TÔ THÙY YÊN - Mường Mán

01 Tháng Tư 20199:43 SA(Xem: 7171)
TÔ THÙY YÊN - Mường Mán

Theo lời thi sĩ Mường Mán, ông lấy bút hiệu sau khi đọc truyện này.



Mường Mán là ngã ba đường xe lửa Sàigòn-Phan Thiết-NhaTrang. Cái tên được chọn thật là hay, nó gợi đúng quang cảnh hoang vu man rợ của vùng đất. Nếu như sở hỏa xa không chọn nơi đó làm ngã ba, có lẽ thị trấn này đã chẳng được dựng lên, trên bản đồ Việt Nam đã không có dấu chấm nhỏ nào mang tên Mường Mán. Tiết điệu sinh hoạt ở đó được giữ nhịp bởi sự đến và đi của những chuyến xe lửa thường lệ; ngoài chúng ra, hình như Mường Mán không có đời sống nào khác nữa. Thị trấn gồm có một nhà ga lâu đời mang trên mình những vết thẹo của thời gian và chiến cuộc, không được tu bổ, với những con đường sắt buồn bã chi chít như cành nhánh của một thân cây khô chết, vài chục nóc gia có lỗ hư nát có lẽ là cư xá của nhân viên hỏa xa, dăm ba hàng quán nghèo nàn âm u, một cái giếng sắt đen, màu sơn tróc lỡ, cất sát đường rầy, dùng châm nước cho những chiếc đầu xe lửa nóng hực vì đường xa. Tất cả những thứ đó hợp thành Mường Mán nằm chênh vênh trên một mỏm đất cao ngó xuống thung lũng cây buội thấp nhỏ nhưng rậm đặc xanh rì, đối mặt với những ngọn núi sừng sững đội mây của dãy Trường Sơn chập chùng lô nhô, nơi mất hút của con đường sắt về Nha Trang.

Chuyến xe lửa thường lệ từ Phan Thiết về Sàigòn khởi hành vào khoảng 4 giờ chiều ra đến ga Mường Mán, phải ngừng lại đó chờ cho chuyến Sàigòn-Nhatrang qua khỏi rồi mới tiếp tục đổ thẳng về Sàigòn. Thời gian chờ đợi không có hạn định, lâu hay mau tùy theo trường hợp. Có bữa không hiểu trục trặc thế nào mà xe Phan Thiết ngừng chờ cả mấy giờ ròng rã, mới thấy xe Nha Trang ra tới. 

Thái thò đầu ra ngoài cửa sổ toa xe vỗ vỗ lơ đãng chiếc tàu, trút bỏ tàn thuốc và vẫn không ngoảnh đầu lại chàng nói trong gió:

– Mường Mán. Có lẽ chúng ta còn cũng đến một giờ nữa với nhau. 

Nhung làm thinh, cũng không biểu lộ thái độ nào trên khuôn mặt vẫn xa vắng. Nàng như không nghe thấy câu nói đó của Thái. Hai người chỉ còn một giờ nữa với nhau, chỉ còn một giờ nữa thôi sao? Cuộc đời còn lại trước mặt, chỉ một giờ thôi làm sao cho đủ được? Làm sao bơi qua cho hết một biển mênh mang, đến một bến bờ không nhìn thấy, trong một khoảng thời gian vô cùng hối hả? Làm sao đây? 

Chuyến xe lửa qua khỏi dốc, đi vào địa phận sân ga, xả bỏ áp lực, rồi ngừng hẳn lại khi còn cách nhà ga chừng vài chục thước. Những toa xe còn trớn đâm vào nhau, dội lại trong những âm thanh kim khí tưng tức khô khan. Sự sống từ trên xe ùa xuống sân ga trống vắng. Thái bước ra ngoài cầu thang, đứng lại, và trong một cử chỉ tự động, đưa tay sửa gút cà vạt, rồi nhanh nhẹn nhảy xuống đường. Chàng nắm tay Nhung đỡ nàng bước xuống. Nhung đảo mắt nhìn quanh. Nàng sửa lại mái tóc kiểu con trai của mình. Nàng có thói quen mỗi lần sửa lại mái tóc là hất nhẹ đầu về phía sau, mặc dầu bây giờ tóc nàng đã cắt ngắn, cử động đó không còn cần thiết nữa, nàng vẫn giữ nó như thường, giữ như một cái bớt xám trên làn da. Thái lặng ngắm hình dáng nàng sừng sững vỗ trên nền trời xanh trông lỗ rỗ những cụm mây tròn nhỏ như những chiếc bọt sà bông; chàng thấy yêu cử chỉ hất đầu về phía sau của nàng khi sửa tóc. Ngày trước - đã xa rồi, đã thật xa - tóc nàng để dài, dài gần nửa tấm lưng. Thái nghĩ: bất hạnh cho nàng đã không xóa nổi trong ký ức những ngày cũ của mình. Dĩ vãng, dĩ vãng... 

Thái lại nói:

- Còn cũng đến một giờ nhưng anh nghĩ mình nên đến lấy ngay vé cho em về Nha Trang, lấy sớm cho khỏe, lát nữa khỏi chen lấn, lụp chụp.

Nhung đứng bất động nhìn chăm chăm vào mắt Thái, với tất cả nghiêm trọng mà một người có thể có được. Nàng nói thật chậm rãi, từng tiếng rõ ràng:

- Anh nhớ là chúng ta còn một giờ với nhau để cho anh quyết định, em chờ anh cho đến phút chót.

- Anh quyết định à? - Thái bật cười khan, cái cười không hẳn là độc ác - Thì anh đã quyết định rồi còn gì. Anh lập lại một lần nữa đây cho em nghe rõ quyết định của anh - giọng Thái cứng lại - Em phải ra Nha Trang, anh phải về Sàigòn, mỗi người một ngả. Dứt khoát như vậy. 

Nhung không dám nhìn chàng nữa, hỏi lại, giọng rầu rầu:

- Nghĩa là em sẽ đi tới một cuộc đời mới, còn anh sẽ trở về cuộc đời cũ của anh, phải không? 

Thái trả lời khô:

- Phải. 

Rồi chàng dịu giọng như nói với một người em thật nhỏ:

- Một cuộc đời mới đang giang sẵn đôi tay chờ em ở Nha Trang. Ở đó, em sẽ quên được anh cũng như bao nhiêu hình ảnh buồn rầu cũ khác của một quãng đời dò dẫm, bỏ mất. Em phải quên, bằng cách này hoặc bằng cách khác. Trí nhớ là cực hình cho người đã từng sai lạc. Vậy em hãy tìm cách quăng bỏ nó đi mà sống lại, thoát khỏi bàn tay định mệnh, lúc nào cũng mới tinh khôi. Em nên nghe anh mà đi Nha Trang, nước biển ở đó biết đâu chẳng rửa sạch được đời em.

– Còn anh?

– Trở lại cuộc đời cũ của mình, anh cũng sẽ phải quên em - Ngừng một lát, Thái tiếp lời, giọng như an ủi khuyên lơn - Anh rất tiếc không thể làm thế nào khác được, cây kim nam châm xao động mấy đi nữa, cuối cùng rồi cũng phải quay về hướng bắc.

– Nghĩa là anh khuyên người khác đổi mới, còn anh thì không?

– Có lẽ em lầm, anh cũng đổi mới và đổi theo cách thức của riêng anh.

– Vậy hướng bắc của anh là gì, anh thử nói em nghe. 

Thái nắm tay Nhung kéo nàng đi men theo bờ thung lũng, cỏ may lấp xấp ngập bàn chân. Chàng nhồi thuốc đưa lên môi bập bập nhưng không đốt. Được một lát, chàng nói:

- Anh không có hướng bắc nào nhất định và có lẽ đó cũng là hướng bắc của đời anh. Thú thật anh không tìm thấy mục đích nào trong cuộc sống của mình. Anh không sẵn sàng, anh không biết phải làm gì. Dường như anh cứ mãi chờ đợi một cái gì đó anh không biết. Anh sống cho qua ngày, hướng tất cả mình vào sự chờ đợi đó. Rất nhiều khi anh cảm thấy mình chẳng khác nào có cây đá sỏi sống để chết, có rồi mất. Thật không có gì phù phiếm vô ích cho bằng sự sống, vậy mà mình vẫn đành phải sống, sống cho bằng hết để chẳng làm gì. Nên anh không thể nào mãn nguyện yên tâm. Có lẽ là vì anh có một lỗ hổng lớn trong đầu.

Một lỗ hổng lớn trong đầu. Những tháng ngày vô vọng. Những chuyến phiêu lưu không dẫn đến nơi nào? Những cuộc thí nghiệm chẳng bao giờ có công dụng. Anh hùng bất lực. Đêm đêm la cà ở quán rượu, phòng trà, lang thang ngoài đường phố bờ sông, rượu rót ra, thuốc đốt lên, tiền rải xuống, những lời nói vô nghĩa bừa bãi tung ra trong những trận đấu láo lằng nhằng, những đứa con gái chỉ một ngày, một tuần rồi sẽ quên nhau, mỗi khuya, một mình, hai người hay cùng một lũ bạn trở xuống thành phố thấp, quị ngã vào giấc ngủ nặng nề mỏi mệt, trưa thức dậy mắt còn cay xé, những dự định không bao giờ thực hiện vì lười, những tiếng chửi thề gởi cho mình, gởi cho người, một cuộc đời bỏ mứa với dấu hỏi to tướng lủng lẳng bên trên, thân thể và tâm hồn thường xuyên bải hoải. La chair est triste, hélas! et j'ai lu tous les livres. Nỗi chán chường bao trùm đè xuống, đè xuống như vòm trời một buổi đầy mây. Và cái chết, cái chết được nghĩ đến ngày đêm... O mort, Vieux capitaine, il est temps! levons l'ancre. Ce pays nous ennuie...

- Anh hay nghĩ, điều đó làm hại anh; người hay nghĩ trước sau gì cũng trở thành một kẻ điên khùng, ngớ ngẩn, một thứ raté, misfit. Trí thức chỉ làm cho người ta lỗ vốn thêm thôi. 

Nhung ngừng một lát rồi nói tiếp:

- Nhưng anh là nhà văn. Tại sao viết văn lại chẳng là mục đích của đời anh?

Thái cười gằn thành tiếng nhỏ dài. Nhung nghiêm mặt nhìn chàng trách móc:

- Tại sao anh cười? 

Thái vẫn tiếp tục cười gằn, chua chát nói:

- Nhà văn, anh là nhà văn! Thử tưởng tượng viết văn là mục đích của đời anh. Trời em, sao em lại có thể lấy phương tiện mà làm cứu cánh như vậy?

Người ta sanh ra là cốt để sống chớ có phải để làm văn chương nghệ thuật đâu em. Chỉ khi nào cảm thấy mình sống không đủ, người ta mới phải viện đến nó mà sống thêm thôi.


Thái chậm bước, đốt thuốc rít một ngụm khói dài rồi rút ống điếu ra khỏi miệng. Hai người đi vượt qua đầu xe lửa, đến một khoảng đất rộng và chẳng ai bảo ai, cả hai cùng ngừng bước. Mặt trời đã khuất sau một đám mây dầy, trời nắng bạch kim dịu dàng dễ chịu. Thái ngắm dãy núi xa trùng điệp vờn mây bông trắng đục. Đột nhiên chàng nói:

- Đứng trước núi và biển, bao giờ anh cũng thấy buồn. Nhưng mỗi thứ lại làm anh buồn một cách. Đứng trước biển, anh như bị mất hút rã tan, còn đứng trước núi, anh như cần thu mình chống chọi, Một đằng thì mênh mang giải thoát, một đằng thì khắc khoải nặng nề. Nên anh yêu biển và sợ núi. 

Nhung cười hỏi: 

- Còn đứng trước em thì sao?

- Đứng trước em, anh bắt gặp cả hai thứ buồn đó. Em là núi và biển cộng chung lại.

- Nghĩa là anh yêu em mà vẫn muốn chống lại tình yêu đó, tìm cách xa em? 

Thái gật nhẹ đầu, không trả lời. Hai người lại bước đi. Thái đưa nàng băng qua con đường sắt, vòng qua bên kia hông đoàn xe lửa. Hai người leo lên một diện tích xi-măng hình chữ nhật nằm dài ở giữa hai con đường sắt. Thái mân mê chiếc tẩu, nói:

- Anh nhớ hồi chúng ta còn nhỏ ở gần đường xe lửa, đi học về, mỗi đứa bước trên một đường rầy, nắm tay nhau giữ thăng bằng cho nhau mà đi. 

Nhung kể tiếp:

- Và mỗi buổi chiều trời mát, anh ra áp tai lên đường rầy nghe xe lửa tới, lượm đá xanh đặt lên đó cho xe qua cán nát. 

Cả hai bỗng cùng trầm ngâm, hai cặp mắt xa xôi như hướng vào chính mình, đuổi riết theo thời gian đã đi qua. Một lát, Nhung thở dài, ngậm ngùi nói:

– Lớn lên, mình lại không còn giữ thăng bằng cho nhau được nữa. 

- Đáng buồn - Thái chép miệng. 

Nhung lại nhắc:

- Em còn nhớ lúc em bắt đầu xa anh, em buồn suốt mấy tháng. Em thấy thiếu anh, thiếu những buổi chiều chạy giỡn giữa những gò mả ngoài bãi cỏ hoang cạnh đường rầy của chúng ta. Nơi ba em mới dọn đến không có xe lửa, không có bãi cỏ hoang. Từ đó, em biết là mình đã lớn khôn.

– Lúc đó, anh không như em. Con gái đứa nào cũng có một thời lớn khôn già dặn hơn con trai cùng lứa tuổi. Em đi rồi, anh không buồn lắm không thấy nhớ bao nhiêu. Buổi sáng, anh chạy qua nhà em như mọi bữa thấy cửa khóa kín, gọi hoài chẳng ai lên tiếng, mẹ anh bảo là gia đình em đã dọn đi tối hôm qua. Nhưng lúc đó bắt đầu mùa dế, anh quăng bỏ những đồng xu đáo lỗ, chạy theo những con dế ngoài đồng quên em đã mất. Rồi chiến tranh, anh bỏ học ra bưng, chạy theo những con dế mới khác, cũng không có bao nhiêu thì giờ tâm trí mà nhớ tới em. Chỉ sau này, khi anh đã bỏ về thành, anh mới chợt thấy nhớ em và nhớ mãnh liệt, nhưng chắc anh nhớ tiếc thiếu thời của anh thì đúng hơn.

Thái ngừng nói, nắm tay Nhung bước đi. Được mươi bước, chàng lại kể:

– Năm rồi, anh có dịp về quê chúng ta. Chỗ ở cũ của em chỉ còn là cái nền đất cây cỏ thờ ơ. Xe lửa không còn chạy ngang qua, đường rầy được gỡ đi, rất nhiều thứ đã thay đổi ở đó... À, năm nay mình đúng bao nhiêu tuổi rồi em?

- Ba mươi hai. 

- Tuổi tây hay tuổi ta? 

- Tuổi tây. 

Thái đọc nho nhỏ trong cổ họng: 

- Cùng một lứa bên trời lận đận... 

Bỗng sực nhớ ra, chàng kêu lên:

- À, hôm em nói với anh nhà em sắp dọn đi, anh có cho em một món quà, em còn nhớ là món gì không? 

Nhung ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt Thái cười nói:

– Anh cho em đồng chàm sắt của anh. Đồng chàm đó nguyên là một viên đạn xe hơi lớn, anh phải cầy cục mấy bữa mới để được lên đường rầy cho xe lửa cán dẹp. Anh quí nó lắm vì nó hên, thẩy rất gắn. Có hôm đánh đáo, anh chọi nó chạy vào bụi cỏ, anh bỏ cả buổi học đi tìm. Hôm đó, em cũng bỏ học tìm phụ với anh. Về nhà, em bị một trận đòn nên thân, còn anh thì không vì anh đóng kịch nói dối giỏi...

- Không phải, anh cũng bị đòn nhưng anh dấu không nói với em. 

- Thảo nào. Nhưng vì sao anh lại dấu em? 

- Hồi đó thì thật không biết vì sao. 

– Vậy bây giờ đã biết rồi chứ? 

Thái cười xòa không đáp. Rồi chàng nói lãng sang chuyện khác:

- Ông Đức Thịnh là người đứng đắn, học thức và thật lòng với em. Vậy em chớ bỏ lỡ cơ hội tốt đó để làm lại cuộc đời, đạt tới hạnh phúc. Em phải cố gắng, can đảm mới được, cố gắng, can đảm như những ngọn cỏ kia muốn vươn lên phủ cả đường rầy, dẫu bị xe qua nghiền nát tang thương, vẫn không ngừng vươn lên trở lại. Em hãy hứa với anh là em sẽ cố gắng. Em hứa với anh đi.

– Cố gắng, điều đó em không cần phải hứa với anh. Anh cũng dư hiểu là đối với đàn bà, chỉ có hạnh phúc là đáng kể thôi. Người đàn bà bao giờ cũng sống tận tâm cho hạnh phúc của mình - Nhung ngừng một lát rồi nói vội như nếu không nói ngay, nàng sẽ chẳng bao giờ nói được câu đó nữa - Anh độc ác lắm! 

Nhưng nàng lấy lại bình tĩnh, tiếp lời:

- Tại sao anh không cùng cố gắng với em như anh đã khuyên em? Trong đời người, có thứ gì đáng đi tìm hơn hạnh phúc không hở anh? 

Thái ngẫm nghĩ không lâu và chậm rãi đáp:

– Đó cũng là điều anh thường hay tự hỏi và không thể trả lời. Hạnh phúc cũng giống như Thượng Đế, kẻ nào tin, đi tìm tất sẽ gặp. Còn riêng anh, anh không hề tin ở hạnh phúc, anh cứ đinh ninh, và đinh ninh không có lý do nào chắc chắn, rõ ràng là anh không thể có được thứ hạnh phúc mà mọi người hằng ngưỡng vọng. Có phải tại anh khác người không, anh không rõ. Em trách anh độc ác nhưng em có biết đâu là anh còn độc ác với chính anh hơn độc ác với em và những người khác nữa kia. 

Nhung bỗng cười gằn, giọng hơi nặng một chút mỉa mai tàn nhẫn:

- Phải mà, anh khác người. Anh, un oiseau rare, un type pas comme les autres, un type qui n’est pas normal...

Thái ngắt ngang:

– Em im đi cho. Em không phải là anh, em không được quyền phán xét anh. 

Nhung ngang ngạnh: 

- Nhưng nếu em cứ phán xét? 

- Như vậy, em cưỡng hiếp đời sống của anh. 

Một lát, Thái dịu giọng:

- Nhưng nếu anh nói là anh ngầm hãnh diện vì sự khác người đó của anh thì em nghĩ sao?

- Em nghĩ là anh lãng mạn và ích kỷ. Phải, anh ích kỷ và chính sự ích kỷ đó sẽ làm tiêu đời anh. 

Thái lặng người, chàng không ngờ Nhung có thể nhẫn tâm như vậy. Chàng cảm thấy đau đớn. Càng đau đớn hơn nữa là vì Nhung có lý phần nào. Hai người không ai nói gì nữa. Không khí căng thẳng như một sợi dây đàn, một tiếng hơn thêm có thể làm gẫy đứt dễ dàng thâm tình giữa hai người. Thái nhủ thầm: “Như vậy có khi hơn”. Nhưng thâm tâm chàng không muốn phải như vậy. Mặt trời đã ra khỏi vùng mây, trời nắng lớn chói chang. Thái bước xuống khỏi diện tích xi-măng, nắm tay Nhung lẳng lặng đưa nàng đi về phía nhà ga. Được một đỗi, Nhung mở lời:

- Dầu sao em cũng đi Nha Trang, em nghĩ chúng ta nên làm lành với nhau vào lúc chót. Em không muốn chúng ta chia tay nhau, dẫu rằng chia tay nhau vĩnh viễn, như hai kẻ thù nghịch, với giận hờn chất chứa trong lòng. Nhân ra Phan Thiết sống với em trong nửa tháng vừa qua anh đã cho em những gì đẹp đẽ quí báu mà em chưa từng nhận được trong đời. Kể cả người yêu đầu và người chồng trước của em, họ cũng không cho em được những điều đó. Món quà vương giả là ái tình, phải hoàng tử như anh mới có để cho em. Vậy anh cũng nên cho em cho trọn, anh hãy để em được yêu anh với tất cả mối tình em đang có cho đến hết những giây phút cuối cùng này. Để lát nữa, em lên tàu ngồi một mình, giữa những người xa lạ để tới một cảnh đời xa lạ, tâm hồn em còn ngào ngạt dư hương mối tình của một thiếu thời bắt chậm. 

Nàng ngừng lại một giây, nuốt nước mắt, tiếp lời: 

– Em tiếc lắm, anh cũng hiểu là em yêu anh đến bực nào. 

Thái cũng không dấu nổi cảm động, chàng nói: 

- Anh cũng tiếc không kém gì em.

Chàng đưa Nhung vào một quán nước thưa khách cạnh nhà ga. Hai người ngồi xuống ở bàn phía ngoài trong một góc yên tĩnh, Nhung lờ đờ nhìn ra dãy núi, hướng Nha Trang. Cuộc đời mới. Tương lai, tương lai mờ mịt.

Có tiếng Thái hỏi: 

– Em uống bia không? 

Nhung đáp lơ là: 

- Gì cũng được. 

Thái gọi. Bà lão chủ quán mang ra một chai bia lớn ướp lạnh và hai cái ly đặt trên mặt bàn phủ tấm cao su. Nhung khoát tay bảo để nàng rót lấy. Có lẽ nàng muốn một lần nữa, lần cuối cùng, làm một cử chỉ dịu dàng âu yếm với người yêu. Nàng cầm tay rót khéo, không để sủi bọt, theo như sở thích của chàng. Nàng nói: “Mời anh” Thái nâng ly, nhìn biết ơn. Hai người lẳng lặng uống, không nói gì với nhau trong một hồi lâu. Thái cảm thấy dễ chịu và buồn ngủ. Chàng đưa tay lên che miệng ngáp dài. Nhung mở ví lấy son tô sơ lại vành môi. Chàng hỏi:

- Em không uống nữa à? 

– Đủ rồi. Em không thấy khát. 

Nhung bỏ cây son vào ví, ngẩng đầu lên nhìn sâu vào mắt Thái, hỏi đột ngột:

– Thật tình, em còn đẹp không anh? 

Thái làm thinh hồi lâu mới chậm rãi trả lời:

- Ra em không nhìn thấy nhan sắc em trong mắt anh sao còn hỏi nữa?

- Em lo sợ.

- Em yên tâm. Lời khen đó của một người đàn ông sắp mất em và sẽ tiếc.

- Cám ơn anh. 

Nhung yên lặng quan sát khuôn mặt mình trên tấm kiếng lớn treo trên tường. Tự nhiên nàng mỉm cười và bảo:

- Anh đưa em đi lấy vé Nha Trang. Em sẽ ra Nha Trang với nụ cười quyết thắng.

Thái gọi trả tiền đứng dậy. Bước ra khỏi quán, chàng hơi nghiêng đầu, nói nhỏ vào tai Nhung:

– Với anh, không bao giờ em xấu đi được nữa. 

Nhung nhìn Thái trìu mến, siết chặt tay chàng, mỉm cười hạnh phúc.

Hai người bước vào hiên ga. Thái bảo:

- Em chờ anh ở đây. 

Lát sau, chàng trở ra trao cho nàng tấm vé. Chàng nói: 

- Anh lấy hành lý cho em.

Hai người bước về phía đoàn xe lửa. Thái xách hai tay hai va-li to tướng của nàng. Chàng hỏi:

– Sao em mang đi nhiều hành lý vậy? Quần áo cả à? 

Nhung gật nhẹ đầu:

- Phải trong đó có hơn một nửa là những quần áo không còn vừa mặc nữa, nhưng em không nỡ quăng bỏ chúng lại. Tánh em là như vậy, em không nỡ quăng bỏ những gì đã thân quen.

Thái thở dài. Xe lửa Nha Trang đã tới, ngừng trước nhà ga. Thái chuyển hành lý lên toa. Xong hai người đứng ở hành lang, chống tay vào cửa sổ nhìn xuống. Chàng thì thầm bên tai Nhung, như với giọng của một người nào khác trong giấc mơ:

- Anh cám ơn về những ngày em đã cho anh, anh đã sung sướng nhiều trong những ngày đó, Nhờ em, anh tìm lại được rồi thời niên thiếu thất lạc của mình và đã sống đầy đủ nó... 

Xe hú còi và từ từ chuyển bánh. Thái cầm tay Nhung siết mạnh giây lâu, không dám nhìn kỹ mắt nàng, bước ra cầu thang nhảy xuống đường còn chạy theo, nói với:

- Anh mong thành công, em phải thành công, em nhớ cho!

TÔ THÙY YÊN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1798)
Lần này là một cuộc chạy trốn.
30 Tháng Tư 202311:19 SA(Xem: 1638)
Chị đã nấp dưới khăn liệm để được ôm ấp chồng đêm cuối trên dương thế.
16 Tháng Tư 20235:09 CH(Xem: 2424)
Nguyễn Tuân là người sinh ra Nguyễn Tuân. Nói cách khác, ông tự làm ra tính cách ông, làm ra cái sự độc đáo, cái sự không giống ai cho riêng ông.
11 Tháng Tư 202311:16 SA(Xem: 2505)
Không công dân nào có thể tốt hơn công dân đã nằm dưới mộ.
03 Tháng Tư 20239:50 SA(Xem: 2026)
Chuyện về thời đã qua sẽ thú vị không chỉ cho con cháu, mà cả cho những người khác nữa.
29 Tháng Ba 202310:53 SA(Xem: 2906)
Và cuộc hành trình trên cõi đời này tôi mãi tìm em.
24 Tháng Ba 20235:39 CH(Xem: 1747)
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ.
22 Tháng Ba 20233:29 CH(Xem: 3611)
Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại.
12 Tháng Ba 20231:11 CH(Xem: 1651)
Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm.
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 2944)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17025)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12246)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18970)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9161)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8313)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 599)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 968)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1151)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19170)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7884)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8802)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8494)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11048)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30703)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20811)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25499)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22898)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21720)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19774)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18047)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19242)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16915)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16108)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24491)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31939)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34927)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,