TRẦN THU MIÊN - Cầu Nguyện Với Rắn

17 Tháng Sáu 201710:09 SA(Xem: 5945)
TRẦN THU MIÊN - Cầu Nguyện Với Rắn

Mùa Thu năm 1985, lúc hoàn tất chương trình học tại Đại Học Texas, Arlington, tôi đã gửi thư xin việc rất nhiều nơi, nhưng may mắn được phân khoa Nhân Xã Vụ (College of Social Work) thuộc Đại Học Kentucky (University of Kentucky) tại thành phố Lexington nhận đơn. Đây là một trong hai đại học duy nhất đã cho tôi cơ hội khởi nghiệp. Trường thứ hai là University of Maryland. Tôi nhận đi Kentucky vì được hợp đồng trước. Đơn giản thế thôi.


Trước khi đi thăm trường, để sửa soạn cho cuộc gặp gỡ ban giáo sư trong buổi “nhận diên và tra hạch” khả năng; tôi đã vào thư viện tìm đọc vài chi tiết về Kentucky. Dạo ấy chưa cho Google để mình chỉ cần bấm bảng chữ vi tính lướt mạng là có ngay hàng ngàn thông tin hay dữ kiện địa lý lịch sử ở hầu hết những xó xỉnh trên mặt đất như bây giờ. Đọc về Kentucky có nhiều chi tiết hấp dẫn khiêu gợi tò mò. Tuy nhiên những điều này không thể sánh được chi tiết ly kỳ tưởng như thần thoại là Kentucky có nhà thờ tín đồ hàng tuần đến cầu nguyện với rắn độc.Thật ra thì ngay cả một số đồng nghiệp của tôi cũng không biết rằng có nhà thờ Rắn tại Kentucky.Trong buổi giao lưu với ban giáo sư để họ tra vấn khả năng mình trước khi Đại Học thu nhận tôi, sau phần thuyết trình của tôi là phần ban giáo sư đặt các câu hỏi liên quan đến bài thuyết trình hay bất cứ vấn đề gì họ thích hỏi. Vào phút cuối, một giáo sư cỡ trung niên ngồi im lặng từ đầu đến cuối, bỗng lên tiếng hỏi:

Anh Tran, anh có biết điểm gì đặc biệt về Kentucky không? Và tại sao anh lại muốn về Đại Học này dạy học?”

Tôi nghĩ Kentucky có nhà thờ cầu nguyện với rắn là điều rất lạ lùng với tôi.” Câu trả lời của tôi gây ngạc nhiên cho ông và vài giáo sư khác, họ cau mặt nhìn tôi như thầm bảo “Tên này điên rồi.”

What? What did you say? Anh nói gì?” Vị giáo sư này bỡ ngỡ về câu trả lời và trong ánh mắt ông lộ rõ sự nghi ngờ về điều tôi nói. May quá, khoa trưởng là nhà xã hội học gốc Ấn Độ, đã có cảm tình với tôi vì ông đích thân ra phi trường đón tôi rồi đưa tôi về nhà dùng cơm tối, lên tiếng giải toả mối nghi ngờ không những của vị giáo sư đặt câu hỏi mà còn của một số giáo sư khác. Có lẽ họ không phải là cư dân Kentucky hay không để ý đến địa lý và văn hoá của bang này.

Dr. Tran is right. I too was curious and fascinated about this church when I came to Kentucky—T.S. Trần nói đúng đấy. Tôi cũng tò mò và bị lôi cuốn về giáo phái này khi tôi đến bang Kentucky.”

Câu nói của vị khoa trưởng giải toả sự nghi ngờ của nhiều người trong phòng và dường như vì câu nói ấy tôi đã chiếm được cảm tình của ban giáo sư.

Hoa Kỳ vào thập niên 80 vẫn còn nhiều vết tích kỳ thị chủng tộc ở những bang Miền Nam và nhất là dọc theo miền núi Appalachian Mountains nơi dân cư sống nhiều đời bằng nghề hầm mỏ chuyên đào than đá. Sau bốn năm sống ở bang Mississippi, tôi đã có kinh nghiệm trực diện với sự kỳ thị màu da nên một mình một ngựa dọn về Kentucky cũng làm tôi hoang mang lo lắng. Kentucky có biệt hiệu là bang của những đồng cỏ xanh “Bluegrass State.” Cái nôi trồng thuốc lá và làm rượu Whiskey. Bang Kentucky giáp ranh với một số bang như West Virginia, Tennessee, Misouri, Illinois, Indiana, và Ohio. Vì đất đai mầu mỡ nên cỏ ở đây mang mầu xanh biếc rất kỳ ảo. Ngoài ra còn có trường đua ngựa nổi tiếng thế giới. Đại Học tôi sẽ về dạy học là Đại Học chính của tiểu bang. Đọc về lịch sử kỳ thị ở đây làm tôi rờn rợn nhưng chi tiết về nhóm tín đồ ôm rắn độc cầu nguyện xem chừng ly kỳ và kích thích sự tò mò ngây ngô của tôi. Ngay từ những ngày đầu đời tại Hoa Kỳ khi được bảo trợ về định cư tại bang Mississippi, dù chưa thông thạo tiếng Anh, cuối tuần tôi đã lân la đến các nhà thờ đủ các giáo phái để xem và nghe dân địa phương cầu nguyện hay cử hành Thánh Lễ ra sao. Đi vì tò mò chứ không phải vì tin. Chính vì vậy, khi vừa đến Kentucky tôi đã tìm cách đi dự lễ cầu nguyện với rắn xem sao. Cũng may vì nhà thờ Rắn không ở ngay Lexington, nhưng chỉ ở làng mạc hẻo lánh và các nhà thờ này rất khép kín, khách lạ khó vào được. Dù rất muốn đi nhà thờ Rắn một lần cho biết, nhưng tôi cũng sợ đi một mình nên đã không được dịp tham dự trực tiếp buổi cầu nguyện với rắn.

Nhà thờ rắn nổi tiếng (Church of God) do chính giáo chủ Hensley lập nên ở làng Penville, Kentucky phía Nam thành phố Lexington khoảng 120 dặm. Dọc phía Nam dãy núi Appalachian Mountains Hoa Kỳ có một giáo phái Thiên Chúa Giáo tin rằng họ được linh ứng bởi Thần Khí và có thể cầm rắn độc, hay uống độc dược mà không hề hấn gì. Chứng tích rõ ràng về lịch sử thành lập giáo phái này tại Hoa Kỳ vẫn chưa kiểm định được chính xác, nhưng nhiều dấu tích và dữ kiện lịch sử cho biết khoảng năm 1909, đầu Thế Kỷ 20, giáo phái này đã ra đời tại một làng sơn cước Appalachian Mountains bang Tennessee. Giáo phái Cầu Nguyện Với Rắn là giáo phái đặc thù của người Mỹ ở miền Đông Nam (Southeastern) Hoa Kỳ. Giáo phái này chia chung quan niệm với các giáo phái Siêu Nghiệm, Thánh Linh, và Truyền Thống (Charismatic, Pentecostal, và Fundamentalist) họ tin rằng tất cả những lời viết trong Kinh Thánh là tuyệt đối.


Nền Tảng Thần Học

Theo hai nhà nghiên cứu tôn giáo Hood & Kimbrough (1995), thần học nền tảng cho giáo phái Cầu Nguyện Với Rắn (Serpent Handling Sects) là đoạn Kinh Thánh trích từ bộ Cổ Kinh Thánh của King James. Nguyên văn đoạn Kinh Thánh của Mark 16:17-18, phiên bản Anh Ngữ của King James Bible như sau:

“17 And these signs shall follow them that believe; In my name shall they cast out devils; they shall speak with new tongues;
18 They shall take up serpents; and if they drink any deadly thing, it shall not hurt them; they shall lay hands on the sick, and they shall recover.”

(17 Và những tín hữu sẽ nhận được các dấu ấn này; Vì danh ta họ sẽ trừ được quỉ, họ sẽ nói được nhiều tiếng lạ;

18 Họ sẽ cầm được rắn bằng tay trần, và họ sẽ uống được bất cứ độc dược nào, chẳng có gì hại họ được; họ sẽ đặt tay lên bệnh nhân, và bệnh nhân được khỏi bệnh.)

Tất cả các tín hữu thuộc giáo phái Cầu Nguyện Với Rắn đều thuộc nằm lòng đoạn Kinh Thánh trên.

Để bạn đọc có thêm chi tiết về nền tảng thần học của Giáo Phái Cầu Nguyện Với rắn, tác giả trích một đoạn Kinh Thánh chi tiết hơn từ Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ như sau (Mark16: 15-18):

“15 He said to them, “Go into the whole world and proclaim the gospel to every creature.

16 Whoever believes and is baptized will be saved; whoever does not believe will be condemned.

17 These signs will accompany those who believe: in my name they will drive out demons, they will speak new languages.

18. They will pick up serpents [with their hands], and if they drink any deadly thing, it will not harm them. They will lay hands on the sick, and they will recover. (http://usccb.org/bible/mark/16:15).”



“15 Ngài (Đức Giê-Su) bảo họ (các môn đệ), “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và nhận rửa tội sẽ được cứu độ; ai không tin sẽ bị trừng phạt. 17 Đây là những dấu ấn cho những người tin: Vì danh ta họ sẽ trừ được quỉ, họ sẽ nói được các tiếng lạ. 18 Họ sẽ dùng tay trần cầm rắn, và dù họ có uống phải bất cứ độc dược nào thì cũng chẳng hề hấn gì. Họ đặt tay lên người bệnh, và những bệnh nhân này sẽ được chữa lành ngay.”

Thật ra thì việc cầm rắn được ghi chép rải rác trong Kinh Thánh từ thời Ngài Moses (Exodus 7:8-12 and Numbers 21:6-9) đến câu chuyện nhà truyền giáo Thánh Phao Lô Tông đồ bị rắn độc cắn nhưng chẳng hề hấn gì trước sự chứng kiến của những người chưa tin lời ông rao giảng (Act 28:1-10), ngay sau việc này xảy ra đã có nhiều người tin vào Tin Mừng ông rao giảng và nhiều bệnh nhân được Phao Lô đặt tay lên họ và họ được bình phục. Ngoài đoạn kinh thánh Mark 16:17-18 còn thêm đoạn của Luke 10:19 thuật lại việc Đức Giê Su ban linh quyền cho các môn đệ khi Ngài khuyến khích họ lên đường giảng Tin Mừng của Ngài cho nhân loại:

19 Behold, I have given you the power ‘to tread upon serpents’ and scorpions and upon the full force of the enemy and nothing will harm you.” (http://usccb.org/bible/luke/10/).

(Nghe đây, Ta ban cho anh em quyền lực ‘đạp lên rắn’ và bọ cạp và trên mọi quyền năng của kẻ thù và chẳng có gì làm hại được anh em).

Vào khoảng đầu thế Kỷ 20, người dân miền núi Appalachian Mountains gặp phải những khó khăn về kinh tế nhất là luật quốc gia tước quyền người dân làm chủ khoáng chất hay lâm sản thuộc về đất của họ. Thêm vào đấy là những xáo trộn về đạo đức xã hội hậu quả của cuộc cách mạng kỹ nghệ trong thế kỷ 19 kéo dài sang thế kỷ 20, và những phát minh khoa học từ điện năng, tàu bay, và xe hơi ở đầu thế kỷ 20 làm nhiều người choáng váng và cần tìm đến sức mạnh siêu hình để giúp mình đương đầu với những đổi thay và khó khăn. Dường như khi gặp khó khăn người ta dễ tìm đến tôn giáo. Ở thời điểm này xuất hiện một nhà giảng đạo cầm rắn trên tay giảng Phúc Âm cho dân miền sơn cước bang Tennessee và Kentucky. Nhà giảng thuyết lạ lùng này là ông George Went Hensley (Kimbrough, 2002). Ông này xuất thân là người mù chữ và thất nghiệp kinh niên. Nhà giảng đạo với rắn Hensley đã từng bị bắt tù vì tội nấu rượu lậu. Ở Hoa Kỳ, vào đầu thế Kỷ 20, việc nấu và buôn rượu lậu là một tội phải ở tù. Đạo sĩ Rắn Hensley có khoảng 4 đời vợ và 13 đứa con. Đã có lúc ông khuyên vợ cho hết các con vào viện mồ côi để theo ông lên đường giảng đạo. Đương nhiên là vợ ông không đồng. Vì mù chữ, không đọc được Kinh Thánh, nên ông chỉ ôm rắn giảng đạo sau khi một người trong buổi cầu nguyện đọc hộ ông một đoạn Kinh Thánh, có khi chính vợ ông đứng lên đọc trước khi ông thao thao cắt nghĩa Kinh Thánh để chứng minh cho tín đồ rằng Thần Khí cho ông quyền năng thoát khỏi hiểm nguy của rắn độc. Rắn đã từng cắn ông nhưng chưa bao giờ ông tìm đến bác sĩ giải độc. Việc ông thoát chết sau khi rắn độc cắn lại làm tăng uy tín của ông và thuyết phục được tín đồ theo ông. Truyền thuyết kể rằng ông đã bị rắn độc cắn ít nhất là 400 lần. Theo vài nguồn sử liệu, đạo sĩ rắn Hensley sinh ngày 2 tháng 5, 1881 và qua đời sau khi bị rắn độc cắn trong buổi cầu nguyện cuối cùng vào ngày 25 tháng 7, 1955. Ảnh hưởng của Đạo Sĩ Hensley có thể tìm thấy ở vùng sơn cước West Virginia, Virginia, Kentucky, Tennessee, North Carolina, Georgia, và Alabama. Dù luật pháp ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ đã cấm việc ôm rắn cầu nguyện, các tín đồ vẫn âm thầm cầu nguyện với rắn tới ngày nay. Theo thống kê (dù khó kiểm chứng được độ chính xác trung thực) có 4 người chết vì rắn cắn trong đầu thập niên Thế Kỷ 21, 1 người ở Georgia, 1 người ở Kentucky, 1 người ở Virginia và 1 người ở West Virginia. Trong các bang này, Georgia và West Virginia vẫn chưa có luật cấm cầu nguyện với rắn (Williamson & Hood, 2015).

Đã có nhiều phân tích tâm lý và xã hội về niềm tin của những tín đồ cầu nguyện với rắn (Williamson & Hood, 2004; McCauley, 1995), nhưng chẳng có lời giải thích nào thoả đáng. Tôn giáo không thể giải thích được bằng lý trí. Những tín đồ cầm rắn cầu nguyện tin rằng Thần Khí thôi thúc và tuyển chọn họ làm việc được coi là nguy hiểm để minh chứng cho sức mạnh siêu nhiên của Thánh Linh. Người dám ôm rắn cầu nguyện tin tuyệt đối vào Thánh Linh như lời Kinh Thánh dạy. Họ xác tín rằng với sự độ trì cùa Thánh Linh họ có thể vượt qua được bất cứ thử thách hay chướng ngại nào ngay cả việc cầm rắn độc trên tay, bước vào lửa, hay uống độc dược.



Nghi Lễ Cầu Nguyện

Giáo sư Nhân Chủng Học chuyên về văn hoá dân gian Hoa Kỳ, Steven M. Kane (1974) đã tham dự các buổi cầu nguyện với rắn của dân miền sơn cước Appalachian Mountains và tường thuật lại rằng thông thường tín độ giáo phái này ăn mặc đơn sơ nhưng chỉnh tề đến nhà thờ khoảng 1 giờ trước buổi cầu nguyện. Có những giáo dân mang theo hộp gỗ đựng rắn độc vào nhà thờ rồi đặt ngay dưới ghế ngồi. Giáo dân thường ôm người cùng phái hôn môi nhau khắng khít để trao cho nhau những nụ hôn của Thánh Linh (Holy Kisses). Họ dành thời giờ trước khi cầu nguyện để chia sẽ chuyện gia đình hay chuyện liên quan đến giáo hội. Đến giờ cầu nguyện, mọi người tự nhiên linh động hứng khởi cùng nhau hát thánh ca theo tiếng đàn guitars, cymbals, và tambourines. Có người vừa dậm chân lên sàn nhà vừa hát say mê. Sau một lúc hát thánh ca, vị mục sư lên tiếng chào và chúc lành cho giáo dân. Vị này thường tuyên bố chúc mọi người vui say trong Thiên Chúa và hãy làm những gì Thần Khí thúc đẩy làm. Sau lời chào thăm và lời cầu nguyện chung, giáo dân quỳ xuống nền nhà và mọi người cùng la hét khiến nhà thờ vang dậy những âm thanh hỗn loạn. Mạnh ai nấy nói, miệng họ có thể phát ngôn ra những âm thanh hay tiếng nói dị kỳ.

Tôi nhớ vào khoảng năm 1973-1974, tại một nhà thờ Tin Lành nằm bên sườn đồi đối diện hồ Xuân Hương Đà Lạt cũng có những buổi cầu nguyện mà tín đồ la hét rối loạn trong giờ cầu nguyện. Tôi đã dẫn hai bạn tham dự vài buổi cầu nguyện tại nhà thờ này (Bây giờ hình như đã thành một tiệm cà phê thì phải). Chúng tôi tham dự vì hiếu kỳ và vì thấy không khí cầu nguyện có gì điên loạn một cách thánh thiện. Tôi đã múa tay đạp chân lên sàn nhà và miệng cứ hô Alleluia hay Amen Amen trong lúc hai thằng bạn tôi ôm bụng cười ra nước mắt. Cử chỉ coi như điên rồ ấy lại là cách cầu nguyện quen thuộc trong nhiều nhà thờ theo phái Thánh Linh. Trong các nhà thờ cầu nguyện với rắn ở miền núi Appalachian Mountains, không chỉ vị mục sư mới có quyền lên toà giảng cắt nghĩa kinh thánh hay giảng thuyết, bất cứ tín đồ nào cảm được Thần Khí thôi thúc cũng được phép tự nhiên đứng lên giảng đạo. Khi Thần Khí nhập, người mang hộp đựng rắn độc vào nhà thờ đứng lên cho tay vào kéo rắn ra và tiếp tục la hét cầu nguyện những câu như “"Yes, Lord! Thank you, Jesus!-Lạy Chúa! Tạ ơn Người, Đức Giê Su." Trong khi cộng đoàn lên tiếng ủng họ nhiệt tình và họ thường la lên “Chúc phúc cho anh ta, Lạy Đức Giê Su-Bless him, Jesus!" Khi người cầm rắn hay quàng rắn vào cổ đi qua ai, nếu người ấy được Thần Khí thôi thục thì họ đưa tay ra ve vuốt con rắn độc một cách an nhiên. Sau khoảng 20 mươi phút hò hét múa may theo rắn độc, những con rắn được cho vào hộp và buổi cầu nguyện lại tiếp tục.

Đã gần 30 mươi năm rồi tôi chưa trở lại Kentucky sau khi bỏ University of Kentucky lên University of Michigan, An Arbor vào cuối hè 1986. Tôi về Kentucky đúng một năm học rồi nhận được học bổng hậu tiến sĩ của viện National Institute on Aging lên University of Michigan học thêm về nghiên cứu tuổi già. Lúc viết bài này thì mình cũng sửa soạn bước vào khúc rẽ hoàng hôn cuôc đời. Nước Mỹ còn nhiều điều kỳ lạ để bàn để nói.

Tài Liệu Liên Quan

Kane, S. M. (1974). Ritual possession in a southern Appalachian religious sect. The Journal of American Folklore, 87(346), 293-302.

Kimbrough, D. L. (2002). Taking Up Serpents: Snake Handlers of Eastern Kentucky. Macon, Georgia: Mercer University Press.

McCauley, D.V. (1995). Appalachian Mountain Religion: A History. Champaign: University of Illinois Press.

Williamson, W. P., & Hood Jr, R. W. (2004). Differential maintenance and growth of religious organizations based upon high-cost behaviors: Serpent handling within the Church of God. Review of religious research, 150-168.

Williamson, W. P., & Hood Jr, R. W. (2015). Religious serpent handling and community relations. Journal of prevention & intervention in the community, 43(3), 186-198.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 3141)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
07 Tháng Hai 20239:28 SA(Xem: 2990)
Và cuối cùng sau một tuần dò la, săn đón, sáu Liên nhờ hai cô gái là Huế và Nhạn, đã dụ được Thơm để làm mồi tế thần cho ông Phiêu.
04 Tháng Hai 20231:37 CH(Xem: 2132)
Cô ngước nhìn mảnh trăng trên đồi, nghe như trăng đang thầm thì kể chuyện
26 Tháng Giêng 202310:52 SA(Xem: 2715)
Trên vách tường bóng cha cúi xuống, tiếng đàn bầu lại rung lên trong đêm, khắc khoải, đợi chờ...
23 Tháng Giêng 202310:45 SA(Xem: 2189)
Hãy nhìn dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm.
22 Tháng Giêng 202312:20 CH(Xem: 2558)
Sau hơn sáu mươi năm, kể lại chuyện xưa, tôi chỉ còn biết mỉm cười!
11 Tháng Giêng 20239:04 SA(Xem: 3162)
Tôi thầm gọi: Hoàng Sa ơi, hẹn ngày về lại Hoàng Sa!
22 Tháng Mười Hai 20224:19 CH(Xem: 2068)
Đêm chùng như võng. Chị một mình trong căn buồng lạnh ngắt, chiếc áo anh treo trên móc chị cố tình không giặt, vậy mà đến nó cũng chẳng giữ được mùi anh.
20 Tháng Mười Hai 20225:34 CH(Xem: 2096)
Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm
20 Tháng Mười Hai 202212:25 CH(Xem: 2829)
Thuốc lá quê tôi không vĩ đại như Con đường thuốc lá của Erskine Caldwell; không hoành tráng như thuốc lá của làng Thanh Quýt nhưng cũng đủ cho những hoài niệm nao lòng với bao người con xa xứ!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17095)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12304)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19034)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9206)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8380)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 659)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1036)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1212)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22504)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14042)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19216)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7929)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8849)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8521)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11099)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30752)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20839)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25547)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22934)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21770)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19825)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18076)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19285)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16946)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16134)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24538)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31988)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34952)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,