LÊ MINH KHUÊ - Ngày còn dài

01 Tháng Sáu 201612:00 SA(Xem: 5614)
LÊ MINH KHUÊ - Ngày còn dài

 

Ông lại mò ra làm gì. Gió độc nó vặn cho méo mồm thì cả xóm lại phê phán nhà con giáp tường mà vô cảm không có tinh thần cộng đồng. Ông vào đi cho bà con nhờ! 

Thụy vừa đùa vừa thật. Tứ, em trai Thụy đứng nhìn, mặt lầm lì không hiểu nghĩ gì. Thụy đỡ tay ông hàng xóm chưa đến sáu mươi mà hom hem, chậm chạp. Thì ngày xưa có gì ăn uống đâu mà chả giòn xương bạc tóc sớm hả cậu? Ông thì chỉ được cái chịu đựng là giỏi. Thôi vào nằm đi! 

Thụy lên xe máy phóng cái vèo qua con ngõ dài. Ông Bản đi nằm. Từ cửa sổ nhà ông có thể nhìn thấy Tứ đi lại như kẻ nhàn rỗi đáng nghi. Ánh sáng rọi hiếm hoi từ trần xuống nền xi-măng nhà cấp bốn của ông. Cái ánh sáng như trời xanh cao vút rọi xuống đời ông làm ông như có cứu rỗi mà níu vào. 

Ông ở bệnh viện về đã hai hôm. Một cơn chóng mặt tuổi già. Có vẻ mọi thứ đã tới hồi kết rồi. Trên cái bàn thấp là đống cam, táo, đường sữa... Hàng xóm tới thăm chiếu lệ thời kinh tế thị trường không cảm xúc nhưng vật chất đậm tay. Các thứ quà nhìn đã thấy ghê. Ông chỉ cần bát cháo đậu xanh nấu thật nhừ cho đường trắng. Nhưng chẳng nhẽ lại nhờ anh em thằng Thụy? 

Xóm này trước kia là dãy nhà tập thể cấp bốn. Mưa. Nắng. Mất điện. Nước chảy trong đường ống ra có cả rêu cả giun ngoe nguẩy. Con người thời đó chia sẻ sống chết rồi cùng lận đận chẳng kêu than. Bây giờ đâu còn như thế. Các nhà ngày trước liền vách cót ép đã lên bốn năm tầng. Thậm chí nhà đầu ngõ lên bảy tầng có thang máy. Nhà siêu mỏng hai mét bề ngang của ông già bảo vệ khi là cấp bốn trông lại vững giờ bốn tầng hai mét ngang ngất ngưởng nhìn đã thấy run... Cái sự ý thức về chỗ ở riêng bùng dậy như bản năng trong mỗi con người. Chỉ có ông Bản là chưa. Ông duy nhất trong cả dãy nhà chưa có nhà cao tầng. Hai bên hai cái tường nhà năm tầng. Mái ngói cũ của nhà ông Bản xỉn đen. Ông và cái nhà cấp bốn làm từ những năm sáu mươi thế kỷ trước là vật cổ lỗ của cả dãy phố dài. 

Ông Bản không nghèo. Ông có lương hưu. Thằng con nuôi của ông ở bên Đức. Cái xứ xa lắc ấy giờ đây nghe nói người Việt buôn bán tưng bừng như chợ Hàng Bè. Làng thằng Thụy ở miền trung tận vùng sơn cước mà dân số của làng lên tới hai trăm người bên Đức. Thằng con ông lấy một cô tóc vàng người vùng Nam Tư cũ chạy tị nạn chiến tranh sắc tộc. Có vợ da trắng tóc vàng xem như vợ đầm. Oai nhất khu này. Trước kia nó gửi đô gửi Ơ cho ông tiêu. Một năm nay thấy gửi tiền Việt. Nó gửi tiền. Gửi luôn ước vọng cháy bỏng. Bố để nguyên miếng đất đó khi nào về con làm nhà. Vợ con là vợ gá nghĩa lạnh lẽo xứ người sưởi ấm tạm lòng nhau thôi. Con muốn lúc nào "rầm hào" đưa nó về Việt Nam. Nó không về, con về một mình. Bố đừng bán. Chung quanh nó ép mình chiều cao nhưng khí trời nó làm sao hút hết của bố được? 

Thụy đọc thư thằng con ông Bản. Nó cười khùng khục. Giỏi thật, khí trời ai lấy được của ai. Thằng này khôn hơn loài chuột. Nó tính thế ông chạy đằng trời. Lúc đó Tứ cũng đứng bên liếc nhìn cái thư. Nhìn phong bì thư. Lẳng lặng bỏ đi. 

Tứ ở tít tầng năm. Tầng ba tầng bốn dành cho vợ chồng Thụy. Tầng dưới tầng hai của chung. Thụy cao hơn mét bảy gù gù như gấu mặc áo phông quần bò lửng tới gối rách te tua ở gấu. Cô vợ suốt ngày đi quản lý quán ăn trên phố, cô vợ sành sỏi đeo túi da, giày cao 12 phân nhọn hoắt đi qua ông Bản như qua bức tường không mảy may động lòng động mắt. Thời cha mẹ Thụy còn sống ông Bản cùng trang lứa với họ coi thằng Thụy thằng Tứ như lũ nhóc giàu tình cảm. Ông không biết cô dâu này gốc gác ở đâu có vẻ ít chữ nhiều tiền. Thằng Thụy có thời sang Hàn Quốc quen cô này cùng làm ăn bên đó đưa về cưới xin rùm beng. Thụy bảo người Hàn yêu nước ra mặt. Có thế họ mới lột vòng lột nhẫn hỗ trợ kinh tế quốc gia. Phải không ông? 

Thụy nhiều lần bàn với ông Bản bán quách miếng đất này giờ gần hai tỷ chứ ít à? Rồi về quê gá với cô nào độ hơn ba mươi, tươm chán. Tiền đất của thằng con ông thì gửi ngân hàng. Nó làm gì được ông? 

- Không cậu ạ. Lời hứa với con cái không đùa được. 

- Ông khổ là đúng rồi. Thời buổi chả còn ai nói lời thanh lịch, ông cứ nhỏ nhẻ như bà lão hết hơi, khổ là cái chắc! 

Ông Bản vẫn ốm. Càng ngày càng thấy mình yếu ớt, vô dụng. Trận mưa đêm đó đổ như cái thác xuống căn nhà cấp bốn của ông. Thụy và Tứ đi ủng lội oàm oạp đòi cõng ông sang nhà năm tầng nhưng ông bảo tôi nằm trên cái bàn này thôi. Ông leo lên bàn lập cập như trẻ lên ba làm Thụy lại cười. Đã bảo ông rồi. Không thì ông bán quách một nửa đất, nửa kia làm cái nhà hai tầng ở tạm chứ vài đêm như đêm nay ông lại chả đi Văn Điển chơi với các cụ nhà tôi!

 Không! Tôi hứa với nó rồi, tôi giữ nguyên cái miếng bốn chục mét này nó về làm nhà kiểu gì cũng ngon.

 Anh em Thụy ngồi với ông Bản một lúc. Thụy nói chuyện với thằng em và ông Bản. Đấy, ngày chúng tôi còn nhỏ, tất cả mọi nhà ở cái ngõ này sang nhà nhau xin diêm xin muối, giờ thì cửa sắt ngoài cửa gỗ trong im ỉm, nhờ cái gì bấm chuông chán mới có người ra mở, mặt mày cau có khó chịu vì chạy từ tầng trên xuống. Tôi đố ông sang nhà ai bây giờ đấy! Người ta đóng băng đá trên mặt đón ông ngay. 

- Thì lúc giàu nó phải khác chứ cậu! 

Giàu kiểu này mới chết. Chưa làm gì ra của cải cho trời đất mà nhà cao xe hơi xe máy xịn cứ chóng mặt. Tiền ở đâu hả ông? Tất cả là tiền phần trăm, tiền dự án, tiền lại quả, tiền họp, tiền quà... đúng luật không phạm pháp. Nhà tôi cũng có của ông già để lại. Nhà nào cũng có. Nên tháng này tôi nhất định giúp ông tìm người mua nửa miếng đất rồi làm nhà cho ông một nửa. Ông cũng phải sống cho ra sống chứ. 

Ông Bản hoảng hồn thõng chân xuống nước: 

- Xin hai cậu, xin hai anh em. Tôi đã hứa với nó rồi. Lời hứa với con cái mà cậu! 

Tứ lẳng lặng khỏa đôi ủng vào nước đã dềnh khắp nhà ông Bản. Con nuôi ông Bản sống ở quê. Khi vào đại học mới lên ở với ông nên anh em Thụy không mặn mà mấy với cái thằng mặt tái ngắt môi mỏng dính tai như miếng mộc nhĩ áp vào hai bên đầu. Tướng vô hậu. Nó học một ngành vớ vẩn rồi sang Đức buôn bán. Chả bao giờ chào hỏi ai nên không có quan hệ xóm giềng. Nhưng ông Bản say sưa trò chuyện về nó với bất cứ ai ông gặp khi đi dạo buổi sáng buổi chiều. Nó đến nhà ông thật cứ như trời cho. Làng những năm cuối sáu mươi vui thì vui thật nhưng đói ngao đói ngán. Đứt bữa quen đi, người ta chỉ mong có cơm gạo hẩm ăn với mắm cáy. Cái thằng cún con kia còn bé tí. Nó đeo cái bị, hai lỗ mũi hai dòng nước xanh lè chảy đến đâu nó liếm rồi sụt vào đến đấy. Nó đến cửa nhà ông khóc tức tưởi lạc mất mẹ ở chợ rồi. Trông thằng bé như con chó con bị vứt xuống nước giữa trời tháng chạp đại hàn. Ông Bản đã đi làm cán bộ trên huyện về nghỉ chủ nhật thấy thằng bé không muốn quay đi dù vợ ông cứ xùy nó. Ông bảo vợ, thôi cứ cho nó ở đây vài ngày rồi xem có ai tìm thì giả người ta. Chứ giờ thả ra nó chết mất. Vợ chồng mình không con cái... 

Mấy tháng sau ông đi khai sinh tên cho nó là thằng Vị. Bản với Vị nghe nó vần chứ nghĩa lý thế nào ông chẳng biết. Chính thức nhận con nuôi khi nó bảy tuổi. Vợ ông ở nhà quê chăm bố mẹ già. Nuôi con lớn phổng. Thật là trời thương cho trẻ tới nhà. 

Ông cho nó vào đại học. Tốt nghiệp, thằng con ông đi chui sang Đức vào chợ Hàng Bè bên đó nghe ra lại hợp với nó... Ông cứ rỉ rả kể với bất kỳ ai ông gặp, kể với cả thằng Tứ em thằng Thụy. Thằng Tứ thỉnh thoảng biến đi đâu vài tháng chắc làm ăn đâu đó. Cái nết im lìm bí hiểm của nó khác hẳn nết sôi nổi của thằng anh. Hai đứa hàng xóm sát tường là những sinh thể sinh động nhất mà ông được trông thấy hằng ngày. Cái ngõ toàn nhà cao cửa kín một thời nào mò mẫm cùng nhau bây giờ tách biệt. Ông thấy càng ngày càng yếu. Thêm hai cái răng cửa rụng, miệng ông trống hoác như miệng mượn. Ông chả muốn đi viện nữa. Ông nằm thừ cả ngày với chứng đau khớp và kiệt sức. 

Buổi sáng Tứ qua chỗ ông đứng bên giường nhìn rồi hỏi ông ăn gì không? Ông lắc đầu xua tay bảo nó đi, rồi quay mặt vào trong. Cái thằng lầm lì thế mà tình cảm. Ông chỉ lơ mơ thấy khuôn mặt thằng Vị ở đâu đó rồi ông thiếp đi. Ông thiếp đi thời gian bao lâu không biết vì vợ chồng Thụy đi cả ngày, Tứ cũng không thấy sang. Trong giấc mơ ông thấy Vị thật. Đứa con nuôi ông yêu như giọt máu thật sự giá như phải xẻ thịt cho nó sống ông cũng ừ. Vị đứng tần ngần bên giường bố. Nó vẫn như ông nhớ, người mảnh lông mày thưa môi mỏng tai mỏng. Ông thều thào: Bao giờ mày về hả con? 

Ông tỉnh lại đi! Thằng Vị đây chứ không mơ đâu! 

Hình như có sự giằng co lôi kéo ở ngay cạnh giường ông. Thằng Vị nói the thé. Ông thương nó nhưng không thương nổi cái giọng như bị bỏ thủy tinh vụn vào, nghe the thé kiểu đàn ông có vấn đề về của quý. Vị giằng tay thằng Thụy thằng Tứ. Bây giờ ông Bản tỉnh hẳn. Nhìn thấy hẳn hoi. Vị hét: Thì tôi về đây rồi còn gì, các ông cứ làm như tôi chạy lên trời ấy. Thả ra! 

Thụy hầm hầm. Ông cứ ca bài ca con cái mãi đi. Thằng Tứ nhà tôi nó phát hiện con ông mấy lần lượn lờ quanh nhà mà ông cứ bảo bên Đức. Nó về từ thời tám hoánh sống với con phò già ở dưới tỉnh H. Buôn bán phát đạt. 

Ông Bản không tin. Ông nhổm dậy xem mình có mơ không. Ông nắm lấy tay thằng Tứ lúc nó đứng gần. Tay nó gân guốc cứng như sắt nguội. Có lần Thụy bảo Tứ là thợ sửa xe máy. Ông biết là mình không mơ. Tiếng ông lào phào từ sau hai cái răng cửa rụng: Sao lại thế hả con? 

Thụy to lớn, đi lại trông rất dữ, vừa hầm hừ vai gồ lên càng giống con gấu. Thụy lạc giọng bảo nó không nói đâu, nói ra sợ cứng lưỡi vì đê tiện thế ai mà tin được. Nó chỉ nói với thằng Tứ vì thằng Tứ bóp cổ nó. Thằng Tứ rình mãi mới biết nó ở đâu ông ạ. 

- Sao lại thế hả con? 

- Nó về vì miếng đất của ông. Thấy ông ốm yếu, nó sợ phải săn sóc ông. Nó lượn quanh nhà gửi tiền ông tiêu vặt, nhưng nó chờ ông chết, ma chay xong nó mới ra mặt. Đấy. Đơn giản thế thôi. Có đứa nào nó thích đổ bô. Rồi nay viện này mai viện kia. Nó trốn tỉnh khác. Nó khôn hơn loài chuột. Nó chờ "vô cùng thương tiếc" ông xong nó xuất hiện. Nó làm nhà, nó mua ô-tô, nó mở nhà hàng ngoài phố. Đời nó lên tiên. Ông làm gì được nó! 

Ông Bản há hốc cái miệng đã mất hết răng cửa, mắt quắc lên nhìn thằng Vị một lát, rồi lần đầu tiên trong cuộc đời nhẫn nhịn hiền lành ông quát lên: 

- Cút ngay! 

Anh em Thụy từ căn nhà năm tầng của mình đi ra. Kéo xe máy xong Thụy nhìn sang căn nhà cấp bốn duy nhất trong ngõ chưa lên tầng. Ông Bản ngồi ngoài cửa. Mùi ẩm mốc trong nhà đã bớt đi vì Tứ bắt thằng Vị trần ra một ngày cùng với thợ trát, trét, quét lau, mở cửa sổ sửa nhà vệ sinh cho bố. Tứ cao lớn hơn thằng Vị, có thế hơn vì cả ngõ xóm này là nhà của Tứ từ nhỏ. Tứ lầm lì nói rít qua kẽ răng: Mày thu dọn đồ đạc xong thì về đây ngay. Nếu mày chậm bọn tao sẽ gọi người mua nửa đất làm nhà cho ông một nửa. Một nửa đó là tiền đưa cho mày, còn nửa làm nhà sau này ông "thăng" thì gửi về quê. Bà mất rồi nhưng còn hàng xóm họ hàng một đồng họ cũng quý. Cho mày suy nghĩ? Báo công an phường rồi. Nghĩ đi. 

Thằng Vị cúi mặt, đi không dám nói lại nửa lời. 

Ông Bản nhìn anh em Thụy, gật đầu chào họ. Ông sảng khoái ra vì nhà cửa sạch sẽ, vì thằng Vị sẽ về nay mai. Thôi thì... nó vẫn là con. Làm sao chối bỏ được. Có những thằng như nó nhưng lại có những thằng như Thụy như Tứ... 

Có thế người ta mới sống được.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 7602)
Ánh nắng buổi chiều nhàn nhạt hắt lên những bức tường xám dọc hai bên phố ở Bờ Tây, khu phố của người Palestine
07 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 9095)
Mí quyết định ưng người đàn ông xứ lạ. Lục không hiểu. Mới mấy hôm trước, nghe Lục bàn kế hoạch đi làm kiếm tiền gởi về trả nợ cho ba má,
02 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8918)
Khách sạn gần như ngủ say khi tôi trở về. Ở sảnh, chỉ còn một người tiếp tân đang chăm chú chơi trò đố chữ trên tờ báo trải rộng trước mặt.
29 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 7953)
Cửa xe taxi bật mở trước cổng bệnh viện. Một con bé mặt non choẹt, lóng ngóng ẳm đứa bé còn đỏ hỏn bước vào. Anh nén tiếng thở dài, đánh lái
20 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8901)
Cũng chính con Bướm lạ này đã đi theo cháu Chương vài lần nữa mỗi khi Chương ra xa bờ! Và từ đó Chương tin là Bà nội vẫn thương Chương
17 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8775)
Suốt mấy ngày ở Ấn Độ, tôi chẳng biết làm gì. Chuyến phượt như nước đổ lá khoai. Nước người ta rộng lớn quá.
13 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 9902)
Ngày mợ mới về nhà cậu Thị. Người mẹ có bảy tám nếp nhăn trên trán của Đĩnh lắc đầu.
09 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 9075)
Buổi sáng tinh mơ, khi còn cuộn mình trong chăn, tôi và anh vẫn có thói quen trò chuyện rất lâu về kí ức. Anh, đắm đuối nổi nênh mãi với vùng chiêm trũng đất chật người đông
28 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 8222)
không có gì phải vội vã khi nó là quyển sách duy-nhất của cuộc đời. và, tuyệt nhiên không cần phải vội vã khi chẳng có dòng sông nào (có thể) cưỡng nổi một đại dương.
25 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 7891)
Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, tôi đã là một đứa con gái mù. Có lẽ do suốt thời gian mang thai tôi, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11062)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,