ĐẶNG PHÚ PHONG - Con suối không lìa

18 Tháng Giêng 201710:32 SA(Xem: 4678)
ĐẶNG PHÚ PHONG - Con suối không lìa

Hôm qua có một dòng suối, không hiểu vì chờ đợi quá lâu để gặp được biển, hay vì bị cái đập ngăn trở mà nó rùng mình lên phần phật, trước khi lịm mình chết tức tưởi trên bãi cát vàng óng ả.” Tôi đã bắt đầu một bài luận văn như vậy trong đề tài thầy giáo ra là hãy tả con suối gần nhà em, vào năm học lớp nhất, và bây giờ dùng nó để bắt đầu cho một câu chuyện với độc giả.

Tôi tìm thấy một điều giống nhau giữa hai con suối. Một ở quê nhà xa lơ xa lắc, một đang ở dưới chân tôi bây giờ đây, trong một hốc núi của miền nam California. Cả hai con suối đều bị bàn tay con người bóp chết thật tức tưởi bằng một bờ chắn dù hai bờ chắn có khác nhau do sự văn minh của từng địa phương. Tôi muốn nhắc đến lắm, cái bờ kè bằng đất đá cọc tre, có bàn tay nhỏ bé của tôi góp vào. Nó như một huyền thoại của trẻ thơ. Trời mưa tầm tã, con suối tuy nhỏ nhưng vì quá ngoằn ngoèo nên không thể không hung hãn. Nó la hét ầm vang, đâm bên phải, húc bên trái, cuốn giựt phăng đi những doi đất đầy hoa mầu, như muốn đòi quyền đi thật thẳng vốn là bản chất của nước. Những bàn tay lạnh cóng, nhăn nheo, gắng sức chuyền nhau từng tảng đất đá để đổi hướng đi của dòng nước, cuối cùng rồi cũng thành công. Ông trưởng làng ngó đăm đăm vào ngôi miếu, giọng đầy vẻ sùng kính: “Ngài quả thật linh thiêng, nếu không giúp chúng ta đắp được bờ kè thì nước đã cuốn phăng đi ngôi miếu.” Ngài đây là người lập ra ngôi làng này và đang được thờ trong miếu.

Ngài là một tên ăn cướp mà theo lời truyền tụng của dân làng thì ông chỉ ăn cướp của kẻ giàu và đem phân phát cho dân nghèo và vì vậy ông cứ phải đi ăn cướp hoài. Dù ông có võ nghệ cao cường cũng không chống nổi quân lính đông đảo của triều đình nên bị bắt rồi bị đi đày. Những người từng được ông giúp đỡ họp nhau lại, chặn đường giết công sai giải thoát ông rồi cùng nhau bỏ trốn, mần mò tìm được chỗ này là nơi an địa. Có lẽ khi quyết định định cư ở đây ông chỉ nghĩ đến sự an ninh là chính (vùng đất gối đầu lên núi cao hiểm trở dễ lẩn trốn nếu triều đình phát hiện) hơn là sự mầu mỡ của đất đai. Vì vậy mà hơn hai trăm năm qua dân làng vẫn không giàu có lên nổi. Mặc dù rất chuộng chữ nghĩa nhưng chưa bao giờ trong làng có người đậu đạt cao, chỉ đâu được vài ông tú tài không có quan chức chi cả. Nói chung chung thì làng tôi là một cái làng chẳng có gì đáng nói cả. Ấy vậy mà tôi yêu làng tôi ghê lắm. Tôi xếp nó trong một ngăn ký ức rất dễ lấy ra, cho nên hình như ở bất kỳ nơi chốn nào nó cũng sẵn sàng nhảy vọt ra, hoà nhập với khung cảnh lúc đó để cùng tôi trăn trở buồn vui.

Cái bờ chắn mà tôi đang dẫm lên làm bằng bê tông cốt sắt, có gắn những viên gạch men vẽ bông hoa, màu sắc sáng láng, óng ánh thật đẹp mắt. Dòng nưóc chảy trong lòng con suối không mạnh lắm, chỉ đủ để tạo ra những gợn sóng nhỏ cho vui mắt người ngắm nó.

- Bố đang nhớ Việt Nam, ơ… I mean… nhớ quê, hả bố? Liz hỏi tôi giọng nhí nhảnh.

- Ừ, sao con biết?

- Mắt bố! Trong khung cảnh này bố nhớ là phải.

Tôi nói cho Liz nghe về những kỉ niệm của tôi với dòng suối ở quê nhà. Những lần dầm mình dưới nước cả buổi để mò cua, bắt ốc hay lãng mạn hơn là những lúc ngồi im một mình ngắm hoa trôi theo dòng nước. Hai bên bờ suối là những cây to, hoa kết từng chùm, cánh mỏng manh như những sợi tơ màu đỏ thắm, nở chi chít đầy cây. Mỗi cơn gió nhẹ lướt qua là hằng ngàn bông hoa bay tung lên không gian rồi chập chờn đáp dày kín trên mặt nước, nhẹ nhàng, miên man trôi đi. Hoa không có mùi hương rõ ràng nhưng nhiều quá nên trở thành một mùi ngây ngây, thanh thanh, nhè nhẹ khiến cho ta có cảm giác lâng lâng xa vắng. Tôi đọc lại câu mở đầu bài luận văn. Liz cười thật to bảo từ lâu con cứ thắc mắc sao bố không là nhà văn hở bố? Tôi cũng cười, Bố mà là nhà văn thì các con có mà ốm đói. Nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ thầm viết văn khó thực. Không khó sao đươc khi chữ nghĩa như cứ ở đâu trên những đọt cây cao không với tới, hay luôn chập chờn trước mắt nhưng khi muốn đưa tay nắm bắt thì nó tan loãng khắp nơi, khó mà dồn nó thành hàng hàng nghiêm túc. Nó như cứ giỡn chơi cút bắt với tôi, riết rồi thôi, thây kệ. Làm nhà văn cũng không sao. Không làm nhà văn cũng không sao. Nhưng hình như cái máu me chữ nghĩa nó cứ lẩn quất, chập chờn trong cái bộ não lỏng chỏng, bất an, khiến cho tôi cứ việc cắm cúi viết lan man không nội dung chẳng bố cục và rồi cuối cùng nó đi thẳng vào thùng rác. Và hôm nay tôi cũng tiếp tục viết, dù chốc lát nữa có thể những dòng chữ này sẽ đi theo số mệnh của những dòng chữ trước chết đi. Như dòng suối đã chết. Dẫu trước kia dòng suối có bên lở bên bồi nhưng bây giờ nó đã biến mất không còn dấu tích.

Tôi khom người, vục hai tay sâu xuống nước, chạm vào đáy cát với ý định nâng dòng suối của quá khứ xa lơ xa lắc ấy về với thực tại bây giờ. Tôi sẽ bày nó sau vườn, bên cạnh cây táo đang oằn trái, để con suối quanh mình theo mấy khóm hồng, ngửa người nhìn những cụm lan tỏa mùi quế ngòn ngọt. Tôi và nó vỗ về nhau, quấn quýt nhau, nói cho nó nghe những gì tôi ấp ủ, những câu không thành cú, những ý nghĩ rời rạc, mơ hồ. Vậy mà con suối nhỏ bé nắm bắt hết những tâm ý lửng lơ, mù mịt ấy, biến nó thành những tấu khúc rào rạt, bổng trầm, thầm thì rót thẳng vào tâm hồn tôi. Tôi nghe tiếng quẫy nước của thơ trẻ bọn tôi, tiếng chép miệng của con tắc kè buồn hiu não nuột. Và, tôi với nó trở thành đôi bạn không lìa.

Sau trận lụt hung hãn, kinh hoàng ấy, phía sau ngôi miếu cùng mấy đám ruộng công điền kế cận bị cát lấp kín thành đất hoang. Thôn xóm nghèo, người ta tận dụng từng tấc đất để mưu sinh thì lấy đâu có chỗ chơi cho con nít. Trời giúp. Vậy là tụi trẻ con chúng tôi nhờ có bãi cát bỏ hoang này tha hồ chạy nhảy, chia phe đá banh, đánh giặc giả. Đá banh riết rồi thành đá đít nhau. Đánh giặc giả hoài thành ra đánh thật. Tôi yếu đuối, nhát gan nhất, bị phe bên kia rượt nà, lắm phen bị ăn đòn. Cũng may nhờ Hùng và Bạt làm tả phù hữu bật, liều mình giải cứu, bằng không tôi hóa thành bị thịt. Tôi thân với Hùng và Bạt từ những ngày đó.

*

Con suối chảy vào một sông nhỏ. Con sông nhỏ đàng nào cũng chảy vào sông Côn. Đàng nào, là vì trước thời Tây sơn, nó ngu ngơ, quanh co một đoạn, anh em Tây Sơn đã sức dân đào thẳng đến sông Côn. Đoạn vô ích đó giờ đã thành ruộng lúa tươi tốt. Chắc trong đám dân phu đào sông thời đó chỉ biết ta thán vì công việc cực nhọc, chứ chẳng mấy ai nghĩ rằng họ đã làm một việc hết sức có ích để lại cho con cháu đời sau.

Gia đình của Hùng khá giả lại được giao tiếp với bà con ở Qui Nhơn và Sài Gòn nên anh chàng bảnh chọe hôm xuống tỉnh. Quần dài xanh đậm, áo pốp-lin trắng tinh, giày da, va-ly cũng bằng da trong khi tôi và Bạt, áo bằng vải tám hẩm, chân đi giày ba-ta, vác thùng gỗ trên vai. Chúng tôi lếch thếch đi sau ba của Hùng. Ông dẫn chúng tôi đi bộ từ làng ra đến bến xe quận lỵ, ngồi xe “Lam” ba bánh hết hai tiếng đồng hồ mới đi hết khoảng 40 cây số đường để đến Qui Nhơn. Lại phải cuốc bộ hơn cây số nữa mời đến chỗ trọ. Ông nói với cô Năm:“Cha mẹ hai thằng này cô cũng quen biết. Họ nhờ tôi nói với cô. Vậy tôi gửi thằng Hùng với hai đứa nó, cô giúp đỡ chuyện ăn ở giùm”.

Cô Năm ra tỉnh có hơn chục năm rồi nhưng ăn mặc, dáng dấp vẫn còn là một bà nhà quê. Ngoại trừ mái tóc của cô uốn quăn cho dễ dàng việc bếp núc. Cô ít nói, đối xử rất đường hoàng, tử tế với mọi người. Đám học trò tuy đang ở tuổi quậy phá nhưng lúc nào cũng rất lễ phép và thương mến cô, cho nên dù đông người mà nhà vẫn có trật tự. Với chồng, cô là một người chỉ huy cứng rắn nhưng nhẹ nhàng. Ông Năm răm rắp một phép với vợ.

Bạt và tôi đều mê đọc sách, đúng hơn là truyện, tiểu thuyết, không tiền mua thì mượn hay mướn. Bạt đọc hết sách của Tự Lực Văn Đoàn, thuộc lòng từng cuốn, nhưng mê Đoạn Tuyệt nhất. Cả hai chúng tôi đều tập tành viết lách, thỉnh thoảng có bài được đăng trên các tạp chí là mừng rơn, thi nhau mà đãi Hùng. Cả năm qua, Bạt cặm cụi viết, đọc sách, ít nói, mắt lúc nào cũng như người trên cây cao nhìn xuống, đề phòng và kẻ trên. Bạt tỏ vẻ khinh ghét bọn nhà giàu cứ bảo bọn nó bốc lột và luôn luôn đòi sự công bằng. Hôm ba thằng ăn mừng bằng trung học, mua một lít rượu đế với mấy bịch đậu phộng da cá. Bạt say khướt, nói năng không còn kiểm soát. Nó nói chuyện đấu tranh giai cấp, chuyện giải phóng miền nam, chuyện đồng chí của nó. Nửa phần nghi nó theo phía bên kia, nửa phần còn lại tôi khẳng định được nhờ ngay tối khua hôm đó tôi rình nghe Cô Năm thì thào cảnh cáo hắn dưới ngọn đèn tù mù: “Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, tôi cảnh cáo đồng chí. Còn tái phạm sẽ bị kỷ luật nặng!”. Tiếng Bạt nhỏ nhẹ đầy sợ sệt: “Thưa đồng chí, tôi xin thành thật nhận khuyết điểm, hứa không hề tái phạm”. Tôi nghe mà lạnh cả người.

*

Đã lai rai xuất hiện những vụ ám sát, thảy lựu đạn giết cả gia đình của cán bộ, nhân viên chính phủ Miền Nam. Bạt theo họ, cô Năm lại là người cầm đầu, toàn là những người tôi dành cho cảm tình tốt. Tôi thất vọng, có lúc tôi giận mình sao đi nghe lén để rồi phải đối diện với một sự thật đau lòng. Nhưng tôi không nói cho Hùng biết, càng không hề nghĩ đến việc đi báo cáo chính quyền. Những ngày tiếp theo đó tôi tránh tiếp xúc với họ. Rồi tôi đi kiếm chỗ trọ khác, lấy cớ là tìm được chỗ dạy kèm. Sau đó chừng vài tháng Bạt cũng đi ở chỗ khác, có lẽ để bảo mật. Chúng tôi hẹn gặp nhau chiều chủ nhật mỗi cuối tháng uống café ở quán Dung. Phải đến, nếu không thì báo trước, ngoại trừ bị tai nạn hoặc chết. Chúng tôi gặp gở như vậy được gần ba năm.

Quán café vắng vẻ, tiếng nhạc từ máy hát đĩa qua mấy cái loa to tướng nghe rè rè, khó chịu. Tôi và Hùng đến cùng lúc, ngồi vào bàn thường lệ, khuất sau chậu hồng có vài cái hoa đang nở. Vẫn café đen đặc, Hùng nói huyên thuyên về dự định tương lai sau kỳ thi Tú tài hai sắp đến. Hùng có vẻ rất tin tưởng sẽ vượt qua kỳ thi này.. Tôi chúc hắn hắn được tròn mộng ước. Hắn hỏi tôi tính như thế nào, tôi cười buồn:

-Tao không sánh với mầy được. Nhà tao nghèo hơn nên giả sử có đậu Part II tao cũng không biết có tiền để theo học đại học. Chiến tranh lẩn quất đâu đây, tao thấy cuộc sống bấp bênh lắm.

-Tao không ưa tụi Việt cộng. Tao chắc đám sinh viên biểu tình là do tụi nó giật dây. Mai mốt tao là sinh viên tao sẽ chống lại bọn biểu tình phá đám ấy.

Hùng ngừng nói khi Bạt bước vào. Mới cách nhau một tháng mà Bạt tiều tụy thấy rõ. Kêu một cái café đen xong, Bạt châm điếu thuốc, hít thật dài, đưa tay sửa lại chiếc mũ phớt rồi ngồi yên lặng, ánh mắt buồn, xa vắng. Không khí thân mật từ bấy lâu bỗng chùng ra, tan loãng vào hàng cây trứng cá phía ngoài quán. Cả hai chẳng nói năng, lặng yên nghe nhạc. Bổng Hùng cất tiếng, giọng cộc lốc:

-Mầy bịnh?

-Không.

Không khí lại rớt vào yên lặng. Khá lâu, Bạt nhìn tôi, chậm rãi lên tiếng, giọng khản đặc, buồn vời vợi:

-Lần tới tao không gặp tụi bay nữa! Tao đi xa. Tụi bay ở lại ráng giữ gìn…. Này Trung, tao biết mầy biết tao. Cảm ơn mầy. Mầy hiểu…

Bạt vói bắt tay tôi thật chặc, lòng bàn tay nó nhớp mồ hôi nhưng nóng bỏng.

-Tao biết việc này trước sau gì cũng đến. Nhưng sao không chờ thi, lấy Tú Tài II?...Ờ thôi, tao không can dự vào. Đúng hơn tao tôn trọng quyết định của nầy. Chúc mầy luôn bình an.

Hùng hết nhìn tôi rồi nhìn Bạt đầy thắc mắc:

-Tụi bay nói cái gì vậy? Dấu tao chuyện gì?

Tôi và Bạt vẫn lặng yên. Cuối cùng Bạt đứng dậy, bắt tay Hùng, giọng bình tĩnh, có chút lạnh lùng:

-Thì ra Trung không nói với mầy, khi tao đi rồi chắc nó sẽ nói thôi. Thôi từ giã bọn bay.

Bạt cúi đầu đi thẳng. Tôi kể cho Hùng chuyện của Bạt và Cô Năm, hắn tròn mắt kinh ngạc rồi nói đầy giận dữ:

-Trời đất ơi! Chuyện to như cái đình vậy mà tao không hề hay biết. Tao cũng không bao giờ ngờ. Tại sao Cô Năm và thằng Bạt lại theo Cộng sản? Tao phải nói chuyện với Cô Năm mới được.

-Với tao, tốt nhất là mầy làm như không hề biết như bấy lâu nay. Nếu nói, mầy và cả họ cũng không yên đâu, mầy hiểu chứ, nghe tao đi.

Hùng cố gắng bình thường với họ cho đến kỳ thi, may cả hai chúng tôi đều đậu và đi Sài Gòn học, Hùng thở phào nhẹ nhõm. Vào Sài Gòn, Hùng và tôi vẫn giữ y lệ là gặp nhau mỗi cuối tháng. Mỗi lần gặp đều kêu thêm ly đen và giữ một ghế trống. Cho Bạt.

*

Một tối, Hùng tìm tôi tại nhà trọ, với ánh mắt rờn rợn, hực lửa đến đuôi mắt, báo tin ba nó bị Cộng sản giết. Tôi giật bắn người:

-Cô Năm là người của họ mà?

-Tao thù bọn chúng nó, thù luôn cả Cô Năm. Tao sẽ đi lính để “nói chuyện” với tụi nó.

Thư của mẹ Hùng viết ba của nó buổi sáng đi thăm ruộng bị họ bắt trói , bắn, chết cạnh bờ suối , trên ngực cài bản cáo trạng bảo rằng ông ta làm gián điệp cho Ngụy. Bà còn căn dặn nhất định Hùng không được về thăm nhà. “Về là tụi nó giết” Phải lo ăn học, tiền bạc nhà sẽ gửi vô đầy đủ. Tôi cố hết sức, nhưng không ngăn cản được Hùng ráng cho xong đại học. Hôm tiễn Hùng, vẫn thêm một ly đen và chỗ ngồi bỏ trống. Nhìn chiếc ghế, Hùng cười nhạt:

-Một chỗ ngồi bỏ trống cho một người bỏ trốn.

-Nếu giữa trận tiền, đối đầu với Bạt, mầy tính sao?

Thoáng nhíu mày một chốc, bỗng, thật nhanh Hùng đưa tay làm dấu siết cò:

-Thằng nào bắn nhanh thì sống. Mầy không nhớ phim cao bồi à?

*

Cái hẹn mỗi cuối tháng đã xếp vào góc ký ức của mỗi đứa. Bạt mất hút như cánh dơi ban ngày. Hùng ra trường Đà lạt, tình nguyện làm lính Dù. Tôi ra trường làm thầy giáo. Hai gia đình chúng tôi cũng chạy giặc, về sinh sống ở Sài Gòn. Mẹ Hùng cho tôi biết là Cô Năm cũng đã “nhảy núi”, chồng bị bắt, đưa ra Côn đảo. Tôi và Hùng thư từ nhau thường xuyên, dù nó bận hành quân nay đây mai đó. Hôm tôi nhận thư nó sớm hơn thường lệ, cảm thấy có điều gì không bình thường, bóc lẹ thư:

“… Chắc mầy vẫn còn nhớ đã hỏi tao… nếu gặp Bạt, và, tao đã giơ tay làm dấu siết cò để trả lời. Chuyện đó thường ám ảnh tao khi bắt đầu dẫn lính đi hành quân. Tao thường nằm mơ gặp nó. Khi thì tao bắn nó và lúc thì ngược lại. Kết thúc giấc mơ là một trong hai thằng ôm xác bạn khóc ngất. Tỉnh dậy, lòng tràn ngập nỗi buồn, tao thấy thương cho Bạt rồi lại thương cho chính mình. “Hừ, cái thằng Trung sao nghĩ chi cái chuyện oan nghiệt. Dễ gì!” Nhưng bây giờ, hồi trưa nay, tao đã gặp nó. Thằng Bạt! Mầy ạ!

Hai thằng lính của tao đang lăm lăm mũi súng, dí, đẩy một tên Việt cộng đang bị trói ké , chạy chúi mũi đàng trước, áo quần ướt sũng. “Đại úy ơi, tụi em bắt được thằng này, nó đang ngâm người dưới suối, đầu ngoi lên trong nhánh cây sát mặt nước. Thằng Việt cộng ngước mặt lên. Tao thảng thốt gọi tên “Bạt”. Thằng Bạt. Chính nó. Mặc dù nó bủng beo, gầy nhóp tao vẫn nhận ngay ra nó. Nó khựng lại, nhìn tao, một thoáng. Một thoáng, mắt chạm mắt. Bạt cúi xuống, dáng vẻ chịu đựng. Tao cũng chẳng nói lên được một lời nào nữa.

-Đại úy quen thằng này à?

Một thằng lính hỏi làm tao phát hoảng:

-Suỵt. Câm mồm. Tụi bay thả nó đi. Tao sẽ tặng thưởng xứng đáng. Nhớ. Tuyệt đối bí mật!

-Dạ… nhưng…

-Không nhưng nhị gì cả. Thả mau!

Tụi lính tháo dây. Bạt nhìn thẳng vào mắt tao, thật sâu: “Cảm ơn mầy. Hùng!” Giọng nó như vỡ ra.

Bạt quay lưng đi thẳng. Vài bước là mất hút trong rừng xanh. Tao thẩn thờ cho đến khi thằng lính nói quên không trả lại súng cho Bạt. Tao giật cái K54 ném mạnh vào rừng, móc hết tháng lương vừa mới lãnh, chưa kịp tiêu đồng nào cho hai thằng lính…”

Đọc xong lá thư, ngực tôi nghèn nghẹn. Thương cảm cho hai thằng bạn. Một thằng dám thả tù binh, một thằng bị mất súng. Chuyện gì sẽ xảy đến với chúng? Tôi đang chứng kiến một bi kịch của hai thằng bạn thân. Ôi hai thằng bạn của tôi!

“Một dân tộc, hai hàng bia đỡ đạn;
Một quê hương, hai thân phận chư hầu.
Tôi chợt thấy thương Thù và yêu Bạn:
Chúng ta đều bình đẳng trước thương đau.”

(Ý-Yên)

Bẵng đi cả ba tháng, tôi mới nhận được thư của Hùng từ … quân lao. Hùng cho biết việc tha Bạt vỡ lỡ. Mà vở lỡ một cách thật lảng nhách. Vì chẳng phải do hai người lính tráo trở mà do tụi nó, sau khi về hậu cứ, nhậu say quên cả đất trời, khoe ông đại úy có tinh thần Lương Sơn Bạt. Hùng bị bắt, đưa vào quân lao Nha Trang chờ ngày ra tòa.

Sáng hôm sau tôi tức tốc đi xe đò thăm Hùng. Phòng chờ lạnh tanh, ngợp mùi đe dọa. Hùng xuất hiện với nụ cười tươi tắn trên môi. Phong cách nhà binh vẫn còn hiện diện trong nó. Cắn một cái bụp vào trái táo, vừa nhai Hùng vừa hỏi sao ra thăm nhanh thế. Rồi hỏi huyên thuyên những chuyện Sài Gòn, có lẽ Hùng thấy tôi xúc động quá nên cố tình làm như vậy. Tôi phục sự cứng cỏi của bạn tôi nên im lặng, khuyến khích nó nói nhiều hơn nữa. Hết giờ thăm, Hùng và tôi siết chặt, giữ tay nhau thật lâu.

-Tao không hối tiếc gì cả. Tao nghĩ Bạt hay cả mầy nữa nếu rơi vào trường hợp tao, tụi bay cũng làm như thế. Chỉ là xui thôi. Bây giờ tao tin vào số mệnh. Cái số mạng chó chết làm khốn nạn cho cả một dân tộc. Mày ạ! Thằng Bạt có lẽ cũng đang nằm ấp như tao vì trong quân đội- cả tụi tao và tụi nó- thằng lính nào làm mất súng thì tù như chơi. Tội nghiệp cho nó. Hùng nói chậm rãi, đầy từ tâm.

*

Một năm sau, Hùng chưa kịp ra tòa thì Nha Trang thất thủ. Hùng chạy được về Sài Gòn, vừa gặp tôi, Sài Gòn cũng vừa mất. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau, khóc, trong thành phố điêu tàn mà đầy ắp cờ xí, khẩu hiệu đỏ lè, sắt máu. Tôi trình diện, được “lưu dung”, cho học “bồi dưỡng chính trị” 3 tháng để đi dạy lại. Hùng cũng phải trình diện, trái với mọi người tin là nó là người “có công với cách mạng”. Hùng vẫn phải đi “học tập” một tháng rồi đi hút, không về. Nó chết trong rừng thiêng nước độc. Bạt vẫm bặt tăm cho đến khi tôi đưa gia đình vượt biển. Mãi về sau tôi mới biết Bạt chết bởi chính viên đạn của đồng chí của nó. Chỉ vì Bạt đã thành thật khai báo lý do tại sao bị mất súng.

Còn lại tôi, uống café với hai chỗ ngồi bỏ trống, bên cạnh dòng suối của tuổi thơ. Trong vườn. Hiu quạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 502)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 752)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 612)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
15 Tháng Mười Hai 20234:38 CH(Xem: 826)
Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên,
07 Tháng Mười Hai 202310:08 SA(Xem: 758)
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa.
05 Tháng Mười Hai 20233:20 CH(Xem: 634)
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
28 Tháng Mười Một 20235:09 CH(Xem: 785)
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt.
28 Tháng Mười Một 20233:00 CH(Xem: 986)
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972.
21 Tháng Mười Một 20234:51 CH(Xem: 823)
Rồi một hôm tôi gặp nàng. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang, nói năng dịu dàng.
14 Tháng Mười Một 20238:45 SA(Xem: 1310)
Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12254)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9169)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25511)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21729)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,