TRẦN BẢO ĐỊNH - Măng cụt, trái tình yêu

29 Tháng Năm 20189:09 SA(Xem: 8407)
TRẦN BẢO ĐỊNH - Măng cụt, trái tình yêu
 
1.

Hai Lượng tỉ mỉ chỉ cho Bảy Đặng cách bầu đất trộn tro trấu, bột xơ dừa để ươm hột măng cụt. 

Trước khi xuống ghe về Tân Thiềng, Hai Lượng căn dặn: 

“Bảy! Em nhớ tưới nước thường xuyên, nếu không, hột nẩy mầm chậm hoặc sẽ không nẩy mầm”. 

“Phải đợi tới bao lâu thì hột măng cụt mới nẩy mầm vậy, anh Hai?”, 

Bảy Đặng thiệt thà hỏi. 

“Độ mươi ngày, có khi tròn một con trăng!”, 

Hai Lượng vuốt mồ hôi lấm tấm mặt, rồi vừa nói vừa đi ra bến nước mở dây cột ghe. 

Từ lâu, Bảy Đặng để ý và hiểu rõ Hai Lượng thầm thương trộm nhớ mình; nhưng nghiệt nỗi, trong con mắt họ hàng và gia đình ba má Bảy Đặng thì Hai Lượng không thuộc hạng “môn đăng hộ đối”. Sự trắc trở đó khó có thể vượt qua, dù rằng đã nhiều lần Bảy Đặng thố lộ tâm tư với má. 

“Con đừng quên, gia đình mình vốn mấy đời thuộc gia đình “môn đăng hộ đối” ở cái làng Vĩnh Thành nầy!!”, bao giờ bà Tư cũng nhắc chừng con gái như vậy! 

Mùa trăng, rồi những mùa trăng nối tiếp… Cây măng cụt lớn được chuyển cây sang bầu lớn, Bảy Đặng nhẹ tay tránh không để tổn thương rễ, vì lẽ rễ măng cụt rất yếu và không có lông hút; nào khác chi mối tình của mình đang trong thời kỳ phôi thai, mong manh.

Bảy Đặng không quên lời Hai Lượng: “Cây măng cụt lớn chậm, rất chậm. Phải đợi hai con nước mùng mười nó mới đâm ra một cặp lá, và buổi đầu đời chỉ một tàng lá chịu gió sương”. Bảy Đặng nhớ đã nói ẩn ý một cách bâng quơ: “Chậm thì đợi, chớ người ta đây nào có thúc bách gì cho cam!”. Thâm tâm Bảy Đặng muốn nói thêm: “Chậm mà chắc vẫn hơn”, nhưng nghĩ sao đó, Bảy Đặng mần thinh. 

Vườn măng cụt ngày một xanh, xanh màu hy vọng; bông măng cụt phảng phất mùi đặc trưng các loài bông trái và cỏ dại ruộng vườn đất cù lao; hương thoang thoảng bông lài lẫn bông huệ, một chút lâng lâng mùi xoài trộn hương bưởi, và ngây ngây mùi lá ướt, cỏ úa… Những ai đã từng hít thở hương quê nơi nầy, sẽ khôn nguôi mùi nhớ! 

Bánh tráng Mỹ Lồng 
Bánh phồng Sơn Đốc 
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu, trong trắng như bông gòn 
Anh đây nói thiệt, sao em còn so đo… 

Mỗi lần nghe ai đó hò câu hò như xác tín món ngon, trái ngọt quê nhà, Bảy Đặng vừa vui vừa hãnh diện mình là đứa con được sinh ra và lớn lên từ một trong ba cù lao (1) đó, vốn do phù sa sông Cửu Long tạo thành. Tuy vậy, có đôi lúc, Bảy Đặng hờn dỗi, giận lẫy người thương sao trách oan mình. Bởi bụng dạ Bảy Đặng nào có “so đo” hơn thiệt, dù đang phải chịu nghịch cảnh với mối tình không câm nhưng chẳng nói thành tiếng trước đấng sinh thành.
Đêm tình yêu! 

Sau cái đêm tình yêu nơi vườn măng cụt tràn ngập ánh trăng, Bảy Đặng chịu trận đòn nên thân. Ông Tư, ba của Bảy Đặng, vừa đánh con vừa chảy nước mắt. 

Bà Tư tuy không đồng tình việc hư thân của con gái, nhưng bà cũng không nỡ đứng nhìn con gái bị đòn roi. Bà năn nỉ xin ông tha cho con vì trót lỡ dại. 

Rồi bà ôm con vào lòng, cả hai mẹ con cùng khóc! 

Trời trở trăng lưỡi liềm cuối tháng lúc gần sáng. Bà Tư buồn, cái buồn lo ngày mai Bảy Đặng sẽ ra sao? Bà gối tay cho con kê đầu ngủ, hệt thời con còn là con gái. Bà liên tưởng đời người với đời cây, đời con Bảy với đời măng cụt. Từ cây măng cụt té ra tình yêu, một thứ tình yêu mà đời bà không có. Bà lấy chồng theo “môn đăng hộ đối”, con gái bà thì không. Nó có mảnh đời riêng của nó, và nó tự quyết định lấy. 

Biết tánh chồng cứng và chắc ruột, nhứt quyết không là không thừa nhận chuyện “trăng hoa” của con. Thỉnh thoảng, bà cố nài, và cố nói hết tình lý với ông: “Cây măng cụt phải mất gần mười năm hoặc hơn mười năm mới trổ bông ra trái, rồi sau đó có thể sống hằng hà sa số năm với một chiều cao trên hai mươi mét, vậy mà người ta vẫn gọi nó là cây tiểu mộc chớ chẳng ai gọi nó là cây trung mộc hay đại mộc bao giờ. Con Bảy dù đã bằng đó tuổi, lớn tồng ngồng, nhưng nó vẫn còn là đứa “non người non dạ”… Vả dẫu sao thì nó vẫn là con của mình. Mình bao nỡ…”. 

Ông Tư ngồi thừ người ra, mặt buồn xo, tay vấn thuốc, miệng hút liên tục. Thấy vậy, bà lựa lời “rào trước đón sau”: “Lá măng cụt còn có hai mặt: dưới xám xịt, trên lục vàng hơi bóng. Người thì chắc cũng vậy thôi!”. 

Thấy chồng im lặng, bà mừng húm trong bụng vì ngỡ “cá đã cắn câu”, bà giả lả mượn bông măng cụt nói tếu táo: “Những bông đầu tiên mọc thành chùm trên đỉnh nhánh. Bông rộng, dày, và có thể bông đực hay bông lưỡng phái cùng một cây, cuống bông có đốt, lá bắc. Bông lưỡng tính thường mọc đơn lẻ, đôi khi thành cặp trên ngọn nhánh cành non. Cánh bông màu xanh, bên ngoài đốm đỏ, vàng đỏ bên trong… Không cần ai thương, nó vẫn ra trái cho đời… Nhưng, con Bảy nhà mình thì khác, nó trổ mã con gái, thì phải có người thương mới nên vợ nên chồng chớ”

Bà đương nói thao thao, ông đột ngột đứng dậy: 

“Tui không muốn ngó thấy mặt nó!”.


2.

Bà Tư chịu điều tiếng chì chiết, mắng mỏ của chồng, bởi “con hư tại mẹ”. Người dưng, yêu nhau không lấy được nhau, bà còn thương xót huống chi đó lại là con gái của bà. Đêm đêm bà thao thức nghĩ chuyện người, chuyện cây cỏ đất quê. Bà không hiểu vì sao lá măng cụt không rụng dù gặp bão tố, và trái được bao bọc do những đài hoa cánh hình tam giác, màu tím sậm tới tím đỏ, phẳng và láng; thoạt nhìn, chẳng khác bông hồng ngày cô dâu bước xuống thuyền hoa. Có điều bà hiểu rằng, người tự ràng buộc nhau có khi làm khổ cho nhau cả đời, tỉ như việc “môn đăng hộ đối”. Nhưng đối với thiên nhiên thì không, bởi thiên nhiên tự nó đã là sự tự do vượt lên trên cái “tôi tầm thường”, gìn giữ quyền sống hài hòa môi trường, cân bằng sinh thái mà trời đất đặt để. 

Lá măng cụt không bỏ cành, thì sao bà phải bỏ con!? Đời bà trải qua và đau khổ vì “môn đăng hộ đối”, bây giờ bà không muốn con gái của bà đi lại con đường bà đã đi và mang những gì bà đã mang. Rồi bà nghĩ chắc cứng điều thực tế, ruột măng cụt được bảo vệ bằng lớp vỏ dày, mà nếu cắt mặt ngang ai cũng nhận ra màu đỏ, màu tím trắng cùng vị đắng với nhiều mủ vàng ngà, kèm theo dung dịch nước. Chẳng lẽ bà không bì kịp vỏ măng cụt, không bảo vệ được con? 

Nghĩ sao làm vậy! Bà lén chồng nhận Hai Lượng làm con rể. Bà giấu đút đưa con rể đôi bông tai để tặng vợ, như là quà cưới và như là một lời thề của hai đứa nguyện “ăn đời ở kiếp” với nhau. 

Thực ra mọi việc làm của bà, ông Tư đều biết rất rõ. Nhưng ông nín khe, im lặng! Vợ chồng Hai Lượng ở đậu xẻo đất cặp rạch Cái Mơn. 

“Mình ở nhà, nếu chị Chín tới hỏi mua cây giống măng cụt thì mình hẹn chị chờ mươi bữa, nửa tháng”. 

“Sao anh không giao cho chị mớ cây giống ghép còn để ở bên liếp chòi?”, 

Bảy Đặng thắc mắc hỏi chồng. 

Hai Được cắt nghĩa: 

“Cây giống ươm bằng hột măng cụt phát triển từ phôi cái nó sống mạnh, trái to và đặc tính hệt như cây mẹ. Cây giống ghép sống yếu dễ chết, ít trái và trái nhỏ. Mình không nên giao cây giống măng cụt ghép cho chị Chín và cả khách hàng”. 

Hai Lượng bước nhẹ qua lối mòn, sương mai chấp chới trên đầu cỏ. Bảy Đặng xách mo cơm (2) lẽo đẽo đi sau chồng xuống bến ghe. Hai Lượng ngoái cổ, nói với vợ: 

“Mùa sau, vợ chồng mình thôi ghép giống cây măng cụt”. 

Trải qua sóng gió thị phi, hai người thành chồng vợ sau cái đêm thành thân vượt “môn đăng hộ đối”. Vợ chồng sống cảnh nghèo, nhưng thừa tiếng cười hạnh phúc. Vợ ở nhà ươm cây con, chồng chèo ghe bán cây giống khắp sông rạch đồng bằng hạ lưu sông Cửu Long. Ghe chồng theo con nước, không theo thời gian vợ chờ. Thương vợ sáng tối thui thủi một mình nơi vườn ươm măng cụt hiu quạnh, Hai Lượng buông lời: 

Sông Cửu Long chín cửa hai dòng 
Người thương anh vô số 
Nhưng anh chỉ một lòng với em. (Câu hò Cái Mơn).

Những lúc như vậy, Bảy Đặng chỉ biết âu yếm nhìn chồng, rồi bẽn lẽn cười, nụ cười chơn chất đặc sệt phù sa. 

“Trăm tay không bằng tay quen”, việc ươm cây con măng cụt bây giớ Bảy Đặng thành thạo; thành thạo đến cỡ Hai Lượng cũng chẳng thể chê trách chỗ nào. Mỗi lần rảnh tay, nằm nghỉ, Bảy Đặng thường ngó ra bến rạch ngóng mũi ghe của chồng ló dạng rồi nghĩ đâu đâu: “Nếu rạch là con sông nhỏ chảy ra con sông lớn, thì mình tự nguyện làm con rạch chảy ra con sông lớn của chồng”. 

Sau lần bị sẩy thai, Bảy Đặng lo sốt vó vì sợ mình trở thành “đàn bà bị nâng” chẳng còn khả năng “sanh con đẻ cái”. Vợ chồng ước mong sau mùa bán cây giống sẽ có được một mớ tiền kha khá, đủ đi đường lên chùa cầu tự. Mấy lần, Hai Lượng tới đình cầu thần giúp “mua may bán đắt”, khổ nỗi chẳng đâu vào đâu, ế vẫn hoàn ế. Thấy vợ buồn dàu dàu, Hai Lượng vỗ về an ủi: “Mình có con chậm chút thì có sao đâu?”. 

Thương là thương ông ngoại, tuy trước kia lạnh lùng: “Tui không muốn ngó thấy mặt nó!”; nhưng nay ông buồn rầu khi hay tin con gái hư thai. Rõ ràng, với ông: “Giận thì giận, mà thương thì thương”, và giận con thời “nói vậy mà không phải vậy!”. 

Tám năm sau, dù chưa phải đi chùa cầu tự, vợ chồng mừng rỡ vì sau chín tháng mang thai, Bảy Đặng sinh được một thằng bé kháu khỉnh. Có con muộn, muộn như cây măng cụt sinh trái vậy. 

Làm nghề ươm cây, trồng cây, nhứt là cây măng cụt cho ra trái. Hai Lượng bắt đúng mạch trái măng cụt: “Vậy là vậy, ít khi vậy không phải vậy!”. Hễ đầu nhụy trái măng cụt có bao nhiêu cánh, thì ruột trái có bấy nhiêu múi; hiếm khi sai lệch giữa cánh và múi. Măng cụt bên ngoài vỏ dày cứng, bên trong dày xốp; hột trái được bao lớp thịt trắng phau ngọt thơm đến lạ kỳ! Măng cụt thuộc loại trái “nắng ưa, mưa ghét”, thu hoạch măng cụt giữa tháng tư tới cuối tháng sáu, hoặc sang tháng bảy; nghĩa là trước mùa mưa dội trắng vườn. 

Bảy Đặng nhớ hoài câu nói của chồng:

“Trái ngon, nết khó!”.


3.

Mua cây măng cụt giống, khách mua hay hỏi Hai Lượng: 

“Măng cụt từ đâu tới, và vì sao gọi là măng cụt?”. 

Mỗi khi như vậy, Hai Lượng thường trả lời với khách mua bằng bài thuộc lòng học lóm xứ vợ, rằng: 

“Người Hoa, người Thái Lan gọi măng cụt bằng cái tên ‘mạng khud’, Huình Tịnh Của gọi ‘Bứa Xiêm’, và vua chúa ban tặng tên mĩ miều ‘Giáng Châu’. Từ lâu, người ta đinh ninh măng cụt do các nhà truyền giáo đạo Gia-tô di thực vào miền Nam Việt Nam với tên gọi ‘mangouste’!”. 

Rồi Hai Lượng tiếp: 

Nhưng, lời truyền trong dân gian thì lại khác: ‘’Măng cụt và lúa ma (lúa trời) là những cây còn sót lại sau khi Vương quốc Phù Nam bị xâm lược và bị sáp nhập vào Chân Lạp(?!)”. 

Khách hàng tin hay không thì còn tùy! Chuyện biển dâu biết đâu mà mà lần, và nếu có lần thì biết lần đâu cho đúng? Ngay tên Cái Mơn, vùng đất cưu mang măng cụt còn lắm điều tranh cãi về xuất xứ cái tên: “Kha Mân (nghĩa là tổ ong) đọc trại Cái Mơng, hay Cả Mân đọc trại Cái Mơn, hoặc Caiman (Sấu mõm dài) đọc trại thành Cái Mơn…”(?). Đố ai biết? Chỉ biết chắc là ở Cái Mơn tên rạch, tên kinh, tên cầu… tất thảy, đều mang tên người và đối xứng giữa đàn ông, đàn bà: “Kinh Ông Kèo - rạch Bà Bốn, rạch Ông Bái - cầu Bà Ươm, cầu Bà Trùm - kinh Cả Chánh”. Và có lẽ, họ Nguyễn ở rạch Giàn Sấy (sấy cá), họ Lê ở rạch Bà Dung, họ Phan ở rạch Ông Mầu là ba tổ họ tới vùng đất Cái Mơn sớm nhứt (3).

Hai Lượng ngẫm suy, những việc làm lương thiện, hữu ích cho tha nhân; đất và người không quên, lưu lại đời sau tỏ tường. 

Rạch Cái Mơn, thủy trình độc nhứt cho tàu ghe từ sông Hàm Luông sang sông Cổ Chiên hay ngược lại. Dòng nước rạch Cái Mơn không chảy một hướng như bao sông rạch khác, mà trái lại, nó chảy ngược, đối xứng nhau. Khi đôi dòng nước chạm nhau, nó liền chảy trở lại nơi xuất phát. Chỗ gặp nhau, người Cái Mơn gọi đó là “giáp nước”, hoặc “rún Rồng”. 

“Rún Rồng” xoáy nước khiến lòng rạch nới phình ra và rộng phía hai bờ rạch, dân bốn phương tụ về sống quần cư trên bến dưới thuyền; hợp thành chợ mặt đất, chợ nổi mặt nước. 

Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên đi vào Cái Mơn bằng hai ngõ gọi là Vàm Mơn, Vàm Sả. Ghe Hai Lượng neo đậu Vàm Sả chờ con nước trở về nhà.

Chuyến đi nầy dài ngày, ghe qua tới tận miệt Trà Ôn; bù lại, Hai Lượng bán sạch ráo cây con măng cụt, chưa kể nhà vườn họ còn đặt thêm hàng cho chuyến đi sau. 

Ngồi hút thuốc ở mui ghe, Hai Lượng bồi hồi nhớ hôm chống sào lui ghe rời bến, Bảy Đặng đứng chấp chới trên bến cố nói vói theo: “Măng cụt sắp chín rồi. Chuyến nầy, về sớm nha mình!”. 

Anh định nói: 

Bước xuống ghe lòng buồn khắc khoải 
Thương em ở nhà dầu dãi nắng mưa. (Ca dao). 

Chưa kịp nói, gió đã thốc mui chao mũi, ghe dạt ra giữa rạch đương lúc nước ròng, nước chảy xiết. 

Mười năm chồng vợ bên nhau, mười năm vườn măng cụt của vợ chồng mới có trái chiếng đầu mùa. Tình yêu đất cho cây đâm chồi nẩy lộc, trổ bông kết trái. Nếu không có tình yêu đất thì cây lấy gì mọc và sống? Ngược lại, nếu không có tình yêu cây thì đất sẽ khô cằn và đất chết! Ngày nào đó, nếu trần gian không có tình yêu, thì… Bất giác, Hai Được rùng mình… Hai Được không rõ cái rùng mình vì cơn gió lạnh, hay vì nghĩ tới điều chẳng dám nghĩ!? 

Cây măng cụt chịu đèn đất Cái Mơn, và đất Cái Mơn nức tiếng từ cây măng cụt. Việc đó chẳng tự nhiên, mà có lẽ giữa đất và cây đã trao cho nhau một thứ tình yêu thiêng liêng của Thượng đế. Người Cái Mơn dễ gì quên những cái tên như: Vườn Mồ Côi, cồn Cát Tiên (Vũng Tàu 2), xóm Chùa Đốt, xóm 16 mẫu, giồng Nứa, gò Mua, … Và, tên người, như: Đục Bà Hem, giồng Thầy Tám, giồng Ông Kế… Đôi khi mang tên nghề: Cầu Giàn Sấy… Những cái tên thiệt ngộ ngộ, nghe qua tuy lạ tai nhưng chứa chan tình người, hồn đất! Hai Lượng rờ rờ mớ tiền bán cây giống khá bộn đang đựng trong ruột tượng quấn quanh lưng quần. Anh cười hồn nhiên, cái hồn nhiên của người sắp đạt điều ước mong. Anh tin vợ anh sẽ mừng húm khi nghĩ rằng có thêm tiền để nuôi thằng Cu. 

Mỗi lúc trời một tối, và tối đen… Giơ bàn tay chẳng thấy! 

Hai Lượng mồi thêm điếu thuốc, đốm lửa lóe đêm! Tự dưng, Hai Lượng nghe lòng nôn nao, thương vợ khôn cùng. Anh đếm lóng tay tính thời gian xa nhà, và ngày măng cụt chín. 

‘’Bớ người ta! Bơớ…ớ… ng… ư…ơờ…i… cưư…ú… v… ợ… co…on… tu…ii… vơ…ới…’’! 

Tiếng kêu xé lòng. Hai Lượng định thần, tức tốc quay mũi ghe, và chèo cật lực về hướng có tiếng đang la chói lói…

Bình minh! 

Mặt nước bình yên như chưa xảy ra điều gì đêm mù tăm, chết chóc. 

Cứu sống vợ chồng, con cái người bán hàng xén trên sông. Hai Lượng đuối sức, vĩnh viễn nằm lại đáy Vàm Sả. 

Cảm kích tấm lòng thương người, và hành động trượng nghĩa của Hai Lượng, dân thương hồ qua lại Vàm Sả đã cùng dân sở tại lập miễu thờ Hai Lượng như vị thần cứu nạn!


4.

Hàng cây măng cụt say nắng, rũ lá, và hình như đang thiêm thiếp đợi gió. 

Không gian im lìm, im lìm đến đỗi tiếng lá rơi ngoài vườn vẫn nghe rõ nồm nộp. Tám Mọn tỉ mẩn vạch từng chưn sợi tóc dì Bảy Đặng để tìm bắt bọn chí mén đang bám da đầu hút máu. Dì Bảy lim dim đôi mắt, thỉnh thoảng dì hít hà, chẳng hiểu vì đau, hay vì quá đã… ngứa! 

“Tám! Bóng nắng tới đâu rồi, con?”. 

“Dạ! Có lẽ nắng xỏ lỗ tai rồi đó, dì!”.

“Í chết! Chiều muộn…”. 

Bảy Đặng lật đật đứng dậy, quên cả búi lại tóc.

Mỗi ngày, Bảy Đặng canh con nước ra vô, để dì theo con nước đi gặp linh hồn chồng tại nơi chồng đã lâm nạn và chết. Trễ con nước, cũng đồng nghĩa là dì trễ hẹn với người từng”ba sinh hương lửa”! 

Nắng ngả vàng lưng sóng. 

Xuồng xuôi dòng. Bảy Đặng hối hả chèo ra Vàm Sả để còn kịp con nước quay về. 

Nắng hoàng hôn rán vàng mặt nước. 

Nhang khói chờn vờn bay, và những cánh chim trời hối hả qua sông chiều. 

Bảy Đặng ngồi trên thềm miễu, cắt măng cụt mời chồng với tâm thức: Trái Tình Yêu, vĩnh cửu! 

TBĐ.

_________
1. Cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hóa. 
2. Mo cau đựng cơm. 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 7031)
(truyện hư cấu, không nhắm vào ai, chỉ nói về sinh mệnh con người….. )
30 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 7511)
Nhà tôi mái bằng, vuông như hai cái hộp kê khít lên nhau, thừa mỗi đoạn đuôi ở tầng một làm công trình phụ. Bà sai thợ sắt dựng ở hai bên ban công một giàn hoa xương cá.
19 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 6473)
Nắng cuối ngày chiếu nốt nhịp điệu hối hả lên nhiều mặt hàng gốm sứ vẫn đang được đưa lên khoang thuyền.
17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 10073)
Đương lui cui luộc nồi khoai dưới bếp, nghe con cháu thưa hỏi đi dìa, dì Năm Chạch hớt hơ hớt hải chạy theo ra bến sông níu áo con Tư.
12 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 7170)
Ngày mai đã là mùa đông. Cả thành phố lại rợp màu sắc sặc sỡ của hàng trăm loại áo khoác người ta khoác lên người để chắn che cái khắc nghiệt của thời tiết.
07 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 5559)
Tiếng súng xa dần thành phố, những đoàn người lê thê lếch thếch di tản ở đầu cuộc chiến bây giờ cũng lần lượt trở về.
06 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 8429)
Gió Nam non thổi lòn qua tổ Ong Đất, dỗ bầy ong ngủ giấc ngủ say. Chợt, Chúa vả cả bầy choàng tỉnh, những tiếng động từ mặt đất nện xuống nghe đinh tai nhức óc.
01 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 5689)
Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ
30 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 6832)
Mở những cánh cửa sổ cho có chút gió đêm ra vào, tôi ngồi một mình trong bóng loang lổ của ánh đèn hắt từ ngõ nhỏ bên ngoài, tưởng mình có thể chìm xuống
29 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 5450)
Mộc Lan Vân Khôi muốn lưu luyến đêm cuối cùng bên nhau của cả nhóm, đề nghị tôi trả phòng cùng về nhà bà con của Mộc Lan.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12047)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18827)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9022)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8120)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1018)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21612)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17961)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24370)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31806)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,