TRẦN BẢO ĐỊNH - Hương Quê Nội.

31 Tháng Mười Hai 20177:13 SA(Xem: 7333)
TRẦN BẢO ĐỊNH - Hương Quê Nội.
 
1.

“Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng  
Ngày tháng Mười chưa cười đã tối”.  

Lời hát ru đó đã thành câu tục ngữ quê nội. Cô Tư, em gái của ba thường nói: 

“Người xứ còng lột thường lấy giấc ngủ đo chiều dài theo con nước tháng Năm; và họ lấy tiếng cười đo chiều dài theo con nắng tháng Mười. Xem ra, ngày tháng Mười ngắn chẳng kém gì đêm tháng Năm”.  

Sáu chả hiểu điều cô Tư của nó nói “chưa nằm, chưa cười” nghĩa là sao. Càng lớn lên, Sáu càng thấy sự rối rắm ẩn trong lời ăn tiếng nói của người chân quê; và, đôi khi tưởng đơn giản nhưng không giản đơn chút nào; cả một kho tàng ngôn ngữ dân gian được kết tinh từ trải nghiệm cuộc sống. Tiếng là quê nội, song năm thuở mười thì nó mới về thăm; còn nhỏ lớn Sáu sống ở quê ngoại. Có lẽ, ba má Sáu làm theo cái câu “tiến về nội, thối về ngoại”!  

Tháng Năm, trời Gò Công mưa chập chõa tùng xèng theo kiểu hát Tiều và cũng là mùa còng đỏ hội nhau lột vỏ. Gió đưa nắng đẩy chiều qua cửa Tiểu, người Phú Thạnh ở cù lao Lợi Quan khởi động mùa làm mắm còng. Mặn vây quanh quê nội, mặn tràn ruộng tràn đồng, mặn thấm da người ửng lên màu đồng áng. 

Sáu nhớ chuyện má kể: “Hồi nẳm, má thương ba cũng vì cái màu đồng áng đó, chớ chẳng vì câu hò của người xưa ‘Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng’; bởi nếu vì câu hò của người xưa thì, thà ‘về sông ăn cá, về đồng ăn cua’ vẫn còn hơn”.  

Ngoại động viên, an ủi má: “Ăn còng không là điều bất đắc dĩ đâu con, cũng không là sự đẩy đưa để con phải gửi thân nơi tấm chồng nghèo miệt đất rẫy. Tất cả từ duyên nợ mà ra thôi, con à!”  

Ngẫm nghĩ hồi lâu, ngoại nói tiếp: “Người ngoài sao hiểu thấu người trong. Khi về mần dâu xứ còng rồi, con sẽ thấy còng không là thứ đồ bỏ!”. 

Tưởng má còn so đo tính chuyện thiệt hơn, ngoại vừa hù dọa, vừa nói vui bằng ca dao:  

“Vô chùa lạy Phật cầu chồng  
Ông Phật ổng nói đờn ông hết rồi”. 

Những người hàng xóm hay chuyện ngoại chọn nơi cho má gởi tấm thân, họ xầm xì: 

 “Trăng khuyết rồi lại trăng tròn  
Mẹ già kén rể con còn góa lâu”. 

Chẳng dè, mấy trăng sau, má bước lên thuyền hoa theo ba về xứ còng Phú Thạnh và có ai đó cắc cớ buông câu hò hôm lễ vu quy: 

 “Tay mang khăn gói sang sông  
Má kêu mặc má, thương chồng cứ đi”

Quê chồng vùng đất đói nước ngọt, no nước mặn chưa nói tới chuyện áo cơm. Nội thương con dâu miệt vườn bằng lòng với những gì quê chồng thiếu thốn, khó khăn. Sợ má buồn, ba lúc nào cũng chìu má. Má thường thủ thỉ với ba những ngày quết còng làm mắm: Dẫu có rơi vào tình cảnh ‘Tiến thối lưỡng nan, cực khổ trăm bề’ hay gặp cảnh ngộ ‘Ở đây khó ở, ra về khó ra’, em vẫn giữ nghĩa tào khang, rằng:  

 “Tập tàng đem nấu với suông  
Lấy chàng thiếp quyết đổi buồn làm vui”. 

Khi má cấn bầu con Sáu, ngoại ngỏ lời thưa với nội cho ba má ra ở riêng trên đất vườn nhà của ngoại…  Đang bơi theo dòng hồi ức, Sáu bị cô Tư níu chân lôi vô bờ thực tại. 

“Sáng mai, nội cúng mồng năm tháng Năm sớm, xong xuôi con theo cô Tư đi bắt còng lột, nha!”. 

 “Dạ!”.  

Sáu chộn rộn, háo hức chờ đợi cái ngày mai…  


2. 

Cô Tư gò đôi tay chống xuồng vượt qua bãi lầy triền sông Cửa Tiểu. Trời rướn nắng nóng lưng!  

“Cô ơi! Cái gì đỏ au au phía bờ lạch ở đàng trước kìa!”.  

Mũi xuồng khựng lại vì lủi vô đám ô rô.  

“Còng đương lột đó con!”. 

Tiếng cô Tư tuột luốt theo con nước sát biển rút.  

“Nó lột mần sao mà đỏ như cái khăn ăn trầu của nội vậy, cô Tư?”.  

Sáu ngu ngơ trong cái thiệt thà của đứa con gái vừa nhú lớn. Cô Tư cười, lo bắt còng chẳng huỡn nói trả treo với cháu.  

Phút bỡ ngỡ ban đầu trôi qua nhanh, Sáu dạn dĩ và mỗi lúc một thú vị được dự cùng cô Tư việc bắt còng. Con còng đỏ thập thò ở miệng hang, có lẽ nó quan sát và cảnh giới sự an nguy cho bản thân. Khi  lượng giá  tình hình an toàn, còng rời hang, nằm bất động phơi mình trên mặt bùn và phút giây kỳ diệu xảy đến, những cái vỏ móng chân còng từ từ tách khỏi móng, tiếp đến là chân và hai cái càng… thư thả trút bỏ lớp vỏ trong không gian tịch mịch đứng gió; rồi cuối cùng tới thân còng. Áng chừng nắng xỏ lỗ tai, tức khoảng một hai giờ chiều, thì còng lột xong vỏ. Sáu có cảm giác mặt bùn sủi bọt, chẳng biết vì cái nóng của nắng trưa hay cái trân mình toàn thân của còng, trước lúc lột bỏ hoàn toàn lớp vỏ mà nó mang đúng chu kỳ mười hai tháng trong năm.
 
“Bắt lẹ lên, con!”

Cô Tư hối thúc. 

Sáu nghĩ thầm trong bụng: 

“Mắc mớ chi bắt lẹ, thủng thẳng vừa bắt vừa ngắm nghía con còng nằm trần trụi lồ lộ thịt đỏ au, trông đã mắt. Nó yếu ờ yếu ợt, bò đâu cho thoát!”.  
Biết tâm trạng của đứa cháu gái lần đầu tiếp xúc còng lột và ra tay bắt chúng, cô Tư nói: 

“Toàn thân còng lột ngấm mùi bùn của đất, hấp thu khí trời hoàng hôn biến lớp da bọc thịt còng sẽ thành lớp vỏ cứng trở lại, sau khi đã hất bộ vỏ lột ra ngoài, trầm tư phơi thân mềm mụp dưới ánh sáng mặt trời”.  Sáu mải mê ngó còng lột quên cả chuyện bắt còng. Nó nghe loáng thoáng ba hụt bốn trớt lời cô Tư nói.
  
Cô Tư tiếp tục thúc giục: 

“Nhanh tay lên, con! Không cần đợi tới chiều tối mà lát nữa thôi, còng sẽ bò về hang ổ khi vỏ của nó đã đủ độ cứng”. 

Sáu chưng hửng vì ngó thấy một số còng trở mình như là lời cảm ơn và tạm biệt mặt bùn đã tử tế cho chúng mượn tạm chỗ lột vỏ để sống đời.  
Biển nương gió dâng nước lém đém bãi bồi dày cui đám lá dừa nước, đặc bụi mái dầm và cái màu đỏ trải thảm ban sáng mất dần… mất dần theo nắng chiều tàn trên sông Cửa Tiểu!  

Sáu bắt chước cô Tư khỏa nước rửa bùn dính mặt. Vị mặn quê nội thấm vào từng sớ thịt của đứa cháu gái thường dễ cảm xúc và hay lạc lòng. Mấy giỏ còng nặng trình trịch chật khoang xuồng. Cùng bị nhốt như nhau nhưng chúng cố chòi đạp bằng những cái càng hung tợn và cấu xé lạnh lùng, bởi những cái móng đã mềm vuốt, để thoát khỏi chốn giam cầm, giành bầu trời tự do miền sông nước. Sáu nghĩ, có thể còng lột biết mình sắp thành mắm chăng?  
Như quy luật ngàn đời, nước ròng thì còng rời ổ kiếm ăn, nước lớn thì còng về ổ yên nghỉ. Còng là món ăn thắm da đỏ thịt và chắc xương cho kẻ bần hàn, là nguồn thu nhập cho người cơ nhỡ. Rảnh rỗi, cô Tư thường kể những năm tháng sơn trường của ông nội bám đất xứ còng, cũng có người gọi đó là “Vương quốc Còng”! Và, cái vương quốc ấy hình thành từ Đồng Sơn, Bình Phú, Bình Đông, Bình Xuân tới triền bãi phù sa bồi ven sông Soài Rạp, kéo đường viền thiên nhiên qua cù lao Phú Đông, Phú Tân, Phú Thạnh… Còng hiến thịt mình dâng thần Trăng, cho nên, những đêm sáng trăng, còng không có gạch, thân chẳng có thịt, chỉ trơ vỏ nhìn trời đầy mây trăng!  

Cô Tư nói: 

“Ấy vậy mà ông nội vẫn lạc quan, tin rằng con còng đỏ sẽ là vật linh và có một ngày không xa, nó biến vùng đất nghèo khó thành tiếng tăm giàu có, thịnh vượng. Nếu không, người ta khai sanh chi cái tên Phú Thạnh!”. 
 
Mỗi lần nói tới chuyện đó, ông nội khoái chí rủ bạn lối xóm tới nhà uống rượu với mồi nhắm còng rang, ăn kèm bần chua xắt lát chấm nước mắm hòn dằm tỏi ớt; cũng có khi, bạn ông nội bưng qua nồi canh chua còng nấu với lá me non nóng hổi, vừa thổi  vừa chấm mắm ruốc… đậm đà hương vị tình quê! Sáu nghe cô nói, thiếu điều ứa nước bọt miệng.  

Hễ bà nội cằn nhằn chuyện nhậu, ông nội cười khanh khách rồi nằm bật ngửa, gác chân chữ ngũ, nhìn trời, ngâm nga theo kiểu nói thơ: 

“Uống rượu ăn nói cù cưa  
Chuyện có một chút 
Mà hết cả buổi trưa cằn nhằn”.  

Nghe ông nội nói thơ, bà nội cười nụ cười hỉ xả, đổi giận làm vui!  



3.

Ở quê nội, không ai bắt con còng chắc làm mắm, họ chỉ bắt con còng lột làm mắm mà thôi. Và cũng chỉ giống còng đỏ mới đủ tư cách mang thương hiệu thượng hảo hạng còng mắm Gò Công! Trong đám còng nhiều dòng lắm giống ấy, giờ thì Sáu biết phân loại và lựa chọn ra còng đỏ có thân đỏ, càng và chân ửng màu đỏ xanh. Trong dân gian có tích Ngưu Lang - Chức Nữ, ca dao có câu rằng:  

“Tục truyền tháng Bảy mưa ngâu  
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền”.  

Để rồi mỗi năm mới gặp mặt nhau một lần.  
 
Nhớ tới chuyện đó, Sáu hỏi cô Tư: 

“Mưa ngâu là mưa làm sao hả cô?”. 
 
Cô Tư đương rửa sạch còng đỏ, moi bỏ yếm và ruột, chuẩn bị còng ráo nước để nội và mấy đứa cháu phụ xếp từng con vô hũ sành.  

Nghe Sáu hỏi, bà nội nói thay lời cô: 

“Nghĩa là trời sụt sùi mưa đó, con à! Tháng Bảy, ông bà ngày xưa nói: ‘Vào mồng Ba, ra mồng Bảy’; nghĩa là các ngày trong tháng, từ mồng Ba tới mồng Bảy, ngày Mười Ba tới Mười Bảy, ngày Hăm Ba tới Hăm Bảy”.  

Rồi nội cười: 

“Chuyện tính mưa nắng vốn của nhà nông chớ chẳng là chuyện tính mưa nắng của ông Trời, nha cháu!”.  Mồ hôi chớm rịn hột trên trán cô Tư. Nội nói:

 “Thôi, nghỉ tay một lát đi con!”.
 
Dường như có một thoáng gợn gợn buồn qua nét mặt già nua của nội. 

Sáu hỏi: 

“Vì sao vậy, nội?”. 

Nội bâng khuâng trả lời: 

“Không phải tự nhiên còng đỏ mở “hội còng lột vỏ” và ngày hội đó lại rơi vào Tết Đoan ngọ hằng năm. Nếu tháng Bảy mưa Ngâu thì tháng Năm lột vỏ.

Nếu chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ khiến hàng triệu triệu trái tim nhân loại rung động, thì tại sao chuyện tình còng đỏ bị trời hành tự lột vỏ mình trả nợ ân tình rồi sau đó biến thành con mắm, lại chẳng được biết tới khiến chốn nhân gian có mấy ai đoái hoài thổn thức!”. 

 Nội kể:  “Một đêm đầu tháng Năm, biền thất tình kiệt nước đồng gò. Tiên nữ trốn chị Hằng, cỡi chim công lạc vào cánh đồng gò cõi trần gian, và nàng thấy nơi này đẹp, đẹp quyến rũ chẳng thua gì cõi bồng lai tiên cảnh! Mùi hương tiên nữ đánh thức chàng ngư phủ nghèo và họ phải lòng nhau… ‘Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng’, chim công bay đi, tiên nữ ở lại với tình lang. Chàng thấy mình không xứng, bởi:  

“Tóc quăn chải lược đồi mồi  
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn huờn quăn”. 

Chàng hồn hậu, cái hồn hậu chân quê của người sống nghề hạ bạc nên sợ lắm, mối tình đầu chóng tan như bọt sóng và chàng e ngại, rằng: 

“Phong lưu là cạm ở đời 
 Hồng nhan là bẫy những người tài hoa”.  

Nàng nói câu khẳng khái:  

“Phải duyên phải kiếp thì theo  
Cám còn ăn được, nữa bèo như anh”. 

Dù vậy, chàng ngư phủ chẳng yên lòng, vì linh tính của chàng mách bảo: “Tình người ý tiên, trời chắc đã thuận lòng?”. Rồi, có ngày sẽ cách trở thôi! Chàng thì thầm với nàng:  

“Tình ta như quế với gừng  
Mai kia cách trở xin đừng quên nhau”. 

Nàng tinh nghịch hỏi chàng: 
 
“Nếu, một mai cách trở thì chàng tính ra làm sao?”. 

 “Tôi sẽ lột da sống đời để đợi em!”.  

Và chàng xác quyết:  

“Tôi sẽ đợi em! Tôi đợi em!”.  

Trời nổi cơn thịnh nộ, bắt nàng trở về nơi xuất phát trốn đi. Tiên nữ không dám cãi ý Trời!  Từ đó, chàng ngư phủ sống cô quạnh trong nhiều năm của nhiều ‘đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng’ đợi chờ. Rồi chàng hóa kiếp còng đỏ sống nơi luồng lạch, triền sông, bãi bùn ngập mặn… Đến ngày mồng năm tháng Năm, còng tự lột vỏ giữ lời: “Tôi đợi em!”.   

Kể xong, nội tặc lưỡi:  

- Thiên địa chẳng chí công!  

Mắt Sáu rưng rưng.  



4.

Chẳng biết có đúng “lá rụng về cội” hay không, chỉ biết con Sáu lấy chồng ở quê nội. Nhà chồng sống bằng nghề làm mắm còng đỏ, bỏ mối tận chốn Sài Gòn. Mỗi lần Sáu ngó thấy dĩa mắm còng lột rắc ớt xắt lát bên trên, dưới dưa leo xắt khoanh, xung quanh tỏi, rau cải… là Sáu nhớ câu chuyện kể về còng của nội. Thèm mắm còng nhưng Sáu ăn không mạnh miệng bằng những nàng dâu khác, khiến má chồng khó chịu và không thích. Lắm lúc thôi buồn, Sáu mượn lời ru con tự an ủi:  

“Mẹ chồng cay đắng đủ điều  
Mẹ ghét cứ ghét, chồng chìu cũng vui”.  

Hồi nội còn sống, Sáu nhớ nội thường nói: “Các loại mắm khác, người ta có thể làm quanh năm, chẳng hạn như mắm tôm chà; còn mắm còng lột duy một năm chỉ có một mùa, nếu trật mùa coi như trớt. Do đó, có một thời mắm còng lột thuộc loại hiếm, chỉ đãi khách quý hoặc sui gia… còn thì, để dành cho cả nhà ăn. Ngày trước, nghèo thời chịu nghèo chớ dân Phú Thạnh không bán mắm còng lột”. 

Tuy ít ăn hoặc ăn ít mắm còng lột, nhưng cách thức làm mắm thì Sáu ăn đứt chị em bạn dâu nhà chồng.  Ngày Sáu đi lấy chồng, má căn dặn: 

 “Năm canh thì ngủ lấy ba 
 Hai canh coi sóc cửa nhà làm ăn”.  

Riêng việc nầy, mẹ chồng ưng cái bụng!  
* * * 

Khi Sáu đã là bà nội, bà ngoại của đám cháu tròm trèm chục đứa thì dĩa mắm còng lột không còn đủ hai càng và tám cái chân như ngày trước. Bởi, người ta mần giả mắm còng lột nguyên chất bằng cách cho còng lột vỏ bằng nước vôi Càng Long, nhưng nước vôi Càng Long chỉ giúp còng lột vỏ thân mình, còn càng và chân thì không thể. Nhìn con mắm còng trụi lủi thân, nằm trơ trọi trên dĩa thiếu hương vị đậm đà xứ sở, tự dưng Sáu xốn xang lòng; và cũng đã rõ sự tệ bạc của con người đối với thiên nhiên, đối với loài vật xung quanh. Còng mất dần và gần như tuyệt giống. Vả chăng, nếu còn là còn cái danh bất hư truyền mà người đời nay thường nhắc tới:  

“Bánh giá chợ Giồng  
Mắm còng Phú Thạnh” 

Có người tin rằng chàng ngư phủ năm xưa đã xong kiếp còng đỏ lột vỏ đợi nàng tiên, nên thanh thản hóa thân vào cõi hư vô!?  

Đêm tháng Năm quê nội, Sáu nhớ hương, thương vị mắm còng lột.   

- Người nào sợ nhớ thương thì người đó sẽ không quên nỗi thương nhớ của mình!  

Sáu thả tâm hồn bay bay theo hương quê nội! 

TBĐ.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 10323)
Tôi đứng giữa phố Sét tưởng như từ lâu lắm rồi. Con đường vắng tanh, dài hun hút như một giấc mơ không có đoạn kết
03 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 7036)
Đi đến đầu chợ Lò Vôi đã nghe tiếng nhốn nháo rồi tiếng chân người chạy rầm rập.
12 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8316)
Hai tay Hoàng Anh níu lấy tay tôi và đôi mắt to tròn của nàng long lanh nhìn lại tôi, tôi tưởng chừng như chưa bao giờ thấy nàng đẹp và ngọt ngào đến như thế!
09 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 7475)
Bắt đầu từ tuổi đi học đến lúc trưởng thành. Mẹ tôi nhất nhất tuân theo lời giáo huấn của các ngưòi lớn như một sự tùng mệnh
05 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 7287)
Đã gần trưa mà Khệnh vẫn chưa mó mẩn được việc gì, hết đi ra lại đi vào, rồi lại uể oải ngồi phịch xuống cánh phản mố
02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8528)
Rời khỏi quán La Pagode, Hưng chạy xe gắn máy ngang qua đường Trương Định, bất ngờ một chiếc xe Honda vọt tới
26 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 7165)
Nằm gọn trong thung lũng sông Vàng, sau trận lụt từ trên cao nhìn xuống làng Hạ nham nhở, loang lổ như một bức tranh vẽ dở chưa khô mực.
24 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6533)
Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt.
21 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 5637)
Miệng tôi cố nhẩm đi nhẩm lại, như học bài thuộc lòng hồi nhỏ: anh em như thể tay chân!
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 5882)
Lâm cầm tờ vé số trên tay, mắt dán vào khung hình của máy laptop, hồi hộp dò từng con số của kỳ sổ xố Mega tối hôm qua
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12048)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18829)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9023)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8123)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1019)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22338)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20743)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25363)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24371)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31807)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,