LÊ MINH HÀ - Gióng

07 Tháng Mười Hai 201612:46 CH(Xem: 6384)
LÊ MINH HÀ - Gióng



Gióng à Gióng ơi - Gióng vừa lên ba - Gióng đi ra trận - Ngựa sắt gậy sắt - Lửa tuôn từ trời - Lửa phụt từ đất - Giặc giã tan rồi - Gióng bay về trời - Gióng ơi Gióng à - Sao Gióng không về nhà - Mẹ chờ cuối vườn - Mẹ chờ sau cửa - Mẹ mong Gióng lại bé nhỏ - Cho mẹ bế mẹ ẵm - Cho mẹ dỗ mẹ mắng - Mẹ nuôi Gióng lớn lên - Mẹ dạy Gióng sống cùng bình yên - Mẹ dạy Gióng làm người lớn - Gióng à Gióng ơi - Sao Gióng bay về trời - Gióng ở đâu rồi - Gióng ơi Gióng à...

“Đêm qua cháu nó lại về bác ạ!”.

“Vậy như? Thánh dạy điều gì hở dì?”.

“Cháu nó vẫn bé như xưa, như cái hồi chưa ra giúp nước. Nó vẫn chả biết nói gì. Em thương cháu quá!”.

“Chết! Dì đừng dại miệng. Còn chòm xóm xung quanh. Con dì là thánh là thần giời sai xuống đầu thai cửa nhà dì để giúp dân. Lại sắp đến hội rồi... Dì có đi dâng hương cửa thánh hôm này?”.

Mẹ nuốt nghẹn dồn ngang ngực.

“Người ta xì xào thế ư? Nhưng em không đi được. Bác ạ, em chẳng thể nào đi được. Dâng hương cho cháu? Không! Làm vậy em ngỡ như là cháu chết mất rồi. Nó phải bỏ em đi. Nhưng nó còn sống phải không bác? Tội nghiệp! Nó mới lên ba”.

Gióng à Gióng ơi - Gióng dậy đi thôi - Nắng đã xế rồi - Mẹ làm đồng về rồi - Mẹ nấu niêu cơm bé bé - Mẹ múc muôi tương bé bé - Gióng nhìn ra cửa mà xem - Chim đang mổ chuối chín cây - Kiến đang tập trèo măng nhỏ - Gióng ăn bát nữa - Lớn lên nuôi mẹ Gióng ơi...

Sẽ không bao giờ cu Gióng được nghe ru dín như thế nữa. Nắng mang màu của lửa. Tin giặc giã từ trên nguồn đổ xuống, từ cửa sông dội lên. Cầu ao trưa trưa mẹ ra giặt giũ, lo nghĩ không thành lời. Đã khổ mãi rồi. Mẹ góa con côi còn không cực thế này. Mẹ góa con côi còn làng còn họ đưa tay gánh đỡ lúc phải buổi gieo neo. Còn Gióng, thằng bé lên ba không biết mặt cha, chẳng thể nào biết mặt cha. Mẹ nó cũng còn không biết. Giọt nước hớp đỡ cơn khát buổi trưa, nào là nguồn cơn bao nhiêu nông nỗi khổ ải của người đàn bà mỏng nhan sắc, lại mắc tội nghèo, nên dẫu đang thì vẫn cảnh thuyền không lái. Thằng bé không bố ra đời, bao nhiêu là tủi hổ giữa xóm giềng, nhưng cũng là bao nhiêu sung sướng. Đêm đêm mẹ con ôm nhau, chiếu rách thì nằm, chiếu lành thì đắp. Con thọc tay vào yếm mẹ. Con thục đôi chân bé bỏng đầy và ấm như cái bánh gù vào bọc mẹ. Con không biết nói. Nhưng mắt con biết cười. Trời đất có nắng có mưa. Nhưng mẹ bước vào nhà là mắt con cười. Con như mặt trời, hai cánh tay bé nhỏ vươn về mẹ.

Tin giặc giã dồn về như lũ đuổi. Mẹ bồn chồn ôm con vào lòng, rồi lại bồn chồn thu vén nồi niêu, áo rách áo lành, dồn vào thúng. Đời người cần bao nhiêu thứ. Nhưng nỗi nhà mẹ còn son mà con còn đỏ, chẳng có gì. Một gánh trên vai, con sẽ một đầu quang, đầu quang kia sẽ là nồi niêu áo quần gạo muối. Khi nào làng nước chạy thì hai mẹ con cũng chạy. Đất ở lại. Nước thì nơi nào cũng có. Giặc tan mình lại về. Mẹ đã định liệu cả rồi. Mẹ không biết rằng cái thúng mẹ dành cho con quá chật.

Buổi chiều ấy ngựa quan quân ruổi tới làng. Lệnh vua truyền vang. Giặc tiến như lũ. Giặc ác hơn quỷ. Ai có lòng thì ra. Ai có sức thì ra. Nước non sắp mất vào tay giặc. Ai có lòng? Ai có sức?

Mẹ cũng theo làng nước chạy ra. Rồi mẹ lặng lẽ quay vào. Sân nắng. Con gà mái nằm trong hũm đất bên gốc chuối vùng dậy te tái chạy. Hai đầu gối mẹ tự dưng mỏi nhừ. Đã đến lúc phải cất gánh lên vai chạy giặc rồi.

Mẹ đứng sững trước cửa. Mẹ không tin vào tai mình. Mẹ bước thêm mấy bước tới cái giường tre con vẫn bò toài, rướn mắt nhìn vào bóng sẫm trong cái chái nghèo mẹ con hui hút:

“Cu Gióng nói đấy ư? Con nói đấy ư? Con nói gì thế con? Con nhắc lại đi con!”.

“Mẹ ra mời quan quân vào đây cho con!”.

“Con có chuyện gì mà nói với quan quân? Đang lúc nước sôi lửa bỏng thế này”.

“Mẹ cứ ra mời quan quân vào đây cho con! Đi mẹ!”.

Cái lúc bị quan gặng rồi sau đó nổi cáu vì lời khẩn nài của mình, mẹ cũng còn chưa hãi lắm. Cái lúc xóm giềng xôn xao xúm xít kể cho quan nghe về thằng bé lên ba chưa biết nói biết cười và mặt quan phút chốc đỏ như vang, mẹ cũng còn chưa hãi lắm. Mẹ chỉ rụng rời chân tay khi mở cánh cổng rào tre xộc xệch cho quan bước vào sân: từ trong chái nhà của mẹ, một chàng trai bước ra. Vai chàng trai ngang như đống bãi cuối làng. Ngực chàng trai nổi vồng lên như núi phía chân trời. Giọng chàng trai rền như sấm. Gióng, đấy là Gióng. Thằng bé lên ba không biết rằng nó đã làm mẹ bàng hoàng như thế nào. Người đàn bà trẻ suốt đời cúi mặt vì bao nhiêu nông nổi khổ ải chưa bao giờ thấy một dáng đàn ông đẹp đến thế, khỏe đến thế. Và người mẹ đau đớn, bởi khi biết nói đứa con đã không tìm ra lời với mẹ. Lúc bấy giờ giặc giã... Lúc bấy giờ nước non... Những ngày chờ ngựa sắt gậy sắt nón sắt, Gióng phải lo ăn cho đã lớn càng thêm lớn, đã mạnh càng thêm mạnh. Thúng cơm thúng cà, thúng cơm thúng cà. Mẹ ngồi xới cơm cho con, tự hào quá buồn tủi quá mà không dám khóc. Xóm làng kìn kìn đi qua cái cổng nẹp rào tre xộc xệch, ngày đêm phục dịch chàng trai dồn sức đi đánh giặc. Xung quanh hai mẹ con, lúc rì rầm lúc xôn xao toàn những lời thán phục, ngưỡng mộ, biết ơn. Không ai biết, Gióng cũng không biết, lòng mẹ rối bời thế nào. Thương con phải lớn trước tuổi. Thương con vốn dại, tự nhiên lớn vù vù nhưng làm sao một sớm một chiều hết dại. Thương con đơn thân lo việc nước non, chỉ mới biết lấy sức ra mà rẫy. Thương con, đường làng này, ngõ xóm này, chân núi phía xa, mẹ cặm cụi cả ngày chẳng mấy khi bế con ra ngõ cho con thấy. Mà thương nhất, khi con nhảy lên lưng ngựa sắt, con chỉ biết tìm mắt mẹ, cười với mẹ. Con, đứa con ngoan dại, lúc cất bước lên đường không có lấy một lời dặn dò khắc khoải của một người cha. Con, chàng trai oai hùng đến thế, ngày ra trận không có lấy một bóng gái làng bíu dậu cúc tần bối rối để quay nhìn. Không một ai ở đất nước này kịp nhớ rằng chàng trai sẽ đương gánh nặng sơn hà buổi tao loạn ấy mới chỉ lên ba. Không một ai ở đất nước này kịp ngỡ ngàng tự hỏi đâu hết rồi, buổi ấy, những người đàn ông khỏe mạnh và khôn ngoan, những người đàn ông đáng tuổi làm bố nó. Không một ai ở đất nước này muốn biết rằng thuở xa xưa có một người mẹ trẻ bình thản nhìn con đi, lòng bỏng rát. Sao nó phải ra đi? Nó chỉ mới lên ba! Nó đã biết gì đâu! Đi cứu nước mà chỉ biết làm cái việc dễ nhất là cậy sức.

Gióng ơi Gióng à - Gióng chưa chơi trận giả - Gióng đi đánh giặc rồi - Tre đằng ngà còn ám - Lửa chiến chinh một thời - Gióng à Gióng ơi - Mẹ giồng bụi chuối - Mẹ đánh đống rơm - Mẹ ủ lửa thổi cơm - Ngàn năm rồi đợi Gióng - Gióng ơi Gióng à - Guốc võng mẹ rên bên chái nhà - Con mọt nghiến mòn ý nghĩ - Trời cũng xa mà đất cũng xa - Mẹ sống lưng lưng cuộc đời - Gióng ở đâu rồi - Gióng à Gióng ơi.

Nước non thanh bình. Nhưng tan hoang. Giặc tàn phá xóm làng. Gióng ra trận, ngựa sắt thở ra lửa cũng đốt cháy mất ít nhiều. Giặc giã tan rồi, ngựa sắt đưa Gióng trở về làng. Đường làng ngõ xóm vắng hoe, nhưng sau mỗi bờ giậu đều ngấp nghé bao nhiêu là mắt. Mẹ ào ra rồi sựng lại. Mẹ nhìn quanh. Mẹ bắt gặp bao con mắt chen chúc sau cây lá. Những đôi mắt mừng rỡ. Những đôi mắt hoảng sợ. Mẹ nhìn con trai mẹ: Cái nhìn từng trải trên gương mặt mẹ tưởng như vẫn còn nét phúng phính ngày nào. Mẹ nhớ. Năm trước thôi, con mẹ cất tiếng, lần đầu tiên trong đời, tiếng xin đi đánh giặc. Làng xóm rộn rực chen chúc đi qua cánh cổng rào xiêu vẹo, gồng gánh cơm nước cho người con trai thần thánh trước buổi xuất chinh. Thúng cơm thúng cà, thúng cơm thúng cà. Mẹ sững sờ. Con trai mẹ đi đánh giặc về rồi, vẫn vóc dáng buổi ra đi năm trước, vẫn nụ cười hiền chỉ dành cho mẹ, nhưng mặt sạm khói và mắt nhìn mệt mỏi. Làng xóm đâu rồi. Đâu hết cả rồi. Gốc rơm. Bờ tre. Chân rào. Hàng giậu. Chỉ những mắt nhìn ngấp nghé.

Huyền thoại đã không kể hết. Rằng Gióng vô cùng bối rối. Gióng buồn bã nhìn mẹ. Mẹ vỗ vào lưng ngựa sắt, nghẹn giọng giục con đi. Lại đi. Chái nhà chật của mẹ không đủ cao cho Gióng cúi mái đầu trai trẻ bước vào. Những con đường làng cũng chật, rào giậu kẹp kín không đủ rộng đủ dài cho Gióng ruổi ngựa. Gióng nhìn về phía xa. Núi xiết một đường xám gẫy gập từng đoạn vào chân trời bừng bừng ráng đỏ. Ngựa sắt rùng mình, bổng vó, bay về phía quả hoàng hôn lửa, mang theo chàng trai ba tuổi mới chỉ biết cuộc đời qua những ngày bé thơ bình yên u mê và những ngày tao loạn sôi sục niềm tin tất thắng.

Những vết chân ngựa sắt để lại trên mặt đất trước khi bay vào mây đong nước của đất và trời, thành rất nhiều ao con trên quê hương Gióng. Người mẹ trẻ ngày ngày ra đồng đều phải đi ngang đó. Lần nào mẹ cũng ghé nhìn. Mây ngàn năm vẫn trắng ơ hờ bay qua bóng nước. Trong mây ngựa sắt có còn bay? Mẹ tự hỏi và nhớ Gióng của mẹ. Mẹ nhớ, lúc cúi mặt cắm dảnh mạ xuống bùn. Mẹ nhớ, lúc se sẽ lùa bàn tay xuống chân bèo đỡ một con ốc cụ. Mẹ nhớ, lúc quấn rơm đốt niêu cơm nhỏ và nhân thể vùi vào tro nóng một củ khoai như ngày còn có Gióng. Mẹ mỉm cười, thương Gióng đem thân đi cứu đất nước này mà chưa có một ngày được sống cùng đất nước và cũng chả biết gì về đất nước. Mùa nối mùa, mẹ nhìn mây bay trong con mắt của đất, nhớ đứa con mãi mãi lên ba, không biết tóc mình đã trắng và dáng mình đi đã thấp xuống tự bao giờ.

“Dì hôm nay không ra đồng hả dì? Trưa lắm rồi, dì không đặt bếp đi?”.

“Sao mà cái lưng em nó mỏi quá bác ạ. Miệng mồm nhạt thếch, chả thiết ăn uống gì”.

“Không thiết cũng phải ăn dì ạ. Xuân muộn, giời đất lúc rét lúc oi, dễ ốm lắm. Để tôi xem... Giời ạ. Dì luộc khoai làm gì mà lắm thế này. Ra mấy hôm rày dì chỉ ăn độc có khoai. Thôi để tôi nhân thể thổi cho dì. Chốc nữa tôi bảo cái Gái nó mang sang. Mới lại kiếm nắm lá cúc tần sao lên cho dì ủ cái lưng. Có khỏe khỏe lên mai làng còn đến lễ dì rồi ra hội chứ.”

“Em không đi đâu bác ạ. Vào chỗ hội hè hương khói, em cứ ngỡ cả làng cùng có giỗ. Giỗ cháu giỗ em. Cháu nó có chết đâu hả bác. Là chính em bảo cháu đi. Về chào mẹ mấy lại chào làng xóm thế là được rồi. Nó phải đi bác ạ. Ở lại quê nhà, chẳng ra lớn chẳng ra bé, chẳng ra dại chẳng ra khôn. Giặc giã tan rồi, ai cần nó nữa ngoài em hả bác!”.

Người mẹ không muốn kể, rằng trong giấc mơ đêm qua lại thấy Thánh Gióng. Thánh nhìn mẹ, mếu. Vẫn hệt thằng cu Gióng ngày xưa. Vẫn không nói.

Nhưng mắt chú bé không còn tươi như nắng trời. Mắt Gióng đầy nước, như mắt làng - những cái ao con - những vết chân ngựa sắt - sau một đêm mưa.

Mẹ chốc chốc lại cựa mình, cố dỗ giấc ngủ để có thể thấy lại con, dù mẹ con chả nói được một câu gì. Lòng mẹ đau thắt: Đứa con kỳ vĩ của mẹ không có nổi một chỗ đứng chân trên nước non này. Trong lúc nửa tỉnh nửa thức, mẹ không một lần nhớ ra con mình là thánh.

“Hôm qua con ăn mấy bát cơm?”.

Im lặng.

“Vắng mẹ trẻ mỏ chúng nó có chòng con không Gióng?”.

Im lặng.

“Thế cu biết làm gì rồi chỉ cho mẹ xem nào?”.

Im lặng.

Đứa bé mếu, nhìn mẹ, tức tưởi vì nỗi không nói được. Ngày xưa nó cười. Mẹ toát mồ hôi, giật mình, tỉnh hẳn. Tiếng gió khô khô ngoài sân. Ngày xưa, giờ này mẹ sẽ vỗ vỗ mông con, chèn cái yếm cũ vào lưng cho con ngủ say lại rồi mẹ lựa lựa ngồi dậy ra thổi lửa lo cơm nước. Giời mưa con ngồi chơi một mình trên giường chờ mẹ, đôi khi đái sũng sĩnh khiến cái chiếu cũ thâm sì, khai sực. Giời nóng con lần ra bậu cửa, ngồi như chó tiền rưỡi hóng mẹ, cười chảy dãi nghịch con cua mẹ buộc cẳng cho chơi. Phải buổi đổi giời mát mẻ gặp phiên chợ, mẹ một tay vịn đòn gánh, một tay dắt con lũn chũn lần bước xuống bến lên đò. Bây giờ con ở đâu? Người mẹ nhớ con, tự hào, chua xót. Giọt máu của mẹ đã cứu giữ nước non này. Năm lại năm, hội Gióng càng ngày càng quấn chân khách thập phương, xóm làng nô nức lắm. Nhưng chả mấy ai còn nhớ người được dâng hương chính là chú bé của mẹ. Mẹ thở dài. Thương giọt máu mình không biết giờ còn phiêu bạt trên đầu ngọn gió nào. Sống với người trần thì con vóc dạc kỳ vĩ thế thành quá khổ. Nhưng ở với người trời e con vẫn bị coi là đứa trẻ. Con chưa biết gì, mẹ chưa kịp dạy con gì, ngoài thương yêu.

Gióng à Gióng ơi - Trời cao là ở đâu nào - Đất sâu là ở đâu nào - Biết chưa - Mẹ dừng bên mắt làng xưa - Lặng thinh tìm bóng mây hờ hững bay - Ai - Nuôi Gióng lớn từng ngày - Ai - Chăm mẹ tháng năm này héo hon - Bao giờ Gióng lớn Gióng khôn - Gióng về với mẹ - Một lần Gióng nhé - Gióng à Gióng ơi - Mẹ nay mắt đã bạc rồi - Tóc trắng thì gửi lưng trời- Bóng đi gửi đất - Gióng ơi Gióng à...


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 7198)
Mở những cánh cửa sổ cho có chút gió đêm ra vào, tôi ngồi một mình trong bóng loang lổ của ánh đèn hắt từ ngõ nhỏ bên ngoài, tưởng mình có thể chìm xuống
29 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 5674)
Mộc Lan Vân Khôi muốn lưu luyến đêm cuối cùng bên nhau của cả nhóm, đề nghị tôi trả phòng cùng về nhà bà con của Mộc Lan.
23 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 12908)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
16 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 6722)
Dạo gần đây tay chân tôi đã cử động được, dù chưa thể linh hoạt như trước nhưng ít ra với những động tác đơn giản như cầm đũa, rót nước tôi vẫn có thể tự làm.
13 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 7332)
Ngồi trong góc bàn cạnh cửa sổ, vân vê chiếc ống hút trong tay, Cindy dùng ngón tay trỏ để bịt một đầu ống hút, đong từng giọt nước ngọt được giữ trong đầu kia của ống nhựa và đưa lên miệng.
07 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 7111)
Cái Điểm là một trong những đứa cứ ám tôi thế. Thật ra nó là chị họ của tôi. Nhưng trong khi bố nó là bác Huyền chưa nhận con thì cả làng vẫn chỉ coi nó là con hoang
02 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 8563)
...chị nói, ở cái thời đại này đời người sẽ không còn dài như trước nữa, nên dành thời gian cho những màn hình vừa phải thôi, để mắt còn nhìn tận mặt những thứ xung quanh: nhìn cây cỏ, phố phường, nhìn bạn bè, và nhìn mẹ.
30 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 8420)
Trăng mười bảy còn treo lơ lững đàng Tây thì, mặt trời đàng Đông đã vội nhú lên màu đỏ ối!
26 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6414)
Tôi ngạc nhiên khi thấy một thầy tu đang đứng nói chuyện với cô y tá trước cổng bệnh viện.
24 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7540)
Số nầy mình lại thiếu bài đấy, ông ơi! Ông coi có chi lấp vô đó không?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9171)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7897)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30716)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,