TRẦN BẢO ĐỊNH - Bóng trăng quê

03 Tháng Ba 20176:28 SA(Xem: 6856)
TRẦN BẢO ĐỊNH - Bóng trăng quê
 
1.

Huy bồi hồi đứng trên bờ rạch cũ, và chợt buồn khi ngó cái cầu vó đã mục gãy theo năm tháng nắng mưa. Hình như trong tâm thức của Huy hiện ra bóng dáng Sáu đương khoan thai thả vó chìm vào lòng nước; và rồi, từng động tác của đôi cánh tay đầy uy lực cất vó bắt cá nhịp nhàng theo tiếng nước buông mành lưới rơi xuống mặt rạch loang loáng ánh trăng đêm. Có lẽ tức cảnh sinh tình nên Sáu mạnh dạn trải lòng qua câu hò Nam Bộ:

 ''Khế với canh một lòng chua xót 
Mật với gừng một ngọt, một cay 
Anh về bỏ áo lại đây 
Để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng''. 

Câu hò của Sáu ngấm vào máu, chảy khắp thân Huy. Đêm đó, trăng chưa đến độ trăng tròn và, trời thì chưa đến đỗi đã vào khuya! 

 * * * 

- Huy ơi! Qua phụ chú Tám một tay coi, con!”. 

Chú Tám mượn Huy lúc mặt trời lên khỏi ngọn tre tầm hai sào đất. Nhà chú Tám cách nhà tía má Huy một cây cầu khỉ bắc ngang cái mương dừa.  

- Dạ! Đợi con lua xong chén cơm, qua liền!. 

Sáu nói vọng sang: 

- Thì anh qua ăn cơm với em, nè!

Gió vườn bên lùa nắng nhảy múa trên sàn nước. Đến trưa, chú Tám cùng Huy và một số trai tráng trong xóm đã hoàn tất việc bắc cầu vó từ bờ đất ra giữa rạch. Mọi người nói cười rôm rả. Tiếng chim dồng dộc líu lo trên những cành bần dày đặc tổ. Chợt bên kia rạch có kẻ buông lời hò: 

''Muốn làm vó phải bắc cầu 
Muốn đi cưới vợ (phải) cau trầu lễ nghi!''

 Ai nấy đều chưng hửng và lúng túng bởi chưa tìm được người đáp lời. Sáu nghỉ tay bó dây lạt dừa nước, ứng khẩu hò môi: 

''Anh nghèo, em giảm lễ nghi 
Miễn cầu nọc chắc phòng khi trở trời!''.

 Cả đám vỗ tay rần trời, cười sặc sụa. Kẻ bên kia rạch liệu chẳng kham, nín khe!  Huy lội theo chú Tám ra đầu ngoài cầu vó. Mọi người đang hì hục cắm bốn cây nọc bằng cây trâm bầu cao khỏi ngực.

- Mấy đứa ráng cắm nọc thiệt vững để đủ sức chịu nổi cái cần và gọng vó, nha!.  

Chú Tám lội tới lội lui nhắc mọi người. Huy đứng chàng ràng dưới nước, trong lúc mỗi người hai ba việc mần bở hơi tai. Thấy vậy, Sáu kêu Huy tới mắc trục sắt vô hai nọc cầu. Sáu dặn: 

- Anh mắc gì thì mắc, nhưng khi thả vó hay cất vó, em thoải mái kéo lên cao hay gục xuống nước cũng được.Thú thiệt, Huy tuy dân sông rạch nhưng chưa hề mần vó bắt cá nên đụng chuyện đâm lớ ngớ như gà mắc tóc, Sáu phải nhắc tuồng. Nghe Sáu nhắc tuồng, Huy xẻn lẻn: 

- Thì  như cái đòn bẩy chớ gì! Bộ tui không biết sao?. 

Bìm bịp chưa kêu, con nước vẫn còn ròng chưa lớn. Huy leo lên bờ vác bốn cây tre dài đặc ruột thảy xuống mé rạch. Chú Tám và mấy đứa trong xóm khởi sự từ phía đầu ngoài rạch bắc tre cột vào đầu khúc cây nặng, ngó chẳng khác hình cái gánh chéo chữ thập; thoạt trông ngồ ngộ như cái cầu “tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”. 


2.

Chim có trời, cá có nước! Người lưới trời bắt chim vào lồng, lưới nước bắt cá vào chậu; thiệt là, thất đức(!?). Đêm ngủ chòi canh thức con nước để vó bắt cá, Sáu thường nghĩ mông lung một mình như vậy! Nước sâu, nước không chảy mạnh. Nước không chảy mạnh, tôm cá sao nhiều! Vốn liếng kinh nghiệm của ông bà để lại. Do đó, vó bắt cá phải theo con nước trong tháng tính theo âm, chớ không tính theo dương. Thường thì con nước rằm, con nước ba mươi; và con cá, con tôm cũng theo con nước đi kiếm ăn; rồi cứ vậy mà thành quy luật. Một khi đã thành quy luật, tất nhiên sẽ sinh chuyện. 

- Sáu ơi! Có ở ngoài chòi không?.

 Lối mòn ra chòi nghiêng vành trăng rằm tròn trĩnh! Sáu chưa kịp lên tiếng; Huy đã bưng rổ khoai vừa đi vừa nói luôn: “Má tui luộc khoai cho Sáu ăn khuya, nè!”. Lâu lắm rồi, cứ như là thông lệ, hễ mỗi lần đến con nước vó bắt cá thì má Huy lo cái ăn khuya cho Sáu: khi khoai bắp, lúc chè xôi… Sáng ra, má Sáu lựa cá tôm tươi, biểu Sáu đem biếu má Huy ăn lấy thảo. Tình người, nghĩa xóm đã thành nếp làng quê mà có lẽ, từ buổi đi khẩn hoang lập ấp! 

 * * * 

Ánh trăng sáng mặt nước rạch đêm rằm! 

Hai đứa ngồi bên nhau ăn khoai, canh cất vó bắt cá tôm. 

- Nãy giờ đặt vó khá lâu, mình chậm cất vó, cá tôm vô vó rồi đi luôn thì sao, Sáu?.

 Huy đứng dậy, trong bụng hơi lo lo. Sáu mỉm cười, bóng ngả sóng soài trên cây cầu vó lắt lay.  

- Anh lo chi, tía có cách và đã có tính trước việc nầy khi làm vó. Lúc đặt vó, em đặt nghiêng không đặt đứng, bởi chính cái độ nghiêng của vó khiến mối viền lưới phía đầu dòng nước chảy sẽ chìm sát đáy rạch. Trong khi đó, mối viền lưới ở phía cuối dòng nước chảy lại ở chừng mực ngang tầm mặt nước; còn như cao thấp chút ít là tùy tình hình mặt nước rạch đêm đó sạch hay nhiều cỏ rác. Cá tôm không vào vó thì thôi. Đã chịu vào, mong chi thoát; bởi nó đụng phải cái tùng lưới tù mù chẳng lối ra, chỉ bơi quanh quẩn chờ vó cất”. Huy vừa đập muỗi, vừa nghe Sáu cắt nghĩa cái vó, hệt như học trò lắng nghe cô giáo giảng bài.

 - Huy ơi! Về học bài, mai còn đi học; khuya rồi, con!

 Má Huy đứng bờ mương gọi sang bờ đập, nửa như nhắc nhở, nửa như hối thúc. Sáu nói hớt, thay Huy: 

- Chút nữa, anh Huy về liền, bác Bảy ơi!

 Huy lên tiếng để má yên lòng. 

- Má vô nhà ngủ đi, lát nữa con về!. Sáu lắc vai Huy. 

- Thôi! Anh phụ em cất vó, rồi về!. 

Lưới vó có độ dùn. Hèn chi, khi nước chảy mạnh, lưới biến thành cái tùng sâu cả thước tây; tôm cá nếu có vẫy vùng thì cũng chỉ là vẫy vùng trong cái hố thẳm đó! Con người ghê thiệt! Bàn tay Sáu lúc khoan lúc nhặt kéo lưới vó, tấm lưới hình vuông buộc chặt vào bốn đầu cây tre từ từ trồi lên khỏi mặt nước. Màn lưới chùng như cái võng vuông lớn thiệt lớn, ngăn ánh trăng dọi xuống mặt rạch. Và, từng hạt nước lăn dài trên thành màn lưới đã vội vã rớt trở lại dòng nước, chẳng thể lìa xa. Bắt cá tôm xong, thả lưới đặt vó trở lại đáy rạch, Sáu cười khúc khích: - - - Anh đang bị bóng đè, có đau có nhức không?

Huy chả hiểu ra làm sao, dợm hỏi cho ra lẽ thì Sáu đã nắm tay Huy lúc lắc. Người lớn trong xóm thường hay nói, “bóng gái đè bóng trai, không chia tay thì mai nầy cũng có đứa chết’(!?)”. Thất kinh, Huy vội đẩy tay Sáu ra và nói trỏng: 

- Ăn nói bậy bạ quá! Người ta đi về bây giờ!

Sáu cười nức nẻ, thọc léc tinh nghịch trộ Huy: 

- Coi vậy, sợ chia tay, sợ chết! Chết, em chẳng sợ, chỉ sợ mình thương người ta mà người ta không thương. Cái đó, mới thiệt là chết thiệt!. Bóng trăng ngắn vì bóng mây che, bóng anh dài vì bóng em đè. Rồi, Sáu ngẫu hứng cất giọng hò lơ:

- ''Ánh trăng soi bóng tụi mình 

Bóng em đè bóng lên hình bóng anh!''(*)  

Huy mần thinh, Sáu sợ giỡn quá trớn Huy giận nên đưa cái rổ đựng mấy con tôm càng xanh bự chảng đương nhảy xoi xói: 

- Anh đem về rọng. Sớm mai, bác Bảy rim tôm nước dừa cho anh ăn lót dạ, đi học!”.

* * * 

Chú Tám, người có tay nghề chọn dòng nước chảy, chọn địa hình với thế đắc địa đặt vó mà bọn trẻ trong xóm thường gọi là máng gió. Kẻ yếu tay nghề hoặc dân xứ khác mới đến, tưởng dễ ăn, máng vó lơ mơ chỉ là “húp cháo rùa”  chớ chẳng có con cá con tôm nào dại chui vào vó lưới. Huy dù không rành rẽ như Sáu, nhưng không phải là không biết; vì những ngày nghỉ học, Huy phụ chú Tám lặn xuống nước dùng đôi tay khỏa bằng phẳng đất ở mặt đáy rạch nơi sẽ máng vó. Đã vậy, chú Tám và Huy còn phải dọn dẹp các chướng ngại cản luồng cá tôm đi, những chà gai nguy hiểm làm rách lưới. Nghĩa là, nơi máng vó cần được thông quan trước khi đặt vó. Sự đời, sông rộng thì rạch hẹp, chớ đâu có chuyện ngược đời rạch rộng mà sông hẹp bao giờ? Cho nên, chú Tám hay nhắc mấy đứa trong nhà, ngoài ngõ: “Biết rằng ‘tay làm, hàm nhai’. Song, tay làm vất vả mới có miếng để hàm nhai. Cũng như con cá, con tôm, thích thú rủ nhau đi ăn đêm chớ không thích thú rủ nhau đi ăn ngày. Trời mưa gió, cá tôm kéo nhau bơi bầy đàn. Trời quang mây tạnh, cá tôm thường khi vắng bóng”. 

 Rồi như thể sợ cháu con chưa hiểu, chú Tám nói tiếp: 

- Ngồi mát ăn bát vàng, cái đó rất xa lạ và nhứt định không là thói quen của người dân quê chơn chất!. 

Ngẫm lời chú Tám, nhiều đêm trằn trọc Huy thấy quý trọng và thương dân quê mình. Đến lúc Huy học con cá, con tôm thuộc môn vạn vật; nghe cô giáo giảng về đặc tính của từng con, Huy lại quý trọng và thương con cá, con tôm hơn con người. Chẳng hiểu vì sao? Mỗi ngày một lớn, Huy hiểu mù mờ, rằng, cá tôm rủ nhau đi ăn đêm, tụ bầy đàn rồi kéo nhau bơi trong mưa gió… cốt là, tránh hiểm nguy đến tánh mạng và để bảo tồn sự sống, chớ đâu vì thích thú rong chơi; chắc chắn chúng không ngờ, con người do cần ăn cần sống nên bất chấp đêm hay ngày, mưa hay nắng; sẵn sàng miệt mài chịu cực chịu khó canh thức cất vó bắt cá tôm. Nhớ hồi Sáu chưa thế tía ngủ chòi cất vó, ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ Huy thường được chú Tám kêu qua chòi ăn tôm cá nướng than củi dừa. Huy nghĩ thầm và tự mâu thuẫn với chính mình: “Ngon bất biết, mà cũng buồn khôn nguôi!”. Chú Tám ngồi chồm hổm, mần bộ giả lơ; chớ thiệt ra, chú đọc thấu sự suy nghĩ của thằng cháu hàng xóm mới vừa nhổ giò nở bắp chuối cẳng! “Vật dưỡng nhơn mà cháu!”. 

Giật mình, Huy xẻn lẻn và lúng túng thể như, bị ai đó “bắt tận tay,day tận mặt” cái trộm nghĩ thầm kín của riêng mình. Huy còn đương bần thần đã nghe chú Tám cười khanh khách: “Trong cái cõi hồng trần gian truân nầy, nghĩ chi cho mệt óc, nặng lòng! Trời đất mang mang vốn đã xếp đặt vậy, là cứ vậy…”. Chú rót rượu ra chén. Uống vô một chén, khà ra một tiếng: “Mai nầy, lớn lên, rồi con sẽ uống rượu như ta! Khi uống rượu, con hiểu được một phần đời trong cuộc sống”. Huy bó gối ngồi lặng im.  Trong căn chòi trống huơ, hương rượu nếp bén mùi tôm cá nướng chín thơm lừng cả khúc rạch con nước vào rong. 


3.

Bây giờ, hỏi thăm xóm Trâm Bầu chẳng ai biết, bởi người của xóm cũ chẳng còn ai và cái xóm nghèo từ hồi nẳm, nay đã là Ấp Một.  Bóng chiều khuất dần dưới bóng trăng rằm. Huy lần khân trên nền đất cũ, mắt rưng rưng. “Ông ơi! Ông tìm ai mà lần quần ở đó? Trời sắp tối rồi!”. Tiếng cháu gái bên kia bờ rạch hỏi nhóng sang. 

- Nè cháu! Chỗ nầy, có phải hồi trước có đặt vó bắt cá không cháu?. 

Huy cố nói to bằng hơi sức của người già, vì sợ cháu gái bên kia bờ rạch nghe chẳng rõ. 

- Ông ơi! Cháu còn nhỏ nên không biết, để cháu kêu má cháu!.  

* * * 

Trăng rằm vằng vặc sáng! 

Con nước vào rong chảy mạnh giữa dòng, nhưng cá tôm mất bóng dần bởi môi trường sống ô nhiễm, khí hậu biến đổi. Huy ngồi cận kề ngôi mộ đất ẩm thấp mọc đầy cỏ dại nở bông. 

- Xin lỗi, chú thứ mấy, là sao với ngôi mộ hoang nầy?. 

Má cháu gái bơi xuồng sang và lúc bước lên bờ đã hỏi Huy như vậy! 

- Tôi thứ Hai, tên Huy, là người thân của ngôi mộ nầy!

 Huy tự giới thiệu chưa hết lời, má cháu gái đột nhiên mừng ra mặt. 

- Mèng đéc ơi! Người ăn ở có đức mới được như vầy, chớ kẻ ăn ở thất đức thì…. Huy ngạc nhiên, hỏi: 

- Sao thím nói vậy?. 

- Đã nhiều năm tui sống ở đây, chẳng thấy ai lui tới và cũng chẳng có ai đến tảo mộ ngày hai lăm tháng chạp theo thông lệ người làng. Mủi lòng, tui sai mấy cháu sang nhổ cỏ dại và thắp nhang, đốt gởi áo quần, tiền bạc cho người nằm dưới mộ đỡ buồn tủi !

 Nói xong, má cháu gái đưa nhang cho Huy thắp. Có lẽ, ngó thấy cỏ dại mọc um tùm trên mộ nên má cháu gái sượng lời, vội nói chống chế: - - Tụi nhỏ chúng không biết ‘Nhổ cỏ dại nhổ tận gốc’', không nhổ tận gốc nên nhổ vừa xong, cỏ dại mọc lại và ngóc đầu lên dữ tợn hơn hồi chưa nhổ!

 Như đoán được điều Huy muốn hỏi và hỏi rất nhiều nữa là đằng khác; má cháu gái chẳng ngại ngùng, nói luôn: 

- Chiến tranh đầy bom đạn mà chú hai! Thôi thì, đêm nay, vợ chồng tui mời chú hai ngủ lại nhà tui. Chuyện gì, chú hai hỏi tía con Mủng rành hơn tui!

 Lúc xuồng ra giữa rạch, má cháu gái nói vói lên bờ: 

- Khi nào qua, chú hai hú cho một tiếng!.  

* * * 

Trăng đan tơ trời dệt trắng mộ Sáu! Huy mơ màng nghe trong gió có tiếng Sáu hò lơ… Đêm hai đứa đứng so kè cất vó bắt cá! Và rồi, đêm nay dưới ánh trăng rằm muôn thuở, Huy khóc, tiếng khóc rung mái tóc màu trắng sữa sương: 

''Tôi về ngồi khóc một mình 
Bóng tôi đè bóng lên hình mộ em!'' (*) 

Trăng khuya khoắt, có khác chi cái khuya khoắt đêm chia tay, Sáu bịn rịn tiễn Huy theo gia đình lên tỉnh sinh sống. Hai đứa từ đó bặt tăm và bom đạn cắt lìa đôi lứa… 

- Về thôi, chú hai ơi! Khuya lắm rồi!

Tiếng hối thúc của tía cháu gái ban chiều chồng lấn tiếng mái chèo khua sóng con nước lách tách mạn xuồng. Lúc Huy níu cây cầu vó đã gãy mục để tạo lực bước xuống ghe, Huy có cái cảm giác cây cầu vó thức dậy, một sự thức dậy mừng người xưa còn nhớ đất cũ quay về!  Và, trong cõi xa lắc xa lơ, mơ hồ như có tiếng hò lơ…  

''Anh về bỏ áo lại đây
 Để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng!''./

TBĐ
 (*) Trống Đình Làng, thơ Trần Bảo Định

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 9019)
Có thứ tình nào không đẹp, không đào sâu hơn vào bề mặt hiện tại dễ bơ vơ lẻ loi này. Chắc tình là đạo, là giải thoát, và chỉ có con người mới có sức mạnh mang hạnh phúc lớn nhất đến với con người.
05 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 6376)
Đang ngồi lừng khừng trên băng ghế gần cổng số 20 chờ giờ lên tàu bỗng một giọng nữ cao the thé qua máy phóng thanh xướng tên hành khách nghe quen quen, hóa ra là mình.
04 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 7196)
(truyện hư cấu, không nhắm vào ai, chỉ nói về sinh mệnh con người….. )
30 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 7770)
Nhà tôi mái bằng, vuông như hai cái hộp kê khít lên nhau, thừa mỗi đoạn đuôi ở tầng một làm công trình phụ. Bà sai thợ sắt dựng ở hai bên ban công một giàn hoa xương cá.
19 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 6635)
Nắng cuối ngày chiếu nốt nhịp điệu hối hả lên nhiều mặt hàng gốm sứ vẫn đang được đưa lên khoang thuyền.
17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 10219)
Đương lui cui luộc nồi khoai dưới bếp, nghe con cháu thưa hỏi đi dìa, dì Năm Chạch hớt hơ hớt hải chạy theo ra bến sông níu áo con Tư.
12 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 7380)
Ngày mai đã là mùa đông. Cả thành phố lại rợp màu sắc sặc sỡ của hàng trăm loại áo khoác người ta khoác lên người để chắn che cái khắc nghiệt của thời tiết.
07 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 5795)
Tiếng súng xa dần thành phố, những đoàn người lê thê lếch thếch di tản ở đầu cuộc chiến bây giờ cũng lần lượt trở về.
06 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 8813)
Gió Nam non thổi lòn qua tổ Ong Đất, dỗ bầy ong ngủ giấc ngủ say. Chợt, Chúa vả cả bầy choàng tỉnh, những tiếng động từ mặt đất nện xuống nghe đinh tai nhức óc.
01 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 6031)
Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17045)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8344)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31958)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,