TRU SA - Đôi mắt màu xanh dương.

27 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 7871)
TRU SA - Đôi mắt màu xanh dương.

 

 Khuya lắm rồi. Gió hắt nhẹ từng cơn. Mảnh bán nguyệt mắc chơi vơi giữa trời. Ánh trăng chỉ mờ mờ và lẫn vào thứ màu vàng vọt của đèn cao áp. Mấy ngôi sao đang nhỏ dần lại, tản chậm về phương xa. Mây đen dày lên, rồi lại tản đi. Cánh cửa sổ mở he hé, tôi ngửi thấy mùi hoa sữa đang lan tỏa. Mùi hương nhẹ, và nương mình vào làn gió. Lâu lâu lại có tiếng cút kít của xích lô. Gió thổi vài cơn rồi lịm hẳn.

 Tôi tắt đèn, nằm trên giường hồi lâu. Trở mình vài cái, tôi ngồi dậy và mở lại ngọn đèn bàn. Sáng mai sẽ có một cuộc họp khẩn toàn cơ quan. Ghế ngồi của tôi sẽ cao thêm một cấp. Kết quả có sẵn từ trước nhưng tôi cũng nên ngủ lấy sức.

 Tôi mở ngăn kéo, lấy vài viên thuốc ngủ.

 Không thấy lọ thuốc nào trong tủ nhưng tôi tìm được một tấm ảnh chụp thời còn đi học. Ảnh bế giảng lớp mười một. Cũ, mép quăn và xước nhiều nhưng còn rất rõ. Mọi thành viên trong lớp đều có mặt. Mất vài phút tôi mới tìm thấy mình trong hàng người. Lật sau ảnh, tôi bắt gặp một dòng viết bằng mực đỏ.

 “Moon…của tôi.”

 Những dư ảnh mất từ lâu hiện lại. Các mẫu ảnh nhạt nhòa rõ dần dần. Nhiều phần đã hoen mờ tới mức chỉ còn một vết trắng cũng trở nên sáng rõ như được phục chế. Khi không nhớ được một phân đoạn tôi cảm thấy hụt hẫng. “Nhật ký, hồi đó mình có viết nhật ký.” Nghĩ thế trong đầu, tôi ngồi khỏi giường. Tôi tìm quanh nhà, những chiếc áo len, quần dạ và chăn bông cũng bị lục ra. Phải khá lâu tôi mới tìm thấy cuốn nhật ký. Nó nằm trong rương, bụi đóng thành nhiều lớp dày. Quyển nhật ký thời trung học. Đây là cuốn nhật ký duy nhất của tôi. Chiếc chìa khóa con con được buộc vào một sợi dây mảnh, gắn liền với nhật ký. Tôi tra chìa khóa vào và lay nhẹ. Phần lẫy bảo vệ bọc quanh quyển sổ bật ra. Đôi chỗ trên sổ đã bị mọt ăn nhưng thật may chỉ ở phần rìa trang giấy. Tôi vẫn còn thấy rõ các hình vẽ nguệch ngoạc cùng những dòng viết bằng loại bút dạ nước màu xanh.

 Tôi giở từng trang ra và dừng lại ở giữa cuốn sổ.

 Hôm nay lớp tôi có một học sinh mới chuyển đến. Cô nàng tên Moon.

 “Cũng lâu rồi…”– Tôi lẩm bẩm. Những trang tiếp theo của cuốn nhật ký lần lượt mở ra.

*

 Lớp mười, tôi học ở xa và có nhiều bạn mới. Vì lý do xa nhà nên cha đã gửi tôi lên ở cùng ông bác. Điều đó sẽ thuận tiện hơn trong việc đi lại vì trường học cách nhà bác tôi khoảng ba cây. Tôi sẽ vẫn phải đạp xe tới trường nhưng mất ít thời gian hơn. Trường trung học X nằm xa khỏi thành phố. Tất nhiên vẫn chưa phải ở ngoại ô, đi thêm một đoạn xa nữa mới tới ngoại ô. Đây không phải trường điểm, rõ ràng là thế vì nó không nằm ở trung tâm thành phố. Khá đông học sinh thi trái tuyến, nhưng đừng nghĩ vì vậy mà sẽ có chuyện quản lý lỏng lẻo và phần nào đồng lõa với những cuộc đấm đá sau sân trường. “Đây là một trường nề nếp và kỷ luật…” – Trong ngày khai giảng đầu năm thầy hiệu trưởng đã nói vậy và mọi học sinh đều phải thuộc lòng.

 Buổi học đầu tiên, chúng tôi được xếp lớp và gặp cô giáo chủ nhiệm. Sau khi giới thiệu và sắp xếp các chức vụ cho từng học sinh cô chủ nhiệm đã nói với tôi về những nội quy. Chúng tôi phải lấy giấy ghi lại từng dòng nội quy. Mỗi chúng tôi phải luôn giữ nó trong cặp vì cô chủ nhiệm sẽ luôn kiểm tra. Bản nội quy cất trong cặp này quan trọng với chúng tôi như giấy tờ tùy thân vậy.

 Không phải vướng víu với chiếc khăn quàng trên cổ sẽ tiện hơn trong những cuộc sinh hoạt ngoài giờ nhưng mỗi chúng tôi phải đeo huy hiệu đoàn. Điều này đã thành quy tắc ở bất cứ ngôi trường cấp ba nào trong thành phố. Vào đầu tuần, trong buổi khai giảng hiệu trưởng lên phát biểu, tổng quát về một tuần học. Cô giáo chủ nhiệm đứng hàng đầu, đi qua chỗ chúng tôi để kiểm tra xem ai vắng mặt. Có lẽ phải nói rõ hơn, tôi đã học được vài tháng, dù chưa thật rõ về bạn cùng lớp hay các cô giáo ở bộ môn nhưng mọi thứ không còn quá xa lạ. Cô chủ nhiệm đều nhớ rõ từng người trong lớp, ít nhất là ở gương mặt. Vào mọi ngày, tất cả học sinh đều phải mặc đồng phục trường, huy hiệu đeo trước ngực, không ai trong ngôi trường này, kể cả những giáo viên dám bỏ áo ngoài quần, đi bốt hay dép xỏ ngón, bởi như vậy đã phạm tới những khoản cấm trong nội quy nhà trường. Lớp tôi có không ít người vào một ngày đã mặc chiếc áo màu mè, cổ không đóng kín cúc mà mở banh ra, nữ thì mặc váy ngắn và trang điểm rất đậm. Việc đó quá lộ liễu và cũng rất mau thôi thầy giám thị đã có mặt và đưa họ tới phòng hội đồng để lập kiểm điểm.

 Hầu hết các lớp vào giờ học đều rất yên ắng. Không một tiếng động nào có thể chen vào bài giảng. Nếu chúng tôi có mang thứ gì đó, không phục vụ cho giờ học hay gửi thư cho nhau, thậm chí cười vang lên vì một trò tếu táo của một học sinh…Lập tức sẽ bị gọi lên phòng giáo viên, một án phạt đang đợi để thi hành.

 Những nội quy của nhà trường đều không thể sai lệch, nó tốt cho chúng tôi và vì thế nó không thể xâm phạm.

*

 “Em nghĩ chúng ta nên tổ chức mừng sinh nhật bạn ấy, vào tiết sinh hoạt lớp.” – Lớp trưởng nói với cô chủ nhiệm.

 “Một ý tưởng hay. Em định tổ chức thế nào.”

 “Em muốn cả lớp góp tiền mua bánh gatô, rồi bày tiết mục gì đấy vui vui.”

 “Không cần đâu.” – Cô chủ nhiệm vẫn giữ nét nghiêm nghị “Quy định nhà trường không cho phép. Một lời chúc mừng là đủ rồi.”

 Buổi sinh nhật hôm đấy diễn ra như những gì cô chủ nhiệm đã nói. Người bạn đó chỉ nhận được vài câu chúc. Không có chuyện liên hoan nào sau đó, những cái vỗ tay chúc mừng cũng không xảy ra vì trong bản nội quy được dán ở tường lớp có một điều khoản là “Không được làm ồn trong tiết học.” Ngay sau đó cô chủ nhiệm hẵng giọng và nói về thành tích điểm của lớp, những ai có tên trong sổ ghi đầu bài trong tuần qua.

 Mọi việc liên quan tới lớp, tới trường xong xuôi và dư ra 15 phút. Một cuộc trò chuyện rôm rả hay một tiết mục góp vui sẽ khiến lớp học đầm ấm và gắn bó hơn. Tôi tin những người trong lớp cũng cùng ý nghĩ này. Tôi mở câu chuyện của mình trước để khơi mào cho một chuỗi các mẩu chuyện khác. Lời nhắc nhở và cái nhìn nghiêm nghị quen thuộc của cô chủ nhiệm đã đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Phòng học im ắng và cả lớp, bao gồm cả cô chủ nhiệm đều ngồi thẳng người, tay để lên bàn, chờ đợi tiếng trống báo hết giờ. Không có thêm tiếng ồn nào. Không gian vắng vẻ tới mức tôi có thể nghe rõ tiếng tim đập gấp gáp.

 Trường X đã rất lâu chưa tu sửa và bắt đầu có tình trạng hỏng hóc. Bờ tường nứt ra từng mảng lớn, không ít bộ bàn ghế hỏng chân hoặc thì mặt bàn xây xước và lem nhem những vết mực, có đôi chỗ mọt đã ăn thành lỗ thủng. Chiếc bảng đen rộng cũng có nhiều vết xước và điều này luôn trở ngại mỗi khi có học sinh được gọi lên bảng. Những vết nứt khiến các chữ viết rời ra. Quạt trần lâu rồi chưa được thay. Nó vẫn chạy tốt nhưng lớp rỉ sét nơi cánh quạt và phần chân bám vào trần lúc nào cũng lung lay lại luôn gài vào óc tôi một nỗi sợ. Chúng tôi truy bài trong im lặng, trả bài trong im lặng, thậm chí vào những ngày lễ long trọng do trường tổ chức, mọi thứ cũng không được quá ầm ĩ.

 Sân trường vào những giờ chuyển tiết cũng hiếm khi quá ồn ào. Lớp tôi ở tầng ba, tầng cao nhất có thể nhìn thấy toàn sân trường. Tôi ra hành lang để hóng mát. Thầy giám thị thường qua lại ở hành lang, công việc của thầy là kiểm tra đồng phục và quan sát các hoạt động của học sinh từ một phía không ai thấy. Cũng như chúng tôi, thầy giám thị luôn mặc áo đóng cúc kín cổ. Thay vì huy hiệu đoàn, thầy đeo trước ngực một tấm thẻ chữ nhật. Trên đấy ghi họ tên, chức vị và dưới cùng là tên ngôi trường cổ kính này.

 Hầu hết những học sinh chạy nhảy dưới sân, thỉnh thoảng lại hét toáng lên đều là học sinh mới nhập trường. Bây giờ tôi đã là học sinh cũ nhưng ngày trước tôi cũng như bọn họ, luôn muốn chạy nhảy và nói lớn để ai cũng biết mình đang rất vui. Sẽ sớm thôi, lớp đàn em sẽ phải nhớ ra mình đã qua thời trẻ con, và đây cũng không phải công viên hay rạp xiếc. Ngôi trường này có truyền thống lâu đời về sự nề nếp. Những điều răn trên bản nội quy sẽ giúp đám học sinh mới hiểu rõ hơn. Sẽ không có chuyện ăn mặc sai đồng phục, bỏ bê việc đeo huy hiệu đoàn, đùa cợt trong giờ chào cờ, cười nói quá lớn trong giờ học...Tất cả những điều ngông nghênh đó sẽ phải chấm dứt, ít nhất là tại ngôi trường này. Tôi biết sẽ chẳng dễ dàng gì với những học sinh cấp dưới. Điều này khác xa với việc từ miền biển chuyển lên phố hay cai sữa bằng dầu dấm. Chúng sẽ phải vất vả để thích nghi. Cô chủ nhiệm sẽ nhắc chúng về nội quy hoặc không thì thầy giám thị, sao đỏ hay chính chúng tôi, những bậc đàn anh sẽ phải dạy cho chúng rõ.

 Quãng đã lâu, trường tôi có một vụ bê bối. Một nhóm học sinh đã uống thuốc độc tự tử ở nhà kho. Đây là một cuộc tự tử tập thể. Cô chủ nhiệm cũng từng nói với chúng tôi về vụ việc này.

 - Đó là một vết nhơ lớn của trường. Cả một thời gian dài trường ta đã gặp nhiều phiền phức.

 Không ai trong lớp hỏi gì. Cô chủ nhiệm không tỏ gì là buồn phiền hay bực bội, gương mặt cô vẫn giữ được sự nghiêm nghị thường ngày. Sau đó cô chủ nhiệm đã đọc những nội quy của trường lên và với một câu thẳng băng cô nói về sự ngỗ ngược của nhóm người đó. Rằng họ đã quên mất những nội quy, rằng việc làm của họ đã làm vấy bẩn nội quy và khiến thầy hiệu trưởng phải mất mặt.

 - Các em phải nhớ nội quy của trường đã có từ lâu, nó tốt cho chúng ta. Nhóm học sinh đó đã không ghi nhớ những điều này, họ không có đức tin và không ai cứu họ được.

 Với những gì tôi nghe thuật lại, vào một lần khác ở một lớp tầng dưới khi tôi giặt khăn lau bảng thì người phụ trách cao nhất ở ngôi trường đã không quá sắt đá với nhóm người tự tử đó. Thầy hiệu trưởng và chủ nhiệm của các lớp (Nhóm người đó học những lớp khác nhau.) có tới viếng. Sau khi đặt vòng hoa trước mộ, thầy hiệu trưởng đã lấy ra vài tờ giấy. Đó là những bản sao chép nội quy của trường. Bản nội quy chép tay, nét chữ ấn mạnh như muốn xuyên thủng trang giấy. Thầy hiệu trưởng đến từng ngôi mộ. Mỗi mộ đốt một tờ. 

 Sang học kỳ hai thì Moon chuyển tới lớp tôi. Tôi vẫn còn nhớ rõ hôm đó. Trong buổi truy bài đầu giờ chiều (lớp tôi thường học xen kẽ một buổi sáng, một buổi chiều) cô chủ nhiệm dẫn theo một học sinh mới để chúng tôi làm quen.

 - Đây là Moon.

 Cô giáo chủ nhiệm giới thiệu. Đáng lẽ sẽ như những lần nhập học trước, chúng tôi chỉ im lặng và chờ cô chủ nhiệm xếp chỗ ngồi nhưng sự có mặt của Moon đã làm đảo lộn tất cả. Moon là một người ngoại quốc. Gương mặt Moon bầu bĩnh, đôi môi nhỏ nhắn, phơn phớt chút sắc hồng, làn da trắng, có chút mũm mĩm và non nớt đó dễ làm người ta liên tưởng tới một đứa trẻ. Cô bạn không quá xinh đẹp và tôi không muốn bàn luận quá nhiều vì nó đã nằm ngoài câu chuyện. Điều khiến chúng tôi sửng sốt nằm ở đôi mắt tròn mang màu xanh dương kia. Màu xanh ở đôi mắt Moon khác hẳn với những màu xanh thông thường mà tôi có dịp nhìn thấy, dù là ngoài đời thực hay phim ảnh. Nó trong sáng và không chút gợn đục. Màu xanh trên đôi mắt nếu đậm thêm nữa sẽ sâu lắng như lòng Đại Dương và nếu chỉ nhạt đi một chút thôi sẽ dịu nhẹ như bầu trời. Đôi mắt Moon nằm ở lưng chừng, tôi không biết phải so sánh thế nào nhưng khi nhìn vào cặp mắt đó thì trong đầu tôi luôn hiện ra một miền biển xanh thẳm và trên đó là bầu trời dịu dàng, không chút sắc nắng cũng chẳng có gợn mây nào, nó mang một màu xanh nguyên thủy. 

 Lớp chúng tôi đều xôn xao vì Moon. Nói, rồi cười, có cả trêu đùa. Một vài đứa còn mượn gương lược cô bạn cùng bàn để chải chuốt lại. Các câu hỏi được đặt vào Moon, về địa chỉ, về quốc tịch...Đấy chỉ là cái cớ để được nhìn ngắm cặp mắt Moon lâu hơn.

 Việc lớp quá hỗn loạn đã khiến cô chủ nhiệm phải nhắc nhở. Mọi tiếng động chỉ ngưng lại khi lời nói đó hẵng cao lên thành một câu cảnh giới nghiêm khắc.

 - Em Moon, em là học sinh mới nên chưa biết về nội quy ở trường ta, nhưng cô xin nhắc với em rằng hôm nay em đã mặc sai đồng phục rồi. Ra chơi cô sẽ dẫn em đi đăng ký mua đồng phục trường. Ở góc lớp có dán nội quy của trường, lát nữa em hãy lên chép. Phải nhớ luôn mang nó bên mình.

 Moon nói “Vâng, em biết.”

 Moon nói tiếng Việt rất sõi, kể cả những câu nói lái cô ấy đều nắm rõ. Không khí của ngôi trường bớt nghiêm ngặt đi và tôi thấy việc hít thở dễ dàng hơn. Moon mang trong người hai dòng máu. Là con chim Lạc trong xứ sương mù. Nàng chim này không thích đồng hồ Big Ben, và muốn rẽ sương để tung cánh trên đất Văn Lang. Nụ cười của Moon tươi tắn và đấy cũng nụ cười duy nhất tôi thấy trong ngần ấy năm học ở trường.

 - Bạn nên tháo cúc áo cổ ra và đừng búi tóc cao mà hãy để duỗi ra.

 Moon nói với một cô bạn ở lớp. Cô bạn đấy nghe theo. Các bạn khác cũng làm như vậy. Tôi không nghĩ Moon có khiếu về ăn mặc nhưng rõ ràng cách ăn mặc đó trông sẽ bớt già dặn và hợp với lứa tuổi đang trưởng thành này hơn. Moon không theo nội quy về cách ăn mặc và dường như những ngày sau đó cô ấy còn đi ngược với mọi điều cấm. Cúc cổ cô ấy không đóng, để lộ ra chiếc cổ nhỏ nhắn với cái nốt ruồi bé xíu như hạt nho nằm chếch dưới yết hầu. Moon còn bá vai nhiều đứa con trai trong lớp. Tôi muốn đến gần Moon, và hôn lên môi, nhưng không dám. Nhiều buổi làm bài trên lớp khi chúng tôi còn đang vắt óc với những câu hỏi thì Moon chợt đứng phắt dậy và nói “Ngột quá đi!” Và cô ấy đứng dậy, ra thẳng ngoài hành lang.

 Cánh cửa ra vào luôn được đóng mỗi khi giờ học bắt đầu. Giữa hè hay chuyển đông nó vẫn đóng và Moon mở nó ra, thế thôi.

 Moon đứng ngoài hành lang, ngửa cổ lên và hít một hơi sâu. Mái tóc mang màu hạt dẻ buông xuống. Mớ tóc mềm chảy như một dòng suối.

*

 Đã năm lần Moon bị gọi lên phòng hội đồng. Không ai trong chúng tôi giúp được Moon. Cô chủ nhiệm luôn mặc đúng đồng phục giáo viên, và cô luôn là một trong số ít những gương mặt ưu tú của nhà trường, ấy vậy mà người cô mẫu mực đó đã không ít lần bị Moon làm bẽ bàng.

 - Bộ trang phục quá kín đáo, kiểu tóc búi sau đã lỗi thời và cả gương mặt luôn nghiêm trang này nữa, nó đang biến cô thành một bà lão đấy. – Moon nói vậy và chúng tôi thì chỉ im lặng.

 Nhiều anh chàng lớp mười hai đã viết thư cho Moon. Không ngày nào là lớp tôi thiếu những bức thư lạ. Mọi chuyện chỉ dừng lại khi một bức thư lọt vào tay thầy giám thị. Hôm chào cờ, thầy giám thị có lên phát biểu về việc viết thư tình trong trường. Ông ta đứng ngay trên sân khấu, gọi chủ nhân của từng bức thư lên rồi lấy từng lá thư ra, xé bỏ. Chuyện thư từ trao tay chấm dứt sau hôm đó.

 Tôi thích Moon và si mê đôi mắt nàng. Có thể gọi đây là tình yêu không nhỉ. Không chắc nữa. Tôi nghĩ đây là sự rung cảm đầu tiên từ lúc dậy thì của tôi. Không ít lần tôi đã định viết thư cho Moon, hoặc viện lý do về bài tập để được ngồi gần Moon. Tôi sẽ nhìn thật lâu vào cặp mắt đó. Tôi lên kế hoạch rất nhiều lần, thậm chí việc bị cô giáo trách phạt vì trong giờ học không chú ý cũng không khiến tôi quên đi điều đó. Tôi luôn tưởng tượng lúc được ngồi cạnh Moon và thoải mái nhìn vào thứ màu xanh trong trẻo đó. Luồng suy nghĩ về điều giả định đó đã ở bên tôi, trong cả những giấc mơ. Moon ngồi cuối lớp, vì lợi thế về chiều cao. Cô ấy ngồi một mình và đó là sự sắp xếp cuối cùng của cô chủ nhiệm. Trong giờ, tôi thường quay xuống bàn dưới mượn bút hay thước kẻ. Đó chỉ là cái cớ để có thể thuận lợi nhìn xuống chỗ Moon. Đáng ra tôi muốn ánh mắt mình ngừng mãi như vậy nhưng việc quay xuống quá lâu đã không còn là chuyện mượn đồ dùng nữa mà đã là nói chuyện riêng, và như vậy thì đã vi phạm vào một điều cấm đoán trong nội quy nhà trường.

*

 Lớp tôi được giao nhiệm vụ chấm sao đỏ. Đây là công việc luân phiên theo từng tuần và mỗi khối đều không thể trốn tránh. Hôm nay tới tổ tôi. Moon và tôi là hai người đại diện. Đây sẽ là là một dịp may vì tôi sẽ có cơ hội bắt chuyện với cô bạn cùng lớp đáng yêu này.

 Đeo chiếc băng đỏ trên vai, tôi thấy có phần tự tin hơn. Trong lớp tôi là một học sinh bình thường, học lực không đáng bàn và chức vụ thì chưa bao giờ có tên trong danh sách dự bị. Gần như cả năm lớp mười tôi bị bỏ quên. Cô chủ nhiệm và các thầy trong bộ môn chẳng bao giờ có lời khen về tôi dù tôi luôn cố gắng hết mức, chí ít là trong việc trung thành với những nội quy. Lý do tôi được phân chấm sao đỏ chẳng qua cũng vì tổ trưởng và tổ phó phải họp về vấn đề xếp điểm hạnh kiểm. Moon là người luôn làm trái với nội quy nhưng thành tích của cô ấy rất tốt và tất nhiên tấm băng sao đỏ với trọng trách trên đó sẽ dễ dàng tới tay Moon.

 Tôi chỉnh lại áo xống cho gọn gàng, gương mặt tôi và mọi học sinh luôn có nét già dặn, nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ. Tôi ưỡn thẳng người, tay nắm lại và gương mặt tỏ ra nghiêm nghị như các thầy cô trong trường.

 - Cậu căng thẳng quá đấy.

 Moon nói và tôi quay sang, nhận ra cô ấy đang mỉm cười. Tôi và cô ấy đứng ở hai bên cánh cửa, khoảng cách khá gần và tôi có thể nhìn vào đôi mắt đó thật lâu.

 Việc Moon là con lai đã là điều khác biệt. Cả thời thơ ấu Moon sống bên nước ngoài. Sự bất đồng văn hóa phải có, nhưng ở Moon tôi thấy bất kì sự ngăn cách nào. Việt ngữ chuẩn xác không quan trọng nhưng ánh nhìn đó, tôi thấy một nét trìu mến và rất gần gũi. Đôi mắt Moon khá to và tròn, còn thứ màu xanh chứa trong đó thì như sự tinh lọc kết hợp giữa bầu trời và đại dương. Chỉ khác, miền biển này không có sóng dữ, bầu trời cũng chẳng có mây đen, sấm sét hay mưa giông. Có vẻ như Chúa trời đã quá ưu ái khi dành thật lâu thời gian để lọc ra những phần sạch sẽ, nguyên thủy nhất của trời và biển, để rồi sáng tạo thành đôi mắt Moon

 Tôi thấy mình như bị cuốn vào đôi mắt đó. Thứ màu trong xanh đó đang ôm trọn lấy tôi và tôi thấy cơ thể mình nhẹ bẫng. Bàn tay, đôi chân thậm chí cả cái đầu của tôi cũng tan nhỏ vào cái màu xanh đó.

 - Cậu nhìn gì mà chăm chú vậy.

 Tôi khẽ giật mình. Moon vẫn nhìn tôi. Cô ấy vỗ má tôi. Bàn tay mềm, và rất ấm. Quyển vở ghi tuột dần dần và nếu tôi không nắm chặt lại thì nó sẽ rơi xuống đất. Tôi gạt tay Moon, nhìn ra ngoài cổng. “Muốn hôn tớ không?” – Moon nói, rồi khẽ cười. Tôi lắc đầu và nhìn ra xem có ai đi muộn không. Tôi chợt thấy nóng mặt. Từ lúc đấy tôi không bắt chuyện với Moon nữa.

 - Thả lỏng người đi. – Moon nói.

 - Đang chấm sao đỏ đấy. – Tôi nói.

 Ở phía cánh cổng đã đóng lại, tôi thấy bóng một học sinh. Cậu ta đang loay hoay đẩy cổng. Tôi và Moon tới gần, mở chiếc chốt cổng và theo đúng bài bản, tôi lấy vở ra và hỏi họ tên và địa chỉ lớp. Dáng đi khập khiễng với một chân lết phía sau và ống quần rách bươm, lộ hẳn phần thịt đã rướm máu đã mách bảo tôi rằng cậu bạn đã gặp sự cố trên đường.

 - Nào. Tên cậu là gì? Lớp nào?

 - Thôi đi – Moon chặn lời – Chân cậu ấy bị đau.

 Tôi nhìn cậu bạn đi muộn thêm một lần nữa. Vết thương ở chân cậu ta đã ăn sâu vào thịt chứ không chỉ ở mức trầy xước ngoài da nữa. Tôi gấp vở.

 - Nguyễn Văn Tuân, lớp 11C, ghi vào đi.- Cậu bạn đó nói.

 Tôi bảo cậu ta hãy lên lớp, đây chỉ là một rủi ro.

 - Ghi vào đi, tên tớ là Nguyễn Văn Tuân, lớp 11C, ở tầng hai, dãy nhà B.

 Cậu bạn lặp lại và nhìn tôi. Ánh mắt mang vẻ quở trách của cậu ta đã nhắc cho tôi rõ hơn về nhiệm vụ sao đỏ của mình. Tôi giở vở ra và bắt đầu ghi. Cậu bạn kia chậm chạp đi vào trường. Dáng đi cậu ta vẫn tập tễnh, mỗi bước chân đều rất nặng nhọc.

 - Cậu có thể làm thế ư. – Moon nói.

 Tôi im lặng, cây bút trên tay vẫn chuyển động. Sau khi tên, lớp người đi muộn có đủ trong cuốn vở tôi nói :

 - Cậu ấy rất rõ nội quy. Cậu cũng biết mà, sẽ không hay ho gì nếu thầy giám thị biết được. Chúng ta sẽ bị quở trách vì vô trách nhiệm. Cô chủ nhiệm cũng sẽ phê bình và đánh tụt hạnh kiểm.

 Moon nhíu mày, màu xanh trong đôi mắt lăn tăn những gợn sóng nhỏ. Thứ màu xanh tinh khiết lễnh loãng đi đôi chút, và chỉ vài giây sau nó lại lắng xuống. Màu xanh thuần khiết lại trở lại.

 Moon quay đi. Tôi gọi lại.

 - Còn mười phút nữa mới vào tiết. Nhiệm vụ sao đỏ vẫn còn…

 Moon gỡ băng sao đỏ và ném về phía tôi. Tôi bắt lấy.

 Moon đi khỏi. Tôi không gọi lại.

*

 Bản nội quy của nhà trường dán ở mọi nơi. Chúng luôn cảnh tỉnh những giáo viên và học sinh phải thật thận trọng. Giáo viên thì chắc rồi vì họ là những người có chức trách, về giảng dạy và quyền hành thì lớn hơn đám học sinh chúng tôi. Cô chủ nhiệm, thầy dạy toán, cô dạy văn, thậm chí là thầy thể dục đều chưa bao giờ làm trái với những nội quy. Tôi phải nhắc rõ hơn là môn thể dục học ngoài trời nhưng không phải vì vậy mà có thể la ó, nhảy nhót như loài chim sáo. Chúng tôi xếp theo hàng, ngay ngắn, tập đúng động tác và nghỉ giải lao thì có thể tụ tập lại nhưng không bao giờ được gây ra những tiếng ồn không cần thiết. Việc hô hào, cổ vũ trong một bài kiểm tra về chạy bền, bật xa cũng không được phép vì thế cũng là một sự vi phạm gián tiếp những khoản cấm kỵ trong nội quy nhà trường.

 Moon đã năm lần bị phê bình trước lớp và hai lần bị gọi lên phòng hội đồng vì vi phạm nội quy. Thời gian gần đây sự chống đối của Moon càng rõ hơn khi cô ấy ngang nhiên xé các tờ nội quy, vò nát rồi ném vào sọt rác. Trong khi chúng tôi luôn chấp hành nghiêm túc kỉ luật thì cô ấy lại quên mất điều đó. Lớp trưởng thường có lời khuyên bảo nhưng Moon luôn bỏ ngoài tai. Với một cô gái bướng bỉnh và ương ngạnh như vậy thì thật khó để đưa vào kỉ cương. Chúng tôi rất sợ bị thầy giáo ghi tên vào danh sách học sinh cá biệt, Moon thì dửng dưng. Thậm chí trong các buổi chào cờ, khi cô ấy bị hiệu trưởng gọi lên đứng trước toàn trường để kiểm điểm thì vẻ mặt cô ấy vẫn ung dung. Những lời trách mắng của thầy hiệu trưởng đều rất nặng nề, cả sân trường đều lặng đi. Cổng trường đã đóng, đám đông học sinh chúng tôi đứng nhỏ bé trong khuôn viên sân trường, dưới chân thầy hiệu trưởng. Mọi cái đầu đều cúi xuống, tôi cũng cúi, chỉ mình Moon là ngẩng lên. Moon vẫn bình thản, cô ấy còn nhìn thẳng vào mắt thầy hiệu trưởng. Đôi mắt xanh dương kia chẳng tỏ vẻ gì hối lỗi cả. Nó vẫn phẳng lặng và thầy hiệu trưởng dù có lớn tiếng hơn, nhấn mạnh hơn vào những nội quy thì cũng chẳng cách nào khiến thứ màu trong trẻo đó gợn đục.

 Chiều thứ ba, lớp tôi có tiết Ngữ Văn. Thầy giáo tiếp tục dạy về văn học nước ngoài. Bài hôm nay giảng về Chekhov và truyện ngắn “Người Trong Bao.” Tiết học này sẽ có thầy cô đến dự giờ. Thầy giám thị, cô tổ trưởng tổ văn khối 11 và có cả thầy hiệu trưởng. Các thầy cô ăn mặc chỉnh tề, và vì đây là tiết dự giờ nên khuôn mặt các vị sẽ nghiêm trang hơn. Mọi cử chỉ của các thầy cô đều rất thận trọng. Các múi thịt cố săn lại để tạo sự nghiêm khắc nhưng vì đa số các thầy cô đã có tuổi, da mặt đã nhăn nheo và lấm tấm những vết tàn nhang nên sự co giãn không bình thường chỉ khiến khuôn mặt thêm quái gở. Thầy giáo giảng bài rất hăng. Chúng tôi thì lắng nghe. Vài người giơ tay phát biểu khi có câu hỏi. Xong bài, thầy có hỏi xem lớp có điều gì còn thắc mắc không. Moon giơ tay. Nhận thấy điều bất thường, thầy giáo văn đã không gọi. Moon tự đứng lên.

 - Em nghĩ trường ta cũng cần có một sự thay đổi.

 - Thay đổi gì, và điều này liên quan gì tới bài giảng của tôi.

 - Thầy có nghe thấy tiếng hô trong hoang địa không? (1a)

 - Còn chưa ra chơi, cũng không lớp nào học thể dục. Tôi không nghe thấy gì hết.

 - Hãy dọn đường cho chúa. (1b)

 Sửa ngay ngắn các lối đi.

 Thung lũng phải được lấp đầy.

 Núi đồi phải được san phẳng.

 Và quanh co phải làm cho thẳng tắp.

 Những đường gồ ghề làm cho êm.

 - Moon! Em hãy nói về điều thắc mắc trong bài giảng đi. Em lạc đề rồi đấy.

 - Không thể sống như thế mãi được.(2)

 Thầy giáo nâng cặp kính, im lặng hồi lâu. Có một tiếng ho. Thầy nhìn qua và sững lại khi thấy chỗ ngồi của các thầy giáo dự giờ. Chút suy tư nhỏ nhoi vừa nhen lên đã vội tắt ngấm. Thầy giáo thêm lần nữa nâng chiếc kính ở sống mũi, các ngón tay hơi run run.

 - Thầy hiệu trưởng, các thầy cô, bài giảng đã kết thúc từ nãy rồi. Và…Thầy thấy đấy nó lẽ ra rất suôn sẻ, và…

 Moon vẫn đứng đấy, cô ấy nói “Belicop còn sống nhăn và còn sinh con đẻ cái nữa.”

 Màu xanh dương dần trĩu nặng và tôi thấy chút gợn buồn sóng sánh trên đó.

 Tiếng trống báo giờ ra chơi vang lên. Lớp trưởng đứng dậy nói lời chào các thầy. Chúng tôi đứng dậy theo và cúi đầu chào. Tiết dự giờ kết thúc.

*

 Lớp tôi được nghỉ hai ngày. Tôi dành hai ngày đó để giúp ông bác lau dọn nhà cửa và chuẩn bị bài cho ngày học sắp tới. Bộ đồng phục nhà trường tôi đã giặt và treo ngoài giàn phơi. Tôi mặc một bộ pijama trắng. Loại áo này rất mỏng và không phù hợp lắm với tiết trời oi bức. Trong tủ tôi có vài bộ Pijama, chỉ khác màu và tôi luôn mặc nó khi ở nhà. Các cúc áo tôi đều cài lại. Mỗi khi đi qua phòng khách, nơi có tấm gương lớn tôi lại chợt giật mình khi thấy chiếc huy hiệu trên áo đã rơi đâu mất. Một phút nhìn lại gương, tôi thở phào và đi lên gác.

 Bác tôi dành cho tôi một căn phòng ở tầng trên. Ngày trước đó là phòng của con gái bác, giờ chị ấy đã về nhà chồng. Tôi đã sắp xếp một góc học tập ở trên đó. Trên tường, tức là đối diện với bàn học tôi có dán thời khóa biểu. Chếch lên trên, cao hơn đỉnh đầu tôi là một tờ giấy khác, ghi thứ tự những nội quy ở nhà trường. Bản nội quy hướng xuống phía tôi và luôn chăm chú theo dõi tôi. Điều này không mấy dễ thở nhưng cũng vì vậy mà tôi sẽ ghi nhớ nó rõ hơn. “Phòng nghỉ của giáo viên cũng có dán bản nội quy, còn phòng thầy hiệu trưởng thì bản nội quy còn được phóng lớn và treo trong khung kính. Bọn học sinh chúng tôi mắc sai lầm thì sẽ bị phạt, còn họ, những người có chức vị, là bề trên chúng tôi thì không thể. Tôi khi thoảng còn có thể hét toáng lên còn họ thì không.”

 - Nó còn định ăn mặc theo kiểu trường học tới bao giờ đây!

 Bác tôi nói vọng lên. Tôi đứng dậy và ra ngoài khép cánh cửa lại. Cửa sổ đóng rồi, cửa chính tôi cũng đã gài chốt. Cuốn vở được giở ra và tôi bắt đầu làm bài tập.

 - Chà. Sao viết lắm tên em thế này. (3) 

*

 Sau hai ngày nghỉ ngơi tuần học lại bắt đầu. Hôm đó Moon nghỉ học và những ngày sau đó cũng vậy. Các tiết học diễn ra suôn sẻ hơn. Vào cuối tuần, trong tiết sinh hoạt lớp cô chủ nhiệm không phàn nàn gì nhiều. Có vài gương mặt được biểu dương về thành tích học tập, đóng góp xây dựng bài và quan trọng nhất là không bao giờ vi phạm nội quy nhà trường.

 Việc vắng đôi mắt màu xanh dương kia khiến các tiết học suôn sẻ nhưng sẽ có phần bức bí hơn. Tôi mơ màng nghĩ tới đôi mắt Moon, tưởng tượng ra sẽ nhìn vào nó thật lâu. Hình ảnh về vùng biển phẳng lặng, không chút gợn đục chảy dài, cuộn thành từng cơn sóng trong suy tưởng của tôi. Bức hình chỉ vẽ được một nửa thì tôi dừng bút. Với vẻ mặt lấm lét, sợ sệt, tôi kẹp tờ giấy nháp vào cuối vở rồi tiếp tục ghi bài. Trống chưa đánh và tiết học vẫn còn.

 Một tuần sau đó Moon vẫn vắng mặt. Tôi hỏi lớp trưởng và ban cán sự lớp thì họ đều lắc đầu. Tiết học cuối cô chủ nhiệm vào và vẫn khuôn mặt nghiêm trang quen thuộc, mớ tóc muối tiêu búi ra sau, cô nói :

 - Thật tiếc, nhưng cô phải thông báo với lớp ta rằng bạn Moon đang nằm viện và tình trạng đang rất xấu.

 Một vài thành viên trong lớp nói thánh tướng lên. Thêm nhiều người nữa, rồi sự nhốn nháo xâu bốn mươi người lại thành một chuỗi.

 - Các em đang vi phạm vào điều…trong nội quy đấy.

 Cô chủ nhiệm gắt lên, đập bàn. Tất cả im lặng.

 - Bạn Moon muốn gặp các em. Chiều nay, những em nào có thể đi được hãy tới trường. Tôi, thầy giáo văn cùng thầy giám thị nữa sẽ đưa các em đi thăm bạn Moon.

*

 Chiều hôm đó khá đông người trong lớp tới trường. Các lớp khác và những đàn anh lớp trên cũng có nhưng ít hơn. Tất nhiên chẳng ai cấm đoán nổi việc đi thăm người bệnh, lại là người đang có trọng bệnh cả nhưng bệnh viện là nơi công cộng và ở đó cũng có những nội quy. Cô chủ nhiệm nói rằng đây là chuyện của lớp và chỉ lớp mới được quyền đi. Đám người vẫn ầm ĩ và còn có người tỏ vẻ chống đối. Cái quắc mắt và lời đe sẽ báo cáo chuyện này với chủ nhiệm các lớp khiến họ im bặt. Họ ra về. Lớp tôi gần hai mươi người đến, nếu đây là một dạ hội thì số người này sẽ vừa vặn. Ngoài cô chủ nhiệm, thầy giáo văn, thầy giám thị, lớp trưởng ra thì chỉ một số ít người nữa là được đi cùng. Tầm hai, ba người và trong đó có tôi.

 Trước khi vào bệnh viện thầy giám thị bảo chúng tôi phải chỉnh sửa lại áo xống thật gọn gàng. “Này các trò! Đây là nơi công cộng. Nội quy dán ngoài cổng, các em nhớ đọc nó.”– Thầy giám thị nói vậy và chúng tôi nghe răm rắp.

 Đây là bệnh viện đa khoa và nó khá lớn. Các phòng ban chia theo từng tầng. Các bác sỹ và hộ lý đi lại quanh hành lang. Tôi thấy cả những bệnh nhân với bộ pijama nhợt nhạt. Cô chủ nhiệm hỏi phòng của Moon. Sau khi kiểm tra danh sách các bệnh nhân bà bác sỹ đã chỉ đường cho chúng tôi.

 Phòng bệnh của Moon ở tầng hai. Nằm thuộc khoa chuyên về bệnh đường hô hấp. Cửa phòng Moon chỉ khép hờ và hướng ra cửa sổ.

 - Phòng bạn Moon ở đây. Các em không được lớn tiếng. Đây là bệnh viện và nơi đây cũng có quy định riêng.

 Thầy giám thị lặp lại thêm lần nữa và chúng tôi im lặng. Thầy giáo văn vẫn đứng bên chúng tôi, sắc mặt thầy hơi xanh, thầy nới cổ áo chút cho dễ thở. Cô chủ nhiệm gõ cửa. Tiếng mời vào vang ra và cô đẩy cánh cửa.

 Tôi thấy Moon, cô ấy nằm trên giường bệnh, bên cổ tay là những ống truyền nước. Moon mặc bộ áo pijama trắng. Khi thấy chúng tôi Moon nhỏm dậy và mỉm cười. Tôi nhìn kỹ thêm. Khuôn mặt cô ấy gầy rạc đi, phần xương hai bên má lồi ra và mái tóc cũng xơ đi nhiều, thứ nước truyền cùng các viên thuốc xanh đỏ đang rút dần sức sống của Moon. Tôi chỉ lạ rằng với thân thể đã tàn tạ đi, ấy thế mà Moon vẫn mỉm cười được và trên khuôn mặt ấy chẳng có vẻ gì là lo lắng, thậm chí đôi mắt xanh dương kia vẫn còn rất trong trẻo.

 Moon chào các thầy cô và chúng tôi tới giường bệnh. Hẳn rằng mấy người cùng lớp, tất nhiên cả tôi trong đó rất muốn nói thật lớn nhưng lời nhắc nhở của thầy giám thị vẫn còn đó.

 Cha Moon cũng ở đây. Ông ta khoảng 50, tức là không kém cô chủ nhiệm lớp tôi là mấy. Là một người Anh gốc, đôi mắt ông ta cũng mang màu xanh dương. Thứ màu xanh đó đậm hơn, sắc bén và ẩn giấu những cơn sóng ngầm. Cha Moon mặc một bộ đồ đen, thứ trang phục dành riêng cho các thẩm phán. Đôi mắt ông ta lộ vẻ buồn bã nhưng thần thái vẫn rất nghiêm nghị. Khóe mắt ông ta khô ráo, tôi thấy trên gương mặt ông ta còn mang vẻ gì đó tương đồng và khá gần gũi với phần đông giáo viên trong trường.

 - Các bạn cười lên đi chứ. Đây có còn là ở trường đâu mà mặc ngột ngạt vậy.

 Moon nói vậy và cô ấy lại mỉm cười. Lớp trưởng nhìn thầy giám thị và cô chủ nhiệm. Họ im lặng và chỉ quắc mắt.

 - Phải rồi – Thầy giáo văn nói và nới chiếc cavát rộng tới mức tuột hẳn ra. Thầy cười, nụ cười của thầy rất hiền hậu – Đây không phải là trường học, việc ăn mặc của các em chúng tôi không quản nữa.

 Chúng tôi làm theo thầy. Tiếng trò chuyện râm ran trong phòng bệnh.

 Thầy giám thị nói với thầy giáo văn “Thầy là thầy giáo cơ mà.”

 Thầy giáo văn không đáp lại. Thầy nhìn ra phía Moon và nói :

 - Em hãy nghỉ ngơi và tẩm bổ cho thật khỏe đi. Sắp tới sẽ có bài kiểm tra một tiết. Tôi nói trước là sẽ rơi vào Chekhov đấy!

 Moon mỉm cười.

 - Con bé rất ngỗ nghịch, nó chẳng nghe ai cả. - Cha Moon nói. Việt ngữ của ông ấy tốt hơn tôi nghĩ. Ông ta lắc đầu.

 Thầy giáo văn nói :

 - Không đâu, đấy là khí chất của người mở đường.

 Cha Moon xua tay.

 - Mẹ nó mất sớm. Từ nhỏ nó sống với tôi và tôi đã dạy nó sống phải biết tuân thủ những quy tắc. Các nội quy cũng là một loại pháp văn, nó luôn đúng và không thể xâm phạm. Tôi làm rất tốt, còn nó thì không. 

 Moon nói lớn “Và cha sẽ còn luẩn quẩn lâu nữa… ”

 - Nào các bạn, cười lên đi nào…

 Moon nói với chúng tôi và chúng tôi đã làm theo. Tiếng cười vang lớn dần lên. Moon cũng mỉm cười và cô ấy là người cười lớn nhất. Tôi thấy lòng như dịu đi và khi nhìn ra lớp trưởng và những người khác tôi thấy gương mặt họ tươi tỉnh hẳn. Lớp da vốn xám xịt chợt vỡ ra, tôi thấy một phần da thịt khác đang hé ra, trông chúng tươi tắn như những mầm xanh.

 Moon ho một tiếng, máu trong cổ trào ra. Cô ấy lau máu, khẽ mỉm cười, nụ cười vẫn rất tươi và hở hết răng. Đôi mắt mang màu xanh dương khép lại từ từ. Màu xanh nhỏ dần rồi tan biến trên khuôn mặt Moon. Chút hơi thở còn lại thoát khỏi thân xác và cơn gió đã đưa chúng ra khỏi phòng bệnh, bay theo lời gọi của đức Chúa.

 Chúng tôi gào lên. Có cả tiếng òa khóc.

 - Nào các em, đây là bệnh viện!

 Tôi nhận ra giọng thầy giám thị. Thầy nói rất lớn và chúng tôi đều nghe thấy. Phòng bệnh yên ắng trở lại. Những ai còn đang sụt sịt đều phải nín ngay lập tức.

 Cha Moon thở một hơi thật dài và ông đặt Moon xuống giường. Ông ấy đánh mắt ra ngoài, cô y tá hiểu mọi chuyện.

 Cô chủ nhiệm từ lúc dẫn chúng tôi vào đây không mấy mở lời và bây giờ thì cô vẫn im lặng. Thầy giám thị nhấn mạnh chúng tôi rằng “Đây là bệnh viện và ở đây cũng có nội quy.” Tất nhiên chúng tôi hiểu cả. Gương mặt xám xịt với những rụt rè quen thuộc trở lại với mỗi chúng tôi. Những giọt nước mắt khô lại và dính thành một lớp khô cứng bên gò má.

 Đôi mắt Moon đã nhắm lại sẽ chẳng bao giờ tôi thấy được thứ màu xanh nào thuần khiết như thế.

 Các thầy cô dẫn chúng tôi ra ngoài, để dành phần việc còn lại cho các bác sỹ. Cha Moon vẫn trong đó. Ông ta cần ở một mình, ít nhất là lúc này.

 Thầy giám thị nói với cô chủ nhiệm :

 - Sắp tới sẽ có đoàn thanh tra tới trường. Họ sẽ dự giờ một số lớp để xem truyền thống giảng dạy của trường. Lớp cô cũng được chọn và tôi phải nói thêm buổi dự giờ lúc trước lớp cô đã khiến thầy hiệu trưởng phải phiền não đấy.

 Cô chủ nhiệm im lặng một lúc rồi nói :

 - Thầy yên tâm. Buổi dự giờ sau tôi sẽ làm hết mức những gì mình có thể.

 Thầy giám thị gật đầu :

 - Bây giờ tôi bớt lo rồi, tôi thì chỉ nhắc cô vậy thôi.

 - Các thầy đang nói cái gì vậy. – Thầy giáo văn nói – Đây không phải nhà trường, đây là bệnh viện và các thầy phải biết nơi đây vừa có chuyện buồn.

 - Tôi biết. – Thầy giám thị nói – Tôi còn biết hôm nay thầy đã làm những điều không đúng với thân phận một nhà giáo ưu tú. Đây không phải ở trường, còn không thì thầy đã vi phạm vào nội quy rồi đấy.

 Thầy giáo văn sững người hồi lâu. Đôi chân thầy run rẩy, rồi toàn thân chao đảo. Nếu ai đấy chỉ chạm nhẹ một ngón tay thôi, vào đâu cũng được hẳn thầy sẽ ngã gục xuống. Sau khi đứng vững hơn, thầy ôm mặt, tay thầy vẫn run “Ôi trời. Belicop đã ăn được quả nhân sâm và còn được thờ phụng nữa...”

 Mắt thầy đỏ ngầu sau cặp kính. Không có nước mắt, chỉ có những tia giận dữ không ngừng bùng lên như muốn thiêu cháy tất cả ra tro.

 - Đây! Đây! Đây! – Thầy giáo văn chỉ trỏ từng người, rồi chỉ vào chính thấy.

 - Một lũ Belicop! Belicop con, Belicop cháu, Belicop chắt chút chít… Thầy giáo văn tách khỏi đoàn, đi về phía cầu thang. Không một tiếng gọi nào có thể níu chân thầy lại.

 Thầy đi rất nhanh. Rồi không thấy đâu nữa.

 Chúng tôi tiếp tục đi, giám thị vẫn dẫn đầu.

 Chúng tôi xuống cầu thang. Ở đó tôi gặp các bệnh nhân vận bộ pijama đang lên xuống. Họ đi cùng đường với chúng tôi và chúng tôi lẫn vào họ.

*

 Đám tang của Moon được cử hành sau đấy ít lâu. Cha Moon xin được hỏa táng. Ông ấy mang tro cốt của Moon về nước và nói rằng sẽ đưa vào nhà thờ.

 Tôi được nghe thêm. Trong hai ngày nghỉ Moon đã một mình ra ngoại ô, nơi có bãi đất trống cùng thảm cỏ xanh mượt. Tôi không nghĩ việc chạy nhảy chốn hoang vu, thi thoảng lại ngửa cổ lên trời để hú một tiếng dài, vang tới tận trời xanh lại thú vị tới vậy. 

 Đêm hôm đó trời mưa to và điều đó đã ảnh hưởng tới bệnh của Moon.

 Một tuần sau thầy giáo văn không tới lớp. Tôi nghe thầy đã xin nghỉ hưu sớm. Thầy cũng lớn tuổi rồi. Bài kiểm tra một tiết không rơi vào Chekhov. Một đề bài nằm ngoài chương trình. Một đề bài về kỉ luật trường học, có liên hệ bản thân. Đề do Thầy hiệu trưởng soạn. Cô chủ nhiệm ngồi trong lớp suốt 90 phút và chúng tôi cũng im lặng viết bài trong 90 phút.

 Tôi không viết nhật ký nữa. Sắp tới sẽ phải thi học kỳ. Năm sau là cuối cấp.

*

 Tôi đóng cuốn nhật ký lại. Gió trở cơn, cánh cửa sổ bị hất toang ra. Tôi không đóng cửa, để mặc gió lùa vào phòng.

 Đồng hồ điểm hai giờ.

 Tôi lên giường đi ngủ. Tôi kéo chăn thật cao để đắp kín người. Cơn mất ngủ đã dịu đi nhưng dù đã nhắm hẳn mắt lại tôi vẫn chưa ngủ được. Trở mình đôi ba lần, tôi ngồi dậy, bật chiếc đèn bàn lên. Tôi ngồi trên giường, một lúc lâu. Sau đấy tôi lấy bức ảnh chụp hôm bế giảng ra. Tất cả thành viên lớp. Có cô chủ nhiệm, có tôi. Chỉ vắng Moon. Lật sau ảnh, vẫn thấy dòng chữ bằng mực đỏ. “Moon…của tôi.”

 Tôi xé bức ảnh làm nhiều mảnh. Cũng xé luôn cuốn nhật ký, cũng làm nhiều mảnh.

 Tôi ngồi lại trên giường, cứ như thế thật lâu. Tôi nhìn quanh căn phòng. Trên bờ tường có treo một vài khung ảnh, bên trong là những tấm bằng khen. Có ảnh tôi ôm một bó hoa lớn, quấn quanh bó hoa là một dòng khen tặng của cấp trên. 

 Tôi với tay tắt đèn và nằm xuống giường. Tay tôi gác trán. Tôi xoay mình, rồi lại xoay mình. Mồ hôi rịn ra khiến tôi phải nới một vài cúc của bộ pijama. Một lúc, tôi đóng cúc lại. Rồi lại trở mình.

 Tôi với tay mở đèn, rồi lại tắt đi. Một lúc lâu, khi đã mệt nhoài tôi mới thực sự ngủ.

 Ngoài cửa sổ mây đen chưa tan hết. Hai giờ sáng. Vẫn đêm. Phải lâu nữa mới có bình minh.

 

Hà Nội 2010

(1a), (1b) : Trong kinh thánh.
(2) : Trong truyện ngắn “người trong bao”
(3) : Câu thơ trong bài thơ “tự do” của Pon Eluya

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7550)
Số nầy mình lại thiếu bài đấy, ông ơi! Ông coi có chi lấp vô đó không?
22 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 5975)
Gần năm giờ chiều Nghi đã nghe nóng ruột. Thời gian ở đây chậm như con rùa bò, Nghi nhìn lên tường nơi có treo cái đồng hồ to tướng, những cây kim như đứng lại
18 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6755)
Tôi thường dậy sớm và pha cho mình một ấm trà. Quanh năm tôi chỉ uống loại trà sen đóng gói. Thứ trà này chẳng ngon lành gì và tôi uống nó cốt chỉ để tỉnh táo hơn.
17 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6780)
Loài Hải Hạc vẫn tiếp tục sinh sôi trên những đụn cát nóng bỏng chết chóc
14 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7823)
Cánh đồng Tuyên Bình bát ngát mùa khô, mênh mông mùa nước; trải dài từ Gò Ớt qua Vĩnh Đại, Bào Môn, đi đôi ba ngày đường chưa giáp
11 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7101)
Nước Hoa Kỳ, ở tiểu bang California tập trung người Việt tị nạn đông đảo nhất, xây lên một thành phố buôn bán sầm uất được người Mỹ đặt tên là Little Saigon
03 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7604)
Đêm đêm chị lại bật dậy trong phòng bệnh và đứng dậy thuyết trình giống như bị thôi miên.
25 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 7312)
Tôi làm việc ở một siêu thị nhỏ, chi nhánh của Intimex. Làm nửa ngày, và có thể đổi ca nếu thỏa thuận được với đồng nghiệp.
21 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 5989)
Con Lài vẫn lầm lủi bước đi, nghe câu nói đó là nó chảy nước mắt, nó quyết định đi về hướng bệnh viện Từ Dũ.
17 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 6408)
Giật mình thức dậy sau giấc mơ rồi không tài nào ngủ lại được, tôi pha cà phê ngồi nhìn tuyết phủ lác đác sân nhà
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8819)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19793)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24511)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,