LỮ THỊ MAI - Bông Hồng Nở Trên Cao

05 Tháng Tám 20199:40 SA(Xem: 5206)
LỮ THỊ MAI - Bông Hồng Nở Trên Cao


Khi chúng tôi ngồi đối diện, cách nhau một mặt bàn, Dy ý nhị nhắn tin qua điện thoại, hẹn tôi tại bar trên tầng 19 một khách sạn 5 sao, nơi chúng tôi đang làm sự kiện. Tôi từ chối bằng tin nhắn lại, rằng có thể ngồi đâu đó cà phê với Dy. Chỉ chờ thế, Dy mời tôi về phòng riêng. Chuyến xuất ngoại vừa qua khiến nàng bã bời. Vậy mà lúc xuất hiện trước đám đông với cái danh người của công chúng, hoa hậu doanh nhân thành đạt... Dy vẫn váy áo phấn son lộng lẫy, miệng hé cười, bàn tay năm ngón thẳng thớm đưa lên cao, lắc lắc vẫy chào nhịp nhàng như rô bốt. Chỉ trước mặt tôi, nàng mới không ngại phô bày cơ thể, dung nhan quá nhiều điểm sắc nhọn kinh qua quá trình đo đạc, gọt giũa công phu của bác sĩ thẩm mỹ. Dy co cặp chân thon dài lên sofa, xì xụp ăn mì gói, uống soda trước khi kể tôi nghe về những giấc mơ chồng chất. Nàng ám ảnh một ngày nào đó sẽ không còn nhớ nổi giấc mơ của chính mình. Khi ấy Dy thà chết còn hơn. Là nàng luôn nói vậy chứ trong mắt tôi và mọi người, Dy đầy sắc sảo, tham vọng. Trong đám đông đối tác, bạn bè xã giao, nàng chọn tôi để sớt chia bí mật đời mình. Lý do vì sao chắc mỗi Dy biết, hoặc nếu là cơ duyên, đến bản thân nàng cũng chẳng tài nào lý giải.


“Chị vẫn đến gặp ông thầy thôi miên, rủ rỉ chuyện trò bình thường, người ta hỏi chị đi đâu, gặp ai, thế nào, có gì vui... dù chị chấp nhận kể lể hay che giấu thì sau đó ký ức vẫn bị xóa sạch. Anh cả nói, chỉ bằng cách ấy, chị mới được an toàn sau những chuyến đi xa cùng đám mày râu tai to mặt lớn. Nếu vỡ lở, mà bị lấy khẩu cung, chị có chịu cực hình đến nát người cũng chẳng khai nổi điều gì cả. Em cứ hình dung, chị như người bị tẩy não. Ông ta đủ chiêu trò cao tay giúp chị và đường dây của anh cả an toàn. Đàn ông qua tay chị, khối người danh giá cũng không ít kẻ đã vào tù bóc lịch, khối bà vợ bé, nhân tình chịu liên lụy đến tiệt đường sinh nhai. Bao năm chị không hề hấn”, Dy nói như bao lần, tôi lắng nghe im lặng.


Căn phòng khách sạn hạng sang sực mùi nước hoa xa xỉ của nàng. Dy có những sở thích kỳ quái khiến tôi khó chịu, trong đó có cách nàng xức nước hoa. Nàng sẽ đóng chặt cửa phòng ngủ, xịt khắp phòng, ướp mình trong làn hương đó, một lúc sau mới lim dim mở dần đôi mắt, từ từ bước chân ra. Có lần, Dy rủ tôi thử một mùi hương mới, nếu ưng, Dy sẽ tặng. Tôi chìa cổ tay mình sang phía nàng, nàng không xức nước hoa lên đó mà nắm ngay lấy, kéo tôi vào căn phòng sực nức kia. Lúc sau, tôi váng vất bước ra, toàn thân gai lạnh. Thỉnh thoảng, lại rộ tin đồn Dy cặp kè, đi khách xuyên quốc gia, được chống lưng bởi những nhân vật cộm cán... nhưng tin đồn mãi là tin đồn, Dy vẫn giàu lên nhanh chóng, bất chấp, còn khoác thêm cả loạt danh xưng, danh hiệu mỹ miều. “Chín cơ nước mắt hai hàng”, nàng nhắc lại lời ông thầy thôi miên vừa nói vừa đưa tay rút một lá bài bản mệnh. Gương mặt được chỉnh sửa kĩ càng đến từng milimet của nàng không biểu lộ cảm xúc. Tôi bỗng thấy Dy giống hệt lá bài chín cơ, từng họa tiết trái tim đỏ lòe chập chờn nhảy xổ ra khỏi chiếc đầm lụa trắng.


Cuộc tình với Tuấn đôi khi kéo tôi thoát được nỗi ám ảnh về Dy. Con đường quen thuộc dẫn chúng tôi đến điểm hẹn hò sẽ đi qua một cây bông gòn cổ thụ duy nhất trong thành phố này, tiếp đến là cây gạo sừng sững. Tuấn thành thạo như đó từng là chốn cũ của anh. Anh hồ hởi lịch thiệp chào chủ nhà hàng, trêu chọc hoặc ngợi khen lũ chó mèo cảnh nuôi trong lồng mà vẫn cẩn trọng bước phía sau tôi khi lên cầu thang. Tuấn sợ đôi giầy cao gót khiến tôi vấp ngã. Tôi yêu Tuấn vụng dại như lần đầu trong đời. Dẫu lúc này, tôi đã ba mươi tuổi. Tôi có chồng con, một mái ấm bình ổn khiến nhiều người thầm ước ao. Tuấn cho tôi cảm giác tôi vừa là một người đàn bà đúng nghĩa lại vừa được chiều chuộng, nâng niu như trẻ nhỏ. Tuấn từng cao hứng thả tôi xuống vỉa hè, trước một hàng bánh mì cổ truyền để tôi phụng phịu xếp hàng. Chiếc quạt máy phe phẩy chẳng thấm tháp gì với nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ. Tôi hết nhướn người lên xem bao giờ tới lượt mình lại chớp mắt nhìn xuống đôi giầy cao gót mảnh khảnh rồi đến điệu bộ nhàn hạ, bất cần của bà chủ quán đang đều tay rạch bánh mì, phết bơ, cho nhân pa-tê, xá xíu... Nóng bức, bực dọc, tôi đỏng đảnh ra xe, dằn dỗi ngồi sau lưng Tuấn, anh chợt dịu dàng vòng tay lại, chạm đúng khoảng lưng lấm tấm mồ hôi, xoa thật nhẹ và sâu. Thế là tôi lại ngoan như một con mèo nhỏ, dựa vào anh thút thít.


Tôi không ngại nói với Dy rằng tôi đang hạnh phúc vì có Tuấn. Khoảnh khắc ấy, mắt nàng chấp chới mù sương. Dy không nhớ nổi có bao người đàn ông đã đi qua đời mình, cuộc tình nào thăng hoa đỉnh điểm, cuộc tình nào bầm dập xót xa. “Có thể là có, nhưng tất cả bị xóa sạch rồi, giống ký ức về ba mẹ chị lúc chết vì vượt biên, chị chập chững lên ba, nhớ nổi gì đâu”, giọng Dy đều đều buồn tẻ. Điều Dy nhớ nhất, thường hay nhắc lại nhất trong mỗi cuộc chuyện trò là những món ăn tuổi thơ như khoai sắn, bánh xèo và một con búp bê đẹp rực rỡ xa hoa trong tủ kính nhà bà cô họ. Dy nuôi mộng ước sau này có váy áo đẹp đẽ, son phấn kiêu kỳ, kẻ môi trái tim, thu hút mọi ánh mắt thèm thuồng, ghen tị. Thì Dy bây giờ đang thế đấy thôi. Giấc mơ thuở bé vụt biến thành tham vọng, thành con đường nàng không cho phép mình quay đầu. Vậy mà gặp tôi Dy chỉ khóc, nàng sợ đến những mảnh vụn ký ức màu mè, lấp lánh ấy lúc nào đó cũng không còn giữ được. Nàng tìm cách chuyển mọi bí mật sang tôi. Một người theo Dy là đủ tin cậy, không quá xa lạ cũng chẳng thân gần. Tôi khiến Dy tin những gì nàng muốn giữ đều giữ được.


Lại nói về anh cả Dy từng nhắc đến. Đó thực sự chẳng phải anh em bà con gì với nàng. Hắn hành nghề môi giới mại dâm đội lốt doanh nhân, chuyên kết nối, bảo kê cho những cô gái có chút danh hiệu, tài sắc như Dy. Đối tượng khách hàng hắn nhắm tới là đám đàn ông giàu có, thích của lạ, chịu chơi và đặc biệt là hết cuộc vui không lằng nhằng đòi tiến đến một mối quan hệ xa xôi, phức tạp. Mọi kinh phí đều đổ về túi anh cả. Dy sẽ được tính toán, chia chác hợp lý, thậm chí là hào phóng. Anh cả luôn thấu hiểu Dy. Bù lại, Dy phải chấp nhận nhiều yêu cầu. Một điều Dy không được phép làm sai đó là sau mỗi chuyến đi khách đều phải đến nhà ông thầy thôi miên để trò chuyện và xóa ký ức. Điều kiện ấy luôn được nàng tuân thủ trước khi gặp tôi. Những trang hồi ức của Dy đầy dần sau mỗi chuyến đi. Nàng đáp thẳng máy bay từ nước ngoài về thành phố tôi đang sống, đổ đầy vào tôi một kho kí ức, xong xuôi lại ra sân bay đến thành phố khác tìm thầy thôi miên.


Chuyện của Dy khiến tôi mất ăn mất ngủ, toàn bộ trí lực bị rút kiệt. Dy kể, có những gã đàn ông béo ục ịch, đặt nàng nằm lên vùng bụng chảy xệ, lạnh toát và không ngừng cấu xé. Dy có vẫy vùng, la hét bao nhiêu cũng không thoát nổi cái biển mỡ người lùng bùng đang dâng đầy, nàng nhắm nghiền mắt chờ đối phương thiếp đi vì mệt lả. Dy kể, nàng vô cùng sợ hãi cặp mắt một gã doanh nhân được các báo lá cải khen ầm ầm về mã ngoài bảnh bao như minh tinh điện ảnh. Sau khi tắm táp, tháo bỏ kính cận, gã nhìn nàng bằng đôi mắt sói, chiếc răng khểnh bình thường trông khá duyên bỗng chìa thành chiếc nanh sắc nhọn, ngoạm đúng vùng da gáy đầy nhạy cảm. Dù sao, Dy vẫn chỉ là một món hàng, không hơn. Còn họ, mang danh doanh nhân, trí thức thành đạt nhưng đàn ông một khi rải tiền trên cơ thể phụ nữ vẫn chỉ là những con thú ham cấu xé, bày trò bản năng và thô bạo. Tôi rùng mình nhớ câu nói người xưa “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Lời Dy lúc nào cũng khô khốc, không xúc cảm. Nàng từng khóc trong chuyến đi đầu tiên, khi thức dậy giữa buổi sáng trong veo nơi xứ lạ, ga giường thì trái lại, nhầy nhụa, nhàu nhĩ. Điện thoại Dy rung lên bản nhạc chờ giai điệu cũ xưa: “Nhắn giúp cho ta chim ơi. Nhắn giúp cho ta mây ơi. Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào?”. Sau lần ấy, nước mắt Dy chỉ chảy về phía tôi. Đến dòng ký ức ngắn ngủi và bản nhạc chờ nếu không được nàng chép vội trong một cuốn sổ tay với những dòng mở đầu: “Ngày... tháng... năm... cô gái tên Dy đã chết! Vào một buổi sáng bên ngoài kia thật tinh tươm, còn trong này đêm qua là địa ngục, giờ cánh cửa ấy vẫn mở toang...” thì cũng rơi vào quên lãng.


Tuấn luôn gặng hỏi vì sao tôi lơ lễnh, mất hồn trong vòng tay anh, hay tôi đã có người đàn ông khác. Tự ái, tôi vùng khỏi chốn hẹn hò, lao như điên ra con đường ven đô, tán cây bông gòn cổ thụ đủ cao rộng để tôi nhìn thấy vô số chùm quả nứt vỏ hệt những bàn tay đang sẵn sàng thấm khô đôi mắt giàn giụa nước. Hình như, trong rất nhiều tình huống đàn ông thường chỉ nghĩ được đến thế. Tuấn không nhận ra tôi đã xanh xao đi nhiều, liên tục có những cơn buồn nôn, chóng mặt. Anh hờn mát mỗi lần tôi qua khách sạn cùng Dy: “Coi chừng con nhỏ đó đồng tính”.


Những chuyến bay lệch kế hoạch của Dy về thành phố tôi ở thay vì về bên anh cả, tới nhà ông thầy thôi miên đã bại lộ. Khi tôi ngồi đối diện cặp chân dài của Dy đang co trên ghế sofa thì một nhóm người lạ ập vào, đưa nàng đi. Dy chẳng kịp nói gì, mất liên lạc với tôi nhiều ngày sau đó. Run rủi thế nào, tôi tiếp tục trở thành nơi cất giữ ký ức cho người đàn ông đầu tiên Dy yêu. Người ấy kể, Dy yêu điên cuồng nhưng nàng đầy tham vọng. Tham vọng nhấn chìm tình yêu. Không ông thầy cao tay nào thôi miên mà xóa sạch được ký ức. Chính Dy đã tự lựa chọn xóa ký ức của mình để bước tiếp con đường phù hoa, ảo vọng.


Sau chuyến vượt biên thất bại, cha mẹ bỏ xác giữa trùng khơi, Dy được bà cô họ nuôi nấng cưu mang, đến tuổi thiếu nữ sắm sửa cho một vẻ ngoài phú quý và lý lịch danh giá để kiếm chồng giàu sang. Cô ấy học đàn, khiêu vũ, ngoại ngữ, được giới thiệu có bố mẹ định cư nước ngoài. Những dòng nước mắt tủi hổ, cay đắng của Dy chỉ biết chảy về phía tôi – một thầy giáo nghèo dạy đàn. Rồi số phận đẩy tôi sang một lối rẽ khác, ở một miền đất xa lạ khác. Tôi mất tin tức, không gặp lại Dy cho đến khi cô ấy bầm dập, bị hất ra vỉa hè, trước mũi giầy của tôi. Gã chồng hờ mà Dy được bà cô họ đưa mối giở thói ghen tuông, hành hạ rất tàn nhẫn. Nhận ra tôi, Dy ngước mắt nhìn, giọng yếu ới gọi “Thầy ơi! Thầy!” và ngất lịm. Chuyện gì đến cũng đến, Dy ngập vào tôi bằng thứ tình yêu mỏi mệt, ê chề nhưng tái sinh hồn nhiên, vụng dại ngay sau đó. Có những đêm, trên căn gác tầng áp mái của ngôi nhà nhỏ giữa thành phố ngột ngạt và ô tạp ấy, tôi hát đủ cho mình Dy nghe câu ngày xưa tôi đàn cho cô ấy hát: “Hàng mi đen láy như nhung vì nắng chiều/ Trên vai em tôi, nỗi buồn dài theo mái tóc”. Trải qua cay đắng, Dy vẫn đẹp vô cùng, cô ấy đều đặn kể cho tôi nghe giấc mơ được biến thành con búp bê rực rỡ, tôi có cảm giác mình sẽ mất Dy.


Tôi đưa Dy về quê, tìm cho cô ấy một nơi nương náu. Từ khi tôi vấp váp, đổi nghề, rủng tỉnh tiền bạc và không còn là thầy giáo dạy đàn nghèo rớt, cha tôi chữa được bệnh nan y, căn nhà lá được xây lại thành biệt thự cao tầng, sung túc, có người ăn kẻ ở. Mẹ mất sau khi sinh tôi, căn nhà ấy luôn chỉ có cha con tôi nương tựa sớm hôm. Sau lần dạy đàn cho Dy, cha tôi đổ bệnh, tôi tìm mọi cách để kiếm tiền từ bốc vác ngoài ga tàu, bến cảng, ban đêm vẫn dạy đàn. Một gã đàn ông giàu có luống tuổi đã đề nghị tôi giới thiệu cho hắn cô bé học trò tôi dạy kèm. Hắn ứng trước một khoản tiền hậu hĩnh, đủ làm mắt tôi sáng lên chạy vụt về căn nhà lá gọi “Cha ơi! Cha được cứu rồi!”. Sau này, dấn sâu vào nghề ấy, tôi mới biết mình là môi giới mại dâm khi con em thiên hạ vẫn còn gọi bằng thầy.


Tôi kể cho Dy nghe tất cả nỗi đau trong ký ức, cô ấy rơi nước mắt, xiết chặt tay tôi. Một buổi sáng thức dậy, tôi không thấy Dy đâu. Đến đây, chắc cô đã hiểu cái nghề tôi kiếm sống? Tôi tìm thấy Dy, đánh mất Dy cũng quanh quất trong mùi phấn hương, váy áo đàn bà. Dy khao khát đổi đời, lột xác nên rời khỏi vòng tay tôi, bước trùng vào con đường cũ, trùng cả vào con đường tăm tối nhiều lần tôi muốn thoát ra. Không hiểu cô ấy đã gặp ai, làm những gì, đi tới đâu mà vài năm sau trở về với vẻ ngoài lộng lẫy, thân phận cao sang. Cô ấy gọi tôi là anh cả như bao cô gái khác dưới trướng tôi. Dy mở lời đề nghị kết hợp làm ăn, cô ấy sòng phẳng, chơi đẹp lại khôn ngoan nên ngày càng lừng lẫy trong thế giới ngầm buôn phấn bán hương nhầy nhụa. Suốt thời gian dài, tôi vẫn không tin vào mắt mình và tim mình, tôi đi tìm Dy ngày xưa cũ, tôi điên cuồng thử thách, kiểm tra Dy bằng mọi cách, kể cả nhờ đến ông thầy thôi miên. Rốt cuộc, ông ta chỉ lắc đầu.


Anh cả của Dy nói với tôi như vậy. Trong chính căn phòng hắn đã cho nhóm người tới đưa Dy đi xa. Cho đến bây giờ, tôi không thể phân định được lời nói của Dy hay của người đàn ông ấy là sự thật. Họ cùng trút lên tôi bầu không khí trầm đục, mù mờ, quánh đặc như không thuộc thế giới này...


Dy chủ động xóa ký ức hay bị ép xóa ký ức? Thứ gọi là ký ức mà tôi cất giữ cho Dy vì nàng sợ bản thân đánh mất liệu có bao nhiêu phần trăm sự thật? Những câu hỏi mông lung cứ ngập dần trong đầu óc tôi. Còn sự thật gần gũi, xót xa nhất là tôi đã mất Tuấn sau chuyên án triệt phá đường dây mại dâm cao cấp xuyên quốc gia mà Dy và anh cả là mắt xích quan trọng. Cả tôi cũng bị đưa vào danh sách theo dõi, điều tra. Tuấn thực sự là ai, bấy giờ tôi mới bàng hoàng vỡ lẽ.


Tôi bẽ bàng trở về, tiếp tục làm con búp bê trong bốn bức tường căn nhà cổ. Sáng sáng, chồng tôi sẽ hỏi: “Em uống đủ thuốc chưa?”, “Hôm nay nắng lắm, để anh đưa em đi làm”... Con gái tôi từ lúc ba tuổi đến giờ luôn canh chừng tôi như nó mới là bà mẹ trẻ. Nó luôn xếp sẵn những đôi giầy gót cao vừa phải bên cửa phòng tôi, dõi mắt chờ tôi tiện tay lựa chọn. Nó sợ tôi vấp ngã trên những đôi giầy cao gót lênh khênh, nhọn hoắt. Ký ức của những người dưng đủ để tôi in ấn vài cuốn sách, như niềm mất mát đã trôi qua. Chồng tôi luôn nói, đã là đứa con tinh thần thì phải nuôi nấng, chăm chút và chấp nhận trả một cái giá nào đó, nhiều khi là máu và nước mắt. Hoàn thành nhiệm vụ, Tuấn ra đi trong im lặng. Còn tôi thì đã yêu anh. Tôi chẳng cần nhờ ai giữ giùm tôi ký ức ấy, như những người lầm lỗi đã từng. Có chăng, tôi hay nhớ chùm quả bông gòn trắng xóa bung nở tít trên cao thả xuống buổi trưa tôi vùng chạy khỏi vòng tay Tuấn. Bây giờ và sau này, khi những con chữ ứa ra như nước mắt, tôi luôn thấy chùm quả từ tán cây cổ thụ ấy rụng rơi thật dịu dàng, thấm tháp như bàn tay Tuấn chạm nhẹ sau lưng tôi. Tuấn hỏi han, chia sẻ với tôi rất nhiều. Tôi tự nhủ lòng đủ can đảm để xóa mọi ký ức. Nhưng có lần anh thủ thỉ: “Khi em nói, em sẽ viết gì đó vào trang giấy, lòng anh vui vô cùng”. Chẳng biết Tuấn đã xóa ký ức đó chưa, nhưng với tôi, đó mãi là những lời chân thật.


Hà Nội, ngày 6/7/2018

LỮ THỊ MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1812)
Lần này là một cuộc chạy trốn.
30 Tháng Tư 202311:19 SA(Xem: 1649)
Chị đã nấp dưới khăn liệm để được ôm ấp chồng đêm cuối trên dương thế.
16 Tháng Tư 20235:09 CH(Xem: 2450)
Nguyễn Tuân là người sinh ra Nguyễn Tuân. Nói cách khác, ông tự làm ra tính cách ông, làm ra cái sự độc đáo, cái sự không giống ai cho riêng ông.
11 Tháng Tư 202311:16 SA(Xem: 2519)
Không công dân nào có thể tốt hơn công dân đã nằm dưới mộ.
03 Tháng Tư 20239:50 SA(Xem: 2051)
Chuyện về thời đã qua sẽ thú vị không chỉ cho con cháu, mà cả cho những người khác nữa.
29 Tháng Ba 202310:53 SA(Xem: 2921)
Và cuộc hành trình trên cõi đời này tôi mãi tìm em.
24 Tháng Ba 20235:39 CH(Xem: 1762)
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ.
22 Tháng Ba 20233:29 CH(Xem: 3635)
Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại.
12 Tháng Ba 20231:11 CH(Xem: 1664)
Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm.
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 2967)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9172)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7898)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30716)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,