NGUYỄN ĐÌNH TỪ LAM - Nợ em chẳng trả được

17 Tháng Mười Hai 20189:25 SA(Xem: 7995)
NGUYỄN ĐÌNH TỪ LAM - Nợ em chẳng trả được

Miền thượng du rừng núi như quê Tâm, nhiều trẻ con đã quá tuổi đến trường, mới bắt đầu khai tâm đi học. Tâm cũng vậy. Mãi đến năm 1962, Tâm mười sáu tuổi, may mắn mới mò lên học được lớp đệ ngũ trường trung học công lập Phan Chu Trinh Đà nẵng. Khoản thời gian giữa năm này, ở quận Tâm chiến trận Quốc Cọng bùng nổ dữ dội, nhà Tâm bị trúng đạn pháo cháy sạch, gia sản tiêu tan, thằng Hiểu em Tâm chết thảm. Thế nên cha mẹ Tâm không có tiền gạo gởi ra Đà Nẵng cho nó ở trọ ăn cơm tháng tiếp tục đi học.

Sáng hôm ấy, ngày thứ ba, có ba giờ việt văn của cô N.T.Hàn, cố vấn lớp Tâm. Đầu giờ nó xin phép được gặp cô, kể hoàn cảnh mình và xin thôi học. Cô Hàn bàng hoàng trước ý định đột ngột của nó. Cô ngồi im lặng một lúc, một tay chống lên trán ra chiều suy nghĩ. Cuối cùng cô khuyên Tâm nên đi tìm việc làm ban đêm kiếm tiền, để ban ngày đi học:

- Trước đây ở trường ta, một số học sinh có hoàn cảnh như em, vẫn có cách kiếm ra tiền để tự túc ăn học. Các em ấy chịu khó tìm đến những gia đình ở thành phố nầy cần người, ban đêm kèm cho con cháu họ học bài hay làm bài tập ở trường. Theo cô với trình độ em có thể xin kèm được những em đang học lớp đệ thất trung học hoặc các em ở bậc tiểu học.

Từ sáng đến chiều, Tâm đi rảo hết con đường Độc Lập, qua hơn nữa đại lộ Lê Lợi. Nó tìm đến những nhà cao cửa rộng. Đánh liều vào xin kèm trẻ nhỏ học. Hầu hết họ từ chối thẳng thừng, đôi nhà chỉ có lời hứa hẹn suông. Suốt cả ngày đi mỏi cẳng, chẳng được tích sự gì. Đêm về, Tâm nằm lo lắng, không ngủ được.

Ngày thứ hai, Tâm đi thẳng đến đường Gia Long, nghe nói đường nầy có nhiều nhà giàu. Tâm nhìn thấy một tòa nhà lầu trong vườn cây xà cừ cao lớn, chung quanh có tường rào, cổng vào nhà xây bằng đá tảng với hai cánh cửa bằng inốc sáng lấp lánh. Lấy hết sức bình tỉnh, Tâm đưa tay bấm chuông. Đứng chờ một đổi lâu, có người đi ra hỏi: 

- Cậu cần gì mà gọi chuông?

- Dạ tôi đi tìm chổ kèm trẻ em học ban đêm. Bác có thể giúp tôi được không?

- Cái đó tôi làm sao giúp được cậu. Tôi đây chỉ là người giúp việc cho chủ nhà. Để tôi vào thưa với bà chủ, bà trả lời thế nào, tôi trở ra cho cậu biết. Chờ đây nghe.

Khi người giúp việc trở ra, nhìn nét mặt bà tỉnh bơ, Tâm nghĩ chắc chẳng có chút hy vọng nào.

- Dạ, bà chủ nói sao ạ? Tâm hỏi.

- Bà nói cậu vào gặp bà.

Người đàn bà đang ngồi ở bộ trường kỷ, nơi hiên sau ngôi biệt thự, mặc đồ bộ bằng lụa màu mỡ gà. Trên bàn bày mấy loại trái cây đắt tiền, một ly cam vắt, một quyển sách. Lưng và đầu bà tựa hẳn vào thành ghế, mắt lim dim như thiếp ngủ. Người giúp việc nhẹ nhàng len lén tới bên bà nói nhỏ:

- Thưa bà, cậu đây muốn gặp bà.

Vẫn dựa ngửa lên ghế, dáng mệt mỏi, bà từ từ mở mắt mà chẳng nhìn ai. Bà bảo người giúp việc:

- Lấy ghế cho cẩu ngồi.

Bà bưng ly nước cam lên uống vài hớp nhỏ, đặt ly xuống bàn, mới đưa mắt nhìn Tâm rồi hỏi:

- Cậu tới xin làm rềcếptơ ở nhà tôi phải không?

- Dạ phải.

Tâm nhỏ nhẹ trả lời, hai tay khoanh trước ngực.

- Được, nhưng hôm nay tôi không khoẻ lắm...

Nói đến đây bà dừng lại. Như sực nhớ điều gì cần kiếp hơn, bà gọi người giúp việc:

- Cô Ba đâu rồi?

- Dạ, tôi đây, tôi ra ngay.

- Khỏi cần ra. Hãy lo cơm nước chu tất chứ ông nhà sắp về rồi. Lo sửa soạn cho cả nhà ăn trưa luôn thể, nghe chưa?

- Dạ tôi nghe ạ.

Khi sai bảo người giúp việc xong, bà lại tiếp tục câu chuyện với Tâm:

- Thế nầy nhé, vợ chồng tôi chỉ có một đứa con gái, đương học trường Phan Chu Trinh. Học lực của nó thuộc hạng khá. Nay tôi cần một rềcếptơ, kèm cho nó tiến bộ thêm. Để tôi gọi nó ra đây, thầy trò nói chuyện. Nếu tôi thấy được, nó đồng ý. Khi nào ông nhà tôi về tôi trình bày lại, rồi sau đó trả lời cho cậu rõ.

Nói đến đây, bà liền gọi con gái:

- Hiền đâu rồi, ra đây mạ có chuyện.

- Dạ con ở đây, con ra ngay.

Người con gái mở cửa bước ra, đứng bên mẹ và thưa:

- Dạ, mạ nói chi ạ?

- Cậu nầy mới tới xin mạ kèm con học thêm ban đêm ở nhà mình. Hôm nay mẹ thấy trong người không được khoẻ, mẹ vào trong nằm nghỉ một lát. Ở đây cậu trao đổi ý kiến với con. Xong, con vào gặp mạ.

Khi mẹ cô gái đi khỏi, cô ta đến ngồi xuống ghế chỗ mẹ, Tâm nhìn kỹ mới nhận ra con Hiền học cùng lớp. Còn Hiền thì nhận ra Tâm ngay và biết theo lời cô Hàn giáo sư cố vấn, hiện giờ Tâm gặp hoàn cảnh gia đình rất ngặt nghèo không thể chu cấp tiền bạc cho Tâm tiếp tục ăn học; Hiền thầm nghĩ , lúc nầy đây là dịp để Hiền giúp Tâm vượt qua khó khăn cho việc học khỏi gián đoạn. Tâm thì ngượng tím người; gặp cô bạn học cùng lớp trong hoàn cảnh nầy, Tâm ước gì dưới chân mình mặt đất nứt nẻ, để có nơi nó chui xuống trốn biệt tích.

Hai đứa ngồi trơ như tượng đá, chẳng nói chẳng rằng.

Thấy im lặng lâu quá, Tâm ngượng ngùng lên tiếng:

- Xin lỗi Hiền, Xin lỗi bạn. Tôi vào nhầm nhà.

Với vẻ điềm đạm, Hiền nói:

- Tâm, bạn không nhầm đâu. Bạn vào đúng nhà lại đúng lúc rồi đấy.

- Chắc bạn chế riễu tôi. Có đời nào, đời nào cái thằng tôi đi dạy kèm cho một người bạn học cùng lớp, cùng trình độ. Thật là xấu hổ cho tôi. Nhờ Hiền thưa lại với bà, tôi xin chào về.

Tâm tỏ ra giận Hiền và buông lời trách móc bạn. Nó đứng lên nhớm bước ra về.

Hiền vội vàng nói:

- Đừng vội, nán lại để tôi nói đã.

Nói đến đây, Hiền im lặng một lúc, mắt nhìn xuống, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Bỗng Hiền ngước lên nhìn thẳng vào mắt Tâm, tiếp tục phân bày:

- Sao lại trách tôi. Tôi nói Tâm vào đúng nhà đúng lúc vì nhà ba mạ tôi lúc nầy đang cần người chỉ giúp tôi học thêm môn toán. Cả lớp mình chả ai chẳng biết tôi là đứa dốt toán, trái lại Tâm lại học giỏi môn nầy.

- Toán, tôi học kha khá chứ có giỏi giang gì đâu.

Hiền tiếp tục lý giải mong Tâm đồng ý:

- Trong các kỳ thi, ở các học kỳ, bạn xem đi, điểm môn toán bạn đạt hạng nhất nhì trong lớp. Còn gì không giỏi. Tâm không giỏi sao được, bạn nhớ lại đi, Hôm thầy Phương giải bài toán tập rất khó trong sách giáo khoa của thầy Đinh Quy và thầy Bùi Tấn. Khi giải xong, thầy hỏi cả lớp có hiểu không, tất cả đều im lặng, thầy bèn hỏi bạn, bạn trả lời "Dạ hiểu" và nói thêm "Thưa thầy, em có cách giải thứ hai cho bài nầy". Khi bạn giải xong, thầy vui mừng, khen bạn hết lời. Thế đấy, tôi nói có ngoa đâu. Nói có sách mách có chứng. Chịu chưa, nói nghe coi.

Trong lúc Hiền nói, Tâm ngồi yên lặng nghe. Nó thầm nghĩ, xét khả năng, mình đủ sức giúp Hiền theo kịp môn toán, cọng thêm những phân bày hợp lý của Hiền nên Tâm trút bỏ được mặc cảm tự ti, lấy lại được niềm tự tin.

Thấy Tâm ngồi lâu không trả lời. Hiền bèn lên tiếng:

- Tâm có vui lòng giúp tôi không? Cho ý kiến.

- Tùy ý Hiền, hơn nữa còn phải có sự quyết định của ba mạ bạn.

Khi biết Tâm đồng ý, Hiền vui vẻ nói như reo:

- Cảm ơn Tâm nhiều. Giờ, bạn ngồi đây chờ. Hiền vào thưa chuyện với ba mạ. Khi trở ra Hiền cho Tâm biết ý kiến của họ.

Buổi trưa nắng rực rỡ trên những tàn lá mấy hàng cây xà cừ trong vườn. Cây thanh trà to lớn bên cạnh hồ nước, mùa nầy đang trổ bông tỏa hương thơm ngào ngạt. Cảnh thanh bình, giàu sang ở đây, khiến Tâm tủi lòng nghĩ về quê Tâm nghèo lại chiến tranh xãy ra từng ngày từng giờ. Người dân xưa kia đã khổ, nay bị đày ải tang tóc gấp nhiều lần.

Khi cùng Hiền trở ra chổ Tâm đang ngồi, ông bà Ngọc Lâm, cha mẹ hiền đồng ý cho Tâm cứ mỗi tối đến nhà giúp Hiền học thêm môn toán. Ông bà trả tiền công cho Tâm ba trăm đồng mỗi tháng. Tâm thầm nghĩ, Hiền hiểu hoàn cảnh khó khăn của mình nên ra tay bày vẽ giúp đỡ. Ơn Hiền, mình có trả được không và trả bằng cách nào đây? Hiền ơi, miếng khi đói bằng gói khi no, bạn là người con gái tuy tuổi đời còn quá trẻ nhưng hiểu đời và có tấm lòng thương kẻ khốn khó như Tâm. Trước mắt, Tâm nguyện, cứ mỗi tối đến nhà cùng học với Hiền, Tâm quyết tận lực tận trí giúp Hiền tiến bộ môn toán.


Ngày tháng đi qua. Một sớm một chiều lướt nhanh. Nhớ hôm nào trường mới khai giảng, nay đã hết niên học. Thi lục cá nguyệt kỳ hai, môn toán Hiền đạt điểm 12,75/20, còn các môn khác Hiền chiếm được vị thứ nhì hoặc ba.

Tổng kết học lực toàn niên, Hiền đứng được hạng năm. Còn Tâm chỉ giỏi một môn toán, các môn khác chỉ đạt trung bình khá hoặc khá nên cuối năm đứng thứ chín trong năm mươi học sinh trong lớp, thua Hiền bốn bậc.

Mùa hè cuối năm đệ ngũ, Tâm và Hiền mỗi tối chỉ ngồi vào bàn cùng học tập hai giờ đồng hồ như củ. Còn nhiều thì giờ Hiền ở nhà đọc sách, học cách nấu ăn... Tâm lo học trước các môn toán, lý hóa lớp đệ tứ hoặc giúp chị Ba Mèo chủ trọ mấy chuyện lặt vặt trong nhà ngoài vườn.

Môt hôm Hiền và bốn đứa bạn hẹn nhau tám giờ sáng vào phường Tân Lập (Xóm Tre), đến nhà con Trang bạn cùng lớp ăn trái cây: Khế ngọt , mãn cầu ,vú sửa...Hiền rủ Tâm cùng đi, Tâm không muốn, chẳng thích thú gì. Nhưng đối với Hiền Tâm không nỡ từ chối. Bà Thông Tám, mẹ con Trang thương bọn con Hiền lắm, chiều chuộng hết cở, xem chúng như con ruột của mình. Bà có một ngôi nhà lầu hai từng xưa củ, chung quanh nhà là vườn trái cây đủ loại. Hai mẹ con bà chỉ sửa sang hai phòng ở lầu một để ở. Nhiều phòng khác đều bỏ hoang lâu ngày nay gần như hoang phế. Vừa đến nhà bà Thông, bọn Hiền kéo nhau đến bồn nước lạnh, múc nước uống cho đã khát, rồi xúm nhau lại cây khế ngọt gần hàng rào chè tàu bên hông ngôi nhà. Tâm níu được một nhánh đầy trái oằng xuống vừa tầm tay để cho Hiền hái. Hiền hái được mấy trái thật to chín mùi, Hiền tìm cách dấu kín trong vạt áo, để bốn đứa bạn khỏi tranh nhau tới giành ăn mất trái ngon. Khi hết khế chín, bổn đứa bạn dạt ra, chạy tới hai cây vú sửa nếp ở một góc vườn. Chỉ còn lại Tâm với Hiền, Hiền tay lần trong vạt áo lấy ra hai trái khế , rồi nói với Tâm:

- Phần của anh ở đây, anh lấy ăn đi.

Lần đầu tiên Tâm nghe Hiền gọi mình bằng anh. Nó tưởng mình nghe lầm,nhưng lầm sao được. Nó nhớ rõ ràng, Hiền đã gọi mình bằng anh hai lần, Phần của anh ở đây, anh lấy ăn đi. Còn lầm sao được nữa. Tâm quá xúc động ,tim đập loạn nhịp. Đến nay tình cảm Hiền dành cho Tâm đã vượt qua ranh giới của tình bạn học. Nghĩ đến đó Tâm không dám nghĩ tiếp. Niềm vui lẫn chút tự hào đến đột ngột với nó.

Hai đứa vừa ăn khế vừa rảo bước tới góc vườn có tụi bạn đang trèo hái vú sửa.

Đến khi trời đã xế chiều, ánh nắng yếu ớt chảy vàng ngang qua hai hàng tre Tân lập, đường đi bắt đầu mờ mờ tối như lúc sắp sửa chạng vạng. Cả bọn vội vã giã từ nhà bà Thông Tám, trở ra đường Lý Thái Tổ, thẳng đến đường Hùng Vương, để rồi chia tay ở ngã tư Chợ Cồn, đứa nào về nhà đứa nấy.

Hai tháng hè sau niên học lớp đệ ngũ qua nhanh. Trong những lần đi chơi với Tâm, Hiền luôn vui vẻ, nói cười luôn miệng, lại thường hay chăm chút săn sóc nó; khiến Tâm mềm lòng... Có nhiều đêm Tâm không ngủ được, nằm thao thức nghĩ đến Hiền, nhớ những đêm sau giờ học với Hiền ở nhà ông bà Ngọc Lâm, lúc Tâm ra về phải đi ngang qua ba căn phòng rộng lớn, Tâm đi trước, Hiền theo sau. Đến phòng ngoài cùng Tâm đưa tay mỡ cửa để bước ra hiên, nàng đứng phía trong với tay khép cửa, tay hai đứa chạm nhau. Hiền nắm tay Tâm một đổi lâu rồi mới thì thầm nói:

- Tâm, anh về đi cẩn thận, chúc ngủ ngon nghe anh.

Đêm ấy, Tâm chẳng ngủ yên được chút nào cả. Hình ảnh, cử chỉ Hiền choán cả cỏi lòng Tâm. Nó muốn đêm dài thêm để có nhiều thời gian mơ mộng về mối tình đầu của hai đứa. Đêm đêm Hiền cũng như Tâm thao thức nghĩ đến nhau, thầm mong ước một tương lai lứa đôi trọn vẹn.

Giữa tháng Tám, Hiền cùng ông bà Ngọc Lâm đi nghỉ mát ở bải biển Nha Trang gần ba tuần lễ.Tâm ở thành phố nhớ Hiền từng giờ từng phút.

Hết kỳ nghỉ hè năm ấy, hai đứa lại đến trường bắt đầu học lớp đệ tứ. Cuối năm học là thi lấy bằng trung học, nên Tâm và Hiền phải cố gắng, chăm chỉ hơn, tăng thêm giờ học buổi tối ở nhà. Kết quả kỳ thi trung học hai đứa đều trúng tuyển ở hạng bình thứ.

Sau khi thi đậu bằng trung học, Tâm đón xe đò về Tam Kỳ, thăm dò xem thử có về quê thăm nhà được không. Đường vẫn còn mất an ninh, chưa thông thương. Nhớ quê, nhớ cha mẹ, chị em đã lâu ngày không gặp. Buồn quá. Nó đành đón xe đò trở lại Đà Nẳng.

Năm Tâm và Hiền học lớp đệ tam trung học đệ nhị cấp, dịp Tết âm lịch, trường cho học sinh nghỉ hơn một tuần. Vào ngày mồng hai Tết, ông bà Ngọc Lâm, Hiền và người giúp việc về Túy Loan, quê nội Hiền, ăn Tết. Hiền xin phép ba mạ rủ Tâm đi cùng cho vui. Đặc biệt năm ấy tiết trời lập xuân sớm, vào ngày 20 tháng chạp. Đầu tháng giêng khí hậu bắt đầu ấm áp, trời nắng hanh hanh, cây cối đâm chồi nẩy lộc. Sáng mồng ba tết, khi mặt trời mọc được một sào cắt cau; Tâm, Hiền cùng cô Ba người giúp việc ra dạo chơi ở bờ sông Túy Loan. Cảnh sông nước với Hiền thật vui thú, mang nhiều vẻ nên thơ, quyến rũ. Dọc bờ sông có vài bải mọc toàn cỏ, mùa nầy tươi tốt như một tấm thảm màu xanh biếc. Hai đứa cởi dép đi chân không trên cỏ thật mát và êm ái. Nhìn dòng nước trôi hờ hững, Hiền hỏi Tâm:

- Nước sông chảy lững lờ trông bình yên quá phải không anh?

Tâm góp ý:

- Quê nội Hiền là vùng đồng bằng, nên dòng sông bình lặng là thế.

- Nhiều người ví cuộc đời mỗi người như một dòng sông. Hiền thích đời mình như thể dòng Túy Loan êm đềm vậy.

- Hiền đang sống trong một gia đình giàu sang, yên ấm. Đời Hiền là dòng sông êm đềm rồi còn gì nữa.

Ngưng một lát, Tâm nói thêm:

- Chúng ta nên cảm ơn dòng sông, đã cho ta những phút giây thoải mái. Ngồi bên Hiền, Tâm tạm quên được những khó khăn của đời học sinh. Tâm cảm ơn Hiền đã cho Tâm một đám phù sa dòng Túy Loan của Hiền, để Tâm có đất tốt trồng hoa màu nuôi cuộc sống học sinh, có điều kiện cùng Hiền học tập như ngày nay. Ơn Hiền Tâm nguyện, một đời nhớ mãi, sau này có dịp Tâm sẽ đáp đền.

- Anh nói như một thi sĩ. Ơn với nghĩa! Theo Hiền nghĩ chúng ta đều mang ơn nhau nên nặng nghĩa với nhau. Hiền mến thương anh, hy vọng Tâm cũng cùng tâm trạng như vậy. Phải không?

- Được như thế là Tâm mừng.

Hai đứa dạo trên bờ sông, ngược lên hướng nguồn. Hiền nắm tay Tâm cùng bước đi dung dẽ.

- Đừng nắm tay, cô Ba ở đằng kia thấy.

- Cô Ba là người nhà, anh đừng lo.

Xa xa sát mé sông, trên bờ có mọc một cây to trổ hoa màu tím, thân cành ngã nghiêng ra trên dòng nước. Chổ bờ sông mọc nhiều cỏ, lau lách, nổi bật lên một cây hoa làm Hiền thích thú, vội chạy lại gần, nhanh miệng gọi:

- Đẹp quá, Tâm lại đây xem một cây bông lạ lắm.

Tâm chạy lại chổ Hiền:

- À hả, cây lộc vừng. Đầu mùa xuân hoa bắt đầu nở rộ. Quê Tâm nhiều lộc vừng lắm cơ.

Cây hoa lộc vừng ở bờ sông Túy Loan, thân to gần một người ôm, cành to khoảng chừng hai nắm tay, nhánh cây khẳng khiu. Hoa lộc vừng kết thành chuỗi. Mùa nầy cây nở ra toàn những chuỗi. Nhiều chuỗi hoa chen chúc hau buông thòng gần sát mặt nước. Màu tím của hoa, nhuộm tím cả dòng sông, tím cả bầu trời nơi hai đứa cùng đang đứng. Hiền đứng ngắm mãi, miệng trầm trồ khen:

- Bông màu tím đẹp chi lạ. Hiền thích màu nầy từ lúc nhỏ, khi lên năm lên sáu.

- Màu tím đẹp nhưng mà... Thôi, nó đẹp là đủ với Hiền rồi.

- Ước gì trong vườn Hiền có một cây lộc vừng để mỗi mùa xuân ra ngắm cây trổ bông. Hiền sẽ hái những chuỗi bông đem vào chưng trong phòng khách, phòng học thú vị biết chừng nào.

Vừa nói, Hiền vừa nhìn những chuỗi hoa lộc vừng tim tím đung đưa trước gió, bóng hoa in xuống dòng sông lung linh, nhuộm tím dòng nước lững lờ xuôi về sông Cái. Những cánh hoa tím rơi rụng trôi theo nước như những đàn bươm bướm bay chập chờn đùa giỡn.

Để yên cho Hiền miên man với những cảm nhận, những mơ màng về hoa, Tâm nhẹ nhàng đi lại sát gốc cây, bỏ dép, lẹ làng leo lên cây. Hiền ngước lên nhìn thấy Tâm, ngạc nhiên hỏi lớn:

- Tâm, anh trèo lên cây hả, làm gì vậy?

- Hái cho Hiền nắm hoa. Hiền nói thích hoa lộc vừng màu tím lắm, chẳng phải là gì.

- Nhưng trèo cao nguy hiểm. Phải hết sức cẩn thận. Nếu khó, xuống lại, Hiền không thích nữa đâu.

Tâm bước lần từng bước trên những cành cây lớn, một tay níu chặt những nhánh cây ngang tầm với, tay kia hái từng chùm hoa; một lúc vẫn chưa đầy tay, bèn chuyền người lên ngọn cây có hoa dày đặc, nó hái lia lịa được một nắm lớn. Một tay ôm hoa vào lòng, tay kia vịn cành, hai chân lần mò tiến dần vào cội cây. Tâm bỗng nghe một tiếng 'răắc'. Cành cây dưới chân nó đang đứng gãy, sửng sốt, một tay đu người lên một nhánh cây, nhánh nhỏ yếu không chịu nổi sức nặng người Tâm, một tiếng 'rắc' nữa, nhánh cây cũng gãy. Tâm rớt bùm xuống vực sông, chìm lỉm. Hiền ở trên bờ lo sợ quá la hoảng:

- Ôi! Tâm ơi, làm sao bây giờ. Cô Ba đâu rồi. Cứu với, có người té nước.

Hiền đưa tay chới với về chỗ vực sông nơi Tâm vừa chìm xuống.

Tâm một tay ôm chặt bó hoa, lấy hết sức bình tỉnh, hai chân đạp xuống đáy sông, một tay khoát nước, cố lấy hết sức đẩy thật mạnh người búng lên. Đầu Tâm trồi lên khỏi mặt nước, thở được. Tâm vội nói lớn để Hiền bớt lo sợ:

- Hiền ơi! Tâm không sao cả, đừng lo.

Nó một tay ôm chặt bó hoa vào ngực, tay kia khoát nước bơi vào. Tâm vừa bước lên được bờ, Hiền quên cả trời đất, đến ôm Tâm khóc. Cử chỉ của Hiền khiến Tâm bạo dạn, bộc bạch hơn:

- Đây hoa của Hiền, cầm lấy cho Tâm vui.

Hiền cầm nắm hoa ép sát vào ngực. Tâm cũng quên tất cả, chỉ biết còn có mỗi một Hiền. Nó ôm chặt lấy Hiền vào lòng. Hiền hôn lên tóc lên trán lên má Tâm, rồi Hiền thì thầm:

- Vui cái thích nhỏ nhen của Hiền, làm Tâm quá vất vả, còn sắp chết đuối nữa.

- Đừng nói nữa, hái được hoa tặng Hiền là Tâm mừng vô kể.

- Tâm vì Hiền tất cả. Hiền thương...yêu anh mất thôi. Suốt đời Hiền nhớ buổi này.

- Tâm cũng vậy Hiền ơi, thương em suốt đời. Thiếu em chắc Tâm chẳng còn thiết sống.

Quá động lòng, hai đứa nói hết tình yêu dành cho nhau mà cả hai giữ kín trong tâm đã gần hai năm trời. Cô Ba, người giúp việc,đứng bên cạnh từ lúc nào họ chẳng hay biết.


Sau những ngày ở Túy Loan về lại Đà Nẵng, hết Tết, hai đứa lại tiếp tục đến trường học tập.

Một hôm, sau giờ học ở nhà Hiền, Tâm sắp sửa ra về. Cô Ba vào phòng báo cho Tâm biết, ông bà Ngọc Lâm muốn gặp nó ở phòng khách.

Vừa bước vào, Tâm thấy nét mặt ông bà lạnh tanh, không vui vẻ như mọi khi. Thấy nó bà Ngọc Lâm liền lên tiếng:

- Cậu Tâm ngồi.

- Dạ, ông bà có chuyện gì cần gặp cháu ạ? Tâm thưa.

Ông Ngọc Lâm thong thả nói gằn từng tiếng một:

- Kể từ tối mai, cậu không đến chỉ vẽ cho con gái tôi học thêm nữa vì nay nó đã tiến kịp chương trình ở trường. Thay mặt gia đình cảm ơn cậu đã giúp đở chúng tôi trong thời gian qua.

Tâm đứng dậy gắng gượng vui vẻ, cố bình tỉnh nói lời cảm ơn ông bà Ngọc Lâm rồi từ giã ra về. Lòng buồn phiền quá đổi, nó đi lang thang hết đường phố nầy sang đường khác, nghĩ đến tương lai mình mù mịt vô định. Về đến nhà trọ khoản ba giờ sáng. Hai ngày sau Tâm đến trường xin nghĩ học, rút học bạ và xin giấy chuyển trường đến trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ.

Tâm lấy sách vở,gấp bộ quần áo xếp vào tấm nylông gói lại. Cảm ơn chị Ba Mèo chủ trọ, Tâm ôm gói đồ ra đường, đón xe đò liên tĩnh, về đến Tam Kỳ vừa đúng trưa. Tâm không vào trường Trần Cao Vân xin nhập học vì nó nghĩ nếu trường nhận, gạo tiền đâu có để ăn ở học hành. Cùng quẩn quá, nó đành đi bộ theo tĩnh lộ, liều mạng về quê, mặc cho đường về biết bao nguy hiểm chờ chực nó trên đường đi.

Từ giả Đà Nẵng, thành phố, tưởng rằng luôn mở rộng vòng tay cưu mang giúp nó đi đến chặng cuối của đời học sinh trung học. Đành đoạn chia tay Hiền, người bạn ơn nghĩa, người yêu đầu đời của Tâm.

Từ ngày Tâm thôi học, bỏ đi biệt. Hiền, ngày ngày đến trường; về nhà chẳng ra khỏi cửa. Năm tháng trôi qua nặng nề với lòng nàng buồn phiền nhung nhớ Tâm.

Cứ mỗi đầu mùa xuân đến,Hiền đều theo gia đình về quê nội. Nàng không quên ra sông Túy Loan, ngồi trên bờ ngắm hoa lộc vừng nở rộ. Nàng nhớ Tâm, thương xót cho mối tình đầu của hai đứa sớm mai một. Nàng nghe lòng tan nát.

Cuối năm đệ nhất, Hiền thi đậu bằng tú tài toàn. Ông bà Ngọc Lâm khuyên con nên thi vào đại học Quãng Đà, để được gần gủi gia đình cha mẹ, nhưng nàng một mực xin ba mạ lên Đà Lạt học. Với Hiền, thành phố Đà Nẵng, nơi đã có biết bao kỷ niệm của nàng với Tâm; mỗi nơi, mỗi chốn Tâm đã đến, đã ở, đã cùng Hiền học tập...Quá khứ ấy lại về với Hiền, khi nàng còn sống ở quê nhà; khiến nàng tiếc nuối đau lòng. Nàng quyết đi xa, cầu xin vơi bớt lòng thương cảm người bạn học cũng là người yêu đầu đời của nàng, mong quên bớt mối tình đầu trắc trở.

Hôm lên thành phố cao nguyên thi vào ban văn khoa của viện đại học Đà Lạt, ông bà Ngọc Lâm cho cô Ba và người tài xế lái xe đưa Hiền đi. Đến đèo Sông Pha xe bị trúng mìn nỗ tung. Hiền và anh tài xế chết ngay tại chỗ, cô Ba bị thương nặng.

Ngày giỗ hết khó cho con, ông bà Ngọc Lâm cùng cô Ba người giúp việc soạn tất cả quần áo, đồ đạt của nàng đem ra đốt. Ông bà tìm thấy dưới đáy tủ trong phòng ngủ của Hiền cuốn nhật ký của nàng; xem qua, họ mới thấu hiểu tình yêu của Hiền dành cho Tâm quá sâu đậm đến mức nào; cuối cuốn nhật ký nàng than thở, nhớ một mùa xuân năm nào, tình yêu của hai đứa vừa chớm nỡ và cũng là mùa xuân của chia cắt ly tan mối tình đầu, nàng trải lòng mình bằng lời thơ thuơng tiếc kỷ niệm củ và mong nhớ người xưa trở về, buồn vời vợi:

Từ độ anh đi hoa rụng đầy

Tím cả dòng sông theo gió bay

Lòng em buồn quá, ta xa cách

Chẳng biết ngày mai anh có về

Bao mùa xuân nữa cũng vắng anh

Hoa rơi lã chã, chiều hanh hanh

Nhớ anh thưở ấy, xuân năm trước

Hái tặng cho em mớ hoa vừng

Bao lâu rồi nhỉ, em chỉ nhớ

Mỗi độ xuân về, ra bến sông

Ngắm những cánh hoa trôi nhè nhẹ

Thương về ngày củ nhớ mênh mang


Ông bà Ngọc Lâm không cầm được những dòng nước mắt, họ khóc cho đứa con gái yêu quí bạc mệnh. Họ tự trách mình đã không quan tâm đến tình cảm của con, mà cứ nghĩ đến giai cấp giàu sang nghèo hèn, nhẫn tâm , đành đoạn xua đuổi thằng Tâm, ly cách tình đầu của hai đứa. Họ lấy làm hối hận. Không biết thằng Tâm giờ nầy ở đâu, còn mất ra sao. Ba người ngồi im lặng trong ngôi biệt thự yên vắng. Buổi trưa, ngoài vườn nắng lên rực rỡ, chim chóc im tiếng. Ông bà Ngọc Lâm cảm thấy quá trống trải, cô đơn. Họ ao ước thằng Tâm quay về thành phố nầy, họ sẽ bảo bọc nó, xem Tâm như đứa con ruột thịt của mình./.

NGUYỄN ĐÌNH TỪ LAM

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 234)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 183)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 129)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 507)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 390)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 541)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 457)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 330)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 464)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 365)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,