TRU SA - Giếng.

03 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 7036)
TRU SA - Giếng.

Giếng chôn trong khuôn viên trường nội trú. Bẵng mấy năm, giếng càng rêu phong. Bề măt giếng hoang hóa. Lớp xi măng vốn tróc từ lâu. Lõi gạch cũng bở ra, bục nát, thủng lỗ chỗ và là nơi ẩn thân của thạch sùng, gián, nhện và hàng đàn kiến lửa. Nhìn xuống giếng thấy sâu thăm thẳm. Viên gạch rơi xuống là chìm vĩnh viễn. Quanh giếng là bốn dãy nhà A, B, C, D của trường nội trú. Toàn bộ cửa sổ đều đóng chặt. Đều là cửa gỗ nên chẳng thể nhìn thấy gì trong các phòng dù với loại ống nhòm tân tiến nhất. Tường vôi của trường đều tróc tan nát. Gạch đỏ lở hết. Chỗ tróc to thành mảng như phần thịt chảy máu. Những chỗ khác, tường tróc thành viền, kéo thành đoạn. Đi quanh trường chẳng thấy một bóng người. Lên cầu thang từng dãy nhà cũng thế. Chỉ là một khu nội trú vắng vẻ, hoang dã cả tiếng chuột chít. Lâu lâu, lại nghe thấy tiếng gió cắt ngoài hành lang. Cái đèn cao áp đặt trước cổng trường còn bật tắt theo múi giờ. Đấy là ngọn đèn còn sáng, và còn sót lại của trường nội trú. Theo những gì tôi biết, thì từng có người nhảy giếng và mất tích dưới đấy. Gõ mạng, và rà soát tôi vẫn tìm thấy dữ liệu về trường nội trú. Không hề có một bức ảnh nào. Thứ tôi nhận được là những mẩu tin vắn theo dạng “Ngày…tháng…năm…có người rơi xuống giếng trường…” Số lượng người được tăng thêm tùy theo cái đúp chuột nhiều hay ít. Thông tin hữu ích nhất tôi biết được là đấy là cái giếng cạn. Lẽ ra, một cái giếng cạn nước, trống hoác lõi sẽ dễ dàng cho việc tìm, cứu người. Nếu sự kiếm tìm bất thành thì chỉ vài ba tuần một cái xác sẽ nổi trương mặt giếng, nếu xác chưa thể nổi do vướng phải vật lạ thì sẽ có tín hiệu từ mùi thịt phân hủy nhòa trong nước giếng. Chẳng gì hết. Đây, một cái giếng quá sâu. Những ai rơi xuống giếng, đều mất hút. Theo lời kể của một cụ già sống trong cụm dân cư thì từng có một đội cứu hộ trèo xuống giếng và bặt vô âm tín.

*
Vẫn có người đi đến giếng. Hẳn chỉ vãn cảnh, hoặc chụp hình vì đều là khách vãng lai. Bốn dãy nhà cũ nát, với các hàng liễu rủ như mái tóc xõa người già. Mấy lần đi qua nơi này, tôi thường quành vào trường nội trú, tìm đến cái giếng. Đi vài vòng quanh giếng, tôi đứng lại một góc bất kì. Lúc thì sờ soạng lên thành giếng, khi lại nhổ đi lớp cỏ dại mọc đâm lởm chởm. Từng có lần tôi bị một con rết đốt vào tay. Chỉ một nốt sưng, và thấy ngứa ngáy. Thả tầm nhìn xuống giếng, chỉ thấy màu thui nhám. Ánh đèn pin chiếu sáng đến một chừng mực rồi đứt gãy. Rõ ràng, cái giếng này còn sâu hơn ánh đèn chiếu. Những bóng đèn công suất lớn, đèn pha chiếu xa nghìn oát cũng thế. Sáng đến một quãng, rồi dừng. Tôi ngẫm ngợi rằng đã có một vật quá tối, quá dày đã chặn ánh sáng. Đấy có thể là một tảng đá lồi lên, phần mình con cóc cụ, một đường hõm, ngoặt gấp khúc nếu giếng không đào theo đường thẳng. Một người ở cụm dân cư từng kiểm chứng độ sâu của giếng bằng cách cột một tảng đá vào dây thừng. Loại đá tảng có bán kính choán nửa miệng giếng. Dây thừng thì dài quá hai mét một chút. Ông ta thả dây thừng, thật nhanh. Sợi thừng hai mét chui tọt xuống đáy giếng, tuyệt không một tiếng dội lại. Sau đấy, cũng một sợi thừng dài cột vào tảng đá. Ba mét, năm mét, mười mét. Từng cuộn thừng chìm nghỉm dưới giếng. Chưa ai nghe thấy tiếng đá chạm đáy giếng. Có chăng, thì là tiếng đá quệt mặt giếng khi chợt quành tay. Hít một hơi sâu, rồi hét xuống giếng. Tiếng hét không đàn hồi. Âm thanh teo tóp và bị trút kiệt xuống lòng giếng. Tôi đứng, và nhìn xuống giếng. Cái hố, dường như mở ra vô tận. Chỉ một cái sảy chân là rơi tọt xuống và chìm mãi mãi.
.
Cọc cấm chôn trước cổng trường then rỉ chẳng cản nổi tôi tìm đến cái giếng. Tôi vẫn thường nhìn hàng giờ xuống giếng. Mỗi lúc đấy, tôi chẳng nghĩ ngợi gì ngoài việc nhìn đắm vào một khoảng không kéo dài sâu hoăm hoắm tưởng như vô cùng. Chỉ một màu thâm thẫm vẩy, tô đậm lòng mắt tôi. Chẳng có gì hết. Tôi vẫn nhìn thật lâu, như để thám thính mọi động tĩnh dưới đáy giếng. Khó biết ai đã đào cái giếng sâu đến thế này. Cụm dân cư đều có nước máy. Ngay đến nóc sân thượng khu nội trú cũng có bình nước. Giả thiết về việc quá thiếu thốn nước đến mức buộc phải đào một cái giếng sâu xuống mạch nước bị loại bỏ. Một ngờ vực khác, về việc cái giếng được đào từ đời xa xưa. Cũng là lí do cần đến nước. Chẳng ngoại trừ việc cái giếng là một cửa hầm địa đạo được chuẩn bị để phòng hờ nguy biến. Tôi miết tay vùng quanh miệng giếng, rồi bám chắc từng đầu ngón tay. Cái đầu tôi chúi thấp xuống. Hít vài hơi sâu, rồi nhìn chằm chằm xuống cái đáy mù mịt. Tưởng như cặp mắt bị lòa đi do nhìn quá lâu vào màu hắc. Tôi đánh quên mọi màu sắc khác, đến thính giác cũng như bị lấp mất. Lúc đấy, chỉ nghe tiếng thâm u từ lòng giếng. Tôi từng nhẩm theo, và chẳng đánh vần nổi. Dường như, chỉ những tiếng u u liền nhau thường thấy ở một chốn sâu. Hoặc, tiếng côn trùng bò trong kẽ gạch, tiếng rít một con vật lạ sản sinh trong lòng giếng sâu. Trí não tôi nhão nhoét, và một lúc lâu lặng bặt đi. Tai ù hết, rồi lưỡi tôi liếm thấy một vị là lạ dù miệng tôi vẫn mím chặt. Bàn tay sờ lần xuống lớp gạch thô ráp. Đáy giếng âm u và chạm khắc trong đầu tôi những tưởng tượng.

.
Cụm dân cư nằm không xa trường nội trú. Áng chừng một trăm bước chân. Không thiếu người vẫn lởn vởn nơi cái giếng. Điều này tôi chỉ mới biết gần đây. Ngày trước tôi quá bận rộn và thường bê trễ việc qua lại trường nội trú. Giờ, vì mất việc nên tôi rảnh rang hơn. Con đường từ nhà đến nơi này chẳng xa mấy vì tôi sống giáp ngoại thành. Cái xe đạp địa hình là phương tiện chính yếu. Đồ đạc bên mình chỉ có cái balô cất trữ nước, bánh, vài bộ quần áo phòng khi ngã bùn hoặc dầm mưa cùng chút tiền nhỏ. Tôi từng trải giấy báo, gom củi khô, cây dại để đốt lửa ngay khuôn viên trường. Bốn bề trường nội trú vắng teo. Quanh tôi, chỉ có những hàng liễu. Giếng ngày càng nhiều gạch vỡ. Cỏ dại mọc chổng, đâm toác gạch lát và um tùm sân trường. Phần lớn các cây liễu đều to bằng vòng ôm hai người lớn. Thân đủ cong để xõa lá, tạo ra thế thiếu phụ gội đầu. Lá liễu không xanh nhiều, phần lớn vàng úa, cháy xém. Đứng ở một góc xa, nhìn vào thấy nơi đây như một phế tích bỏ hoang trong rừng rậm. Tiếc là, chẳng có mùi hoang dã, thô sơ của rừng rú. Càng không nhiều tiếng dế, ve hay chó cắn ma. Tiếng gió thổi tung tóc liễu cũng hiếm hoi. Thi thoảng, vẫn có người đi vào trường. Đấy chẳng phải giáo viên cũ hay chức trách của trường. Một vài cái mặt lạ. Mặt quen và những cái mặt quá quen. Có người bảo tôi về. Tôi ậm ừ cho qua, khi lại vờ đi về và núp sau một góc khuất. Số người đấy đứng quanh cái giếng. Như tôi, họ nhìn xuống lòng giếng. Và khác tôi, họ thọc chân cẳng, đốt một cây đuốc thả xuống giếng. Từng có người đem thả xuống một cái rọ nhốt chật cứng mèo, chuột. Tiếng mèo, chuột hăm dọa, dằn mặt nhau. Rồi, cũng tiếng chuột, mèo cắn xé vọng xoáy trôn ốc. Âm hưởng thê thiết, đùng đùng như mặt đất bùng nổ rồi teo đi, ngúm sâu đáy giếng. Lúc họ rời đi hết, tôi đi về phía giếng. Tôi hét một tiếng xuống giếng. Như mọi lần, chẳng gì vọng lại. Tiếng tôi như bị hút xuống. Ngóng tai, vẫn không nghe thấy gì.
.
Nàng hỏi tôi về cái giếng. Tôi nói do tò mò.
Nàng, sống trong cụm dân cư gần trường nội trú nên không lạ gì cái giếng. Theo những gì tôi biết thì cha nàng từng ngã xuống giếng. Đấy là chuyện nhiều năm trước. Không ai nhìn thấy ông ấy ngã giếng. Người ta tìm thấy đôi dép cha nàng gần giếng. Đôi dép nằm chồng lên nhau, mũi dép chỉ nhích vào giếng. Dấu dép chỉ đến giếng là dừng. Mọi cuộc tìm kiếm đều vô ích. Đầu mối là cái giếng nhưng chưa ai đủ can đảm để leo xuống.
“Em muốn múa!” – Nàng chưa múa trước mặt tôi bao giờ. Chân nàng kể cũng dài nhưng quá cơ bắp. Đùi to, bắp chân cũng vồng to. Bước chân nàng nhìn vững, rắn, nhiều lực. Đôi tay nàng cũng vậy. Vì nàng lao động tay chân từ bé, xương phát triển rắn. Đôi tay to, gân guốc, ngón tay thô ráp, xạm đen. Vai nàng vồng to, gánh được hàng ki lô đất. Vuốt ve bàn tay nàng, tôi thấy ráp như sờ mặt đá lồi.
“Cứ múa đi.”
“Em không thể.”
.
Ngày tôi gặp, rồi quen nàng là ở giếng. Chúng tôi hẹn nhau cũng trong trường nội trú, nơi cái giếng. Nụ hôn đầu tiên, ươm cháy đóa hoa ái tình cũng gần giếng. Bởi nàng, tôi thường xuyên qua lại nơi đây. Tôi vốn định sẽ đưa nàng về một khu trọ gần nhà để tiện gặp nhưng lại quên mất. Nhớ ra, tôi lại thôi vì lí do tiền nong, hộ khẩu.
Tôi luôn nhìn ngắm giếng. Còn nàng, thì nhìn tôi hoặc cũng nghía mắt xuống giếng. Mỗi lúc thế, nàng mong mỏi về một điệu múa.
“Dưới giếng có gì?” – Nàng bảo tôi.
“Chẳng biết nữa.”
“Anh thích cái giếng này sao?”
“Cái giếng lôi kéo được nhiều người lắm. Chẳng vì lẽ gì. Đấy chỉ là anh muốn nhìn xuống giếng.”
“Anh muốn nhìn gì? Anh mong thấy gì?”
“Một cái đáy cụ thể, đã có lần anh nghĩ thế nhưng chẳng chắc chắn. Em thì sao nào.”
“Em muốn múa.”
“Em có thể múa, ngay bây giờ.”
“Em không thể.”
“Bao giờ thì em mới múa được nếu nghĩ như thế?”
“Sẽ có lúc, nhưng không phải bây giờ.”
.
Người ở cụm dân cư bảo rằng có người mất tích. Một cặp học sinh tuổi mười bảy. Con bé có bầu, còn tên nhóc thì sẵn lòng bỏ học để làm đám cưới. Hai bên gia đình phản đối. Sẽ không có đám cưới, cái bụng bầu lại là chuyện khác. Đôi trẻ bỏ đi. Quần áo, vật trang và tiền nhà vẫn đủ. Một người thấy chúng đi vào trường nội trú. Vẫn là về cái giếng. Các cuộc điện, thư khẩn cầu đội cứu hộ không thấy hồi âm. Nàng bảo tôi đã có lần giếng bị bít lại. Thoạt tiên bằng vải bạt nhưng rồi vẫn có người lật lên. Sau, thì là ván gỗ, một tảng đá to chẹn ngang miệng giếng. Chỉ ít lâu, chính người nơi đây đã đập vỡ tảng đá. Miệng giếng há trở lại, như cánh cổng thông vào cõi vô hình.
“Cha em đang bơi trong giếng.”
“Bây giờ ư? Giếng này cạn kia mà.”
“Em hay mơ thấy ông ấy bơi. Này nhé, cha em bơi ở lưng chừng giếng. Chẳng có nước, ông ấy liệng bơi như đang bay vậy.”
“Đấy chỉ là mơ.”
“Đêm trước, ông ấy báo mộng nhắc em giữ hộ ông ấy đôi dép, đừng lập bàn thờ vì cha còn sống. Vẻ mặt cha tươi lắm, ông ấy ngụp lặn dưới giếng, bảo rằng dưới đây gió mát. Cha bơi sải, luồn lách dưới đáy giếng. Thế rồi, em còn thấy ông ấy trườn bò khắp mặt giếng như thạch sùng.”
“Hơi giếng cũng hấp dẫn, em nhỉ?”
“Anh nói hơi?”
“À, bâng quơ thôi.”
.
Tôi đã say sưa cùng nàng trong sân trường nội trú. Đêm khuya, chúng tôi trải chiếu, lót nệm nằm. Gió mát, mấy cây liễu xao xác, lá rủ nghiêng ngả. Cỏ dại đã chiếm đóng hết sân trường. Nhiều lọn cỏ đã đâm toạc bậc cầu thang để vươn cao lên hành lang tầng một. Cùng nhìn ngắm giếng. Tôi xâm nhập nàng chầm chậm. Cơ thể nàng rất rắn, những mơn trớn đều không làm da thịt mềm đi. Riêng bộ vú, phồng to và nghiến lên người tôi. Tôi đã phải vật nàng xuống, nhằm chiếm ưu thế. Trăng lên cao và đổ suối xuống chỗ chúng tôi. Lớp da hơi ngăm của nàng được gột đi, trở nên trắng muốt. Hơi thở nàng cũng thanh thoát bởi màu trăng. Tôi vùi xuống ngực nàng, ngấu nghiến như con thú đói. Lưỡi chà lên phần ngực mát lạnh như hồ băng. Lửa đã đốt mù mọi vật trong mê dại. Thế rồi, nàng đã đánh gục tôi để nắm quyền bề trên. Thân thể nàng nặng và rắn như tảng đá. Đôi tay nàng ấn chặt xuống đôi vai tôi. Tôi thấy vai tê bại, chẳng nhúc nhích nổi hệt như bị mãnh hổ vồ trúng. Giờ, ánh trăng rưới lên tôi còn nàng đổ bóng xám xịt xuống tôi. Ngoài phần bụng dưới, cơ thể tôi mềm nhão. Mấy tiếng thở, mồ hôi lạnh khiến tôi không nói được thành tiếng. Cố sức rên yếu để nàng nghe được, tôi chỉ thở phù phù. Tiếng cứ òng ọc như kẻ sắp chết đuối. Cái rễ dục vọng sắp mềm đi và có thể gãy đôi bởi trọng lượng cơ thể nàng. Ngó mắt, tôi nhòm thấy cái giếng. Trăng nhuộm trắng giếng. Phần gạch đã vỡ như được vá bởi màu trăng. Ánh trăng cũng đổ xuống miệng giếng. Nhìn từ đây, thấy một con thuồng luồng trắng rúc mình xuống giếng. Miệng tôi hết khan, họng nóng rực. Phần rễ chồi giữa háng rắn lên và trổ dài như được cường hóa bởi thần chú phù thủy. Cơ bắp tôi nổi cộm và gánh được hết cơ thể nàng dù nàng đang tì xuống. Tiếng tôi và nàng quện lại và đổ ầm ầm như bão tố vòi rồng. Nghe như tiếng cười sung mãn của người khổng lồ. Thế rồi từng tiếng đâm thấu vào gió, khua tung các nhành liễu.
.
Sau cuộc, tôi nằm lại. Thân mình tôi bã ra trong sảng khoái. Trăng vẫn đủ sáng để tưới trắng sân trường. Nàng khỏa thân đi về phía giếng. Mắt tôi mờ đi, thấy ngái ngủ. Định gọi nàng lại, nhưng tôi đã kiệt sức sau khi đổ giông.
Nàng múa.
Chính thế. Nàng đang múa trên thành giếng. Đôi chân trần nhún nhảy. Thân thể nàng uốn rất dẻo. Thật khó tin khi đôi bàn tay cơ bắp lại trườn lên xuống uyển chuyển như lông vũ. Cái thân thể thô nhám thật nhanh nhẹn. Xương sống nàng bẻ quặt, uốn mềm dẻo như lưng rắn. Bước cao, ngắn đều nhau. Bộ ngực nàng bập bềnh theo điệu nhảy, và nhìn như dát ngọc bởi ánh trăng. Chợt hai tay nàng vung cao, nhảy bật lên. Lưng nàng uốn cong hình cánh cung, mái tóc xõa hòa màu trăng rơi. Đôi tay nàng sải rộng, mềm mại như sóng vờn mặt cát. Nàng ré lên một tiếng dài ngằng ngẵng. Tiếng chạm trổ vào không khí, và ngấm hút xuống lòng giếng như đất hút nước. Chân nàng chạm thành giếng. Nàng tiếp tục múa. Những hình ảnh mỹ miều, như cánh bướm ru tôi vào giấc ngủ nồng nàn như uống rượu sữa ngựa ngoài thảo nguyên.
.
Tỉnh giấc, trăng đã tan. Mặt trời chưa mọc, trời mờ mờ sáng. Quờ tay, tôi không thấy nàng đâu. Quần áo nàng còn vương vãi. Đi lại phía cái giếng, tôi hít thấy mùi quen thuộc. Không giống mùi cỏ dại, gạch đá hay hương một loài hoa mọc trong giếng. Đấy là mùi mồ hôi, dịch ướt pha quện của nam nữ sau khi hòa nhập tuyệt đối. Thứ hương liệu đậm đà này đã hấp dẫn tôi. Vị hoi nồng của giếng đi vào đầu lưỡi, ngập cuống lưỡi và làm tê từng cái răng. Mũi tôi hít sâu đến mức tịt ngóm. Nhai một cọng cỏ, tôi thấy vị ướt át của sương muối. Lồng ngực tôi chợt nóng bỏng, một sinh lực tràn trề tuôn ra và lôi kéo tôi như một đôi cánh. Một hương thơm. Tôi thấy những cánh sen bung nở từng cánh, phần nhụy màu vàng ròng e ấp như cơ thể thiếu nữ được tháo từng mảnh. Cách sen mở, khép rồi mở khiến tôi nôn nóng. Làn hơi mát nào đã khiến thân mình tôi chìm xuống sâu hơn. Chẳng phải đại dương nhưng tôi nghe thấy tiếng dương cầm của các Siren. Cơ thể tôi mềm đi, đến mức đôi chân cũng trở thành một cành lá mỏng. Gập người xuống cái nền mát, tôi trườn đi như con rắn. Tôi chui xuống, ngày một sâu, ngày một sâu. Bóng tối ngày càng mù đặc và tẽ rách ra để nhường tôi đường. Xung quanh tôi có rất nhiều người đang nhảy mua, bơi lội như cá chuồn. Một anh chàng đang gảy chiếc ghitar không dây, tiếng vẫn vang và còn vạm vỡ như tiếng sư tử gầm trên thảo nguyên. Một cái bóng lạ, nhưng quen đang nhảy múa. Cơ thể này, của một người nữ. Thân thể vốn cứng như mảnh thép được luyện trở nên mỏng mảnh, kể ra cũng giống một liễu diệp đao nhưng uyển chuyển hơn, tựa như con rắn. Phía trên có một người đang bơi ngửa. Bơi vòng tròn quanh cái cõi vòng tròn không ngừng mở rộng, vẫn vòng tròn này. Tôi ưỡn người, hít hà để nuốt mọi làn khí vào trong mình. Một thế giới mới, tôi không tin là thế nhưng một bờ cõi khác đang rộng mở và tôi được đón tiếp như thượng khách.

.

Tin báo của thành phố về một chàng thanh niên mất tích ở cum dân cư.

Người ta quyết định lấp giếng.

TRU SA.
 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8591)
Khách sạn gần như ngủ say khi tôi trở về. Ở sảnh, chỉ còn một người tiếp tân đang chăm chú chơi trò đố chữ trên tờ báo trải rộng trước mặt.
29 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 7665)
Cửa xe taxi bật mở trước cổng bệnh viện. Một con bé mặt non choẹt, lóng ngóng ẳm đứa bé còn đỏ hỏn bước vào. Anh nén tiếng thở dài, đánh lái
20 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8601)
Cũng chính con Bướm lạ này đã đi theo cháu Chương vài lần nữa mỗi khi Chương ra xa bờ! Và từ đó Chương tin là Bà nội vẫn thương Chương
17 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8459)
Suốt mấy ngày ở Ấn Độ, tôi chẳng biết làm gì. Chuyến phượt như nước đổ lá khoai. Nước người ta rộng lớn quá.
13 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 9662)
Ngày mợ mới về nhà cậu Thị. Người mẹ có bảy tám nếp nhăn trên trán của Đĩnh lắc đầu.
09 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8870)
Buổi sáng tinh mơ, khi còn cuộn mình trong chăn, tôi và anh vẫn có thói quen trò chuyện rất lâu về kí ức. Anh, đắm đuối nổi nênh mãi với vùng chiêm trũng đất chật người đông
28 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 8015)
không có gì phải vội vã khi nó là quyển sách duy-nhất của cuộc đời. và, tuyệt nhiên không cần phải vội vã khi chẳng có dòng sông nào (có thể) cưỡng nổi một đại dương.
25 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 7659)
Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, tôi đã là một đứa con gái mù. Có lẽ do suốt thời gian mang thai tôi, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt
23 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 6938)
Tôi có những mối cảm hoài với Net, một chút buồn thương, một chút ân nghĩa, một chút giận hờn
19 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 7324)
hằng đêm, trên gối nằm, tôi vẫn còn nghe hương tóc bảng lảng trong giấc ngủ. chúng có mùi lá dứa của dầu gội L’Occitane,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16809)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12047)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18825)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9021)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8120)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 446)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1017)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13896)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8692)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30586)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21611)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19668)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17961)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16822)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24370)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31806)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,