CAO THỊ HOÀNG - Trại Hầm Mùa Hoa Mận.

31 Tháng Giêng 20172:15 CH(Xem: 7648)
CAO THỊ HOÀNG - Trại Hầm Mùa Hoa Mận.
 
Thường thì, sau đêm lễ Giáng Sinh áng chừng khoảng gần một tháng và trước mươi ngày tháng chạp đưa Táo về trời, hoa mận bắt đầu bung nụ nở từng chùm, trắng đất Trại Hầm. Giống hoa thơm nhẹ, đẻ trái, sinh huê lợi, đãi người tha phương nghèo khó tới miền cao nguyên lập nghiệp!.

Hồi Đà Lạt còn thuộc ''Hoàng triều cương thổ'', vùng đất nầy hoang vu, rừng bạt ngàn, chỉ có tiếng gió, tiếng mang tác của hươu nai, tiếng gầm gừ của chúa sơn lâm trong những đêm sáng trăng rừng. Những tiếng còi tàu rời ga Đà Lạt về Tháp Chàm, dẫu là tàu chở hàng hóa song, nó cũng đủ độ làm xốn lòng người xa xứ. Rồi, thời cuộc đổi thay, chỉ một câu thiệu đầu môi chót lưỡi:''Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ  bì", Ông Diệm đã chơi ‘’trò chơi dân chủ'' với Hoàng Đế của mình bằng lá phiếu ''Trưng cầu dân ý'', đuổi Hoàng thượng rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún và chính thức xóa một triều đại đã tồn tại ngót nghét gần 150 năm. Vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn sụp đổ. Thời đó, là ghê gớm lắm. Lòng người bâng khuâng vì, nửa mừng nửa lo.

Trại Hầm, mùa hoa mận vẫn nở!

*
Năm 1966, tôi có dịp hầu chuyện với cụ Lê Trữ nhà ở thung lũng ông Hội Đồng, nằm phía trái đường Nguyễn Tri Phương, ngõ về Sài Gòn. Cụ nguyên là ''Ngự lâm quân'' triều Bảo Đại. Mỗi lần tôi gợi chuyện ''chính sự'', cụ đều né tránh; cụ chỉ nói về đất, về cây, về hoa...về tình người, vậy thôi! Tôi dân ruộng đồng Nam Bộ lên phố núi để học Triết ở Trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, cụ rất đỗi ngạc nhiên: Sao không học dưới Sài Gòn mà lên đây? Tôi cười và thưa với cụ: Muốn học Triết, không chi bằng học với mấy ''Cha nhà dòng'', Sài Gòn hoặc nơi nào khác cũng không thể!

Dần dà, cụ và tôi trở thành đôi bạn vong niên, vắng năm ba hôm thì nhớ nhau. Sau nầy, tôi giới thiệu Tu huynh Kiệt với cụ và cụ thích lắm. Có khi, cụ thích Tu huynh Kiệt hơn tôi bởi, cụ nói: Cái thằng nầy-ý chỉ tôi-bụng dạ hay bồn chồn, tính toán. Thường dặn Tu huynh Kiệt khuyên tôi cố gắng học, cụ bảo:

       ‘’Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời!’’

Rảnh rỗi, tôi theo cụ qua chăm sóc vườn mận trồng giống mận Nhật ở trại Hầm. Trưa, hai chú cháu lui cui tự nấu cơm ăn. Nhớ một lần, chỉ một lần duy nhất, cho đến ngày tôi lặng lẽ bỏ Đà Lạt ra đi. Cụ hỏi tôi:

- Anh học Triết, sao lâu nay anh không nói triết cho tôi nghe?

Cụ ngưng nói như để thăm dò. Cụ nói tiếp:

- Anh thích nói chính trị, thích bàn thời sự...

Trời đương lạnh, nghe cụ hỏi tôi muốn toát mồ hôi; dừng tay cầm cuốc cào phân bò vào gốc mận, tôi nín thinh ngó cụ. Rõ ràng với tuổi đời cha chú, cụ đã nhìn thấy điều tôi đang giấu ở trong lòng.

- Thôi, bữa nay tôi với anh nghỉ sớm.

Cụ nói như ra lịnh, dứt khoát!

*
Xong một tuần trà, chú cháu không ai nói với ai một lời. Trời ngã chiều, sương lất phất qua khu vườn mận. Không gian tĩnh mịch, chuông chùa Sư Nữ Linh Phong thong thả buông từng tiếng chuông trầm mặc. Tôi thấm dần cái lạnh của Đà Lạt, thấm cái trống không khi ngó qua bãi tha ma phía sườn đồi sau chùa Sư Nữ.

- Cậu từ phương xa mới tới đây, gia đình ba mạ tôi cũng từ phương xa tới đây nhưng, đã tới từ thời đầu của vua Khải Định. Tôi tới đất nầy để phục vụ nhà vua và mưu sinh, còn anh tới đất nầy để học thì, phải tập trung trí lực học cho ra học.

Tôi ngẫm nghĩ: Thời tao loạn, đấng nam nhi sao có thể ngồi yên mà học? Tôi chưa kịp nói, cụ đã nói:

- Anh biết không, ngay cái địa danh Trại Hầm còn chưa thống nhất cách hiểu, cách nói. Có người bảo rằng: Trại là lều, là trại của người đi mở đất làm nương rẫy, cưa đốn cây rừng... Cái nầy thì đúng. Còn nói Hầm là tên của người được Pháp giao làm Lý trưởng thì không. Bởi, Hầm đây là hầm lò củi lấy than. Trại Hầm là nơi dựng trại để đốn củi hầm than bán ra chợ Đà Lạt.

Tôi ồ lên một tiếng, vừa nói: Thì ra...

Cụ cướp lời:

- Người đốn củi hầm than vất vả, than bán ế ẩm và không được giá. Bà con từng bước chuyển nghề hoặc bỏ đi nơi khác. Ngày lễ hay ngày nghỉ việc, tôi theo ba sang Trại Hầm vỡ đất mở vườn trồng cây ăn trái. Thời đó, còn rừng, còn khỉ, còn khá đông thú hoang... Nhất là, bầy khỉ bên đồi Rồng thường sang hái trái, phá phách. Nghe ba tôi nói lại, mận Trại Hầm có được là nhờ mấy bà đầm Tây ở khu biệt thự trên đường Paul Doumer, nay là đường Trần Hưng Đạo cho giống mận.

Tôi nói với cụ là, tôi nghe một số người nói: Mấy người đi mần mướn cho mấy bà đầm Tây trên khu villa đường Paul Doumer, ăn cắp hột giống mang về gầy ra giống để trồng... Cụ trừng mắt ngó tôi, nói như nạt nộ:

- Bộ anh tưởng, người Việt sống lam lũ nghèo khổ là lũ ăn cắp à? Và, người Pháp chẳng có người tử tế?

Biết mình nghĩ chưa tới và nói hàm hồ. Tôi xin lỗi cụ. Cụ quay sang, cười khà khà; sẵn tay cụ vói lấy chai rượu, rót ra hai cái tách để chú cháu nhâm nhi cho bớt cái lạnh chiều hôm.

*
Khoảng cuối năm 1940, khu đồi núi Trại Hầm có nhiều người lục tục kéo dòng họ về mở đất trồng mận. Việc đốn củi hầm than, coi như lùi xa vào quá khứ. Một hôm, có vị sư tới dựng ngôi chùa tranh, vách ván thông trên mặt đồi bằng phẳng, hông chùa che khuất đồi Rồng. Có lẽ, sư đoán rằng, mai sau trên ngọn đồi Rồng sẽ mọc lên một ngôi chùa Tàu theo phái Hoa tông? Mãi sau nầy, dân Trại Hầm mới biết sư đến lập chùa là Hòa Thượng Thích Bích Nguyên. Từ ngày có ngôi chùa Linh Phong, đất địa phát sinh màu mỡ thêm, giống mận Trại Hầm phát khởi...vị ngon và hương bay xa. Dốc Trại Hầm chẳng những có tên tuổi tại địa phương mà còn nổi tiếng khắp miền đất nước. Bầy khỉ thường rủ nhau về chùa, chẳng biết vì mê ngửi mùi nhang khói, nghe kinh kệ hay chờ đợi bữa ăn của chùa bố thí. Quen hơi người, hiểu nhau nên nẩy sinh tình thân thiện... người và khỉ gặp nhau trong ý niệm cùng sống. Đặc biệt, khỉ không còn phá phách như trước, khỉ bắt chước sư quét dọn lá rụng trên sân, bẻ những cành bông rừng về cho sư cúng Phật. Rất lạ, hễ sư mần động tác gì ló ra cho khỉ thấy, ngay tức thời cả bầy khỉ bắt chước mần theo, như: Sư leo núi hái thuốc, nó kéo nhau rần rần lên núi hái thuốc, sư tập luyện võ nghệ cho giãn gân cốt, nó cũng múa y hệt điệu bộ của sư... nó cố mần cho thiệt giống và có đôi khi, bất ngờ đẻ ra sáng kiến độc đáo mà con người chưa chắc đã nghĩ được.

Rồi, kháng chiến toàn quốc 1946!
Tháng giêng, mùa hoa mận trổ. 

Hoa mận trổ từng chùm, từng chùm... trắng phau, hòa vào sương màu sữa đục của núi rừng, gây mùi luyến nhớ người thân khôn tả. Vị Hòa Thượng đang tĩnh tọa nơi am phòng, chợt nghe tiếng con khỉ cái đầu đàn hú, tiếng hú thảm thiết từ đồi Rồng vọng về. Hòa Thượng linh cảm điều dữ cho đàn khỉ, tạm ngưng thời tĩnh tâm quý giá của mình, vội vàng băng qua chánh điện, bước ra sân.

Thì ra, bầy khỉ đã rơi vào bẫy của những tay thợ săn hung hãn. Niềm tin vào lòng từ bi của con người khiến bầy khỉ mất mạng! Vị Hòa Thượng thấy mình có lỗi, đã gieo sự tin tưởng mù quáng vào tâm trí lũ khỉ…

- Mô Phật, tâm trung hữu Phật, thiện trung hữu ác! Bần tăng này đắc tội với lũ khỉ kia.

Từ hôm đó, bầy khỉ không còn về chùa nữa. Hòa Thượng hiểu mình không thể cưỡng nghiệp, bó tay và chỉ nghe tiếng kêu cuối cùng một số phận; dù đó là số phận của loài khỉ. Người đã dùng trí khôn của Thượng Đế ban cho, bắt loài khỉ nấu cao làm thứ bổ dưỡng riêng mình. Chiều mùa đông năm đó, Hòa Thượng Bích Nguyên giao chùa cho Sư Bà Thích Nữ Từ Hương tu ở chùa Diệu Đế, Đà Nẵng về trụ trì. Hòa Thượng ra đi, bởi Hòa Thượng ngộ ra rằng, đất Trại Hầm cần một chùa ni, Linh Phong tự phải là chùa Sư Nữ!


Trước lúc rời Đà Lạt, tôi ghé thăm cụ. Bởi, tôi biết chuyến đi nầy của tôi khó có dịp gặp lại cụ.

Có thể, tôi chết ở một bìa rừng nào đó hoặc một góc phố nào cũng nên. Hai chú cháu lai rai gần lít rượu đế, không ai nói gì với ai. Tiếng gió hú đồi thông nghe rợn người và quỷ quái. Trại Hầm chìm vào sương khuya. Cụ bóp cánh tay tôi, nói rất khẽ.

- Tôi hiểu anh từ lâu lắm, từ cái ngày anh tới xin giúp việc làm vườn. Tôi quý và thương anh, một chàng trai trẻ sẵn sàng xếp bút nghiên để tròn phận sự nam nhi trước cơn nguy biến của đất nước. Dù anh chiến đấu ở phía nào. Tôi cũng là một người lính, dẫu rằng là lính ''Ngự lâm''.

Cái đó, nó vẫn tốt hơn những kẻ trốn chui trốn nhủi ở một xó bếp, ở cái áo ngụy trang ''phản chiến''.Tàn cuộc, nhảy ra vỗ ngực xưng ''kẻ thức thời'' chống chiến tranh(?). Tôi kết bạn vong niên với anh vì, anh chẳng phải ''kẻ thức thời'' đó. Anh là, hạng người có sức chơi sức chịu.

Gió lạnh chui qua khe vách ván thông đóng xếp chồng lên nhau, tôi rùng mình. Trời còn khuya, chưa sáng. Tôi uống hớp rượu như lẩn trốn cái xúc động qua men cay. Tiếng cụ đều đều:

- Anh thấy đó, suy nghĩ và sự kiện, niềm vui và đau khổ, bạn và thù...mọi sự không có sự nào thuộc về ta chủ động. Cái ta, biến mất dưới bàn tay Thượng Đế. Một sự hay vạn sự rồi cũng sẽ dịch chuyển và sẽ đi qua. Đêm nay, tôi nói nhiều với anh vì, nếu mai nầy anh sống sót và trở lại nơi nầy, chắc chi tôi còn sống. Anh nhớ, không tự nhiên mà ông Diệm dám làm và làm nhẫn tâm đối với Hoàng Đế Bảo Đại, không phải tự nhiên mà ông Dương Văn Minh và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng dám làm và làm tuyệt nọc nhà Ngô, không phải tự nhiên bầy khỉ bị đám thợ săn giăng bẫy sát hại, không phải tự nhiên mảnh rừng đồi núi mang tên Trại Hầm có ngôi chùa Linh Phong và Hòa Thượng Thích Bích Nguyên đã giao lại cho Sư Bà để chuyển thành một ngôi chùa ni...Trại Hầm với con dốc trút ngược xuống như xuống vực, không còn đốn củi hầm than mà nay, vùng trồng mận nổi tiếng.

Tiếng con Tắc-Kè kêu đâu đó ngoài vườn cây, cụ bập một hơi thuốc lá Cẩm Lệ, khói thuốc bay theo hơi khói miệng nhả ra như sương. Tôi nghĩ mông lung những điều cụ nói. Tôi thêm củi vào lò sưởi, lửa bùng lên soi chập chờn gương mặt khắc khổ của cụ. Tự dưng tôi thương cụ và tôi giấu tiếng thở dài trong cái đêm chia tay nầy.

- Hồi tôi theo ba mạ bỏ làng La Chử lên đây, thông mọc thành rừng trong phố, người mình ít hơn người Thượng, riết rồi người mình làm sao ấy, họ lặng lẽ bỏ đi... hễ người mình lấn tới đâu thì chiếm tới đó. Cứ vậy, lần hồi dòm lại toàn người mình, họ biến mất. Tại sao?Anh người có học nên chăng suy nghĩ thêm. Điều anh mơ ước hôm nay, nó không có thực ở ngày mai. Điều anh chê trách và dị ứng hôm nay, chắc chắn ở ngày mai nó vẫn hiện hữu như thế. Anh khoan tin tôi cái đã, những gì tôi nói. Lúc anh bằng tuổi tôi, trải nghiệm cuộc đời và mọi thứ phủi tay... Khi đó, anh chẳng khác gì tôi bây giờ.
Tiễn tôi ra đầu ngõ, cụ nắm tay dặn:

- Tính khí rặt Nam Bộ của anh e có lẽ, không hợp với chính trường. Anh chỉ nên làm kẻ chiến binh đánh giặc cứu nước, giành Độc Lập, thống nhất giang sơn!

Lội bộ ngược dốc Trại Hầm trong sương mù, tâm trạng tôi ngổn ngang trăm mối!

*
Tôi trở lại Trại Hầm đúng mùa hoa mận nở. 

Mận bây giờ đâu còn mà hoa nở. Người ta đã phá vườn mận, trồng cây hồng và chế biến hồng khô có giá trị kinh tế cao. Lợi nhuận và cuộc sống, khiến nhà vườn dù có luyến tiếc cây mận cũng đành bùi ngùi vứt bỏ. Con đường dốc Trại Hầm năm xưa, giờ được trải nhựa phẳng phiu và mang tên Hoàng Hoa Thám. Nhà cửa san sát, villa, phố lầu chen lẫn nhà mái tole, trông bức tranh lộn xộn, nhiều gam màu xốn mắt. Chùa Sư Nữ Linh Phong giờ sang trọng gấp bội phần ngày trước, được xếp hạng điểm đến Đà Lạt du lịch... nhưng cái hồn của ngôi chùa cũ thì hình như bàng bạc màu sương . Mận chín trái đỏ chuyển màu tím với hương vị đắng, mận vỏ vàng hương vị ngọt chỉ còn là hoài niệm của một thời mới đây thôi, đã xa ngái. 

Người Trại Hầm cần làm mứt mận, phải sang Cầu Đất, Trạm Hành để mua mận. Rõ là, một sự hay vạn sự rồi cũng sẽ dịch chuyển và sẽ đi qua, như cụ từng nói với tôi ngày ấy!

Chiều xô dải đồi cao ngả bóng truông đèo che khuất thung lũng Trại Hầm trước khi trời chạng vạng. Mắt rưng rưng, tôi thắp nén nhang nơi mộ phần cụ, thầm nói:

- Thì, cũng chỉ là ''vạn sự giai không'' thôi, cụ ơi!./

CTH.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 7621)
Ánh nắng buổi chiều nhàn nhạt hắt lên những bức tường xám dọc hai bên phố ở Bờ Tây, khu phố của người Palestine
07 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 9113)
Mí quyết định ưng người đàn ông xứ lạ. Lục không hiểu. Mới mấy hôm trước, nghe Lục bàn kế hoạch đi làm kiếm tiền gởi về trả nợ cho ba má,
02 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8935)
Khách sạn gần như ngủ say khi tôi trở về. Ở sảnh, chỉ còn một người tiếp tân đang chăm chú chơi trò đố chữ trên tờ báo trải rộng trước mặt.
29 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 7966)
Cửa xe taxi bật mở trước cổng bệnh viện. Một con bé mặt non choẹt, lóng ngóng ẳm đứa bé còn đỏ hỏn bước vào. Anh nén tiếng thở dài, đánh lái
20 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8910)
Cũng chính con Bướm lạ này đã đi theo cháu Chương vài lần nữa mỗi khi Chương ra xa bờ! Và từ đó Chương tin là Bà nội vẫn thương Chương
17 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8783)
Suốt mấy ngày ở Ấn Độ, tôi chẳng biết làm gì. Chuyến phượt như nước đổ lá khoai. Nước người ta rộng lớn quá.
13 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 9917)
Ngày mợ mới về nhà cậu Thị. Người mẹ có bảy tám nếp nhăn trên trán của Đĩnh lắc đầu.
09 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 9084)
Buổi sáng tinh mơ, khi còn cuộn mình trong chăn, tôi và anh vẫn có thói quen trò chuyện rất lâu về kí ức. Anh, đắm đuối nổi nênh mãi với vùng chiêm trũng đất chật người đông
28 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 8237)
không có gì phải vội vã khi nó là quyển sách duy-nhất của cuộc đời. và, tuyệt nhiên không cần phải vội vã khi chẳng có dòng sông nào (có thể) cưỡng nổi một đại dương.
25 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 7904)
Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, tôi đã là một đứa con gái mù. Có lẽ do suốt thời gian mang thai tôi, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,