TRẦN THU MIÊN - Kiki Đã Bỏ Tôi Đi

17 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 6400)
TRẦN THU MIÊN - Kiki Đã Bỏ Tôi Đi

 

 Sau một tuần đi xa về, Kiki không ra đón tôi như mỗi lần nghe tiếng và thấy bóng xe tôi vào ngõ. Bước ra khỏi xe, nhìn quanh, sân nhà vẫn im lìm. Tôi vội chạy đến gầm căn mobile home tìm Kiki, bao thức ăn và chậu nước uống vẫn còn nhiều. Bước vội vào nhà, tôi cũng chẳng nghe động đậy gì. Cửa mobile home không bao giờ khóa, và Kiki biết cách cậy cửa để ra, vào dễ dàng. Đi một vòng lục soát khắp vườn, tôi vẫn không thấy dấu vết Kiki. Sau cùng, tôi chạy sang ông già Bill hỏi tin Kiki. Ông Bill là chủ căn mobile home tôi thuê và cũng là bạn học của tôi dù ông đã về hưu.

 “Mr. Bill, ông có thấy Kiki đâu không?” Tôi vừa gõ cửa vừa hỏi.

 “Chuyện gì vậy, Trần?” Ông mở cửa, nhìn tôi thắc mắc. Dáng ông nom như vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa ngắn.

 “Kiki, ông có thấy Kiki không?”

 “Ta tưởng mày đem nó đi chơi. Mấy ngày nay chả nghe nó sủa hay thấy bóng nó quanh nhà.”

 “Không, cháu để nó ở nhà, cảm ơn ông.” Tôi thất vọng bỏ về. 

 Tôi đi bộ vòng khu xóm hai ba lần tìm Kiki, nhưng vẫn biệt tăm. Về nhà nằm dài trên sofa buồn bã. Tôi đã có những buổi chiều buồn rã rượi sau một chuyến đi chơi xa rồi về nhà lủi thủi một mình, nhưng chưa có buổi chiều nào buồn như buổi chiều đi xa về không thấy Kiki. 

 Kiki là con chó Beagle ba màu. Lưng vừa xám vừa vàng. Mõm, đuôi, bụng và bốn cẳng lông vàng viền trắng. Tôi nhận Kiki về nuôi sau lần đến thăm gia đình ông bà Khâm ở Biloxi, Mississippi. Họ cũng là dân di cư sang Mỹ tỵ nạn Việt Cộng như tôi. Gia đình ông bà Khâm vừa được người bảo trợ cho con Beagle, nhưng nhà đông con, dân tỵ nạn mới định cư, nuôi con chó trong nhà là điều xa xỉ. Ông bà Khâm biết tôi độc thân nên xui dại tôi nhận con Beagle về nuôi. Tôi từ chối, viện cớ người bảo trợ của ông bà ấy lần tới đến thăm gia đình ông bà, sẽ thắc mắc nếu không thấy con Beagle. Họ mà nghĩ ông bà thịt nó thì phiền lắm, còn làm mất cả thể diện người Việt tỵ nạn quanh vùng nữa. Ông Khâm là cựu sĩ quan Nhảy Dù thuộc loại chịu chơi nên đã có sẵn lời giải thích rất nhân từ: “Chú đừng lo. Tôi sẽ bảo họ vì chúng tôi thấy chú độc thân nên tặng chú để chú bớt lẻ loi, dù cả nhà ai cũng thích con Beagle dễ thương này.” 

 Bà Khâm nghe chồng trấn an tôi có lý quá, vỗ tay cười khoái chí. Nhưng ông Khâm nhìn tôi với vẻ khẩn thiết và năn nỉ thêm.

 “Chú mày lấy hộ anh con chó để anh khỏi phải đi tù.”

 “Sao vậy?”

 “Nuôi nó lớn thêm vài tháng nữa, anh sợ nổi máu giang hồ, nấu nồi rựa mận là mang họa vào thân.”

 Dù không tin những gì ông Khâm nói, tôi đã nhận con Beagle một cách miễn cưỡng. Con chó chưa kịp làm quen với gia đình ông bà Khâm nên đi theo tôi rất tự nhiên. Lúc ra về bà Khâm nói với theo.

 “Con chó có vẻ mến chú đấy. Nó theo chú như theo chủ cũ vậy.”

 Tôi ôm con Beagle ra xe và thả xuống ghế sau. Nó sủa hai ba tiếng rồi nằm im trên ghế. Dù nhận món quà bất đắc dĩ, trên đường về tôi cứ nghĩ mãi tìm tên gì đặt cho con chó này. Nghĩ riết cuối cùng tôi chọn tên Kiki. Ngày xưa còn bé, nhà tôi có con chó vàng tên là Ki. Không biết bố mẹ tôi nuôi con Ki vàng từ bao giờ, nhưng nó là một trong những con chó sống thọ nhất trong làng. Ki vàng sủa to nhưng lại rất hiền. Trẻ con qua lại đầu ngõ không phải cắm đầu chạy vì chó dữ. Ngay cả những người ăn xin ghé nhà cũng không bị cắn. Ki vàng đã bị mất tích sau một đêm Việt Cộng trong rừng ra tấn công đồn lính Việt Nam Cộng Hòa trên ngọn đồi bên nhà tôi. Vài ngày sau, tôi hỏi bố, “Con Ki đi đâu rồi?” Bố trầm ngâm nhìn sân nhà suy nghĩ.

 “Chắc mấy ông Việt Cộng bắt con Ki nhà mình thịt rồi, con ạ.” Bố trả lời với giọng buồn buồn. 

 Đã có nhiều con chó trong làng tôi kể cả những con chó khác của nhà tôi được lần lượt đưa lên bàn nhậu, nhưng cả nhà tôi ai cũng thương tiếc con Ki già hiền lành đã mất tích sau một đêm lửa đạn. 

 Đêm đầu tiên tôi đã bị con Beagle làm phiền. Vừa được thả xuống nền nhà là nó đã chạy nhảy tùm lum. Con chó thấy gì trong nhà cũng ngửi, từ gạt tàn thuốc lá đến chồng sách vở ngổn ngang trên bàn hay dưới nền nhà. Chạy hết mọi xó nhà rồi chui ngay vào góc, giơ một cẳng sau lên tè xuống nền tỉnh bơ. Sau cùng, không còn chỗ cho nó chạy nhảy tìm tòi nữa nên nó vừa cào cửa vừa sủa oắp oắp đòi ra ngoài. Tôi tìm mọi cách để giữ con chó đừng chạy nhảy và sủa trong nhà, nhưng không kết quả. Chỉ còn cách lấy cái chăn trùm lên người nó rôi ôm chặt nó trong chăn. Con beagle giẫy và sủa một lúc rồi nằm im. Sợ nó ngộp thở chết nên tôi thả nó ra khỏi chăn. Sau một lúc bị kiềm chế trong chăn, con chó tự nhiên trầm lại. Nó ngửi chân tôi rồi ngoan ngoãn nằm xuống đất. Đêm đầu tiên cả con Beagle và tôi đều không ngủ ngon giấc. Căn mobile home của tôi nằm giữa vườn thông nên mỗi lần có quả thông rơi xuống mái tôn là con Beagle lại nhảy cỡn lên sủa. Tôi định bụng ngày mai mang nó sang biếu ông bà Bill. Người Mỹ thích chó nên thế nào ông bà cũng nhận. Nghĩ vậy nhưng lại sợ nhỡ ông bà Khâm ghé nhà bất ngờ, không thấy nó đâu thì cũng khó xử. Buổi sáng trước khi đi học, tôi để dưới gầm bàn ăn một bát cơm nguội với vài con cá hộp và một bát nước lạnh cho nó. Nhưng chiều về cơm nguội vẫn còn. Con chó đói nằm trong xó nhà buồn thiu. Tôi vội ra chợ thực phẩm mua vài hộp thức ăn cho chó. Nó đã ăn ngon lành. Ăn xong đưa lưỡi liếm miệng, vẫy đuôi, lắc đầu, sủa lên vài tiếng rồi lại chạy nhảy tùm lum trong lúc tôi phải lau nuớc tiểu và dọn phân của nó trong xó nhà. 

 Sau khi ở với tôi một tuần, con Beagle bắt đầu quen tôi gọi nó là Kiki. Cứ mỗi lần tội gọi Kiki là nó ngẩng đầu nhìn tôi, vẫy đuôi vài lần rồi chạy đến ngửi chân tôi. Tôi chỉ nhốt Kiki trong mobile home tuần đầu tiên để quen nhà. Sang tuần thứ hai, tôi làm một chuồng bằng thùng carton lớn lượm từ thùng rác siêu thị về cho Kiki ở dưới gầm mobile home ban ngày để dễ chạy nhảy. Mỗi tuần đi chợ tôi phải mua thức ăn riêng cho Kiki và dĩ nhiên tốn kém. Lúc đầu thấy tiếc, nhưng rồi quen dần, tôi lại tìm mua các món ăn mắc nhất cho Kiki. Mỗi sáng trước khi rời nhà đi học, Kiki chạy theo tôi ra đầu ngõ, liếm giầy, liếm gấu quần tôi, vẫy đuôi, lắc đầu, sủa lên mấy tiếng rồi đứng nhìn tôi đi khuất ngõ mới chạy vào gầm nhà nằm quanh quẩn chờ tôi về. Mỗi lần về học hay đi làm về, tôi vừa bước ra khỏi xe, Kiki đã chực sẵn, rồi nhảy cỡn lên vừa sủa vừa chồm lên người tôi bất kể cửa trời nắng hay mưa. Chiều nào tôi cũng mang Kiki vào tắm rửa sạch sẽ. Kiki ngủ đêm trong mobile home với tôi rồi buổi sáng tôi thả Kiki ra sân. Tôi đã quấn quýt với Kiki lúc nào không hay. Kiki đã trở thành bạn chung phòng đầu tiên của tôi ở Hoa Kỳ và cũng là bạn tử tế dễ thương nhất.     

 Từ ngày có Kiki, căn mobile home bỗng nhiên thành mái ấm của tôi. Tôi không còn cô độc như trước nữa. Thời ấy tôi không có TV để xem, nhưng sau khi dọn vào nhà được vài hôm, ông Bill tìm ra được chiếc radio cũ kỹ mang sang cho tôi nghe để học thêm tiếng Anh. Chỉ vài tuần sau, chiếc radio đã bị cháy vì tôi mở 24 tiếng một ngày kể cả những lúc vắng nhà. Ngay sau đó, một đứa bạn từ Dallas gửi tặng tôi một băng nhạc Việt Nam nó sao lại từ một cuốn băng cũng đã được sao lại nhiều lần trước khi đến tay nó. Thuở ấy người Việt Nam tỵ nạn chưa có những cơ sở thương mại hay trung tâm âm nhạc như bây giờ nên nhận được một băng nhạc Việt Nam cũng như nhận được một món quà hiếm hoi quí hóa. Để nhà bớt hoang vắng, tôi dành tiền mua một náy cassette hiệu Phillips nghe băng nhạc bạn tôi tặng. Khoảng hai tuần liên tiếp tôi đã nghe băng nhạc và bị rơi vào tình trạng trầm cảm nguy hiểm. Một buổi sáng Chủ Nhật nằm nghe nhạc rồi buồn đến nỗi không sao ngồi dậy được. Cũng may ông Bill sang nhắc tôi trả tiền nhà tôi mới tỉnh lại. Phải đợi đến lúc ông bấm chuông rồi đập cửa vài lần, tôi mới cố gắng bò ra khỏi giường một cách miễn cưỡng.

 “Trần, mày làm sao mà mặt nom thê thảm vậy, bệnh hả?” 

 “Không, cháu ngủ say nên quên dậy.”

 “Mày ở một mình không ổn. Có quen người Việt Nam nào rủ về ở cho vui.”

 Ngay sau đó tôi đã đập nát băng nhạc để khỏi phải nghe nữa. Để tự chữa căn bệnh trầm cảm, tôi đã tự ngồi chơi đàn, hát nghêu ngao rồi thu vào băng nghe mình hát những đêm không ngủ được hay những sáng cuối tuần thui thủi cô đơn. Nhờ ghé thăm gia đình ông bà Khâm tôi được Kiki mang về dù đã lưỡng lự muốn từ chối. Bây giờ có Kiki, tôi cũng thu băng cả tiếng nó sủa và mở lên cho nó nghe tiếng sủa của nó. Dần dà Kiki biết mỗi lần tôi đưa cassette và đàn ra là nó cũng nhảy cẫng lên sủa theo tiếng hát tiếng đàn của tôi. Những bữa ăn tối của tôi không còn đơn độc nữa. Khi tôi ngồi ăn, Kiki nằm dưới chân liếm chân hay hay gác mõm lên chân tôi. Mỗi sáng khi đồng hồ báo thức reo, Kiki cũng sủa theo gọi tôi dậy. 

 Kiki ở với tôi gần một năm. Thỉnh thoảng tôi để Kiki ở nhà một hai đêm vào những cuối tuần để đi với một anh bạn sang New Orleans lang thang bụi đời, hay lên Pascagula ngủ lại nhà anh ta. Thường thì tôi để xe lại nhà và đi xe của anh bạn. Và mỗi lần đi chơi vài ngày như vậy, Kiki không ngủ ở gầm mobile home, nhưng ra nằm dưới gầm xe chờ tôi về. Cho đến tuần nghỉ học mùa Xuân, trường tiểu học nơi tôi quét dọn cũng đóng cửa nên tôi được nghỉ học và nghỉ làm. Một người bạn, không thân mấy, vừa thất nghiệp đến rủ tôi sang Houston thăm bà con. Tôi đã định không đi nhưng anh ta mang tấm hình cháu gái xinh đẹp ra để rủ rê tôi sang thăm và sẽ giới thiệu. Thuở ấy người Việt tỵ nạn ở rải rác và những thằng thanh niên độc thân như tôi lúc nào cũng háo hức tìm bóng dáng thiếu nữ Việt Nam. Ngần ngừ rồi tôi cũng đi. Anh bạn tôi lúc đầu bảo sẽ đi xe của anh, nhưng vào phút chót lại viện cớ xe bị mòn thắng chưa sửa nên tôi đành lái chiếc Chevrolet Impala 8 máy đời 1969, kềnh càng và cũ kỹ của tôi đi Houston với anh. Đoạn đường từ Ocean Springs, Mississippi sang Houston, Texas khoảng hơn 400 dặm nên phải mất trên dưới 8 giờ lái xe liên tục. Chiếc xe 7 tuổi phong sương của tôi uống xăng như lực sĩ khát nước. Xăng dạo ấn dưới 50 xu một gallon nhưng lương quét nhà trường của tôi là 2 đồng 10 xu một giờ và mỗi tuần tôi làm 20 giờ nên chuyến đi tốn gần một tuần tiền lương làm tôi hơi e nghại. Nhưng điều làm tôi luỡng lự hơn nữa là phải bỏ Kiki ở nhà một mình cả tuần. Kiki ở với tôi gần một năm rồi nhưng tôi vẫn chưa quen mang Kiki đi theo, nhất là đến nhà lạ. Trước khi đi Houston với anh bạn, tôi đã sửa soạn thức ăn, nước uống cho Kiki. Tôi mua cả bao thức ăn lớn, mở ra đặt bên cạnh một chậu nước dư cho Kiki ăn, uống, đến khi tôi về. Cả tuần ở Houston, tôi cứ bâng khuâng lo lắng cho Kiki. Lúc về, không thấy Kiki đâu tôi đã hốt hoảng chạy tìm khắp xóm. Nhưng tìm mãi Kiki vẫn biệt tăm. 

 Tôi đã buồn bã cả tháng sau khi Kiki bỏ đi. Căn mobile home của tôi lại trở thành lạnh lẽo và hoang vắng hơn cả những ngày tôi chưa có Kiki. Buổi sáng đi học dù không còn Kiki chạy theo tiễn, nhưng chiều về tới gần ngõ, tim tôi cứ nhói lên vì hy vọng Kiki đã trở lại đang chờ tôi. Cả tháng đầu, tôi vẫn thay thức ăn và nước uống cho Kiki. Lòng cứ thầm mong rằng Kiki sẽ tìm đường về như trong những câu chuyện kể về những con chó đi lạc cả năm hay cả ngàn dặm mà vẫn tìm được đường về với chủ. Mỗi tối trước khi đi ngủ tôi mở những đoạn băng có tiếng sủa của Kiki nghe cho căn mobile home bớt trống vắng. Sau khi chờ Kiki hơn một tháng, tôi đã đập nát những cuốn băng có tiếng Kiki sủa vì lúc đầu nghe Kiki sủa trong băng tôi vẫn còn hy vọng Kiki sẽ về. Đến lúc không còn hy vọng gì về sự trở lại của Kiki, tôi không dám nghe tiếng Kiki sủa trong băng nữa, vì tiếng sủa của Kiki làm tôi buồn còn hơn những lúc tôi nghe băng nhạc Việt Nam đứa bạn tặng tôi. Tôi đã nhớ Kiki như nhớ một người rất thân yêu đã bỏ ra đi biệt tăm. Kiki là sự mất mát lớn nhất đầu tiên của tôi giữa đời tha hương. 

 Đêm qua, tự nhiên tôi thấy mình đi chân trần như ngày còn bé ở Việt Nam chạy khắp làng tìm Kiki. Tôi chạy lên đồi, ra bờ sông, ruộng lúa, đồng ngô tìm Kiki. Cuối cùng dù mệt lả, chân vấp ngã, đập mặt xuống đường, tôi vẫn gào lên gọi Kiki. Trong lúc tôi nằm sóng soài trên đất gọi Kiki, tôi cũng nghe như có tiếng bố gọi tôi. Tôi gượng đứng lên và thấy bóng bố đang khập khễnh lê hai bàn chân trần trên đường làng tìm tôi. Tôi gào lên “Bố, bố, con đây…,” nhưng bố không nghe được tiếng tôi trả lời. Bố cứ lầm lũi đi ra bờ sông đầu làng, đứng bên bờ gọi tên tôi. Dù hai bàn chân tôi đã sưng lên không thể bước đi được nữa, tôi cố bò ra bờ sông tìm gặp bố. Nhưng khi tôi bò được đến bờ sông, tôi chỉ thấy nấm mộ của bố cỏ đã mọc phủ kín.

 Giật mình thức dậy sau giấc mơ rồi không tài nào ngủ lại được, tôi pha cà phê ngồi nhìn tuyết phủ lác đác sân nhà. Tôi tự bảo mình như vậy là Kiki đã bỏ tôi 40 năm rồi. Còn tôi cũng bỏ nhà ra đi biệt xứ 40 mươi năm. Chả hiểu tôi sẽ được gặp lại bố và Kiki ở kiếp sau không? Ai biết đường đến kiếp sau ở chốn nào, xin chỉ giùm tôi để tôi đi tìm lại bố và Kiki. 

Boston, Tháng Tư 2015

Trần Thu Miên.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1812)
Lần này là một cuộc chạy trốn.
30 Tháng Tư 202311:19 SA(Xem: 1651)
Chị đã nấp dưới khăn liệm để được ôm ấp chồng đêm cuối trên dương thế.
16 Tháng Tư 20235:09 CH(Xem: 2452)
Nguyễn Tuân là người sinh ra Nguyễn Tuân. Nói cách khác, ông tự làm ra tính cách ông, làm ra cái sự độc đáo, cái sự không giống ai cho riêng ông.
11 Tháng Tư 202311:16 SA(Xem: 2520)
Không công dân nào có thể tốt hơn công dân đã nằm dưới mộ.
03 Tháng Tư 20239:50 SA(Xem: 2051)
Chuyện về thời đã qua sẽ thú vị không chỉ cho con cháu, mà cả cho những người khác nữa.
29 Tháng Ba 202310:53 SA(Xem: 2921)
Và cuộc hành trình trên cõi đời này tôi mãi tìm em.
24 Tháng Ba 20235:39 CH(Xem: 1763)
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ.
22 Tháng Ba 20233:29 CH(Xem: 3636)
Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại.
12 Tháng Ba 20231:11 CH(Xem: 1664)
Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm.
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 2967)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12259)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18989)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9172)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8341)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19179)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7898)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30717)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25513)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,