NGUYỄN NHÃ TIÊN - Đêm trôi cùng sông Hương

22 Tháng Mười 20169:59 SA(Xem: 4628)
NGUYỄN NHÃ TIÊN - Đêm trôi cùng sông Hương
Không biết phải chèo thuyền lên tận thượng nguồn, hay là xuôi xuống vùng hạ lưu, hoặc là neo thuyền vào cái bến bờ nào đó trên dòng sông Hương, để tôi nhìn ra, ngắm ra thế nào là “sông dài như kiếm…” như người xưa từng khảm khắc thơ mình vào sông nước này! Tôi chẳng còn nhớ nỗi mình đã từng bao lần xuôi ngược thuyền trên sông Hương, cái dòng sông mà dường như khai sinh ra trên đất đai này là để thể hiện rõ niềm ưu tư của Huế qua thời gian bằng chính sự trôi chảy của mình. Chỉ có điều, thường là lần nào tôi cũng bị cám dỗ bởi những lối quen mòn nhẵn êm ru trên những chiếc thuyền máy, kiểu sức dáng rồng dáng phượng, lấp lánh hoa đèn bềnh bồng trên sông, thi thoảng còn có những đêm được no say bao làn điệu ca Huế. Nhưng lần này thì anh bạn văn nghệ cùng tham gia cổ ngoạn Huế với tôi đưa ra cái sáng kiến khá liều lĩnh: “- Thuê một con đò nhỏ rồi bọn mình tự chèo lấy ông ạ, cái cảm giác vừa đẩy nhịp mái chèo vừa hò trên sông Hương ông đà trải qua lần nào chưa?” Quả là tôi chưa từng như thế bao giờ. Chẳng hiểu được bao lần kinh nghiệm mà anh bạn tôi lại tiếp tục rao giảng cái thú chèo thuyền trên sông đêm. “Nhất là giữa mùa trăng, chèo thuyền trên sông Hương có khi còn như được lạc vào cả… cổ tích!” Những “Trường Giang như kiếm lập thanh thiên,” những “Hương Giang nhất phiến nguyệt.” (*) Còn bao nhiêu bài thơ của các thi sĩ thiên tài đã từng qua đây, khắc trên dòng nước huyền nhiệm này vĩnh hằng tiếng thơ vang hưởng giữa lòng Huế như một tuyên ngôn của cái đẹp vẹn toàn!

Mặc dù đã thoả thuận với người chủ con đò xin được tự lái con thuyền, nhưng đến khi tôi đứng vào phía lái, ông vẫn chưa yên lòng “- Này, anh có chắc lái thuyền được không đấy hỉ?”  “-Bác cứ yên tâm, chúng cháu đã từng lái thuyền máy cưỡi sóng biển Cửa Đại rồi vòng về Hội An, so với biển bao la thì con sông cỏn con này có là gì.” Cho dù có nghe tôi ba hoa ngất trời về cái tài chèo lái con thuyền, nhưng để đảm bảo an toàn phòng những lúc bất trắc, người chủ con đò vẫn một mực canh cánh ngồi cạnh bên tay lái. Từ đằng mũi, bạn tôi ra vẻ vững chãi tay bơi, đã chống cây sào đẩy mạnh con thuyền rời khỏi bến. Thú thật là tôi cũng chẳng giỏi giang gì cho lắm chuyện sông nước, nhưng đã nhiều chuyến đi như thế này, kể ra thì sông có biển có, tập tành riết rồi cũng đâm ra dạn dĩ. Thuyền chúng tôi đã ra giữa dòng. Trăng trên sông Hương đúng là danh bất hư truyền, một thứ ánh sáng có khả năng cám dỗ mọi tâm hồn thăng hoa bay bổng. Thi thoảng, vài chiếc thuyền máy chở khách du lịch lướt qua thuyền chúng tôi, thả lại mênh mang tiếng đàn tranh và tiếng ca Huế mơ hồ tan vào xa vắng. Nếu như bảo rằng, có một thế giới mà ở đó cả hiện thực và hoang đường tưởng chừng như cứ xoắn vào nhau cám dỗ bước chân con người bước đi hoan lạc qua những mê lộ, thì chèo thuyền rong chơi trên sông Hương dưới ánh trăng vằng vặc như thế này, ta có thể tận hưởng những khoảnh khắc kỳ diệu từ thế giới ấy ban phát.

Thuyền đã qua khỏi cầu Bạch Hổ, và chúng tôi tiếp tục hướng về phía Kim Long. Ở vị trí bơi mũi, người bạn tôi có lẽ đang say sưa cùng nhịp dầm một cách khoan thai và cũng rất điệu nghệ. Anh là một nhà giáo mà tôi thường bảo: “đâu tự thời xưa còn sót lại!" Thời xưa không phải là thời lãng mạn theo kiểu “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá.” Được thế thì chẳng có gì để nói, mà là thời xưa hết sức khuôn thước mẩu mực của một vị thầy đứng trên bục giảng rất chi là nghiêm khắc. Vậy mà sông Hương Huế, trăng Huế đã biến cái nhà giáo nghiêm khắc ấy thành một nghệ sĩ tự lúc nào. ”Hơ… ơ! Chợ Đông Ba đem ra ngoài Vại. Cầu Tràng Tiền đúc lại xi moong. Hỡi người lỡ hội chồng con. Vô đây gá nghĩa cho tròn... bạn ơi!” Vừa đưa từng nhịp dầm bơi, cái con người “thời xưa” của tôi vừa cất giọng hò mấy câu ca Huế cũng rất chi là… ngày xưa! Đúng sai nhường nào tôi không nhớ rõ, nhưng có lẽ những câu hò ấy giờ đây cũng đã thưa thớt trên những đôi môi mọng đỏ của thời hiện đại bây giờ. Dăm ba cuộc trình diễn thì kể mà gì. Bỗng dưng không hiểu nguồn cảm hứng từ anh bạn của tôi truyền sang hay từ ánh sáng của trăng ban phát đã khiến tôi, cho dù… dốt ca Huế cũng cố gân cổ lên mà “hò… ơ… sông Hương sóng dậy khuynh thành. Nửa đêm một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng.” Mà nào phải gì tôi và anh bạn của mình không đâu, dưới thứ ánh sáng huyền hoặc vung vãi đầy sông kia, tưởng chạm vào đâu nơi đấy cũng đều có khả năng trở thành mầu nhiệm! Chạm vào sông trôi, mặt nước đầy ngọc khoáng nhấp nhô. Chạm vào cây cỏ, cây cỏ xôn xao những vọng ảnh. Chạm vào thành quách lặng im, một lặng im mà có sức lan tỏa vào con người ngàn ngàn tiếng gọi câm. Đi thuyền trên sông Hương giữa một đêm trăng đẹp mê hồn mà mọi cảm xúc chai lì không lên tiếng, họa chỉ có những hình nhân… rô bốt. Ai nhìn sự vật vô hồn thì cứ ngụp lặn cùng sông này để kiểm chứng lại cái nhãn quan xương thịt của mình. Cuộc đời đang từng ngày từng giờ tốc độ đến mức cái gì cũng thành siêu: siêu nhảy nhót, siêu tốc, siêu nhanh, siêu… mì ăn liền. Còn con sông thì cứ mặc, chảy lượn lờ đủng đa đủng đỉnh phớt lờ mọi thứ vội vã ấy. Lúc còn sinh thời, không biết anh Thu Bồn đã bao lần “Bởi vì anh dắt em lên ngôi đền cổ,” để rồi trái tim thi sĩ vạm vỡ và đa tình ấy, ngộ ra một điều mà không phải “con mắt trần gian” nào cũng nhìn ra, thấy ra “Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.” Thì ra, con sông Hương ngày ngày chảy ra cửa biển Thuận An là con sông của địa lý, còn con sông Hương “dùng dằng, không chảy,” hay nói cách khác hơn, là con sông biết chảy vào tâm hồn con người, chảy vào và lưu lại ở đấy miên viễn một tình yêu với Huế, dù cho thời gian dâu bể cũng khó lòng bồi lấp hoặc là tước đoạt lấy đi mất. Cố nhiên là mỗi một tâm hồn sẽ nhận về cho mình một dòng chảy riêng, một ký ức riêng.

Tôi lại chợt nhớ có một đêm đắm đuối cùng Huế cách nay cũng đã gần hai mươi năm. Lần ấy, Huế chiêu đãi anh em đoàn chúng tôi một bữa tiệc ca Huế đáng nhớ thủa nhớ đời! Giả dụ như đêm ấy, chúng tôi được nghe ca Huế tại một hội trường hay một sân khấu nào đó, chứ không phải đi trên thuyền rồng khơi vơi trôi cùng sông Hương thì nỗi nhớ buổi chia tay lần ấy có thể đã vơi đi ít nhiều. Nhưng dòng sông mộng mơ của Huế luôn dự phần những đêm như thế. Và đấy mới là vang hưởng, là “sóng dậy khuynh thành” chuyển tải mọi lời ca tiếng hát kia sâu lắng giữa lòng người. Đã bao lần Festival Huế, hội hè Huế mở ra, là bấy nhiêu lần nhan sắc dòng sông bất chấp cái quy luật khắc nghiệt già cỗi sông cạn đá mòn của thời gian để mỗi ngày đẹp thêm ra, trẻ thêm ra trong con mắt thưởng ngoạn của người muôn phương hội tụ về Huế. Lần ấy chúng tôi đến Huế là ăn nhờ vào cái Giải thi truyện ngắn của tạp chí sông Hương, nhân ngày Tổng kết giải. Sau buổi chiều dự tiệc chiêu đãi do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mời, nhà văn Nguyễn Quang Hà (lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương) thông báo với đoàn chúng tôi: “19giờ30 tối nay mời tất cả các anh chị nghe ca Huế trên sông Hương.” Thú thật là, hình như vào lúc đó tất cả chúng tôi đều có chút men nên chỉ nghe loáng thoáng cái địa điểm lên thuyền ở bến số 5 hay 15 gì đấy. Đến chiều tối chúng tôi kéo nhau ra bến sông ngồi chờ. Không thấy thuyền rồng nào hết. 19giờ30 rồi 20giờ30, bến vẫn vắng hoe. Đến lúc đó nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn mới phấp phỏng hỏi như là hỏi… gió: “-Hay là chúng mình đã đón sai điểm hẹn.” Nghe vậy ai cũng nhìn nhau và lầm thầm: “Có thể lắm, chứ ai đời Huế sai hẹn, nhất là anh em văn nghệ ở khắp nơi kéo về Huế như thế này.” Dò hỏi ra mới biết, cách chỗ bến chúng tôi đang đợi độ 500 mét còn một bến khác. Vậy là tất cả quay lại đường Lê Lợi đi dọc lên, hân hoan như những người yêu đi tìm… người yêu! Nhưng khi vừa đến nơi thì hay tin: vì đợi chúng tôi quá lâu nên thuyền đã chạy rồi. Thì ra đêm ấy chương trình ca Huể trên thuyền rồng phục vụ khách, ngoài chúng tôi ra còn có cả đoàn của Quốc hội đang công tác tại Huế. Vẫn anh Đào Thái Tôn là người ứng xử nhanh nhẹn nhất, anh hỏi thuê ngay một chiếc đò chở chúng tôi đuổi theo chiếc thuyền rồng. Ra giữa dòng rồi chúng tôi gọi “Võ Quê ơi, Võ Quê hỡi” (vì biết nhà thơ Võ Quê là người dẫn chương trình). Gần đến cầu Trường Tiền thì bắt gặp thuyền rồng­­. Tất cả chúng tôi chuyển thuyền bước qua. Đoàn của Quốc hội có hơn mươi người đã yên vị chỗ ngồi phía trước, chúng tôi ngồi vào phía sau. Đêm ca Huế lại tiếp tục mê say đến khuya khoắt. Đêm không dễ lập lại. Một đêm và có thể một đời. Từ đó về sau, tôi chỉ có dịp gặp lại mỗi nhà văn Nguyễn Anh Đào (Phú Thọ), còn các anh chị khác ở Hà Nội hay tít tận miền Tây-Nam bộ thì cứ như… nghìn trùng. Mà nghìn trùng thật. như các nhà văn Đào Thái Tôn, Nguyễn Anh Đào bây giờ đã là người… muôn năm cũ! Chỉ có một điều, những ngọn nến hồng hào cháy đỏ trong từng chiếc hoa đăng trôi bồng bềnh lung linh trên dòng sông đêm ấy đã tràn vào ký ức tôi một thứ ánh sáng lung linh không bao giờ chịu tắt! Hễ mỗi khi ánh sáng ấy bất chợt ngời lên là tôi nghe như nỗi nhớ Huế réo gọi tên quay về. Mỗi lần như thế, dù xa xôi ở tận đâu, tôi lại ngâm tràn bài thơ ngẫu hứng đã viết cho Huế vào cái lúc hoa đăng thắp lên lời tiễn biệt: Hoa đăng trên tay em, chút ánh sáng cuối cùng. Ngực tôi phập phồng, gió lùa câu hát. Về thôi! Sông Hương khuya rồi, phiến nguyệt đã đầu non!

Bây giờ cũng là thời gian trăng hướng chênh chếch về phía núi. Người chủ con đò ngồi kề cận bên tay lái có lẽ không còn nghi ngờ cái khả năng chèo thuyền một cách tài tử của tôi, ông đã nằm xuống khoang thuyền đánh một giấc ngon lành, mặc cho chúng tôi tùy hứng ngược xuôi trên sông. Không thuộc nhiều những câu hò Huế, chẳng lẽ cứ lui tới “chợ Đông Ba đem ra ngoài Vại,” hoặc là “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,” thế cho nên, tôi và bạn mình lại đọc thơ vang vang cho… sông Hương nghe, hết của Thu Bồn lại đến Nam Trân. “… Đăm đăm mắt mỏi vì chèo. Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng. Biết không, cô hỡi, biết không? Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao.” Không hiểu vì thấm tháp thơ hay vì mê con sông đẹp lấp lánh hư ảo một vùng ngoại ô Kim Long mà anh bạn tôi hào hứng bốc trời: “Nếu như có một cuộc thi hoa hậu của tất cả mọi dòng sông trên non nước này thì vương miện dứt khoát phải thuộc về sông Hương.” Dẫu là câu nói vui của anh bạn tôi nhưng không phải là không có lý. Bằng chứng là từ xưa cho đến bây giờ, cứ lấy thước đo tầm cao tác phẩm của tất cả các loại hình nghệ thuật làm thẩm giá cho cái đẹp của dòng sông mà thiên nhiên vĩ đại đã sinh nở ra chảy giữa lòng Huế. Nó cùng với lăng tẩm đền đài núi đồi cây cỏ vun đắp cho diện mạo Huế chói ngời trên vầng trán cái chứng chỉ di sản văn hóa nhân loại!

Bạn tôi đã gác dầm bơi lên mũi thuyền rồi. Dường như lúc thuyền quay mũi rời Kim Long, cái quãng vắng mơ hồ của một miền quê xa xăm tự thời nào đó đã giục anh ngẫu hứng véo von hết lòng bài thơ “Cô gái Kim Luông” của Nam Trân. “Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng. Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo. Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết. Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo…” Ai đó những người chèo đò trên sông nước này từng nói với tôi rằng: mỗi chiếc hoa đăng trôi lờ lững trên dòng sông kia là một linh hồn. Nếu thế, người muôn năm cũ ơi, các bậc tài hoa ơi! Những ai đang về trên cái dòng sông ngập tràn ánh sáng như những hồi quang vĩnh cửu của người xưa ký thác vào sông nước này. Từ những chiếc thuyền du lịch thả xuôi theo dòng, hàng hàng hoa đăng được thả trôi tấp vào nhau từng chùm, từng mảng trước khi thuyền cập bến. Bạn tôi dùng dằng chưa chịu bước lên bờ, anh bảo: “cứ trôi cho đến chân trời.” Rồi giống như kẻ lên đồng, anh vỗ tay vào mạn thuyền hào sảng khúc Đường thi: “Nương trăng về đó bao người. Trăng tà xao xuyền tình cây đôi bờ.” Đấy là bài thơ “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư-một thi sĩ thời Đường. Nguyên văn câu thơ đó là: “Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy. Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.” Hóa ra Huế, hóa ra sông Hương đêm này lại sinh nở thêm một giống loài thi sĩ, cho dù muộn mằn lúc bạn tôi đến hồi tóc bạc! Người lái đò cũng vừa thức dậy, ông giục tôi cho thuyền cập vào bến, rồi hỏi như nhẩm tính thời gian: “-Cũng khuya rồi anh hỉ." “-Vâng, sông Hương khuya rồi, phiến nguyệt đã đầu non.” Cũng chẳng hiểu khoảnh khắc ấy tôi trả lời ông lái đò hay trò chuyện với sông!
_________
(*) Thơ Cao Bá Quát và Nguyễn Du



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 13884)
con én không đặt vấn đề về mùa xuân là con én thức-thời
10 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 13003)
Chiếc xe chúng tôi đang chạy về hướng Ermenonville, trên con đường
07 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 12703)
Căn bệnh kì lạ của ông ngày một nặng
03 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 12142)
Sáng thức dậy 6 giờ theo thói quen, việc đầu tiên là mở cửa phòng để bước qua nhà vệ sinh sát bên vách
30 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 13685)
Tôi ở Hà Nội đã được tròn 1 tuần. Chuyến công tác này tôi dự định ở lại trọn 1 tháng và nó là chuyến trở về Hà Nội
25 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 21833)
Miếng đất ấy được rao bán đã lâu nhưng chẳng ai dám mua
17 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 14482)
Trong suốt những giấc ngủ chập chờn từ nhiều năm nay tôi vẫn bị câu chuyện với Nguyễn Hương ám ảnh
29 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 11759)
Không hiểu sao mấy hôm nay tôi thường nghĩ về bà Chắc - bà cụ sống bằng nghề cầm thế và cho vay lấy lãi quê tôi.
21 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 12127)
Tình đầu của mẹ tôi là ông Dũ, một thầy giáo làng lưu lạc vô Nam từ Ngọc Hà
11 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 11961)
Cửa sổ nhà tôi trông xuống dãy mái ngói của khu tập thể một tầng đối diện
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12248)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18974)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8320)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 972)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1156)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13984)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11052)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19779)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16110)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31944)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,