TRẦN THÚC HÀ - Con vàng đốm bạc,

02 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 8005)
TRẦN THÚC HÀ - Con vàng đốm bạc,

 Ông chủ bệ vệ, sung mãn, mặt đầy, luôn ửng đỏ trong bộ áo ngủ lụa tơ tằm trắng ngà đang đùa nghịch với con vẹt. Con vẹt có bộ lông xanh biếc, nhảy nhót trong chiếc lồng nan tre chải chuốc công phu màu vàng óng. Chốc chốc nó lại nhìn ông chủ, từ trong lồng ngực nó ùn lên làm cho cái cổ vặn vẹo một lúc rồi nhả ra một giọng người khá rõ: Kính chào ông chủ. Ông chủ cho nó một trái dâu chín. Nó đập nhẹ cánh đớp lấy, nuốt vội rồi cong cổ lên: Cảm ơn ông chủ. Ông chủ nhìn cái đầu nó màu nâu pha sắc biếc gật gật. Ông luồn tay vào cửa lồng, cánh tay trắng trẻo, nung núc thịt lởm chởm những sợi lông đen dài vuốt ve mớ lông mềm mại trên đầu nó: Đáng yêu lắm. Con vẹt cúi đầu lia lịa.

 Chà, có được một con vẹt như thế thích thú biết bao, được nghe nó nói ngọt ngào, được nhìn nó cúi đầu dễ ưa khi mình buồn chán mệt mỏi. Tiền triệu đấy nhưng xứng với cái công người ta dạy dỗ, huấn luyện nó. Ông chủ định đi thay nước uống cho nó thì nó hót lên: Có khách, có khách. Ông chủ nhìn ra cổng đã thấy lão Tư thịt chó bước vào. Lão ăn mặc cũng đàng hoàng lắm. Quần nâu sẫm với chiếc áo sơ mi màu da trời, nai nịch gọn gàng. Chỉ tội mặt choắt, trán dô, cằm nhon, hai con mắt liếng láo, ria mép tua tủa như râu chuột cống và bộ mặt lúc nào cũng đằng đằng sát cẩu, lũ chó trông thấy là gầm sủa, chạy xa. Bên ngoài thế đó nhưng lão ăn nói đâu ra đấy, đúng đối tượng sang hèn. Lão lởi xởi:

 - Úi chà chà! Chào ông chủ. Ông chủ có con vẹt tuyệt quá!

 - Chào khách – con vẹt lại cất tiếng.

 - À ngoan ngoan – Lão khen con vẹt lấy lệ. Lão trở lại với ông chủ - Người ta chơi nhồng, chơi vẹt, chơi sáo cũng nhiều. Nhưng cái số ai sang trọng mới gặp con hay đấy ông ạ!

 - Tôi cũng có mấy người bạn nuôi chúng nhưng cái giọng không thanh, không rõ bằng con này, cung cách lễ phép cũng thua xa. Đôi lỗ mũi bành bạnh của ông chủ phập phồng.

 - Người đâu của đấy thưa ông chủ - Lão để chiếc bao tải xuống nền đá hoa trước hiên nhà.

 - Nó kia kìa! – Ông chủ chỉ vào góc hè. Con vàng đốm bạc đang bị nhốt trong cũi sắt – Con chó này đáng ghét. Tốn cơm, tốn thịt, không được một lời như con vẹt, lại phản chủ, cắn người. Cho ông giết thịt để trừ hậu họa.

 Con vàng đốm bạc đã nhận ra số phận mình khi lão thịt cho bước vào cổng. Giờ nghe nhắc đến tên mình, nó đứng dậy, dỏng tai, dù thân mình ê ẩm với mấy trận đòn hôm trước. Rồi nó vươn cao cổ tru một tiếng dài dữ dội, nó gào lên theo kiểu chó: “Không phải thế!” Được đưa về đây khi nó chưa đầy một năm tuổi, con vàng biết bổn phận của mình với ông bà chủ là cất tiếng đánh động khi khả nghi điều xấu, có kẻ rình mò. Hôm ấy bà chủ có việc đi vắng, ông chủ dẫn về một cô gái trẻ, áo hở ngực. Nó nhìn thấy cô gái hai mắt liếc ngang liếc dọc, cười ẻo lả khêu gợi, nó biết loại người này không đứng đắn, chẳng những thế, nó đánh hơi biết mùi mồ hôi của nhiều người đàn ông chung chạ còn bám trên da thịt cô gái. Nó sủa vang, lao tới cắn vào váy ngắn quá gối của cô gái kéo ra ngoài ngõ. Cô gái rú lên. Mặt son phấn hồng hồng đỏ đỏ thế kia toát đầy mồ hôi lạnh, bạc nhợt chạy tháo thân. Nó biết nó sẽ bị trừng trị. Trong ngôi nhà này, ông là chúa tể, là trời con, mọi người chỉ là nô lệ, phải nghe theo, làm theo ý thích của ông chủ, không ai được trái ý. Nó đã chứng kiến cảnh người thân, người ăn kẻ ở trong nhà bị hắt hủi, sỉ nhục không phải con người đối với con người mà lúc nào cũng phải chịu ơn xưng tụng ông một cách vô lí, nhưng thấy nguy không đánh động thì không phải là chó. Thế là nó bị ông chủ cho một trận đòn rồi nhốt vào cũi sắt, vu vạ nó khi ông chủ mất dịp đú đởn với gái điếm.

 Nghe tiếng rống của con vàng, ông chủ bảo với lão Tư thịt chó:

 - Coi chừng! nó nổi cơn phản chủ, cắn người, tôi hãi lắm rồi.

 - Ông chủ yên trí! Không có loại chó nào tôi ngán. Lão thận trọng đi về phía con vàng.

 Trước khi làm nghề thịt chó, lão Tư là một tên chuyên trộm cho bằng đánh bả và lưỡi câu. Bởi vậy mà lão rất sành, chỉ liếc qua bộ lông lão biết con chó bao nhiêu thịt, bao nhiêu xương, béo bùi, ngọt mềm ra sao. Mắt lão lại có điện sát cẩu. Mỗi khi hai con mắt nhỏ như mắt rắn của lão long lên trắng dã, tím tái thì không một con chó nào chịu nổi, đành cúi gục xuống, hay cuống cuồng tháo chạy để nhận lấy một thanh gỗ vào gáy. Lần này cũng thế. Lão thong thả bước như vận nội công vào cái mặt đen sạm có bộ ria vểnh lên với đôi mắt trợn tròng phóng về phía con vàng.

 Con vàng khác. Nó không phải loại dễ run sợ. Nó biết cái chết đã đến. Không một sinh vật nào tránh được điều đó. Nhưng cái chết của nó tức tưởi quá. Trước khi chết nó muốn chứng tỏ nó không phải như lời ông chủ. Khác với đôi mắt lạnh buốt, độc ác của lão thịt chó, nó khe khẽ vẫy đuôi, nó nhìn lão thịt cho với đôi mắt thân thiện không biết sợ hãi làm cho lão thịt chó ngạc nhiên. Lão nhìn kĩ, cái màu lông nó nền vàng đốm bạc từng lớp dài mượt mà, mắt nhìn thẳng, mõm rộng, tai to, bụng thon, ức nở, chân dài, đuôi cao không phải loại chó cho thịt. Lão cười thầm trong bụng: U mê lắm thằng cha mặt dày kia. Mày phản nó chứ loại chó này không bao giờ phản chủ. Lão nhìn con vàng với đôi mắt dịu lại. Lão hé mở cánh cửa sắt, lồng cái bao tải vào, lão nói:

 - Ngoan nào! Mày hãy cứ chui vào đây đã. Về nhà tao sẽ liệu sau.

 Con vàng không chần chừ. Cưỡng lại, gầm rú đều vô ích. Lúc này cần phải thể hiện bản chất chó sinh ra để vì người dù có phải làm miếng thịt luộc, khúc dồi nướng. Chết giữ được cốt cách chó còn hơn sống không phải chó. Nó thong thả đi vào cái bao tải mà không cần ông chủ đang cầm thanh sắt dài đút vào cũi sắt thọc sau dít nó để lùa nó đi.

 Nằm trong bao tải vắt trên chiếc xe thồ của lão thịt chó, nó bất chấp những cú xóc ổ gà ê ẩm cả sườn và bụi bặm trong chiếc bao tải hôi hám tối mù nó suy nghĩ đời chó của nó. Vạn vật sinh ra trong trời đất, vậy nó đứng ở đâu? Con người là chúa tể của muôn loài. Không có con người với sức mạnh vô biên của họ mọi vật có thể trở nên hỗn độn, nhiều tai họa. Mặt đất cần có họ. Họ giữ cân bằng giữa muôn loài. Chó cũng như bao loài khác giúp cho con người sống sung túc hơn. Con người với vạn vật thật vĩ đại! Nhưng giữa người với người tệ lắm, nhiều việc cần phải có chó. Không loài vật nào thính như chó, giúp người giữ nhà. Cũng như báo sang canh, đánh thức giấc ngủ không có con vật nào bằng giống gà. Chó còn đánh tiếng từ xa khi kẻ xấu mon men. Chó lăn xả bảo vệ của cải người làm ra khi người chưa kịp cầm gậy gộc đánh bọn trộm cắp. Con vàng ý thức được điều đó khi nó còn chưa đủ lông. Cái bầu sữa khi đầy khi vơi của mẹ nó, cái lưỡi mềm mại vuốt ve từng đám lông mịm màng của mẹ nó đã truyền lại cho nó rằng: Chó ngoan, chó giỏi là biết giữ nhà cho người. Lớn lên nó đã tâm niệm lời mẹ nó dặn. Vậy thì nó đã làm gì để cho cái loại người này như ông chủ của nó - chứ không phải loài người - sớm kết thúc cuộc đời nó khi nó mới bước vào tuổi thanh xuân? Lỗi của nó là ngoặm vào váy của con điếm kia. Đấy là lỗi ư? Lẽ nào nhìn thấy sự bất thường một điều có thể làm tổn thương. ngăn cái hèn hạ xấu xa là sai, không được sủa, không được gào lên cứ cúi đầu ngoan ngoản làm vừa lòng ông chủ là đúng? Mẹ nó không dạy như thế. Đánh hơi thấy dấu vết lạ, ngửi thấy tai họa trời đất đã phú cho nó như thế. Nó biết dẫm chết một con gián, vồ chết một con rắn, chứ nó không cắn chết một con gà, một con bồ câu. Nó đã bị những trận đòn tệ hại bằm tím thân mình. Cái đau thể xác rồi cũng qua. Nhưng đau đớn ghê gớm hơn là người vu vạ cho nó đồ phản chủ, tước bỏ quyền làm chó của nó, đó là tiếng sủa. Không đánh hơi, không cất lên tiếng sủa nó đâu phải chó giữa muôn loài! Nó là một con cừu, một con bò, một con vịt, nhục chưa! Điều ấy hãi hùng hơn cả lưỡi dao của lão thịt chó.

 Đến nơi. Quán lão thịt chó bày biện không sang không hèn trong một ngôi nhà gạch, mái lợp tôn, trần lát tấm nhựa, có sân trước sân sau khá rộng để đủ cho các loại khách vào ăn uống. Lão ném cái bao tải xuống nền xi măng. Con vàng ự lên một tiếng đau đớn. Quán lúc này chưa phải lúc khách đến ăn nhậu. Có một thằng cha khách quen, to xác, trông hung dữ, áo quần bẩn thỉu, mặt mày đen đúa đầy vết sẹo dọc ngang như tấm giẻ rách. Hắn đang nốc rượu, hất cằm hỏi:

 - Cầy non hả? Giết ngay bây giờ. Tao đợi miếng dồi nóng.

 - Hừ! Phí – Lão Tư cẩn thận ra khép cổng lại. Lão thong thả mở bao tải – Ra đi con!

 Không đứng ngay được vì những cú xóc, vì bốn chân cuộn trong bao tải con vàng lê mấy bước rồi đứng dậy trong một tư thế kiệt sức. Nó lắng nghe lão nói: “Mày giữ nhà cho tao, không xong, mày hiểu tao làm nghề gì rồi đấy!”

 Cái giọng sát cẩu của lão không thừa không thiếu, sắc lạnh chính xác như lưỡi dao lành nghề của lão thọc vào cổ chó. Lưỡi dao đúng tầm xuyên vào động mạch chủ gần cuống tim, không làm nát quả tim mà đủ cho quả tim còn thì giờ thoi thóp đập, đẩy hết những giọt máu cuối cùng theo lưỡi dao ra ngoài, làm cho miếng thịt khi luộc được trắng, được tươi, không bị máu ứ.

 Con vàng ngạc nhiên vì nó được thoát chết. Lão thịt chó nhân từ hay độc ác? Chưa rõ. Nhưng nó là chó, nghe lời người, canh giữ cho người, thế thôi. Vào tay sát cẩu có con chó nào là không bị đe dọa!

 Nó thường nép mình sau mấy chậu cây cảnh mà chủ quán bố trí để che chắn bớt những bộ mặt đỏ gay, ăn uống nhồm nhoàng khi đông khách, đôi mắt nó quán xuyến tất cả kẻ ra người vào đánh chén. Ngày cũng như đêm, nó dỏng tai nghe ngóng từ mọi phía. Nó làm phận sự của một con chó giữ nhà. Nó chứng kiến đồng loại của nó, nhìn qua thì con cho nào mới đưa về đây (trừ những con đã chết) lão chủ quán cũng nhốt từng ngăn riêng trong một cái chuồng lớn phía sau nhà. Được chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ. Những con chó luôn bị thiếu đói tỏ ra thích thú, thỏa mản, ve vẩy đuôi mừng rỡ khi thấy lão mang thức ăn đến, mà, không biết rằng khi đã được vỗ béo, lần lượt từng con một bị trói mõm, buộc chặt bốn chân, máu tuôn trào ồng ộc, rồi da giẻ cháy khét nức nẻ, băm xé từng mảng nào xào nào nướng. Đấy không phải cách người tiễn biệt chó. Từ ngàn xưa người đã buộc vào cổ chó nắm tiền, chút gạo muối đưa cho về bên kia thế giới. Uất ức, đau đớn lắm! Nó không thể làm gì được cho đồng loại. Với nó, một bước nhảy là thoát được nơi đây. Nhưng nó không xử sự với con người đã không đem nó làm thịt ngay. Được sống dù chỉ là một giờ, một ngày đều quý lắm. Nó nghĩ nó phải làm cái gì đó bằng cái giá người đã ban ơn cho nó để người không cho nó là kẻ vô ơn. Bấy giờ nó sẽ tính chuyện đi khỏi nơi đây.

 Rồi điều mong đợi đã đến. Cũng vào giờ chưa có khách, cái lão mặt mày nhăn nhó như giẻ rách nó thấy hôm nó về nhà lão thịt chó đang lè nhè bên chai rượu. Hắn gào lên đem cho hắn đĩa thịt chó! Lão Tư chủ quán dằn đĩa thịt chó xuống bàn, dí tay vào mặt hắn:

 - Không có cho ông năm trăm ngàn tiền nợ ông xé xác mày ra!

 - Năm trăm ngàn hả? Xé xác hả? Hắn chếnh choáng. Cái tấm giẻ rách lại lép nhép: Thằng Tư, cho tao thêm khúc dồi.

 - Mày móc tiền ra, mấy tao cũng cho mày chén.

 - Không hả? Đồ mặt choắt, đểu cáng. Năm trăm ngàn tiền nợ! Mày tưởng tao không nhớ ư? Một con chó tươi roi rói kéo về cho mày, mày bảo chó chết, bớt cả trăm ngàn. Tao xoáy được món nặng tay, tao uống cho đã, tao say, đưa một đĩa mày tính thành hai. Bao nhiêu lần rồi? Còn hơn năm trăm của mày.

 - Tên du đãng! Mày im mồm.

 - Hôm nay tao đến đấy không phải để nghe mày gọi tao du đãng (xưa nay người ta vẫn gọi tao thế) không phải đòi mày khúc dồi chó đâu. Tao cho mày cái tin tao có lệnh truy nã. Mày hiểu tao rồi chứ. Tao vay mày ba triệu bạc để tẩu.

 - Giấy vụn cũng không có cho mày.

 - Được lắm. Thì tao gửi mày cái này… Hắn lao tới, thân hình hắn to lớn như một con gấu đè lão thịt chó xuống nền nhà, một tay hắn nắm cổ áo, một tay rút con dao nhọn dí vào cổ lão thịt chó rồi rít lên: Tao cũng thành thạo cái nghề như mày giết chó để kiếm tiền.

 Con vàng nghe có điều gì không bình thường qua tiếng lèo nhèo, giật cục đầy hơi men của lão khách. Nó thận trọng từng bước tới gần bàn của lão ngồi. Nó nhìn thấy trong mắt của lão vằn lên những đường gân máu mỗi lúc mỗi tăng lên. Linh cảm cho nó biết sẽ có chuyện không hay. Mắt không rời lão khách, bốn chân nó hơi chụm lại trong tư thế lao về phía trước. Khi nó thấy lão khách vung con dao sáng loáng dí vào lão chủ quán, nhanh như chớp, không chệch một li, nó ngoặm vào cổ tay lão khách. Lão rú lên. Con dao nhọn rơi trên ngực lão chủ quán. Lão chủ quán không phải loại hèn. Lão bị bất ngờ, không kịp trở tay. Trong cuộc đời vay trả chốn anh chị lão đã chạm trạn nhiều tình thề hiểm nghèo, lão đều tìm được cách thoát thân. Lần này hiểm quá, chắc không qua nổi. Khi nghe tiếng rú bất thường của lão khách và con dao nhọn rơi trên ngực lão chủ quán, lão nhận ra chưa tới số, đã có cứu tinh xuất hiện. Nhân đà ngực áo được buông lỏng, lão tung một cú đạp hất đối thủ đang đè trên ngực lão. Lão khách vùng thoát chạy. Lão sợ cái lệnh truy nã.

 Lão Tư thịt chó không thèm đuổi theo. Lão ôm con vàng đốm bạc vào lòng mà rối rít: Ôi, mày hay quá! Mày cứu tao một bàn thua rõ mười mươi. Con vàng phủ phục trong đôi bàn tay vuốt ve của lão mà rên ư ử. Con vàng ngây ngất không phải được chủ khen. Nó vui mừng vì đã được chủ thừa nhận hành động của nó. Nó biết đã đến lúc ngẩng đầu ra đi mà không xấu hổ. mang tiếng.

 Nó tính toán kĩ. Đêm xuống, nó ngước mặt lên trời sủa mấy tiếng. Tiếng của nó vang rền, đĩnh đạc. Lão chủ dừng tay dọn dẹp quán quay qua hỏi nó: Gì đấy con? Nó tiến về phía lão chủ, liếm vào tay lão, đuôi vung vẩy như người ta tạm biệt. Rồi bất thần nó phóng nhanh ra cổng để mặc lão chủ ngơ ngác nhìn nó mất hút trong đêm. Nó giã từ rất đàng hoàng.

 Nó đem hết sức phóng qua các đường phố. Những ánh đèn hai bên đường lướt qua nó thành những vệt nhòe và lùi lại đàng sau. Nhưng vượt qua những chỗ hiểm không phải dễ. Bao nhiêu thứ đang rình rập nó: mồi của những tay săn chó… Nó dồn sức lên bốn chân. Bốn chân nó tựa như không dính đất, gió rít bên tai nó như có bão. Khéo léo, dẻo dai của bốn chân nó lúc này quyết định mạng sống của nó. Ròng rã suốt đêm nó đi qua không biết bao nhiêu chặng đường, đến những miền đất nào nó không nhớ nổi. Nó đã kiệt sức. Nó tìm một cái hốc dưới lùm cây rậm và thiếp đi.

 Mặt trời lên. Những tia nắng lọt qua kẻ lá lay lay trên thân thể nó làm cho nó tỉnh giấc. Từng bước nó thận trọng quan sát. Chung quanh nó vừa đồng vừa bãi hoang. Những lùm cây lúp xúp chen lẫn những bụi cỏ xanh biếc. Nó biết đây là nơi an toàn. Niềm vui trào dậy trong lòng nó. Vươn vai sủa lên mấy tiếng báo hiệu cuộc đời tự do nơi hoang vắng. Ngày ngày nó rong ruổi đó đây. Có lẽ trong đời nó chưa bao giờ được thỏa thích như thế. Nó ngước nhìn trời xanh lộng gió. Những đám mầy trắng trôi nhẹ về phía chân trời xa. Nó không còn sợ bị truy đuổi, không còn quanh quẩn trong bốn bức tường, không còn nghe những lời hăm dọa, bây giờ là một bầu trời tự do. Nó tha hồ giẫm chân xuống con suối nhỏ lùa mấy chú cá con khiến chúng bơi vào hốc đá... Nó đớp con chuồn chuồn, chạy thi với bóng mây… Nhưng cũng chẳng được bao lâu những trò chơi ấy bỗng chốc thành vô vị, nỗi cô đơn xuất hiện. Nó buồn chán. Nó không còn hăm hở lắng nghe dòng nước róc rách êm tai hay ngắm một bông hoa bên bờ. Nó sinh ra, cả giống nòi nó sinh ra không phải để rong chơi nơi hoang vắng, để hù dọa con chim non dại, xua con bướm vờn hoa, bâng quơ sủa bóng trăng lên. Nó không phải diều hâu, không phải sư tử, cũng không phải con nai, nó là loài chó. Loài chó không con vật nào thay thế công việc giữ nhà cho người. Với lại nó không làm công việc ấy thì đâu có sự vì nể của các loài. Từ hàng vạn năm trước, tổ tông nó với tổ tông loài người đã biết tìm gặp nhau khi trời đất còn hoang sơ. Con người giao kết tin yêu, chăm sóc nuôi nấng chó, bảo vệ chó trước loài hung dữ bằng đôi tay vẫy gọi. Để đáp lại, chó bước vào túp lều cỏ của người kí vào bản giao kèo mà đức tính trung thành vì nhau được đặt lên hàng đầu. Người có chó không chăm sóc chó tử tế thì không ra người. Chó không vì người, không hết lòng vì người chó không ra chó. Cam kết không có giấy trắng mực đen. Nó được thực thi qua cách ăn ở, cư xử từ đời này qua đời khác. Giao kết không có bồi thường nhưng trừng phạt nặng lắm: Người không thương yêu chó là kẻ ác, chó không ở với người đấy là chó hoang, chó dại. Những con chó chính thống không thể chịu nổi khi bị khinh miệt như thế. Tự do nơi đồng hoang bãi vắng lại là phạm vào giao kết của tổ tiên nó để lại. Nó phải tìm về với người, ở với người. Về với ai? Quay lại ông chủ mặt đầy hay lão thịt chó ư? Sống với loại ấy không sủa được tiếng sủa của chó. Chỉ bị hành hạ và giết thịt. Nó mới nghĩ như thế mà chân nó run lên, tim đập dồn dập. Nó luyến tiếc khi nhớ đến thuở ban đầu mẹ con bên nhau, khi mà bầu sữa mẹ vơi là mẹ đứng ngồi không yên, khi no nê thì mẹ con đùa giỡn bên nhau. Và con người lúc bấy giờ dù ăn củ khoai cũng không quên phần mẹ con nó.

 Giằng xé trong lòng nó mãi giữa vui và buồn, giữa tới và lui, giữa chốn hoang vu với nỗi cô đơn, cùng những chuỗi ngày cay đắng rồi thì tiếng vọng sâu xa nhất thiêng liêng trong lòng nó cũng vang lên: Phải có người! Nhất thiết cuộc sống của nó phải ở bên người. Đấy mới là chó. Nó rời bỏ nơi bãi hoang.

 Một buổi chiều, nó đứng sau một mô đất thấp, nó nhìn một người chưa phải đã già trên một con đập đang quay tời hạ một cánh cửa ngăn nước từ một bờ sông lớn vào con lạch nhỏ. Ông ta cúi xuống cẩn thận xem tấm cửa đã sát tận đáy mới cài chốt. Ông thong thả đi vào túp lều lá trên đập. Ông đốt điếu thuốc, nhả khói, nhìn chân trời ửng hồng, nhìn bóng mây vờn bóng núi đổ xuống dòng sông trong xanh với mấy con đò buông mái chèo xuôi ngược.

 Ông sống một mình. Không phải ông cô độc. Công việc của ông là theo con nước lên xuống để đóng mở cống cho vào ruộng nuôi cá của làng phía trong kia. Cánh trai trẻ không nhận. Chúng đang tuổi ăn tuổi ngủ. Mà con nước vơi đầy ngày hai bận cứ nhích dần từ ngày đến đêm. Người coi cống không giờ giấc. Ruộng cá cần nước thì chờ nước lên mở cống, cần thay nước thì đợi nước xuống, không nhịp nhàng không được. Công việc ấy không nặng nhọc nhưng người ít ngủ, chăm chỉ, biết thương con cá, biết quý giọt mồ hôi, đồng tiền của bà con làng xóm bỏ ra mới đảm trách chu đáo.

 Con vàng nhận ra, người mà một mình chăm chỉ, lo toan thấu đáo công việc với nhiều người, thong thả nhâm nhi bát nước chè hay điếu thuốc lá, ưa thích ngắm nhìn cảnh vật trời đất sông nước hạng người ấy tốt bụng. Nó nghĩ như nó không tham khúc xương, miếng thịt để mắc bẫy, không nghe ai ton hót phỉnh phờ mà quên việc canh cửa, không chó ỷ thế nhà mà lấn hiếp đồng loại. Nó quyết định nhẹ nhàng bước về phía ông gác cổng. Nó sủa khe khẽ để đánh tiếng. Cái đuôi nó vẫy vẫy chào hỏi để làm thân. Ông gác cổng không ngạc nhiên lắm. Ông vốn yêu loài vật. Con trâu đi sai đường cày ông cũng không bao giờ vung roi. Con mèo làm vỡ cái ấm ông cũng không hề đánh mắng. Bầy chim sà xuống trước nhà, con cò con diệc bãi sông đồng ruộng ông cũng không nghĩ đến chuyện đánh bẫy, đơm mồi. Ông đón con vàng đốm bạc bằng câu:

 - Mày mất chủ hả? Ở đây với tao cho thêm bạn thêm bè.

 Bao ngày trên đồng hoang bãi vắng, đêm đầu tiên nó cuộn tròn trên nền đất nhưng nó khoan khoái hít thở được cái hơi người. Cái hơi thân quen có từ trong dòng máu ngay khi mới lọt lòng mẹ. Nó không nồng nồng như mùi bùn của loài trâu, không hăng hắc của loài ngựa, không khét cháy của loài khỉ, không có mùi ẩm mốc của đất, chút tanh tanh giun dế. Mà mùi của trời đất gộp lại. Có nắng, có gió, có mưa, có sấm chớp, có vị mằm mặn của muối, ngòn ngọt của hoa thơm… Cái mùi không thể con vật nào có được. Cũng từ cái mùi ấy con vật nào cũng không dám chống lại; con vật nào quen dần cũng mến người, thấy người là chốn trú ngụ an thân nhất. Từng lá phổi nó giãn nở ra, hít thật sâu, thật đều theo từng nhịp thở mà không biết chán. Nó thao thức không chợp mắt. Nó tận hưởng cái cảm giác mà bao ngày qua nó thiếu. Mãi ngây ngất với hơi người, bất chợt nó ngửi thấy mùi lạ, mùi xác chết và cống rãnh. Nó dỏng tai. Cánh mũi nó phập phồng. Mấy sợi ria mép khẽ rung rung… Nó chồm lên vồ lấy con vật. Do tư thế nằm bất động nó vồ hụt. Con vật hốt hoảng chít chít lên mấy tiếng, tháo chạy. Ông gác cổng nằm trên chõng tre, trở mình nói:

 - Mày bắt chuột đấy hả! Tao khổ vì chúng nó. Nồi cơm để sáng nó cũng lục. Hũ gạo, bao khoai nó cũng cạy phá cả đêm, không sao ngủ được.

 Con vàng khẽ vẫy đuôi để đáp lời của ông.

 Nó thiếp đi lúc nào không hay. Tiếng gà gáy trong làng vọng tới đánh thức nó dậy. Nó vặn mình, vươn vai đi ra phía bờ đập cao, nhìn về dòng sông nơi có vùng sáng lan tỏa trước khi mặt trời nhô lên. Nó hít thật sâu không khí trong lành của buổi sáng mát mẻ. Nó thon bụng lại, phía ức căng lên, bốn chân nó như muốn lao về phía trước, đầu ngẩng cao, nó sủa lên mấy tiếng. Tiếng của nó vang động làm cho mấy con chim lười trong các lùm cây giật mình, bay lên. Con còng con cua ở bãi sông cũng giơ càng hươ hươ như múa. Lũ cò đi ăn sớm nhớn cổ ngơ ngác lắng nghe, nghe tiếng sủa của con vàng đốm bạc.

Trần Thúc Hà.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 255)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 322)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 326)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 537)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 522)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 379)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 805)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 661)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 800)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 708)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21729)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,