VĨNH QUYỀN - Đường bay Boomerang

09 Tháng Chín 20199:29 SA(Xem: 5848)
VĨNH QUYỀN - Đường bay Boomerang

Điện thoại reo liên tục kéo tôi ra khỏi đám mây u minh vây hãm. Đảo mắt nhìn quanh không thấy bóng dáng y bác sĩ đâu. Những mảng tường trắng và giường tủ bàn ghế xanh lam lạnh lẽo của bệnh viện cũng biến theo, chỉ giá truyền dịch và monitor theo dõi sinh hiệu đặt gần đầu giường nhắc nhở tình trạng của tôi. Vậy là tôi đã về nhà, được nằm giữa thư phòng rộng thoáng có từ đầu thế kỷ 19, và giữa những kệ sách gần như bao kín tường. Mùi giấy cũ ngai ngái quen thuộc thay thế mùi thuốc tẩy phòng điều trị giúp tôi thở dễ dàng hơn.

Tiếng chuông vẫn réo. Tôi nhớ ở đây không hề có điện thoại và nghĩ chắc là mới được lắp đặt. Rồi tôi biết ai làm chuyện này khi Hạnh từ bên ngoài te tái chạy vào nhận cuộc gọi.

Phải, cô là người đã báo tin cho cháu. Hạnh ngừng một lúc, tiếp: Từ sân bay Phú Bài về Vỹ Dạ khoảng ba mươi phút taxi, cháu còn lưu địa chỉ cô gửi hôm trước?... Ba cháu vẫn vậy, dưới mức điểm 3 Glasgow, khi tỉnh có thể mở mắt nếu có ai gọi to nhưng không trả lời được... Có con trai về bên, biết đâu ba con hồi phục...

Tôi hiểu Hạnh đang nói về tôi và hóa ra tôi có một đứa con trai trên đời. Như có luồng điện truyền dọc sống lưng, tôi từ từ ngồi dậy.

Hạnh chuyện trò khi đang nhìn vào tôi, ánh mắt cho biết cô không thấy tôi như vừa tỉnh thức sau giấc ngủ ngon và chưa hề xảy ra biến cố hôn mê.


Cháu đừng ngại, cô làm nghề y mà, quen chăm sóc người bệnh rồi... Giọng rất đỗi dịu dàng, Hạnh căn dặn: Cô sẽ đón cháu đầu cổng, đi đường cẩn thận nghe...

Ba mươi phút nữa tôi gặp con trai? Có còn kịp không? Nhận biết của tôi lúc này phải chăng là đợt bừng tỉnh cuối cùng như người ta vẫn ví với khoảnh khắc bùng sáng của ngọn đèn sắp tắt?

Chưa bao giờ tôi thiết tha phút giây hữu hạn đời mình thế này, cũng chưa bao giờ biết ơn Hạnh đến thế này dù cô đã “cấm” tôi “cám ơn”. Hạnh từng nói nếu có một người sinh ra để trao cho một người chăm lo bất chấp ngang trái mà người xưa gọi “nợ đời” thì anh chính là “nợ đời” của em. Ở thư phòng này tôi từng nắm tay Hạnh, cô bé kém tôi ba tuổi, dạy nắn nót kẻ từng con chữ, rồi giờ đây, bàn tay ấy đút cho tôi từng thìa sữa.


Vâng, mọi chuyện bắt đầu từ sữa và có lẽ sẽ kết thúc với sữa.

69888866_221922132109039_4594321203656654848_n

Đầu thập niên năm mươi thế kỷ trước Huế còn những đứa trẻ lớn lên bằng sữa các bà vú tuyển chọn. Tôi vẫn thầm xấu hổ là một trong bọn chúng nhưng sự thật thì tôi còn là đứa chật vật để cách ly được bầu sữa của người vú. Trong nhà gọi vú theo tên con, vú Hạnh. Tôi gọi theo, riết không còn biết tên thật của vú, tên cúng cơm cũng như tên khai sinh. Sau khi tôi cai sữa “thành công”, vú bồng bé Hạnh đến, tiếp tục ở trong nhà tôi với những công việc khác. Gần cuối đời vú dựng được nếp nhà riêng cạnh khu vườn nhà tôi, ban đầu đơn sơ, sau Hạnh dành dụm từ đồng lương y tá, xây mới khá khang trang.

Hồi Hạnh mười ba, đến tuổi trổ mã, mỗi lần ai chê gầy mảnh, hoặc thúc ép ăn thêm cho “có mỡ có nạc”, Hạnh lại nói tại hồi nhỏ nhường hết sữa cho cậu chủ nên ra nông nỗi, chừ có ăn nhiều cũng chẳng bù được. Có thể Hạnh chỉ nói đùa, hoặc giả bộ tủi thân để che giấu thói biếng ăn, nhưng nghe vậy tôi thấy mình có lỗi. Một buổi tối, tôi mang ly sữa bột Guigoz từ nhà trên băng qua khoảng sân lát gạch bát tràng xuống nhà dưới cho Hạnh.


Uống đi. Tôi nói cộc lốc.

Hạnh sợ hãi: Ui, bà biết được thì chết, cả anh và em, sữa ni mắc lắm đó, bà mua cho anh có sức thức khuya học thi, em không dám uống mô.


Tôi lại nói uống đi, nghe như lệnh.

Hạnh xua tay, quay mặt tránh nhìn ly sữa bốc hơi nóng thơm trên tay tôi.

Uống đi. Tôi nói giọng muốn khóc.

Hạnh dạ nhưng nằn nì: Anh uống trước, chừa cho em một ít là được rồi.

Tôi lắc đầu: Hồi nhỏ anh uống hết phần sữa của em, chừ nhường cho em.

Sợ cãi cọ kéo dài khiến người lớn biết chuyện, Hạnh bưng ly sữa uống một hơi cạn.

Ngon thiệt. Hạnh xuýt xoa khi đưa tay áo chùi mép: Anh đừng pha làm chi, thỉnh thoảng cho em muỗng bột sữa, ngậm thích hơn.

Tôi gật đầu, ngoéo ngón tay trỏ với Hạnh.

Đó là cam kết bí mật đầu tiên giữa hai đứa.

Hạnh sau tôi ba lớp, vậy mà viết chữ đẹp không thua chi tôi và còn có thể viết giống chữ tôi. Số là hàng năm vào hai dịp tết và hè, đại gia đình tôi tổ chức cho con cháu khắp nơi về phủ thờ gặp nhau để sau này biết anh biết em, vừa vui chơi vừa tìm hiểu dần lịch sử dòng tộc, trong đó có mục chép gia phả, mỗi kỳ chừng hai, ba chục trang giấy manh. Trong vòng vài năm, những bản sao ấy lần lượt hoàn thành và được đóng thành tập đặt trong tủ lưu niệm.

Cũng thời gian đó bài học vỡ lòng về lịch sử dòng tộc và đất nước cứ tự nhiên chảy thấu vào ký ức mỗi đứa trẻ, ít nhiều tùy tâm tính mỗi đứa, bởi sao chép là một cách ghi nhớ có hiệu quả. Khi đứng tuổi, có dịp về phủ thờ, mở xem cuốn gia phả chính tay mình cày cục chép, ai cũng xúc động như đang khẽ chạm vào tuổi thơ, chạm vào một thời đẹp đẽ đã xa và không thể không bật cười rớm nước mắt thấy lại nét chữ non dại của mình ở những chương đầu.

Tôi cũng nằm trong số đó, nhưng có cái khác với anh em cùng trang lứa trong đại gia đình, tôi còn nhận ra đâu là nét chữ của Hạnh bên cạnh nét chữ của tôi.

Hồi đó, tôi lười chép gia phả, bị nhắc nhở hoài. Hạnh khuyên tôi hãy làm như các anh em khác để được yên, tôi bảo việc chi phải chép khi đã có bản in, có lần tôi còn nói đó chỉ là trò tra tấn. Hạnh lặng lẽ tập viết giống chữ tôi, thay tôi chép chương cuối để tôi nộp cho đủ lệ. Cũng là một trong những bí mật giữa hai đứa.

Hôm trao xấp bản sao gia phả cho tôi, Hạnh nói giọng vừa ấm áp vừa ngậm ngùi: Chừ em biết nhiều về dòng dõi nhà anh trong khi không biết chi về nhà em. Lúc đó tôi muốn an ủi Hạnh nhưng không biết cách, đành giữ im lặng.

Sau này mỗi lần sang nhà Hạnh tôi đều lên gian thờ thắp hương cho vú. Nhìn ảnh thờ tôi lại gặp đôi mắt hiền hòa, buồn mơ màng và có cả lo lắng bất lực.

Tôi nhớ hình như đôi mắt đó vui hơn, bình yên hơn khi tôi nhỏ dại. Ký ức của tôi còn giữ hình ảnh vú tắm cho tôi và Hạnh chung một thau nước lớn giữa sân gạch. Tai tôi còn vẳng tiếng khóc, tiếng cười trong quá khứ. Tiếng khóc là của Hạnh khi bị tôi hắt nước vào mặt. Tiếng cười sằng sặc vì nhột là của tôi khi vú xốc nách đưa lên cao, hôn chùn chụt vào bụng dưới của tôi nói nựng “của báu” của vú đây.

Cũng có thể những hình ảnh ngọt ngào xa xôi ấy tôi không thể tự nhớ mà các chuyện kể “ngày xưa” của vú khi tôi đã lớn khôn hơn đã chuyển thành ký ức.

Mọi chuyện trở nên xáo trộn, khó hiểu và cả bồn chồn khi tôi mười sáu, hay chính xác từ một trận mưa vàng mùa hạn. Tôi ở trần mặc quần đùi chạy từ nhà trên ra sân gạch gọi Hạnh ơi tắm mưa. Từ nhà dưới Hạnh mặc bộ bà ba vải hoa chạy ra hưởng ứng. Hai đứa nhảy cà tưng hét vang lạy trời mưa to.

Được một lúc tôi khựng lại nhìn chăm vào thể hình khác phái nơi Hạnh đã thầm kín “có mỡ có nạc” từ lúc nào giờ phơi lộ dưới lớp vải ướt dính sát. Cũng là lúc Hạnh giật mình nhận ra tôi cương cứng không cách gì che đậy.

Vú Hạnh từ đâu xuất hiện phá vỡ trạng thái đờ đẫn của hai đứa, kéo tuột con gái vào nhà dưới sau khi ném vào tôi cái nhìn dữ dội. Hoang mang tột cùng, tôi đứng xuội một mình giữa sân, nước mắt hòa nước mưa, rùng mình nghe đòn roi giận dữ trút lên thịt da Hạnh.

Đêm hôm đó, đợi nhà trên nhà dưới ngủ yên, tôi tìm Hạnh, nhưng người tôi gặp là vú. Vú ngồi im trong góc tối, mắt long lanh ánh đèn dầu leo lét.

Con xin lỗi vú, con chỉ mang sữa cho em. Tôi nói và đặt ly sữa nóng xuống bàn.

Chờ mãi không thấy vú phản ứng, tôi rón rén quay lên. Lúc đó vú lên tiếng, giọng trầm ấm như chưa hề có trận mưa không bình thường ban chiều: Con không có lỗi chi hết, chỉ là con đang lớn thôi, nhưng từ nay trở đi, vú sẽ giận nếu con còn xuống đây tìm em Hạnh.

Tôi lau nước mắt hỏi vì răng rứa vú.

Lớn lên con sẽ hiểu.

Vú nói rồi đứng lên cầm ly sữa đổ hắt ra sân, đưa trả cái ly cho tôi.

Tôi sững sờ một giây trước khi chạy về phòng, chui vào chăn, run bắn người và bắt đầu trận sốt ba ngày đêm.

Từ đó tôi không thấy Hạnh ra sân, mọi chuyện đi về của em đều diễn ra ở cổng sau. Còn tôi thì giữ lời hứa, thật ra vì sợ, cũng không bước xuống nhà dưới. Nhưng không biết chắc tôi làm vậy được bao lâu nếu không có chuyện ba tôi đi làm lãnh sự ở Tokyo và đưa tôi sang đó du học.

Mẹ con vú Hạnh dự bữa cơm gia đình trước ngày tôi lên đường. Tôi hỏi Hạnh muốn quà gì tôi sẽ mua. Hạnh nhìn nhanh sang mẹ rồi lắc đầu nói em không biết. Nhưng hôm sau Hạnh lén mẹ lên nhà trên giúp tôi đóng va-li.

Nếu có cho em thứ chi thì là chiếc boomerang nghe anh. Hạnh nói khi quay lưng về phía tôi.

Nơi anh đến là Nhật chứ phải Úc đâu, mà con gái ai lại chơi boomerang? Tôi ngạc nhiên.

Em chỉ muốn một thứ luôn trở về sau khi bay đi, anh biết không?

Những tiếng cuối cùng lẫn vào tiếng khóc. Hạnh vùng chạy xuống nhà dưới, đóng sập cửa, bỏ lại tôi một mình với cái va-li xếp dở.

Thì tôi đã trở về nhưng muộn so với dự tính. Năm bảy lăm trong nước xảy ra biến cố lịch sử, ba tôi không thể về nước rồi ngã bệnh. Trong thời gian đó tôi giành được học bổng nghiên cứu sinh dân tộc học, sau giờ đến trường là đến bệnh viện, cho đến khi ba mất. Tôi đã rước lọ tro hài cốt ba cùng về nước chuyến đầu tiên đúng như nguyện vọng của ông.

Về, đặt va-li dưới mái hiên ngôi nhà đóng im cửa là tôi sang ngay nhà Hạnh. Nôn nóng nhưng dè dặt. Bao nhiêu thư tôi gửi Hạnh đều không được hồi âm.

Hẳn đã có sự nghiêm cấm của người mẹ.

Tôi ngỡ ngàng thấy Hạnh đón tôi trong bộ áo tang. Hóa ra hôm ấy rơi đúng lễ bốn mươi chín ngày mất của vú.

Thắp hương, tôi thành kính đứng lặng trước chân dung người gần như cả đời vừa gắn bó thương yêu tôi vừa tìm cách xa lánh thậm chí xua đuổi tôi khỏi thế giới riêng của hai mẹ con bà. Thực ra tôi đã không còn buồn hận điều đó từ khi được nghe chuyện đời vú và hiểu rằng bà không muốn con gái lặp lại vòng đời của mình.

Hạnh đứng riêng một góc, nhìn tôi và nhìn khói hương lãng đãng, cuối cùng lên tiếng: Anh về hẳn hay lại đi?

Tôi nhìn Hạnh một lúc, bảo còn tùy.

Hạnh mời tôi dùng trà nhưng tôi muốn ra vườn. Dưới gốc nhãn Hạnh che miệng cười và mắt chớp nhanh khi tôi lấy ra từ túi xách chiếc boomerang bằng sừng chạm hoa văn thổ dân Úc.

Của em đó, anh ném em xem nhé. Tôi nói.

Nó có bay trở lại không anh? Hạnh hỏi giọng lo lắng.

Tôi gật đầu, và ném.

Chiếc boomerang bay xoáy trong ráng chiều như cánh chim thần thoại, va đập vào một thân cau, bật lên không, chẳng thể quay về điểm xuất phát và mất dạng trong tán nhãn xao gió.

Tôi và Hạnh nhìn nhau ngơ ngác rồi cười nắc nẻ như thời trẻ dại.

Tiếng bước chân dẫm lên lá khô phía sau khiến chúng tôi ngoảnh lại. Người đàn ông rắn rỏi đứng tuổi cùng con bẹc-giê quấn quýt bên chân thư thả tiến về phía chúng tôi.

Dạ, đây là nhà em, anh Thạch. Hạnh giới thiệu.

Tôi và chồng Hạnh bắt tay làm quen.

Con chó nghếch mũi đánh hơi khìn khịt khiến tôi e ngại.

Bim, nằm xuống! Thạch gằn giọng. Con chó ngoan ngoãn vâng lời chủ. Thạch hơn tôi mười tuổi, kỹ sư lâm nghiệp, một trong số ít người sớm bỏ việc nhà nước thành lập công ty tư nhân, chuyên xuất khẩu gỗ.

Tôi nói mấy câu xã giao với Thạch nhưng đầu bận bịu chuyện khác.

Hạnh lập gia đình mà không báo cho tôi nhất định là có chủ ý của vú. Tình thương yêu vú dành cho tôi là hiển nhiên nhưng tôi lại là kẻ cản trở giấc mơ của vú. Nếu Hạnh làm dâu nhà tôi, dẫu sau có thành “bà chủ trẻ”, cũng không hoàn toàn thoát ly thân phận. Tôi vẫn ám ảnh động tác quả quyết của vú khi đổ hắt ra sân ly sữa tôi nhường cho Hạnh. Hờn giận phôi pha theo thời gian và tôi thấy mình ngưỡng mộ giấc mơ của vú.

Chưa sẵn sàng cho một cuộc chuyện trò thật sự, ba chúng tôi ngửa mặt nhìn lên tán nhãn tìm kiếm. Không biết Hạnh nghĩ gì còn tôi ước chi mình đã không trở về, thà như chiếc boomerang mắc vướng đâu đó trong vòm xanh kia.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 6658)
Tiểu Ngục hỏi: Tại sao con cứ mãi nhớ một người như vậy? Con đã uống nước sông Đoạn Hà. Con đã cùng ta chịu thử thách qua bao nhiêu khoảnh khắc của nước trời
16 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 8159)
Ba mê cờ tướng bỏ cơm. Ba ngồi ở nhà bác Mười từ sáng sớm. Trưa con chạy qua mời cơm, bác Mười bảo: “Ba mày đang đem pháo dẹp xe mã người ta, không về được đâu!”
10 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 10640)
Tôi đứng giữa phố Sét tưởng như từ lâu lắm rồi. Con đường vắng tanh, dài hun hút như một giấc mơ không có đoạn kết
03 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 7267)
Đi đến đầu chợ Lò Vôi đã nghe tiếng nhốn nháo rồi tiếng chân người chạy rầm rập.
12 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8620)
Hai tay Hoàng Anh níu lấy tay tôi và đôi mắt to tròn của nàng long lanh nhìn lại tôi, tôi tưởng chừng như chưa bao giờ thấy nàng đẹp và ngọt ngào đến như thế!
09 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 7645)
Bắt đầu từ tuổi đi học đến lúc trưởng thành. Mẹ tôi nhất nhất tuân theo lời giáo huấn của các ngưòi lớn như một sự tùng mệnh
05 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 7457)
Đã gần trưa mà Khệnh vẫn chưa mó mẩn được việc gì, hết đi ra lại đi vào, rồi lại uể oải ngồi phịch xuống cánh phản mố
02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 8764)
Rời khỏi quán La Pagode, Hưng chạy xe gắn máy ngang qua đường Trương Định, bất ngờ một chiếc xe Honda vọt tới
26 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 7365)
Nằm gọn trong thung lũng sông Vàng, sau trận lụt từ trên cao nhìn xuống làng Hạ nham nhở, loang lổ như một bức tranh vẽ dở chưa khô mực.
24 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6799)
Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17056)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12265)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9177)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8349)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19184)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11067)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22913)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,