nó vẫn luôn là đứa còi cọc. Gọng kính bảy đi-ốp, mái tóc dài gáy, môi mỏng, bước đi chậm đều là dấu hiệu dễ thấy ở một thằng mọt sách. Thời trung học nó đau ốm suốt. Tôi bắt nó chạy bộ, hít đất, và tự bỏ học để lưu ban vào lớp nó. Hết cấp ba, nó đỡ ốm vặt nhưng vẫn gầy thế. Chỉ là việc học thôi. Tôi không qua đại học. Hết tốt nghiệp tôi đi làm luôn. Một trung tâm về sách điện tử đã mời tôi vào làm. Tôi vẫn bám nhà. Thằng nhóc khá hơn tôi. Nó dám rời nhà để tự lập bên ngoài. Bỏ việc thằng nhóc lại. Cái máy tính của tôi chắc đã xong. Ngày mai tôi sẽ lấy về.

 Chỉnh tề quần áo. Tôi dắt xe ra đường. Cuộc hẹn với bọn mặt ngựa sẽ bắt đầu sau nửa tiếng. Đi được một đoạn, tôi phanh xe lại. Xe còn nhiều xăng và cột giao thông vẫn xanh đèn. Giống như quên đi điều gì đấy, tôi lục đầu nhớ lại. Cuộc hẹn vẫn ở phía trước. Tôi chưa đi ngay, rồi sau một vài phút, tôi lục tay túi quần. Túi trước và sau. Chẳng thấy gì ngoài mấy hóa đơn, tích kê nhàu nhát, bã ra vì quên bỏ ra khi giặt. “À.” – Giờ tôi nhớ. Cái điện thoại. Tôi quên nó ở nhà. Phải quay lại, và cầm nó theo. Tôi muốn vào mạng. Ngay bây giờ.

 Tôi quay xe, phóng trở về nhà.

 Sau đấy, chúng tôi gặp nhau ở một quán ăn nhanh. Như mọi lần, bọn tôi trêu trọc nhau. Tranh giành chỗ ngồi gần cửa sổ. Nhóm năm người. Ba kẻ dẫn theo người yêu mình. Vì là tình nhân, nên họ ngồi cạnh nhau. Tôi được họ gán cho một cô gái không hề có mặt. Tầng trên và dưới đều có khách lên xuống. Nhạc ở quán không bật. Thay vào đấy tôi nghe thấy tiếng gõ laptop. Mở mã khóa xong, mấy cái điện thoại đều vào hết mạng. Facebook, Twitter, Youtube, VietNamnet, games trực tuyến...Có ai nhắn tin với người bên cạnh mình qua điện thoại không nhỉ. Trên mặt bàn, mấy cốc nước đã cạn hoặc cạn một nửa. “Một trăm điểm…” – Một tên cười lớn. Một ai đấy đã mở nhạc từ laptop. Tôi lại quên, quán này có Wifi.

 “Các anh gọi gì không?” – Nhân viên quán đến bàn và nói thế. Đây là lần thứ hai. Tôi nói rằng bọn tôi đã gọi. Cô ta nói chưa. “Thế chưa ai gọi gì sao?” – Tôi nói. “Tao nghĩ là rồi.” – Một tên nói. “Xem này, phòng trà mới mở, giảm giá 30%...” – “Xin lỗi.” - Cô nhân viên lên tiếng “Có thể các anh đã gọi đồ ăn, và em không nghe thấy. Giờ các anh muốn gọi gì…” - “Đã ai đói chưa.” – Một tên khác nói. – “Tao chưa đói. Này, em đói chưa.” – Bạn gái hắn lắc, rồi tiếp tục bấm điện thoại. “Không một ai đói cả. Tuy nhiên, hãy mang cho bọn anh chút gì đấy. Bim bim hoặc khoai tây đóng hộp…” – Cô nhân viên gật và đi. Tôi mở máy. Thêm một lời gạ đi Café được viết ngay trên tường nhà. Ở cửa sổ chat cũng có lời mời như thế. Những cái tên chưa có trong danh sách quen biết. Người lạ. Hoàn toàn lạ.

 Tiếp tục bấm máy, vào mạng. Chỗ ngồi tám người và tám máy điện thoại.

*

 Tivi còn mở. Không thấy mẹ đâu. Chỉ có bộ bàn ghế bọc da màu xám tro. Một giờ sáng. Mọi chương trình truyền hình đều đã xong. Trước mắt tôi chỉ là cái màn hình với những cột màu trên một cái đồng hồ lớn. Định tắt nhưng tôi nghĩ có thể mẹ sẽ xem tiếp. Tôi lên phòng mình. Vừa rồi tôi có uống bia cùng lũ bạn. Tất cả chúng tôi uống hết gần một két bia. Trước đó, tôi đã vào toa-lét và nôn hết bia trong bụng. Có lẽ tôi tỉnh hơn mấy đứa kia. Có thể do say mèm, nên mấy đứa đã tổ chức một cuộc làm tình tập thể ngay trong phòng hát. Tôi có hét để chúng tỉnh lại không nhỉ? Hay đã tát hoặc dội nước lạnh vào chúng? Thật tù mù. Nhưng tôi nghĩ mình đã làm gì đấy, và bọn chúng ngừng lại và ôm mặt khóc như học sinh tiểu học. Sau đấy? Tôi không rõ nữa. Giờ, tôi đã ở nhà mình. Bia có thể chưa tiêu hết nên giờ tôi lại thấy nhức đầu. Không chóng mặt cho lắm nhưng tôi thấy đầu ong ong. Đến tiếng điện thoại reo tôi còn không nghe rõ. Chỉ biết nó đang kêu, vì tôi thấy màn hình sáng và giật bần bật trên mặt bàn bởi chế độ rung.

 Tôi vẫn chẳng ngủ. Giờ này đáng lẽ tôi đã ngủ rồi. Một lúc lâu trằn trọc, tôi ra bàn làm việc. Tôi giơ tay ấn vào khoảng trống. Một lần ấn nữa, rồi thêm một lần. Tôi bóp trán rồi bật cái đèn bàn lên. “Chà, chà…” – Tôi tự thở với mình. Máy tính tôi chưa lấy về. Bàn làm việc trống không. Chỉ có con chuột máy tính đã rút dây nằm dưới ngăn kéo. Tôi ngán lướt mạng bằng điện thoại quá rồi. Mọi lần, nếu tôi chưa thể ngủ thì đều ngồi thế này. Đọc tin tức. Một ván Dota(6). Và sau đó tôi ngủ dễ hơn.

 Xuống nhà, tôi vẫn thấy tivi mở. Mẹ không ngồi dưới. Tôi vào bếp tìm xem có gói mỳ nào không. Chẳng có mỳ gói, cũng không còn cơm nguội. Lục lọi một lúc thì tôi thấy một gói bánh. Không còn mẩu bánh nào. Lúc mở hết lõi, tôi thấy một con bọ hung sừng chữ Y. Con bọ chỉ lớn cỡ ngón tay. Rất đột ngột, nó xòe cánh Tôi chỉ kịp nhìn thấy đôi cánh như thép đen kêu vù vù, rồi thì con bọ hung đã mất tiêu. Điện thoại lại reo. Từ trong nhà hay vọng từ phòng tôi. Có khi nào là điện thoại bàn ở phòng ngoài không. Tắt công tắc đèn, tôi lên nhà. Tivi vẫn mở nhưng đã chuyển kênh. Một bộ phim dài cả trăm tập của Đài Loan.

 “Kính coong…” - Ai đấy đang gọi cửa. Và tôi bật dậy ngay. Sau đấy tôi mở điện thoại ra. Sáu tin nhắn và mười cuộc gọi nhỡ. Tôi tắt máy vì chuông dưới nhà vẫn inh ỏi. Trời sáng rồi. Tôi chẳng thấy uể oải vì choàng dậy khỏi giấc ngủ. Chỉ hơi ê người. Dù đã nằm trên giường tám tiếng đồng hồ, tôi vẫn thấy mỏi. Mấy hồi chuông vẫn đổ dài. Mẹ tôi không ở nhà ư.

 “Xuống ngay đây…” – Tôi nói to từ phòng mình. Tiếng chuông chỉ đổ thêm một hồi, rồi bặt đi. Chắc kẻ ngoài cửa đã nghe thấy tiếng tôi. “Mẹ.” – Tôi gọi thế khi bước xuống tầng một. “Mẹ đang bận. Con mở cửa xem ai đi.” – Tiếng trong bếp, rồi tôi ngửi thấy mùi cà ri thơm phức. Chủ nhật. Phải rồi, mọi Chủ Nhật mẹ đều làm cơm cà ri. Hôm nay cũng thế. “Vâng.” – Tôi đáp. – “Này con.” – Mẹ tôi gọi. Chợt, bà không nói nữa. Tôi đợi thêm vài phút, đến khi chuông cửa reo thì tôi ra.

 Người bên ngoài trông lạ hoắc. Tôi chưa gặp hắn bao giờ. Chẳng phải nhân viên thu tiền điện, nước hay tiếp thị. Chỉ là một thanh niên râu ria lởm chởm. Hắn chẳng cười nhưng lại có vẻ nhăn nhở bệnh hoạn.

 “Xin lỗi anh nhưng đây có phải nhà của Viễn.” – Hắn nói.

 “Nói rõ hơn về người tên Viễn mà cậu nói.”

 “Trương Văn Viễn, học khoa X, đại học X.”

 “Vào đi. Tôi là anh nó.” – Hắn từ chối vào nhà và nói rằng sẽ phải đi ngay. Hắn đến chỉ để thông báo chuyện của thằng nhóc, vì hắn là lớp trưởng. Tôi phải mồm mép hơn để nài hắn lại. Nước ngọt và một khẩu phần cơm cà ri là của hắn. Mẹ biết hắn vào nhà. Có vẻ bà rất hào hứng khi nhà có khách, tuy nhiên bà chưa thể rời bếp. “Cà ri còn chưa được.” – Mẹ tôi nói, và bà yêu sách rằng chúng tôi hãy nói thật to. Cũng tốt. Chuyện về thằng nhóc bà nên biết.

 “Không có ở nhà sao?” – Hắn nói, mắt đăm chiêu lại, nhưng vẻ mặt vẫn nhăn nhở như tên hề. “Đúng.”- Tôi nói “Nếu cậu muốn tìm nó thì phải vào kí túc.” – “Viễn không có ở ký túc.” – Hắn nói. Và tôi đáp ngay “Thế thì nó cũng không có ở đây. Thỉnh thoảng lắm nó mới về đây. Không phải hôm nay.” – Hắn gãi đầu “Anh biết Viễn đi đâu không?” Hắn ngừng câu hỏi lại. “Kí túc xá.” – Tôi nói – “Hoặc chỗ nào đấy, nhưng rồi nó sẽ về ký túc xá.”

 Hắn im lặng một giây. Tôi cũng im lặng theo một giây. Rồi hắn chợt gãi đầu, bằng cả hai tay. Trong đầu tôi hình thành một con khỉ đột đang tấu hề. Một tiếng cười bật ra. Miệng hắn há, rồi cứng đơ. Hắn quờ tay để lấy cốc nước nhưng lại làm cốc đổ. Nước ngọt tràn cả mặt bàn. Tôi rót cốc mới nhưng hắn không uống. “…” – Dường như hắn bị mất tiếng – “…” – Sau cùng hắn phải uống cốc nước ngọt như để giọng xuôi hơn – “Kh…Không đâu. Viễn không đăng kí vào kí túc.” Tôi không nói. Còn hắn im lặng một lúc. Hắn gãi đầu. Rồi hắn nói tiếp “Một tháng rồi. Viễn không đến lớp đã một tháng. Một vài môn Viễn buộc phải học lại vì nghỉ lâu. Em không thể liên lạc với Viễn. Em nghĩ rằng cậu ấy muốn lánh mặt ở nhà, nên đã không tìm đến đây. Viễn không liên lạc gì với lớp. Và một tháng. Anh biết không, một tháng. Nhiều môn. Ý em là Viễn có…Anh có biết Viễn đi đâu không? Nghĩa…Là…Nghĩa là…” – Hắn gãi đầu. Tiếng gãi sồn sột. Tôi mở bao thuốc đưa hắn. Hắn rút một điếu, rồi châm hút. “Viễn có về chứ anh? Một tháng, đã một tháng…Quốc Phòng, Triết, Lịch Sử Văn Minh, và…Ý em…Viễn đã vắng…”

 Tôi cũng hút một điếu. Hắn đã nuốt hết điếu thuốc, và lần tay vào bao thuốc để rút thêm. Tôi lấy điện thoại và bấm số gọi cho thằng nhóc. Nhạc chờ. Rock. Thằng nhóc không nghe máy. Cú thứ hai. Vẫn chỉ nhạc chờ. Mẹ còn trong bếp. Mùi cà ri gà thơm nức, hẳn đã ăn được. Cú điện thứ ba, có tiếng đáp. “Alô.” – Tiếng nói bên kia và tôi chưa đáp lời. Tôi chăm chú. Tiếng alô tiếp theo từ đầu máy bên kia. “Có ai tên Viễn không?” – Tôi hỏi và giọng phía kia đầu dây đáp ngay lại – “Không có ai tên Viễn ở đây. Mà anh là ai. Sao hay gọi tôi thế, chúng ta…” Máy dập. Chính tôi đã dập. Tôi đưa máy của mình cho tên lớp trưởng và hỏi xem đây có đúng số thằng nhóc không. Hắn lấy máy, rồi dò danh bạ. “Sai một số.” – Hắn đáp, tôi rít thuốc. Giờ thì tôi nhớ hơn rồi. Một dạo nọ điện thoại của tôi gặp chuyện và mất hết số điện thoại. Tôi phải xin lại từng số điện thoại. Số thằng nhóc, tôi chép lại từ trí nhớ. Tôi đã gọi thử. Tôi không chờ tiếng Alô. Tôi chỉ thử số. Và gọi được.

 Số điện thoại ghi trong máy của tên lớp trưởng không gọi được. Chỉ có tiếng hồi đáp của tổng đài. Máy của nó trục trặc, hết pin, hay vấn đề từ cái Sim?

 “Đúng một tháng ư?” – Tôi nói. Hắn gật, rồi gãi đầu. Mắt hắn dán xuống mặt bàn, nơi những tàn thuốc còn chấm lại. “Mấy tháng. Đã mấy tháng rồi kia mà Đáng lẽ…” – “Giá như…” – Thấy hắn giơ tay, tôi tạm dừng lời mình lại. “Xin lỗi anh. Em chỉ biết làm thế.” Tôi thấy hắn liếc nhìn, tôi gật, hắn tiếp tục. “Em nghĩ đấy chỉ là sự cố. Không. Có thể hơn thế. Hoặc hơn cả thế. Nhưng anh biết mà. Đều là đàn ông. Anh, em và Viễn đều là đàn ông. Bị một thằng đồng tính xâm hại bất quá cũng chỉ thấy gai người, hệt như.”- “Giẫm phải cứt.” – Tôi cướp lời, và hắn chịu thế. Sau đó, hắn tiếp tục lời còn dở “Đại loại thế, như dẫm phải cứt. Mà. Không đau như dao chém, nhưng bẩn, anh ạ, và…” Hắn im lặng, từ từ ngẩng mặt lên nhìn tôi. Tôi gật, và hắn nói tiếp. “Viễn ngã sông và bọn em không biết bơi. Không hề có sẵn phao, cũng không ai chịu tìm dây thừng. Em không muốn nói là chẳng ai thật sự băng máu cho Viễn cả. Nhưng sự thật là thế. Em…Không phải bạn thân của Viễn, thế nên…Anh biết mà…E…Em…Có thể gặp Viễn chứ anh?” Hắn lại cúi mặt. Hắn lại gãi đầu. Hắn gãi ra máu. Điếu thuốc tôi đã hút xong. Tôi hít mạnh một hơi rồi thở chầm chậm. Điện thoại đổ chuông, tôi không nghe. Tôi lần bao thuốc thì thấy đã hết thuốc. Tôi uống một ngụm nước ngọt.

 “Cậu về đi.” – Tôi nói. Tên lớp trưởng nhìn tôi, vẫn vẻ nhăn nhở dù không cười, tôi thấy bản mặt này dễ chịu hơn. “Về đi.” – Tôi lặp lại – “Có anh đây rồi.”

 Hắn lặng đi, một lúc lâu. Rồi chợt hắn gật cái đầu, và khẽ cười. Mặt hắn lúc cười trông cũng được đấy chứ. “Anh. Phải rồi, Viễn còn có anh kia mà.”

 Sau đó tôi tiễn hắn ra về. Tôi không chào hắn. Còn hắn, chỉ gãi đầu, giống như là, đã chào tôi vậy. Tôi đứng trước cửa nhìn theo cho đến khi hắn đi hết đường. Và hắn, một chốc cũng ngoái nhìn xem tôi còn đứng đấy không. Đến khi cửa nhà tôi chìm mất thì hắn không nhìn lại nữa. Tôi đồ hắn đã đi thẳng.

 Mẹ bưng nồi cà ri ra. Tôi nhìn mẹ, và tôi biết mẹ đã biết như tôi. “Gọi nó về.” – Mẹ nói với tôi. Tôi không đáp. “Đăng tin tìm người thân.” – Mẹ lại nói, rồi mở tivi. Bà mở từng kênh một và chưa thấy ưng. Tôi quờ quạng rồi khi nắn thấy một vật thì cầm chặt trong tay.

 Hai lần bấm. Hai tiếng bíp. Khóa điện thoại mở. Vào Facebook. Tin nhắn, lời mời kết bạn dài dằng dặc. Không thấy ai mời tôi đi Café. Gmail nhiều thư mới. Tôi mở, vẫn không thấy thư mời mọc. Tôi bấm, rồi bấm. Tôi ngừng bấm máy. Tôi đổ mồ hôi.

 “Viễn đâu rồi, mẹ ơi?” – Tôi gọi, giọng to dần dần và lạc đi dần dần.

 Mẹ tôi lục tủ đĩa, và dường như chưa thấy đĩa ưng ý. Một chốc, bà nói “Vẫn còn con. Con cũng là Viễn đấy thôi.”

 “Viễn anh và Viễn em.”

 “Mình họ Nguyễn, con ạ!”

 Tivi vẫn mở. Đĩa vẫn được lục ra, từng cái một. Tôi nhìn quanh, đấm đầu vài cái, rồi lại nhìn quanh. Cái đồng hồ chạy chậm quá. Tôi chẳng thấy số nào nhích lên. Có khi lại chết máy vì hết pin.

 Vừa nhổm khỏi ghế, tôi ngã uỵch xuống, ngay nơi ghế ngồi. Chống hai tay vào thành ghế, tôi từ từ nhấc mình lên. Rồi thì, tôi cũng ra khỏi ghế. “Thế còn bữa trưa.” – Mẹ tôi hỏi. “Nguội thì đun nóng được ngay thôi mẹ.” – Tôi nói – “Máy tính của con sửa được chưa thế?” Mẹ tiếp lời – “Chắc là rồi.”-Tôi tiếp lời.

 Tôi quên khuấy mất cái máy tính. Giờ tôi nhớ rồi.

 “Con đi đâu thế?” – Vẫn là tiếng mẹ. Bà vẫn tìm đĩa. “Sao thế nhỉ.” – Tôi thì thầm trong miệng – “Đầu đĩa hỏng kia mà.” Mẹ vẫn lục đĩa, từng cái rơi lộp bộp.

 Tôi chào mẹ, rồi ra đường.

 Dường như tôi quên mang điện thoại.

TRU SA

_____________

(1) Avast : Một chương trình diệt Virus.
(2) Knock Out: Cú đấm đo ván trong quyền anh
(3) Facebook : Mạng xã hội hiện phổ biến nhất thế giới.
(4) Tường nhà : Một phần trong trang cá nhân của Facebook.
(5) Maria Ozawa : Nữ hoàng dòng phim khiêu dâm Nhật.
(6) Dota : Trò chơi thịnh hành của dòng games Warcraft III. 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 7407)
Chuyện gia đình ông Đu là chuyện khó tin nhưng cực kỳ bi đát dường như chưa hề có chuyện tương tự xảy ra tại thành phố này
10 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 7838)
Trong phút đó tôi muốn có một phép màu biến cô giáo Hồng Liên trở lại thành cái Tý Chuột trước kia./ Để tôi có thể ôm chặt em trong lòng./ Để được hôn lên đôi má mũm mĩm và nồng ấm của em./ Để nói lời cảm ơn em đã nhớ đến tôi bằng nỗi nhớ mà bất cứ ai cũng khát khao được có.
08 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 8898)
Ông Bảy hàng xóm sang mồi nhờ con cúi, gặp lúc Mười Cứng đương uống rượu một mình. Rượu ngon không có bạn hiền, thì rượu ngon mấy cũng thành dở.
07 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 8445)
Bé Aylan ơi! Con ngủ ngoan nhé, anh Galip của con cũng đi ngủ rồi, mẹ con nữa cũng ngủ say rồi. Không ai chơi với con nữa đâu.
05 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 6339)
Dù chỉ ở Genève vỏn vẹn một tháng hè, nhưng có lẽ ông Trần đã đi bộ bằng một người bình thường đi bộ cả năm.
31 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 7010)
Loại dao bầu, chuyên để chọc tiết lợn. Gã dùng con dao này để cắt cổ mèo. Gã chẳng phải đầu bếp của quán Tiểu Hổ, gã chỉ nghiện thịt mèo.
26 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 5614)
Buổi họp bạn trường đại học rất đông anh em. Những người đã từng có một thời trai trẻ, có lớp trên, lớp dưới.
22 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 6920)
Tại ngã ba làng nọ, một ông già ngồi chết queo bên lề đường về hướng mặt trời lặn
17 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 7636)
Cá bống kèo đực mơn trớn, vuốt ve tấm thân thon thả, vóc dáng hình trụ dài và dẹp dần xuống cái đuôi tinh quái của bạn tình.
16 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 6392)
Mưa. Những con đường chìm trong màn nước bàng bạc. Những chiếc xe lao qua vội vã. Nó đưa tay hứng những hạt mưa, miệng lẩm nhẩm hát:
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19001)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9184)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19190)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21740)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,