VĨNH THÔNG - Về xứ

13 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 5431)
VĨNH THÔNG - Về xứ

 

 

Đã mấy năm dư không về nữa
Cuối nẻo trời quê mây trắng bay
Đời ta là một hòn bi nhỏ
Cứ lăn đi trên những dốc dài…
(thơ Trịnh Bửu Hoài)

 

Một buổi trưa của những ngày cuối năm. Nắng! Cái nắng ngạo ngược chèn xuống từng dãy nhà, từng con phố. Người ta nói rằng Sài Gòn không có mùa đông? Ừ, có lẽ. Chỉ còn non tháng nữa là đến Tết, vậy mà nó vẫn dữ dội, cố bám níu chưa chịu ra đi. Cả thành phố rộng hơn hai ngàn cây số vuông bị đè nén, bóp dẹp lại như chỉ còn là một khoảng đất chật chội, ngột ngạt.

Người ta bước ra đường hầu như phải ngốn tất tần tật những tiếng ồn ào nào còi, nào nhạc, nào tiếng la, tiếng rao, chưi bới, kêu réo… đủ hầm bà lằng các loại. Rồi còn phải ăn bụi, nuốt bụi, uống bụi, tắm bụi. Con người biến thành người bụi. Chưa đi xe đã cảm thấy mắt cộm cộm, xốn xốn, nghe lỗ tai lùng nhùng đủ thứ tiếng. Nặng nề hơn là mũi và miệng, thấy nhỏ xíu vậy đó, mà ôi thôi cả một ngụm bụi thật lớn chui qua cái ót, ngọt sớt. Ai cũng ngại ra đường, thôi thì tốt nhất nhà ai nấy ở, đóng cửa, bật quạt cho đỡ oi bức. Khỏi ra đường, cũng đỡ phải hứng bụi, đỡ phải nghe tầng tầng lớp lớp những thanh âm khó chịu.

Ông Bằng từ phía đầu đường tất tả đi về nhà. Mắt ông ngó đăm đăm con đường phía trước. Nhìn mà như mất hồn, như xoáy vào một khoảng hư vô. Mà nhìn cái gì, cũng chẳng ai biết, có thể chính ông cũng không biết. Nhìn cho có nhìn, vậy thôi! Nắng vẫn còn gắt quá! Tướng tá ông ốm yếu, mảnh khảnh nên nhìn dáng đi như cũng liêu xiêu, ngả nghiêng theo nắng. Cái bóng ông thu xéo về một phía, nhỏ xíu, mỏng tang. Hai ống quần ông xắn cao, để lòi ra hai khúc ống quyển đen đúa, còm cõi. Ông Bằng có tật ra đường thường xắn cao ống quần, nhìn y chang nông dân đang lội ruộng. Có người chọc:

“Sài Gòn dạo này đâu có ngập lụt, xắn quần chi cao dữ vậy?”.

Ông chỉ cười:

“Quen rồi. Hồi ở dưới quê vậy, giờ lên đây cái gốc quê mùa của mình bỏ đâu được”.

Cặp theo con đường dẫn vào nhà ông Bằng là hai dãy hàng quán đối diện nhau. Bên nầy, dãy cà phê - nhà hàng - khách sạn cao tầng mọc san sát, có cửa kính để nhìn xuống phố phường, có máy lạnh cho khách không còn cái cảm giác nóng bức. Bước vào trong ấy, tưởng chừng mình đang ở Paris chứ không phải Sài Gòn. Nhưng Paris là ở đâu? Ông Bằng chưa từng biết? Cũng chưa từng bước vào những nhà hàng bên đường lần nào. Vậy mà ông cam đoan rằng nó y chang như Paris, ai hỏi tới cũng huyên thuyên thế.

Phía bên kia cũng một dãy hàng quán chạy dài, nhưng là quán vỉa hè, cạnh đó là những gánh hàng rong bún riêu, cháo lòng, mì gõ… và cả một cái chợ chồm hổm. Ông Bằng thường nghĩ, không biết ai “thiết kế” ra chỗ này, cũng lạ. Trong khi những người sang trọng ngồi trên cà phê cao tầng với cái không khí vừa đủ cho sự không - thích - nắng, thì ngược lại bên này tuy có hơi oi bức nhưng lại cho ta một cảm giác bình yên, thân thuộc lạ thường.

Ông Bằng bước vào nhà một cách uể oải, vẻ mặt thất thần, đôi mắt lừ đừ chẳng thèm nhìn ngó gì ai. Ông lột cái nón lưỡi trai cũ mèm quăng xuống bàn rồi lên võng nằm, chiếc võng cứ lắc lư đều đều, nghe cót két. “Chà! Giờ này thì chắc hai thằng con của mình đang long nhong đâu đó ngoài đường. Lạ! Trời nắng như vầy… chắc tụi nó da trâu?”. Ông Bằng lẩm bẩm, rồi vắt tay lên trán, ra chiều đăm chiêu.

Vợ ông từ đằng sau bước ra, thấy chồng nằm trên võng, bà ghìm ông. Một cái liếc bén ngót chém vào làn gió hiếm hoi đang phả qua. Bà nói với vẻ trách móc: “Ủa, đi uống cà phê giờ này mới về đó hả? Sao không ngoài quán thêm chút nữa, về chi sớm vậy?”. Ông Bằng cứ nằm đưa võng, không thèm để ý đến lời nói của vợ. “Giờ này chắc anh Hai đang hóng gió ngoài đầu vàm”.

Con đường dài trước mặt với hai dãy hàng quán hồ như mờ mờ dần. Chỗ đó, trước mặt ông, một khúc sông đang dâng cao hiện rõ dần, rõ dần. Hai bên sông có là những đám lao sậy cao lều nghều rập rình huơ huơ. Bây giờ, trong căn nhà này, trên thành phố này, ông chợt thấy mình cứ như vừa bị rớt cái đùng xuống dòng sông sâu hoắm ấy. Ông giơ tay lên cao, chới với, nhưng chẳng còn thấy gì, thân mình trở nên nặng trịch, chìm nghỉm, sâu thiệt sâu!

“Ông Bằng!”.

Ông không thèm quay lại, khẽ nhếch mép:

“Gì?”.

“Bộ ông điếc rồi hả, tôi nói mà sao không trả lời gì hết vậy?”.

Lại im lặng. Thật lâu sau, ông Bằng mới lên tiếng:

“Anh Hai ở dưới vừa mới điện lên…”.

“Sao, anh Hai nói gì?”.

“Anh Hai hỏi… Tết này cả nhà mình có về dưới quê không?”.

Vợ ông tỏ ra lo lắng, hai mắt căng tròn, chau đôi chân mày lại, móm mém:

“Rồi… ông nói sao?”.

Ông Bằng vẫn nằm y như lúc nãy, không nhúc nhích, chỉ có cái miệng là khẽ cử động.

“Thì nói không về được. Tiền bạc đâu mà về?”.

Ông không nói nữa, nghe như có cái gì chạy rần rần bên ngực trái. Nó chạy tuốt lên trên não, lại quẹo xuống sống mũi, rồi chạy vô khóe mắt. Vỡ tung ra, cay sè. Căn nhà tự dung trở nên lặng đi một cách ảm đạm, vợ ông cũng nín bặt, thở dài.

Sài Gòn là đất của dân ngụ cư. Từ xa xưa, dân tứ xứ đã về đây lập nghiệp, đến nay thành phần đông nhất của đất Sài Thành vẫn là những người lưu xứ. Có người đã giàu có, muốn lên đây phát triển sự nghiệp thêm. Cũng có những người nghèo, lên đây muốn đổi đời. Cũng có người đơn giản chỉ là mong kiếm đủ tiền cho con ăn học, đủ tiền nuôi mẹ già, con nhỏ… Ông Bằng cũng là dân ngụ cư, quê ông ở tận vùng biên giới Châu Đốc, bỏ nhà, bỏ quê lên đây kiếm sống. Từ căn chòi nhỏ nơi mảnh đất quê nghèo, vợ chồng ông dắt díu hai đứa con nhỏ ra đi, hẹn vài năm sau sẽ trở về. Anh chị Hai đứng chết trân trên con đường cặp bên bến sông, hai tay cứ huơ huơ mặc dầu chiếc xe đò đã đi xa lắm rồi. Nhớ tới đó mà thương cho anh chị. Nước mắt Bằng ông ứa ra từ hồi nào, giàn giụa.

Mười hai năm. Đủ để ông có căn nhà ọp ẹp. Đủ để hai đứa con mới ngày nào là những thằng nhóc, bây giờ đã trưởng thành. Và cũng đủ để ông nếm được hết sự dày vò, dằn vặt của kiếp tha phương. Ông Bằng nhận ra rằng, khoảng thời gian đi đến thành đạt của những người xa quê đủ để khẳng định bản lĩnh và sự kiên trì của họ nơi xứ người, nhưng đối với quê nhà, họ vẫn là những kẻ trắng tay. Đó là những người đã thành đạt, còn ông chưa thành đạt nên lại càng day dứt hơn với quê nhà.

Lúc đầu ông Bằng hẹn với anh Hai khi nào có dư giả một chút sẽ về thăm quê. Gì chứ chuyện đó, dễ ợt! Lên Sài Gòn kiếm tiền dễ hơn ăn cơm. Vài năm nữa về quê, vợ chồng ông Bằng trở thành dân thành thị, con nít dòm mà thèm thuồng. Cái mùi thành thị nó ra làm sao? Thơm phức. Ông Bằng thèm có cái mùi thơm ấy bám vào áo mình, nó bám dai lắm. Tự dưng đang nghĩ ngon lành, cái mùi khét nắng trên áo đâu lại đổ nhào ra. Cái mùi thành thị chưa chạm được người ông đã bị cái mùi khét nắng đó đánh bẹp, bay mất. Chừng như cái mùi khét nắng đó còn bám lâu hơn, dai hơn cái mùi thơm thành thị kia. Thơm mẹ gì, hôi rình! Cái mùi quạnh hiu của xứ lạ bó khít rịt lấy ông, thở hụt hơi muốn ngộp.

“Vài năm nữa vợ chồng em kha khá rồi về”. Cứ ngỡ rằng cái “kha khá” trong lời hẹn ấy sẽ là ba bốn năm, hay năm sáu năm gì đó. Có ai ngờ đi là đi biệt. Những năm đầu, anh Hai không rủ về quê vì biết rằng gia đình em mình mới đến xứ người, chưa dư giả mấy, sẽ không đủ tiền về. Nhưng vài năm gần đây, năm nào đến Tết anh Hai cũng điện thoại lên, hối về. “Xứ sở mình mà”. Mỗi lần nghe anh mình nói vậy ông Bằng lại đau nhói. Câu nói ngắn ngủn, nói ra nhanh như chớp. Vậy mà nó lôi cả một cơn buồn dài từ hồi còn ở quê tới khi đã thành cư dân thành thị, đổ ầm trước mặt ông. Nó biểu, đó, coi đi, dai dẳng lắm!

Mười mấy năm sống ở đây, để đủ tiền lo cho gia đình ông Bằng phải làm rất nhiều việc. Từ đạp xích lô, chạy xe ôm, khuân vác, phụ giúp tiệm cơm, phụ hồ… và nay thì đang làm công nhân cho một xí nghiệp đóng giày. Đồng lương èo ọt lo đủ cho chuyện ăn, chuyện mặc, còn những chuyện hưởng thụ thì phải xếp hàng… chờ đợi. Hai tiếng “về xứ” đối với ông như là một món quà xa xỉ, muốn lắm nhưng lại không dám nghĩ tới, chứ đừng nói là chạm vào. Tiền xe đi và về cho cả nhà bốn người, lại rồi tiền ăn uống, ngủ nghỉ ở quê dăm ba bữa. Rồi chẳng lẽ ở xa xứ về quê mà không “lì xì” cho tụi nhỏ một ít. Tính ra cũng bộn!

Bữa cơm chiều nay hình như chỉ có hai thằng con trai ăn thôi. Cả ông Bằng và vợ nuốt không trôi, có cái gì đó nghèn nghẹn, ứ tắc ở cổ họng. Mắt hai ông bà nhìn vào mâm cơm nhưng tâm hồn thì chạy long nhong ở đẩu ở đâu. Có lẽ nó nằm ở cái cù lao nghèo giữ mênh mông trời nước, hay ở con sông quê có hai độ lớn ròng cũng nên. Bỏ đũa xuống mâm, mắt ông lơ đễnh ngó ra đường. Hai đứa con nhìn ba mình rồi lại quay vô mâm cơm ăn tiếp, bởi vì cảnh này đâu phải lạ, cứ lâu lâu ổng lại đăm chiêu, cứ như có chuyện gì to tát lắm sắp sửa xảy ra. Ông Bằng nhìn hai thằng con của mình, đã gần hai mươi hết rồi mà chưa đứa nào ra hồn.

Ngoài đường, đã thấy vài ba chậu mai của nhà hàng xóm được lặt sạch lá. Ừ, thì Tết đã gần kề…

* * *

Tối nay trên ti vi có phát chương trình “Miền Tây sông nước”. Đây là “món ruột” của ông Bằng, ông mê lắm, cứ cứ đến tối chủ nhật thì dầu giá nào cũng phải mở xem, chỉ đơn giản là để bớt nhớ quê. Tối nay vài người bạn rủ ông nhâm nhi. “Cuối tuần rồi phải thư giãn chứ!”. Một người đã nói với ông như thế. Ông Bằng muốn đi, nhưng vẫn thấy tiếc chương trình quen thuộc của mình. Nghe đâu hôm nay phỏng vấn ông giáo sư nào đó ở Hậu Giang, sống bên Mỹ mấy chục năm bây giờ lại quay về Việt Nam sống. Ông nghĩ mấy cha học cao cũng có đầu óc khác người. Tự dưng đang sống bên Mỹ ngon lành lại bay về Việt Nam. “Mà chắc bởi vậy mới làm giáo sư được chớ!”. Nhưng thôi, xem làm gì, có xem hoài thì cũng có về xứ như ông giáo sư đó được đâu, mà lại càng thêm nhớ nhà, càng thấy mình có lỗi với xứ sở.

Nhưng không hiểu sao gần đến giờ phát sóng ông Bằng lại thay đổi. Ông tất tả chạy xe đạp về, bỏ mặc bao nhiêu lời chèo kéo, thậm chí là chê trách của bạn bè. “Thôi, tụi bây lai rai đi, tao có công chuyện gấp! Vậy nhe, hẹn gặp sau”. Còn năm phút nữa là đến giờ bắt đầu chương trình, ông nhẩm tính từ đây chạy về mất khoảng mười phút. “Chà, tiêu rồi, trễ mẹ nó”. Đôi chân gân guốc ốm tong dùng hết sức quay vội vã hai bàn đạp của chiếc xe có từ thời Ngô Đình Diệm, hai vòng xe cũ kỹ lăn đều đều giữa phố phường tấp nập.

Quăng chiếc xe xuống sân mà không thèm dựng, mặc cho nó ngã kềnh ra, ông Bằng tất tả chạy vào nhà bật ti vi. Cái ti vi cũng có tuổi đời khá “thọ”, bật lên phải đợi một lúc sau mới lên hình. Trên ti vi phát ra giọng cô dẫn chương trình trong trẻo:

“Thưa ông, ông có thể nào cho biết là vì sao ông lại trở về Việt Nam, mặc dù điều kiện sống và làm việc ở Mỹ rất tốt?”.

Ông giáo sư già cười nhẹ, bắt đầu cất giọng. Nghe giọng ông ấy, ông Bằng thấy buồn thúi ruột. Buồn chỉ vì một lý do nhỏ xíu là ông già trải bao nhiêu năm ở xứ lạ nhưng cái chất giọng vẫn còn rất “miệt vườn”, rất “chân quê”. Vậy thôi, cũng đủ thấy buồn.

“Ở bên đó tốt thiệt chớ! Ngặc nỗi thiếu thốn đủ thứ hết…”.

Người trên ti vi chưa nói hết câu, nhưng người xem đã tỏ ý không hài lòng. Ông Bằng nhếch mép: “Cha này nổ quá! Bên Mỹ vậy mà còn chê thiếu thốn, vậy thế nào đối với ổng mới đủ trời?”. Cái giọng trầm trầm trên ti vi lại tiếp tục, vừa nói vừa cười phúc hậu:

“Thiếu cá linh, thiếu mắm, thiếu bông điên điển… ăn uống không có vô. Đồ đạc xài trong nhà cũng thiếu, không có chiếu, không có rổ tre, kiếm cây chổi bông sậy không ra. Ui! Sống mà thiếu tùm lum thứ hết, chịu hết nổi, dìa!”.

Tự dưng ông Bằng lặng người. Đôi mắt ông cộm cộm. Có cái gì đó rai rức lắm, cứ luồng sâu vào trong lồng ngực đang nóng hôi hổi của ông. Ông quên hết, bỏ ngoài tai hết tất cả những lời nói trên ti vi, đôi mắt già mua cũng không còn dán vào tấm kính phẳng ấy nữa, mà nó mờ mờ, mờ dần…

“Ừ phải rồi, thiếu… thiếu nhiều lắm !”.

* * *

 

“Bà ơi, ngày mốt cả nhà mình về quê, ở dưới quê ăn Tết mấy bữa với dòng họ. Qua Tết rồi mình trở lên làm lại”.

Bà Bằng giựt mình. Trời, ông chồng mình bữa nay nổi khùng nói gì vậy.

“Ông… ông mới nói gì đó? Thiệt hay chơi?”.

“Tôi nói bà nãy giờ mà bà không nghe hả? Mốt mình về quê, qua Tết trở lên”.

“Mà… tiền đâu mà đi ?”.

“Chèn ơi! Sao bà lo xa quá! Tôi đã kêu về quê thì về đi, hẳn phải có cách. Về một lần, rồi… chết cũng được. Đỡ hơn chết già trên nầy vì chờ đợi. Thôi tính vậy đi, đừng cãi nữa. Chút sắp nhỏ về bà kêu tụi nó sửa soạn đồ đạc nghe, ra chợ mua vài thứ về cúng ông bà…”.

Một chiếc xe chạy ngang trước cửa nhà ông Bằng, phía sau xe chở theo một chậu mai. Ông nhìn thấy trong chậu mai nó có những nụ đầu tiên đã bật tung ra khỏi lớp vỏ, bừng lên ánh vàng tinh khôi.

VĨNH THÔNG

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 265)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 332)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 334)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 540)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 531)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 386)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 810)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 669)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 804)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 718)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19182)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11065)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19257)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,