VĨNH QUYỀN - Di Sản Của Thời Gian

09 Tháng Hai 20199:59 SA(Xem: 6150)
VĨNH QUYỀN - Di Sản Của Thời Gian

Tụi mầy giờ sướng, miễn trong túi rủng rỉnh, quờ tay đâu trúng mái đó, xong không nhớ họ nhớ tên. Tụi tao bảy tám mươi năm về trước, đến tuổi bắt đầu tơ tưởng gái, nhìn quanh chỉ mắm với đước. Nhỏ nào nhan sắc địa chủ Cà Mau xuống rước, nhỏ nào thường thường bậc trung cũng ngã vào tay thương lái thương hồ, đâu tới đám làm thuê làm mướn tụi tao? Mười thằng hết bảy tám mất trinh với bùn…

Hà hà, mầy không hiểu là đúng, xấp trẻ Đất Mũi ngày nay còn không hiểu huống gì dân ngoài Trung. Đơn giản thế này: Tới lúc chuyện đó trở thành bức bách, tụi tao ù ra bãi hoang, hốt bùn đắp tượng nữ truồng, vừa làm chuyện đó vừa tưởng đến nhỏ mình thương hay đàn bà mình mê.

Thật chứ. Tối nay nhậu cho mầy gặp thằng bạn nối khố quái kiệt của tao. Hồi lấy được vợ rồi hắn vẫn thỉnh thoảng lén ngoại tình với bùn. Gì vợ không chiều nàng bùn nhận hết. Bùn đẻ ra tao, bùn nuôi tao lớn, bùn dạy tao làm đàn ông đàng ang, chẳng bao lâu nữa bùn cũng là nơi tao yên nghỉ cuối cùng… Mầy thấy vòng đời chưa? Bắt đầu từ bùn và kết thúc với bùn. Nên chi tao ít khi nói phù sa nghe nó xa cách, gọn tiếng bùn thôi, tận cùng luôn!

Tôi không thể không mỉm cười pha chút ngậm ngùi khi nhớ mẩu chuyện vừa thật đến đau đớn vừa hài hước kiểu Ba Phi của ông già Đất Mũi tôi nghe được từ thời trai trẻ ngược xuôi Bắc-Trung-Nam viết phóng sự cho báo Lao Động. Nó từng thôi thúc tôi phá vỡ khuôn mẫu phần dẫn một phóng sự thông thường. Câu chữ trong tôi tuôn trào theo dòng cảm xúc cao điểm, cứ như tùy bút như thơ văn xuôi:

Bùn ơi chào em! Phải nửa đời hẹn hò mới gặp. Phải đến đây để nhận thêm hàm nghĩa không cùng của bùn, nạp thêm năng lượng vô biên của mặt đất mặt nước. Cũng nâu nhạt tầng trên trơn trợt, cũng ngả xanh sét nhão tầng sâu, nhưng bùn Đất Mũi là quà tặng của thiên nhiên, là sự sống trông thấy được, là tiền thân của đất, của rừng, là cuộc vận động không ngừng của địa dư, của tương lai bất tận. Tôi đứng yên mở hết giác quan ghi nhận chuyến hành hương kỳ diệu vào lòng đất mới. Chầm chậm và êm ái đôi chân trần lún vào bùn, mềm mát vuốt ve rồi siết chặt ấm nóng, cuối cùng khẽ chạm đất nền. Tôi rùng mình hóa thân cây mắm cắm rễ níu giữ phù sa, mắt như lá xôn xao vời trông biển cả hoang sơ mãi rì rầm khát vọng ngoài kia.

Vậy mà qua thời gian phôi pha ông già cũng nằm trong số bao nhân-vật-phóng-sự tôi hầu như quên lãng, càng không thể biết ông đã “kết thúc với bùn” ngót 20 năm. Và câu chuyện đặc thù Nam bộ của ông hẳn còn đâu đó trong ký ức nhưng dưới dạng ngủ đông trước dồn dập thông tin ngày thường. Để rồi tất cả sống dậy khi tôi nhận cuộc gọi bất ngờ từ cháu gái ông với lời mời tham gia một hoạt động từ thiện ở Huế. Cũng không thể nhận ra giọng “cố nhân” truyền qua vệ tinh sau chừng ấy năm, tôi cắt ngang: Nhầm số rồi… Nhưng “bên kia đầu dây” không chịu dừng: Dạ em còn giữ số của ông cho mà, là bé Lành Đất Mới đây, ông hổng nhớ à…

51430990_171182697182983_5723758089081978880_o

Tôi khựng một lúc bởi cái vỗ vai chế giễu của thời gian dành cho nhà báo đi nhiều, gặp nhiều, oan gia cũng nhiều để rồi sau đó nhớ chẳng bao nhiêu. Cái tên Lành dung dị và giọng Nam nguyên chất đánh thức trong tôi một chân trời cuối Việt, nơi tôi đã đến và khi chưa rời đi đã hẹn ngày trở lại với bao viễn cảnh:

Đêm cuối ở Năm Căn tôi trăn trở mãi. Không phải vì muỗi Năm Căn nổi tiếng xưa nay. Tôi muốn thức cùng đất. Đất Năm Căn chưa ngủ bao giờ, mỗi năm nở ra Biển Đông 100 đến 150 mét diệu kỳ. Tôi sẽ trở lại. Biết đâu lúc ấy bãi triều kia đã là huyện mới và xã Đất Mới tôi đang đứng đây đã là đất cũ.

Bé Lành, một nguyên mẫu đời sống, đã nhẹ nhàng bước vào trang văn của tôi hơn 25 năm trước. Nói nhẹ nhàng bởi gần như không phải dụng công xây dựng một nhân vật đậm chất hồn nhiên phóng khoáng của người Nam bộ, tự câu chuyện tôi trải nghiệm đã thành truyện.

Đó là lần đầu tiên tôi đến doi đất tận cùng của tổ quốc. Lên bến thuyền đã quá ngọ. Đói, tôi tấp vào nhà hàng đang đông khách. Mọi người ngừng ăn uống, ngừng ầm ĩ nói cười, tò mò nhìn tôi. Cũng tự thấy mình là khách lạ ở đây, tôi bèn ngồi vào một bàn trống. Nhìn thực đơn treo trên vách, tôi ái ngại nhận ra các món đều được chế biến từ thịt thú hoang đất phương Nam. Cá sấu, trăn, rắn, rùa, dơi, và cả chuột đồng.

Chưa biết làm thế nào để có bữa ăn vừa miệng thì nghe tiếng xì xào sau gáy. Ngoảnh lại, một đầu rắn nhún nhảy với cái lưỡi dài lè ra thu vào nhanh như chớp. Tôi bật dậy như lò xo, đập đầu gối vào mép bàn, đổ tung tóe các thứ bày sẵn trên bàn xuống sàn. Cả quán phá lên cười. Thì ra con rắn đã bị nhốt trong lồng sắt mắt cáo chờ mổ thịt và cái lồng ở cách tôi gần cả sải tay. Tôi cũng bật cười theo, ngượng nghịu nói lời xin lỗi bà chủ quán. Bà xua tay tỏ ý đừng bận tâm, quay sang bảo cô bé chừng mười sáu đứng cười sau quầy ra thu dọn.

Đến bên bàn tôi, cô bé đã cố đến đỏ mặt nhưng không nhịn được, che miệng cười rúc rích. Thỉnh thoảng nhìn vào mặt tôi còn vẻ thảng thốt cô lại bật cười to, chảy nước mắt. Tôi không thấy khó chịu kiểu ứng xử trẻ con, lên tiếng nhờ cô sắp xếp vài món gần với bữa cơm hơn là bữa nhậu dữ dằn, với lý do đã hai ngày chưa có hột cơm nào.

Khi đặt món cuối xuống bàn cô bỗng hỏi: Ông nói giọng nước Huế? Tôi đáp phải. Em nói chuyện với ông được hông? Tôi gật đầu kéo ghế mời. Hổng cần đâu, thích nghe ông nói thôi. Tại sao? Dạ nghe mắc cười lắm. Đáp vậy rồi cô che miệng cười khúc khích. Tôi cười theo, hỏi em tên gì. Dạ Suchia. Tôi ngơ ngác, cô giải thích: Tên Khmer đó ông. Tôi thấy vui, nghĩ vừa nhặt được chi tiết lạ cho bài phóng sự, nói vậy em là người Khmer đầu tiên tôi tiếp xúc đó. Thiệt hông? Thiệt, mà Suchia nghĩa là gì vậy? Dạ điềm lành. Còn tên Việt? Hổng có. Vậy tôi gọi em Lành được không, cho dễ phát âm? Suchia gật đầu dè dặt. Cậu chàng bàn bên chõ vào: Ông nhầm rồi, nhỏ nầy bà chằng non chứ hiền với lành gì? Lành cười giòn. Cả quán cười vui.

Lát sau Lành mang ra xị rượu thuốc, đặt lên bàn: Ông khách ngoài Trung vô lần đầu, quán mời. Thoáng ngạc nhiên và cảm động, tôi làm một cử chỉ cám ơn bà chủ phía sau quầy. Biết Lành chờ nghe giọng Huế, tôi gợi chuyện: Em làm ở quán này bao lâu rồi? Bộ đây giống người giúp việc? Lành trả lời bằng câu hỏi ngược tinh nghịch. Tôi sửa sai: Là con gái bà chủ? Lành lắc đầu: Bả người Việt mà, khách hàng thôi, em bán cho bả các thứ đặc sản. Rồi chỉ vào con rắn vừa khiến tôi chết khiếp: Của em đó. Ngoại em săn bắt, em giao hàng, hiểu hông? Tôi gật đầu mỉm cười. Cô bé chúc tôi ngon miệng và đi vào phía sau quầy, không trở ra lần nào nữa.

Lúc thanh toán bữa ăn, tôi nhờ bà chủ chuyển món tiền thưởng cho Lành. Bà cho biết cô bé đã xuống thuyền tiếp tục đi giao hàng. Thì ra ở đây nhà nào cũng có hai lối đi, đàng trước ra đường bộ, đàng sau xuống đường sông.

Chuyện vừa dứt thì bộp cái vỗ vào vai nặng trịch. Ngoảnh lại, là ông râu quai nón cao lớn bàn bên: Vài ly kết nghĩa được hông? Trông vẻ mặt tôi căng thẳng, ông thêm: Bọn tui chưa từng ra nước Huế, muốn hóng chuyện của anh thôi. Nhìn bốn năm gương mặt cháy nắng nửa chất phác nửa giang hồ đang căng thẳng lắng chờ câu trả lời, tôi lâng lâng cảm giác mình thực sự lạc bước vào thế giới phương Nam và khấp khởi tin rằng phóng sự của tôi rồi sẽ đầy ắp chi tiết độc.

Lơ mơ thức giấc, mắt hoa và đầu nhức như búa bổ, tôi dần nhận ra mình nằm trên bè tràm neo gần bờ sông, ba-lô và túi máy ảnh bên cạnh. Mặt trời ló khỏi rặng đước bờ đông, bắt đầu chói chang.

Dậy rồi hả? Tôi giật mình quay về phía phát ra giọng khàn vỡ. Một ông già gầy đen ngồi vá lưới nhìn tôi với ánh mắt theo dõi. Lành chợt ló ra từ túp lều dựng bằng dừa nước ở cuối bè, che miệng cười khúc khích khi thấy tôi hoang mang. Hóa ra tối qua đi thu tiền hàng cô bắt gặp cảnh tôi say bí tỉ, bèn giải thoát tôi khỏi cuộc rượu xây chừng chưa biết lúc nào kết thúc và rước tôi về giao cho ông ngoại chăm sóc.

Mấy ngày sau hai ông cháu tốt bụng người Khmer đã cho tôi cơ hội tham gia cuộc sống dân dã kỳ thú của họ trong mê cung kênh lạch rừng đước và trên những bãi triều bao la thay hình đổi dạng không lường trong ngày.

Chừng ba bốn năm sau chuyến đi Đất Mũi tôi nhận cuộc gọi từ bưu điện xã Đất Mới. Lành thấy số tôi trong sổ ghi nợ của ông ngoại, nhớ ra tôi cũng là một thứ con nợ. Nợ lời hứa hào sảng rằng sẽ làm hướng dẫn viên nếu hai ông cháu ra Trung du lịch. Lành thông báo đã dành dụm được hai chỉ vàng và hỏi tôi chừng ấy có đủ đến nước Huế của tôi không. Cô cũng cho biết sẽ đi một mình, từ ngày gãy chân phải chống nạng, ông ngoại không muốn ra khỏi nhà. Tôi lặng người một lúc, choáng bởi tâm hồn ngây thơ chất phác không lường của cô gái Nam bộ đã mười chín đôi mươi. Và choáng bởi nhận ra tôi không đủ bản lĩnh sắm tròn vai “hướng dẫn viên” của em. Tôi đành chọn cách trốn nợ gốc tránh nợ lãi bằng một lời hứa khác.

Sau chừng ấy năm yên tĩnh Lành lại gọi điện. Được biết cô đang sống tại một thị trấn nghề cá thuộc bang Queensland với anh chồng người Úc, vốn là nhân viên ban dự án bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông. Về nước lần này Lành cùng một số Việt kiều muốn giúp đỡ trẻ mồ côi ở Huế. Tôi hỏi tại sao là Huế thì được trả lời bởi tôi còn nợ Lành lời hứa làm hướng dẫn viên ở đó.

Giờ thì tôi vừa từ Đà Nẵng ra Huế, ngồi bên sông Hương nhấm nháp bia Huda chờ Lành xuất hiện. Giờ thì tôi không còn sợ chuốc nợ mới khi trả nợ cũ. Thời gian đã cho tôi mái tóc bạc quá nửa. Và tôi thấy mình thoáng buồn biết trước rằng sẽ không bao giờ gặp lại mùi bùn non phảng phất trên mái tóc Lành cô bé ngày xưa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 259)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 325)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 328)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 538)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 525)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 382)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 807)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 663)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 802)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 712)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30715)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,