LÊ MINH KHUÊ - Đồ cũ

01 Tháng Năm 201612:00 SA(Xem: 6033)
LÊ MINH KHUÊ - Đồ cũ

 

Ông Phong bảo vợ: có dễ chiều tôi về muộn. Chúng nó về thì cứ ăn uống đi làm gì bày vẽ chờ đợi cho cơm nguội canh nguội khổ con khổ cháu.

Nhưng thời buổi này cháu nó đi cả ngày chỉ có bữa tối là gặp mặt, chúng nó đã chịu khó về nhà ăn cơm rồi. Nó mà bỏ đi vào quán vui bạn vui bè ông chả lại trách cho méo mặt! Ông Phong cười xòa về cái thói lắm lời của bà vợ. Tưởng già thì mệt mỏi. Già còn ham nói hơn.

Ông lại đi xe đạp hử?

Ừ. Đi cho nó dẻo chân. Vừa thay đôi lốp tốt quá đi cho nó khoái.

Rõ khéo vẽ. Thời buổi này còn cứ mê cái xe đạp suốt ngày lau, nó hơi trở chứng là y như thời bao cấp lo cuống vó lên. Bà Phong vẫn lắm lời. Nhìn theo chồng tuôn ra một thôi một hồi mặc kệ ông nghe hay không nghe. 

Thị trấn mới có đường quốc lộ chạy qua. Khu đất mua của nông dân năm năm về trước rào kín để đấy. Đất để đấy còn các chủ đất tiêu hết tiền đền bù rồi ào vào phố buôn bán lặt vặt. Nhìn đất bỏ không rào kín chẳng sinh lợi ông lại nổi cái máu thời còn trẻ. Nhưng biết trách ai đây? Ông có thói quen đạp xe quanh hàng rào sắt xem cỏ hôm nay mọc thêm mấy phân. Mấy anh bảo vệ đứng trong chòi canh nhìn thấy ông Phong nhận ra người quen một anh còn trẻ hỏi cho có hỏi: bác lại trên đường thiên lý đấy ạ! Mời bác vào làm ván cờ với chúng con.

Ông Phong thấy phải. Chơi với mấy cậu trẻ một lúc rồi hẵng đạp xe đến chỗ mấy ông bạn già. Chiều nào chả gặp nhau đi vài thế quyền cho nhẹ bụng. Đối diện bàn cờ là cậu Cư trong làng được công ty thuê giữ khu đất cùng với hai cậu nữa, tháng mỗi cậu mấy trăm ngàn chả phải ngửa mặt chịu nắng mưa. Vài lần đụng độ với hàng xóm vì người ta qua lại khu đất thấy xót. Khi liên doanh mua đất hứa lên hứa xuống khu lắp ráp xe máy nay mai sẽ tuyển ưu tiên những người bán đất vào làm công nhân. Mãi mà nhà máy chưa thành. Nhiều người liều định xé rào vô gieo nhờ nắm đỗ. Mấy cha bảo vệ phải ra tay. Mệt thế thôi chứ hàng xóm láng giềng cả ai nỡ làm khó nhau.

Phải rồi! Ông Phong đưa ngón tay xương xẩu đẩy quân cờ đầu nghĩ đi đâu. Cư đọc được điều trong đầu ông. Rồi Cư nhẩn nha:

Các bác giờ hưu trí rồi đi chơi cho khỏe người, việc đất cát của người ta bác nghĩ làm gì cho nặng đầu.

Có nghĩ gì đâu nào. Chỉ thấy xót thì nhìn thì kêu với nhau tí thôi!

Bác vẫn đi cái xe đạp từ thời bao cấp ư?

Vẫn nó. Phụ tùng thay toàn của tốt rồi nhưng cái vỏ thì của thời đó. Ấy chết tôi quên không khóa vành sau.

Ông Phong chạy còn nhanh. Cư đủng đỉnh theo sau. Cái xe đạp từ thời còn mua muối bằng phiếu ma nào nó rước? Nghĩ rồi Cư nghe ông Phong hớt hải: cái xe. Cái xe đạp của tôi. Ôi trời ơi!

Cư buồn cười. Thế là cái đồ bảo tàng bay mất rồi…

Ông Phong rên rỉ. Chạy dọc cái hàng rào trước mặt khu đất. Quýnh quáng như con gà trống nhìn thấy gà mái chạy trước mắt. Cái xe. Đứa nào cuỗm mất cái xe rồi. Khổ thân tôi.

Cư cười cười dửng dưng.

Thôi ông ơi, cái xe thổ tả mất đi con cháu nó đỡ vướng víu. Ông bảo nó sắm cho cái mi ni Nhật xịn. Tiền tiêu vặt của chúng nó thôi mà.

Ông Phong bất lực khi không thấy cái xe. Bất lực khi nghe thằng trẻ ranh nó lý giải. Ông cáu:

Cậu thì hiểu cái gì mà bàn.

Ông Phong đứng như bất động như nghĩ tới chuyện gì rồi lững thững đi bộ về nhà. Lòng bỗng buồn rũ rượi. Tự dưng buồn khi nghe thằng Cư cười cợt. Bà Phong nhìn chồng hoảng:

Sao như trúng gió thế hả ông? Xanh tái đi này.

Kệ tôi!

Nước gừng nóng này uống vào cho tôi!

Thì cứ kệ tôi mà bà lôi thôi bỏ mẹ. Mất cha nó cái xe đạp rồi.

Bà Phong đứng lặng. Thì cái xe đạp yêu của ông nhưng nó là thứ dở hơi vớ vẩn bọn trẻ trong nhà vẫn bảo thế từ lâu. Nó là cái pha vô rít thằng em ông Phong đi Tiệp Khắc về cho từ năm bảy mươi. Cái xe hiệu ấy thời đó nó như đúc bằng vàng. Lúc đó ông tuổi trên ba mươi cán bộ viện khoa học thỉnh thoảng mới héo lánh đến các trận địa nghiên cứu tên lửa. Bà chưa tới ba mươi làm bác sĩ đỡ đẻ. Một cặp đẹp tuyệt lại đèo nhau bằng cái pha vô rít màu xanh nước biển. Đàn ông đàn bà quay nhìn. Đến trẻ con cũng quay nhìn. Xem như mơ ước hạnh phúc của cái thời một yêu anh có sen kô – Hai yêu anh có pơ giô cá vàng – Ba yêu nhà cửa đàng hoàng – Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô… Thời ấy các thứ hàng viện trợ của phe dân chủ không phải hiếm hoi nhưng cái pha phô rít cũng đứng hạng xịn. Tuổi còn trẻ thời buổi đạm bạc cả hai thường đèo nhau kiêu hãnh. Bom đạn lúc dữ dội lúc thưa dần im ắng để rồi lại dữ hơn. Năm một chín bảy hai. Ngày mười tám tháng mười hai rét đến độ ban đêm trời chuyển màu hồng. Thằng Bảo lúc đó tám tuổi đeo cái ba lô tay dắt thằng Phương bốn tuổi. Mẹ nước mắt lưng tròng đi ra ngoại thành cấp cứu bệnh nhân. Thằng Bảo cứng cỏi. Mẹ đi làm đi, các con đi với bố. Chiếc xe đạp ngày thường mỹ miều thế. Đêm B52 đèo sau xe đứa bé nhất cùng với bao tải gạo, mấy cái nồi, ba lô quần áo. Thằng Phương bốn tuổi ngồi mở to mắt nhìn đoàn người lượt thượt kéo ra ngoại ô. Bom B52 thả bên kia sông. Pháo cao xạ tên lửa bắn lên. Như trong phim hoạt hình. Phương nhìn Bảo đeo ba lô bé như cái nấm khi mặc áo len của mẹ, tay níu áo bố. Cha con lầm lũi đi. Đoàn người lầm lũi đi. Trời mùa đông đỏ rực như báo điềm lạ. Gần sáng mấy cha con mệt quá. Ông Phong bảo: Để bố đưa các con vào nhà bác Hợi bố quen nghỉ một tí đi nhé.

Cái xe đạp leo qua bờ ruộng, tách khỏi đoàn người. Mặt đất trồi trụt vì đạn bom. Gần đến nhà bác Hợi ông Phong khựng lại. Một hố bom to đùng giữa sân. Cái xóm trại vắng tanh. Thằng Bảo miệng méo xệch: “Bố ơi, sao thế?”

Ông Phong khi đó còn trai tráng, bế xốc thằng bé để lên bao tải gạo dắt xe như chạy ra khỏi chỗ đổ nát. Ba bố con và cái xe đạp. Bao tải gạo. Hành lý. Bình minh rét cắt da. Đoàn người chạy khỏi thị trấn xanh xao vì mất ngủ. Vì thiếu ăn. Vì lo sợ. Cái xe đạp đi lẫn trong đoàn người ấy. Bao nhiêu năm sau chiến tranh nó vẫn còn mùi của đất cát hôm đó. Không thể tống nó ra chợ trời. Không thể xem nó như đống vụn. Cũng trong năm đó ta vẫn không quên người hàng xóm của ông. Ông Đường. Ông Đường sống ở Paris thời trẻ nghe dắt díu thế nào đó trở về xây dựng đất nước. Ông thất sủng, bị nghi ngờ bị triệu tập liên tục đến mức tóc ông xơ xác người gầy quắt lại không còn là một vận động viên xe đạp của các cuộc đua ở Pháp không còn da dẻ hồng hào cánh tay vồng lên trong áo không còn nụ cười tươi sáng làm lạc quan tràn ngập cả chung quanh. Như thời trẻ ông Phong từng quen biết. Tối. Mất điện. Loa phóng thanh báo tốc độ máy bay Mỹ lúc gần lúc xa. Thành phố lác đác người đi vỉa hè. Ông Đường bảo: Bác cho tôi mượn cái xe tôi đi mấy phút về ngay! Thời đó mượn xe đạp là cả vấn đề. Mượn xe vay tiền vay gạo phải là người nhà, người thân thiết mới được đáp ứng. Ông Phong nhìn người hàng xóm mà mỗi lần nói chuyện ông đều phải nhìn trước nhìn sau xem có công an đứng gần không. Công an theo sát những người như ông Đường… Ông Phong thấy không có ai mới bảo bác cứ lấy xe đi tôi cũng chưa cần lắm… Chiếc pha vô rít được dắt ra người đàn ông cao lòng khòng vẫn không mất hết vẻ hào hoa thuở trước dắt cái xe đạp trông đã quyến rũ. Ông Phong nhìn theo người và xe nghĩ số khổ sao lại về giữa thời buổi nhiễu nhương sau này yên hàn về đã sao?…

Thời gian trôi qua rất lâu. Đã hai lần báo động đã hai lần tên lửa quân ta bắn lên đỏ rực thành phố. Đã gần mười hai giờ đầu ông Phong thắt một nghĩ thôi cái xe như vậy chắc mất rồi. Ông ăn nói ra sao với vợ con đây? Ông ra đứng ở vỉa hè không còn chờ nữa thì ông Đường tay dắt xe đi thất thểu về. Ông Đường không bị bắt không va vào đâu… Ông Phong thấy như thế là rất được rất đáng để thở phào nhưng ông không nhận ra rằng mình mong ông Đường cũng như mong cái xe. Xe của bác đây!

Có chuyện gì hay sao? Ông tế nhị để người hàng xóm không cảm thấy mình bị trách. Ông Đường đứng một lúc bên nhà ông ấy rồi hỉ mũi rồi quệt mắt như một người vừa qua trận ốm. Ông Phong không tiện hỏi gì cho đến lúc ông Đường không kìm giữ được nữa. Ông nói với qua: vì cái xe của bác. Vì cái xe của bác mà tôi phải về. Tôi đã đứng trên thành cầu Long Biên. Tôi đứng từ tối. Tôi chỉ cần gieo mình một cái thì giờ này tôi đã được ra biển rồi. Yên thân tôi. Nhưng cái xe. Không có cái xe thì bác với các cháu khổ. Tôi gieo xuống thì trộm sẽ dắt cái xe đi tôi chết cũng không yên thân. Chết mà nghĩ gây khổ cho người khác thì không thể chết… Tôi cứ trách mình sao lại mượn xe của bác sao tôi không đi bộ. Từ đây ra đó đâu có xa sao tôi không đi bộ…

Mãi sau này ông Phong mới vỗ vỗ vào yên xe. Cám ơn mày nhá. Cứu một người tốt đấy… Loạn lạc qua thời buổi dần sáng sủa ông Đường có người bà con bên Pháp đón qua. Chia tay hai ông già còn nhắc đến cái đêm ấy. Nhờ có cái xe…

Thế mà bây giờ đứa nào như chơi xỏ ông. Lấy mất cái xe. Chắc bọn trẻ trâu bà ạ.

Ông cứ như trên trời rơi xuống. Bây giờ làm gì còn trẻ trâu ở cái vùng này? Người ta chỉ còn cuốc xới vớ vẩn. Đất chả rộng để trâu đi. Bọn trẻ vào thành phố đánh giày bán báo. Ông lại bảo trẻ trâu. Làm gì còn thanh bình thế hả ông?

Ôi mà cái xe của tôi nó biến đi đâu? Ông lại rên như ai cắt da.

Sau năm bảy hai đó bà lên đường đi B theo đoàn cán bộ dân chính. Bác sĩ đỡ đẻ cũng cần cho chiến trường. Thời nào chả phải đẻ? Cái xe đạp vốn thường đèo mì đèo gạo về nơi sơ tán cho lũ trẻ giờ đây còn một người đàn ông hai đứa con thơ, cái xe cũng như biết thân biết phận. Suốt từ đó đến khi xong việc ở miền Nam ông Phong chỉ thay săm lốp hai lần. Hai lần phân phối ưu tiên gia đình có người đi B. Năm ‘75 bà vác trong Nam ra cái xe có khung sơn xanh làm gia công hàng loạt bán cho cán bộ miền Bắc, đi ít lâu quăng vào xó vì đến cái vành bóp mạnh một cái cũng gẫy. Ông Phong cười sung sướng bảo cả nhà: cái pha vô rít vẫn nhất.

Mười năm tối tăm lần mò sau chiến tranh. Đến kỳ mở cửa. Thằng Bảo thằng Phương đi Tây đi Đông. Có vợ. Con cái. Rồi chẳng hiểu sao cả hai thằng đều ở tầng lớp tỉ phú. Công ty riêng. Làm ăn lên như diều. Ông bà chẳng hỏi cặn kẽ vì có hỏi cũng chả hiểu ra sao. Hai thằng đều ở Sài Gòn. Mỗi thằng gửi một đứa nhóc ra ở với ông bà cho vui. Chúng đi Bắc đi Nam như đi chợ. Sáng ở đầu này chiều ở đầu kia. Ăn gì có đấy. Nhưng ông vẫn không rời được cái xe đạp cổ lỗ. Sáng sáng ông giở ra lau cặn kẽ. Cũng là động tác thể thao thể dục rèn mắt rèn tay. Nhưng lúc nào cũng nhớ ơn cái xe đạp đã đi với mình suốt năm tháng ấy. Bao nhiêu chuyện để khóc để cười. Không thể nào quên được. Lũ nhóc đi học bằng xe máy mua cả trăm triệu nhìn ông ngồi lau xe đạp, cười chán chúng nó bảo nhau chắc ông lẩn thẩn. Gọi điện ra bố mẹ cũng bảo thôi ông lẩn thẩn kệ ông. Nhưng có thằng Phước con của Bảo, thằng Đức con của Phương nháy nhau bê cái xe của ông ra để ngoài cổng. Xem thử có trộm sắt vụn nào lấy đi không? Vậy mà sáng ra vẫn thấy cái xe lù lù ở đấy. Hai thằng cười rũ rồi bê xe vào cho ông… Ông lại tỉ mẩn lau. Phụ tùng thay thứ tốt nhưng vỏ vẫn là cái xe thuở ấy.

Thôi kệ ông!

*

Ông Phong đi tha thẩn khắp xóm ngoại ô này. Gặp ai ông cũng phàn nàn mất xe. Ai cũng cười. Thời buổi này mất cái xe đạp rách sao lại sầu não thế? Con cái triệu phú cả đi lại ở Sài Gòn bằng ô tô có ga ra lái xe riêng bố mất xe đạp mà như mất cái tàu bay. Rõ dở hơi!

Mấy ông bạn già cũng bảo: thôi mất đi cho nó nhẹ nợ. Ông để nhiều sức vào đấy làm gì! Thằng Phước thằng Đức cười hi hí gọi ông là cụ khốt mất cái hũ sành chả còn chỗ nào để chui. Bà Phong ái ngại lắc đầu: Ông đừng ủ rũ nữa người ta cười cho. Tôi thông cảm với ông là được rồi.

Chả ngờ ông chán ăn. Ăn ít rồi nằm khượt. Không ra ốm, chả buồn bã mà người cứ như mệt thỉu. Ông bạn bác sĩ thời chiến tranh rồi sang thời hậu chiến đã từng chia nhau từ nửa cái bánh mì đến thăm. Thôi dậy đi chứ cậu nằm thế ốm thật cho coi. Nhưng thương cái xe đạp ít thương mình thì nhiều. Ông Phong nói như tiếng thở dài. Cái gì mình quý mình tin yêu cứ lần lượt đi mất. Mình chả giữ được gì. Chán thật?

Thì có phải mình ông buồn đâu. Nhưng chúng ta xong việc rồi. Khỏe cho con cháu nó lo tương lai. Ngồi mà tiếc thằng nào nó thương…

Nhưng ông Phong vẫn không ngồi dậy. Rồi ốm thật. Bà Phong cứ lang thang ra chỗ ông mất xe. Cự nhe răng cười: cái đồ rách rưới ấy mà tiếc mãi ư? Các cụ buồn cười nhỉ? Thôi để con bảo chúng nó tìm cho. Chắc thằng nào nghịch thôi. Nghe vậy bà Phong không tin. Cái bọn trẻ ranh có thông cảm với ai bao giờ!

*

Bảo đang đi hội thảo chuyên ngành ở Singapore. Điện thoại từ nhà sang: ông ốm. Do mất cái xe đạp!

Gì chứ mất xe đạp là không ổn rồi. Công việc như chong chóng nhưng đôi khi ngồi một mình lại nghĩ đến bố. Cái hôm mang ba lô tí xíu đi bên cái xe đạp – Đêm chiến tranh – Bây giờ hơn bốn chục tuổi làm gì phải làm phải đâu quên được những chuyện ấy? Anh thu xếp bay về Sài Gòn. Bay ra Hà Nội. Buổi chiều đã thấy thằng con đi đón bằng xe máy. Thằng cu chưa đầy mười bảy tuổi cao lừng lững vì ăn uống dư thừa vì thể thao, nói giọng ồ ồ. Bố mà không ra chúng con không biết xoay xở ra sao. Ông không ăn uống gì…

Bảo không về nhà vội – Anh chạy tới cái hàng rào sắt bao khu đất bỏ không. Cỏ mọc như thảo nguyên mênh mông ngăn hẳn thị trấn với con đường cao tốc đang xây dựng. Ba bốn năm rồi đi đi về về càng ngày càng thấy cỏ mọc cao hơn. Đứng ngang đầu người mà nhà đầu tư mua đất xong để đấy phí hoài. Nhưng việc của người ta mình chả tội gì tiếc hộ. Bảo nghĩ ngợi theo kiểu những người đang đóng vai ông chủ nắm các dự án khổng lồ tiền vào tiền ra tính hàng mười chữ số chứ không mon men ở số năm số bảy. Việc của anh cũng đầy cái có lý đầy cái vô lý. Như cái xe đạp của bố, vừa có lý vừa vô lý mình biết thế nhưng cũng phải chiều.

Bảo và Cư biết nhau từ lâu. Cùng là dân thị trấn ven thị. Người giàu người nghèo. Đầy mặc cảm. Nhưng nhìn thấy Bảo, Cư chạy ra như gặp bạn: về chuyện cái xe đạp hả?

Còn chuyện gì nữa ông. Chả thế đang hội thảo tận Singapore mà phải mò về đây. Tiền nong tốn kém. Dùng tiền ấy mua được mấy chục cái xe đạp. Ông tính toán xem nào!

Cư ngớ ra rồi bật dậy như giật mình: Quái lạ. Sao ông già nhà ông dở đến thế? Tiền tiền thế mà không biết. Ấy, tôi ra tìm cái xe nhưng phải bảo bất chợt ra có việc thôi. Chứ bảo ra vì cái xe cụ lại ốm thêm. Khổ thế, sợ tốn mà. Này, xem đứa nào đùa dai bảo hộ tôi với. Cụ ốm nặng thì khổ. Xin ông giúp cho…

Cư thọc tay túi quần mặt hất hất về phía cái lán cánh lái xe ủi làm đường cao tốc dùng nghỉ trưa. Chung quanh đất đỏ trơ trụi, cái lán che cót ép gợi nhớ đến thời công nhân mở đường miền ngược. Cư bảo ở đấy có mấy thằng nó ngắm cái xe của cụ từ lâu. Nó vác để trong lán đấy chưa dám vứt đi. Thấy cụ yêu xe như yêu con nó chưa nỡ đùa ác. Mang cho bọn nó chai rượu bình dân xem như thỏa thuận vui vẻ. Đừng cau có gì chúng nó chối lại không tìm được cái xe…

Cánh lái xe ủi cười rầm rầm khi thấy một ông đường bệ cắp cái cặp trong đựng chai rượu và ít bánh trái đến phân trần vì cái xe đạp. Bảo ngồi bệt giữa đám thợ rồi vân vi về cái xe. Một người trong đám thợ vẻ chín chắn hiểu sự việc bảo cả bọn: thôi từ giờ đừng có đùa như thế! Tao đã bảo mà!

Khi mấy ông thợ trẻ lại sau thùng phuy nước bỏ cái chiếu ra để lôi cái xe đạp, Bảo thực sự xúc động. Chưa lúc nào thấy mình mừng rỡ xốn xang đến như thế. Vậy là giúp được bố rồi!

Anh rối rít ơn huệ với cánh thợ một lúc rồi nhảy lên cái xe đạp vèo vèo. Trông cái xe như vật ở bảo tàng nhưng tốt thật. Chả trách cụ càng yêu. Bảo quên hẳn vai trò một nhà hoạch định các dự án, một ông chủ đầu tư lớn có tiếng trong khu vực. Lúc này chỉ còn là thằng cu Bảo giống như cái đêm bom đạn năm bảy hai đi cùng bố. Cái xe chỉ cũ đi chứ không già nua. Bố thì bảo bố vừa cũ vừa già nua. Đời người không bền được như cái bát cái thìa như cái mảnh sành ném ở góc sân. Bố thường nói vậy. Mỗi lần nghe bố nói tim Bảo đau như thắt. Chỉ những khi như thế này Bảo mới nghĩ rằng chắc bố sẽ chồm dậy như cái hôm nào ôm lấy Bảo nhắc lên xe đạp chạy khỏi vùng đầy hố bom…

Lê Minh Khuê 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Chín 20239:20 SA(Xem: 1291)
Ông kéo tay bà chỉ đàn chim đang khuất dần trong mây “Bà nhìn thấy không... Nhàn trắng lại bay về...”.l
09 Tháng Chín 202310:34 SA(Xem: 1328)
Có người nhìn thấy cô ta leo qua thành cầu, bước theo tay vịn đi lần ra xa.
02 Tháng Chín 202310:14 SA(Xem: 1502)
Sáng nào, nếu trời không mưa, bà Hai cũng vắt cái khăn rằn lên vai, chụp cái nón lá đã tưa vành lên đầu,
26 Tháng Tám 202310:03 SA(Xem: 1526)
Có một chi tiết mà tôi nhớ mãi khi đọc lịch sử. Mỗi khi người Tầu xâm chiếm nước ta họ thường bắt các vương triều của ta giao nộp người tài.
23 Tháng Tám 20235:48 CH(Xem: 1399)
Có những người trai thương gái quan niệm tình yêu một cách kỳ lạ lắm: yêu, nhưng mà đòi hỏi người yêu phải đẹp bất cứ phương diện nào: nói phải đẹp, cười phải đẹp, ăn phải đẹp.
22 Tháng Tám 20235:35 CH(Xem: 1557)
Chỉ một góc trăng thôi, nhợt nhạt soi mái tóc nàng đổ dài xuống lưng, tràn trên đôi cánh tay gầy guộc, hư hao...
22 Tháng Tám 20232:16 CH(Xem: 1439)
Bát không phải tên cụ, Bát chỉ là bậc thứ tám trong cái thang phẩm hàm chín bậc của triều đình.
16 Tháng Tám 20236:00 CH(Xem: 1532)
Cây mọc bờ sông vách núi, là thiên nhiên; cây trong chậu là một tác phẩm nghệ thuật.
09 Tháng Tám 202310:10 SA(Xem: 1563)
Mừng em về nơi an bình, tuy chị xót xa hết sức khi mãi mãi xa em,
02 Tháng Tám 20235:05 CH(Xem: 1884)
Tôi muốn kể chuyện dâu bể của xóm tôi.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,