CAO THỊ HOÀNG - Cúng việc lề ở quê tôi

17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 10219)
CAO THỊ HOÀNG - Cúng việc lề ở quê tôi

 1.

 Nắng chiều sụp mí tới mắt cá chưn, Tư vội vã:

 - Thưa dì, con dìa!

 Đương lui cui luộc nồi khoai dưới bếp, nghe con cháu thưa hỏi đi dìa, dì Năm Chạch hớt hơ hớt hải chạy theo ra bến sông níu áo con Tư.

 - Bây trở lại, ăn khoai rồi hãy dìa!

 Giành lấy cây dầm bơi xuồng, dì dắt cháu trở vô nhà. Nồi khoai đương sôi ùn ục. 

 Tư nhấp nha nhấp nhỏm, ngồi đứng không yên. Biết con cháu lo lắng vì, sợ ma da ở khúc cua ngã ba kinh Ông Hống. Dì trấn an:

 - Nhầm nhò gì, bây sợ? Lát nữa, dì cho câu chú, ma nghe phát chạy, quỷ nghe rụng rời. 

 Rồi, không đợi đến lát nữa, dì cho liền con Tư: “Án ma ni bát di hồng”! Khi Tư thuộc câu chú thì, nồi khoai cũng vừa chín tới.

 Ăn khoai xong, Tư bước xuống xuồng. Dì dặn đi dặn lại:

 - Bây nhớ, cứ ăn con cá Chạch... Mười ngày, nửa tháng, thằng chồng bây nó sẽ ngon cơm.

 Đâm ngang sông. Xuồng cỡi lưng sóng, lòng Tư nhấp nhô theo con sóng!

 *

 Người xưa, vào Nam khẩn hoang lập trại ruộng, nhiều trại ruộng thành ấp, nhiều ấp hợp thành làng, mỗi làng có nhiều họ, mỗi họ có nhiều dòng. Dẫu vậy, những dòng họ đó chưa hẳn là chính xác. Bao biến động thời cuộc, miếng cơm manh áo tha phương... Buổi đầu, thường thì người ta che giấu tông tích với nhiều nguyên nhân, nhiều lý do. Có khi, thay họ đổi tên, nhằm bảo trọng bản thân và dòng họ. Đến lúc thiệt yên ổn, người ta mới lần hồi tìm dìa cội nguồn.

 Dì Năm không cùng cội nhưng cùng nguồn với tía. Mần sao truy căn được? Người xưa tinh lắm, lấy chữ đứng đầu tên bản quán đặt tên đứng đầu nơi trú quán. Ví như, Bình Lập, Bình Tịnh, Bình Lãng, Bình Trinh, Bình Nam... ở Vũng Gù, tức Long An ngày nay; đa phần có cội nguồn Bình Định. Việc đó, trật trúng hổng biết; chỉ biết Cố tổ dì Năm đời trước đã dò tìm gặp được Cố tổ tía, từ tên đứng đầu của đất mới và thông qua lễ cúng Việc Lề.

 Có lần, Tư nghe bà nội biểu tía chuẩn bị cúng Việc Lề ngày hai chín tháng giêng. Tư thắc mắc, dựa cột nghe chớ không dám hỏi nội. Lớn lên, Tư mới hiểu chuyện cúng Việc Lề là do tía cắt nghĩa. Tía nói:

 - Cúng Việc Lề là nghi thức cúng theo việc đã thành lệ tỏ lòng biết ơn các bậc tiền hiền, thủy tổ dòng họ đã có công trong cuộc mở đất.

 Ngày đó, cả nhà bận rộn lo thức cúng Việc Lề. Tía nhắc chị Hai:

 - Bây nhớ sẵn cúng Việc Lề, cúng luôn Tạ thổ kỳ yên, cúng thí cô hồn, cúng cầu an xóm làng dòng họ.

 Tư hỏi chị Hai sao cúng nhiều vậy? Chị Hai cười:

 - Cúng nhiều được phước, cúng châm chước họa bước vào thân.

 Nói xong, chị nện một câu:

 - Con nhỏ nầy, lộn xộn quá!

 Tư thương chị Hai rất mực. Từ khi má mất sớm, trong ngoài một tay chị lo. Chưa bao giờ nghe chị than, chỉ nghe tiếng chị cười.

 - Cúng Tạ thổ kỳ yên là cúng gì, chị Hai?

 Tư lẻo đẻo theo chị và cứ hỏi lộn xộn. Thấy vậy, tía kêu Tư lên nhà trên biểu:

 - Để chị Hai bây mần rút, kẻo trễ giờ cúng. Bây châm bình trà dùm tía.

 Rồi, tía nói:

 - Đất phương Nam dù rừng thiêng nước độc, thú dữ, dịch bịnh...vẫn có chủ là thần linh. Bởi, đất có thổ công, sông có hà bá. Vì vậy, trong thâm tâm người đi mở đất không nghĩ mình đi cướp đoạt đất, chỉ là tạm mượn đất của trời do thổ công cai quản mà khai khẩn đỡ đói nghèo. Cúng Tạ thổ kỳ yên, là cúng tạ ơn thần linh đã cho dòng họ, gia đình mượn đất mần ăn.

 Tía còn nói, sau nầy tía có mất, tui bây cũng nhớ cúng, đừng quên!

 Bà con cô bác cùng một họ với tía lần lượt đến, cười nói râm ran. Hồi nội còn sống, nội gọi ngày cúng Việc Lề là ngày giỗ hội, tía gọi là ngày hiệp kỵ các bậc tiền bối quá vãng từ bốn đời trở dìa trước; người đời gộp chung kêu là Cửu huyền thất tổ!

 Tư trải ba tấm đệm bàng xuống đất, mọi người xúm nhau dọn đồ cúng: Cháo ám nấu thiệt nhừ với cá lóc để nguyên đuôi, vi, kỳ, vảy; mắm sống bần chua, thịt phay heo ba chỉ; tôm càng xanh luộc, cá lóc nướng trui, trứng các loài chim trời...các loại rau rừng mọc dại ven sông, ven rạch. Rượu nấu nguyên chất từ gạo nếp. Chén bằng mủn dừa, đũa bằng tre... gợi cho người đương sống hình dung và cảm thông sự thiếu thốn, nỗi nhọc nhằn sơn trường của người đi mở đất.

 Năm nào cũng vậy, trước một ngày cúng Việc Lề, dì Năm Chạch qua nhà phụ giúp chị Hai. Dì nói với chị Hai:

 - Nhà nào cũng cúng Việc Lề, nhưng rất hiếm cúng trùng ngày. Nhà nào cũng cúng bằng đồ cúng đơn sơ, mộc mạc như nhau, nhưng có một hai món đồ cúng khác nhau. Bây biết, đó là thứ gia phả sống bất thành văn và là, ký hiệu riêng có của từng dòng họ. Người bỏ xứ đi, lòng nặng cố hương. Đất lạ, họ tầm dìa cội nguồn bằng thứ gia phả bất thành văn qua ký hiệu riêng vốn có của món đồ cúng, còn gọi là vật Tổ.

 Chiến tranh, nhà tan cửa nát, gia đình thất tán. Đói nghèo, tha phương cầu thực. Họ dìa đâu? Họ dìa phương Nam bằng tâm linh hoàn toàn tin thần linh cứu rỗi. Thế quyền đọa đày, Thần quyền giúp đỡ. Họ chán ghét, lánh xa vua chúa, quan lại bao nhiêu thì, họ thương tưởng, gần gủi thánh thần bấy nhiêu.

 Nghe dì Năm tự sự, chị Hai nhớ đôi lần tía kể.

 Cố Tổ dì Năm là Bùi Thị The, con Bùi Thị Mẫn, trước ở Xuân Hòa sau qua An Thái. Ở An Thái, Bùi Thị Mẫn giúp việc bếp núc cho thầy giáo Trương Văn Hiến. Sống thời loạn, Trịnh-Nguyễn tranh hùng, đất nước cắt đôi, lòng người ly tán; bọn quan quân đàng trong đàng ngoài kiêu binh, nhũng lạm vơ vét của cải dân lành, đông hơn ruồi bu kiến đậu xơ mít. Tuy phận đờn bà, sớm hôm lo việc bếp núc, nhưng Bùi Thị Mẫn ham học quyền cước. Đêm rảnh việc, nhứt là những đêm trăng sáng, Bùi Thị Mẫn được thầy giáo Hiến chân truyền Bích hổ du sơn, một môn võ công thượng thừa bám chạy trên vách núi nhanh hơn sóc, phòng thân khi có biến. 

 Tây Sơn tam kiệt dựng cờ khởi nghĩa, Bùi Thị Mẫn theo giáo Hiến; con gái Bùi Thị The theo nữ tướng Bùi Thị Xuân. Lúc Nguyễn Nhạc xưng Đế, giáo Hiến cùng Bùi Thị Mẫn không còn nghe Tây Sơn nhắc tới.

 Đi suốt cuộc trường chinh với chủ tướng, Bùi Thị The tham dự trận sống mái cuối cùng ở Nhật Lệ với quân Nguyễn Ánh. Bị thương nặng, không thể cùng Bùi Thị Xuân rút dìa Thanh Chương, Bùi Thị The được dân che giấu và chăm sóc. Được tin chủ tướng bị bắt, Bùi Thị The thay tên đổi họ, dong buồm trốn vào Nam.

 The bây giờ là Thể. Thể trôi dạt đến chợ Cây Tài thuộc làng Quê Mỹ Thạnh, hễ ai mượn gì mần đó. Một hôm, Cố tổ tía ra chợ Cây Tài mua ít đồ cúng Việc Lề, gặp Thể. Biết hạng tứ cố vô thân, Cố tổ tía thương tình dắt dìa nhà phụ sức khẩn đất.

 Thể chết trân khi ngó thấy mấy cô gái trong nhà vo ống quần sát háng, se bột gạo lên bắp vế non trắng hồng thành những sợi tằm mướt rượt, chỉ có họ Bùi ở Xuân Hòa mới se sợi bánh tằm kiểu đó. Thể bắt bột se tằm nhanh và khéo, khiến mọi người trầm trồ, khen ngợi. Có điều, sợi tằm không mượt vì bắp vế non của Thể chằng chịt vết sẹo. Lúc Cố tổ tía đặt tấm da heo cắt hình đầu voi lên mấy tàu lá chuối xanh, Thể không cầm được xúc động, bật khóc.

 Cố tổ tía sợ kinh động, kéo Thể ra sau vườn hỏi ngọn nguồn cặn kẻ. Thể thiệt thà, nói:

 - Da heo cắt hình đầu voi, sợi bánh tằm bắt bột gạo se trên bắp vế non con gái; dễ mấy ai diễm phúc thưởng thức? Chỉ họ Bùi ở Xuân Hòa hoặc vùng Tây Sơn! Dám hỏi chủ nhân, có phải họ Bùi?

 - Sao cô hỏi vậy? 

 - Vì, nẫu họ Bùi!

 Nửa tin nửa ngờ, Cố tổ hỏi gặn:

 - Bùi là Bùi nào? Bùi biết khiển Tượng không?

 Như chạm vào tâm thức, Thể rạng rở sắc mặt.

 - Khiển Tượng khó mà dễ. Cái dễ mà khó là, mần sao cho Tượng hiểu ý người? Tượng hiểu ý người chỉ khi nào, Tượng cảm nhận được sự yêu thương chân thành của người đối với Tượng. Loài Tượng ghét giả dối, xảo quyệt. Muốn vậy, người chiến binh điều khiển Tượng phải sống cùng Tượng để Tượng quen hơi, phải cho Tượng ăn để Tượng biết cần, phải tắm rửa Tượng để Tượng biết nhớ, phải biết tâm tình bằng mắt, bằng miệng để Tượng biết đồng cảm. Khi đó, người khiển Tượng chỉ hô: Hăng, Tượng đi; Trum, Tượng quỳ; Truth, Tượng đứng dẩy; Hau, Tượng dừng lại...Và, chỉ có người quản Tượng hô, Tượng mới mần theo; người khác dẫu hô giống vậy, Tượng nhứt định không mần.

 Nghe xong, Cố tổ tía nghiêm sắc mặt, cười bằng đôi mắt.

 - Nẫu, vào nhà dâng hương cửu huyền thất tổ!

*

 Tía hối đem bánh tằm nước cốt dừa, trải tấm da heo cắt hình đầu voi lên đệm cúng. Đó là, hai món đồ ăn mang ký hiệu riêng của họ Bùi mỗi khi cúng Việc Lề. Trong khi đợi tàn nhang, tía cùng dì Năm và thân tộc thả bè kết bằng thân cây chuối hột, trên bè gạo muối củi và đầy đủ đồ ăn thức uống cho cuộc hành trình xa, để cao tằng, cố tổ, ông bà trở về xứ Nẫu thăm lại cố hương.

 Xong xuôi, tía đứng giữa sân nhà khấn quốc thái dân an, vái chiến sĩ trận vong, mời những cô hồn bơ vơ xiêu lạc, dìa ăn uống no say nhơn ngày hai chín tháng giêng cúng Việc Lề họ Bùi hàng năm. 

 

 2.

 Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, chị Hai chèo ghe xuống miệt Rạch Gốc, Cà Mau mua than đước về bán. Chèo được mấy chuyến, lời đủ mua gạo cho tía và mấy em ăn đôi tháng. Bom đạn đổ dìa nhiều, người ta bắn giết nhau dễ như nhổ gốc rạ. Tía cản không cho chị đi. Sợ bầy em đói, chị tiếp tục đi và, chị dính giữa hai làn đạn, chết mất xác mất ghe. Thương con đứt ruột, Tía thường khóc một mình, thân xác ngày thêm tiều tụy và, một đêm trở trời, Tía nằm chết trên bộ ván mà xưa kia má đã chết.

 Tư gồng gánh bầy em, trụ cột gia đình và thay mặt họ Bùi cúng Việc Lề thời chiến. Dì Năm xắn tay áo, nhảy vô bợ đở một vai. Rồi, đàn em lớn khôn, đứa cưới vợ, đứa lấy chồng; khác chi bầy chim đủ lông đủ cánh, rời tổ bay vào quãng trời xa. Tư thuộc lớp gái nhà quê lỡ thời lỡ lứa, sống thui thủi một mình trong căn nhà trống hoác trống huơ! Nhiều khi ai đó, trong đám lính đóng đồn Bình Lãng hò thả lưỡi câu:''Tròng trành như nón không quai/Như thuyền không lái, như ai không chồng''(ca dao). Tư không là cá mà, nếu là cá, Tư cũng không dễ gì mắc lưỡi câu. Cũng lắm kẻ bạo gan bạo phổi, hò trêu ghẹo, đẩy đưa:''Lẵng lơ chết cũng ra ma/Chính chuyên chết cũng chôn ra ngoài đồng''(ca dao). Nhưng, Tư thì cầm lòng vững bụng, chã dại gì đưa để bị người đẩy! Bởi, trái tim của Tư hoàn toàn thuộc về Sáu Đấu, từ cái chiều ở bến Đình tiễn Sáu tòng quân.

 Dì Năm thường tấm tắc khen đứa cháu của mình.

*

 Chiến tranh kết thúc!

 Sáu Đấu trở về làng, sau khi gửi lại chiến trường Thuận Mỹ đôi chưn. Mỗi lần di chuyển quanh bếp, Sáu chống hai tay ngược phía sau xuống đất, đẩy mông đít về phía trước. Ra ngõ, Sáu dùng đôi nạng gỗ lê từng bước một.

 Vườn nhà Sáu, bom pháo bao lần chà đi xát lại tan hoang, chỉ còn trơ trụi bụi tre già cố sống nơi bến nước.

 Gia đình Sáu, đã chết hết dưới nắng bom mưa đạn, chỉ còn sống sót bà mẹ già mù đôi mắt. Không biết mẹ mù vì thương cảm cảnh nhà hay, vì mong nhớ con?

 Dì Năm cùng bà con lối xóm, xúm lại dựng cho hai mẹ con cái chòi vách đất trên nền cũ đã bị đạn cày bom xới. Việc nhà Sáu, một tay con Tư lo liệu, phụ giúp.

 - Thằng Sáu đâu rồi, gần tới cúng Việc Lề nha con!

 Bà lần ngón tay bấm đốt tính ngày.

 

 

 Đời sống mới, việc cúng kiến bây giờ rất khó khăn, lương thực theo chế độ khẩu phần ghi trong sổ, đi xa ''của ai nấy ăn'', tụ tập năm mười người phải xin phép xã. Vì là, lễ cúng Việc Lề đầu tiên sau ngày hòa bình, sợ có điều rắc rối xảy ra bởi phong trào ''Bài trừ tàn dư văn hóa Mỹ-Ngụy'' đương phát động rầm rộ trong xã nên, dì Năm và Tư định bàn trớt với Sáu. 

 - Lệ xưa, cứ giữ!

 Sáu nói chắc nịch.

 Rồi, mọi việc diễn ra suông sẽ. Dẫu sao, xã cũng châm chước và chiếu cố gia đình Sáu. Có điều, dòng họ Trịnh của Sáu chẳng thấy ai về như thời trước. Chiến tranh làm thất tán, trôi dạt chăng? Hàng xóm, dù mời họ ngại tới bởi, cái ăn cái uống lúc nầy không dễ dàng, rộng rãi như xưa. Hai mẹ con buồn, dì Năm và Tư cũng buồn lây!

 Ngồi ăn trên manh chiếu sờn gáy trải giữa sân, bốn người lặng lẽ không ai nói với ai lời nào. Tư giành Sáu đút cháo ám cho bà. Dì Năm phá tan bầu không khí trầm lắng.

 - Sáu, mầy ăn thử món vật Tổ họ Bùi coi ngon hông mậy!

 Miệng nói, tay dì gắp từng sợi bánh tằm bỏ vào chén, chan nước cốt dừa sâm sấp, đưa cho Sáu. Vừa ăn, Sáu vừa khen ngon. Mẹ của Sáu nghe con khen ngon, bà vuột miệng:

 - Cái thằng chết bầm nầy, nhỏ lớn ăn thứ gì cũng chẳng thèm khen ngon. Nay, nó khen ngon cũng là lạ, chắc ngon thiệt.

 Bà bảo con Tư ngưng đút cháo ám, cho bà ăn bánh tằm chan nước cốt dừa coi sao. Bà nhai trệu trạo sợi tằm, trong sự cảm nhận hương vị đậm đà của bánh, của tình người.

 Khi con Tư bưng chén bát ra cầu ao rửa, bà nói chuyện hôn nhân hai đứa với dì Năm.Thằ ng Sáu nằn nì không chịu.

 - Tư, em nó lấy con rồi sẽ khổ suốt đời. Cuộc sống ngày tới khó hơn ngày qua, con làm gì nuôi vợ con với hai cái chưn đã cụt?

 Ba người im lặng.

 Sáu nói rằng, thà một đứa khổ hơn là kéo dính chùm cùng khổ. Thôi thì, Sáu chủ động tháo sợi dây buộc ràng lời hứa ''nên duyên cầm sắc'' năm cũ, để Tư trút gánh khổ và đi lấy chồng.

 Nghe con nói, từ đôi mắt mù lòa của bà mẹ, từng giọt nước mắt lăn theo những nếp nhăn nghiệt ngã phận người. Dì Năm thở dài, khôn cầm được nước mắt.

 Ngó qua sông, Sáu nhìn đàn cò rời cánh đồng bay trong nắng chiều hấp hối về tổ. Sáu cúi đầu xuống đất, suy nghĩ: Đời mình, mai sau chắc không có tổ để bay về!

 Sáu nhấc nạng gỗ, lê từng bước đến bên mẹ.

 - Đừng buồn mẹ! Thân xác con tật nguyền...

 Sáu chưa nói hết câu, Tư từ cửa bếp vừa khóc vừa chạy ào lên ôm Sáu.

 - Tui chỉ sợ tâm hồn tật nguyền. Tui thương anh!

 

 3.

 Từ ngày mần chồng con Tư, mặt mày thằng Sáu lúc nào cũng ủ dột. Bạn bè trong xóm tưởng Sáu tủi thân vì tàn phế nên, thường xúm lại động viên theo cái kiểu xức dầu cù là động viên: Tàn nhưng không phế. Mỗi lần vậy, Sáu bực bội, cự nự: Thân tàn ma dại. Đã tàn, mần trật vuột, chẳng ra ngô ra khoai, sao không phế? Không ai hiểu ý Sáu muốn nói gì, chỉ một người hiểu đó là, Tư!

 Rồi, chẳng biết hữu ý hay vô tình, ghe thương hồ qua lại trên sông Vàm Cỏ Tây thường hò đối đáp chọc ghẹo, động tới nỗi khổ thầm kín vợ chồng Sáu Đấu: ''Thà rằng, nó nhỏ mà dài/Còn hơn chụp bụp nửa ngoài nửa trong''(ca dao). Đâu đó, có tiếng ai hò nối:''Thà rằng, nó nhỏ mà cong/Còn hơn tổ bố nửa trong nửa ngoài''(ca dao)

 Những chị em bạn có gia đình chỉ sao mần vậy. Tư mần hết cách, theo kiểu ''Phước chủ may thầy'' nhưng, vẫn trắm trơ trắm trất. Trong khi, hằng đêm mẹ chồng khấn vái Trời Phật cho bà đứa cháu nội trước lúc bà qui tiên. Tội nghiệp con Tư buồn so!

 Một hôm, dì Năm nhắn con Tư bơi xuồng qua nhà dì gấp, có việc cần. Tư buộc xuồng dưới bến, đi riết lên nhà.

 - Bây ngồi đây, dì bày cho cái việc khó ở vợ chồng được xuôi chèo mát mái.

 Rồi dì kể:

 - Xóm cá Chạch rặc một họ là, họ Tạ. Nhà nào nhà nấy, đẻ út chót, út vét, út mót...tới út thứ mười lăm, mười sáu thì, mới ngưng đẻ! Túm lại, dòng họ Tạ đẻ cả vò cả vọc. Cắc cớ có ai đó, hỏi ron hỏi ren: Mần sao đờn ông có đủ và thừa bản lĩnh chăn gối, hay đờn bà mần sao đẻ như vịt? Họ im lặng, tuyệt nhiên không hé môi. Mà, cũng phải, người mình giấu nghề hơn mèo giấu cứt.

 Tư chen vô:

 - Họ giấu, sao dì biết?

 Dì Năm lên mặt chãnh:

 - Vậy, mới là dì của bây!

 Nhơn tuần trước, nhà họ Tạ cúng Việc Lề, cậy người nhờ dì qua gói bánh ít. Lúc dọn đồ cúng ra sân, dì để ý món vật Tổ của họ Tạ là món vật nào? Thì ra là, con cá Chạch!

 Dì bỏ lửng câu chuyện, bước lại bếp thêm củi nồi khoai luộc.

 Tư nóng ruột, muốn biết gấp cái ''hồi sau sẽ rõ''. Hối thúc dì Năm:

 - Rồi, sao nữa dì Năm?

 Dì phùng má, thổi lửa:

 - Bây với nó...

 - Nói ra, rầu chết dì ơi! Mất hai cái chưn, ảnh ngửa con sấp; khác chi cối đá xay bột. Thớt dưới có cái ngõng cối cứng chắc, xỏ lỗ ngõng thớt trên khít rim thì bột xay mới nhuyễn. Đằng nầy...

 Tư ngập ngừng. Đằng nầy... cũng tội nghiệp, chồng con hay bảo: Thằng chổng chết trôi thì đờn ông úp mặt, đờn bà ngửa mặt! Tui, có lẽ cả đời tui ngửa mặt như con dán chết thôi mình!

 Dì Năm xúc động và an ủi con Tư:

 - Đừng ngại chuyện úp ngửa, ngại là ngại cái nội lực của thằng chồng bây nó mạnh hay yếu. Mà, mạnh yếu gì cũng phải ăn uống theo kiểu nhà họ Tạ.

 Tư sốt ruột.

 - Kiểu họ Tạ là, kiểu mần sao, hả dì?

 Dì Năm cú đầu con Tư.

 - Mần gì bây tươm tướp vậy?

 Rồi, dì bật mí:

 - Bí quyết để họ Tạ bí truyền ''bản lĩnh đờn ông'' là, các món nấu: Cháo cá Chạch, cá Chạch om hột hẹ lấy nước uống, cá Chạch hầm rượu bằng nồi đất...

 Tư hớn hở mừng ra mặt, nói huyên thuyên:

 - Trời đất, cá Chạch xứ mình binh thiên. Đội ơn dì, con đội ơn dì!

 Dì Năm nhắc khéo Tư:

 - Nói nhiều, khổ nhiều, nha con!

 Nắng chiều sụp tới mí mắt cá chưn. Dì Năm giục:

 - Thôi, bây ăn khoai đi, rồi dìa!

*

 - Mình ơi! ở nhà nhớ đút cơm cho con, tui theo dì Năm bắt cá Chạch, ngày mốt cúng Việc Lề!

 

 Cao Thị Hoàng

 Tân An, 2015

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 265)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 333)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 335)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 540)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 531)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 386)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 810)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 669)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 804)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 718)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8346)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14004)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19182)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11065)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19257)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,